Một Số Thủ Pháp Kiến Tạo Giọng Điệu Thơ Trẻ Việt Nam Thời Kháng Chiến Chống Mỹ


trời” (Lá thu); và trĩu nặng đau buồn trước bão lụt, thiên tai: “Những cánh đồng nằm trong lũ lụt / Những xóm làng tan hoang / Những người chết đuối / Những con đê cứ tưởng không gì phá nổi / Bây giờ tan vỡ trong đêm” (Mấy đoạn thơ). Có thể nói, đã có “độ vênh” giữa niềm tin có sẵn trong sách vở, trong diễn ngôn tuyên truyền với “những điều trông thấy” diễn ra hàng ngày trong xã hội thời chiến. Giọng thơ Lưu Quang Vũ không chỉ tự vấn, trăn trở mà còn hoài nghi, cô đơn:

Sao tôi muốn em tin

Khi chính tôi cũng chẳng tin ai cả...

Nỗi cô đơn hoàn toàn nỗi cô đơn khủng khiếp

Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách

(Mấy đoạn thơ)

Tuy vậy, thơ Lưu Quang Vũ vẫn ở bên này làn ranh của sự tuyệt vọng. Bạn ông, nhà phê bình Vũ Từ Trang trong bài “Nhà thơ Lưu Quang Vũ những năm lận đận ấy” nhận xét: “Buồn chán, cô đơn, bi quan, nhưng không bao giờ Vũ bi lụy, không chút hằn học và xỉa xói cuộc sống. Đây là thời kì Vũ viết thơ với giọng điệu, với nỗi niềm riêng nhất” [175, tr.133].

Cắt nghĩa sự thay đổi kiểu giọng trong thơ Lưu Quang Vũ, theo chúng tôi, phải nhìn vào cả khách thể lẫn chủ thể. Về khách thể, điều dễ thấy là, bước sang chặng cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (đầu thập niên 70), âm hưởng sử thi trong thơ có xu hướng nhạt dần. Bên cạnh sự nhấn mạnh tinh thần hi sinh cao cả, phi thường, những hào quang chiến thắng, thơ chống Mỹ còn ẩn chứa muôn mặt của cuộc sống đời thường (cảnh nghèo đói, sự thương đau, những thói xấu, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội,...). Và ở mức này mức khác, bức tranh hiện thực đa dạng và tâm trạng đa chiều dần dần được hé lộ trong sáng tác của những nhà thơ có cuộc đời hòa lẫn trong dân chúng, trải nghiệm và thấu hiểu sâu xa những sự thật ở đời. Về phương diện này, tiên phong vẫn là những nhà thơ trẻ, trong đó có Lưu Quang Vũ: “Chiến tranh càng qua đi thì Vũ càng hiện lên như một trong những người đầu tiên của thế hệ, biết gọi chiến tranh là chiến tranh, và biết ghi lấy những đau xót cùng những ước ao mà ai người


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

hồi ấy còn đang trẻ tuổi đều trải nghiệm” [99, tr.45]. Đó là đánh giá của Vương Trí Nhàn, nhà nghiên cứu cùng thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ.

Về phương diện chủ thể, những ẩn ức riêng tư của Lưu Quang Vũ trong những tháng năm “lận đận” đã được nhà thơ kí thác vào sáng tác của mình: “Anh là con ong bay giữa trời lận đận / Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao” (Bầy ong trong đêm sâu); hay: “Có những lúc tâm hồn tôi rách nát / Tôi biết làm gì, tôi biết đi đâu” (Có những lúc). Có căn cứ để cho rằng, một số sáng tác mang tính giải tỏa những ấn ức riêng tư của nhà thơ tuy không đại diện cho thời đại hay thế hệ, nhưng đó là giọng thơ có chiều sâu nhân bản, hiếm gặp trong thơ ca miền Bắc thời chống Mỹ, nó như dấu hiệu chuẩn bị cho sự bùng nổ sau này, nhất là khi đất nước bước sang kỉ nguyên đổi mới (1986).

Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 23

Ở mảng thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam, nét đặc thù là đội ngũ sáng tác chủ yếu thuộc tầng lớp trí thức, học sinh - sinh viên, họ được tiếp nhận nhiều khuynh hướng thơ ca đến từ phương Tây hiện đại. So với thơ trẻ miền Bắc, các hình thức thể hiện trong thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị phong phú, đa dạng hơn nhiều, bên cạnh thơ hiện thực còn có thơ siêu thực (chẳng hạn Ngô Kha). Về mặt tư tưởng cũng cần thấy thêm, các nhà thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị tuy phải chịu sự “giáo huấn” của chính quyền Sài Gòn (chống cộng) nhưng nhìn chung, quan niệm của họ là một Việt Nam độc lập, chung dòng dõi Lạc Hồng, cùng đất Tổ Hùng Vương: “Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật / một tấc lòng cùng trứng Âu Cơ / một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng” (Bài thơ của một người yêu nước mình - Trần Vàng Sao).

Với họ (các nhà thơ trẻ vùng đô thị), chiến tranh đồng nghĩa hủy diệt, “huynh đệ tương tàn”, đầu rơi máu chảy, cần lên án. Đặc biệt, sự hiển diện của quân đội ngoại bang tham chiến, tức đất nước bị xâm lăng, cần đấu tranh quyết liệt. Còn ý thức hệ, thể chế chính trị đối với họ chưa thành vấn đề cấp thiết. Bằng chứng là, trong bài “Tâm tình một người thanh niên 24 tuổi” đăng trên tạp chí Văn học Sài Gòn số 11 - 1964 có đoạn: “Tôi làm gì có đủ khả năng để phân biệt một cách tế nhị cộng sản và kháng chiến, cộng sản và quốc gia” [88, tr.36]. Trong nhãn quan của nhiều trí thức vùng đô thị, thời đất nước chiến tranh được coi là thời “biến loạn”. Không ít nhà thơ


trẻ trăn trở, băn khoăn tìm hướng đi, tìm sự thật trong cái thời “biến loạn” ấy: “Đâu khu vườn sự thật / Sao sương mù nơi nơi / Hai mươi mùa xuân chết / Đi tìm định nghĩa đời” (Còn đi - Tần Hoài Dạ Vũ). Tự vấn, trách oán, hoài nghi đến cô độc, bi quan là giọng điệu phổ biến trong thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị. Thời biến loạn làm nảy sinh kiểu giọng như thế. Nỗi đau lớn nhất, day dứt nhiều nhất vẫn là sự tàn khốc của chiến tranh: “Hỏa châu rớt thành muôn vàn ánh sáng / Em lặng nhìn nhức nhói cả tim gan / Ai đã gây nên chiến cuộc điêu tàn / Đem xương máu đắp xây thành xương núi” (Đêm hỏa châu - Hoàng Anh Bằng). Trong thế giới siêu thực, giọng thơ Ngô Kha ám ảnh, hoài nghi, phủ nhận thực tại: “thôi nhân danh trá ngụy / các lực lượng vô hình / với bàn chân bạo lực / còn những gì mai sau / quá khứ đã đào vong / chứng nhân và ngụy tín / với bao năm xiềng xích / trên số phận con người / những bất lực hàng giờ / trên lời ghi cáo trạng” (Trường ca hòa bình).

Là giai điệu phụ trong dàn đồng ca thơ chống Mỹ, giọng day dứt, tự vấn như âm sắc ngân rung những nỗi niềm trắc ẩn, thấm đượm chất nhân văn, góp vào dòng thơ trẻ chiều sâu nội cảm và phần nào cân bằng lại trạng thái hưng phấn, bay bổng của kiểu giọng hào sảng, lạc quan. Xa hơn, nó làm thông điệp hòa bình trong một thế giới lấy đối thoại thay đối đầu, phản đối chiến tranh và bạo lực. Theo chúng tôi, đó là tính nhân loại của dòng thơ trẻ thời chống Mỹ, nghiên cứu nó cũng cần thiết như nghiên cứu các kiểu giọng điệu khác, nhất là khi cuộc chiến đã lùi xa, suy nghĩ của con người dần dần lắng lại.

3.3. Một số thủ pháp kiến tạo giọng điệu thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ

Muốn xác lập được giọng điệu, nhà văn phải sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, gắn với chất liệu ngôn từ - yếu tố hàng đầu của văn học: “Giọng điệu của chủ thể được thể hiện qua lời văn nghệ thuật và cách tổ chức ngữ lưu trong tác phẩm” [30, tr.80]. Khảo sát thơ trẻ thời chống Mỹ, chúng tôi thấy các nhà thơ đã sử dụng thành công một số thủ pháp để kiến tạo giọng điệu; chủ yếu tập trung vào giọng chính, tiếp đến là các kiểu giọng khác, phụ họa xung quanh nó.


3.3.1. Tích hợp nhiều phong cách ngôn ngữ, mở rộng lớp từ thi ca

Phong cách ngôn ngữ văn chương có hệ thống từ ngữ đặc trưng của nó. Hệ thống từ ngữ ấy được hòa đúc, chắt lọc trong tất cả các phong cách của ngôn ngữ toàn dân; hay nói như các nhà ngôn ngữ học, đó là “lớp từ thi ca”, thực hiện “chức năng thi ca” của ngôn ngữ. Lớp từ này luôn giãn nở theo hướng đa dạng, vừa vận động theo quy luật chung của ngôn ngữ vừa theo quy luật đặc thù của nghệ thuật.

Từ ngữ thơ ca thường đa nghĩa, giàu tính biểu tượng và tính tổ chức cao. Là đơn vị nền tảng của ngôn từ nghệ thuật, nó có khả năng gợi ra nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau. Nhờ đặc tính này mà người đọc phán đoán ra “Thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả” [38, tr.134]. Có cơ sở để tác giả chuyên luận “Giọng điệu trong thơ trữ tình” khẳng định: “Từ ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc biểu hiện giọng điệu” [30, tr.104].

Để phản ánh hiện thực cuộc kháng chiến đầy gian khổ, ác liệt, giải đáp những vấn đề về tư tưởng, tình cảm của con người trong giai đoạn đất nước nhiều biến động; đồng thời phát hiện, khẳng định sức mạnh và phẩm chất của dân tộc, tầm vóc của thời đại, các nhà thơ thời chống Mỹ tất phải tích hợp nhiều phong cách ngôn ngữ, phải mở rộng lớp từ thi ca. Đi đầu là những nhà thơ lớp trước (Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hoàng Trung Thông,...). Tuy nhiên, tính đa dạng, sát thực, nóng bỏng chất đời, cập nhật chiến tranh lại là ưu thế của những cây bút trẻ.

Trong thơ trẻ thời chống Mỹ, bên cạnh lớp từ xưng hô biểu thị thái độ ngưỡng vọng, tôn kính nhân vật anh hùng mang tầm vóc sử thi, tạo âm hưởng hùng tráng: Anh tên gì hỡi anh yêu quý...” (Lê Anh Xuân), hay những từ ngữ biểu thị giọng suồng sã, thân thương của người lính chiến trường: “Khi ánh sáng rừng chỉ vệt lân tinh / Mày lặng lẽ mang dùm tao bao gạo” (Thanh Thảo), hoặc lớp từ nguyền rủa quân thù: “Quân giặc kia ơi, một bầy man rợ” (Thu Bồn) là lớp từ thuộc các lĩnh vực chính trị, lịch sử, quân sự, tôn giáo, kinh tế, triết học, địa lí, khoa học tự nhiên,… Chúng được tích hợp khá phổ biến trong thơ, số lượng nhiều, hầu hết được sáng tạo lại, chuyển thành tín hiệu nghệ thuật. Những từ và tổ hợp từ như “Đảng”, “đồng chí”, “đồng đội”, “cách mạng”, “chính ủy”, “chi bộ”, “chiến dịch”, “chiến hào”, “mặt trận”, “tư lệnh”, “giải phóng quân”, “hành quân”, “tác chiến”, “oanh tạc”, “xe tăng”, “B.52”,


“napan”, “pháo chụp”, pháo chùm”,… xuất hiện với tần số cao trong thơ trẻ thời chống Mỹ. Gộp chung, có thể gọi đó là “lớp từ chiến tranh chống Mỹ”, tất cả đã được nghệ thuật hoá, thơ hóa, tương hợp với cảm hứng sử thi, với giọng điệu hào sảng, lạc quan và một số kiểu giọng phụ trợ khác. Thời ấy hầu như nhà thơ nào cũng sử dụng lớp từ này để sáng tác. Thật khó tin những câu thơ sau lại của Trần Đăng Khoa viết ra khi chưa qua ngưỡng tuổi vị thành niên: “Các đồng chí ở nhà / Có tiếp tục được không ? / Công việc mình đang dang dở / Ai mất ai còn trong chi bộ / Bao đảng viên lặng lẽ hi sinh (Khúc hát người anh hùng). Người anh hùng là mô típ quen thuộc, viết về họ, các nhà thơ thường gắn với Đảng, giai cấp, cách mạng; lời thơ, ý thơ nhốm màu sắc chính trị: “Đảng thân yêu con biết nói điều chi / Xưa con khổ, không có trời có đất

/ Giờ có nước - con trở thành người của giai cấp / Con là đảng viên, con xin đi trước mọi người” (Khi con người có Tổ quốc - Thái Giang). Hay, Bằng Việt viết “Chuyện một đồng chí chính ủy quân giải phóng”, Nguyễn Duy viết “Chính ủy của tôi xa quê hương hai mươi sáu năm trời” (Giọt nước mắt và nụ cười) đều huy động tối đa lớp từ chính trị, đậm dấu ấn thời đại. Đúng như diễn ngôn của Chế Lan Viên: “Cách làm thơ 72 giống với cách trồng rau năm 72, đánh Mỹ năm 72, / Dân tộc chung một phong cách năm 72 khi yêu và khi tìm từ ngữ” (Sổ tay thơ).

Sở dĩ lớp từ chính trị, quân sự, lịch sử,... được các nhà thơ sử dụng với tần cao như thế, theo chúng tôi, một phần do “làn sóng” dùng từ mới, biểu đạt tư tưởng và tình cảm mới, thích ứng giọng điệu thời đại; phần khác, chủ trương tăng cường tính đảng, coi tính đảng là nguyên tắc sáng tác nghệ thuật đã tác động không nhỏ đến người cầm bút, khiến họ tự thấy cần phải gia tăng lớp từ chính trị trong thơ.

Thơ trẻ thời chống Mỹ tích hợp nhiều lớp từ, nhiều kiểu diễn đạt của nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau, trong đó có phong cách báo chí, phong cách khoa học. Ngôn ngữ báo chí cần số liệu cụ thể, ngôn ngữ khoa học cần thông tin chính xác. Lớp từ và kiểu diễn đạt “liên phong cách” này tỏ ra hiệu quả trong việc tạo dựng chất giọng triết lí, chính luận. Thơ những năm chống Mỹ ngoài cập nhật diễn biến chiến sự, phản ánh kịp thời sự kiện vừa diễn ra, nó còn cung cấp những con số đáng tin cậy về đối tượng hay sự kiện nào đó trong giới hạn cho phép. Nghĩa là, có khi nhà thơ cũng làm công việc ghi chép, đưa tin như báo chí, chỉ khác ở chỗ, thông điệp của nhà


thơ là văn bản nghệ thuật. Một số nhà thơ ghi rõ dụng ý này ngay ở tiêu đề tác phẩm. Như Đường Trường Sơn cảnh và người, Kí sự - Thơ (Bằng Việt); Phóng sự 30 - 4- 75 (Nguyễn Duy); Công việc hôm nay (Phạm Tiến Duật),... Khảo sát sơ bộ, chúng tôi thấy, số từ định lượng xuất hiện trong thơ trẻ thời chống Mỹ khá dày; phần lớn trong đó là con số cụ thể, chính xác. Chẳng hạn: “Đài quan sát cao năm trăm mét / Nhô lên từ đỉnh đá vôi... / Trên đầu mút sợ giây căng thẳng đó / Chỉ rộng có mười mét vuông(Đường Trường Sơn, cảnh và người - Bằng Việt); “Vì lợi ích của 400 ông vua, 200triệu người Mỹ phải góp tiền, góp máu / Vì tinh thần một tên lính Mỹ phải nói có 2.000 Việt cộng bị giết mỗi tuần trên mặt báo...” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm),...

Những con số trong khoa học là kí hiệu đơn nghĩa nhưng khi đi vào thơ lại có khả năng tạo nghĩa, tạo giọng. Các nhà thơ ngoài mặt trận có lợi thế về thu thập số liệu, ghi chép kịp thời tình hình chiến sự và xác tín khá cao. Trong nhiều bài thơ, từ ngữ tuy đang ở dạng thô mộc, tươi ròng, nhưng lại có sức truyền cảm riêng. Giọng truyền cảm ấy trước hết nhờ ở tính nóng hổi của từng con chữ và nhờ sự tích hợp vốn từ ở đủ các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quân sự. Chưa bao giờ trên tiết diện khổ thơ, bài thơ mà “mật độ” lớp từ quân sự lại xuất hiện “dày” như thơ trẻ thời chống Mỹ: “Trên đầu AK / Vẫn sẵn sàng / Thước ngắm một / Những ánh mắt điềm nhiên sau chốt / Vẫn hướng vào ngày, vẫn hướng vào đêm” (Thước ngắm một - Anh Ngọc); A.R.15 xả đạn liên hồi / Cối cá nhân kêu đóng một / Pháo tầm xa cố tình thay quy luật / B.52 bay nhè trước mỗi bữa ăn” (Sức bền của đất - Hữu Thỉnh). Đặc biệt, lại phải nói đến Phạm Tiến Duật, ông có cái tài đưa tin tức thời sự bằng thơ khó ai sánh được:

Cục tác chiến báo sang tin cuối cùng

Về số máy bay rơi trong ngày và tàu chiếnNha khí tượng báo tin cơn bão tan, Bộ Nông nghiệp báo tình hình vụ cấy

Trong những Tờ trình Thủ tướng đọc trong đêm Còn có việc hoàn thành Bộ thông sử đầu tiên...

(Công việc hôm nay)


Sáu câu thơ dày đặc những tin tức thời sự, rất gần phong cách báo chí nhưng không phải thông điệp báo chí mà nó là một đoạn thơ, một giọng thơ rất Phạm Tiến Duật, rất “thơ trẻ”: hào sảng, hồn nhiên, giàu “dữ liệu”, sát giọng điệu chiến trường.

Như vậy, tích hợp nhiều phong cách ngôn ngữ, mở rộng lớp từ thi ca như một thủ pháp hữu hiệu để kiến tạo giọng điệu nghệ thuật. Về phương diện này, có thể nói, thơ trẻ thời chống Mỹ đã đóng góp không nhỏ vào “bảo tàng ngôn ngữ chiến tranh”. Nhiều tổ hợp từ không chỉ có hiệu năng biểu thị giọng điệu mà qua lắng lọc thời gian, nay trở thành những diễn ngôn mang dấu tích một thời đánh giặc: “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân), “Như chưa hề có cuộc chia ly” (Nguyễn Mỹ), “Bầu trời vuông” (Nguyễn Duy), “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật), “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt” (Hoàng Nhuận Cầm), “Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc” (Nguyễn Đức Mậu), “Sắt thép vô danh như cuộc đời chiến sĩ” (Hữu Thỉnh)... Hay những câu thơ tự nó đã dồn nén giọng da diết bâng khuâng, như chỉ dấu “xuất thần” của dòng thơ yêu nước, hào hoa: “Chúng tôi bơi trong thương nhớ riêng mình” (Hữu Thỉnh), “Bìm bịp kêu trắng hàng bông sua đũa” (Thanh Thảo), “Trời không xanh trong đáy mắt em xanh” (Xuân Quỳnh), “Mảnh trăng liềm nghiêng một nỗi nhớ nhau” (Lưu Quang Vũ), “Tin em trao về hồng như nụ chín” (Ngô Kha), “Nắng trong vườn xanh những lối đi” (Chim Trắng),...

3.3.2. Khai thác lợi thế của phép điệp và so sánh tu từ

Sáng tạo thơ là sáng tạo thẩm mỹ, nói như Valéry: “Thơ đi giữa nhạc và ý”. Để đạt được điều đó, nhà thơ tất phải sử dụng thành thục, hiệu quả các thủ pháp nghệ thuật, trong đó có phép điệp và so sánh tu từ

* Điệp là luân phiên, lặp lại một số đơn vị ngôn từ nhằm mục đích nghệ thuật. Gieo vần, luyến láy, phối thanh đều sinh ra từ phép điệp. Cùng các thể thơ, phép điệp có tác dụng tạo nhịp, gia tăng nhạc tính - yếu tố không thể thiếu trong thơ. Hay nói cách khác, điệp, ngắt nhịp, luyến láy, phối thanh,... như những thủ pháp làm nên vỏ vật chất giọng điệu.

Các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ tỏ ra tinh xảo, độc đáo trong việc tạo dựng những câu thơ, đoạn thơ điệp thanh, điệp vần, điệp từ ngữ,... gây độ rung cảm xúc,


ngân lên nhiều âm hưởng. Đây là sự “khai phá” tiềm năng dồi dào của tiếng Việt, một loại hình ngôn ngữ đơn lập đa thanh điệu.

- Điệp thanh: Điệp thanh là biện pháp tu từ ngữ âm trong đó người ta cố ý tạo ra trùng điệp âm hưởng bằng cách lặp lại thanh điệu cùng nhóm bằng (thanh ngang, thanh huyền) hay cùng nhóm trắc (thanh hỏi, thanh ngã, thanh nặng) nhằm tăng nhạc tính và điệu cảm xúc của nhà thơ. Nếu Thơ mới có những diễn ngôn điệp thanh bằng, diễn tả cái mênh mang, buồn, cô đơn: “Sương nương theo trăng ngừng lưng trời / Tương tư nâng lòng lên chơi vơi” (Xuân Diệu); thì thơ trẻ thời chống Mỹ cũng có những sáng tạo tương tự, chỉ khác ở điệu bay bổng, lạc quan, tin yêu cuộc đời: “Mùa xuân cùng em lên đồi thông / Ta như chim bay trên tầng không” (Em đẹp nhất - Lê Anh Xuân).

- Điệp vần: Điệp vần là sự lặp lại phần vần của âm tiết. Có điệp vần trong nội bộ dòng thơ và điệp vần giữa các dòng thơ. Trong nội bộ dòng thơ, các nhà thơ trẻ thường điệp vần bằng, kết thúc là phụ âm vang. Cách điệp này gợi cảm giác ngân nga, lan tỏa, phù hợp chất giọng lạc quan: “Hôm nay đồn giặc không còn nữa / Trời thênh thang đồng lúa chín vàng(Người mẹ trồng bông - Lê Anh Xuân); “Xanh điệp trùng, xanh như khóa như bưng / Bỗng chói chang, nắng lòa ngang trước ngực” (Phăng Xi Păng ta lên đến đỉnh - Vũ Quần Phương).

Điệp vần giữa các dòng thơ (còn gọi gieo vần) vừa để tạo nhạc tính vừa có tác dụng liên kết văn bản. Thơ trẻ thời chống Mỹ kế thừa nhiều thể, có vần hoặc không vần. Trong những bài thơ có vần, cách điệp cũng đa dạng, nhiều biến hoá. Có khi nhà thơ sử dụng lối điệp vần liên tiếp (aabb) thể hiện mạch cảm xúc tuôn trào, tha thiết: “Đất nước / Của những câu chuyện làm ta rưng nước mắt (a) / Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt (a) / Trên những con đường mỗi xóm ta qua (b) / Từ non ngàn cho tới biển xa (b)...” (Chúng con đi chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi - Nam Hà); và cũng có khi điệp xoay vòng (aaba) gợi cảm giác êm ái, du dương đầy ấn tượng. Bằng thủ pháp này, Dương Hương Ly sáng tạo ra khổ thơ giàu nhạc tính, biểu đạt giọng trữ tình bay bổng ngân nga:

Em ngủ - vườn trưa xanh nắng thưa(a)

Gió êm êm hát mát thân dừa(a)

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí