Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 14


thường mua vài cân để trong tủ lạnh, ăn dần. Con gái lớn bốn mùa ăn thịt quay. Con trai bé quanh năm ăn thịt gà luộc. Tôi toàn thích món ăn nhà quê”. Sự khác biệt trong khẩu vị chỉ là một phần của nhiều thứ khác biệt trong mỗi con người, từ sở thích đến suy nghĩ, hành động…Từ thời gian của một “bữa ăn vẫn diễn ra đều đều, có phần tẻ nhạt ”, của một tối Noel thực sự “lạnh giá” ấy, Sương Nguyệt Minh muốn khái quát lên một kiểu gia đình hiện đại, khi con người dần đánh mất cả khoảng thời gian quý giá khi ở cạnh những người thân bằng những sở thích cá nhân, bằng sự lạnh nhạt, hờ hững đến mức vô cảm của mình.

Lại có những khoảng thời gian đô thị được miêu tả với nhịp độ cao, gắn với những biến đổi của con người. Trong Sao băng lúc mờ tối, Tha hương, Những bước đi vào đời… người đọc thấy những sự kiện trong truyện được kể dồn dập, đa phần là chuyện của một phần đời người được gói lại trong vài trang giấy. Mục đích của tác giả muốn gửi gắm những biến đổi khó lường của con người trước những cám dỗ của cuộc sống. Các nhân vật chính ở các tác phẩm này hầu như đều có chung một khởi điểm, một điểm xuất phát là sinh ra và lớn lên từ làng quê, chỉ sau một thời gian ngắn lên thị thành, chất mộc mạc chân thành nơi thôn quê biến mất, họ trở thành những con người thực dụng và sống cuốn theo những tiếng gọi của vật chất phù hoa. Có thể thấy, phương pháp sáng tác hiện thực đã hướng tác giả Sương Nguyệt Minh tới việc quan tâm nhiều đến cuộc sống và con người trong đời sống thường nhật. Vì vậy, đọc tác phẩm của anh thấy ngồn ngộn những vấn đề của đời sống hôm nay, của những gì đang diễn ra xung quanh chính mỗi chúng ta.

3.2.2. Thời gian tâm lý

Thời gian tâm lý cũng là một sự lựa chọn thường gặp trong các tác phẩm hiện đại. Thời gian tâm lí là sự sắp xếp thời gian không theo trật tự biên niên, không phản ánh đúng nhịp độ của thời gian lịch sử mà diễn biến của dòng thời gian phụ thuộc vào tâm lí, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật.

Đêm làng Trọng Nhân với một cốt truyện không mấy phức tạp, toàn bộ sự việc chỉ diễn ra từ lúc “Trời mãn chiều” cho đến khi “Trời rạng hẳn”, nghĩa là khoảng một đêm tối. Thế nhưng, khoảng thời gian ngắn ấy dồn tụ bao


nhiêu cảm xúc của các nhân vật. Một người lính trở về quê hương sau bao năm xa cách, vì vết thương làm méo mó nhân dạng mà không dám nhận cha, nhận mẹ, nhận vợ. Đêm đó với anh thật dài. Cảm giác đó cũng xuất hiện trong tâm trạng của người vợ. Dòng thời gian trôi đi chậm như ngưng đọng. Từng thời điểm được nhà văn đặt ra như những giọt đồng hồ chảy thật chậm: “Trời mãn chiều….Trời xám dần….Tối chạng vạng….Nửa đêm... Quá nửa đêm… Gần sáng…”. Rồi mãi mới tới: “Trời sắp sáng….Trời rạng hẳn”. Độ dài của thời gian tưởng như bất tận, bởi những con người dưới một mái nhà ấy đang dằn vặt, trằn trọc không yên. Người chiến sĩ day dứt với sự lựa chọn nên nói ra sự thật hay không? Nên đi theo tiếng gọi của cảm xúc hay của lý trí…? Người vợ trẻ trăn trở vì cảm giác nửa tin nửa ngờ, vì niềm lo lắng xen với hy vọng cháy bỏng….Chính cách xử lý thời gian này tạo cho chuyện một độ căng nhất định, giúp người đọc hòa vào nỗi niềm của nhân vật để từ đó xúc động, cảm thông.

Với Chuyến đi săn cuối cùng những khoảng thời gian quá khứ - hiện tại luôn được đặt đan xen với nhau thể hiện những tâm trạng đầy day dứt của một chàng trai luôn gặp trắc trở trong tình yêu và vốn có những ký ức không đẹp với giới nữ. Trong một chuyến đi săn, chân vẫn chạy theo con khỉ đực tinh ranh ma mãnh, đầu óc anh lúc thì nghĩ đến con khỉ dại dột vì vợ con mà biến mình thành mồi nhử, lúc thì nhớ lại chuyện không vui của bố mẹ; gặp Sim, thì nhớ lại tình cảm xưa giữa hai người; nghe chuyện về Thêm thì buốt lòng vì chuyện bị bạc tình…Dòng thời gian đảo chiều liên tục phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến tâm trạng và tình cảm của nhân vật chính. Những ngổn ngang trong suy tư của Mại được diễn tả rất thực, rất sinh động, mở rộng câu chuyện ra những vùng không gian thời gian tưởng như đứt đoạn nhưng lại rất liền mạch và lôgic.

Bên cạnh đó, là một người luôn trăn trở về con người, cái đích của Sương Nguyệt Minh không chỉ dừng lại ở chỗ phản ánh hiện thực mà còn muốn khám phá ra bản chất bên trong của sự vật và con người. Chính vì vậy, anh cũng rất hay đặt nhân vật trong mối tương quan giữa quá khứ và hiện tại, lấy thời gian quá khứ làm cơ sở để soi rõ những gì đang diễn ra trong con

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.


người thực tại, lý giải bản chất con người trong một sự phát triển biện chứng của tính cách. Đa phần các tác phẩm của nhà văn quân đội này có sự hòa quyện giữa thời gian quá khứ - hiện tại – tương lai, thời gian luôn có sự đảo chiều trong đó hồi tưởng đóng vai trò chủ đạo. Khảo sát các tác phẩm của Sương Nguyệt Minh có đến hơn 3/4 số lượng tác phẩm có yếu tố hồi tưởng, có tác phẩm thời gian hồi tưởng ít, có tác phẩm thời gian ấy chiếm đa phần. Đặc biệt những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, thời gian hồi tưởng là chủ chốt, thời điểm hiện tại chỉ là cái mốc, cái cớ làm sống dậy quá khứ. Ngoài những tác phẩm mà tên gọi đã thể hiện rõ tính hồi cố của cốt truyện như Tháng ngày đã qua, Quãng đời xưa in dấu, Ngày xưa nơi đây là cửa rừng…còn có thể kể đến rất nhiều tác phẩm mà dòng hồi tưởng của nhân vật tạo nên mạch cốt truyện, trở thành một cơ sở để khắc họa tính cách nhân vật như Tiếng lục lạc trong đêm, Chuyến tàu đêm, Tiếng bìm bịp đêm nước nổi, Dòng sông Trinh Nữ, Nanh Sấu, Dưới ánh trăng thu, Bên dòng Tonle Sap….

Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 14

Sau một độ lùi thời gian, những gì đã diễn ra được nhìn nhận, đánh giá lại hoặc là cơ sở để đối chiếu với những gì đang diễn ra trong thực tại. Sự quay lại với những gì đã xảy ra cho thấy nhiều điều hơn trong sự vận động tính cách, số phận của nhân vật và đó cũng là một cách “ôn cố tri tân” rất hiệu quả.

Có thể nhận thấy rằng không gian và thời gian trong tác phẩm nghệ thuật có vai trò hết sức quan trọng, bởi ý thức về thời gian không gian là ý thức về sự tồn tại của con người. Sáng tạo được những hình tượng không gian thời gian đặc sắc nhà văn đã tự khẳng định được khuynh hướng và phong cách riêng của mình. Ý thức được vai trò của yếu tố không gian, thời gian trong sáng tác, Sương Nguyệt Minh đã có nhiều tìm tòi trong cách khám phá và sáng tạo những yếu tố đó, biến chúng trở thành một điểm mạnh trong sáng tác của anh.

4. Giọng điệu trần thuật

Ở một tác phẩm văn học, giọng điệu nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả”[14, tr.90]. Theo Nguyễn Thái Hòa


giọng điệu “là cảm nhận đầu tiên và cũng là ấn tượng cuối cùng, dư vị cuối cùng của người đọc truyện”, là “mối giao lưu cảm nhận giữa người kể và người đọc bên ngoài tác phẩm, là hiệu quả người đọc cảm nhận được khi đọc (hay nghe) truyện” [7, tr. 149]. Giọng điệu nghệ thuật là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm dẫn dắt cảm xúc của người đọc khi tiếp cận với tác phẩm, đặc biệt các nhà nghiên cứu phê bình văn học đều đánh giá rằng giọng điệu còn “có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn”[14, tr. 91]. Mỗi nhà văn có phong cách đều tạo nên cho mình một kiểu giọng điệu riêng khó ai bắt chước được, như truyện của Nguyễn Công Hoan có giọng điệu hài hước “bất biến”, truyện của Nam Cao thường mang giọng điệu suy ngẫm, xót xa… Giọng điệu nghệ thuật trong tác phẩm là một hiện tượng “siêu ngôn ngữ”, nó không bộc lộ trong một dấu hiệu nghệ thuật cụ thể, nó được gợi lên qua sự kết hợp của tổng thể nhiều yếu tố như “cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [14, tr.90]. Giọng điệu của một tác phẩm chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, nhất là cảm hứng nghệ thuật, chính vì vậy mà ở mỗi bối cảnh lịch sử xã hội, văn hóa khác nhau trong văn chương cũng xuất hiện những kiểu giọng điệu phổ biến khác nhau. Trong thời kỳ 1930 -1945, trước một hiện thực bề bộn với nhiều điều trớ trêu, nhiều giá trị văn hóa Á - Âu, cũ

- mới đảo lộn, trong văn học xuất hiện rất nhiều giọng điệu, trong đó nổi lên là giọng trào phúng và xót thương. Giọng điệu trong văn học Việt Nam 1945

- 1975 tương đối nhất quán và có phần đơn điệu, bởi cả dòng văn học đi theo cảm hứng ngợi ca, lạc quan, giọng điệu hoài nghi hay buồn bã không có đất để tồn tại. Đến thời kỳ đổi mới, dàn hợp xướng văn chương nghệ thuật khởi sắc với sự xuất hiện nhiều giọng điệu khác nhau vì văn học được “cởi trói”, các nhà văn được tự do viết theo giọng điệu riêng của mình.

Đọc tác phẩm của Sương Nguyệt Minh, người đọc dễ nhận thấy sự phong phú trong giọng điệu. Người kể chuyện trong tác phẩm có nhiều giọng điệu khác nhau, trong đó nổi lên: giọng điệu trữ tình khi thì sâu lắng, ấm áp; lúc thì trầm buồn da diết hoặc đau đớn, xót xa (Người ở bến sông Châu, Đêm làng Trọng Nhân, Tiếng bìm bịp đêm nước nổi, Mây bay cuối đường, Đi qua


đồng chiều, Sao băng lúc mờ tối, Những bước đi vào đời…); giọng khách quan gai góc, dữ dội, lạnh lùng (Nơi hoang dã đồng vọng, Nanh sấu…); giọng điệu mỉa mai, giễu nhại, bỡn cợt (Chiếc nón mê thủng chóp, Giếng cạn, Những vùng trời của họ, Chuyện gia đình bạn tôi, Làng động, Đêm mùa hạ tuyết rơi, Mùa trâu ăn sương…)

4.1. Giọng điệu trữ tình

Có thể dễ dàng nhận thấy giọng điệu trữ tình là giọng điệu chủ đạo trong các tác phẩm của Sương Nguyệt Minh trong giai đoạn đầu sáng tác, trong mảng tác phẩm viết về cuộc sống miền quê quen thuộc, về những người mẹ, người vợ, người lính… Giọng điệu ấy thể hiện chủ yếu ở ngôn ngữ nghệ thuật và trong cả hình ảnh, ngữ điệu, cách miêu tả nhân vật…

Trước tiên, có thể thấy rằng những trang viết về thiên nhiên làng cảnh Việt Nam đã tạo nên một bối cảnh làm nền cho tính trữ tình trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh như Đoàn Ánh Dương nhận xét “cái làng, cái bến sông của ngày đầu viết văn quy chiếu Sương Nguyệt Minh vào vị trí một tác giả mang hơi hướng lãng mạn (cho dù ông có không ít truyện ngắn mang khuynh hướng hiện thực)”. Khi viết về những hình ảnh gia đình, quê hương ấy giọng văn của Sương Nguyệt Minh thường rất nhỏ nhẹ, ngôn ngữ trầm lắng phù hợp với tâm trạng, cảm xúc của nhân vật và không gian nghệ thuật. Những câu văn tả cảnh, tả tình của anh thường thấm đượm một tình cảm nồng hậu với quê hương, với con người, đó là cảnh thiên nhiên và sinh hoạt quen thuộc: “Gió núi thổi rười rượi kéo những đám mây màu xám nặng nề bay trên mặt đầm đang thẫm dần. Tiếng mõ gọi trâu lốc cốc lẫn tiếng sáo réo rắt từ chân núi vọng đến. Người thôn quê lam lũ ở đồng cỏ, thung Dâu, mặt đầm... đang lục tục kéo nhau về. Các quán cóc xập xệ ven đường đã lên đèn” (Mây bay cuối đường); hay cảnh những ngày cuối mùa gặt trên những cánh đồng quê :“Tháng năm âm lịch. Cuối vụ gặt. Nước lấp xấp, đồng chiều trơ gốc rạ. Thỉnh thoảng sót lại một vài đám ruộng nhà ai đó chưa gặt, lúa trĩu bông vàng suộm. Tiếng dế nỉ non và tiếng chẫu chuộc nhảy tõm xuống nước. Muồm muỗm, cào cào, châu chấu nhiều vô kể, đậu xúm xít hai bên bờ cỏ, có con xoè áo khoác xanh, áo cánh đỏ làm dáng. Bước chân trâu đánh động những sinh


vật nhỏ nhoi của cánh đồng bay rào rào lên thành muôn nghìn chấm nhỏ xù xịt trên không trung. Khói xanh ở gò Mã Giáng ngún thành vệt dài theo chiều gió nam thổi. Bọn trẻ trâu đang vơ rơm rạ khô, bùi nhùi bỏ thêm vào đống lửa đỏ. Mùi khói rơm mới lẫn mùi cào cào, muồm muỗm nướng thơm ngầy ngậy” (Đi qua đồng chiều). Và dễ làm cảm động người đọc là đoạn văn miêu tả hình ảnh của một người mẹ nhà quê trong những ngày thiếu thốn cơ cực. Từng động tác của người mẹ được tái hiện lại như chứa đựng cả sự ngậm ngùi của đứa con khi hoài vọng về quá khứ “Dạo mẹ tôi chưa mất, đêm nghe sóng vỗ bì bọp đập vào chân núi, mẹ tôi cứ lo, trằn trọc không ngủ được. Sáng ra thấy vịt trời kiếm ăn chỏng ngóc đít lên, năn lác, rong rêu dạt vào bờ đầm, cha tôi lại ngao ngán thở dài, oán trời trách đất. Mẹ tôi đong gạo nấu cơm, ngần ngừ, đắn đo, rồi bốc một nắm bớt lại” (Mây bay cuối đường). Những hình ảnh và câu văn với nhiều động từ như vậy có rất nhiều trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh, tạo thành một cái giọng nền chung cho hầu khắp các tác phẩm viết về đề tài nông thôn. Giọng điệu ấy, những câu văn ấy, nếu không phải là một người sinh ra và gắn bó máu thịt với nông thôn, sẽ không bao giờ viết nổi.

Nhân vật trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh chủ yếu cũng là những con người nhân hậu dù họ ở bất cứ lứa tuổi nào, ở bất cứ nghề nghiệp gì. Khảo sát trong các truyện ngắn của anh, số nhân vật phản diện chỉ đếm trên đầu ngón tay, những nhân vật có nhiều nét tính cách trái ngược cũng không nhiều. Dù tác phẩm của Sương Nguyệt Minh thấm đẫm chất hiện thực, song ở hầu khắp các tác phẩm, anh luôn đặt các nhân vật trong một bầu không khí trữ tình. Nhà văn khai thác hiện thực thông qua những mối quan hệ mang tính truyền thống: tình cảm vợ chồng, tình cảm cha con, tình đồng hương, đồng đội…. Những mối quan hệ gia đình gắn bó ấy mang lại một không khí xúc động cho tác phẩm. Một tình yêu lãng mạn và thủy chung bên dòng sông mơ mộng gợi lên những rung động thẩm mĩ trong lòng người đọc (Người ở bến sông Châu). Một mái ấm gia đình với biết bao mối ràng buộc vô hình mà bền chặt khiến người con chịu mất mát trong chiến tranh không nỡ rời xa (Đêm làng Trọng Nhân). Một mái nhà đơn sơ ở nơi làng quê xa xôi giữa


khung cảnh thiên nhiên hoang sơ mà thơ mộng tạo nên tiếng gọi con người ở lại với quê hương ( Mây bay cuối đường ). Rồi ngay cả giữa một khung cảnh xã hội đầy biến động vẫn có bến đậu của cuộc đời là làng quê thân thương với những người cha, người mẹ, bạn bè, làng xóm và cả một quá khứ êm đềm đón đợi bước chân của kẻ đi xa, để mỗi lần có điều gì vấp váp, lòng người lại cồn lên tiếng gọi “Về quê! Tôi về với mẹ. Về quê! Giải pháp tìm sự bình yên ở ngoài căn nhà của mình” (Ngày xưa, nơi đây là cửa rừng, Những bước đi vào đời, Mùa trâu ăn sương…)

Giọng điệu trữ tình ấm áp còn bộc lộ trong cách tác giả Sương Nguyệt Minh xây dựng và thúc đẩy sự vận động phát triển của cốt truyện. Mặc dù hiện thực cuộc sống còn nhiều bộn bề và bất cập, đây đó trong xã hội chân lý “ở hiền gặp lành” hay “thiện thắng ác” còn chưa là tuyệt đối. Song hầu như kết thúc các câu chuyện của mình, Sương Nguyệt Minh cũng mở cho người đọc một cái nhìn tươi sáng và tin tưởng hơn vào tình người, vào cuộc đời. Chính điều đó tạo nên cảm giác ấm lòng của người đọc khi khép các trang sách của anh.

Hệ thống ngôn ngữ trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh thường rất tự nhiên, mộc mạc và giàu tính biểu cảm. Chủ yếu trong năm tập truyện đầu là giọng văn kể chuyện với âm điệu chậm, trầm lắng chứa đựng những suy tư, lo lắng với cuộc đời, con người. Giọng điệu trữ tình mang nhiều cung bậc khác nhau, không chỉ là giọng điệu trữ tình ấm áp mà đôi khi còn là giọng trầm buồn, da diết, suy ngẫm như: “Tôi dắt xe máy ra khỏi cổng thì chị dâu tôi cũng gánh rau răm đi chợ Bút. Một gánh rau răm những một trăm bó, một bó chỉ bán được năm mươi đồng, mười gánh rau răm mới đủ tiền cho một xuất đinh đóng góp xây mộ tổ. Nhà anh tôi: tám thằng con trai cộng với anh nữa là chín xuất đinh; ba đứa lớn lấy vợ rồi đưa nhau vào ở tít trong Tây Nguyên, còn năm đứa vẫn lông nhông ở nhà. Bao giờ chị dâu mới gánh đủ chín mươi gánh rau răm đi chợ?” (Đi trên đồng năn). Hoặc có khi là giọng điệu trần thuật đau đớn xót xa “Người nhà quê chỉ dùng lại đồ cũ, đồ hạng ba: Xe máy cũ, quần áo cũ, hàng hoá chất lượng thấp đều do người thành phố tuồn về. Họ bắt nạt sự ngu dốt của thôn quê. Còn các đồ ngon nhất người nhà


quê lại đưa ra thành phố: Rau sạch, gà ri, lợn ỉn, dê, bê non, tôm hùm, cua bể... Bao nhiêu đồ ăn ngon người nhà quê đều cắp củm dành dụm mang bán cho người thành phố. Lẽ sống đời của người nghèo nông thôn vẫn là buôn trầu ăn chũm cau. Người nhà quê đều là người nghèo. Khổ thế!” (Đi qua đồng chiều). Ẩn hiện đằng sau những câu chữ là một cái tôi nhà văn đầy trăn trở. Có khi nhà văn tự mình bộc lộ những suy tư trước cuộc sống, có khi mượn lời nhân vật mà bộc bạch những nghĩ suy của mình, lại có lúc lời nhà văn hòa với lời nhân vật khiến người đọc như bị cuốn theo dòng tâm trạng. Nhà văn có thể chuyển đổi điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba, có thể dịch chuyển tự nhiên điểm nhìn của tác giả sang điểm nhìn nhân vật tạo nên một sự linh hoạt trong cách kể, thế nhưng giọng điệu thống nhất chung vẫn là giọng trữ tình thể hiện rõ một tấm lòng nặng tình nặng nghĩa như tính cách bên ngoài của chính tác giả. Đúng như lời nhận xét của Hoàng Long Giang về văn Sương Nguyệt Minh “Câu văn trữ tình, nhưng thân phận chìm nổi, những lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán của thôn quê, ông bê vào văn chương như một món nợ với quê hương”

Giọng điệu trữ tình trong một số tác phẩm còn được gợi lên từ sự xuất hiện của những dòng thơ xen với lời trần thuật. Sương Nguyệt Minh là một nhà văn rất yêu thơ. Hiểu được thế mạnh của thể loại này, anh khéo léo lồng vào dòng tự sự đầy biến cố của mình những đoạn thơ ngắn, khiến cho lời văn như mềm hẳn, bộc lộ sâu hơn thế giới tâm trạng và cảm xúc của nhân vật, tạo nên dư ba của tác phẩm. Như trong Đi qua đồng chiều, dòng tâm trạng Na hiện ra rõ hơn khi tác giả viết lại những dòng thơ của nhân vật cảm nhận về cuộc sống nơi thôn quê tù đọng": “ Buồn! Tôi lại nghĩ về những sinh linh ở làng: Nhỏ nhoi. Mong manh. Và bấy dậy...

“Đi qua liêu trai đồng chiều! Bỏ lại cuộc sống xô bồ, đập va Tôi đi qua, anh đi qua

Hãy lắng nghe…”

Hay những câu thơ xuất hiện như một khoảng lặng chứa đựng đầy suy tư và nỗi đồng cảm của nhân vật người họa sĩ trong Hoàng hôn màu cỏ biếc

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 30/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí