Dung Hợp Hai Loại Nhân Vật: Nhân Vật Trữ Tình Và Nhân Vật Tự Sự - Trữ Tình

158


trái lại, càng hun đúc thêm bản lĩnh, nghị lực để họ vững vàng hơn, quyết tâm hơn

trong cuộc đối đầu sống mái với kẻ thù:


“Sáng nay chính trị viên Trần Lương ra trận với chúng tôi. Anh là một người rất kỳ lạ. Trong một trận đánh hồi đầu năm, anh bị thương gãy mất một gót chân. Ở bệnh viện ra, người ta bảo anh về hậu phương. Nhưng anh đi ngược lại cái hướng người ta chỉ cho anh. Anh trở về đơn vị. Anh bảo: “Mình chỉ có thể chết ở đây và cũng chỉ có thể sống ở đây thôi”. Rồi từ đó anh chống một cây gậy, gần như là một cây nạng, lẽo đẽo, khập khiễng, kỳ cục đi theo đơn vị trên khắp những chặng đường hành quân chiến đấu nhọc nhằn, khẩn trương, lụi bụi của chúng tôi, thường chỉ là đi về đêm, dưới ánh pháo sáng, trong tiếng rít của đạn trọng liên từ trực thăng vũ trang đổ xuống và tiếng rú xé vải của đại bác giặc bắn chặn đường. Anh đi với chúng tôi, làm linh hồn của đơn vị (…). Có những đêm có lẽ chúng tôi đã có thể ngã quị xuống dưới sức nặng ghê gớm của những khối thép nghiến nát đôi vai, nếu như chúng tôi không nghĩ đến cái chân đau khủng khiếp không còn gót của anh cùng đi với chúng tôi trong gian nan và khói lửa… Kỳ diệu thay là cuộc chiến đấu của chúng ta !” (Trận đánh bắt đầu từ hôm nay - Nguyễn Trung Thành)

Những trang tùy bútra đời trong thời kỳ chiến tranh đã làm sống lại cái không khí sử thi hào hùng và sục sôi của cả nước. Khác với tiểu thuyết và truyện ký, tùy bút không nhằm tái hiện toàn bộ hiện thực chiến tranh trong sự bề bộn, khốc liệt của nó. Tư tưởng, cảm xúc của tác giả luôn có khuynh hướng vươn lên tầm cao khái quát, triết lý và lắng vào bề sâu tâm hồn với những rung động tinh tế, những chiêm nghiệm sâu sắc về tình đồng chí đồng đội, tình quân dân, về trách nhiệm công dân cao cả:

“Cũng nhờ những năm tháng ấy, tôi như dần hiểu ra và nhận ra dân tộc ta, nhân dân ta. Ở trận Điện Biên Phủ cũng như sau này dọc đường Trường Sơn, tôi thấy có lẽ không có cuộc chiến tranh ở nơi nào trên thế giới mà có nhiều phụ nữ, nhiều em gái ra mặt trận như ở nước ta. Tự nhiên tôi nghĩ tới đến thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Nhìn hình ảnh Bác Hồ mặc quần áo nâu, chân mang dép lốp cao su, đi bộ trên một sườn đồi, một bờ ruộng, ngồi ngay

159


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.

xuống đất trò chuyện với bà con, tôi nghĩ đến trang sử cũ chép việc Thái Thượng Hoàng nhà Trần, từ trên núi Yên Tử, mặc quần áo vải thâm, khoác chiếc tay nải, chân đi dép rơm, đi xuống Phả Lại để xem dân tình (…). Tôi không bao giờ quên cái đêm 19 tháng chạp năm 46 ấy, hàng vạn, hàng chục vạn người lầm lì ra đi, để lại sau lưng Hà Nội ầm ầm súng nổ và cháy rực một vùng trời” (Qua những tháng năm cầm bút - Nguyễn Đình Thi).

Trong tùy bút Bài ca về những anh hùng và những vùng đất anh hùng, Đặng Văn Nhưng đã tập trung làm rò sự tương phản giữa tư thế ung dung, bình tĩnh của ta với những hành động tàn bạo của kẻ thù, để qua đó khẳng định sức sống bền bỉ của con người và Tổ quốc Việt Nam:

Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 21

“Có những người nông cạn nhìn vào vùng đất Việt Nam này mà dễ sợ và thương cho chúng ta bị vùi dập. Nhưng chúng ta rất hiểu chúng ta, chúng ta lại rất hiểu tâm địa của kẻ thù. Chúng rắp tâm tạo nên những vùng đất hoang dại vì chúng sợ màu xanh của đất và cái sức sống mãnh liệt của những con người đã sinh ra, lớn lên và đang cầm súng chiến đấu bảo vệ bầu trời, mặt đất xanh tươi của Tổ quốc mình (…). Bên trong cái vẻ hoang tàn của những hố bom, hố pháo, của những vết xe tăng, xe ủi đất, của những mái nhà cháy trụi, của những thân cây gục ngã… là sức sống bền bỉ dẻo dai và vô cùng mãnh liệt của con người, là tiếng nổ và ngọn lửa. Trong những mạch hầm sâu chật hẹp, xuyên đi ngoằn ngoèo trong lòng đất, cái sức sống của chúng ta lại mãnh liệt lạ lùng, tình thương yêu của chúng ta lại trở nên mênh mông lạ lùng”.

Trong công cuộc lao động để kiến thiết đất nước từ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, những người lao động giỏi cũng được Nguyễn Tuân tôn vinh bằng cảm hứng anh hùng:

“Trên đỉnh ta-luy, hàng trăm hàng nghìn cánh tay phóng xuống rút lên phóng xuống. Không một động tác thừa. Tay đánh xà beng, chân gạt đất, mắt đã nhìn sang chỗ khác lựa trước địa hình địa vật để chuyển mũi xà beng sang. Những cái thế đứng xoạc chân, những cái dáng quai cuốc quai búa (…). Thế rồi một buổi chiều, người ta reo hò đón những kiện tướng và anh hùng làm đường mới. Cả quần chúng lao động, cả những vị kiện tướng giữ kỷ lục cũ

160


cũng mừng reo mà đón những kiện tướng phá kỷ lục của mình giữ có khi hàng tháng. Chính tay người kiện tướng cũ lại cầm cờ đỏ đi trước mở đường liên hoan cho những anh em kiện tướng mới” (Bài ca trên mặt phần đường).

Cảm hứng anh hùng góp phần quan trọng làm nên âm hưởng sử thi ở các tác phẩm tùy bút, truyền đến cho người đọc niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, về tư thế hào hùng của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giữa những năm tháng gian nan vất vả, khi cần phát huy tối đa sức mạnh tinh thần để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược thì cảm hứng anh hùng còn mang ý nghĩa thức tỉnh ý thức trách nhiệm công dân cao cả.

3.2.4. Cảm hứng trữ tình


Cảm hứng trữ tình nhuần thấm trong những cung bậc xúc cảm của người nghệ sĩ về cái đẹp - cái đẹp của tự nhiên, nghệ thuật và trong cuộc sống con người. Qua các tác phẩm tùy bút, những xúc cảm thẩm mỹ được bộc lộ một cách trực tiếp, làm nên cái mạch trữ tình dạt dào, đằm thắm về Tổ quốc, dân tộc và thời đại. Trữ tình trong tùy bút không dừng lại ở cảm nhận bề ngoài hoặc những cảm xúc nhất thời, bao giờ nhà văn cũng có khuynh hướng vươn tới những nhận thức sâu sắc và những tình cảm đẹp, mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả.

Trong tùy bút giai đoạn từ 1930 đến 1975, hình tượng đất nước được tập trung khắc họa bằng lòng yêu mến thiết tha và niềm tự hào vô hạn. Cảnh sắc thiên nhiên, truyền thống văn hóa, vẻ đẹp tâm hồn và tư thế anh hùng của con người Việt Nam giữa những biến động dữ dội của lịch sử, qua cảm nhận tinh tế và có chiều sâu tư tưởng của nhà văn, đã trở thành những đối tượng thẩm mỹ có sức hấp dẫn, mời gọi sự khám phá, sáng tạo. Trong Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam đã miêu tả tài tình các “thức quà Hà Nội”, làm sống dậy những giá trị văn hóa tưởng chỉ còn trong ước mơ, hoài niệm. Nhưng không chỉ có như thế, độc giả còn cảm nhận được thật rò nét một tấm lòng thiết tha yêu quý, trân trọng và đầy tự hào về nếp sống đạm bạc mà phong lưu, thanh lịch của con người ở vùng đất kinh kỳ. Tấm lòng ấy được thể hiện qua giọng văn bồi hồi, rưng rưng cảm xúc và những hình ảnh đẹp đẽ, gợi nghĩ đến sự tinh khôi, rạng rỡ đến lạ thường. Nhà văn xem cốm là “một món quà thanh nhã và tinh khiết”, “là thức dâng của những đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ

161


Việt Nam”; bánh cốm thì “Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ; cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy những ái ân”. Đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, ấn tượng để lại sâu đậm nhất, gây nên sức ám ảnh bền lâu trong tâm trí độc giả chính là tấm lòng chân thành, nặng nghĩa nặng tình, hết mực thủy chung đối với gia đình và quê hương đất nước. Trong dòng hoài niệm đầy xót xa, nuối tiếc của một người xa xứ, những vẻ đẹp xưa cứ trở đi trở lại như điệp khúc buồn, tạo nên một không gian trữ tình bao bọc toàn bộ tác phẩm. Ở đây, trữ tình không còn là phương tiện mà đã trở thành cứu cánh, là một nhu cầu bức xúc, không thể không giãi bày trong còi tinh thần của con người.

Mặt khác, như đã nói, văn hóa là một hệ thống giá trị vừa tồn tại tương đối ổn định vừa biến thiên theo từng bước phát triển của lịch sử dân tộc. Trong điều kiện xã hội bình thường, sự thay đổi ấy diễn ra một cách êm thắm theo quy luật kế thừa và cách tân, sao cho vừa bảo tồn được di sản vừa có thể sáng tạo nên các giá trị mới. Nhưng nếu quá trình ấy không giữ được tính chất tự nhiên mà phải gánh chịu sự áp đặt thô bạo từ các thế lực xã hội đen tối thì mọi thứ sẽ bị đảo lộn. Một khi phong hóa suy đồi thì cái đẹp truyền thống có nguy cơ bị hắt hủi, lãng quên, thay vào đó là những thứ lai căng, phản văn hóa. Thực trạng không hề mong muốn ấy là nguyên nhân gây nên nỗi buồn thương và sự tiếc nuối trong tâm lý xã hội ở những giai đoạn lịch sử có tính chất giao thời. Cảm hứng thương cảm là một biến thể, một dạng thức tồn tại của cảm hứng trữ tình, nó “mang khuynh hướng tư tưởng khẳng định” [146; 184]. Ở phương diện này, có thể xem các tác phẩm: Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam), Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng) và Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (Bình Nguyên Lộc) là những dẫn chứng minh họa tiêu biểu.

Thương cảm hoàn toàn khác với những biểu hiện ủy mị, sướt mướt theo kiểu cải lương nên không làm con người trở nên nhu nhược, yếu hèn đi mà trái lại, nó giúp cho đời sống tinh thần được cân bằng, phong phú và nhân hậu hơn. Trong toàn bộ 15 đoản thiên của Hà Nội băm sáu phố phường hầu như không có câu nào, đoạn nào diễn tả một niềm vui thật trọn vẹn. Âm hưởng chung của tác phẩm là man mác buồn, ngậm ngùi, xót xa. Bao nhiêu sự tình, bao nhiêu cảnh đời cứ miên man hiện ra như những thước phim quay chậm về một vùng ký ức chưa kịp ngủ yên.

162


Đôi khi đằng sau những câu văn tưởng như khách quan miêu tả, kể chuyện lại nhoi nhói một niềm đau, một nỗi thương cảm nghẹn ngào về những kiếp người hẩm hiu, sống ngập ngụa trong bùn nhơ dưới đáy xã hội:

“Người ta xúm lại ăn quà bún ốc mới ngon lành làm sao ! Có ai buổi trưa hay buổi đêm khuya đi qua các nhà cô đào và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không ? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình” (Vẫn quà Hà Nội).

Thương cảm cũng là cảm hứng chủ đạo trong tùy bút Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc. Cái dư vị ngọt ngào lưu lại trong tâm hồn người đọc sau khi đọc tác phẩm có thể gói gọn trong một chữ tình. Trên bước đường lang thang, nhà văn xứ Đồng Nai đã trải lòng mình để lo lắng và yêu thương hết thảy mọi biểu hiện của cuộc sống xung quanh. Ông thương những hàng me mỗi mùa thay lá: “Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sài Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu… Tôi thương Sài Gòn vì những hàng me” (Những hàng me Sài Gòn), thương con sông Ông Lãnh gắn bó thân thiết với cuộc sống cần lao: “Sông con ơi ! Sài Gòn làm đỏm làm dáng mà người vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị cần lao. Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho người dễ thương biết bao” (Sông Ông Lãnh), thương những đàn chim hồn nhiên, vô tội lạc lòng giữa chốn đô thành phồn hoa: “Hỡi những người bạn âm thầm, trưa trưa, chiều chiều đã đánh nhạc rừng xanh để an ủi kẻ nhớ xứ quê ơi ! Sao lại dại dột đến làm chi cái nơi tội lỗi này mà người còn không dung người thay trong cuộc tranh sống, huống hồ gì là dung chim ?... Chim ơi, nên về rừng, về thôn quê, địa hạt riêng của các bạn. Ở đây là đất của loài người. Họ tranh sống quyết liệt quá không sao tránh đụng chạm tới các bạn được, mặc dù họ không thù hằn gì với các bạn. Ở đây bạn hót chẳng ai buồn nghe, người ta chỉ thích nghe tiếng thịt của các bạn xèo xèo trong chảo mỡ thôi” (Khóc bạn chim), thương những cánh diều treo “toòng teng” trên dây điện như đang bị giảo hình: “Bây giờ mình mới nhớ ra là dây điện của đường phố đô thành, dẫy đầy xác diều, có thể nói rằng phố nào cũng

163


là nghĩa địa của ít lắm một con diều… Vì thấy rằng diều giấy có linh hồn, mình thương con diều sa cơ này lắm. Mình nghe đau, nghe mỏi như chính mình bị treo” (Có những xác diều).

Cảm hứng thương cảm cũng góp phần làm đậm đà thêm chất trữ tình trong các tác phẩm tùy bút về đề tài chiến tranh. Chiến tranh là một khái niệm trừu tượng, nhưng những mất mát, đau thương mà nó gây ra thì rất thật, như một hệ lụy tất yếu. Cho nên, dù có thi vị hóa đến đâu trong cảm nhận và phản ánh hiện thực, nhà văn cũng không thể phủ nhận hoàn toàn cái bi.

Là thể loại văn xuôi giàu chất trữ tình nhất, tùy bút đã kịp thời ghi lại những khoảnh khắc tâm trạng đau thương tột cùng của con người Việt Nam giữa khói lửa chiến tranh. Đó là nỗi xót xa, nghẹn ngào trước cảnh làng quê yên bình bị đạn thù cày xới, là nỗi đoạn trường trong cảnh chia ly, là cảm giác bàng hoàng, hụt hẫng, điếng lòng khi chứng kiến sự hi sinh của đồng bào, đồng chí, là nỗi ngậm ngùi, da diết nhớ thương khi người ra đi không bao giờ trở lại. Cảnh hoang tàn, đổ nát trên quê hương xứ sở và những mất mát, khổ đau của đồng bào đồng chí đã gợi lên niềm xúc động mãnh liệt và tình yêu thương tha thiết:

“Trong lịch sử, kẻ thù đã có lắm mặt tàn bạo, nhưng thật chưa có kẻ nào tàn bạo đến điên cuồng như giặc Mỹ hiện nay. Chúng đã huy động một khối lượng khổng lồ sắt thép và tất cả sức mạnh quân sự Huê Kỳ để làm một việc thật đê hèn là tàn phá làng mạc và giết chóc nhân dân ta (…). Giặc Mỹ đã ủi phá trắng đi những cánh rừng, ủi phá trắng đi những xóm ấp. Những vườn cây trái, những mái nhà tranh chúng không chặt đi, dỡ đi được, chúng đến rải chất độc và bom na - pan để khai hoang. Những người dân không chịu bỏ đi, chúng đến còng, trói, đánh đập, tù đày, phanh thây, mổ bụng…” (Bài ca về những con người và những vùng đất anh hùng - Đặng Văn Nhưng).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng có tính quyết định của khuynh hướng sử thi nên vận mệnh của cả cộng đồng bao giờ cũng được ưu tiên hơn hết. Mọi nỗi niềm day dứt, khắc khoải riêng tư đã mờ khuất đi trong nỗi đau chung. Cái bi, vì lẽ đó, không phải bi lụy, bi thương mà là bi hùng, bi tráng. Nó không làm người ta yếu hèn đi mà trái lại, góp phần khắc sâu lòng căm thù và hun đúc quyết tâm trả thù. Suy đến cùng, nó là biểu hiện của nhận thức đầy đủ và sâu sắc về mối quan hệ giữa quyền

164


sống cá nhân với trách nhiệm cộng đồng, giữa cái mất với cái được, giữa cái cao cả

với cái tầm thường:


“Từ xưa đến nay, bao giờ cũng vậy, con người tự nhận thức ra mình trong quá trình chiến đấu với kẻ thù và với thiên nhiên. Mười năm đánh nhau với kẻ thù tàn bạo nhất của loài người, chúng ta đã học được rất nhiều. Song, điều lớn lao và đẹp đẽ nhất là chúng ta đã học hiểu thêm về chính bản thân chúng ta. Qua máu lửa, chúng hiểu kỹ hơn, sâu hơn, quả tim Việt Nam chúng ta đúc bằng gang và trí tuệ của chúng ta đã chín đến chừng nào. Chúng ta hiểu rò hơn sức mạnh của cánh tay ta, uy lực của lời nói ta. Chúng ta đổi mười năm xương máu, hàng vạn đồng chí đồng bào rơi đầu, hàng triệu người thành thương tật, để soi sáng thêm những đức tính tiềm tàng của con người Việt Nam. Chúng ta hiểu chúng ta rồi, và chính vì thế mà sức chúng ta càng mạnh hơn bao giờ hết, niềm tin chúng ta càng vững như thép và tình yêu dân tộc trong chúng ta càng thấm sâu vô cùng” (Đường chúng ta đi - Nguyễn Trung Thành).

Ngoài các dạng thức cảm hứng tiêu biểu nêu trên, chúng ta còn có thể nhận ra trong tùy bút Việt Nam từ 1930 đến 1975 những dạng khác như cảm hứng châm biếm, cảm hứng phê phán, cảm hứng bi,... Cần lưu ý thêm rằng, không phải chỉ có duy nhất một dạng cảm hứng tồn tại trong mỗi tác phẩm mà luôn có sự đan xen, hòa hợp giữa các dạng cảm hứng với nhau. Đó là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự phong phú trong các sáng tác tùy bút ở giai đoạn này.

3.3. Dung hợp hai loại nhân vật: nhân vật trữ tình và nhân vật tự sự - trữ tình


Tính chất trung gian, lưỡng hợp giữa tự sự với trữ tình đã tạo nên nét đặc thù về phương diện nhân vật ở thể loại tùy bút. Có thể bắt gặp phổ biến nhất là loại nhân vật trữ tình, bởi cái mạch cảm xúc chính trong tùy bút luôn là trữ tình, là tự thuật tâm trạng. Quá trình nhận thức đời sống trong sáng tác trữ tình được khởi đầu bằng hành động tự nhận thức. Ở đây, chủ thể và khách thể của sự miêu tả nghệ thuật rất gần gũi với nhau. Trong một số trường hợp, chúng hòa lẫn vào nhau, cùng biểu đạt thế giới nội tâm của tác giả. Mặt khác, những cảm xúc được biểu hiện bằng phương thức trữ tình có thể thuộc về bản thân nhà thơ nhưng cũng có thể thuộc về những đối tượng khác. Thành ra, trong tùy bút còn xuất hiện thêm một loại nhân

165


vật đặc biệt nữa: nhân vật tự sự - trữ tình. Đó là loại nhân vật tuy được miêu tả với đầy đủ ngoại hình và tính cách nhưng lại không nhằm mục đích phục vụ cho diễn biến của cốt truyện (như trong tác phẩm tự sự) hoặc để minh họa cho tư tưởng của tác giả (như trong những tác phẩm luận đề).

3.3.1. Nhân vật trữ tình trong tùy bút thường có mối liên hệ gần gũi hoặc đồng nhất, là “kẻ song sinh đồng dạng với tác giả, nó được hình thành từ văn bản của kết cấu trữ tình (…), như một dáng người có đường nét rò rệt hoặc một vai sống động; như một gương mặt có tính xác định của số phận cá nhân, có đường nét tâm lý của thế giới nội tâm” [12; 252]. Toàn bộ thế giới tinh thần và đời sống tình cảm của người nghệ sĩ đều được giãi bày thông qua nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình là một thực thể vừa mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân vừa chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể. Mặc dù đôi khi có đề cập đến chuyện thế sự nhưng thay vì mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài còi nhân sinh rộng lớn, người viết tùy bút có khuynh hướng lắng sâu vào còi lòng mình để tự phát hiện, phân tích, đánh giá. Ý nghĩa khái quát của hình tượng nghệ thuật được toát lên một cách tự nhiên, khách quan và dấu vết của ý đồ sáng tác chủ quan rất mờ nhạt (Nghĩa là hầu như không có biểu hiện của tính luận đề trong tùy bút). Đặc điểm nổi bật và xu hướng vận động của nhân vật trữ tình trong tùy bút Việt Nam giai đoạn 1930 - 1975 cần được xác định trong những mối tương quan như thế.

Trước 1945, nhân vật trữ tình của tùy bút Nguyễn Tuân thường mang dáng dấp cá nhân, đôi khi chủ quan đến cực đoan. Trong bối cảnh vận nước đảo điên, phong hóa suy đồi, người nghệ sĩ chân chính chủ động gây nên mối bất hòa sâu sắc với cái xã hội đầy rẫy những kẻ xu thời, hãnh tiến để tách mình ra, đối lập với xung quanh. Bấy giờ, Nguyễn Tuân “vênh váo đi giữa cuộc đời như một viễn khách không có quê hương nhất định, cái gì cũng ngờ hết, duy chỉ có tin chắc ở cái kho cái vốn tình cảm và cảm giác của mình” (Tóc chị Hoài). Cái “tôi” cá nhân được cường điệu đến mức tuyệt đối, đối lập với tất cả (Có lần, nhà văn đã đề từ cho tác phẩm của mình là “Kính tặng tôi”). Nhân vật trữ tình trong hầu hết sáng tác của Nguyễn Tuân thời kỳ này triền miên giữa một bi kịch tâm trạng nặng nề, đầy mặc cảm về sự cô độc, lẻ loi:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022