Thơ Ngô Kha chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng siêu thực (giọng buồn, oán trách, cô đơn). Nhưng cũng có một số bài được sáng tác theo khuynh hướng hiện thực. Ở những bài như thế, Ngô Kha ngắt nhịp, vắt dòng rất uyển chuyển, giọng thơ tươi tắn, lạc quan, không thua kém thơ ca cách mạng:
ta cũng sẽ không còn /
ở mãi trong vòng đai / ngục tù thành phố / vì ta phải thấy /
và / nhất định thấy / ngày kia /
một đô thị vàng / trên đồi Lao Bảo /
một thị trấn yêu kiều / qua ngõ làng Vây /
(Cho những người nằm xuống)
Đúng như ý kiến của Valéry: “Thơ là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa”. Dư vị thơ bao gồm cả âm và nghĩa. Gia tăng nhịp điệu là yêu cầu tự thân của thơ trẻ thời chống Mỹ. Có nhiều thủ pháp để gia tăng, trong đó có phối xen các thể thơ, đa dạng các nhịp ngắt. Tất cả đều nhằm mục đích kiến tạo giọng điệu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp khẳng định: “nhịp điệu chịu sự chi phối của giọng điệu, giọng điệu được bộc lộ qua nhịp điệu” [30, tr.44]. Thơ trẻ thời chống Mỹ đã góp phần làm mới nhịp điệu, làm mới thể thơ, đủ “năng lượng” chuyển tải các kiểu giọng nghệ thuật.
● Tiểu kết
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 22
- Một Số Thủ Pháp Kiến Tạo Giọng Điệu Thơ Trẻ Việt Nam Thời Kháng Chiến Chống Mỹ
- Biến Đổi Cấu Trúc Câu Thơ, Gia Tăng Nhịp Điệu
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 26
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 27
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 28
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
Một tác phẩm có hồn phải là tác phẩm có giọng; một dòng thơ đỉnh cao phải là dòng thơ đa giọng. Giọng điệu giữ vai trò thiết yếu trong việc xác lập giá trị tác phẩm, lớn hơn là xác lập giá trị cho cả dòng thơ. Đồng thời, giọng điệu còn chi phối các phương diện hình thức khác như cách xây dựng nhịp điệu, kết cấu, khả năng điều phối kĩ thuật sử dụng hình ảnh, thể thơ, gieo vần, dùng từ,…tạo thành mối quan hệ bên trong, góp phần làm nên sự thống nhất của tác phẩm. Việc xuất hiện nhiều kiểu giọng điệu trong thơ trẻ thời chống Mỹ là nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của thời đại đầy biến động, tạo nên một dàn “đại hợp xướng” hào hùng, giàu sắc thái trữ tình với nhiều bè đệm khác nhau. Thơ trẻ thời chống Mỹ là sự thống nhất của nhiều kiểu giọng:
giọng hào sảng lạc quan, giọng trữ tình thống thiết, giọng triết lí suy tưởng, giọng day dứt tự vấn. Song tất cả hầu như đều xoay quanh một trục chính, một âm hưởng bao quát của cả dòng thơ. Đó là giọng hào sảng, lạc quan - sản phẩm của cảm hứng lãng mạn - sử thi lưu dấu một thời đất nước đau thương và hùng tráng. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, nhiều kiểu giọng điệu đã không làm lu mờ hay “nhòe lẫn” giọng riêng của từng nhà thơ tài năng. Trong thực tế, qua “kiểm định” của thời gian, những cây bút tiêu biểu của dòng thơ trẻ thời chống Mỹ khi đã “thiết lập” được sắc giọng riêng của mình thì “bản quyền” của họ vẫn luôn thuộc về họ. Và đó là cơ sở để khẳng định dòng thơ này đủ “sinh khí” để trường tồn trong lịch sử thơ ca dân tộc, neo đậu mãi trong tâm thức người đọc. Đúng như lời của nhà thơ lớn người Đức Friedrich Schiller: “Ai đã dám sống hết mình với thời đại của mình thì cũng sẽ còn để lại giá trị có ý nghĩa cho cả mọi thời đại sau đó nữa” [199, tr.2].
KẾT LUẬN
1. Gần 40 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, 20 năm Việt Nam và Hoa Kì bình thường hóa quan hệ, chuyển đối thủ thành đối tác - hợp tác, lịch sử sang trang, hận thù khép lại. Xuôi dòng thời gian, hầu như mọi dấu tích chiến tranh trên mặt đất, nay đã dần xóa mờ, sự sống hồi sinh. Tuy vậy, trong thơ ca nghệ thuật, “di tích” tâm trạng, “di tích” sự kiện thì vẫn tươi nguyên, vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu và lí giải. Về thơ thời chống Mỹ, theo chúng tôi, biên độ thời gian của nó trùng với cuộc chiến tranh đã được ghi trong lịch sử (1955 - 1975); còn chặng 1965 - 1975 có thể coi là phong trào thơ chống Mỹ (chứ không phải thơ chống Mỹ chỉ trên dưới 10 năm như một số tài liệu trước đây xác định).
Nhìn vào thực tế càng thấy rõ, ở tầm nhân loại, một trong những sự kiện nổi bật của thế kỉ XX là cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam thắng lợi. Còn miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm tháng ấy, thành tựu đáng ghi nhận nhất (như chúng tôi nghĩ) là xây dựng được một hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, mà trên hết là tinh thần, ý chí “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Thực tế mọi cơ sở hạ tầng đều đổ nát bởi bom đạn khủng khiếp của không lực Hoa Kỳ. Về văn học cũng vậy; ngoảnh lại, mảng thơ ca viết về đề tài lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, qua năm tháng, hầu hết đều phai nhạt, không mấy khi được nhắc đến - kể cả người đã sản sinh ra nó. Riêng mảng “Thơ ca đấu tranh thống nhất nước nhà” (đề tài thứ 2 - tên gọi quen thuộc thời ấy) thì, bất chấp thời gian, nay vẫn neo đậu mãi trong tâm thức người đọc, tỏ ra dồi dào sức sống. Nếu lấy 1955 làm mốc khởi đầu nền thơ ca chống Mỹ, thì tên gọi “Thơ đấu tranh thống nhất nước nhà” (chặng 1955 - 1964) nay đã không còn phù hợp (kì thực, đó là chặng thứ nhất của thơ kháng chiến chống Mỹ 1955 - 1975).
2. Khởi phát từ những năm đầu thập niên 60, lớn mạnh nhanh chóng, trở thành lực lượng chủ lực, thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ (gọi tắt “Thơ trẻ thời chống Mỹ”) là hiện tượng nghệ thuật tỏa sáng trong nền thơ Việt Nam hiện đại, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Bằng tài năng, lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm với Đất nước, Nhân dân cùng nguồn tri thức mới, với điểm nhìn cận cảnh, sát thực, các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ
đã tạo dựng được một dòng thơ đa dạng mà thống nhất về cảm hứng và giọng điệu, đậm dấu ấn thế hệ.
- Là một bộ phận hợp thành nền thơ ca chống Mỹ, thơ trẻ lấy cảm hứng lãng mạn - sử thi làm chủ đạo. Đây là sự lựa chọn tất yếu, thống nhất, xuất phát từ cuộc kháng chiến vốn đã như huyền thoại, đậm đặc sắc thái sử thi. Sản phẩm của cảm hứng lãng mạn - sử thi được thể hiện qua hệ thống hình tượng: Hình tượng Tổ quốc, hình tượng Nhân dân, hình tượng Đảng và Lãnh tụ. Mỗi hình tượng lại được soi chiếu từ nhiều góc độ, mở ra lớp nghĩa mới. Chiêm ngưỡng Tổ quốc từ chiều sâu văn hóa, các nhà thơ trẻ có xu hướng tiếp nối, kế thừa hơn là hạ thấp xưa để đề cao nay, không ca ngợi Tổ quốc trong thời đại chống Mỹ bằng so sánh thấp - cao với những cuộc kháng chiến của ông cha trong lịch sử. Hình tượng Nhân dân trong thơ trẻ là số đông vô danh, anh hùng nhưng cũng gánh trên mình nỗi đau lịch sử. Hình tượng Đảng và Lãnh tụ được các nhà thơ trẻ chiêm ngưỡng, ngợi ca nhưng chưa đến mức cực đoan, thần thánh hóa. Đó là những nét riêng, là “cái khác” của thơ trẻ thời chống Mỹ nhìn từ tổng thể.
Cảm hứng lãng mạn - sử thi áp đảo nhưng không duy nhất, xung quanh nó vẫn xuất hiện một số dạng cảm hứng khác, tồn tại như những phụ lưu. Có phụ lưu thống nhất với dòng chủ lưu, có phụ lưu tạm thời gặp trở ngại (như cảm hứng đời tư thế sự) nhưng vẫn âm ỉ như mạch nước ngầm để mấy chục năm sau được hồi sinh, chứng tỏ sự đa dạng về cảm hứng nghệ thuật trong thơ trẻ thời chống Mỹ.
Cảm hứng dấn thân - nhập cuộc, biến thể gần của cảm hứng lãng mạn - sử thi đã làm xuất hiện cái tôi thế hệ. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của thơ trẻ thời chống Mỹ. Cái tôi thế hệ là sự tổng hợp, thẩm thấu, thống nhất giữa cái tôi sử thi với cái tôi người lính và cái tôi tuổi trẻ, thể hiện khát vọng của thế hệ nhà thơ cống hiến, tự khẳng định mình, với cách nhìn, cách cảm mới trước cuộc đời: “Bài hát của chúng tôi / Thô sơ và hực sáng / Mang lẽ đời đơn giản / Nói được tới ngày mai” (Bài ca ống cóng - Thanh Thảo). Từ cái tôi thế hệ, các nhà thơ trẻ đã nâng mình lên, đưa tư duy nghệ thuật đến tầm mức cao hơn, tạo nên kiểu tư duy thơ hướng ngoại, đan xen và gia tăng chất triết lí, suy tư.
Thơ trẻ thời chống Mỹ, nhất là vào chặng cuối cuộc chiến đã có sự giao thoa giữa cái nhìn sử thi và yếu tố thế sự, giữa lí tưởng với hiện thực, giữa không gian công cộng với không gian đời tư. Mối quan tâm về số phận cộng đồng có xu hướng dung nạp thêm mối quan tâm về số phận cá nhân, quyền tự do của con người. Cảm hứng đời tư - thế sự xuất hiện trong thơ trẻ thời chống Mỹ tuy chưa đậm nét nhưng rất đáng ghi nhận, nó góp phần đưa thơ vào chiều sâu hướng nội.
- Thuộc phương diện hình thức chuyển tải cảm hứng, giọng điệu thơ trẻ thời chống Mỹ là sản phẩm của một quá trình sáng tạo, tự nó là một hệ thống trong hệ thống lớn hơn. Các yếu tố trong hệ thống ấy (kiểu giọng, thủ pháp kiến tạo giọng) có tác động qua lại, liên quan mật thiết nhằm bộc lộ cái nhìn và thái độ của một thế hệ nhà thơ về đất nước và con người trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Nhìn tổng quan, có thể khẳng định, đó là dòng thơ phong phú, đa dạng về sắc thái giọng điệu: Phạm Tiến Duật tinh nghịch, hóm hỉnh; Bằng Việt tinh tế, lịch lãm; Thanh Thảo đằm thắm, sâu sắc; Hữu Thỉnh sôi nổi, chân tình; Lưu Quang Vũ tài hoa, đa đoan; Dương Hương Ly da diết; Nguyễn Khoa Điềm trầm lắng, suy tư; Lê Anh Xuân tươi tắn; Xuân Quỳnh khát khao đầy dự cảm; Lâm Thị Mỹ Dạ dịu dàng; Phan Thị Thanh Nhàn duyên thầm, kín đáo; Nguyễn Duy chân chất, dân dã mà sâu xa; Trần Quang Long nhiệt thành, nhiều thổn thức; Ngô Kha ám ảnh những bi kịch chiến tranh; Chim Trắng thủ thỉ; Trần Vàng Sao mạnh mẽ; Vũ Ngàn Chi hào hùng;... Mỗi nhà thơ tài năng đều có giọng điệu cá thể và mỗi giai đoạn văn học lại có giọng điệu “siêu cá thể”, cả hai kết thành giọng điệu chung của thời đại. Thơ trẻ thời chống Mỹ nằm trong “giàn đồng ca” thơ chống Mỹ nhưng vẫn có những giai điệu riêng khó lẫn. Ngoài giọng hào sảng lạc quan (sản phẩm của cảm hứng lãng mạn - sử thi) làm chủ âm; giọng trữ tình thống thiết và giọng day dứt tự vấn là hai kiểu giọng khá đặc trưng của thơ trẻ thời chống Mỹ. Trong đó, một số âm sắc đã vượt ra ngoài quỹ đạo chung để có cách nhìn và cách cảm nhận khác: trăn trở trước thân phận con người, sẻ chia với nỗi đau đất nước. Riêng giọng triết lí suy tưởng, các nhà thơ trẻ đã mở rộng biên độ, kể cả triết lí chiến tranh từ tổn thất đau thương. Rõ ràng giọng điệu nghệ thuật góp phần làm nên nét độc đáo, trường tồn của thơ trẻ thời chống Mỹ.
3. Trên phương diện nghệ thuật, thơ trẻ thời chống Mỹ có những đóng góp khá nổi bật trong việc cách tân, hiện đại hóa các thể thơ. Táo bạo và sẵn sàng trải nghiệm, thơ trẻ không chỉ góp phần giải đáp những vấn đề về thi pháp, về lí luận thơ, mà còn phát triển thành những khuynh hướng thực tiễn, làm tăng chất đời và sức hấp dẫn của dòng thơ mô tả chiến tranh từ góc nhìn của người trong cuộc. Về ngôn ngữ, bằng việc tăng cường yếu tố khẩu ngữ, yếu tố văn xuôi, các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ đã đưa ngôn ngữ thơ về gần hơn với ngôn ngữ đời thường; câu thơ trở nên tươi mới và giàu sức sống. Việc xây dựng hàng loạt biểu tượng nghệ thuật từ các hình ảnh quen thuộc như màn đêm, con đường, lửa, dòng sông và đất, cùng những màu sắc có ý nghĩa biểu trưng đã giúp thơ trẻ thời chống Mỹ có thêm chiều sâu suy cảm, tăng hiệu năng khám phá hiện thực, biểu hiện tâm tư con người trong thế đa diện, đa chiều.
4. Bên cạnh những thành tựu đạt được, thơ trẻ thời chống Mỹ cũng gặp phải một số hạn chế. Nhìn tổng quát, thơ thời chống Mỹ nói chung, thơ trẻ nói riêng phản ánh cuộc sống và thể hiện con người chưa thật toàn diện. Điều này liên quan đến hoàn cảnh chiến tranh. Trong chiến tranh, nhiều đối tượng cần được ưu tiên, nhiều sự thật phải kiêng kị và dè dặt, không phải mọi vấn đề của hiện thực và tâm trạng nhà thơ đều được phơi trải trên trang viết. Sự phiến diện, đơn chiều trong thơ là khó tránh khỏi. Do tập trung vào sự tồn vong của cộng đồng nên nhiều khi nhu cầu, khát vọng của mỗi cá nhân chưa được nhà thơ đặt ra như mối quan tâm hàng đầu. Một số bài thơ nặng mục đích tuyên truyền, chất lượng nghệ thuật chưa cao.
Tuy nhiên, những hạn chế trên đã không làm phai mờ giá trị của thơ trẻ thời chống Mỹ. Mang khát vọng chân chính, mãnh liệt của nhân dân, của toàn dân tộc, bằng giọng điệu riêng của thế hệ mình, vượt qua sàng lọc nghiệt ngã của thời gian, thơ trẻ thời chống Mỹ ngày càng khẳng định được vị trí tỏa sáng trong lịch sử thơ ca dân tộc. Bốn mươi năm cuộc chiến kết thúc, dòng thơ này đủ độ lắng để kết thành giá trị văn hóa. Lịch sử sang trang, nhiều vấn đề cần được nhìn nhận lại: có cái bất biến có cái khả biến, có tinh hoa có đào thải, có cái quá khứ để lại quá khứ, có cái quá khứ để lại cho hôm nay và mai sau; phủ nhận hay bảo thủ đều không công bằng, thiếu khoa học.
5. Tóm lại, thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ là hiện tượng nghệ thuật độc đáo, đa phong cách, nhiều giọng điệu. Ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, khi sự sống còn của dân tộc bị thách thức, vận mệnh của đất nước được đưa lên hàng đầu, cảm hứng nghệ thuật dồn vào tâm điểm chống ngoại xâm, cứu Tổ quốc cũng là tất yếu, không thể khác được. Nhà thơ, trước hết là một công dân, họ không thể mải mê với lạc thú của riêng mình mà lảng tránh trách nhiệm với quê hương xứ sở. Vả lại, không thể nói thơ đánh giặc kém hấp dẫn, ít giá trị so với thơ đời thường, thơ tình dục
- tình yêu. Thơ nào giúp con người sống đẹp, sống tử tế, lành mạnh, có trách niệm với đất nước, với cộng đồng thì đều có giá trị như nhau. Thơ trẻ thời chống Mỹ, bỏ ra một số sáng tác mắc “lỗi kĩ thuật”, lỗi “minh họa dễ dãi”; còn lại đích thực là dòng thơ đỉnh cao, đạt được thành tựu cả nội dung và hình thức. Thời gian là thước đo chuẩn xác để khẳng định điều đó.
Sau cùng, muốn khám phá thơ trẻ thời chống Mỹ (trong đó có cảm hứng và giọng điệu) thì phải đặt nó vào bối cảnh mà nó sinh thành, tức trạng huống sử thi, không thể đọc thơ kháng chiến bằng tư duy kinh tế thị trường, bằng cái nhìn đời tư thuần túy như thơ thời hội nhập. Và chừng nào nền độc lập chủ quyền của đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa thì thơ chống Mỹ nói chung, dòng thơ trẻ thời ấy nói riêng vẫn còn phát huy hiệu năng của nó. Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến làm “bùng nổ” thơ năm 2011, khơi dậy lòng yêu nước của muôn người trước trạng huống biển đảo bị xâm phạm là minh chứng về điều đó:
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc Các con nằm thao thức phía Trường Sơn Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả ...
Trong hồn người có ngọn sóng nào không ?
CÁC CÔNG TRÌNH, BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN
LUẬN ÁN
1. Cái tôi trữ tình trong thơ chống Mỹ, Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, số 9 - 2009, tr. 45 - 54.
2. Biên độ thơ chống Mỹ, Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, số 5 - 2012, tr. 32 - 38.
3. Giọng điệu thơ chống Mỹ, Tạp chí Đại học Sài Gòn, chuyên đề Bình luận văn học, niên giám 2012, tr. 82 - 90.
4. Thơ trẻ thời chống Mỹ: tiếp cận khái niệm, Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, số 5 - 2014, tr. 33 - 42.
5. Giọng thơ Lê Anh Xuân, Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, số 1 - 2011, tr. 43 - 47.
6. Biểu trưng nghệ thuật trong thơ Lê Anh Xuân qua hình ảnh cây dừa, dòng sông và đất, Lí luận phê bình Văn học Nghệ thuật, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, số 22 - 2011, tr. 42 - 47.
7. Thơ Lê Anh Xuân, ánh lửa của lòng yêu quê hương đất nước, báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 18 + 19 - 2010, tr.17.
8. Màu sắc trong thơ Lê Anh Xuân nhìn phương diện thi pháp học, Tạp chí Dạy và Học ngày nay, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, số tháng 4- 2010, tr. 44 - 46
9. Lê Vĩnh Hòa, nhà văn - nhà báo xuất sắc thời chống Mỹ, báo Văn nghệ,
Liên hiệp các Hội VHNT Tp Hồ Chí Minh, số 72 - 2009, tr. 14.
10. Tấm lòng một nhà thơ miền Nam nhớ Bác, báo Văn nghệ, Liên hiệp các Hội VHNT Tp Hồ Chí Minh, số xuân Tân Mão 2011, tr.12.
11. Ngôn ngữ thơ như tôi biết, báo Văn nghệ, Liên hiệp các Hội VHNT Tp Hồ Chí Minh, số 80 - 2009, tr. 17 - 18.
12. Tản mạn chuyện thơ, Văn nghệ Cần Thơ, Liên hiệp các Hội VHNT Tp Cần Thơ, số 46 - 2009, tr. 83 - 85.
13. Thơ Kiên Giang đương đại cảm và luận, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, số 156 - 2008, tr. 34 - 36.
14. Phê bình văn học xưa và nay, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, số 171 - 2009, tr. 44 - 47.
15. Văn chương, cận văn chương nghĩ và viết (Tiểu luận, phê bình), Nxb
Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2014.