Nhận xét: Trước can thiệp, sự hài lòng của người bệnh đối với ĐDT giữa hai nhóm can thiệp và chứng: có sự khác biệt (Về cử chỉ; Đáp ứng ngay; Thăm hỏi, ĐV; Kiến thức CM; Kỹ thuật CM; Thủ tục khám và nhập viện; Thực hiện CM có KH và hiệu quả với p < 0,05); không có sự khác biệt (Về lời nói; Tư vấn, GDSK; Cách bố trí công việc CS, điều trị với p > 0,05). Sau can thiệp, sự hài lòng của người bệnh đối với ĐDT nhóm can thiệp cao hơn nhóm chứng; sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.
Thông qua các cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm các nhà quản lý bệnh viện/khoa, các ý kiến đều cho rằng ĐDTK là người gương mẫu, làm việc có trách nhiệm, biết hy sinh, tập hợp ĐDV đoàn kết, họ được mọi người tín nhiệm, người bệnh hài lòng. Tuy nhiên, do áp lực công việc có lúc, có khi còn bộc lộ sự nóng nảy, thiếu bình tĩnh.
“Vẫn biết để đáp ứng với yêu cầu chất lượng quản lý điều dưỡng thì đang còn nhiều vấn đề nhưng bù lại chị em chăm chỉ, cần cù, trách nhiệm. Giao việc gì cũng cố gắng hoàn thành”.
“Hầu hết người ĐDT thực hiện nghiêm túc qui chế bệnh viện, trách nhiệm với công việc được giao và còn giám sát, kiểm tra, nhắc nhở các ĐDV trong khoa hoàn thành nhiệm vụ”.
“Vẫn có những thư góp ý kiến khen ngợi về thái độ phục vụ, y đức chị em ĐDT, đây là sự động viên khích lệ đối với họ; đồng thời là kênh đánh giá về thái độ quản lý điều dưỡng”.
Như vậy, về thái độ chuyên môn nghề nghiệp, quản lý điều dưỡng được các
nhà quản lý hài lòng, đánh giá tốt.
Nhận xét về thái độ của ĐDT trong công tác quản lý hầu hết các nhà quản lý bệnh viện/khoa đều có chung nhận định là tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, không quản khó khăn, vật vả, hết lòng vì công việc, vì người bệnh.
“Chị em yêu nghề, say mê, nhiệt huyết với công việc lắm, động một tý là qui trình quản lý, hình như nó đã ngấm vào máu thịt rồi”.
Có thể bạn quan tâm!
- Phân Loại Năng Lực Quản Lý Điều Dưỡng Trưởng:
- Đánh Giá Thực Hành Quản Lý Điều Dưỡng Trưởng:
- Đánh Giá Năng Lực Quản Lý Điều Dưỡng Trưởng:
- Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Năng Lực Quản Lý Điều Dưỡng Trưởng:
- Thực trạng và hiệu quả can thiệp nâng cao năng lực Điều dưỡng trưởng tại tỉnh Nghệ An - 15
- Thực trạng và hiệu quả can thiệp nâng cao năng lực Điều dưỡng trưởng tại tỉnh Nghệ An - 16
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
“Hầu hết người ĐDT có tính cầu thị, biết lắng nghe, ham học hỏi và nghiêm
túc hơn trong nhiệm vụ được giao so với trước đây”.
“Tôi thấy được sự tiến bộ thực sự là chị em biết bố trí, sắp xếp nhân lực phù hợp, động viên, khuyến khích ĐDV làm việc đúng sở trường, nhiệt tình, tích cực”.
Như vậy, đánh giá về thái độ quản lý của ĐDT, các nhà quản lý bệnh
viện/khoa rất hài lòng, tin tưởng.
Chương 4
BÀN LUẬN
4.1 Thực trạng và yếu tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý Điều dưỡng trưởng:
4.1.1 Thực trạng kiến thức, thực hành quản lý của Điều dưỡng trưởng:
4.1.1.1 Thông tin chung đối tượng Điều dưỡng trưởng:
Nghiên cứu 412 ĐDT tại 40 bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn Nghệ An. Bảng 3.1 cho thấy rằng tỷ lệ giới nữ chiếm đa số (81,6%). Nghề Điều dưỡng là nghề đặc biệt, đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ, cần cù, chăm chỉ, nhẹ nhàng, ân cần. Tính chất này cũng phù hớp với giới nữ nên được nhiều phụ nữ theo học nghề này là hợp lý.
Độ tuổi hiện nay có xu hướng trẻ hóa, nhóm dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (57,1%). Như vậy, các cơ sở y tế đã bắt đầu quan tâm bổ nhiệm đội ngũ trẻ. Bởi lẽ, tuổi trẻ có nhiều lợi thế như nắm bắt, cập nhật thông tin nhanh nhạy hơn, có khả năng chịu được áp lực công việc, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tốt hơn. Mặt khác, công tác điều dưỡng càng lớn tuổi càng hạn chế về thực hiện kỹ năng điều dưỡng.
Dân tộc chủ yếu là người kinh (95,1%), mặc dầu đã được nhà nước có chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, chế độ chính sách liên quan đến học tập nhưng người dân tộc khác còn hạn chế về năng lực học tập, điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán. Họ gặp nhiều khó khăn hơn so dân tộc kinh nên số lượng cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, năng lực công tác, quản lý của người dân tộc thiểu số cũng còn nhiều hạn chế so với người kinh. Do đó việc bổ nhiệm vị trí ĐDT lại càng ít hơn nên tỷ lệ người dân tộc thiểu số là ĐDT thấp hơn nhiều so với người kinh là phù hợp thực tế.
Trình độ chuyên môn của ĐDT chủ yếu là TC (62,9%). Trong những năm trước đây, hệ thống các trường đào tạo CĐ, ĐH, SĐH về điều dưỡng, hộ sinh còn rất ít. Những năm gần đây bắt đầu phát triển đào tạo CĐ, còn ĐH mới một số ít trường đào tạo, sau đại học càng hiếm. Vì vậy tỷ lệ người điều dưỡng có trình độ
trung cấp chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng điều dưỡng nói chung, ĐDT nói riêng là phản thực tế. So với các nghiên cứu khác trên toàn quốc như Phạm Đức Mục [57], [61], Hội Điều dưỡng [37], nghiên cứu chúng tôi cho kết quả tương tự, nhưng tỷ lệ trung cấp của nghiên cứu chúng tôi thấp hơn so với nhiều tỉnh trên toàn quốc và mặt bằng chung toàn quốc (59,7%). Điều này cũng được giải thích rằng Nghệ An là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội thấp hơn cả nước nên điều kiện học tập, đào tạo nâng cao, đào tạo liên tục cập nhật kiến thức gặp nhiều khó khăn.
Chuyên ngành chủ yếu ĐD (68,4%): trong bệnh viện đa khoa, chuyên ngành điều dưỡng được bố trí công tác trong hầu hết các khoa là phù hợp, chuyên ngành khác ít hơn (sản, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh...), thậm chí một số khoa chuyên khoa, chuyên ngành điều dưỡng được bổ nhiệm ĐDT. Vì vậy, chuyên ngành điều dưỡng chiếm tỷ lệ cao trong số 412 ĐDT nghiên cứu là phản ánh thực tế hiện nay.
Về việc đào tạo liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng là hoạt động thường xuyên và là nhiệm vụ của cán bộ y tế. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đào tạo về QLĐD chiếm 25,7%, so với nghiên cứu của Nguyễn Thị Như Tú năm 2007 [93] (73%) tại Bình Định, Trần Thị Châu năm 2007 tại TP Hồ Chí Minh [26] (41,6%) thì nghiên cứu chúng tôi cho kết quả thấp hơn. Do điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, giao thông không thuận tiện nên việc học tập liên tục ở Nghệ An khó khăn hơn một số tỉnh trong cả nước.
Bảng 3.1 cũng chỉ ra rằng trình độ ngoại ngữ chủ yếu trình độ A, B (58,0%); Trình độ tin học A, B (70,6%), do nhu cầu học tập ở từng đối tượng, khu vực khác nhau. Họ thường tập trung vào nhu cầu học tập mang tính thực tế, có liên quan đến công việc, hoạt động hàng ngày. Việc học thêm trình độ ngoại ngữ, tin học rất hạn chế, không phổ biến ở lực lượng điều dưỡng nói chung và ĐDT nói riêng. Đây là nhược điểm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyên môn và quản lý. Điều dưỡng trưởng cũng ít có cơ hội đi tham quan học tập ở ngước ngoài. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ chưa được đi tham quan học tập nước ngoài chiếm 98,3%. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ nền kinh tế đang gặp khủng hoảng chung của toàn cầu, trong khi đó công tác khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân đang còn
nhiều việc phải làm. Viêc tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm là cần thiết nhưng chưa phải cấp bách. Các cơ sở y tế buộc phải lựa chọn ưu tiên trong hoạt động đơn vị để phù hợp với điều kiện và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Đây cũng là tình trạng chung của toàn quốc, không chỉ riêng Nghệ An.
4.1.1.2 Kiến thức quản lý Điều dưỡng trưởng:
Để khảo sát thực trạng năng lực quản lý ĐDT, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu việc chấp hành chức năng, nhiệm vụ của ĐDT theo qui định tại Thông tư 07/2011/TT - BYT [23].
ĐDT là người tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, quản lý khoa về mặt điều dưỡng. Chất lượng hoạt động chăm sóc và y lệnh điều trị phụ thuộc vào năng lực của ĐDT. Để có một dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đạt chất lượng cao thì các bệnh viện phải có nguồn nhân lực không chỉ giỏi chuyên môn mà phải giỏi cả quản lý, trong đó năng lực quản lý ĐDT đóng vai trò rất quan trọng. Căn cứ chức năng nhiệm vụ của ĐDT được thể hiện qua hoạt động hàng ngày như tổ chức chăm sóc người bệnh; chỉ đạo công tác vệ sinh; quản lý tài sản; tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và quản lý nhân lực..., sự cần thiết tiến hành đánh giá kiến thức về quản lý.
Theo kết quả nghiên cứu tại bảng 3.2 cho rằng tỷ lệ xếp loại tốt về kiến thức CSNB là 68%; CTVS là 54,6%; QLTS là 65,5%; ĐT - NCKH, chỉ đạo tuyến là 18,0%; QLNL là 61,4%; tỷ lệ kiến thức quản lý chung xếp loại khá, tốt chiếm tỷ lệ là 72,5%.
Theo nghiên cứu của Phạm Đức Mục (2007) [59] CSNB xếp loại tốt chiếm tỷ lệ 72,3%; CTVS chiếm tỷ lệ là 88,2%; QLTS là 90,0%; ĐT - NCKH, chỉ đạo tuyến là 35,8 - 45,8%; QLNL là 60,5%. Đỗ Đình Xuân (2007) [107] nghiên cứu trên 6787 ĐDT các bệnh viện công lập trong cả nước (914 ĐDTK) cho rằng 84% ĐDTK có khả năng hoàn thành từ mức khá trở lên các công việc theo qui định ở các nội dung: tổ chức chăm sóc người bệnh; chỉ đạo công tác vệ sinh khoa, phòng; quản lý nhân lực; quản lý tài sản vật tư. Nghiên cứu của Pamela Duffy và cộng sự tại Mỹ cho thấy có sự khác biệt về nhận thức thực hành dựa trên bằng chứng tại khoa lâm
sàng của các bệnh viện tuyến tỉnh trước và sau tập huấn. Về kỹ năng trước tập huấn tỷ lệ ĐDV, ĐDT có độ tự tin thực hành lâm sàng chiếm tỷ lệ là 46%, sau tập huấn là 60% (p = 0.018), về thái độ cũng có sự khác biệt tương tự (p = 0,046) [140]. Nghiên cứu Đào Thành (2007) cho rằng việc thực hiện nghiệm vụ NCKH còn yếu, trong đó 7,7% không thực hiện nhiệm vụ này [77]. Tại TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu của Trần Thị Châu (2007) cho rằng ĐDT được đào tạo QLĐD chiếm tỷ lệ là 41,6%, thực hiện chức năng chủ yếu là quản lý hành chính [26].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với các nghiêm cứu trên. Nghệ An là tỉnh khu vực Bắc Miền Trung, điều kiện kinh tế - xã hội còn có nhiều mặt khó khăn hơn so với trung bình chung cả nước. Mặt khác tỷ lệ đội ngũ ĐDT tại Nghệ An có trình độ TC còn chiếm tỷ lệ 62,9% cao hơn cả nước (59,7%) [59]. Trong khi đó tổ chức đào tạo QLĐD những năm qua cũng đã triển khai thực hiện nhưng kết quả thu được chưa được nhiều (25,7%). Vì vậy, kiến thức về QLĐD thấp hơn là phản ánh đúng thực trạng.
Theo trình độ chuyên môn xếp loại kiến thức quản lý chung trong 412 ĐDT của ngành y tế Nghệ An tại (Bảng 3.2), kết quả cho thấy ở nhóm trình độ từ CĐ trở lên tỷ lệ kiến thức chung xếp loại khá, tốt chiếm 26,4%, nhóm trình độ TC là 46,1%. Điểm TBC kiến thức quản lý (Biểu đồ 3.1) của 153 ĐDT có trình độ CĐ trở lên là 65,36 (Độ lệch chuẩn = 15,2), của 259 ĐDT trình độ TC là 64,73 (Độ lệch chuẩn = 15,7). Kết quả cho thấy Điểm TBC kiến thức của ĐDT có trình độ CĐ trở lên cao hơn trình độ TC là 0.63 với khoảng tin cậy 95% là (- 2.49 đến 3.74). Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p = 0,693. Giữa hai nhóm theo trình độ chuyên môn này không có sự khác nhau về kiến thức là do chưa được tập huấn, đào tạo, làm quen với các kỹ năng quản lý điều dưỡng. Vì vậy, kiến thức quản lý không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn. Do đó cần tiến hành triển khai kế hoạch đào tạo QLĐD cho đội ngũ ĐDT là vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết.
Kiến thức quản lý theo tuyến tỉnh và huyện (Bảng 3.3), tỷ lệ kiến thức quản lý chung xếp loại khá, tốt ở nhóm tuyến tỉnh là 29,4%, tuyến huyện là 43,2%. Điểm trung bình kiến thức quản lý chung (Biểu đồ 3.2) của 173 ĐDT tuyến tỉnh là 65,43
(Độ lệch chuẩn = 15,2), của 239 ĐDT tuyến huyện là 64,32 (Độ lệch chuẩn = 15,8). Kết quả cho thấy Điểm TBC kiến thức quản lý của ĐDT tuyến tỉnh cao hơn tuyến huyện là 1,10 với khoảng tin cậy 95% là (- 4.16 đến 1.94). Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p = 0,476. So sánh kiến thức giữa hai tuyến tỉnh và huyện, thoạt nhìn có thể cho rằng tuyến tỉnh sẽ có kiến thức cao hơn tuyến huyện nhưng trong nghiên cứu của chúng tôi thì không có sự khác biệt giữa hai nhóm theo tuyến. Lý do giải thích cho vấn đề ngày là đội ngũ ĐDT chưa được tập huấn về QLĐD còn chiếm tỷ lệ cao (74,3%).
Tại Bảng 3.4 kết quả cho thấy tỷ lệ kiến thức quản lý chung xếp loại khá, tốt ở nhóm công lập là 65,1%, nhóm ngoài công lập là 7,5%. Điểm trung bình kiến thức quản lý chung (Biểu đồ 3.3) của 355 ĐDT công lập là 66,22 (Độ lệch chuẩn = 14,7), của 57 ĐDT ngoài công lập là 57,16 (Độ lệch chuẩn = 18,3). Kết quả cho thấy Điểm TBC kiến thức quản lý của ĐDT công lập cao hơn ngoài công lập là 9,06 với khoảng tin cậy 95% là (3.99 đến 14.14). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p = 0,001. Trên thực tế, đội ngũ điều dưỡng làm trong khu vực bệnh viện ngoài công lập được tuyển dụng từ hai nguồn tuyển mới và tuyển những người về hưu. Lực lượng này đều chưa được tập huấn về QLĐD, việc đào tạo liên tục càng ít; mặt khác bệnh viện ngoài công lập quan tâm chủ yếu về chuyên môn, còn về quản lý chưa chú trọng, thường theo mô hình ông chủ.
Kết quả nghiên cứu tại Bảng 3.5 cho rằng tỷ lệ kiến thức quản lý chung xếp loại khá, tốt ở vùng khó khăn là 23,5%, vùng thuận lợi là 49,0%. Điểm trung bình kiến thức quản lý chung (Biểu đồ 3.4) của 121 ĐDT vùng khó khăn là 69,14 (Độ lệch chuẩn = 14,6), của 291 ĐDT vùng thuận lợi là 63,23 (Độ lệch chuẩn = 15,6). Điểm TBC kiến thức quản lý của ĐDT vùng khó khăn cao hơn vùng thuận lợi là 5,91 với khoảng tin cậy 95% là (2,65 đến 9,17). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p = 0,0001. Có sự khác biệt này có thể là do khác nhau về trình độ chuyên môn, ở vùng khó khăn có tỷ lệ ĐDT trình độ trung cấp chiếm 17,2%, ở vùng thuận lợi là 45,6%. Bên cạnh ở Nghệ An đội ngũ ĐDT trình độ trung cấp chiếm đa số
(62,9%), trong khi đó số lượng ĐDT ở vùng thuận lợi là 291 người lớn hơn nhiều vùng khó khăn (121 người).
Theo Đỗ Đình Xuân (2007) [107], điểm TBC quản lý theo tuyến (dao động từ 72,64 ± 18,29 đến 95,90 ± 7,55) và theo vùng (dao động từ 80,19 ± 13,08 đến 89,15 ± 11,28). Trong khi đó kết quả nghiên cứu chúng tôi chỉ đạt điểm TBC kiến thức quản lý thấp hơn (dao động từ 63,23 ± 15,6 đến 69,14 ± 14,6). Tuy nhiên, điểm trung bình kiến thức quản lý chung theo vùng của nghiên cứu chúng tôi ở nhóm vùng khó khăn cao hơn so với vùng thuận lợi, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê.
Như vậy, nhìn chung số liệu nghiên cứu của chúng tôi so với một số nghiên cứu khác là thấp hơn. Giải thích cho vấn đề này là do đặc điểm khu vực, địa lý, điều kiện làm việc cũng như học tập nâng cao trình độ tại Nghệ An còn nhiều hạn chế so với các tỉnh và mặt bằng chung cả nước. Mặt khác, có thể do phương pháp nghiên cứu của chúng tôi là phỏng vấn trực tiếp, các nghiên cứu khác là phát vấn, nên kết quả nghiên cứu có phần khác nhau. Về vùng thuận lợi điểm trung bình kiến thức chung thấp hơn so với vùng khó khăn là do phương án chia vùng, đặc điểm nhân lực. Vì vậy kết quả kiến thức chung phản ảnh thực tế là phù hợp.
Qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã nói lên rằng về kiến thức quản lý đội ngũ ĐDT tại Nghệ An còn thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Để nâng cao chất lượng quản lý nói riêng, chất lượng dịch vụ y tế nói chung, ngành y tế cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về QLĐD. Mặt khác công tác qui hoạch cán bộ quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm cần xem xét, căn cứ vào chứng chỉ đào tạo QLĐD.
4.1.1.3 Thực hành quản lý Điều dưỡng trưởng:
Vai trò của người ĐDT là người kết nối sự định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức với người cung cấp dịch vụ chăm sóc hàng ngày cho người bệnh. ĐDT là người chịu trách nhiệm không chỉ các hoạt động chăm sóc người bệnh tại khoa phòng trong suốt 24h mà còn công tác QLĐD. Để đánh giá thực hành quản lý của ĐDT, chúng tôi sử dụng bảng kiểm thực hiện quan sát hoạt động quản lý hàng ngày và thu thập thông tin qua hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu quản lý lưu trữ.