Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 22


triết lí của Hữu Thỉnh. Ở đây có ứng xử với thiên nhiên và ứng xử giữa con người với con người, không chỉ thời chiến mới đặt ra mà thời nào cũng khẩn thiết.

Thanh Thảo khi mới xuất hiện trên thi đàn đã phát lộ chất giọng trầm tư, sâu lắng, bộc trực và hơi “ngang” (chính thơ Thanh Thảo “ngang” chứ chưa phải Phạm Tiến Duật). Ông đến với bạn đọc khi cuộc chiến sắp bước vào hồi kết, bạn đọc đón nhận thơ ông bởi giọng điệu “hơi ngang” mà giàu triết lí. Thử nói về hạnh phúc, Một người lính nói về thế hệ mình là hai bài thơ chạm đến thân phận con người trong chiến tranh. Thơ Thanh Thảo không ồn ào, bởi đó là quan niệm của ông“máu đỏ thật không ồn ào / máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo” (Thử nói về hạnh phúc). Trong khi nhiều nhà thơ ngợi ca sự hi sinh của người lính bằng những ngôn từ lẫm liệt, hoành tráng thì Thanh Thảo lại lặng lẽ nghĩ suy trước vấn đề sống - chết, được - mất của cuộc đời. Nhà thơ đặt thân phận con người vào trạng huống nghiệt ngã, đầy thử thách để triết lí về nhân cách và phẩm giá của họ. Đó là chiến hào máu lửa, đối mặt với quân thù, nơi ấy, nói như nhà văn Chu Lai: “không có chỗ cho sự giả trá nương náu, cái gì ra cái ấy, chẳng thể lập lờ đánh lận con đen. Cái cao cả, cái thấp hèn, cái trung thực, điều vị tha và sự độc ác... bao giờ cũng được bộc lộ đến tận cùng” [110, tr.178]. Dân gian có câu “Lửa thử vàng gian nan thử sức”, Thanh Thảo cụ thể hóa bằng thực tại chiến trường (lửa chiến trường); chiến trường như thước đo phẩm giá có độ xác tín rất cao. Theo nhà thơ: “nơi máu đổ phải sống bằng thực chất / nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước / thử lòng ta chung thuỷ vô tư / nơi vỡ vụn dưới chân ta những mảng đêm hèn nhát / những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người” (Thử nói về hạnh phúc).

Kế tiếp là những câu thơ như lời tuyên ngôn thế hệ (một dạng triết lí): “Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỉ niệm / không dựa dẫm vào hào quang có sẵn / lòng vô tư như gió chướng trong lành / như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh” (Một người lính nói về thế hệ mình). Thơ Thanh Thảo ẩn chứa tâm trạng sâu kín mà dữ dội, cái dữ dội bùng nổ ở bên trong. Đặt vào bối cảnh những năm đầu thập niên 70 của thế kỉ trước, kiểu triết lí như Thanh Thảo, dĩ nhiên là rất hiếm trên diễn đàn chính thống. Và đích thị, đó là giọng thơ bộc trực, “hơi ngang”, đầy nghĩa khí của con người xứ Quảng, không phải ai cũng viết được như thế. Theo chúng tôi, có thể chọn triết lí này làm châm ngôn cho tuổi trẻ mọi thời đại chứ không riêng gì thời chống Mỹ. Câu


“như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh” là biến thể của minh triết “Hữu xạ tự nhiên hương” mà hầu như người dân nào cũng biết.

Chất nghĩ trong thơ Thanh Thảo thể hiện bằng giọng thơ trầm lắng của một người hay suy tưởng. Nếu suy tưởng trong thơ Nguyễn Khoa Điềm thường đi từ trừu tượng đến cụ thể: “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn / Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” (Mặt đường khát vọng), thì Thanh Thảo lại đi từ cụ thể đến trừu tượng. Quan sát dấu chân trên trảng cỏ, nhà thơ nghĩ đến sự tiếp bước truyền thống đánh giặc của thế hệ đi trước, nghĩ đến gian khổ hi sinh của người lính trên đường ra trận: “Những người sốt rét đang cơn / Dấu chân bấm xuống đường trơn, có nhòe ?... / Ai đi gần ai đi xa / Những gì gửi lại chỉ là dấu chân” (Dấu chân trên trảng cỏ). Ở đây, thay cho giọng ào ạt ngút trời, khá phổ biến trong thơ thời chống Mỹ: “Đêm hành quân thả tâm hồn đi trước / Yêu với căm, hai đợt sóng căm hơn / Vỗ bên lòng dội mãi tới trăng sao” (Những đêm hành quân - Xuân Diệu), Thanh thảo lại chọn cách nói khác: nhẹ nhàng, thấm thía, giàu suy tưởng: “Vùi trong trảng cỏ thời gian / Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta / Vẫn đằm hơi ấm thiết tha / Cho người sau biết đường ra chiến trường” (Dấu chân trên trảng cỏ). Đúng như nhận xét của một nhà thơ cùng thời tác giả: “Điệu thơ thông minh một cách thâm trầm, và sắc sảo một cách ngọt ngào là bước tiến vượt bậc trong thơ Thanh Thảo. Đó cũng là một bước tiến mới trong thơ trẻ thời chống Mỹ” [149, tr.124]. Sự thực, Thanh Thảo là một trong số ít nhà thơ có vị trí tỏa sáng trên thi đàn cả trong và sau chiến tranh chống Mỹ.

Trong đội ngũ nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, Xuân Quỳnh là người giữ ngôi vị “quán quân” của giới nữ. Có thể nói, Xuân Quỳnh đến với thơ và thơ đến với Xuân Quỳnh như duyên tiền định. Chị đã sớm “thiết lập” được chất giọng riêng của mình: chân tình, hồn nhiên, cháy bỏng khát khao của trái tim dâng hiến, của tâm hồn đôn hậu, đằm thắm và đầy dự cảm, lo âu. Trong chất giọng da diết, nồng hậu, nhiều trăn trở ấy, Xuân Quỳnh kí thác vào đó những triết lí sâu sắc về tình yêu: “Làm sao được tan ra / Thành trăm con sóng nhỏ / Giữa biển lớn tình yêu / Để ngàn năm còn vỗ” (Sóng). Ấy là khát vọng và cũng là quan niệm về tình yêu “đúng nghĩa trái tim em”, một tình yêu rộng mở, kết nối với cuộc đời rộng lớn, vĩnh hằng. Triết lí như vậy, theo


nhà nghiên cứu Phan Ngọc, “là tiếng nói mới của thơ dân tộc, tiếng nói phản ánh chiều sâu của văn hóa” [119, tr. 47].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Một mảng thơ khác được coi là tâm điểm “nóng” của thời đại chống Mỹ. Đó là triết lí chiến tranh. Như trên đã đề cập, trong khi phần lớn các nhà thơ lớp trước tập trung nâng cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta lên tầm nhân loại: “Tên Tổ quốc vang xa ngoài bờ cõi / Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng” (Thời sự hè 72, Bình luận - Chế Lan Viên); “Ta đứng ở trung tâm phong trào chống Mỹ / Nhìn bốn phương vẫy gọi cả loài người” (Quyết thắng - Sóng Hồng);... thì thơ trẻ lại xuất hiện một số giọng “trái chiều”. Thực ra, đó là quan niệm về sự tàn phá, tàn nhẫn và bất hạnh của chiến tranh. Xuất hiện cùng thời nhưng không thuộc dòng thơ trẻ (do “vượt khung” tuổi tác), nhà thơ Việt Phương như hiện tượng “đột phá” ở hướng này. Ấy là khi ông viết: “Một phần tư thế kỉ đi qua và bây giờ ta đã biết / Thế nào là yêu thương thế nào là chém giết / Ta đã thấy chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao / Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao” (Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi). Thơ trẻ thời chống Mỹ, nhất là thơ của những người cầm súng đã không bằng lòng triết lí chiến tranh duy chỉ giọng ngợi ca - cổ vũ một chiều, cho dù đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh giải phóng dân tộc. Bởi suy cho cùng, cuộc chiến nào cũng vậy, không thể “bổ đôi” rạch ròi một phía anh hùng và một phía bi thương. Mà cái hùng luôn luôn gắn liền cái bi, trong cái hùng đã chứa cái bi. Lúc đầu cái bi chưa được ý thức đầy đủ, nhưng về sau thơ trẻ đã bày tỏ thẳng thắn, đề cập một cách sâu sắc, sòng phẳng, thấm thía. Thực tế, chiến tranh là gánh nặng khủng khiếp đối với nhân dân, nhân dân là lực lượng hứng chịu nhiều mất mát, thiệt thòi nhất, kể cả khi cuộc chiến đi qua:

Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô người cùng Quang Trung đi đánh giặc

Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 22

Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước

Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng Bị lão trương tuần quát nạt cũng run

Nhưng mỗi lần đất nước sắp suy vong


Người đều cứu cỗ xe ra khỏi vực

(Người cùng tôi - Lưu Quang Vũ)

Chiến tranh là chém giết, là hủy diệt đối phương, là tiến công để dành chiến thắng. Chế Lan Viên dõng dạc: “Đảng bảo: Nhìn chiến tranh không được he hé mắt nhìn / Hãy trông thẳng quân thù cầm gươm lên, giết nó!” (Con mắt Bạch Đằng - con mắt Đống Đa), và “Giết quân thù không cần phải phân vân” (Sao chiến thắng). Tinh thần chung là thế. Tuy nhiên, đến thơ trẻ (trường hợp Nguyễn Duy), giết hay không giết một người lính Việt Nam Cộng hòa trong một lần truy đuổi, lại là vấn đề cần cân nhắc. Nhà thơ triết lí theo cách riêng của mình: “Giết chết hắn dễ thôi / Cứu hắn sống đời người mới khó” (Đứng lại). Có lẽ, cái lí của Nguyễn Duy là tha chết cho đối phương khi đối phương thua trận, bắt làm tù binh là ứng xử mà nhà thơ lựa chọn. Và ở đây còn có cả sự trắc ẩn về đồng loại giống nòi, về cội nguồn Lạc Việt. Kiểu triết lí như Nguyễn Duy, đặt vào bối cảnh những năm chống Mỹ là lạc lõng, thậm chí đi ngược thơ chính thống, khó được chấp nhận. Dĩ nhiên, ngày nay nhìn lại thì không ai phủ nhận giá trị nhân văn và tinh thần hòa giải của nó.

Đối những nhà thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị, giọng triết lí của họ thường hướng về thân phận con người, về chiến tranh và hòa bình, về cội nguồn và hòa giải - hòa hợp dân tộc. Nhiều nhà thơ mượn hình tượng “Mẹ” để nói về đất nước, đất nước từ một lòng mẹ (truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ). Mẹ muốn những đứa con hợp lại chống ngoại xâm và hòa giải, đoàn kết; mẹ độ lượng, vị tha, nhân hậu; nhà thơ đối thoại với mẹ bằng chất giọng tự thoại: “Vì Mẹ ơi, con biết / Trái tim con là thơ / Trái tim con là rừng, là núi / Là lúa ngô, là cam, là bưởi / Là quá khứ, là tương lai / Là khổ đau, là hạnh phúc / Là đấu tranh, là bất khuất...” (Thưa mẹ trái tim - Trần Quang Long).

Ngô Kha sáng tác theo khuynh hướng siêu thực, thế giới siêu thực bắt đầu bằng chiêm cảm. Trong thế giới ấy, dường như tất cả mọi vật, từ cỏ cây đến vũ trụ và những sinh thể nhỏ bé nhất đều có linh hồn, đều mang theo hơi thở hồn nhiên, nguyên sơ của tạo hóa. Giọng thơ Ngô Kha ám ảnh, va xiết trong bi kịch chiến tranh, triền miên với vấn đề sống - chết, nỗi cô đơn: “tôi chẳng phải là chim / sao biết đường bay mỏi / đôi cánh này ngông cuồng và rồ dại / gió đã đến rồi / xin một bàn tay đắp lên


vết thương / sao gió không ru nỗi buồn tôi đi ngủ / bây giờ gió là đứa trẻ hoang tàn / đem cuộc đời tôi làm hát dạo...” (Gió).

Nhìn chung, thơ trẻ thời chống Mỹ đã phát lộ nhiều sáng tạo độc đáo ở giọng triết lý, suy tưởng. Họ có lợi thế là sống sâu với cuộc kháng chiến, được tôi luyện trong lửa đạn và nếm trải những gian lao thử thách nơi trận mạc nên thơ họ thường triết lí từ những hình ảnh cụ thể, chân thực, sát thực, sức lay cảm và tính thuyết phục cao. Phần nào tách khỏi âm hưởng cao vút trong dàn đồng ca thơ chống Mỹ, nhiều cây bút trẻ tìm đến kiểu giọng thâm trầm, sâu lắng, gia tăng chất nghĩ, phát huy sức mạnh của trí tuệ, vươn tới sự nhận thức, khám phá thực tại, khái quát những vấn đề lớn lao của dân tộc và thời đại, suy ngẫm về chiến tranh và số phận con người. Giọng triết lí suy tưởng kết hợp giọng trữ tình thống thiết tạo sự hài hòa giữa tình cảm và lí trí, giúp thơ trẻ thời chống Mỹ thoát ra khỏi sự đơn điệu, tẻ nhạt, tăng hấp lực cho cả dòng thơ.

3.2.4. Giọng day dứt, tự vấn

Giọng day dứt, tự vấn như “bè đệm” nhỏ, khuất lấp trong dàn “đại hợp xướng” thơ ca thời chống Mỹ. Là sản phẩm của cảm hứng đời tư thế sự, kiểu giọng này xuất hiện trong sáng tác của một số nhà thơ trẻ, chủ yếu là từ đầu thập niên 70, khi chiến tranh sắp bước vào hồi kết. Tức, cuộc chiến kéo dài, tự nó phơi ra tất cả bộ mặt tàn bạo và khủng khiếp nhất, xã hội phát sinh nhiều điều bất ổn, cơ chế bao cấp bắt đầu lộ diện những bất cập. Sức dân lớn lao nhưng không vô tận, sự tồn vong của đất nước là đại sự, nhưng quyền mưu cầu hạnh phúc của từng con người cũng không phải chuyện nhỏ. Đau thương, tang tóc chồng chất, đã đến lúc nhà thơ phải tự vấn, day dứt trước những vấn đề liên quan đến thế cuộc, đến số phận nhân dân và đất nước, họ có quyền hoài nghi, oán trách chiến tranh:

Mấy mươi năm đã mấy lớp người

Chia lìa gục ngã / Đã tận cùng nỗi khổ Người ta còn muốn gì Người nữa

Việt Nam ơi ?

(Việt Nam ơi - Lưu Quang Vũ)


Thực tế chứng minh, chiến tranh không phải “trò đùa”, đánh Mỹ không đơn thuần là “cao cả của tình yêu” như thơ ca từng cổ vũ. Cái chặng “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” không thể duy trì mãi, khi vô số con người nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm,“ra đi từ đó không về”. Nói gọn lại, chiến tranh là hiện tượng bất bình thường, rất đáng sợ. Dẫu rằng, xã hội thời chiến, con người thời chiến, tư duy thời chiến, sinh hoạt thời chiến,... có nhiều điểm không thể đưa ra so sánh với đời sống dân sự sau chiến tranh. Nhưng nói thế không có nghĩa tất cả những gì thuộc về cuộc sống đời thường của mỗi cá nhân đều xóa bỏ, nhất những nhu cầu tối thiểu để sinh tồn. Hơn nữa, phàm là con người thì không thể trống vắng đời sống nội tâm như vui, buồn, yêu, ghét, ngẫm nghĩ, suy tư,... Dẫu xã hội thời chiến đã thiết lập chuẩn mực “mình vì mọi người” để cộng đồng tin vào đó, lấy đó làm điểm tựa tinh thần, gần như vô thức. Nhưng rồi ai cũng phải có khoảng khắc tự lo cho mình, nghĩ về mình, tìm kiếm và tự vấn chính mình: “Tôi cứ đi tìm mãi bản thân mình / Cũng có thể suốt đời chưa thấy hết / Cuộc đời chẳng hệt như lời diễn thuyết / Nhọc nhằn hơn và cũng đáng yêu hơn” (Hoa dọc chiến hào - Xuân Quỳnh). Giọng day dứt, tự vấn có xu hướng nghiêng về chủ thể hóa khách thể, hướng nội nhiều hơn hướng ngoại.

Trong đội ngũ nhà thơ trẻ, Lâm Thị Mỹ Dạ và Ngô Văn Phú viết về hố bom ở hai góc nhìn khác nhau: Một, ngời lên vẻ đẹp “Em nằm dưới đất sâu / Như khoảng trời đã nằm yên trong lòng đất” (Khoảng trời, hố bom); và một, nhức nhói nỗi đau: “Cái hố bom - sẹo đất / Có làm đất nhức không, đất ơi ?” (Sẹo đất). Theo chúng tôi, hai bài thơ tuy khác nhau giọng điệu nhưng chúng có tác dụng bổ sung, “làm đầy” cho nhau, cân bằng lại nhau. Với Ngô Văn Phú, hố bom là thương tích chiến tranh hằn sâu trong tâm thức con người, xoáy vào nỗi đau đất nước. Giọng điệu ở đây không bay bổng, không lãng mạn hóa như Khoảng trời, hố bom, mà nó lắng đọng, gợi nhiều trăn trở, suy tư: “Trong chiến tranh đạn cắm tay tôi / Trong chiến tranh hố bom dày đất

/…/ Đất có màu xanh, / Tôi có cuộc đời / Những vết sẹo kia còn nhắc nhở / Những điều cần nói với ngày mai...” (Sẹo đất).

Xung quanh hố bom, tiếng bom, khói bom,... biểu tượng của cuộc chiến hủy diệt, Phạm Tiến Duật là nhà thơ có nhiều diễn ngôn ấn tượng. Trước đây ông phát hiện ra “Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ” (Tiếng bom Seng Phan); về cuối


cuộc chiến ông cũng là người “phát tiết” cách nhìn mới: “Khói bom lên trời thành một cái vòng đen / Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng”. Giọng thơ thay đổi, nghiêng sang nỗi đau chiến tranh, day dứt trước thảm cảnh chết chóc mà người dân gánh chịu: “Có mất mát nào lớn bằng cái chết / Khăn tang, vòng tròn như một số không” (Vòng trắng). Cũng như Ngô Văn Phú, tuy đây không phải là giọng điệu chính của Phạm Tiến Duật, nhưng sự xuất hiện “tín hiệu lạ” như thế, chúng tỏ nhà thơ đã hạ bớt “độ cao” âm hưởng sử thi trong sáng tác của mình.

Bằng Việt vốn là nhà thơ điềm tĩnh, chín chắn, hào hoa cả ngoài đời và trong thơ. Sáng tác của ông nhìn chung tinh tế, lạc quan. Tuy vậy, trong thơ ông vẫn tàng ẩn không ít những suy tư, trăn trở về thế cuộc, về lí tưởng và hiện thực, hiện tại và tương lai: “Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu / Cuộc đời không phải thế / Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể” (Nghĩ lại về Pauxtôpxky). Viết về những năm tháng ấy, Bằng Việt xác nhận: “các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ hay có cảm nhận ngậm ngùi về số phận nghiệt ngã (NBL nhấn mạnh) của thời mình. Ngậm ngùi nhưng không bị lụy” [199, tr.33]. Chúng tôi bổ sung thêm: “ngậm ngùi về số phận” nhưng thời ấy không dễ viết ra; viết ra chưa hẳn đã được công bố, nhiều thi phẩm đành tạm thời “gác lại” (bài Nghĩ lại về Pauxtôpxky cũng nằm trong số đó).

Trở lại Thanh Thảo, như phần trước chúng tôi đã đề cập, giọng thơ Thanh Thảo có đặc điểm là trầm lắng bên ngoài, dữ dội bên trong, giàu chất nghĩ, hay trăn trở, thích tự vấn. Chính ông là người đặt vấn đề: “đêm nay ai cầm tay nhau vào tiệc cưới / ai thức trắng lội sình / ai trầm ngâm viết những câu thơ thông minh / ai trả nghĩa đời mình bằng máu ?” (Thử nói về hạnh phúc). Rõ ràng không ngẫu nhiên mà trong bài thơ, điệp khúc “hạnh phúc nào cho tôi / hạnh phúc nào cho anh / hạnh phúc nào cho chúng ta / hạnh phúc nào cho đất nước” cứ lặp đi lặp lại, xoáy vào tâm can người đọc, khiến họ phải ngẫm nghĩ, suy tư. Những câu thơ “lạ” và “hơi ngang” như thế đã được đăng tải trên thi đàn chính thống hồi ấy (báo Văn nghệ), như chúng tôi nghĩ, có lẽ nó đã được “bảo đảm” từ cuộc chiến đấu sinh tử của chính tác giả nơi chiến trường chăng ?

Nữ nhà thơ Lý Phương Liên cũng là một hiện tượng “lạ”, xuất hiện ở vùng thơ trẻ miền Bắc vào đầu thập niên 70. Ngay khi mới có thơ trên thi đàn, Lý Phương Liên


đã khiến đông đảo người đọc ngạc nhiên bởi chất giọng trìu mến, trẻ trung trong bài Ca bình minh. Tuy nhiên, cách không bao lâu, cây bút trẻ hồn nhiên, lạc quan này lại cho ra mắt độc giả sáng tác khác, giọng điệu cũng rất khác: buồn, trăn trở đến hoài nghi, xót xa: “Cuộc đời này có số phận thật chăng ? / Từ mộ huyệt cõi âm vọng đáp / Hãy sống đi rồi biết / Vời vợi cao xanh chỉ thấy mây cười” (Trò chuyện với Thúy Kiều).

Nổi lên trong thơ trẻ thời chống Mỹ vẫn là hiện tượng Lưu Quang Vũ. Khác Phạm Tiến Duật, Ngô Văn Phú, Bằng Việt, Xuân Quỳnh,... Lưu Quang Vũ không “phát tiết” giọng mới, giọng lạ theo kiểu “xen ngang” trong một vài sáng tác, mà ông đổi hẳn sang kiểu giọng trĩu nặng ưu tư, dập dồn những day dứt, oán trách, hoài nghi đến cô đơn. Thơ ông nói nhiều đến mất mát, chia lìa - điều không dễ viết trong những năm chống Mỹ (dĩ nhiên phải mấy chục năm sau mới công bố rộng rãi). Đó là bi kịch chiến tranh với “Những đứa bé nằm ngủ trong mồ”, với người mẹ “bới gạch vụn tìm con” (Cầu nguyện) và bao người chết “vùi thân dưới hố bom”, là “Khăn tang trắng xoá” (Khâm Thiên),... Đi dọc con đường dân tộc từ thuở hồng hoang cho đến ngày chiến thắng, bài thơ Đất nước đàn bầu hiện lên một Tổ quốc đau thương, nhọc nhằn, nghèo khó “Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách... Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ”, nhưng thấm đượm giá trị nhân văn “Phải thương nhau mới sống được trên đời”. Thơ ông thoát ra khỏi ràng buộc của những quan niệm vốn định hình, nói bằng giọng điệu khác, không ồn ã như nhiều nhà thơ cùng thời viết về chiến tranh. Lưu Quang Vũ chiêm cảm, khám phá những miền khuất lấp, ở sự khốc liệt, tàn phá của chiến tranh, ở số phận dân tộc, nhân dân từ nhiều góc nhìn hết sức nhân bản và cũng bằng chính trái tim nghệ sĩ rất mực khắc khoải, day dứt. Có khi nhà thơ tự vấn với tư cách thế hệ: “Tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau / đặt lại những câu hỏi / về cuộc chiến tranh này / về mọi giá trị trên đời / nguồn gốc những nguyên nhân / của chém giết và thù hằn / bất công và đói rét” (Nói với con cuối năm).

Khi khác ông không ngần ngại bày tỏ chính kiến của mình bằng giọng trách oán: “Khi mặt đất mênh mông đầy biến loạn / Khi bước chân lầm lạc / Khi con người giết nhau / Những lá thư không biết gửi vào đâu / Những hải cảng không con tàu cập bến / Quen thất vọng tôi hồ nghi mọi chuyện / Tìm trong mắt em náo động những chân

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023