Biến Đổi Cấu Trúc Câu Thơ, Gia Tăng Nhịp Điệu


Tấm dù em đắp vương vương nắng(b)

Như bướm vờn theo nhịp võng đưa(a) (Giấc ngủ của nàng tiên dũng sĩ)

Nhạc tính trong thơ còn được thể hiện ở hiện tượng láy. Láy là lặp lại phụ âm đầu (láy phụ âm đầu), lặp lại phần vần (láy vần) hoặc lặp lại hoàn toàn (láy hoàn toàn)

- tính trên đơn vị âm tiết. Từ láy có khả năng gợi hình, gợi cảm cao. Theo đó âm sắc lời thơ cũng biến đổi, góp phần kiến tạo vỏ vật chất giọng điệu. Mật độ từ láy trong thơ trẻ thời chống Mỹ khá dày. Để thể hiện khí thế cách mạng sục sôi, nhà thơ thường sử dụng các từ “rộn ràng”, “cuồn cuộn”, “rầm rập”, “bừng bừng”,… Ví dụ: “Vui cái rộn ràng của tiếng súng, tiếng bàn chân / Tất cả xuống đường cuồn cuộn, “Người với người rầm rập ngày đêm / Đường chiến dịch tưởng như dài vô tận” (Hoa dừa - Lê Anh Xuân); hay: “Ngoại ô bừng bừng tiếng hát / Ngực căng phồng người trấn cửa Thuận An” (Đất ngoại ô - Nguyễn Khoa Điềm),... Vũ Quần Phương tả đêm chiến tranh bằng hai câu thơ đặc sắc mà điểm nhấn là hai từ láy không thể thay thế: “Mưa vẫn rơi rì rầm không tắt / Một chuyến phà óc ách sang ngang” (Những câu thơ trong đêm). Thơ trẻ thời chống Mỹ đọng lại nhiều diễn ngôn bằng từ láy ấn tượng: “Tiếng bìm bịp bập bềnh trong đêm nước lên” (Chuyến đò trong đêm giáp ranh - Hữu Thỉnh); “Hoa lục bình mênh mang màu mực tím” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm). Còn Phạm Tiến Duật, giọng “đùa tếu” bộc lộ ngay trong từ láy mà ông sử dụng: “Bấy lâu mũ sắt đội quen / Bây giờ cái nón toòng teng trên đầu” (Cái chao đèn),...

- Điệp từ ngữ: Trong thơ, điệp từ ngữ là thủ pháp sáng tạo thẩm mỹ, hình thức của nó là sự nhấn giọng. Khi những con chữ trùng lặp mà không thừa; ngược lại, nó được cấu thành hệ thống, nổi lên như những kí mã sinh động, ám ảnh, thì đương nhiên đó là những tín hiệu nghệ thuật, là “kênh” biểu thị giọng điệu nhà thơ. Chẳng hạn, Nguyễn Duy viết: Cát tím bầm - lở loét vết giày đinh / Mồ hôi chảy thấm vào trong cát / Nước mắt chảy thấm vào trong cát / Máu người chảy thấm vào trong cát(Cát trắng). Điệp từ “cát” một mặt đã chuyển sang nghĩa tu từ, mặt khác mang sắc giọng tác giả: nhấn vào sự hi sinh thầm lặng, sức chịu đựng vô bờ của đất nước và nhân dân trong chiến tranh. Giọng này tương đồng Thanh Thảo và Nguyễn Khoa Điềm, hơi


khác giọng trăn trở, dự cảm của Xuân Quỳnh: “Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi / Tôi của cát, của gió Lào khắc nghiệt” (Gió Lào cát trắng). Thơ trẻ thời chống Mỹ dồi dào “cát” và “gió”, không ngẫu nhiên mà Ngô Kha viết trường ca Gió. Gió ám thị trong thế giới siêu thực, nhà thơ hóa thân vào gió, đối thoại với gió: gió hôn lên vết thương / gió săn sóc cho những lần đau giấc ngủ / gió thánh thần / gió đọc kinh cầu cho tuổi trẻ / gió viết tình yêu ta / như một lần vết chim / gió khắc lên bia đời ta / như một lần chối bỏ”. Đến Nguyễn Khoa Điềm, “gió” cuộn trào điệp khúc sử thi, mang âm hưởng thời đại: “Độc lập, Tự do... Gió thổi hào hùng / Gió quét địch suốt chiều dài mặt phố / Gió xốc dậy những mặt đồng mặt phá / Gió lộng tâm hồn... Ôi gió vinh quang” (Mặt đường khát vọng).

* Cùng phép điệp là so sánh tu từ. So sánh tu từ là phương thức diễn đạt ngữ nghĩa, trong đó người ta đối chiếu hai hay nhiều đối tượng khác loại nhưng giống nhau ở một thuộc tính nào đó, gợi xúc cảm mới về đối tượng. So sánh tu từ bao giờ cũng có hai vế. Vế 1: hình ảnh so sánh; vế 2: cái đưa ra so sánh. Hai vế liên kết bằng quan hệ từ “như”, “là”, “hay”. Căn cứ vào thuộc tính của cái đưa ra so sánh (vế 2) mà người ta có thể nhận dạng giọng điệu. Chẳng hạn, đọc câu ca dao “Thân em như hạt mưa sa”, “Thân em như giếng giữa đàng”... thì đấy là giọng than thân chứ không phải giọng nào khác. Hay khi Xuân Diệu viết: “Tôi là con nai bị chiều đánh lưới” (Khi chiều giăng lưới), người ta sẽ nhận ra giọng buồn, cô đơn của ông thời Thơ mới,...

Đối với thơ trẻ thời chống Mỹ, để thể hiện các cung bậc trữ tình, nhất là tạo dựng khúc tráng ca thời đại, các nhà thơ luôn phải tìm tòi, vận dụng nhiều kiểu so sánh khác nhau. Với giọng hào sảng lạc quan, đối tượng đưa ra so sánh thường mang tầm vóc kỳ vĩ, oai hùng; hình ảnh so sánh luôn gắn với hiện thực cuộc kháng chiến oanh liệt, đầy bi tráng: “Anh tên gì hỡi anh yêu quý / Anh vẫn đứng lặng im như bứcthành đồng(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân). Để tăng độ vang âm hưởng, ngoài so sánh trong nội bộ dòng thơ, các nhà thơ trẻ còn sử dụng kiểu so sánh trùng điệp. So sánh trùng điệp thực chất là mở rộng vế 2 nhằm khuếch đại vế 1 (tức hình ảnh so sánh), đẩy nhanh nhịp điệu câu thơ. Đây là kiểu so sánh tỏ ra hữu hiệu trong việc giúp nhà thơ bày tỏ mạch cảm xúc sôi nổi, nồng nhiệt trước con người và thời đại

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.


anh hùng: “Ôi kể làm sao hết được / Những anh hùng đánh Mỹ hôm nay / Như CửuLong mênh mông sông nước / Như Trường Sơn đông đặc rừng cây (Gặp những anh hùng - Lê Anh Xuân). Thuộc tốp đầu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ, theo Hoài Thanh,“Có thể nói Lê Anh Xuân đã đạt tới cái nhìn anh hùng ca và tìm đúng cái giọng anh hùng ca” [158, tr.1233]. Còn khi biểu lộ giọng trữ tình tha thiết, Lê Anh Xuân có kiểu so sánh tách dòng khá độc đáo:

Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 24

Dấu chân em đẹp quá Như hoa

Nở trên bến phù sa

(Dòng sông tuổi thơ)

Giọng hào sảng trong thơ Trần Quang Long cũng được kiến tạo bằng so sánh trùng điệp. Tương tự Lê Anh Xuân và nhiều nhà thơ trẻ khác, hình ảnh đưa ra so sánh trong thơ ông thường biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu, gắn với đất nước và con người Việt Nam hào khí: “Chúng ta vẫn đi / Như dãy Trường Sơn không hề mệt mỏi / Như nước sông Hồng vút cao vòi vọi / Như đồng ruộng Cửu Long em gái vẫn trông chờ” (Chúng ta vẫn đi).

Đến Xuân Quỳnh, người ta không khó nhận ra nét sắc sảo, đầy nữ tính qua lối so sánh đặc trưng của nhà thơ; cũng thủ pháp so sánh nhưng không phải âm hưởng tráng ca: “Tình yêu như tháng năm / Mang gió nồng nắng lửa / Lòng anh là đầm sen / Hay là nhành cỏ úa ?” (Tháng năm). Với lối so sánh này, khó mà cho rằng Xuân Quỳnh luôn sôi nổi, hồn nhiên trong tình yêu. Mà đó là giọng nồng hậu, trăn trở đến hoài nghi: “Lòng anh là đầm sen / hay là nhành cỏ úa ?”. Từ “hay” thay dấu hỏi xoáy vào vế so sánh thứ nhất: “Lòng anh”. Hơn một lần Xuân Quỳnh “đặt vấn đề” như thế: “Khi nào ta yêu nhau ?” (Sóng); “Yêu em nhiều không anh ?” (Mùa hoa doi). Đúng như các tác giả “Giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại tập II” nhận xét: “đặc điểm nổi bật trong giọng điệu thơ Xuân Quỳnh là giọng giãi bày, bộc bạch, bàng bạc lo âu day dứt” [79, tr.260].

Riêng Thanh Tùng, thủ pháp so sánh đã giúp ông kiến tạo giọng trữ tình da diết, âm hưởng réo rắt đến nao lòng: “Hoa như mưa rơi rơi / Cánh mỏng manh tan tác


đỏ tươi / Như máu ứa một thời trai trẻ / Hoa như mưa rơi rơi / Như tháng ngày qua ta dại khờ / Ta nhìn sâu vào đôi mắt nhau / Mà thấy lòng đau xót” (Thời hoa đỏ).

Đa dạng các phép điệp và so sánh tu từ như thủ pháp hữu hiệu để kiến tạo giọng điệu. Năng lực sáng tạo của nhà thơ một phần được “phát lộ” ở đây. Nhà ngôn ngữ học Đinh Trọng Lạc khẳng định: “Tìm được một so sánh đâu phải dễ dàng, vì đó là tâm hồn, là tài năng nghệ thuật” [71, tr.193].

3.3.3. Biến đổi cấu trúc câu thơ, gia tăng nhịp điệu

* Biến đổi cấu trúc câu thơ: Để kiến tạo giọng điệu nghệ thuật, nhà thơ tất phải biến đổi linh hoạt cấu trúc câu thơ, làm cho nó “co duỗi” uyển chuyển, gần với câu văn xuôi nhưng vẫn là thơ. Cấu trúc câu văn xuôi thường đi với thể loại tự sự; giọng văn xuôi phổ biến là giọng kể, câu văn xuôi cũng chủ yếu là câu kể. Khi chất văn xuôi trong thơ được tăng cường, dạng câu kể được các nhà thơ sử dụng ở tần suất cao thì số tiếng trong câu thơ có xu hướng kéo dài ra, nhất là đối với những bài nghiêng về giọng triết lí - suy tưởng:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi

Vọng phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn trống mái

Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao hồ để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

Cấu trúc câu thơ theo hướng xích gần câu văn xuôi vốn đã “đắc dụng” từ thời Thơ mới và khởi sắc trong thơ chống Pháp. Đến thơ trẻ thời chống Mỹ, yếu tố văn xuôi trở nên phổ biến, câu thơ chủ yếu đi bằng nhịp bên trong hòa kết với điệu tâm hồn và mạch xúc cảm của nhà thơ. Sự “giãn nở” câu thơ tỏ ra ăn nhịp với giọng trữ tình hướng nội: “tôi yêu đất nước này xót xa / mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng / thương tôi nên ở góa nuôi tôi / những đứa bà con nhà giàu hằng ngày chửi bới / chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,/ như cho một đứa hủi / ngày kị cha họ hàng thân thích không ai tới / thắp ba cây hương” (Bài thơ của một người yêu nước mình - Trần Vàng Sao).


Theo M. Bakhtin, thơ ca là loại hình nghệ thuật đơn thanh, ngôn ngữ thơ thuộc ngôn ngữ độc thoại. Nhưng khi cấu trúc câu thơ và kiểu diễn đạt xích gần văn xuôi thì rõ ràng, khả năng đối thoại sẽ được hé mở, câu thơ “mấp mé” câu văn xuôi mà vẫn giữ được giọng trữ tình thống thiết: “Thưa mẹ / Năm nay con đã hai mươi lăm tuổi đầu / Công danh gì chẳng có / Cuộc sống lại cơ cầu / Bữa đói bữa no cậy nhờ bè bạn... / Bây giờ con sống đây / Bên những người đã chết / Bên những người đang chết

/ Cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen” (Thưa mẹ trái tim - Trần Quang Long).

* Gia tăng nhịp điệu: Người ta có thể tranh cãi về định nghĩa thơ nhưng không ai nghi ngờ “thơ đi bằng nhịp điệu”. Theo Nguyễn Đăng Điệp, “trong chỉnh thể văn học, nhịp điệu là một phương diện bộc lộ giọng điệu” [30, tr.43]. Các thủ pháp như điệp, so sánh tu từ, biến đổi cấu trúc câu thơ (như trình bày trên đây) đều góp phần tạo sinh nhịp điệu. Tuy nhiên, khi quy định số tiếng, số dòng, gieo vần, phối thanh không còn nghiêm ngặt như trước (thơ cách luật), thậm chí bị phá vỡ thì thơ phải tìm đến nhịp điệu bên trong: “Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm... thơ còn có một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn...” [169, tr.59]. Nói như thế đồng nghĩa với việc mở rộng cách hiểu nhạc tính trong thơ. Kì thực thơ thường đi cả nhịp bên ngoài và nhịp bên trong, mất nhịp bên ngoài đã có nhịp bên trong. Mất cả hai thì không thành thơ: “Vần hay không, tôi vẫn cho là thứ yếu / Nhưng vắng âm thanh réo rắt đố thành thơ” (Gửi một nhà thơ trẻ - Sóng Hồng). Sự phối hợp nhịp thơ trên từng dòng và ngắt dòng sẽ tạo sinh nhịp điệu. Khi nhà thơ lựa chọn một thể thơ nào đó tức là sẽ chọn luôn cả nhịp điệu của nó. Nhưng nhịp điệu không phải nhất thành bất biến trong mọi thể thơ. Cũng có những thể thơ bao gồm nhiều nhịp ngắt khác nhau (ví dụ thể lục bát). Bởi vậy việc chọn và tạo nhịp cho thơ bao giờ cũng gắn với điệu thức tâm hồn nhà thơ. Các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ “canh tác” ở nhiều thể thơ (hầu như không có ai chỉ “chuyên canh” một thể), theo đó nhịp điệu khá phong phú.

Để biểu đạt các kiểu giọng điệu, nhất là giọng hào sảng lạc quan (chủ âm), các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ đã gia tăng nhịp điệu bằng nhiều cách. Chúng tôi thấy nổi lên một số cách đáng chú ý sau đây :


- Phối xen các thể thơ, tạo điểm dừng bài thơ. Phối xen các thể thơ trong một bài thơ thường được gọi là thơ hợp thể, một dạng của thơ tự do. Sự xuất hiện thơ hợp thể, một mặt tuân theo quy luật hình thức chuyển hóa nội dung, mặt khác nó phù hợp với hoàn cảnh cụ thể ở nước ta lúc bấy giờ: “Ở trình độ phát triển của thơ ca ta hiện nay, dùng một lèo thể thơ cũ hoặc chỉ dùng thơ tự do cả cũng không hợp... Cho nên, tất nhiên phải có một thời kỳ thơ cũ và thơ mới xen kẽ nhau [82, tr.124]. Các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ tỏ ra nhuần nhuyễn trong việc phối xen các thể thơ, sáng tạo những thi phẩm sinh động, giàu nhạc tính, hòa kết nhịp cuộc sống với điệu tâm hồn. Chẳng hạn, Lê Anh Xuân “một trong những nhà thơ xuất sắc nhất” (Hoài Thanh) đã thành công ở những bài thơ sáng tác theo dạng phối xen này: “Nơi đây lúc dịu êm / Đất hiền như tuổi thơ / Cánh cò bay trong sắc trời lá mạ / Cá quẫy đầm sen thiết tha / Xôn xao bông súng nở xòa” (Anh đứng giữa Tháp Mười). Bài thơ viết theo thể tự do, đến đoạn cuối tác giả dành một một khổ năm dòng, trong đó đan xen hai dòng bằng thể thơ sáu tiếng: “Cá quẫy đầm sen thiết tha / Xôn xao bông súng nở xòa”. Sự xuất hiện hai câu thơ thể sáu tiếng đã nâng đỡ cho tứ thơ cả đoạn bay bổng hẳn lên. Âm hưởng hùng ca của những đoạn thơ trước đó, đến đây lại được đan quyện với âm hưởng tình ca, hợp thành một bản giao hưởng trữ tình - sử thi rất đặc trưng cho hồn thơ tác giả.

Bài Cho người bạn tù sơ sinh của Võ Quê được kết thúc bằng hai câu lục bát khá ấn tượng. Nhịp thơ thư thái, khoan thai (nhịp 2/2) mà hào sảng, lạc quan: “Bé thơ ơi, / Đừng khóc để lòng vui / Vắt cơm tù không đủ mặn bờ môi / Ta ngậm đỡ / Ngày mai ta trả lại / Giặc cùng đường, giặc giam ta đói / Nhưng sợ chi lòng ái quốc ta no / Đêm nay mẹ cất tiếng hò / Vẳng trong lời mẹ con đò đưa quân”. Trong những thi phẩm có kiểu kết thúc bằng một hoặc hai câu theo dạng “mở” đã gây được độ dôi dư về ngữ âm và ngữ nghĩa. Bài thơ dừng lại nhưng âm hưởng vẫn còn ngân nga, lan toả; hình tượng thơ cứ chập chờn trong tâm trí người đọc: “Cho lòng nổi sóng dập dồn / Để buồn tím cả nụ hôn giữa dòng / Trời mênh mông, nước mênh mông” (Trời mênh mông, nước mênh mông - Hoài Vũ). Bài thơ khép lại bằng một dòng lục: “Trời mênh mông, nước mênh mông” gợi cảm giác chưa dứt nhạc tính, nhịp điệu vọng ra ngoài con chữ. Tương tự, Phạm Tiến Duật (Cô bộ đội ấy đã đi rồi, Nhớ về lũ trẻ,...), Nguyễn Mỹ (Cuộc chia ly màu đỏ),... đều tạo điểm dừng bài thơ theo dạng mở như thế.


- Đa dạng các nhịp ngắt: Như trên đã đề cập, thơ trẻ thời chống Mỹ kế thừa các thể thơ truyền thống và thơ tự do đã được thiết lập trước đó. Điểm khác là thể thơ tự do được sử dụng phổ biến hơn. Theo nhà nghiên cứu Mã Giang Lân, “Thơ tự do chiếm tỷ lệ cao nhất ở các tập thơ những cây bút trẻ (từ 60 đến 70%)” [73, tr.355]. Xu hướng chung là càng về cuối cuộc chiến, thể thơ tự do càng gia tăng. Chẳng hạn, Lưu Quang Vũ, nếu tập Hương cây thơ tự do chiếm 85,5% (17/20 bài), thì đến tập Bầy ong trong đêm sâu, thơ tự do chiếm 100% (40/40 bài); Xuân Quỳnh, thơ tự do trong Hoa dọc chiến hào 18/28 (64,3%), đến Gió Lào cát trắng tăng lên 30/36 bài (83,3%). Ở đây nảy sinh vấn đề sáng tạo của các cây bút trẻ thời chống Mỹ khi kế thừa các thể thơ mà thế hệ trước để lại. Chúng tôi coi đa dạng các nhịp ngắt như thủ pháp để nhà thơ “thiết kế” nhịp điệu, hướng tới biểu đạt giọng điệu. Thực ra trong Thơ mới và thơ kháng chiến chống Pháp đã có sự sáng tạo này. Đến thời chống Mỹ, các nhà thơ trẻ tiếp tục phát triển thêm, nảy ra những dấu ấn cách tân đáng ghi nhận.

Dấu hiệu dễ nhận thấy là ở thể lục bát. Được coi là thể thơ thuần dân tộc, thơ lục bát chủ yếu ngắt nhịp chẵn (lấy nhịp 2/2 làm nền tảng). Nhưng đó là trong ca dao, còn thơ ca bác học thì dĩ nhiên đã có nhiều biến hóa. Chẳng hạn, nhịp 2/1/3 và 2/1/3/2: “Hỏi tên rằng: Mã Giám sinh - Hỏi quê rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần” (Kiều - Nguyễn Du). Đến thơ trẻ thời chống Mỹ, thơ lục bát có xu hướng bớt cái mượt mà, chải chuốt, tăng chất trẻ trung, khỏe khoắn. Nhịp nhanh hơn, phù hợp với nhịp cuộc sống hiện đại mà vẫn biểu đạt được cảm xúc đa dạng, phong phú của thể thơ dân tộc. Sự biến đổi nhịp điệu được thể hiện ở nhịp ngắt trong dòng thơ:

Mộc nhĩ / là tai của rừng (nhịp 2/4)

Cái đập / tai của một vùng / con đê (nhịp 2/4/2) (Cái tai - Phạm Tiến Duật)

Và cũng có thể biến đổi nhịp điệu bằng thủ pháp vắt dòng; tức câu thơ được ngắt ra nhiều dòng - điều mà lục bát truyền thống không hề xảy ra (kể cả Nguyễn Du). Vắt dòng là ngắt giọng, chuyển nhịp, sắc thái biểu cảm rung theo nhịp ngắt. Về thủ pháp này phải nói đến Nguyễn Duy. Để khẳng định sức sống dẻo dai, trường tồn của đất nước và con người Việt Nam qua biểu tượng cây tre, để ngân lên âm hưởng ngợi


ca phẩm chất và bản lĩnh dân tộc, mở đầu bài Tre Việt Nam, tác giả ngắt ở dòng lục (nhịp 2/4):

Tre xanh /

Xanh tự bao giờ ?/

Chuyện ngày xưa... /đã có bờ tre xanh (nhịp 3/5)

Kết thúc cũng ngắt ở dòng lục, điệp từ “mai sau” như lớp sóng ngôn từ thấm vào lòng người, lan tỏa vào thời gian vĩnh viễn:

Mai sau, Mai sau, Mai sau...

Đất xanh tre / mãi xanh màu / tre xanh (nhịp 3/3/2)

Đối với thơ tự do, ngắt nhịp và vắt dòng lại càng đa dạng hơn. Nếu thơ cách luật, câu thơ trùng khít dòng thơ, nhịp ngắt được quy định chặt chẽ (nhịp 4/3 đối với thơ luật Đường thất ngôn, nhịp 3/4 đối với hai câu thất trong thơ song thất lục bát); thì thơ tự do lại rất linh hoạt, nhiều biến hóa. Thơ tự do phân biệt với thơ cách luật ở đặc tính “tự do” của nó. Tuy nhiên dù tự do đến đâu, đã là thơ thì không thể thiếu tiết tấu, nhịp điệu. Có điều, do phá vỡ “chế ước” về số tiếng, số dòng, gieo vần, phối thanh nên thơ tự do rất chú ý đến ngắt nhịp sao cho có nhạc tính, tránh trúc trắc, khó đọc. Nhịp ngắt trong thơ tự do phóng khoáng, biến đổi linh hoạt theo dòng suy cảm của nhà thơ. Hiện thực chiến tranh vốn sôi động, khẩn trương, đầy căng thẳng. Nhìn chung, nhịp điệu trong thơ trẻ thời chống Mỹ là nhịp điệu của hiện thực cuộc sống đang diễn ra:

Sau những loạt B.52 / mặt đất lặng im / Chỉ có tiếng bàn tay / là rõ nhất /

Tiếng xẻng cuốc / cứu người thân / hầm sập / Tiếng nước / dội vào lửa /

Tiếng mười đầu ngón tay / buốt nhức / Bới tìm người chết /

Tiếng chổi vén vun, / tiếng lên đạn súng trường /

(Tin ở bàn tay - Lâm Thị Mỹ Dạ)

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023