Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 13


Sương Nguyệt Minh một chất riêng không lẫn. Giống như tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư gắn với vùng đất Nam Bộ nơi có những kênh rạch, sình lầy…, tên tuổi của Sương Nguyệt Minh cũng gắn với vùng đất Ninh Bình bán sơn địa, với những địa danh như làng Yên Hạ, Sơn Hạ, Lai Hạ, với những tên sông Trinh Nữ, sông Châu, với vùng núi Tam Điệp vừa trù phú vừa bộn bề mới cũ. Có thể thấy quê hương đã đem lại cho Sương Nguyệt Minh rất nhiều và nhà văn cũng làm hình ảnh vùng quê Ninh Bình của mình trở nên quen thuộc với nhiều độc giả. Nhà phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm trong một bài viết của mình đã có những khảo sát công phu và thống kê tần xuất xuất hiện của những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, đồng cỏ….trong ba tập truyện đầu tay của Sương Nguyệt Minh rồi từ đó chỉ ra rằng, có tới xấp xỉ 90% các truyện trong ba tập truyện ấy có hình ảnh quen thuộc của làng quê. Ngay nhan đề của các tác phẩm cũng đã thấy vùng không gian chủ đạo trong tác phẩm của nhà văn quân đội này là làng quê thôn bản, ví như tên truyện gắn với địa danh cụ thể Đêm làng Trọng Nhân, Người ở bến sông Châu, Người đàn ông làng Yên Hạ; hay gắn với những từ ngữ gợi liên tưởng tới nông thôn như Đi trên đồng năn, Đi qua đồng chiều, Mười ba bến nước, Nơi hoang dã đồng vọng, Đồi con gái…

Không gian làng quê trong truyện của Sương Nguyệt Minh hiện lên dưới nhiều góc nhìn của một người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, am hiểu tường tận và vô cùng nặng lòng với mảnh đất cha sinh mẹ đẻ. Đó là một làng quê với phong cảnh hữu tình, đẹp như tranh vẽ “Thung cỏ biếc hiện ra trước mắt. Mênh mông cỏ là cỏ, rờn rợn đến chân trời. Cỏ xanh mát mắt. Tầm nhìn rộng ra, dài hơn, vòm trời cao lên. Trâu đàn xếp thành hàng dài nhẩn nha bước theo lối mòn trên đồng cỏ, con nọ nối đuôi con kia che lấp cả một đoạn đường chân trời. Và mặt trời đỏ úa to như cái nong đang từ từ chui xuống thung cỏ. Màu xanh của vòm trời của thung cỏ nhuộm luôn cả ánh chiều yếu ớt của hoàng hôn” (Hoàng hôn màu cỏ biếc). Ở đó con người luôn được đắm mình trong thiên nhiên để sống những giây phút thư thái: “Tôi về bến sông Trinh Nữ, trăng giữa tháng đã nhô lên khỏi đèo Eo Bát. Sương sớm tràn ra đồi Dâu, ùa vào trại Chuối như khói bay là là mặt đất và lập lềnh ngang gối chân.


Chỉ một lúc nữa, đồng Cỏ và cả dãy Tam Điệp kia cũng nhập nhoà sương trắng. Ở vùng bán sơn địa quê tôi cứ chập tối và mờ sáng thường hay có sương giăng; mùa đông hầu như tối nào cũng mù. Còn những đêm trăng lạnh, mờ đục, nền trời bàng bạc là sương giăng giăng trắng suốt đêm.” (Đêm trắng). Đọc những dòng văn của Sương Nguyệt Minh viết về làng quê, người đọc không khỏi có cảm giác dâng lên trong lòng mình một niềm thiết tha và nhớ thương nơi đồng quê mộc mạc và gần gũi.

Thế nhưng, những vùng quê ấy cũng là nơi tồn tại bao điều nhức nhối. Ở nơi đây, cái đói cái nghèo vẫn đeo bám con người. Ở nơi đây “một gánh rau răm những một trăm bó, một bó chỉ bán được năm mươi đồng”(Đi qua đồng năn), thế mà người nông dân vẫn phải thức khuya dậy sớm, nhặt nhạnh từng đồng để nộp tiền xây mồ xây mả cho bằng họ bằng hàng! Ở nơi đây, cuộc đời đơn điệu, nhàm chán, quẩn quanh của người nông dân không khác gì một ao tù nước đọng. Thanh niên suốt đời quanh quẩn với cảnh “bám đít trâu, cúi gằm mặt, cắm từng dảnh mạ xuống đồng sâu” ( Đi qua đồng chiều). Rồi hết đời này, qua đời khác con người vẫn cứ loanh quanh nơi ruộng vườn, nương bãi mà không thể thoát ra được khỏi cái đói, cái nghèo. Thêm vào đó, nông thôn còn tồn tại bao nhiêu hủ tục, nào thói gia trưởng, nào tật háo danh, nào chia bè chia cánh, họ nhỏ bị chèn ép bởi họ to, nào mê tín dị đoan, nào bè phái cục bộ….Tất cả những điều đó, càng làm cho làng quê nghèo càng nghèo thêm, hèn càng hèn thêm, lạc hậu làm mê lú tâm trí con người. Đến mức một anh chàng ngoại kiều trở về phải kêu lên “Tối tăm quá. Dã man…dã man quá!”. Lời nhận xét có phần kỳ thị ấy, không phải không có chỗ đúng với bối cảnh nông thôn Việt Nam ngay ở thế kỷ XXI này.

Những làng quê xa xôi thì lạc hậu vì thiếu thông tin, những làng quê được đô thị hóa thì lại rơi vào những biến động nửa đáng mừng, nửa đáng lo. Làng quê trong truyện của Sương Nguyệt Minh cũng chịu tác động không nhỏ của kinh tế thị trường, vì vậy đời sống vật chất có thể đi lên nhưng đạo đức và đời sống tinh thần thì chuyển biến theo chiều ngược lại. Không gian làng quê bắt đầu thay đổi màu sắc, những nhà tầng, biệt thự bắt đầu mọc lên như nấm, trong làng xuất hiện quán karaoke, gội đầu thư giãn, địa điểm du lịch giải


trí… Trên cái nền khung cảnh ấy, xuất hiện tầng lớp nông dân - thương nhân biết tận dụng thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình. Một số người làm giàu chính đáng, song một số kẻ thì đang bôi bẩn và làm xuống cấp làng quê cả trên lĩnh vực môi trường thiên nhiên cũng như trên lĩnh vực đạo đức, lối sống. Ở nông thôn xuất hiện thêm những bi kịch chỉ có thể có trong thời buổi thị trường. Đó là anh em, láng giềng cãi cọ, mưu hại nhau vì tranh giành lợi ích kinh tế. Đó là các tệ nạn xã hội len vào hủy hoại các gia đình. Có người vợ bỏ chồng theo giai ( Mây bay cuối đường), có người chồng bỏ gia đình theo bồ nhí (Làng động), có đứa con gái bán thân cho đại gia (Làng động)….Viết về không gian làng quê đang biến đổi từng ngày ấy, Sương Nguyệt Minh muốn người đọc nhìn nhận lại về mối quan hệ giữa việc phát triển kinh tế với việc duy trì nề nếp, thuần phong mỹ tục nơi thôn quê.

Mặc dù có những đáng buồn còn tồn tại, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, làng quê vẫn là cái nôi ấm áp nghĩa tình. Ở nhiều trang viết của Sương Nguyệt Minh, người đọc lại có cảm giác ấm lòng khi bắt gặp những cảnh thôn quê tuy mộc mạc nhưng gần gũi, thân quen vô cùng. Dù nơi đó còn nhiều khốn khó, dù nơi đó còn có những bất cập trong con đường vận động phát triển, nhưng làng quê vẫn là “cõi đi về” của nhiều thân phận con người. Trong một số tác phẩm, thôn quê là nơi xuất phát của nhân vật, rồi quê hương lại là nơi đón bước chân của đứa con tha hương quay về. Nhân vật tôi trong Đi trên đồng năn dù đã trở thành người thành thị, đã có một sự nghiệp, một cơ ngơi riêng của mình, vẫn nặng lòng hướng về nơi anh em ruột rà của mình sinh sống. Nhiều nhân vật khác cố gắng nhoai ra thành thị để đổi đời, rồi ngày sa cơ cũng lại tìm về quê mẹ (Gái trong Mây bay cuối đường, anh thạc sĩ văn chương tương lai trong Mùa trâu ăn sương, nhân vật “tôi” trong Những bước đi vào đời….). Còn những kẻ ra đi mà quên gốc gác, quên mất cái nón mê đậy vại cà, quên mất những tháng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì thật đáng chê trách (Chiếc nón mê thủng chóp).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Như vậy không gian làng quê đóng vai trò không nhỏ trong các sáng tác của Sương Nguyệt Minh. Không gian làng quê tham gia vào biến cố câu chuyện như một nơi khởi đầu, cũng là một đích quay về của nhân vật, ngầm


Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 13

chứa một thông điệp của nhà văn về tầm quan trọng của quê hương trong cuộc đời của mỗi con người. Thêm vào đó, không gian ấy tạo ra một mạch ngầm liên kết cho tác phẩm của nhà văn, khiến cho các tác phẩm tuy viết về nhiều vấn đề riêng rẽ, song vẫn rất thống nhất. Nếu vận dụng kỹ thuật lưu ảnh trong điện ảnh, đọc các truyện trong chùm tác phẩm về đề tài nông thôn, trong trí óc người đọc sẽ hiện lên cả một cuốn phim đầy đặn về một vùng quê với đủ mọi khung cảnh, đủ mọi biến cố, đủ các kiểu người…Không gian làng quê không chỉ làm cái nền bối cảnh của các truyện mà trở thành một đối tượng nhận thức, khám phá, phản ánh của Sương Nguyệt Minh. Một không gian làng quê đặt trong dòng chảy của lịch sử, có tác động lớn tới số phận những con người ra đi - trở về, một không gian với đầy những xung đột bên trong, bên ngoài, xung đột kinh tế, văn hóa, gia tộc,…Có thể đánh giá không quá rằng, viết về không gian một miền quê mà Sương Nguyệt Minh làm sống dậy không gian sống của biết bao làng quê trên dải đất hình chữ S nhỏ bé này.

Giữa không gian làng quê và không gian thành thị không phải có sự tách rời hoàn toàn, hai khoảng không gian này luôn đan xen với nhau trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh. Sự dịch chuyển giữa các vùng không gian cũng được xử lý một cách linh hoạt, tạo nên các bước chuyển nhanh của truyện. Sự xuất hiện của hai vùng không gian ấy tuân theo dòng chảy suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Sự đan xen của hai bối cảnh tạo đà cho một sự đối sánh, mà phần ưu ái nhà văn vẫn luôn dành cho những vùng quê. Giới thiệu về tác phẩm Mùa trâu ăn sương trên Báo Lao động (cuối tuần), nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã từng nhận xét rằng: “Quá lâu mới gặp một di chuyển không gian nghệ thuật khủng khiếp, vừa bi vừa hài đến thế, lại được nén chặt chỉ trong dung lượng một truyện ngắn. Không gian nửa phố nửa quê, lướt đi lướt lại nhẹ nhàng như không giữa hai bờ mộng thực, trên trục chính của mùa lạ biệt: mùa trâu ăn sương. Với tứ truyện lạ, nhấp nhánh chi tiết lạ, cách ngắt câu, nhả chữ dồn dập, cộc lốc, truyện này ngấp nghé vóc dáng tiểu thuyết, ngay trong sự lưỡng lự nhị nguyên của nó: phố thị đang “ăn thịt” nhà quê, như gấu ăn mặt trăng. Nhà quê lại có vẻ ngây thơ sung


sướng khi rơi vào tình thế bi đát này.”. Và đó cũng là đặc điểm của nhiều tác phẩm cùng đề tài của Sương Nguyệt Minh.

3.1.2. Không gian ảo

Bên cạnh những khoảng không gian bối cảnh như trên, trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh còn có những khoảng không gian ảo. Những vùng không gian hư hư thực thực được sáng tạo nên để phản ánh những điều tưởng như phi lôgic trong tâm trạng con người. Khung cảnh những bến nước trong Mười ba bến nước vừa là thực mà cũng vừa là mơ. Những bè chuối, những thuyền buôn chở chã đất nung và liễn sành cùng với hình ảnh con thuồng luồng trên sông luôn xuất hiện như một nỗi ám ảnh với người đàn bà bất hạnh. Nỗi đau đớn tột cùng đẩy chị vào sự lẫn lộn giữa ảo với thực và không gian dòng sông giờ đây trở thành một biểu tượng cho những bến bờ đau khổ của cuộc đời. Nếu như trong văn học dân gian, sự kỳ ảo hóa hình ảnh không gian là biểu hiện sự bất lực của người xưa trước thiên nhiên, vũ trụ hoặc là biểu hiện của niềm mơ ước về một thế giới tuyệt vời, thì trong văn học hiện đại kỳ ảo hóa không gian là một cách phản ánh tâm lý bế tắc của con người trước những vấn đề của cuộc sống thực tại. Yếu tố kỳ ảo trong truyện dân gian hướng về thế giới bên ngoài hơn là chuyển vào nội tâm. Còn các nhà văn hiện đại lại dùng yếu tố kỳ ảo để phản ánh trạng thái băn khoăn, bất ổn, thậm chí lo âu của con người trước nhiều vấn đề phi lý đặt ra trong xã hội hiện đại .

Cũng có khi cách sáng tạo ra những vùng không gian kỳ ảo sẽ mở ra một cách thể hiện mới cho những vấn đề vốn không còn xa lạ hay giúp người viết đề cập đến những vấn đề tế nhị một cách tinh tế hơn. Ví như cách Sương Nguyệt Minh nói đến sức mạnh đầy bạo lực của Nguyễn Ánh (Dị hương) bằng cách dựng lên những cảnh ái ân kỳ lạ. Mỗi khi Ánh gần gũi với Ngọc Bình thì “Cá chép ở thượng nguồn xuôi về. Con đực bám đuôi con cái, quẫy ùm ũm giao phối không đợi mùa động dục. Cả khúc sông Hương nổi đầy màng nhầy trong suốt lấm tấm trứng cá, nồng nàn mùi đực cái.”, và “Voi, gấu, hổ, lợn lòi ở khu rừng bên cạnh vểnh tai nghe và nhăn mũi hít ngửi, động rồ chạy đi tìm đồng loại khác giống. Cả một vùng non ngàn rộn rã bước chân thú và tiếng kêu van vỉ gọi bạn tình, ầm ĩ như động rừng…”. Còn trong Đồi


con gái, Sương Nguyệt Minh mở ra một không gian thấm đẫm chất huyền thoại trên hòn đảo Man, ở đây từ thiên nhiên đến con người đều căng tràn khao khát ái tình. Hòn đảo với “vụng Đàn Bà, đồi Con Gái, bãi cát Khỏa Trần”, ngọn đồi thì mang hình dáng “người con gái nằm ngửa đón nắng sương, sinh khí của trời đất trăng sao”, con người thì lúc nào cũng “lòng rộn rạo, xốn xang thèm muốn…”. Khung cảnh ấy làm nền cho câu chuyện tình ái và góp phần tạo nên một cách thể hiện vấn đề bản năng tính dục của con người rất tự nhiên và nhuần nhuyễn.

Nhìn lại vấn đề không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh, ta có thể thấy anh thiên về sáng tạo những khoảng không gian rộng hơn là không gian hẹp. Chỉ ở một vài tác phẩm nhà văn mới đi sâu vào những bối cảnh nhỏ bé, chật hẹp, còn chủ yếu không gian truyện của anh là không gian thiên nhiên, không gian xã hội. Trong đó, con người được đặt trong mối quan hệ với cộng đồng để từ đó bộc lộ tính cách. Các tác phẩm ở giai đoạn sáng tác sau, nhà văn đã có xu hướng thu hẹp lại không gian đời sống, mở ra một số vùng không gian khác như không gian ảo, không gian tâm tưởng làm phong phú cho tác phẩm của mình.

3.2. Thời gian nghệ thuật

Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian trong tác phẩm văn học cũng là một trong những thành tố quan trọng, bởi vì “thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới” [14, tr.219]. Thời gian nghệ thuật phản ánh thời gian khách quan nhưng không trùng khít với với dòng chảy thời gian bên ngoài. Thời gian trong tác phẩm thường có độ co duỗi rất tự do, không thể đo bằng đồng hồ, bằng lịch mà đôi khi “trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê” trong sự cảm nhận của con người. Sự vận động của thời gian nghệ thuật cũng không đi theo một chiều tuyến tính mà đảo chiều liên tục giữa quá khứ - hiện tại - tương lai bởi “nó thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thế giới”[14, tr.219]. Sự thể hiện thời gian nghệ thuật nằm trong ý đồ sáng tạo của các nhà văn, chịu sự chi phối của thế giới quan và quan niệm thẩm mĩ. Truyện ngắn là một thể loại chịu nhiều sự gò bó trong cách nhào nặn thời gian, tuy nhiên ở những cây bút


vững vàng xử lý dòng thời gian vẫn là một cách để người sáng tạo nghệ thuật bộc lộ tư tưởng và phong cách của mình.

Khảo sát thời gian trong truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh cho thấy, yếu tố thời gian thường được nhà văn vận dụng một cách linh hoạt, kết hợp với không gian nghệ thuật mở ra rất nhiều chiều của hiện thực cuộc đời, hiện thực tâm tưởng. Trong đó có một số dạng thức thời gian chính là : thời gian hiện thực, thời gian đồng hiện và thời gian tâm lí.

3.2.1. Thời gian hiện thực

Hướng ngòi bút của mình vào “cái hàng ngày”, nhiều tác phẩm của Sương Nguyệt Minh mở ra dòng thời gian hiện thực. Những bộn bề của cuộc sống đương thời luôn có một sức mạnh thu hút cái nhìn của nhà văn. Thời gian hiện tại mở ra gắn với những không gian của những vùng thị thành, làng quê, của số phận những con người thuộc về thời đang sống. Rất nhiều tác phẩm của Sương Nguyệt Minh có những khoảng thời gian cụ thể, xác định. Trong Người ở bến sông Châu là những mốc thời gian gắn liền với cuộc đời của nhân vật chính với những thời điểm “Ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ. Hôm ấy nước sông Châu đỏ quạch”; rồi “Từ ngày ra bến sông Châu, dì Mây buồn lắm”; tiếp đó là “ Về một thời gian, tóc dì Mây mọc thêm, da dẻ hồng hào trở lại”. Xen vào những mốc thời gian dằng dặc ấy, có những biến cố như “Đêm mưa, vợ chú San vượt cạn thiếu tháng”, được tác giả miêu tả cụ thể, tạo ra độ căng cho tác phẩm. Song chủ yếu là dòng thời gian trôi nhanh “tháng ba lại về” và chẳng mấy chốc đã là “Cuối thu trời hơi se lạnh”…Thời gian trong truyện trải dài như nỗi buồn hậu chiến của người phụ nữ, đồng thời với cái nhìn đầy cảm thông, tin tưởng nhà văn dùng những hình ảnh thời gian để cho thấy sự vận động tích cực trong cuộc đời của những con người sống có bản lĩnh, có tình có nghĩa.

Gắn với đời sống ở thôn quê là những khoảng thời gian xác định của “Tháng năm âm lịch. Cuối vụ gặt”(Đi qua đồng chiều), của “Chiều hai ba tháng chạp…Tết nhất sắp đến rồi! Người ta đi chợ sắm lá dong gói bánh chưng, chọn mua gà trống cúng giao thừa; mua đào, mua quất mừng xuân mới… anh cu Bần lại đi đun riu” ( Đi trên đồng năn). Và không gian làng quê


hiện lên với vẻ quen thuộc buồn buồn, vừa thân thuộc vừa nhàm chán “Không thấy gió thổi, chẳng thấy mây trôi. Thôn quê ngưng đọng tĩnh lặng quá. Cữ mãi thế này ốm mất” (Đi qua đồng chiều). Từ đó nhà văn mở ra những nghĩ suy của con người về cuộc sống nông thôn khi xã hội hiện đại ồn ào với nhịp sống gấp gáp, thì ở nơi thôn quê vẫn giữ nếp sinh hoạt bình lặng đôi khi đến buồn tẻ. Nhịp sống ở làng quê chỉ sôi động lên khi có luồng gió kinh tế thổi vào, khi ấy cả không gian và thời gian của những vùng quê yên ả mới sôi lên. Chỉ về quê chơi có vài ngày mà nhân vật “tôi” trong Làng động đã chứng kiến “toàn những chuyện dữ, ghê gớm, động rừng, động làng”, từ đầu làng đã nghe thấy cái Đào chết trên bệnh viện vì làm côvắc, về đến nhà thì gặp cảnh đánh ghen của chú thím Hào, rồi cảnh tan đàn sẻ nghé của gia đình chị mình…Còn trong Trang trại lúc mờ sáng tác giả lấy thời điểm của một đêm đầy biến động trong làng để nói đến những chuyện tranh chấp, đấu đá của các dòng họ, gia đình trong việc làm ăn kinh tế trong cả một thời kỳ nông thôn chuyển mình đô thị hóa.

Hai cách xử lý thời gian khác nhau trong những tác phẩm viết về cùng một đề tài mở ra cho tác phẩm của Sương Nguyệt Minh nhiều khuôn mặt của làng quê. Dù bình lặng đến mức tù túng, ngột ngạt hay phát triển quá nhanh trong thế mất cân bằng, đều là những vấn đề nhức nhối của hiện thực nông thôn Việt Nam trong thời kỳ này.

Gắn với đời sống đô thị cũng có những khoảng thời gian khác nhau. Có lúc là dòng thời gian trôi chậm được Sương Nguyệt Minh miêu tả gắn với những hoạt động rất bình thường, hàng ngày. Khoảng thời gian cụ thể thường gắn với những nề nếp sinh hoạt trong cuộc sống gia đình của con người, nơi mọi việc diễn ra đều đều có phần như quy luật. Nhưng đều đều quá cũng là một vấn đề, nó thể hiện cuộc sống buồn tẻ, vô vị, nhạt nhẽo đến mức trở thành một “hội chứng” trong cuộc sống của con người hiện đại. Đêm thánh vô cùng tái hiện lại một bữa cơm trong một gia đình sung túc và có vẻ vẹn toàn, trong một buổi tối Noel ngoài đường rực rỡ đèn hoa. Nhìn vào bữa cơm trong nhà có vẻ ấm áp, nhưng cái đơn điệu và lạc nhịp chỉ lộ ra khi nhân vật “tôi” bắt đầu kể về khẩu vị mỗi người: “Vợ tôi thích xúc xích Đức, nàng vẫn

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 30/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí