Đổi Mới Quản Lý Xã Hội Đáp Ứng Yêu Cầu Phát Triển Dựa Vào Tri Thức :


- Dường như có rất ít các nguồn vốn mạo hiểm, sự hiện hữu của loại vốn này cũng là đặc điểm của những nước đang công nghiệp hoá nhanh. Sự thiếu vắng các nguồn vốn này sẽ hạn chế nhà doanh nghiệp khai thác đưa vào kinh doanh những đổi mới công nghệ.

- Hệ thống đổi mới của Việt Nam quá tĩnh so với các nước đã hiện đại hoá và công nghiệp hoá thành công. Điều này một phần do truyền thống bảo mật và một phần do liên quan đến sự bảo hộ (hoặc thiếu sự bảo hộ) quyền sở hữu trí tuệ.

3.2.2.4. Hạ tầng thông tin

Cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia là một yếu tố cực kỳ quan trọng tạo tiền đề vật chất để thu hẹp khoảng cách tri thức và phát triển giữa các quốc gia và trong một nước. Cơ sở hạ tầng thông tin của một quốc gia liên quan đến những yếu tố chủ yếu: (i)Mạng thông tin liên lạc, xương sống của cơ sở hạ tầng thông tin, được nối với các mạng thông tin toàn cầu; (ii) Các dịch vụ thông tin, bao gồm từ dịch vụ thông tin truyền thống đến dịch vụ thông tin đa phương tiện (tiếng nói, hình ảnh, số liệu); (iii) Bộ máy quản lý Nhà nước và hệ thống chính sách, luật, thể lệ, định hướng và tiêu chuẩn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó đảm bảo sức sống cũng như sự thành công của cơ sở hạ tầng thông tin.

Mạng viễn thông : nhờ chính sách khuyến khích đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành viễn thông ngay từ những năm đầu thập kỷ 90, Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng được một mạng viễn thông tương đối hiện đại gồm các hệ thống truyền dẫn đường trục quan trọng dọc theo đất nước trên cơ sở công nghệ cáp quang. Các huyện trong toàn quốc đã được trang bị tổng đài điện tử, mạng điện thoại số hoá hoàn toàn.


Internet được chính thức hoạt động từ 11/1997, phát triển tương đối nhanh và đến nay số điểm truy cập Internet đã phủ kín toàn quốc với trên 200 nghìn thuê bao. Tuy nhiên so với mặt bằng khu vực, Internet ở Việt Nam hiện nay phát triển chậm hơn là do dịch vụ này còn mới mẻ đối với quảng đại dân chúng, giá cước truy cập cao, thiếu cơ sở pháp lý cho những giao dịch trên mạng, thiếu hiệu lực thực thi một bộ phông tiếng Việt chuẩn chung cho toàn quốc, trình độ tiếng Anh hạn chế, tốc độ đường truyền còn chậm.

Khai thác dịch vụ: chưa khai thác và sử dụng hết các loại hình dịch vụ rất phong phú của hệ thống chuyển mạch số hiện có cũng như chưa phổ cập rộng rãi tới khách hàng. Dịch vụ truyền số liệu với tốc độ thấp, nhưng không có khả năng nâng cấp cho các dịch vụ băng rộng. Dịch vụ thông tin còn hạn chế.

Về chính sách, thể chế: đã có nhiều cải tiến, tuy nhiên các dịch vụ thông tin còn hạn chế trong khu vực Nhà nước. Nhà nước nắm độc quyền phát triển và khai thác các mạng thông tin liên lạc, nắm sở hữu hoàn toàn các mạng thông tin liên lạc cho đến trước các thiết bị khai thác đầu cuối, nắm quyền kiểm soát các gateway, quyền định giá cước thống nhất v.v.. Do vậy, giá cước dịch vụ nói chung còn rất cao làm hạn chế số lượng người và thời gian sử dụng. Nhà nước chưa có những chính sách và thiếu khung pháp lý và thể chế cho sự tham gia của các thành phần kinh tế vào việc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

3.3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỊNH HƯỚNG

Từ những phân tích lý thuyết và thực trạng nền kinh tế ở trên kết hợp với kinh nghiệm quốc tế cho thấy để sử dụng tốt tri thức cho phát triển hướng tới phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam cần tạo lập các điều kiện cần thiết thúc đẩy quá trình này. Những nội dung đó là đổi mới quản lý xã hội, phát

Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam - 12


triển giáo dục đào tạo, xây dựng một kết cấu hạ tầng thông tin hiện đại, tăng cường hệ thống đổi mới quốc gia.

3.3.1. Đổi mới quản lý xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển dựa vào tri thức :

Phát triển kinh tế tri thức trước hết phải thực hiện tốt việc thu nhận, đồng hóa, sử dụng và phổ biến tri thức. Điều này đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý xã hội phù hợp nhằm tạo ra môi trường thể chế và những kích thích kinh tế hướng đầu tư vào tri thức và khai thác nó một cách hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội. Do vậy đòi hỏi Việt Nam trước hết cần kết thúc nhanh sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình chuyển đổi cần chú trọng đổi mới và hình thành các thể chế cần thiết cho việc vận hành có hiệu quả cơ chế kinh tế thị trường và có khả năng thích ứng nhanh nhạy với những thay đổi của toàn cầu nhằm phát huy cao độ lợi thế so sánh, hình thành và phát triển lợi thế cạnh tranh, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bền vững. Một số nội dung quan trọng trong đổi mới quản lý xã hội là:

Thứ nhất, cần xác định lại một cách rõ ràng hơn về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường (sau 15 năm chuyển đổi kinh tế) theo hướng vừa mở rộng tối đa cho thị trường phát huy tác dụng trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển, vừa đảm bảo sự điều tiết hữu hiệu của Nhà nước nhằm không chỉ sửa chữa khiếm khuyết của thị trường mà còn tạo các nền tảng cơ bản lâu dài cho phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Cụ thể:

- Hoàn thiện khung pháp lý và thể chế cho huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển. Môi trường kinh doanh phải mang tính cạnh tranh lành mạnh và trở thành động lực cho phát triển trên cơ sở tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, nói một cách rộng hơn là tạo cơ hội cho mọi người


dân được thực hành nghề nghiệp và được phát triển toàn diện nhân cách của mình. Công cuộc đổi mới thời gian qua cho thấy khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng không thể thiếu được đối với sự phát triển của đất nước: tạo ra khoảng 50% tổng sản phẩm nội địa, thu hút 90% lao động xã hội, đặc biệt đóng góp quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, giúp nền kinh tế chống đỡ một cách hiệu quả tác động của cuộc khủng hoảng bên ngoài. Khu vực này còn có tiềm năng lớn cần phải được tiếp tục huy động cho thực hiện các mục tiêu đầy thách thức của công cuộc CNH - HĐH đất nước.

- Điều chỉnh vai trò kinh tế của Nhà nước, trực tiếp là vai trò của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế thị trường và khi khu vực kinh tế tư nhân đã có sự trưởng thành nhất định. Khu vực DNNN đang giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế với sự tham gia khoảng trên 40% vào tổng sản phẩm nội địa và tạo ra việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động xã hội, nắm giữ phần lớn các ngành công nghiệp then chốt của đất nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực này còn thấp, thậm chí rất thấp đối với không ít ngành, doanh nghiệp. Ngoài ra hoạt động của DNNN còn dàn trải một cách không cần thiết trên hầu hết tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Nguồn lực phát triển luôn có hạn, vì vậy vai trò kinh tế của Nhà nước thông qua DNNN cần được tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực ưu tiên trước mắt của nền kinh tế như kết cấu hạ tầng. Việc quản lý vốn của Nhà nước tại các DNNN cũng cần phải được tăng cường một cách chặt chẽ hơn. Nhiệm vụ cụ thể của việc điều chỉnh hiện nay là tiếp tục và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình: (i) giải thể hoặc đóng cửa các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ lâu dài, trước hết là đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ; (ii) chuyển nhanh các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cho tập thể lao động doanh nghiệp hoặc cho các nhà đầu tư tư nhân theo các hình thức bán, khoán hoặc cho thuê; (iii) cổ phần hoá doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trên cơ sở xác định tỷ lệ cổ phần Nhà


nước thích hợp đối với từng loại doanh nghiệp; (iv) tăng cường quản lý, nhất là về tài chính đối với DNNN quy mô lớn, giữ vị thế độc quyền trước hết là vị thế độc quyền tự nhiên.

- Cải thiện dịch vụ công cả về số lượng và chất lượng. Trước hết là phải đổi mới một cách sâu sắc hệ thống giáo dục, đào tạo, y tế thông qua mở rộng sự tham gia đầu tư của các khu vực tư nhân (trong nước và ngoài nước), tăng cường đầu tư và tăng cường quản lý vốn đầu tư của Nhà nước trên lĩnh vực này, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện đại hoá hệ thống giáo dục - đào tạo và y tế. Nâng cao hiệu quả các chương trình xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người nghèo. Nâng cao hiệu quả chính sách môi trường thông qua sử dụng các công cụ chính sách môi trường như: thuế, phí, quỹ môi trường; tăng cường giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ môi trường cũng như hiệu lực giám sát, kiểm tra của Nhà nước. Khung khổ điều tiết phải rõ ràng, minh bạch cho sự tham gia đầu tư của mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ytế và các lĩnh vực xã hội khác. Các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp và nhân dân phải được cải thiện một cách nhanh chóng và cơ bản theo tinh thần đơn giản, thuận lợi và nhanh chóng.

- Đổi mới bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh giảm nhưng nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước đảm bảo cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả. Bộ máy Nhà nước với chế độ công chức, công vụ phải xây dựng một đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn thành thạo, có trách nhiệm xã hội cao và hướng vào phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Các chính sách và quy chế của Nhà nước đối với nhân dân và doanh nghiệp phải rõ ràng, minh bạch, đảm bảo "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Một bộ máy Nhà nước hiệu quả không thể tách rời nhiệm vụ chống quan liêu, cửa quyền sách nhiễu, chống tham nhũng một cách thực chất.


Thứ hai, phân quyền đúng đắn cho các cấp chính quyền địa phương nhằm đảm bảo chính quyền trung ương tập trung sức lực giải quyết tốt các chức năng, nhiệm vụ thuộc tầm quốc gia, tạo điều kiện cho các chính quyền địa phương tập trung giải quyết các công việc thuộc địa phương và huy động tốt hơn các nguồn lực địa phương cho phát triển. Để phân cấp và phân quyền đúng đắn đòi hỏi phải tăng cường công tác xây dựng quy chế định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích của cấp dưới, tăng cường chế độ báo cáo, chế độ thanh tra, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới. Đặc biệt cần triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước đưa chế độ dân chủ trực tiếp trở thành một công cụ quản lý hữu hiệu của Nhà nước, một phương thức vận hành của xã hội và của nền kinh tế. Song song với nó cần khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ngày càng tích cực và trực tiếp vào quản lý xã hội.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế và mở cửa xã hội hội nhập với khu vực và thế giới trên tinh thần chủ động, biết chắt lọc, tiếp thu tinh hoa thế giới gắn với phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Cụ thể là:

- Đẩy mạnh trao đổi thương mại với thế giới trong bối cảnh tự do hoá thương mại toàn cầu, thu hút tối đa đầu tư nước ngoài trực tiếp và mở cửa vững chắc cho đầu tư nước ngoài gián tiếp phù hợp với khả năng kiểm soát và điều tiết tài chính của Nhà nước.

- Cùng với việc tiếp tục mở rộng hợp tác song phương cần chủ động chuẩn bị và tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác đa phương để không những bảo vệ mà còn nâng cao lợi ích quốc gia trong cuộc đua tranh phát triển ngày càng gay gắt hơn. Thách thức lớn nhất mà nước ta phải vượt qua để có thể chớp được cơ hội do toàn cầu hoá và thời đại kinh tế tri thức đưa lại là không chỉ tận dụng lợi thế so sánh trong tiến trình hội nhập quốc tế mà còn phải tạo ra và nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia.


- Chủ động hội nhập quốc tế về kinh tế, từng bước hội nhập vào đời sống văn hoá thế giới.

Thứ tư, củng cố và phát huy vai trò của hệ thống thông tin đại chúng như là sự phản ánh nhu cầu và nguyện vọng của xã hội, một kênh thể hiện quyền lực của nhân dân trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời là kênh truyền tải thông tin và tri thức cho đông đảo nhân dân sử dụng vì sự phát triển. Để thực hiện điều đó cần phải:

- Hoàn thiện khung pháp lý và thể chế cho thông tin đại chúng nhằm: một mặt đảm bảo nó là sự phản ánh đích thực nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, là một kênh thể hiện quyền lực đích thực của người dân trong tham gia quản lý xã hội, mặt khác ngăn ngừa lợi dụng thông tin đại chúng gây tổn hại tới lợi ích quốc gia và lợi ích của công dân.

- Nhanh chóng sử dụng công nghệ thông tin hiện đại trong thông tin đại chúng như truyền thông đa phương tiện để truyền tải một cách rộng rãi thông tin và tri thức, bí quyết làm ăn kỹ thuật sản xuất ... tới mọi người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp.

3.3.2. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm tăng năng lực hấp thụ và tạo ra tri thức phục vụ phát triển

Việt Nam xác định đẩy mạnh CNH, HĐH nền kinh tế quốc dân là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế trong giai đoạn chiến lược 10 năm tới đồng thời trên cơ sở phát triển kinh tế nhanh bền vững, từng bước cải thiện cuộc sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân. Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) được coi là quốc sách hàng đầu nhằm phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH và phát triển xã hội nói chung.

GD-ĐT vừa phải đáp ứng yêu cầu trước mắt của nền kinh tế dựa trên tài nguyên là chủ yếu, vừa phải chuẩn bị và hướng tới nền kinh tế dựa trên tri


thức. Điều đó có nghĩa là Việt Nam phải phổ cập giáo dục cơ bản, tăng cường dạy nghề, đồng thời phải chuẩn bị ngay những điều kiện cho việc hình thành một nền giáo dục suốt đời, cho phép mỗi cá nhân được học tập thường xuyên để bắt kịp những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập. Những chính sách và biện pháp chủ yếu là:

Thứ nhất, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển GD-ĐT


- Thực hiện đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư phát triển: Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm tỷ lệ ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục, kể cả dành một phần vốn viện trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế cho các dự án phát triển GD-ĐT.

- Xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích nhằm huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước phục vụ cho phát triển giáo dục như: chính sách ưu đãi về thuế; tạo điều kiện thuận lợi đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư dưới các hình thức tài trợ, mở trường và lớp đào đạo; đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.

Thứ hai, tạo điều kiện bình đẳng tiếp cận GD-ĐT.


- Có chính sách ưu đãi đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và chính sách đối với người nghèo và trẻ em gái thông qua các chương trình hỗ trợ trực tiếp như: cung cấp miễn phí sách giáo khoa, đầu tư cơ sở vật chất, ưu đãi đối với giáo viên... nhằm hỗ trợ để phổ cập tiểu học vào năm 2000 và phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010.

- Phát triển các hình thức đào tạo từ xa trên các phương tiện truyền thông, mở lớp tại chỗ để giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận giáo dục.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/01/2023