Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 20


Yên thì hoài nghi đến mù quáng: “Hỡi gã Cộng quân sốt rét, đói / Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam /... / Ngươi cùng ta ai thật sự hi sinh / Cho Tổ quốc Việt Nam - một Tổ quốc / Các việc ngươi làm, ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm / Các việc ta làm / Ta xét thấy chẳng ra chi” (Chiều trên phá Tam Giang).

Ở mảng thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam, từ giữa thập niên 60 (khi Mỹ trực tiếp tham chiến) đến đầu thập niên 70 đã có sự bùng nổ khá rộng trong tầng lớp học sinh sinh viên (nổi bật nhất là những sáng tác được tập hợp trong tập Tiếng hát của những người đi tới - 1967). Thơ họ tràn đầy âm hưởng hùng ca, thúc dục, vẫy gọi tuổi trẻ vùng lên tranh đấu. Có nhiều bài thơ như lời hiệu lệnh, truyền nhiệt hứng đến những người cùng thế hệ trong những đêm không ngủ, náo nhiệt khí thế lên đường, cứu nguy dân tộc:

- Anh em ơi ! Tiến tới ! Tiến nhanh Chân bước rộn đường hoa khởi nghĩa Thanh niên ơi kiên gan bền vững Tiếp nối nhau đi hát khúc lên đường

(Tiếng gọi thanh niên - Thái Ngọc San)

- Tổ quốc ơi. Hãy thắp đời tôi thành đốm lửa

(Hi vọng bên cõi chết - Tần Hoài Dạ Vũ)

- Hỡi những người vai rộng tóc xanh Đời như hoa thắm nở trên cành

Tầm vông chuyển động mùa sông núi Giục lớp người đi phá xích xiềng

(Ta đã lớn lên - Hữu đạo)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Điểm gặp của giọng hào sảng, lạc quan là lời thơ chắc, khỏe, chứa chan nhuệ khí. Bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ hiện lên trong từng con chữ, từng nhịp thơ; chủ thể thường tìm đến các hô ngữ, thán từ như “ơi”, “hỡi”, “hãy”,… vang lên âm hưởng hùng ca. Ở đây, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và sự tự ý thức về bổn phận của người cầm bút trước vận mệnh sống còn của Tổ quốc đã thôi thúc nhà thơ cất lên thành lời. Về phương diện này, thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam hòa chung vào nền thơ chống Mỹ của cả nước. Điều đó càng khẳng định rằng, trong


Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 20

bối cảnh đất nước chiến tranh, thơ ca chân chính, bất kể có cùng ý thức hệ hay không, đều không thể đứng ngoài thời cuộc, càng không thể né tránh trách nhiệm với non sông. Trước thách thức, đe dọa của ngoại xâm, thơ ca trên hết phải là vũ khí: “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông / Xuyên vào gan lũ giặc…/ Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước / Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai” (Thưa mẹ trái tim - Trần Quang Long).

Giọng điệu hào sảng lạc quan có xu hướng mở rộng cảm xúc trữ tình đến những vấn đề lịch sử. Âm hưởng hùng ca được cất lên từ chiều sâu ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ để khắc họa thế đứng vững chãi của dân tộc: “Việt Nam ! Ôi Việt Nam! / Cả hai miền đang xốc tới / Lưng dựa vào lịch sử bốn ngàn năm / Không có kẻ thù nào thắng nổi” (Việt Nam ! Ôi Việt Nam - Lê Anh Xuân). Và chính tuổi trẻ tự nguyện dấn thân, kết nối truyền thống cha ông, viết tiếp lịch sử, góp phần làm nên lịch sử. Trong lòng đô thị miền Nam, trước khi ra vùng giải phóng và hi sinh (1968), Trần Quang Long là nhà thơ thể hiện rất rõ tâm niệm này: “Trái tim con là Con Người

/ Viết lịch sử mình trên mặt đất / Bằng từng nét chữ thắm tươi” (Thưa mẹ trái tim). Chúng tôi cho rằng, Trần Quang Long là hiện tượng đặc biệt. Chưa thấy tài liệu chính thức nào công bố ông là người của cách mạng hoạt động trong lòng đô thị, nhưng thơ ông lại rất gần thơ kháng chiến cả về cảm hứng và giọng điệu. Tính chiến đấu trong thơ Trần Quang Long nổi đậm, chất giọng hào sảng, dập dồn nhiệt huyết cứu nước (trong khi bản thân là viên chức hành nghề dạy học, được “Quốc gia” trả lương cao, lại kết duyên với con một gia đình “danh gia vọng tộc” giữa trung tâm Sài Gòn). Trong nhiều bài thơ của Trần Quang Long, âm hưởng không chỉ rạo rực nhuệ khí dấn thân mà còn rắn rỏi, quyết liệt, rất “thép”: “Nếu thơ con bất lực / Con xin nguyện trọn đời / Dùng chính quả tim làm trái phá / Sống chết một lần thôi” (Thưa mẹ trái tim).

Về thể loại, bên cạnh những bài thơ trữ tình là các trường ca. Trường ca thuộc sáng tác dài hơi, có sự tổng hợp nhiều giọng điệu. Nhưng nổi lên hàng đầu vẫn là giọng hào sảng lạc quan. Từ Lửa sáng rừng (Thái Giang), Bài ca chim chơ rao (Thu Bồn), Trường ca Nguyễn Văn Trỗi (Lê Anh Xuân) đến Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm), Khúc hát người anh hùng (Trần Đăng Khoa),... đều gặp nhau ở âm hưởng chủ đạo này. Tuy nhiên, về thể thơ, ngôn từ, thủ pháp nghệ thuật thì mỗi nhà


thơ đều có sáng tạo riêng. Có thể nói, những biến cố lịch sử lớn lao của dân tộc và thời đại được tái hiện “hoàng tráng” hơn trong thơ trẻ thời chống Mỹ một phần cũng nhờ giọng điệu hào sảng, lạc quan ấy.

Bên cạnh giọng hào sảng lạc quan làm chủ âm, thơ trẻ thời chống Mỹ còn hiện hữu một số kiểu giọng khác, khá phổ biến.

3.2.2. Giọng trữ tình, thống thiết

Giọng hào sảng lạc quan không làm tan biến âm hưởng trữ tình thống thiết, mà giữa chúng luôn bổ sung cho nhau, đan xen, phối kết với nhau. Nếu giọng hào sảng lạc quan như sản phẩm của tư duy sử thi, thổi bùng nhiệt hứng, thì giọng trữ tình thống thiết lại được sản sinh từ bản chất loại hình và thế giới nội cảm của nhà thơ, làm “lục hóa” tâm hồn nhà thơ, tạo khí sắc dịu êm, đi vào chiều sâu hướng nội. Thơ thời chống Mỹ (bao gồm dòng thơ trẻ) là tiếng nói tình cảm của một dân tộc đứng ở đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chất trữ tình hoà quyện tự nhiên, nhuần nhụy với chất anh hùng ca: “Chất trữ tình và anh hùng vẫn là hai thành phần, hai phẩm chất, hai giọng điệu quen thuộc của thơ ca yêu nước truyền thống. Nhưng trong thơ ca chống Mỹ, những phẩm chất trên được thể hiện một cách phong phú và nhất quán hơn” [3, tr.173].

Giọng trữ tình thống thiết trước hết được xuất phát từ tâm trạng “rưng rưng” của nhà thơ trước cảnh vật và con người Việt Nam trong những năm tháng gian khổ, đầy đau thương nhưng cũng rất hào hùng, vang dội. Một Việt Nam lẫm liệt trên trận tuyến chống ngoại xâm được cất lên bằng giọng tráng ca, ngân vang bên cạnh một Việt Nam trầm tĩnh, bao dung thường được ví như người mẹ nhân hậu, vị tha; giọng thơ trở về dịu êm, đằm thắm, chan chứa ân tình: “Mẹ Việt Nam ơi ! / Đêm nay con về gối đầu trên cánh tay của Mẹ / Ôi cánh tay rắn rỏi dịu hiền / Lấm láp bùn lầy nhưng ấm áp niềm tin” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm). Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm mang sắc thái sử thi nhưng khi đi vào thơ Nguyễn Khoa Điềm đã được trữ tình hóa bằng tiếng nói vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa hào sảng vừa ngọt ngào. Khi thì nhà thơ nói với người yêu bằng giọng tâm tình tha thiết: “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình / Phải biết gắn bó và san sẻ / Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở / Làm nên đất nước muôn đời” (Mặt đường khát vọng); khi thì nói


bằng giọng trìu mến, ngọt ngào qua lời ru của mẹ: “Ngủ ngoan Akay ơi, ngủ ngoan Akay hỡi / Mẹ thương Akay mẹ thương bộ đội / Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần / Mai sau khôn lớn vung chày lún sân” (Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ).

Và có cả cái trĩu nặng ân tình, thẳm sâu ân nghĩa đối với một đất nước lam lũ mà yêu thương, tần tảo nhọc nhằn mà thủy chung son sắt. Giọng thơ Trần Vàng Sao dung dị, hồn hậu, dễ làm xao xuyến lòng người: “Tôi yêu đất nước này rau cháo / Bốn ngàn năm cuốc bẫm đào sâu / Áo đứt nút qua cầu gió bay... / Tôi yêu đất nước này lầm than / Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển / ăn rau rìu rau có rau trai / nuôi lớn người từ ngày mở đất” (Bài thơ của người yêu nước mình).

Nguyễn Duy góp vào thơ trẻ thời chống Mỹ một giọng thơ rất riêng, đậm đà, nhuần nhụy màu sắc dân gian. Đất nước trong thơ ông gắn với cảnh vật bình dị, gần gũi trong cuộc sống đời thường, biểu trưng cho vẻ đẹp tâm hồn và cốt cách Việt Nam. Ấy là “những cọng rơm xơ xác gây gò”, là cây tre “thân gầy guộc lá mỏng manh”, là gốc sim “hiền như sắc tím”,... Những sự vật ngỡ như vô tri vô giác nhưng khi vào thơ Nguyễn Duy lại trở nên sinh động, lay cảm nhờ biệt tài quan sát và trí tưởng tượng phong phú của ông. Hầu hết đều được nhà thơ biểu đạt bằng giọng trữ tình nhẹ nhàng, tha thiết: “Tre xanh / Xanh tự bao giờ ? / Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh / Thân gầy guộc lá mảnh manh / Mà sao nên lũy nên thành tre ơi ?” (Tre Việt Nam).

Chất giọng trữ tình nhiều khi được đẩy đến mức thống thiết. Đó là những bài thơ viết về nỗi đau đất nước chia cắt trong hơn thập niên đầu của cuộc kháng chiến. Địa danh Quảng Trị với sông Bến Hải, cầu Hiền Lương thực sự trở thành tiêu điểm của nỗi đau này: “Đau Quảng Trị là nỗi đau đất nước / Xé lòng ta đấy hỡi Hiền Lương / Mười mấy năm trời không một chuyến đò ngang” (Khúc khải hoàn của đất đai - Anh Ngọc). Ở đây có nỗi đau đất nước chia cắt và có nỗi buồn đôi lứa chia li. Nó không phải không gian huyền thoại như con đường Trường Sơn mà là không gian trữ tình da diết: “Cách một con sông mà đó thương đây nhớ / Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa” (Khuyết danh). Nếu trong sáng tác của các nhà thơ lớp trước, Tế Hanh là người kí thác nỗi niềm day dứt, ám ảnh nhất về sông Bến Hải, biển Cửa Tùng

- biểu tượng đất nước cắt chia: “Tôi chảy ngày đêm không nghỉ / Hai bờ Nam Bắc


nhìn đau / Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị / Tận chân trời mây núi có chia đâu” (Nói chuyện với Hiền Lương); thì trong thơ trẻ thời chống Mỹ phải nói đến Cảnh Trà. Theo chúng tôi, thơ Cảnh Trà thành công hơn cả vẫn ở giọng nhớ nhung thống thiết: “Bờ Nam ơi ! Nhức nhói mấy năm ròng / Dân đôi bờ như cau nhớ trầu không / Như mạ nhớ trưa, như cờ nhớ gió / Mười mấy năm mà bên ni bên nớ / Bến đò ngang chưa ấm dấu chân người (Người dân quân đất tuyến).

Đất nước bị phân đôi, nỗi đau chung của dân tộc đồng thời cũng là nỗi đau của từng con người, nhất là với những ai sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam”, gia đình đôi ngả. Trong cái chung có cái riêng, trong nghĩa nước có tình nhà, nỗi đau riêng hoà với nỗi đau chung của dân tộc. Nói cách khác, nỗi đau dân tộc được hiện thực hoá trong nỗi đau của mỗi người, mỗi lứa đôi cụ thể. Kí thác tâm trạng này, có lẽ xúc động, da diết nhất vẫn là những nhà thơ quê Nam. Họ đã đem vào đó một phần cái tôi riêng của mình với những kỉ niệm tuổi thơ, nỗi nhớ người thân đang bên kia giới tuyến:

Quê hương ơi,

Mấy năm trời xa cách

Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi Nghe tiếng trời gầm xa lắc...

Cớ sao làng lại xót đau ? Ta muốn về quê nội

Ta muốn trở lại tuổi thơ

Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha

Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá...

(Nhớ mưa quê hương - Ca Lê Hiến)

Thật khó biểu đạt được tình cảm thiết tha đến thống thiết hơn thế. Cũng cần nói thêm, thơ Ca Lê Hiến khởi nguyên là giọng nhỏ nhẹ, tươi tắn, tin yêu cuộc đời. Đồng thời, trong tập Tiếng gà gáy còn có giọng đau đáu, thổn thức nhớ quê hương. Thơ Ca Lê Hiến tăng thêm chất giọng hào sảng kể từ khi trở về quê hương chiến đấu (1964 - bút danh Lê Anh Xuân). Nhưng nhìn chung, sắc diện nổi bật lưu lại trong thơ ông vẫn là giọng trong trẻo, thiết tha, nồng hậu và chân tình: “Em ơi ! Sao tóc em thơm vậy /


Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng / Ta yêu em giọng cười trong trẻo / Ngọt ngào như nước dừa xiêm ” (Trở về quê nội ); hay: “Em về đâu mà em chèo nước ngược / Trời lại mưa to, áo em đã ướt / Sao không chờ nước lớn em ơi” (Anh là con sông chảy trước nhà em).

Không chỉ thơ trẻ miền Bắc hay thơ trẻ vùng giải phóng mà ngay trong thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị cũng thấm nỗi đau đất nước cắt chia; giọng thơ không kém phần trữ tình thống thiết: “Trời quê hương hôm nay mưa sụt sùi / Mùa xuân về che mặt đứng sầu bi / Mỗi thân thể hằn vết thương chia cắt / Mỗi linh hồn đau nhức chuyện phân li” (Giấc ngủ xuân - Tần Hoài Dạ Vũ).

Sau nỗi đau đất nước chia cắt là những cuộc tiễn đưa. Trong kháng chiến chống Mỹ có vô số những cuộc tiễn đưa: mẹ tiễn đưa con, vợ tiễn đưa chồng, người yêu đưa tiễn người yêu,… Họ chúc tụng, động viên, hẹn hò và hết thảy đều lưu luyến, nhớ nhung. Những cuộc tiễn đưa như thế không chỉ là nụ cười, câu hát mà còn có cả nỗi buồn và nước mắt. Ở đây đã có sự khác nhau giữa các thế hệ nhà thơ khi mô tả những cuộc tiễn đưa của một thời bi tráng. Chẳng hạn, thơ thế hệ trước: “Tiễn con lên đường, nụ cười nghìn bà mẹ như nhau” (Chế Lan Viên); thơ trẻ: “Mẹ nén nỗi đau / dấu tờ báo tử / sáng mai lại tiễn con nhập ngũ” (Hữu Thỉnh). Rõ ràng, cả hai đều là thơ hiện thực, thơ cách mạng; khác chăng là khác ở điểm nhìn: một nhìn từ tầm xa - ngoại quan, và một nhìn ở tầm gần - nội quan. Hữu Thỉnh làm thơ cốt “ghi lấy đời mình”, cốt bộc lộ tâm trạng người lính thấu nỗi đau của mẹ (chứ chưa hẳn đã nhằm mục đích tuyên truyền). Cho nên giọng thơ nghiêng vào chiều sâu hướng nội. Về sau Tạ Hữu Yên tiếp nối ý thơ bằng những lời gan ruột: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ / Các con không về lòng mẹ lặng yên...” (Đất nước).

Như vậy, đối với thơ trẻ thời chống Mỹ, viết về những cuộc tiễn đưa, nhà thơ thường bộc lộ bằng giọng nghẹn ngào, đầy xúc cảm. Thơ họ có xu hướng mô tả tâm trạng kẻ ở người đi hơn là cổ vũ mọi người xung phong ra trận: “Chiếc áo đỏ rực như than lửa / Cháy không nguôi trước cảnh chia li / Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia / Không dấu nổi tình yêu cô rực cháy, / Không che được nước mắt cô đã chảy” (Cuộc chia li màu đỏ - Nguyễn Mỹ).


Điều dễ nhận thấy, khá phổ biến trong thơ trữ tình là mô típ chia li, hầu hết thơ tình yêu đều phải có chia li. Nhưng chia li của lứa đôi vào thời binh lửa lại có nét đặc thù riêng: giọng ngậm ngùi, lưu luyến quyện với không khí thiêng liêng. Thiêng liêng bởi, người ra đi vì nghĩa lớn, sống chết khó lường, rất dễ mất nhau. Người ở lại có thể “như chùm hoa lặng lẽ”, da diết nhớ thương: “Em nhớ anh không chỉ trong giấc ngủ / Em nhớ anh không chỉ lúc dạo chơi / Em nhớ anh không chỉ đêm trăng tỏ / Em nhớ anh không chỉ đêm mưa rơi” (Nhớ - Hoàng Thị Minh Khanh). Nhưng đó mới là mối tình chớm nở, thề thốt, hẹn hò,... dẫu có nôn nao, thổn thức song vẫn đang dừng lại ở cung bậc “nhớ”. Cao hơn, còn là nước mắt, là nỗi buồn se thắt của lứa đôi; giọng thơ trĩu nặng yêu thương, gợi cảm giác nôn nao khó tả. Tâm trạng này, tác giả Nhật kí Mãi mãi tuổi hai mươi nói đúng: “Chẳng dấu lòng, chẳng phải dấu lòng ta / Tôi biết cô gái nào cũng khóc / Khi đưa tiễn người con trai thân nhất / Hoa tím chín chiều nói hộ với lòng mình” (Màu tím hoa mua - Nguyễn Văn Thạc). Hay thơ Lưu Quang Vũ sau Hương cây cũng xuất hiện nhiều bài viết về cảnh chia li tái tê, chứa chan lời trữ tình thống thiết: “Anh ôm chặt thân em bé nhỏ / Biết nói gì lát nữa xa nhau rồi / Thù hận mênh mông mặt đất bùn lầy / Em chập chờn đi trong đổ nát” (Em).

Sự thật là, đã có vô số những cuộc tiễn đưa đong đầy nước mắt. Và cũng có những cuộc hội ngộ bất ngờ, dâng trào cảm xúc rưng rưng. Thơ Lê Thị Mây mô tả khá ấn tượng tâm trạng người vợ gặp lại chồng sau “những mùa trăng mong chờ” vò võ ở quê nhà. Giọng điệu bài thơ da diết, tràn ngập mà dịu nhẹ, lắng sâu: “Anh khoác ba lô về / Đất trời dồn chật lại / Em tái nhợt niềm vui / Như trăng mọc ban ngày / Gặp nhau trong mùa trăng / Em trẻ như bầu trời / Vòng tay anh đằm thắm / Giấu lời ru trên môi” (Những mùa trăng mong chờ).

Lẽ thường của chiến tranh, nói như Hữu Loan “mấy người đi mà trở lại” (Màu tím hoa sim). Cuộc tái ngộ trên đây có thể ngoài tưởng tượng của nhân vật trữ tình, giọng thơ như nghẹn ngào, chứa chan niềm vui sướng, trào dâng nước mắt.

Trái với trạng huống này là nỗi đau tiễn biệt trong hạnh phúc lứa đôi. Nỗi đau ấy không hề nhỏ, không dễ dàng bỏ qua. Điều đáng khâm phục ở họ chính là sức chịu đựng và ý chí vươn lên. Họ chấp nhận mất cái riêng để được cái chung, đặt cái riêng


trong cái chung, thấu hiểu cuộc kháng chiến chống Mỹ là ác liệt vô cùng, tổn thất khó tránh khỏi và không thể tính hết:

Anh mất em như mất nửa cuộc đời Nỗi đau anh không thể nói bằng lời Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy

Những viên đạn quân thù bắn em trong lòng anh sâu xoáy Bên những vết đạn xưa chúng giết bao người

Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi Như bỗng tắt vừng mặt trời hạnh phúc

(Bài thơ về hạnh phúc - Dương Hương Ly)

Bài thơ về hạnh phúc nhưng ở đây họ đã không có hạnh phúc. Dương Hương Ly viết những câu thơ trên trong tâm trạng tột cùng đau thương khi biết tin người vợ yêu quý vừa hi sinh, giọng thơ thống thiết, se thắt đến tận cùng gan ruột. Và đó không chỉ nỗi đau của một người, một cá nhân mà là nỗi đau chung của muôn người, nỗi đau của dân tộc. Đồng thời cũng cần nhận thấy rằng, tuổi trẻ ra trận không chỉ “Vui gì hơn làm người lính đi đầu” như diễn ngôn của Tố Hữu, mà lắm khi họ còn đau đáu với khoảng khắc riêng tư. Ấy là tương lai, là tình yêu và tổ ấm... Trong thơ trẻ thời chống Mỹ có chất giọng khát khao, thiết tha kiếm tìm hạnh phúc ngay cả lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt: “Anh sẽ nói với em thế nào về hạnh phúc / mùi thuốc súng bay qua số phận chúng mình” (Thử nói về hạnh phúc - Thanh Thảo). Thơ Nguyễn Đức Mậu ám mùi khói súng, chất giọng ngân vang như điệu kèn xông trận nhưng cũng không khỏi xao xuyến khi nghĩ về hạnh phúc riêng tư, giọng thơ như nghẹn lại: “Anh nói gì về hạnh phúc cùng em / Ngày hôm nay có bao người ngã xuống / Ngày hôm nay có bao tờ thiệp mời / Gõ cửa báo tin vui...” (Trận cuối cùng). Một nhà thơ trẻ khác lại tìm cho mình định nghĩa hạnh phúc tương hợp bối cảnh chiến tranh nhưng không kém phần thống thiết: “Cái ô trống toạc trời bom nổ / Hạnh phúc là cuộc chiến bốc đi sót lại đời” (Đoàn Xuân Hòa).

Trong nhóm chất giọng trữ tình thống thiết có một mảng thể hiện âm hưởng bi thương ở mức độ cao, biểu đạt nỗi đau chiến tranh mà con người Việt Nam phải chịu đựng. Chất gọng này chủ yếu xuất hiện vào những năm đầu thập niên 70, khi cuộc

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí