ruộng bậc thang. Ngô là cây lương thực chính của người Hmông. Ở một số vùng núi đá cheo leo như Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), người Hmông phải gùi đất bỏ vào các hốc đá để tra ngô, trồng bí...
Do đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng nên ở vùng người Hmông sinh sống còn trồng được nhiều cây dược liệu quí như: Đỗ trọng, tam thất, huyền sâm, xuyên khung... Ngoài ra, người Hmông còn trồng nhiều cây ăn quả như: mận tím, đào, lê, táo... Đặc biệt, có một loại cây được người Hmông trồng nhiều nhất đó là cây lanh. Họ dành những vạt đất tốt nhất để trồng lanh để lấy sợi lanh dệt vải, may áo váy, khăn, địu...
Nương theo quan niệm của người Hmông có phần đơn giản hơn quan niệm về nương của các dân tộc khác. Người Thái gọi là Hay, người Mường gọi là Roọng, người Dao gọi là Tẩy- để chỉ một mảnh đất rừng được chặt phá, đốt dọn, được chọc lỗ hay cày xới để trồng trọt, khái niệm nương được người Hmông gọi là têz và người Hmông quan niệm về nó rất đơn giản: chỉ cần phát được một khóm nhỏ, chưa phải là một vạt, một khoảnh rừng lớn, đơn giản chỉ cần tra được một hốc ngô xuống cũng được gọi là nương. Người Hmông có đến hàng chục cách phân loại nương theo những tiêu chí khác nhau, trong đó đáng chú ý là hai loại nương định canh (Têz lâus) và nương du canh (Têz phax). Nương định canh là loại đất canh tác cố định của người Hmông, được canh tác liên tục năm này qua năm khác, thậm chí đời này qua đời khác. Loại nương này được áp dụng các kỹ thuật canh tác như thâm canh, luân canh, xen canh; sử dụng cày, cấy, phân bón nhằm nâng cao năng suất và tăng độ phì nhiêu của đất. Trong khi đó, nương du canh được canh tác đơn giản, có khi chỉ là chọc lỗ, tra hạt. Khi đất bạc màu, họ chuyển sang khai phá mảnh nương mới. Thực ra, có thể thấy hai cách ứng xử với hai loại nương rẫy khác nhau của người Hmông hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện đất đai nơi họ cư trú. Những nơi đất đai rộng, người Hmông sử dụng loại nương du canh; ở nơi đất chật, người đông hoặc nơi đã định cư tương đối lâu dài, người Hmông sử dụng loại nương định canh.
Kinh tế nương không chỉ đảm bảo nguồn lương thực mà còn đáp ứng cho người Hmông các nhu cầu thiết yếu nhất. Trong đó, lanh là thứ cây quan trọng, là nguồn nguyên liệu chính giúp cho những người phụ nữ Hmông dệt nên những mảnh
vải vừa bền chắc vừa rực rỡ sắc màu thổ cẩm, vừa đậm đà phong vị văn hoá truyền thống. Cho đến nay, khi mà người Hmông hoàn toàn có thể mua vải để phục vụ cho nhu cầu mặc của mình thì cây lanh vẫn là cây lấy sợi được duy trì và phát triển. Có thể nói, sợi lanh và vải lanh không chỉ gắn bó với đời sống vật chất mà còn đi vào thế giới tinh thần của người Hmông, là công cụ đặc biệt để đưa người Hmông đến với thế giới tâm linh. Các thầy pháp Sa Man sẽ không thực hiện được chức năng của mình nếu không có sợi lanh; người chết cũng sẽ không thể về với tổ tiên nếu không có bộ quần áo, váy bằng vải lanh để tổ tiên nhận ra họ...Người Hmông có câu cửa miệng "chúng ta cùng một giống lanh với nhau" để khẳng định tính cố kết cộng đồng của mình. Những công cụ sản xuất chủ yếu của người Hmông cũng rất đặc biệt và thuận lợi cho việc canh tác của đồng bào. Đó là con dao phát (txuô), chiếc cuốc bướm (hlâu thuô), các công cụ phụ trợ như chiếc gùi (luz cơưv), nhíp (vur) để hái lúa, gậy (pak) để chọc lỗ tra lúa. Ở nương định canh, người Hmông dùng cày để canh tác. Cày của người Hmông cũng rất đặc biệt, thích hợp với việc cày đất ở những ruộng nương đất nông, nhiều đá.
Chính nền kinh tế tự túc tự cấp đã biến mỗi gia đình của người Hmông thành một đơn vị kinh tế độc lập. Họ trực tiếp làm ra mọi thứ thiết yếu để phục vụ cuộc sống. Có lẽ vì vậy mà từ bao giờ, người Hmông nổi tiếng với các nghề thủ công như: đan lát, xe lanh dệt vải, in hoa văn bằng sáp ong, đúc, rèn...Các sản phẩm thủ công của người Hmông vừa có tính kỹ thuật cao, thể hiện đôi bàn tay khéo léo của người Hmông, vừa có tính độc đáo gắn với đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của đồng bào, vừa rất đặc sắc bởi tính nhân văn và bản sắc văn hoá đậm đà của dân tộc Hmông.
Mặc dù nghề rèn đúc tồn tại và phát triển trong hầu hết các làng của dân tộc Hmông, song không phải gia đình nào cũng biết nghề này, bởi ngoài yếu tố kỹ thuật, yếu tố kinh nghiệm, còn cần đến cả bàn tay khéo léo của những nghệ nhân. Vì vậy mà nghề rèn đúc thường có tính cha truyền con nối. Nghệ thuật khoan ống thép làm nòng súng kíp của người Hmông đã đạt tới trình độ điêu luyện. Ngoài ra, những sản phẩm rèn đúc như con dao sắc như nước, lưỡi cày cày được trên đỉnh
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ ca dân tộc Hmông - Từ truyền thống đến hiện đại - 1
- Thơ ca dân tộc Hmông - Từ truyền thống đến hiện đại - 2
- Lịch Sử Tộc Người - "những Cuộc Thiên Di Đầy Nước Mắt Và Máu"
- Phong Tục, Tập Quán- Cơ Sở Của Tính Cố Kết Cộng Đồng
- Đời Sống Tâm Linh - Nơi Trú Ngụ Của Những Niềm Tin Tôn Giáo
- Tiếng Nói, Chữ Viết Và Truyền Thống Thơ Ca
Xem toàn bộ 186 trang tài liệu này.
núi... được định danh thành những cái tên mà ngày nay, hầu như bất kì một khách du lịch hay những người đã đến với đồng bào Hmông đều biết tới và gọi tên một cách thân thiện như: cày Mèo, dao Mèo hay súng kíp Mèo...
Cũng như nghề rèn đúc, nghề dệt phổ biến ở tất cả các làng Hmông và quen thuộc với tất cả phụ nữ Hmông. Bất cứ người phụ nữ Hmông nào cũng phải biết xe lanh, dệt vải, in thêu hoa văn bằng các loại vải màu, chỉ màu. Từ khi còn bé đến lúc thành thiếu nữ là quãng thời gian để những người phụ nữ Hmông làm quen, học tập và thành thạo tay nghề. Một thiếu nữ Hmông phải có đầy đủ khả năng để tạo nên các bộ váy áo cho bản thân và cả gia đình, nhất là cho chồng và gia đình bên chồng khi họ đi làm dâu. Người phụ nữ Hmông phải làm công việc này trong bất cứ thời gian nào có thể, khi mà đôi tay của họ được rảnh rỗi. Hình ảnh những người phụ nữ Hmông tay thoăn thoắt se sợi lanh trên đường đi nương, đi chợ đã trở thành biểu tượng của đức tính cần cù, chăm chỉ rất đặc trưng của người phụ nữ Hmông.
Nghề đan lát của dân tộc Hmông là công việc của riêng đàn ông. Họ học đan từ nhỏ và phải tự phục vụ cho gia đình, đan mọi thứ vật dụng cần thiết: từ chiếc phên nan tre đến bồ đựng lúa, ngô; từ chiếc rổ, rá, lồng tre đến chiếc lù cở (quẩy tấu, gùi) là vật dụng đặc biệt của riêng người Hmông. Người ta không đan lát theo mùa vụ hay những lúc rảnh rỗi mà chỉ đan khi lúc nào thấy cần thiết, tức là khi cần thứ gì thì họ mới đan thứ đó. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường và việc giao lưu thuận tiện như hiện nay thì một số vật dụng đan lát của người Hmông cũng được xem như một thứ hàng hoá, dùng để đem ra chợ bán.
Chăn nuôi là một hoạt động kinh tế phổ biến và quan trọng trong các gia đình người Hmông. Nó mang tính tự phát và gắn liền với kinh tế hộ gia đình. Gia súc, gia cầm không chỉ làm thực phẩm mà còn là sức kéo phục vụ hoạt động sản xuất. Hơn thế, nó còn phục vụ đắc lực cho các hoạt động tín ngưỡng của người Hmông trong việc cung cấp sản vật dùng trong những lễ thức quan trọng của chu kì đời người. Ngoài ra, các sản phẩm chăn nuôi còn có thể được dùng để trao đổi, mua bán phục vụ sinh hoạt. Ở những vùng người Hmông sống du canh du cư thì hoạt động chăn nuôi hoàn toàn mang tính tự nhiên. Gia súc, gia cầm đều được thả rông, tự kiếm ăn chứ không có chuồng trại. Tuy nhiên, ở những vùng người Hmông đã định canh và có
cuộc sống ổn định, việc chăn nuôi đã được phát triển và có áp dụng kỹ thuật như xây dựng chuồng trại, thức ăn và các biện pháp phòng chống bệnh có hiệu quả.
Việc săn bắn, hái lượm trở thành một hoạt động kinh tế rất phổ biến ở người Hmông. Hàng năm, vào mùa giáp hạt hay những tháng nông nhàn, người Hmông thường rủ nhau săn bắn, hái lượm, vừa để cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa để trao đổi mua bán tăng thu nhập, giúp người Hmông vượt qua những năm tháng mất mùa, đói kém. Người Hmông chủ yếu hái lượm các loại nấm, củ, quả như: mộc nhĩ, nấm hương và các loại nấm phổ biến khác như nấm gà, nấm tai người, nấm mối... ; các loại củ như: củ mài trắng, củ mài đỏ, củ nâu, măng tre, nứa và rất nhiều các loại quả, rau rừng khác. Hoạt động săn bắn thường diễn ra vào khoảng cuối mùa vụ. Đó là thời điểm thu hoạch, thú rừng thường kéo về phá hoại mùa màng. Việc săn bắn vừa là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn thú rừng, bảo vệ mùa màng, vừa để kiếm thức ăn cải thiện, vừa thoả mãn thú đam mê săn bắn mà bất kì người đàn ông Hmông nào cũng có. Mỗi gia đình người Hmông thường có một vài khẩu súng và tên nỏ. Đàn ông Hmông ai cũng thành thạo bắn súng, vót tên từ khi còn nhỏ. Việc săn bắt khi thì từng cá nhân, khi thì săn bắt theo nhóm, ít nhiều tuỳ theo qui mô và đối tượng. Người Hmông chỉ săn bắt tập thể khi phát hiện những dấu hiệu có thú lớn như hổ, gấu, hươu, nai, lợn rừng hay sơn dương...Việc chia thành quả được áp dụng theo luật tục. Thường thì, chó săn được tính bằng một nửa suất của người, lớn bé như nhau. Ai có công bắn hạ con thú được nhận ngoài phần chia như mọi người còn được sử hữu hoàn toàn bộ xương, da, mật...
Mặc dù kinh tế truyền thống của người Hmông có nhiều nét độc đáo và đặc sắc như vậy, nhưng không phải không có những khó khăn, hạn chế nhất định do chính nền kinh tế truyền thống ấy gây ra. Đó là, làm cho điều kiện sống của người Hmông ngày càng trở nên khắc nghiệt. Mối nguy cơ thường trực là thiếu nước trầm trọng do phá rừng tràn lan, và nạn thiếu đất canh tác. Mặt khác, kinh tế của người Hmông hoàn toàn không có tính cộng đồng, càng không phải là nền tảng cho sự cố kết và thống nhất. Đó là một trở ngại rất lớn cho sự phát triển kinh tế của dân tộc này trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang trong công cuộc hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc.
1.3. Đời sống văn hóa- "tâm hồn và tiếng hát Hmông"
Hiểu theo nghĩa rộng, văn hoá bao gồm "toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần, do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử của mình" (Từ điển triết học,
M. Rôdentan và P.Iuđin chủ biên, Nxb Sự thật, H. 1976). Nghiên cứu đời sống văn hoá của dân tộc Hmông, chúng tôi chú trọng đến các loại hình văn hoá vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, trong phạm vi giới hạn của luận án và khả năng bao quát còn hạn chế của người viết, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu một vài tiêu chí văn hoá vật thể của Người Hmông như: kiến trúc, trang phục..., đồng thời đi sâu nghiên cứu văn hoá phi vật thể bao gồm: phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội, âm nhạc, vũ đạo...và đặc biệt là thơ ca. Đây là cơ sở quan trọng cho việc tiếp cận và lí giải những đặc trưng mang tính bản sắc của thơ ca dân tộc Hmông từ truyền thống đến hiện đại.
1.3.1. Nhà ở- nét độc đáo trong kiến trúc của người Hmông
Mỗi dân tộc có một chiều dài lịch sử, có chiều dài của một nền văn hoá mà dấu ấn của nó được biểu hiện thông qua cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Dưới góc độ kiến trúc, ta dễ dàng nhận diện được những đặc trưng kiến trúc của từng dân tộc thông qua cách kiến tạo nhà cửa và các công trình xây dựng khác. Chẳng hạn: Nhà sàn là đặc trưng trong kiến trúc nhà cửa của người Tày,Nùng hoặc Dao, Giáy.., nhà đất, không có chái là kiểu nhà ở đặc trưng của người Hmông.
Người Hmông thường ở nhà đất trình tường lợp ngói, hay nhà gỗ lợp mái tranh phên vách. Cấu trúc chung của ngôi nhà Hmông truyền thống gồm 3 gian, gian giữa có cửa chính nhìn về phía trước nhà. Đây là gian tiếp khách. Vách sau của gian giữa là chỗ thiêng. Ở gian bên cạnh có buồng ngủ và bếp. Đầu hồi nhà có một cửa phụ nhưng đó mới chính là lối ra vào. Hàng ngày, người trong gia đình chủ yếu đi lại bằng cửa này.
Nhà của người Hmông thường có gác nhỏ để chứa lương thực, hoa màu hoặc thực phẩm khô.
Bàn thờ (xử ca) được đặt ở gian giữa. Sau khi làm nhà được 3 ngày thì họ làm bàn thờ. Bàn thờ của người Hmông rất đơn giản, chỉ là mảnh giấy được gắn mấy
chiếc lông gà, chấm tiết gà rồi dính vào vách sau của gian giữa. Đối với nhà có người làm nghề thầy thuốc hoặc thầy cúng thì có thêm bàn thờ nghề riêng.
Vật liệu làm nhà của người Hmông chủ yếu là tranh, tre, gỗ . Khi cần làm nhà, những người trong gia đình tự đi khai thác. Nếu ít người thì anh em, chú bác đi làm giúp. Vật liệu làm nhà thường được khai thác vào hạ tuần hàng tháng âm lịch vì theo kinh nghiệm, làm như vậy là để tránh mối mọt.
Công cụ làm nhà của người Hmông chủ yếu là dao, búa, cưa...Người ta thường chọn những cây to tròn và thẳng để làm cột và quá giang. Các đoạn ngắn được cắt thành từng khúc có độ dài từ 0,8 đến 1,2m rồi bổ ra để làm tấm lợp. Các tấm lợp to nhỏ phụ thuộc vào cây gỗ nhưng phải có độ dài giống nhau, vì không được đẽo gọt nên chúng không phẳng nhưng khi lợp gối lên nhau khá nhiều nên không bị dột. Các bức tường, vách cũng có thể được làm bằng gỗ. Ở một số vùng, người Hmông thường làm nhà trình tường, tường nhà được trình trong khuôn gỗ rộng từ 40-60 phân. Nhà trình tường đảm bảo vừa ấm áp về mùa đông nhưng lại rất mát mẻ vào mùa hè. Cửa sổ nhà người Hmông thường nhỏ, hẹp. Giường ngủ của vợ chồng người Hmông cũng ngắn và hẹp. Theo quan niệm, giường ngủ như vậy để vợ chồng người Hmông không thể giận dỗi được nhau lâu. Người Hmông có câu: "Vợ chồng cãi nhau không bỏ giường" là với ý như vậy.
Nhà của người Hmông thường không lớn. Mọi lương thực, thực phẩm khi thu hoạch về đều được cất giữ trên gác nơi đun bếp để khói bếp có tác dụng bảo quản lương thực (nhất là ngô) không bị mọt. Ngoài ra, sàn gác còn có thể làm nơi ngủ của khách. Tuy nhiên, trong gia đình, đàn bà con gái, nhất là con dâu không bao giờ được ngủ trên gác. Thậm chí, nếu muốn lấy một vật gì trên đó, chỉ được bước vài bậc rồi lấy que khều xuống chứ không bao giờ được bước chân lên.
Cửa nhà của người Hmông, dù chính hay phụ, cũng đều được mở vào phía trong. Những ngày lễ tết, đàn bà con gái sang chơi thường đi vào theo lối cửa sau chứ không đi cửa trước vì sợ gia chủ làm ăn không thuận lợi. Đây cũng là tập tục của một số dân tộc thiểu số khác ở vùng cao.
Người Hmông thường làm chuồng gia súc trước cửa nhà, lệch quá một bên so với cửa chính. Chuồng gia súc của người Hmông thường được xây cất rất cẩn thận, có ván lát sàn, ván bưng và máng ăn cho bò, dê, ngựa. Gia chủ xem tuổi và tính ngày tốt xấu để làm chuồng gia súc, trước khi làm và sau khi làm xong đều có thắp hương cúng lễ ma chuồng, ma trại để phù hộ cho gia súc[73].
Nhà người Hmông thường được xếp đá xung quanh làm hàng rào. Hàng rào đá tạo cho nhà người Hmông trở thành những khu vực riêng biệt.
Cũng như người Dao, người Tày và một số dân tộc khác ở miền núi, người Hmông thường có những ngôi nhà tạm ở nương, gọi là nhà du cư hay nhà làm nương (Tsêr uô têz). Đó là ngôi nhà tạm, bằng đất hay nửa sàn nửa đất, ở những nơi rất xa xôi, heo hút, chỉ được sử dụng trong thời vụ mùa màng.
Hiện nay, do điều kiện đi lại đã tương đối dễ dàng, thuận lợi, người Hmông đã có thể làm nhà xây, thậm chí nhà tầng tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Mặt khác, do chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc vùng cao, người Hmông ở nhiều nơi đã được hỗ trợ xi măng, tấm lợp để làm nhà định cư lâu dài. Chính vì vậy mà mô hình nhà truyền thống của người Hmông cũng ít nhiều bị mai một đi, nhất là ở những khu vực người Hmông sống xen kẽ với các dân tộc khác và đầy đủ các điệu kiện phục vụ cho đời sống như điện, đường, trường, trạm. Tuy nhiên, ở những vùng xa xôi và khó khăn, người Hmông vẫn hay sống biệt lập và trung thành với kiểu nhà truyền thống của mình. Bởi lẽ, nhà của người Hmông không chỉ phù hợp với điều kiện và đặc trưng cuộc sống của họ, mà còn biểu hiện những quan niệm riêng về tín ngưỡng của cộng đồng.
1.3.2. Trang phục- nét đặc trưng thẩm mĩ của người Hmông
Trang phục bao gồm hai thành tố là y phục và đồ trang sức. Y phục là những thứ dùng để che đậy, bảo vệ cơ thể và góp phần làm đẹp thêm cho con người. Đồ trang sức là những vật dụng mang theo trên mình với mục đích làm đẹp, đôi khi cả mục đích tôn giáo, tín ngưỡng nào đó của từng dân tộc.
Cùng với tiếng nói, y phục là một trong những yếu tố tạo nên nét riêng của từng dân tộc, bao chứa trong đó cả cội nguồn lịch sử, văn hoá, xã hội từ bao đời nay.
Trang phục cổ truyền của người Hmông, cả nam phục và nữ phục, đều có sự phân biệt khá rò giữa thường phục và lễ phục. Thường phục của người phụ nữ Hmông bao gồm: khăn đội đầu, áo, váy, tạp dề, dây lưng, xà cạp, guốc dép...Khăn đội đầu của phụ nữ Hmông có màu chàm, dài khoảng 2,5- 4m, rộng từ 30-40 cm, không trang trí hoa văn. Khi đội khăn người ta tết tóc cuộn lên đầu, sau đó gấp khăn làm tư và quấn thành nhiều nếp chồng lên nhau vòng quanh đầu. Áo của phụ nữ Hmông có hai loại: áo dài tay và áo khoác (cộc tay). Áo dài tay không trang trí hoa văn thường chỉ dùng cho phụ nữ đã có tuổi và mặc trong sinh hoạt hàng ngày, trong khi áo dài tay có trang trí hoa văn bằng sáp ong được dùng mặc cả trong ngày thường và trong lễ hội. Các ngành Hmông khác nhau thường có cách trang trí hoa văn khác nhau. Nếu như người Hmông Đỏ chỉ tập trung trang trí hoa văn ở váy là chính, thì người Hmông Hoa chú ý trang trí trên cả váy và áo. Hoa văn trên áo cũng đa dạng hơn. Ngoài ra, áo của phụ nữ Hmông các ngành cũng có khác nhau đôi chút. Áo của phụ nữ Hmông Hoa tay nhỏ và ngắn chỉ tới eo. Phụ nữ Hmông Trắng mặc áo xẻ trước ngực. Vải áo may bằng lụa màu sáng, nếu là sợi lanh cổ truyền cũng phải chọn sợi nhỏ, dài và bóng. Áo cổ tròn, cổ cứng song ngắn hơn áo con trai.
Với người Hmông, váy là một bộ phận của trang phục biểu hiện giới tính rò nhất, là một dấu hiệu để phân biệt trang phục nữ với trang phục nam. Phụ nữ Hmông thường mặc váy bằng vải lanh để trắng hay nhuộm màu chàm, có trang trí hoa văn. Váy của phụ nữ Hmông là loại váy mở, xếp nếp, khi mặc mới được quấn lại quanh người tạo thành hình nón cụt. Thân váy được xếp nếp hình thang, phần cạp váy được chiết lại cho vừa với vòng eo người mặc, thân và gấu váy xoè rộng. Cùng với váy, có hai miếng tạp dề ở đằng sau và đằng trước, có hoặc không thêu hoa văn khi mặc với lễ phục hay thường phục.
Phụ nữ Hmông với bộ y phục cổ truyền độc đáo, hiện vẫn còn giữ nguyên bản sắc, cho dù có nhiều biến động của thời gian, lịch sử và xã hội. Nó đặc biệt phù hợp với môi trường sống trên núi cao. "Giữa mênh mông rừng xanh núi biếc, đường rừng quanh co, bước chân đi dù đường bằng hay đường dốc, khăn, áo, váy của các cô gái Hmông đung đưa tạo nét uyển chuyển, rập rờn như cánh bướm"[73].