Vẻ Đẹp, Tính Sáng Tạo Và Giàu Chất Thơ Của Ngôn Từ

182


Phần kết thúc của các sáng tác tùy búttuy giàu sức khái quát nhưng hình như nhà văn không nhằm mục đích khẳng định một tư tưởng hay đặt ra một vấn đề to tát nào. Đó là cái dư ba còn lắng lại, đọng lại tất yếu, tự nhiên sau những cao trào cảm xúc và suy tưởng nên không hề gượng gạo hoặc có tính chất công thức mà luôn mang đến cảm giác nhẹ nhòm, nhân hậu, tin yêu vào con người và cuộc sống, vào sự bất tử của cái đẹp, cái cao cả. Đơn cử vài ví dụ:

“Ta không sợ nghèo, bàn nghèo nữa. Mà nay ta lại lo về cái sự giàu, cái sự đã giàu và đang giàu thêm mãi về cả chữ dùng, về cả cách nói của ngôn ngữ Việt Nam. Làm thế nào để cứ giàu có mãi hơn lên, mà càng giàu lại càng đẹp. Nói một cách khác: bằng lòng và gắng sức cho thành một người giàu có vô kể trong sự phồn vinh chung của tiếng Việt Nam. Nhưng hết sức chống lại mọi thứ “trọc phú” trong đời sống ngôn ngữ ta. Giàu có, mà không vẩn đục - vẩn về tư duy và đục về mỹ lý” (đoạn kết của tác phẩm Về tiếng ta - Nguyễn Tuân).

“Xin Trời Phật phù hộ cho không bao giờ có những ngày xuân, ngày Tết không có hoa và bướm, không bao giờ có những người không được thương yêu, không bao giờ có những cây không nảy lộc, những cặp mắt không sáng ngời và cũng không bao giờ lại có những con người xảo trá, tham tàn, độc ác…” (đoạn kết của tác phẩm Thương nhớ mười hai - Vũ Bằng).

“Sáng rồi. Cuộc chiến đấu của chúng tôi sắp bắt đầu. Trong trận đánh hôm nay chúng tôi sẽ tiêu diệt địch thật gọn, phối hợp với cuộc đấu tranh đang dậy khắp quê hương. Có thể hôm nay, điều ấy cũng thường tình, tôi sẽ ngã xuống. Nếu như vậy thì cũng có sao đâu. Bởi vì giá như sau đó vì một sự kỳ diệu, tôi được sống trở lại thì cũng xin cho tôi được sống trong ngày hôm nay của dân tộc ta. Tôi thiết tha yêu cái ngày hôm nay của đất nước, thiết tha yêu đội ngũ trùng trùng điệp điệp của chúng ta đang tiến lên trong cuộc hành quân cả nước sục sôi và chiến thắng này. Sáng rồi. Phương đông rực rỡ một màu hồng chói lọi” (đoạn kết của tác phẩm Đường chúng ta đi - Nguyễn Trung Thành).

Có thể nói, kết cấu là một trong những phương diện thể hiện rò tính chất tự

do, phóng túng, linh hoạt của thể loại tùy bút. Không có khuôn mẫu hay chuẩn mực

183


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.

nào cả, mỗi tác phẩm tùy bút mang một kiểu kết cấu riêng, phù hợp với mạch cảm xúc chủ đạo và yêu cầu bộc lộ tư tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ.

3.6. Vẻ đẹp, tính sáng tạo và giàu chất thơ của ngôn từ

Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 24


Hầu hết các nhà văn có tác phẩm hay ở thể loại tùy bút giai đoạn 1930 - 1975 đều là những “người thợ kim hoàn của chữ” (Tố Hữu). Dấn thân vào tùy bút là chấp nhận thử thách ghê gớm của sáng tạo nghệ thuật, nên hiếm người có đủ tài năng và tâm huyết để dũng cảm đương đầu và vượt qua. Nói như Vương Trí Nhàn, chỉ những người “muốn làm rò cái giọng điệu của riêng mình” và có “bút pháp vừa giàu chất hình tượng vừa có khả năng viết chặt chẽ như châm ngôn” mới thành công ở thể tùy bút [129]. Đó là những nghệ sĩ bằng năng lực ngôn ngữ mạnh mẽ có thể sáng tạo nên nét riêng độc đáo về giọng điệu, hình ảnh, từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm, ngữ nghĩa cho trang viết của mình. Mặt khác, để đảm bảo tính chân thực và sức thuyết phục cho mạch suy tư, cảm xúc, người viết tùy bút phải thật sự từng trải, lịch lãm, uyên bác. Chính sự am tường nhiều phương diện đời sống xã hội, nhiều lĩnh vực văn hóa và sự trải nghiệm sâu sắc những trạng thái tình cảm phức tạp đã giúp nhà văn luôn có được khả năng sáng tạo mạnh mẽ khi sử dụng từ ngữ.

3.6.1. Vẻ đẹp của từ ngữ


Tùy bút luôn đề cao tự do sáng tác của người nghệ sĩ, từ ý thức cho đến hoạt động sáng tạo. Nhưng hoàn toàn khác với sự tùy tiện, tùy hứng theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa, tự do trong tùy bút vẫn phải tuân thủ theo những quy tắc và chuẩn mực nhất định của cái đẹp, cả về nội dung lẫn hình thức. Đó là những giá trị nghệ thuật đích thực được sáng tạo ra từ công phu và tâm huyết của những bậc “tài hoa, tài tử, tài tình” (Hoàng Cát) [20].

Vẻ đẹp của từ ngữ được sử dụng trong tùy bút biểu hiện trước hết ở sự phong phú, linh hoạt và giàu sức gợi hình, gợi cảm. Do sự chi phối của đặc điểm loại hình (loại tự sự - trữ tình) nên trong các tác phẩm tùy bút thường có hai lớp từ chủ yếu: lớp từ để miêu tả, thuật sự và lớp từ để trực tiếp bộc lộ tư tưởng, cảm xúc. Mức độ hòa hợp và tỉ lệ giữa hai lớp từ này cũng là yếu tố góp phần làm nên nét độc đáo ở mỗi tác giả, tác phẩm.

184


Trong tùy bút của Nguyễn Tuân, lớp từ thứ nhất được sử dụng ở tần số cao hơn nên mang nhiều yếu tố truyện và đậm chất ký. (Nguyên Ngọc có lần đã coi tác phẩm Sông Đà là “một thứ tùy bút tiểu thuyết”) [121]. Cái đẹp được cảm nhận và miêu tả ở đây không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng bay bổng hoặc sự mơ mộng lãng mạn mà chính là những biểu hiện của đời sống tự nhiên, xã hội muôn màu muôn vẻ. Những từ ngữ được sử dụng thường mang nét nghĩa khách quan, trung tính, không trực tiếp biểu thị cảm xúc. Thông tin do lớp từ này mang lại có nhiều giá trị về mặt tư liệu vì đảm bảo độ chính xác cao. Có thể dẫn đoạn văn tả gió Lào trong Gió Than Uyên để minh họa:

“Không khí cuộn thành đợt sóng luồng, gió phụt phụt một tia trường hơi (…). Người ở ngoài con đường xuyên của gió đèo thì mặc áo cánh cụt, người ở trúng luồng tim gió lao như đường đạn thì áo trấn thủ, ngực thì buốt mà mặt thì hầm hập. Cột nhà chôn một thước ta, gió nhổ cả đi. Gió mạnh như bão cấp năm cấp sáu cấp bảy. Mùi gió nhạt nhạt, vị gió ngái ngái. Gió đổ nhà, đổ người, gió chém vào móng ngựa thồ, cuốn rối đuôi và bờm tóc ngựa. Gió giúi gục đầu ngựa. Ngựa bạt hơi. Người ngồi ngựa hộc máu cam trên cương yên. Gió quẩn mà hồi lùng nổi lên, đá to bằng hột gà cũng bay vù. Lúa đang trổ, gió tháng chín tháng mười bắt đầu quẫy lên là coi như bỏ đi vụ ấy. Lúa phơi màu, gió quạt lép hạt; lúa gần chín, gió quạt như liên thanh không thay băng đạn và một chập là hạt rụng hết”.

Nguyễn Tuân đã tập trung ghi lại thật tỉ mỉ những tác động và hậu quả ghê gớm của gió Lào chứ không trực tiếp miêu tả nó. Kiểu bút pháp vẽ mây nảy trăng như thế vừa tạo được ấn tượng khách quan về đối tượng phản ánh vừa gián tiếp bộc lộ tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Các sự vật, hiện tượng được tái hiện trong tùy bút trước hết để làm nền, khơi gợi mạch suy tư, cảm xúc. Cho nên, đặc điểm nổi bật của lớp từ ngữ được nhà văn sử dụng để miêu tả, thuật sự là giàu sức tạo hình và ít giá trị biểu cảm, góp phần làm nên nét nghĩa cụ thể, cảm tính của hình tượng nghệ thuật.

tùy bút của Thạch Lam, lớp từ có liên quan đến những trạng thái suy tư, những cung bậc tình cảm chiếm ưu thế; theo đó, chất trữ tình cũng đậm đà hơn. Chủ trương sáng tác là mang đến cho người đọc “một bài học về sự trông nhìn và

185


thưởng thức”, nên nhà văn luôn phát huy tối đa năng lực cảm nhận của tất cả các giác quan để nắm bắt và diễn tả một cách tinh tế mọi trạng huống cảm xúc, cảm giác đôi khi diễn ra hết sức mơ hồ trong tâm hồn con người. Sự vật được đặt giữa một trường so sánh, liên tưởng với những hình ảnh vừa giản dị, gần gũi vừa thanh cao, gợi lên nhã thú văn chương đẹp đẽ, đầy bất ngờ:

“Các bạn ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không ? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của trời (…). Cốm không phải là thức quà của người ăn vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ; trong màu xanh của cốm có cái tươi mát của lá non và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ” (Một thứ quà của lúa non: Cốm).

Cả khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác, thính giác của độc giả đều được huy động để cảm nhận trọn vẹn hương vị và nhận thức đầy đủ giá trị một “thức quà riêng biệt của đất nước”. Có thể nói, với Thạch Lam, cốm Vòng đã được tôn vinh như một giá trị văn hóa độc đáo. Đồng thời, những trang văn “xanh màu cốm non” ấy cũng sẽ mãi mãi gợi lên trong lòng người niềm yêu thương, trân trọng trước vẻ đẹp đến mức ngỡ ngàng của tài hoa nghệ sĩ và ngôn từ nghệ thuật.

Cần lưu ý thêm, sự kết hợp giữa hai lớp từ mang sắc thái biểu đạt khác nhau trong tùy bút thường không ổn định mà chỉ có ý nghĩa tương đối, định tính. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan, như phong cách, bút pháp, đề tài, chủ đề, hoàn cảnh sáng tác. Sự biến hóa linh hoạt ấy diễn ra ở nhiều cấp độ: trong từng đoạn văn, từng tác phẩm và trong cả sự nghiệp sáng tác của mỗi tác gia. Nghĩa là không có nhà văn nào chỉ viết một loại tùy bút, thiên về tự sự hoặc thiên về trữ tình. Mặt khác, trong cùng một tác phẩm luôn có thể chỉ ra sự xen kẽ, giao thoa giữa bút pháp tự sự với bút pháp trữ tình. Giữa những trang viết dồn dập sự

186


kiện, đầy ắp thông tin về lịch sử, địa lý, văn hóa khi Nguyễn Tuân miêu tả con sông Đà “trái tính trái nết” với 73 cái thác cực kỳ “hung bạo” lại có thể bắt gặp đoạn văn chứa chan tình cảm, dìu dặt thiết tha như một áng thơ văn xuôi: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân” (Người lái đò sông Đà).

3.6.2. Cách sử dụng từ ngữ đầy sáng tạo


Một đặc điểm nổi bật của tùy bút Việt Nam giai đoạn 1930 - 1975 là ngôn ngữ mang đậm dấu ấn sáng tạo của mỗi nhà văn. Đây vừa là phẩm chất nghệ thuật vừa là yêu cầu cốt tử đối với thể loại tùy bút, bởi tùy bút là vương quốc của cái tôi, ở đó đòi hỏi nhà văn phải bộc lộ năng lực sáng tạo của riêng mình. Tất nhiên, bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng đều cần đến sự sáng tạo chứ không riêng gì thể loại tùy bút, nhưng nét khác biệt ở đây là yêu cầu về ý thức và hành vi sáng tạo trong tùy bút luôn căng thẳng, quyết liệt, thường trực, sao cho “mỗi dòng mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng” (Anh Đức) [33]. Phải dốc đến kiệt cùng sức lực để không bao giờ lặp lại mình và lặp lại người khác, đó là nguyên tắc cao nhất đảm bảo cho sự tồn tại ổn định của một phong cách tùy bút. Đó cũng là một thử thách nghiệt ngã của nghề nghiệp đối với bản lĩnh và tài năng nghệ sĩ. Ngay cả bậc “tổ sư” của thể loại tùy bút như Nguyễn Tuân mà cũng đã không ít lần phải ngồi “lặng đi” hàng giờ trước trang giấy chưa viết được chữ nào, như “một người tử tù giữa pháp trường trắng quạnh vắng thê lương” (Về tiếng ta).

Cảm hứng sáng tạo trong tùy bút khởi nguồn từ quan niệm văn chương và ý thức ngôn ngữ của nhà văn. Từ ngữ không chỉ là phương tiện, công cụ mà đã tồn tại như một đối tượng thẩm mỹ mang vẻ đẹp “linh diệu”, cần được khám phá và cảm nhận:

“Tôi biết rằng cái ngôn thừa tự tôi đang nói, đang diễn viết ra đây, chính nó là kết tinh bởi trăm nghìn năm công sức lao động của tổ tiên lưu truyền lại. trong hương hỏa thừa hưởng đây, lẫn vào với vô số thanh âm từ điệu, thấy như hiển hiện lên không biết bao nhiêu là mồ hôi và máu huyết của đời đời ông bà khai rừng, vỡ ruộng, mở còi, giữ nước, chống giặc (…). Nay mỗi lần đụng tới di sản nhiệm mầu ấy, thấy bổi hổi bồi hồi như vấn

187


vương với một cái gì thiệt là thiêng liêng vô giá, mà tất cả trữ kim trữ ngân

của tất cả ngân hàng thế gian cũng không sao đánh đổi được” (Về tiếng ta).


Mặt khác, sự trau chuốt, sáng tạo về ngôn ngữ trong tùy bút hoàn toàn xa lạ với kiểu uốn éo, đẽo gọt câu chữ để lập dị hoặc làm dáng một cách giả tạo, tầm thường. Sáng tạo là một nhu cầu bức thiết cần bộc lộ khi vốn sống đã căng tràn và tư tưởng, tình cảm đạt đến độ mãnh liệt, thăng hoa. Trong một bài viết nhân ngày giỗ đầu nhà văn Thạch Lam, Thế Lữ đã phác họa thật tinh tế chân dung một ngòi bút tài hoa, tràn trề năng lực sáng tạo: “Bao nhiêu băn khoăn về nghệ thuật, bao nhiêu tư tưởng cũng như bao nhiêu tình cảm rung động, lúc nào cũng chất chứa dồi dào trong tâm trí: cái kho tàng cuộc sống bên trong ấy rất sẵn châu báu, chỉ cần cầm đến bút, Thạch Lam đã thấy dàn xếp theo hình thể của lời” [91].

Suy đến cùng, sự sáng tạo ngôn ngữ trong tùy bút là kết quả tất yếu từ tài năng và công phu trau dồi, rèn luyện đến mức “khổ hạnh” của người nghệ sĩ. Đôi khi, độc giả có thể mơ hồ về đặc trưng thể loại, có thể nghĩ tùy bút là đồng nghĩa với tự do, phóng túng, chỉ cần tùy theo ngòi bút mà đưa đẩy, nhưng nhà văn thì không. Họ phải luôn ý thức rất rò những nguyên tắc tưởng chừng lỏng lẻo nhưng kỳ thực hết sức nghiêm ngặt của thể loại. Công việc cầm bút đối với họ vừa là niềm vinh dự vừa là một trọng trách. Có nghe Nguyễn Tuân tâm sự, mới hiểu hết cái gian nan, vất vả của nghề viết văn nói chung, của người sáng tác tùy bút nói riêng:

“Đã nghĩ kỹ rồi mới cầm bút mà viết ra. Nhưng khi đã viết ra rồi, chưa có nghĩa là xong hẳn (…). Tự mình duyệt lấy lời văn lời viết của mình, tự mình thẩm tra lại cái ý tốt cái lời trong của mình. Trong năm giác quan đem ra làm công cụ để kiểm nghiệm, cặp mắt soi xuống dòng trang vẫn là giữ vai trò cầm trịch trong việc nhận dạng và đánh giá từng bước cho bộ điệu của đoạn văn. Nhưng cặp mắt chưa đủ lọc hết bụi bặm vẫn còn bám theo… Cho nên phải dùng cả cái tai của mình nữa. Và để phát huy tột cùng hiệu năng của tiếng nói mình, có khi phải dùng tới cả năm giác quan. Ngoài việc soi lắng, hình như còn phải ngửi lại, nếm lại cái lời mình viết ra kia, trước khi bưng nó ra cho người khác thưởng thức. Có khi lại như chính lòng bàn tay mình phải sờ lại những góc cạnh câu viết của mình, xem lại xem có

188


nên gồ ghề chân chất như thế, hay là nên gọt nó tròn trĩnh đi thì nó dễ vào lỗ tai người tiêu thụ hơn” (Về tiếng ta).

Sự sáng tạo ở bình diện ngôn ngữ trong các tác phẩm tùy bút được bộc lộ cụ thể qua việc tạo ra từ ngữ mới và khám phá thêm nét nghĩa mới cho những từ ngữ đã sử dụng quen thuộc. Trong mạch liên tưởng, tưởng tượng của nhà văn, đôi khi sự kết hợp ngẫu hứng giữa các từ có sẵn đã tạo ra một đơn vị từ ngữ mới để định danh cho sự vật, hiện tượng hoặc gọi tên cảm xúc một cách hết sức tinh tế.

Có thể nhận ra sự dụng công nghệ thuật của các tác giả ngay từ tiêu đề tác phẩm. Để đặt tên cho những trang viết về nỗi nhớ thương triền miên, ròng rã từ năm này qua năm khác khi phải sống kiếp tha hương, Vũ Bằng đã kết hợp một động từ với một số đếm, tạo ra một ngữ mới mang nhiều nét nghĩa hàm ẩn: Thương nhớ mười hai. Ca dao dân ca ngọt ngào, lãng mạn thế mà cũng chỉ đến chín nhớ mười thương, còn trong tác phẩm của Vũ Bằng thì có tới mười hai thương nhớ ! Cái trừu tượng đã được hữu hình hóa, cụ thể hóa, khiến cho nỗi nhớ thương như choán ngợp cả không gian và thời gian. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã sáng tạo ra không ít tựa đề độc đáo. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, ông viết tác phẩm Lột xác để ghi lại những thay đổi triệt để về thế giới quan và nhân sinh quan của người nghệ sĩ trong giai đoạn mới. Ông đặt tên cho tùy bút ngợi ca tinh thần lao động hăng say của những người công nhân trên công trường mở đường lên Tây Bắc là Một bài thơ đường (chữ “đường” không viết hoa). Lẽ ra phải dùng từ cái hồ, nhưng vì là hồ Con Rùa nên ông đổi thành Con hồ thủ đô. Người ta bàn, luận thì ông Tán về ngôn ngữ. Trong niềm tin lãng mạn vào cuộc sống mới, con người mới ở miền Bắc từ sau 1954, ông viết Trang hoa, Tờ hoa để khẳng định: lịch sử dân tộc đã sang trang mới, tờ mới, lộng ngát hương hoa.

Cách diễn đạt trong tùy bút đôi khi thật lạ, đầy bất ngờ nhưng thú vị và xác đáng. Nguyễn Tuân gọi hành động bắt ép những cô gái Thái xinh đẹp phải múa hát phục vụ không tiền công của bọn chúa đất ở vùng cao giai đoạn trước 1945 là “hiếp dâm nghệ thuật” (Xòe); gọi phở là “một món quà cổ điển rất có tính dân tộc… một món ăn rất nhiều quần chúng tính” (Phở), giò lụa là “đỉnh cao của một dạng văn hóa dân tộc toàn cầu ăn thịt lợn và chế biến món ăn lợn” (Giò lụa); thấy bầu trời Hà Nội những năm chống Mỹ “thấp thỏm xanh ngắt một niềm cảnh giác” (Hà Nội

189


ta đánh Mỹ giỏi). Bình Nguyên Lộc thì chạnh lòng trước cảnh “những con diều sa cơ” bị treo toòng teng trên đường dây điện trong thành phố, như chính mình “đang bị giảo hình” (Có những xác diều); xem món bánh canh cá rô của cô hàng hai chèo là “một món quà thống nhứt: nước, bánh, cá, hành, tiêu, cả bốn thứ đoàn kết với nhau để biến thành một khối duy nhất có mùi vị riêng biệt…, đồng đội cùng xung phong lên công kích các hạch nước miếng của khách chơi đêm” (Quà đêm trên sông Ông Lãnh).

Có những từ đã quen thuộc, tưởng đơn nghĩa hoặc cũ mòn nhưng qua bút pháp tinh xảo, điệu nghệ của nhà văn, nó chợt trở nên tươi mới, “đầy sinh sắc” (chữ dùng của Nguyễn Tuân). Thông thường, từ “góa bụa” được sử dụng để chỉ tình trạng đơn lẻ của người mất vợ hoặc mất chồng. Nhưng trong cách diễn đạt của Nguyễn Tuân, bất cứ một sự mất mát nào về tinh thần cũng khiến người ta trở nên góa bụa:

“Hiu quạnh sống trong người mình và xung quanh mình, cái gì cũng gợi đến những ý xa vắng, lạnh và cũ và mỏi và ngừng hết. Ngồi ăn một mình cả một mâm cơm chiều nay, tự nhiên tôi có cái cảm tưởng gở dại là mình đã trở nên một người góa bụa, hoàn toàn góa bụa. Góa vợ con, thân thích, anh em bạn, góa nhân loại, góa hết cả. Bát cơm và vào miệng chỉ là những miếng thê lương”(Chiếc lư đồng mắt cua).

“Thê lương” vốn là tính từ, nhưng ở đây nó mang nét nghĩa của một danh từ. Cách chuyển đổi từ loại kiểu này được Nguyễn Tuân sử dụng khá phổ biến: “Cái bàn tay kiều bào thứ hai tôi cầm vào là một bàn tay gợi lên những chai cứng. Tôi nhìn lại cả người ông cụ. Quần áo tây sơ-vi-ốt đen, còng còng, giày véc-ni đen, răng đen. Một sự lênh đênh được trang phục khắc khổ” (Từ Tân thế giới mà về); “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổtích tuổi xưa” (Người lái đò sông Đà); “Ở chỗ cao nhất của thân đèo, trông xuống, các chóp núi đều lượn rập rờn như các nếp sóng bạc đầu của một vùng biển cả mà phép mầu nào đó vừa biến hóa thành ra đá, cứng lại, xanh sẫm và tím ngắt mộtniềm im lặng” (Đường lên Tây Bắc); “Có thể vua Đèo Văn Long vẫn còn kéo dài cái sống của động vật có ngủ có ăn, không ăn cướp được ở Tây Bắc nữa thì ăn xin ăn nhờ vua Lào (…), nhưng đối với nhân dân Tây Bắc giải phóng và kiến thiết

Xem tất cả 247 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí