Đây là một đề tài phức tạp đòi hỏi người nghiên cứu phải vận dụng nhiều phương pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề về đặc trưng, giá trị của văn học dân tộc Hmông trong mối tương quan mật thiết giữa các phạm trù truyền thống và hiện đại.
Để thực hiện đề tài, chúng tôi sẽ sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản như sau:
- Phương pháp thống kê, phân loại: Đây là phương pháp được sử dụng trong việc khảo sát thơ ca Hmông từ truyền thống đến hiện đại, nhằm có được những cứ liệu xác đáng cho các luận điểm của người viết.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Trên cơ sở kết quả của việc thống kê, phân loại, luận án sử dụng những thao tác phân tích, tổng hợp nhằm đưa ra những nhận xét, kết luận, những luận điểm khoa học có sức thuyết phục.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu: Đây là phương pháp cần thiết đối với vấn đề nghiên cứu của luận án. Những so sánh đối chiếu được thực hiện ở những cấp độ khác nhau, từ so sánh, đối chiếu trong thơ ca Hmông đến so sánh, đối chiếu giữa thơ ca Hmông với thơ ca của các dân tộc khác.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành (văn hoá, dân tộc học...): Sử dụng những phương pháp liên ngành như văn hoá học, dân tộc học..., luận án sẽ tiếp cận thơ ca Hmông dưới các góc độ văn hoá, dân tộc để nghiên cứu, lí giải những hiện tượng, qui luật đặc thù cũng như những nét đặc sắc, độc đáo của thơ ca Hmông từ truyền thống đến hiện đại.
- Phương pháp nghiên cứu loại hình: Với đối tượng nghiên cứu cụ thể là thơ ca dân tộc Hmông, luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu loại hình, sử dụng những thao tác cần thiết để nghiên cứu thơ ca Hmông dựa trên những đặc trưng của thể loại thơ ca, đặc biệt là việc sử dụng thi pháp thể loại để nghiên cứu thơ ca Hmông trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
6. Đóng góp khoa học của luận án
6.1. Luận án nghiên cứu thơ ca dân tộc Hmông từ truyền thống đến hiện đại thông qua việc khảo sát thơ ca Hmông một cách tổng thể và toàn diện, nhằm tìm hiểu và đánh giá những nét đặc trưng mang tính bản sắc trong thơ ca dân tộc Hmông, từ thơ ca dân gian (truyền thống) đến thơ ca hiện đại.
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ ca dân tộc Hmông - Từ truyền thống đến hiện đại - 1
- Thơ ca dân tộc Hmông - Từ truyền thống đến hiện đại - 2
- Đời Sống Văn Hóa- "tâm Hồn Và Tiếng Hát Hmông"
- Phong Tục, Tập Quán- Cơ Sở Của Tính Cố Kết Cộng Đồng
- Đời Sống Tâm Linh - Nơi Trú Ngụ Của Những Niềm Tin Tôn Giáo
Xem toàn bộ 186 trang tài liệu này.
6.2. Qua việc nghiên cứu một số phương diện nội dung và nghệ thuật của thơ ca dân tộc Hmông, luận án làm nổi bật quá trình vận động và phát triển, sự kế thừa và tiếp biến của thơ ca Hmông từ truyền thống đến hiện đại.
6.3. Bằng việc đánh giá thực trạng và đưa ra một số ý kiến, kiến nghị, luận án sẽ góp một tiếng nói vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Hmông với tư cách là một thành tố tạo nên sự thống nhất, phong phú và đa dạng của văn hoá các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh đất nước ta đang trên con đường hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung chính của luận án được triển khai thành 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về dân tộc Hmông
Chương 2: Quá trình vận động của thơ ca Hmông nhìn từ phương diện nội dung phản ánh
Chương 3: Quá trình vận động của thơ ca Hmông nhìn từ phương diện cấu trúc nghệ thuật
NỘI DUNG
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ DÂN TỘC HMÔNG
1.1. Lịch sử tộc người - "những cuộc thiên di đầy nước mắt và máu"
Dân tộc Hmông (còn có các tên gọi khác như Na Mẻo, Mèo, Mẹo, Miếu Ha, Mán Trắng) [36], là một dân tộc thiểu số có số dân tương đối đông (trên 9 triệu người), cư trú ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, đông nhất là ở Trung Quốc (khoảng 7,5 triệu người). Người Hmông ở Việt Nam có trên 80 vạn, ở Lào khoảng 2,5 vạn, ở Thái Lan- 15 vạn. Trong vài chục năm trở lại đây, người Hmông còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Ôxtơrâylia, Niudilân, Canađa...Ở Trung Quốc, người Hmông được gọi là người Miêu, ở Lào gọi là người Mẹo. Ngoài ra, ở hầu hết các nước khác trên thế giới, họ đều được gọi là người Hmông. Ở nước ta, trước năm 1979, họ được gọi là người Mèo.[97],[110].
Xét về tộc danh, người Hmông vốn có nhiều tên gọi khác nhau. Trong những tài liệu lịch sử về thế kỉ thứ VII trước Công Nguyên (CN), ở Trung Quốc đã xuất hiện cụm từ "Tam Miêu" để chỉ một quốc gia có 3 bộ lạc, trong đó có bộ lạc Suy Vưu đã được lưu truyền trong truyền thuyết, và theo người Hmông, đó là tên gọi của thủ lĩnh người Hmông từ thuở "khai thiên lập địa". Trong sách Kinh Thư của Khổng Tử cũng có chép rằng: Vào thiên niên kỉ thứ II trước CN, ở vùng hồ Động Đình, đã có những bộ lạc hợp nhất mang tên là "Tam Miêu" (bao gồm Hồng Miêu, Bạch Miêu và Thanh Miêu dựa trên trang phục của người Hmông khi đó). Theo Hán tự, chữ Miêu trên có bộ thảo ( ) là cây cỏ. dưới có chữ điền ( ) là ruộng đồng. Khi dịch từ "Miêu" với nghĩa chỉ tên gọi của một rợ (tộc người) ở Trung Quốc ra tiếng Việt, mọi người quen đọc phiên âm trực tiếp là Mieo, Mão, Mèo...[97]
Cuối những năm 1960 trở đi, trên các sách báo, công trình khoa học của Việt Nam và các nước Đông Nam Á, xuất hiện cách gọi tộc danh H'mông, Hơ Mông. Cách gọi này khởi đầu từ việc trong tiếng Hmông, từ "Hmôngz" có nghĩa là "người". Đây là một âm mũi. Trong hệ thống âm tiết tiếng Việt không có phụ âm ghi được chính xác âm tiết "Hmôngz" nên các nhà ngôn ngữ đã mượn phụ âm
"Hm" của hệ thống phụ âm tiếng Hmông để ghi từ này. Năm 1979, trong bản Danh mục các dân tộc Việt Nam, Tổng cục Thống kê đã ghi là Hmông. Điều này dẫn đến việc nhiều người đã phát âm thành ra "Hơ Mông". Phải khẳng định rằng, các cách gọi là "Mèo" hay "Hơ Mông" đều bị người Hmông ghét bỏ và phản ứng dữ dội. Họ chỉ muốn gọi tên dân tộc mình là "Mông". Vì thế, tại Hội nghị cốt cán dân tộc Hmông do Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ chủ trì (1992) đã thống nhất gọi là dân tộc "Mông" (Hmông).
Về cách ghi tộc danh Hmông, từ trước đến nay, không chỉ trên báo chí mà ở cả các công trình nghiên cứu khoa học cẩn trọng vẫn có hiện tượng không thống nhất. Chẳng hạn, Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (2002) ghi danh là "H'mông"; nhiều nhà nghiên cứu và gần đây nhất là các tác giả cuốn "Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn hoá một số dân tộc ở Việt Bắc '' (2010) do PGS. TS Nguyễn Văn Lộc làm chủ biên ghi danh dân tộc Hmông thống nhất với tên gọi là: "Mông". Trong cách gọi của một số nhà nghiên cứu, sáng tác thơ dân tộc Hmông cũng có cách viết tộc danh này khác nhau. Nhà thơ Hùng Đình Quí (dân tộc Hmông) khi thì viết là "Mông", có khi lại viết Hmông. Nhà văn Mã A Lềnh dùng cách viết là Hmôngz.
Theo chúng tôi, cách gọi Miêu tộc sẽ có ý nghĩa giữ lại được tên gọi của người Hmông từ trong lịch sử. Tuy nhiên, trong luận án, chúng tôi theo cách gọi tên dân tộc Hmôngz theo âm tiếng Việt là "Mông" và viết tên của dân tộc này theo đúng chính tả là "Hmông". Cách viết, cách gọi tên như vậy vừa đúng với qui định của Nhà nước, với phù hợp với ý nguyện của đồng bào Hmông bởi "tên dân tộc, kể cả chữ viết đã nhất quán, không cần bàn cãi" [66].
Theo truyền thuyết, tổ tiên của người Hmông là những người sớm biết trồng lúa nước ở vùng hồ Động Đình và Bành Hải. Đó là bộ phận cư dân gốc Nam Á thời cổ đại (thuộc miền Nam Trung Quốc ngày nay), di cư suốt hàng chục thế kỷ theo hướng Tây- Tây Nam, tập trung đông ở Hồ Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và trung tâm là Quí Châu (Trung Quốc) trước khi đến Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Vương Duy Quang trong cuốn Văn hoá tâm linh của người Hmông ở Hà Giang, truyền thống và hiện tại, một trong những học giả phương Tây đầu tiên đưa ra quan điểm về nguồn gốc của người Hmông là F. Savina trong
cuốn Lịch sử người Mèo. Trên cơ sở những truyền thuyết được ông dày công sưu tầm, F. Savina cho rằng, quá khứ cổ đại của người Hmông là một trong những bộ lạc cư trú ở miền Siberia (Nga). Từ đó, họ đi xuống theo hướng đông nam và vào vùng Hồ Nam của Trung Quốc khoảng 2500 năm trước Công Nguyên. Quan điểm này của
F. Savina- cho dù theo ông tự đánh giá là chưa đủ cứ liệu để minh chứng, cũng vẫn nhận được sự đồng tình của một số nhà nghiên cứu về dân tộc Hmông sau này. Năm 1988, K. Quicy lặp lại quan điểm trên của Savina trong cuốn Người Hmông: Lịch sử một dân tộc, khi ông cho rằng, người Hmông là một trong số những người từ Siberia tiến sâu nhất về phía nam cho đến khi gặp khúc uốn quanh của sông Hoàng Hà. Giới sử học cổ đại Trung Quốc khẳng định: "dân tộc Hmông đã trở thành một bộ phận của lịch sử Trung Hoa khoảng 3000 năm trước Công Nguyên". [98]
Cũng theo truyền thuyết, xưa kia dân tộc Hmông có một quốc gia riêng với biểu tượng đôi sừng trâu và màu cờ đỏ. Dấu ấn ấy vẫn còn đến ngày nay, thể hiện qua một số phong tục như tấm vải đỏ treo trước nhà, người chết không phân biệt già trẻ đều có miếng vải đỏ che miệng, hình bộ sừng trâu làm chốt cửa trên hai cánh cửa chính của mỗi nhà...Đó cũng chính là ý kiến của tiến sĩ Yang Dao trong "Người Hmông: Những truyền thống bền vững" (in trong cuốn "Văn hoá các dân tộc ở Lào") khi khẳng định, Người Hmông được coi là một trong những dân tộc cổ nhất ở châu Á. Họ đã sống ở lưu vực sông Hoàng Hà và đã có tổ quốc ở đó cách đây hơn 4000 năm. Họ là con cháu của người Tam Miêu (San Miao). Đến thế kỉ XXVI trước Công Nguyên, họ bắt đầu đi xuống phía nam và đến những vùng núi của tỉnh Quí Châu, Vân Nam [98].
Cho đến nay, đa số giới nghiên cứu về người Hmông đều tán thành quan điểm cho rằng, người Hmông đã tồn tại ở lưu vực sông Hoàng Hà cách đây hơn 3000 năm. Điều này đã được khẳng định tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về người Hmong/ Miao ở Châu Á được tổ chức tại thành phố Aixen Provence nước Cộng hoà Pháp (tháng 9 năm 1998).
Người Hmông di cư vào Việt Nam khá muộn so với các dân tộc khác. Người Hmông đến nước ta có thể gồm nhiều đợt qui mô lớn nhỏ khác nhau: Từ Vân Nam sang, từ Quí Châu qua Vân Nam, hoặc Quảng Tây sang cư trú ở các vùng biên giới
phía Bắc. Theo các nhà nghiên cứu, dựa trên kết quả điền dã dân tộc học ở tại một số vùng người Hmông ở Việt Bắc và Tây Bắc, cũng như việc nghiên cứu tình hình biến động của tộc Miêu ở Trung Quốc trong lịch sử, có thể người Hmông thiên di đến Việt Nam với ba đợt quy mô lớn. Thời kỳ đầu tiên cách đây trên 300 năm, người Hmông từ Quí Châu sang Đồng Văn. Dân ca Hmông còn ghi lại:
Người Hmông ta ở Quí Châu đến Vì người Hmông ta không biết chữ
Thua kiện người Hán ta mới đi …[122]
Tuy nhiên, “thua kiện người Hán” chỉ là một lí do theo cách nói bóng bẩy, nhẹ nhàng của văn học, còn trong thực tế nguyên nhân của đợt thiên di thứ nhất này là do chính sách “cải thổ qui lưu” (bỏ chế độ thổ quan, phái các quan lại từ nơi khác đến cai trị trực tiếp) của nhà Minh, dẫn đến các phong trào đấu tranh mạnh mẽ và quyết liệt của người Hmông. Nhà Minh đã dùng bạo lực để bắt qui phục. Dân ca Hmông cũng đã có lúc nói thẳng nguyên nhân của đợt thiên di này:
Vì đất nước đại triều nhà Hán chín xèo không chín ké Mẹ cha ta gặp bước loạn li phải đi lưu lạc …
Đại triều nhà Hán lòng không tốt.[122]
Đợt thiên di thứ hai của người Hmông vào Việt Nam cách nay khoảng 200 năm, sau thất bại của phong trào khởi nghĩa của người Hmông ở Quí Châu (1776 - 1820). Đợt thiên di thứ ba là đợt đông nhất của người Hmông vào nước ta cách đây khoảng 160 năm khi cuộc khởi nghĩa Hàm Đồng (năm 1853) dưới sự lãnh đạo của Trương Tú Mi xuất phát từ Đông Nam Quí Châu, sau lan rộng sang Hồ Nam và Vân Nam, kéo dài 18 năm ròng rã. Vương triều Thanh đã tàn sát huỷ diệt những người tham gia khởi nghĩa, do đó, hàng vạn người Hmông đã từ Quí Châu (Trung Quốc) di cư sang Hà Giang, Lao Cai, Yên Bái và một số tỉnh thuộc biên giới phía Bắc nước ta.
Đồng bào Mông ở Đồng Văn, Hà Giang còn lưu truyền một bài ca buồn thảm rằng: “Quí Châu là quê hương yêu dấu của người Mèo ta ở. Vì người Mèo ta phải đói rách, vì dân Mèo ta không có chữ nên phải dời quê”. Dấu ấn của các cuộc thiên di còn để lại trong các câu chuyện cổ của người Hmông với tất cả sự đắng cay
nghiệt ngã đến thê thảm của số phận con người: Chỉ ba hạt ngô làm giống hoặc ba chiếc bánh kê có thể đổi được một cô vợ người Hmông...
Có thể nói, hành trình đến Việt Nam của người Hmông không chỉ là hành trình giải thoát cho sự tồn vong của một dân tộc mà còn là hành trình tìm đến với một cuộc sống mới tự do và hạnh phúc. Người Hmông còn lưu truyền một câu chuyện từ xa xưa rằng: Việt Nam là nơi đất đai màu mỡ để làm ăn, nơi có quả bí to như cái vạc mà lợn rừng có thể khoét lỗ chui vào đó đẻ, nó vừa là ổ, vừa là thức ăn cho lợn. Nơi trồng cây lương thực gốc có củ, thân có bắp, ngọn trổ lúa... Chính vì vậy mà người Hmông luôn tự hào về quê hương thứ hai của mình:
Cá bơi ở dưới nước Chim bay ở trên trời,
Chúng ta sống ở vùng cao. Và con chim có tổ
Người mèo ta cũng có quê Quê ta là Mèo Vạc [110]
Ở Việt Nam, đồng bào Hmông sống rải rác trên những triền núi cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An...Người Hmông sống xen kẽ với các dân tộc khác nhưng vẫn có ý thức quần tụ thành những vùng nhỏ đồng tộc.
Dưới chế độ cũ, người Hmông ở Việt Nam cũng bị áp bức bóc lột nhất là từ khi Việt Nam bị thực dân Pháp đặt ách thống trị. Người Hmông đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh, tiêu biểu là các cuộc nổi dậy của Sùng Mí Chảng, Giàng Tả Chay... có ảnh hưởng rộng lớn trong khắp vùng người Hmông ở Tây Bắc, lan rộng sang cả Thượng Lào.
Cách mạng tháng Tám thành công, theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, người Hmông đã tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều anh hùng quân đội, chiến sĩ du kích người Hmông mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc trong kháng chiến chống Pháp như: Sùng Phài Sinh, Lý Nụ Chu,Vừ A Dính, Thào A Sà, Mùa A Dế...Nhiều khu du kích nổi tiếng vùng Tây Bắc như Pú Nhung, Tủa Chùa, Cao Phạ, Long Hạ...đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng đã sản sinh ra những anh hùng, liệt sĩ người Hmông như Mùa A Páo, Giàng Mý Vư, Sùng Dúng Lù...
Người Hmông ở Việt Nam đã gắn bó, chung sức và trở thành một thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam để chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước. Chứng tỏ Việt Nam- nhất là khu vực miền núi cao phía Bắc- là vùng đất phù hợp để người Hmông ổn định và phát triển lâu dài. Chính vì vậy mà người Hmông đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.[28],[98],[121], [122]
Những điều đó, theo chúng tôi - là những cứ liệu để tin rằng: Nghiên cứu đời sống văn hoá nói chung, đời sống tâm hồn (được biểu hiện qua văn học nói chung và thơ ca nói riêng) của dân tộc Hmông, sẽ bước đầu nhận ra và hiểu sâu hơn những giá trị mang tính bản sắc của dân tộc này. Đó cũng là lí do để việc nghiên cứu thơ ca Hmông phải đi liền với việc nghiên cứu văn hoá Hmông. Hay nói cách khác, nghiên cứu những đặc điểm văn hoá Hmông để làm cơ sở góp phần giải mã thơ ca Hmông một cách thấu đáo.
1.2. Kinh tế nương rẫy và tập quán du canh
Ở Việt Nam, người Hmông thường cư trú rải rác trên những đỉnh núi cao, chủ yếu là ở những vùng núi đá dọc biên giới phía Bắc thuộc các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Cao Bằng. Đây là những nơi khí hậu khắc nghiệt, nhất là về mùa đông, thời tiết hết sức giá lạnh, có nơi chìm trong băng giá như ở Mèo Vạc (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai): Từ một đến hai tháng tuyết phủ trắng phau/ Giống nương, giống rẫy khoanh tay, xếp chân co ro ngồi (dân ca Hmông). Điều kiện đi lại, sinh hoạt, giao lưu rất khó khăn, hiếm nước, thậm chí khan hiếm cả đất đai để canh tác.
Do di cư khá muộn vào Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác, khi mà các vùng có điều kiện sống khá thuận lợi như đồng bằng hay các thung lũng chân núi, đã trở thành nơi cư trú của hầu hết các dân tộc ở khu vực miền núi Bắc Việt Nam thì người Hmông chỉ có thể lựa chọn cho mình những đỉnh núi cao để sinh sống. Vì vậy, môi trường canh tác chủ yếu của người Hmông là nương, ruộng ở trên cao. Người Hmông thường phát nương tra hạt hoặc cải tạo sườn núi làm