Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 23

174


Đó là cái đêm thao thức, trĩu nặng bao ưu tư của người lính trước giờ ra trận:


“Đêm nay là một đêm chuẩn bị. Ngày mai chúng tôi sẽ ra trận. Chúng tôi đóng trong làng. Bây giờ đã khuya, bốn bề đều im lặng. Cho đến ngôi sao xa ngoài khung cửa cũng đứng im, long lanh như giọt nước mắt vui lặng lẽ của người vợ ở quê ta gặp lại chồng sau mười năm trời gian lao và cách biệt. Gió se lạnh, thoang thoảng hương lúa lên đòng, thơm như sữa một người mẹ trẻ.

Tôi nằm đã lâu, không ngủ được. Không sao ngủ được. Có gì đấy, vừa êm ả vừa trào sôi đang dậy trong lòng tôi, người lính đêm nay (…). Có gì đấy đang trào dậy trong lòng tôi, như một linh cảm mơ hồ, như một hơi men say, một cơn sóng ngầm xao động ở chỗ sâu kín nhất của tâm hồn” (Đường chúng ta đi - Nguyễn Trung Thành).

Đó là cái thời khắc có thể làm bùng cháy biết bao cảm xúc về lịch sử dân tộc

và trách nhiệm công dân, mỗi độ xuân về:


“Mùa Xuân đã gọi. Mùa Xuân đã gọi, giục giã và thiết tha. Sao tôi cứ nghĩ rằng có lẽ năm nay, không ở đâu bằng ở đây, trên chiến trường Việt Nam, người ta lại nghe thấy tiếng gọi của mùa Xuân dội vang, thôi thúc đến như vậy. Chưa bao giờ tiếng gọi của mùa Xuân làm náo động lòng người và mang đầy những dự báo say sưa, sục sôi như mùa Xuân năm nay của chúng ta (…). Mùa Xuân đang gọi chúng ta, đâu phải chỉ từ phía trước. Nó gọi chúng ta tự trong đáy lòng sôi bỏng của chúng ta…” (Tiếng gọi của mùa Xuân - Nguyễn Trung Thành).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.

Ngay từ phần Tự ngôn mở đầu, giọng điệu trữ tình đã thiết tha, trào dâng như những đợt sóng và đó cũng là âm hưởng chính, xuyên suốt tác phẩm Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng:

“Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn dắt tay nhau đi trên những con đường vắng vẻ ngào ngạt mùi hoa xoan còn thơm mát hơn cả hoa cau, hoa bưởi (…). Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ (…). Nhớ không biết bao nhiêu (…). Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này! (…). Đời người mà

Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 23

175


có một người vui cái vui của mình, buồn cái buồn của mình chẳng là đủ rồi sao ? Có tâm sự trong lòng, lặng nhìn nhau không nói mà cùng cảm biết, chẳng là đủ rồi sao ?”.

Cần nói thêm rằng, mặc dù đậm đà màu sắc chủ quan nhưng sáng tác tùy bútkhông phải nhằm diễn tả những tình cảm vụn vặt, cá nhân theo lối tự nhiên chủ nghĩa. Cái tôi trữ tình ở đây đã ý thức một cách đầy đủ về chính nó và mối quan hệ của nó với vận mệnh cộng đồng, với không khí thời đại. Thành ra, mạch cảm xúc trong tùy bút ngỡ như riêng tư nhưng ở chiều sâu tư tưởng nghệ thuật nó lại mang ý nghĩa điển hình sâu sắc. Trong tùy bút Một đêm họp đưa ma Phụng, Nguyễn Tuân đã ghi lại tâm trạng của riêng mình trong những ngày tháng “phóng túng hình hài” bằng giọng chua xót đến bẽ bàng, tê tái; qua đó có thể nhận ra bi kịch về lẽ sống của cả một thế hệ nhà văn thời nước mất:

“Chúng tôi có cần gì đến căn nhà rộng sáng, đến con hát đẹp và hay. Chúng tôi tối nay chỉ cần một nơi để họp nhau cho trọn đêm để sớm tinh mơ ngày mai, lại cả đoàn kéo nhau qua cầu chạy theo một cái xe đám ma người bạn chết non. Thấy người cùng tuổi cùng nghề phải chết một cách sớm sủa mau mắn như thế, chúng tôi thấy đời là ngắn lắm mà chúng tôi càng phải gần sát mãi nhau lại cho đỡ lạnh. Hạng người cầm bút trong xứ không nhiều nhòi gì, mỗi khi có một người ngã vì bệnh nạn, chúng tôi càng phải dồn nhau lại để hàng ngũ đỡ trống trải. Cái giây phút này, ta thường buồn cho người vừa chết, ta thường buồn cả cho ta (…). Biết đâu ngày mai chẳng là không còn gì nữa…”.

Tuy đội ngũ sáng tác tùy bút giai đoạn 1930 - 1975 không thật đông đảo, nhưng trong âm hưởng chung của cả nền văn học vẫn có thể thấy nổi trội lên những giọng điệu tùy bút riêng, độc đáo. Đó là giọng tài hoa, uyên bác, nhuốm chút ngông nghênh, kiêu bạc của Nguyễn Tuân; giọng điềm đạm, thâm trầm, lịch lãm của Thạch Lam; giọng lãng mạn, tình tứ của Xuân Diệu; giọng trầm tư, suy nghiệm của Chế Lan Viên; giọng da diết, xót đau, khắc khoải của Vũ Bằng; giọng đôn hậu, chân tình, hóm hỉnh của Bình Nguyên Lộc, giọng trữ tình - chính luận chắc khỏe, vừa dạt dào cảm xúc vừa trĩu nặng ưu tư của Nguyễn Trung Thành; giọng tâm tình nhỏ nhẹ, hiền lành mà rất đỗi cương quyết, dứt khoát của Nguyễn Thi; giọng sử thi

176


mạnh mẽ, quyết liệt của Khánh Vân; giọng bình dị, ngọt ngào, sâu nghĩa nặng tình của Đặng Văn Nhưng, v.v…

3.4.2. Tính phức hợp trong giọng điệu


Trong tùy bút giai đoạn 1930 - 1975, luôn có sự đan xen, hòa hợp của nhiều sắc thái giọng điệu khác nhau như giọng anh hùng ca, giọng trầm tư - suy tưởng, giọng kể chuyện, giọng tâm tình, giọng châm biếm, v.v… Tính chất phức điệu ấy không chỉ có ở phong cách riêng của mỗi nhà văn mà còn được thể hiện qua từng tác phẩm, từng mảng sáng tác cụ thể.

Thạch Lam viết Hà Nội băm sáu phố phường trước hết để bộc lộ niềm tự hào sâu sắc và thái độ hết mực trân trọng đối với truyền thống văn hóa của vùng đất cố đô: “Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ đẹp của Hà Nội, khiến cho mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi”. Đồng thời với việc khẳng định những vẻ đẹp có màu sắc văn hóa, nhà văn còn tỏ rò thái độ bất bình khi phải đau lòng chứng kiến những biểu hiện lai căng, thô vụng, kệch cỡm đang diễn ra.

Mỗi sắc thái tư tưởng, tình cảm ấy được diễn tả bằng một giọng điệu phù hợp. Vì thế, có thể nhận ra nhiều giọng điệu khác nhau trong Hà Nội băm sáu phố phường. Âm hưởng chính của tác phẩm là hào hứng miêu tả, kể chuyện, ngợi ca và xót xa hoài niệm, nuối tiếc; bên cạnh đó, còn phải kể đến giọng triết lý, giọng phê phán, giọng mỉa mai, giọng hài hước và giọng ngậm ngùi, thương cảm. Ẩn sau trang sách, độc giả luôn bắt gặp những nụ cười nhẹ nhàng, ý nhị: “Thuở nhỏ, chúng ta thích ăn thức quà ấy lắm, nhưng nếu chúng ta mắc bệnh ho, thì đã không khỏi lắm lúc bực mình. Miếng bánh vừa bỏ vào mồm chưa kịp nuốt, một cơn ho đã làm bật ra ngoài như làn khói…” (Bánh đậu); “Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói, ông lên Hà Nội, đã ứng khẩu đọc hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả: Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long / Bún chả là đây có phải không ? Mà cảm hứng thế là chí phải. Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm” (Vẫn quà Hà Nội).

177


Nhưng niềm vui chỉ như cơn gió nhẹ thoảng qua, đọng lại trong hầu hết các đoản thiên của tác phẩm là một nỗi buồn da diết, nặng trĩu: buồn vì thời cuộc đổi thay, nhân tình ấm lạnh, phong hóa suy đồi, buồn vì những vẻ đẹp xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm. Giọng văn Thạch Lam luôn dạt dào niềm thương cảm khi viết về những kiếp người lạc loài, hẩm hiu giữa cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn:

“Đêm khuya nữa… ở các con đường vắng, một bóng người lủi thủi đi, một chấm lửa nhỏ lung lay theo từng bước. Chậm chạp và thong thả, bác hàng quà đi nhẹ như chân ma, thỉnh thoảng cất lên một tiếng rao nghe khẽ, ngắn và chóng chìm vào quãng tối. Tiếng rao buồn thảm, yếu ớt và uể oải như hàm một mối thất vọng không cùng. Cái đời tối tăm ấy, ở những đường phố xa, hẻo lánh, như không còn mong mỏi chút gì (…). Cho nên bác cứ đi như thế, lẩn lút giữa các ngò tối đêm khuya (…), lặng lẽ và chán nản như một linh hồn có tội” (“Mìn pháo” và “Giầy giò”).

Vốn là người điềm đạm, nhỏ nhẹ, nhưng khi đề cập đến sự kém cỏi, thô thiển trong thị hiếu thẩm mỹ của con người đương thời, Thạch Lam đã tỏ ra thật dứt khoát, cương quyết: “Cả đến việc ăn uống cũng vậy. Người ta theo nhau ăn thức quà này, cũng như người ta theo nhau mặc kiểu áo kia (…). Người mình ham thanh chuộng lạ, đã bắt đầu khinh rẻ những thứ đáng yêu ấy, có cái ngon mà họ đã gần quên mùi vị (…). Giờ đến lúc phải nên thẳng thắn và thành thực: trọng cái mình yêu và công nhận cái mình thích” (Quà…tức là người).

Sự phong phú, đa dạng và biến hóa thần tình của giọng điệu văn chương cũng là nét nghệ thuật đặc sắc trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Điểm nhìn nghệ thuật thay đổi liên tục khiến cho giọng điệu văn chương thay đổi theo. Có lúc tác giả khách quan miêu tả con người và thuật lại câu chuyện, làm nên một đoạn văn đậm chất tự sự:

“Ông đò Lai Châu bạn tôi làm nghề chở đò dọc suốt sông Đà đã mười năm liền, và thôi làm đò cũng đã đôi chục năm nay. Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào trong sương mù. Quê ông ở ngay chỗ ngã tư sông sát tỉnh…”.

178


Cũng có lúc những cảm xúc tinh khôi, trong trẻo bất chợt trào dâng, giọng văn đậm chất trữ tình với đầy ắp liên tưởng, tưởng tượng bất ngờ:

“Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng lờ. Hình như từ đời Lý đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nòn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.

Ở những trang tùy bút về đề tài chiến tranh, giọng trữ tình hợp với giọng chính luận làm nên giai điệu độc đáo: vừa rưng rưng chân thành, sâu lắng với những niềm xúc động riêng tư vừa dào dạt những cung bậc tình cảm lớn, mang đậm chất thơ của một thời đại bi hùng. Sự hòa hợp nhuần nhị này góp phần khắc họa tư thế ung dung, tự tại và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt:

“Một giọng hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới chân trời, có lúc rụt rè, e thẹn như khóe mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh nghịch, duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng… Có lẽ không phải là một người con gái đã hát trên đài. Đó chính là quê hương ta đang lên tiếng hát. Tiếng ngân nga dội lên từ lòng đất, ở trong đó một góc vườn có đôi cây sầu đông và một giàn bầu đong đưa quả nặng, một ngày đã xa mẹ ta đã chôn nhúm nhau của ta thuở ta mới lọt lòng. Đó là tiếng ngân của mặt đất, của dòng sông, của những xóm làng và những cánh đồng, sau một ngày lao động và chiến đấu (…). Riêng tôi cứ mỗi lần nghe vọng lên tiếng hát đậm đà, uyển chuyển của những bản dân ca Việt Nam, lòng tôi bỗng dưng xao xuyến lạ thường. Tôi bỗng dừng lại như sửng sốt, như kinh ngạc, và bàng hoàng tự hỏi: đất nước ta, con người Việt Nam ta vẫn còn giữ được tiếng hát ấy ư ? Kỳ diệu biết bao nhiêu ! Kỳ diệu biết bao nhiêu - tiếng hát và tấm lòng Việt Nam chúng ta !” (Đường chúng ta đi - Nguyễn Trung Thành).

Rò ràng, giọng điệu là một phương diện biểu hiện sinh động của cái tôi cá nhân và in đậm dấu sáng tạo của người nghệ sĩ trong các tác phẩm tùy bút. Sự

179


phong phú và tính phức hợp của giọng điệu đã góp phần làm nên những trang tùy bút đặc sắc, có sức sống lâu bền trong tâm trí người đọc.

3.5. Kết cấu tự do theo mạch cảm xúc


Là một thể loại giàu chất trữ tình nên cách viết trong tùy bút rất linh hoạt, không theo một khuôn mẫu cố định nào cả. Không có những biến cố, tình tiết, cao trào, thắt nút, mở nút như trong tác phẩm tự sự, kết cấu của tùy bút chính là “sự liên kết giữa cảm xúc, tâm trạng, ý tưởng, hình tượng thiên nhiên và hình tượng nhân vật trữ tình” [53; 193].

3.5.1. Kết cấu tự do


Tùy bút thường bắt đầu bằng việc nhắc lại một kỷ niệm, kể lại một câu chuyện, tường thuật lại một sự việc hoặc nhớ lại một trạng huống cảm xúc từng trải nghiệm; từ đó khơi nguồn những liên tưởng, tưởng tượng, rồi bàn rộng thêm ra về cái Đẹp, về nhân tình, về dân tộc và thời đại, về những giá trị văn hóa. Có thể xem mười hai đoản thiên trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng là những dẫn chứng minh họa: mỗi tiêu đề đều có sức khơi gợi, đánh thức một vùng ký ức ngọt ngào (Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt; Tháng Hai, tương tư hoa đào; Tháng Tư, mơ đi tắm suối Mường; Tháng Năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng Sáu, thèm nhãn Hưng Yên;…).

Trong tùy bút Chén rượu vĩnh biệt được viết ngay sau cái chết của thi sĩ Tản Đà, Nguyễn Tuân đã bắt đầu mạch cảm xúc, suy tư của mình về cuộc sống thanh đạm và nhân cách cao khiết của người nghệ sĩ tiền bối bằng việc kể lại một kỷ niệm đẹp - lần gặp gỡ cuối cùng:

“Cữ thượng tuần tháng tư năm nay, tôi có chút việc phải về làng Mọc. Tôi nghĩ ngay đến việc ghé thăm ông Tản Đà. Từ chỗ ông ở đến làng Mọc tôi, cách nhau độ năm trăm thước. Sẵn có bó đóm diêm gỗ bồ đề, tôi gói đi gọi là làm chút quà cho ông bạn già vốn đặt cái thú hút thuốc lào ngang với cái thú uống rượu. Con người ta chơi với nhau, đã mến được nhau, đã kính nhau, thường hay có những cái tỉ mỉ như thế. Cái thanh đóm dùng để châm thuốc lào, ở người khác tôi không hiểu nó như thế nào, nhưng giữa ông Tản Đà và tôi, thanh đóm đã là một cái gạch liên lạc nối một trẻ vào một già”.

180


Để bày tỏ nỗi niềm ưu tư trước sự đổi thay quá nhanh chóng của phố phường Hà Nội vào buổi giao thời những năm đầu thế kỷ XX, Thạch Lam thường mở đầu những đoản thiên của mình bằng hoài niệm về vẻ đẹp một thời đã qua:

“Cái biển hàng nào viết bằng chữ Pháp đầu tiên treo ở phố Hà Nội ? Thật khó mà biết được. Nó là một điều thuộc về lịch sử phải tìm ra, để đánh dấu cái ngày mà một người Việt Nam bắt đầu dùng thứ chữ phong phú nhất của phương Tây (…). Ngày tôi còn nhỏ…” (đoạn mở đầu của tùy bút Người ta viết chữ Tây).

“Chắc nhiều bạn đọc còn nhớ cái bánh đậu Hải Dương, đã nổi tiếng, mà ngày bé, chúng ta thường nhận được do bàn tay bà mẹ đã đi đâu một chuyến xa về ? Cái thứ bánh đậu khô, bột nhỏ như phấn, đóng hình vuông, có in dấu một hai chữ triện. Thuở nhỏ, chúng ta thích ăn thức quà ấy lắm…” (Bánh đậu).

“Những thứ quà đặc biệt riêng của từng vùng, ngày trước ta có nhiều: Ninh Giang có bánh gai, Yên Viên có bánh giò, Lim có bánh lam, Ghềnh có bánh giầy dài và chả nướng, Quán Gánh có bánh giầy tròn, Nam Định có bánh bàng, Hải Dương có bánh đậu…Những thứ quà ấy nơi thì còn giữ được vị ngon như cũ, nơi thì chỉ còn cái tiếng không. Người sành ăn bây giờ mỗi ngày một ít, người ưa chuộng của tốt cũng không còn có nhiều. Người ta bây giờ chỉ ham cái sự rẻ, và chỉ cần có cái mầu mỡ bề ngoài…” (Những thứ “chuyên môn”).

Cũng có khi mạch cảm xúc được khơi nguồn từ những sự việc hiện tượng đang diễn ra, rồi từ đó mà quay ngược về quá khứ hoặc liên tưởng tạt ngang một cách đầy ngẫu hứng và bất ngờ để khám phá mọi chiều kích, mọi tầng bậc của vấn đề. Hầu hết tùy bút về đề tài chiến tranh của Nguyễn Tuân đều được bắt đầu theo kiểu tức cảnh sinh tình như thế: “Gà vùng tạm chiếm vừa gáy sáng thì chúng tôi chiếm lĩnh trận địa: một sườn núi đất chi chít nứa dại. Có một hồi trống điểm thùng. Đoán biết là tôi ngạc nhiên, anh đại đội trưởng nói ngay: “Nó đấy !”. Nó, nghĩa là cái đồn Đại Bục sẽ bị san phẳng vào ngày 19 tháng 5 này đây” (Lửa sinh nhật); “Thủ đô vợi hẳn người, xe đạp cũng vợi hẳn đi. Cơ quan, xí nghiệp, trường học đều rời khỏi Hà Nội. Nó đánh cầu sông Cái, nó ném nhà máy điện Yên Phụ,

181


bom của nó rơi cả ở mép bờ hồ Hoàn Kiếm. Khóa lên giá, rất quý, có gia đình sơ tán khóa cửa khóa ngò bằng khóa xe đạp” (Có ba phi công Mỹ đi bộ trong chợ hoa sơ tán); “Có vẻ như là Hoa Kỳ vừa đánh Hà Nội, vừa thử tài trí và sức lực của Hà Nội. Trong cuộc đọ súng đọ lửa với giặc Hoa Kỳ, quân và dân thủ đô càng đánh càng phát huy truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc mình” (Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi).

Kiểu mở đầu bằng một tình huống có vấn đề cũng được các nhà văn sử dụng khá phổ biến. Không phải tình huống hành động hay tình huống nhận thức, loại tình huống thường gặp trong các tác phẩm tùy bút là tình huống tâm trạng. Đó là khi cái tôi tài hoa, uyên bác và giàu cảm xúc của người nghệ sĩ được trải nghiệm cùng những cảnh ngộ vui, buồn, sướng, khổ của cuộc đời. Hầu hết các đoản thiên trong tập Phút thoát trần của Lư Khê được bắt đầu như thế. Những suy tư về Tôn giáo và chiến tranh được khơi nguồn khi tác giả “có dịp bước chân đến nhà thờ trong một ngày lễ (…) được sống trong những phút mê-mẩn đầy tín-ngưỡng của đám tín-đồ hiền-hậu, dễ-thương”. Trong giờ phút ấy, tác giả mới “được thấy tất cả cái nghĩa triệt-để của hai chữ: thiêng-liêng và hòa-bình”. Khi đối diện với biển cả, nhà văn “mơ hồ thích” và “quyến-luyến khác thường”, rồi chợt “rùng mình trước cái cao rộng của bao la” và miên man liên tưởng tới những cảnh “ưu-thắng, liệt-bại ở đời” (Trước bể khơi). Mỗi lần vào nghĩa địa, nhà văn “thấy những thương yêu, những nhớ tiếc nơi lòng tràn-ngập” và thấm thía những bài học về sự bẽ bàng của nhân tình: “Ngày nay tôi khóc cho người, ngày mai ai khóc cho tôi ? Có chăng, tôi đâu biết ! Mà tôi có cần biết làm gì…” (Bài học trong nghĩa địa).

3.5.2. Mạch tự sự - trữ tình linh hoạt


Mạch trữ tình trong tùy bút được triển khai theo kiểu quy nạp: bắt đầu bằng những cảm xúc, ấn tượng, liên tưởng, tưởng tượng cụ thể và chấm dứt bằng những nhận xét, đề xuất, cảm nhận đậm màu sắc chủ quan. Các ý tứ được sắp xếp có vẻ như không tuân thủ theo một quy tắc, bố cục chặt chẽ nào cả, “ý sau nhìn gáy ý trước” (Montainge); câu chữ, hình ảnh miên man trôi theo dòng cảm xúc của tác giả. Nhưng thực chất, đó là một sự “mạch lạc cao cấp” (Hoàng Ngọc Hiến), theo lôgic đồng hiện trong tâm hồn con người.

Xem tất cả 247 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí