Định Hình Các Yếu Tố Thời Gian Và Không Gian Nghệ Thuật Của Văn Học Nhà Nho

Trần Nguyên Đán bằng con mắt của nhà Nho, và giải thích mọi hiện tượng bằng hệ tiêu chí Nho gia. Chính vì thế, trong Băng Hồ di sự lục của Nguyễn Trãi, hình tượng Trần Nguyên Đán là hình tượng một nhà Nho mẫu mực. Cảm quan trên rất tiêu biểu cho cách thức ứng xử với thế giới của nhà Nho, họ không bao giờ nhìn sự vật như nó vốn có, mà luôn áp đặt lên đó chủ quan của mình, đem lại cho nó một đời sống hoàn toàn khác. Nguyễn Trãi ca ngợi Trần Nguyên Đán ở tư cách một nhà Nho, đặc biệt là ở cách lựa chọn xuất xử của ông dựa trên điểm tựa là nguyên lý “độc thiện kỳ thân” của Nho gia. Ông thấy hành vi thoái ẩn khi nước nguy của Trần Nguyên Đán nằm trong mô hình những phương thức ứng xử chính thống của nhà nho.

2.5. Định hình các yếu tố thời gian và không gian nghệ thuật của văn học nhà Nho

2.5.1. Thời gian quá khứ mơ hồ

Thời gian trong tác phẩm Nguyễn Trãi chủ yếu là của thế tục, của thế giới hiện hữu và hữu hạn. Khác với các vị Thiền sư tuy sống nơi trần thế với những hoạt động của người thế tục, nhưng thời gian đích thực của họ lại là của trực cảm và giao cảm, văn chương Nguyễn Trãi chủ yếu là thứ thời gian của hoạt động và suy tư. Trong các tác phẩm hùng văn Bình Ngô đại cáo Chí Linh sơn phú, chúng tôi nhận thấy có hai loại thời gian song hành. Thứ nhất là thời gian vô cùng vô tận vừa mang tính biểu tượng vừa hiện thực của vũ trụ trường tồn của trời đất, núi sông, giang sơn đất nước:

Giang sơn từ đây mở mặt, Xã tắc từ đây vững bền.

Nhật nguyệt hối mà lại minh, Kiền khôn bĩ mà lại thái.

(Bình Ngô đại cáo)

Thứ hai là thời gian hữu hạn mang tính hiện thực cụ thể của các sự kiện lịch

sử:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.

Năm Đinh Mùi tháng chín,

Liễu Thăng tự Khâu Ôn tiến sang, Lại năm nay tháng mười

Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 18

Mộc Thạch tự Vân Nam kéo đến.

(Bình Ngô đại cáo)

Thậm chí sự chính xác ấy là đến đơn vị thời gian ngày: “Mười tám”, “hai mươi”, “hai mươi nhăm”, “hai mươi tám”… Sự giao thoa giữa hai loại thời gian vừa ước lệ vừa hiện thực đem đến cho những tác phẩm này sự đáng tin về mặt lịch sử, lại vẫn cung cấp cho chúng không khí trang trọng và linh thiêng của những vấn đề lớn mang tính cộng đồng.

Nguyễn Trãi sống trong hiện tại nhưng là một hiện tại hướng về quá khứ như một hệ giá trị phổ quát một cách có hệ thống. Ông hay nhìn về quá khứ, hay hoài niệm và tiếc nuối. Cũng giống các nhà Nho khác, với ông, quá khứ luôn là vùng thời gian đẹp đẽ không chỉ trong ký ức, mà còn trong hệ giá trị.

Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,

Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

(Việc cũ ngoảnh lại ôi đã qua rồi,

Trên dòng sông ngắm cảnh, nỗi lòng khó nói hết.)

(Bạch Đằng hải khẩu)

Đó là cảm thức của ông khi đi qua dòng sông Bạch Đằng, nhớ về những chiến công khi xưa của cha ông mà bồi hồi bâng khuâng. Nhưng khác với các nhà Nho sau này, nhất là từ thế kỷ XVI trở đi, với ông, hiện tại và tương lai có những thời khắc thật đáng ngợi ca. Sống trong những ngày tháng sôi nổi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trong quãng thời gian đẹp đẽ nhất sau chiến thắng, khi vua tôi cùng bắt tay vào xây dựng một triều đại mới, Nguyễn Trãi có những thời điểm đầy hoan hỉ với hiện tại và niềm tin ở tương lai.

Tùng kim tứ hải xa thư nhất, Thịnh đức phong công vạn cổ tiền.

(Từ nay bốn biển xe cùng chung đường, sách viết cùng một thứ chữ, Đức dày công lớn ấy hơn cả muôn đời xưa)

(Hạ tiệp)

Quá khứ ở đây vẫn cứ là chuẩn giá trị, là thước đo để định giá hiện tại. Chỉ có điều lúc này, hiện tại lại quá rực rỡ qua xúc cảm nóng hổi đầy lãng mạn của ông.

Nhưng hiện tại nhanh chóng bị hoen ố vì hiện thực phũ phàng, Nguyễn Trãi bắt đầu than thở:

Thời nghèo sự biến nhiều bằng tóc, Nhà ngặt quan thanh lạnh nữa đèn. Mùi thế đắng cay cùng mặn chát,

Ít nhiều đà vẽ một hai phen.

(Thuật hứng, bài I)

Trong thơ Nguyễn Trãi cũng giống như các nhà Nho khác, có một thứ thời gian chồng nhiều lớp lên nhau. Những lớp thời gian này thường có ở những bài gợi lại một ý thơ của người xưa. Ví dụ như khóm cúc nổi tiếng của Đào Uyên Minh “Tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn” (Ba lối đi trong vườn đã hoang rậm, nhưng tùng cúc vẫn còn) vẫn cứ trở đi trở lại trong thơ của Nguyễn Trãi:

Tùng cúc do tồn quy vị vãn,

(Tùng cúc hãy còn, về cũng chưa muộn,)

(Đề Từ Trọng Phủ Canh Ẩn đường) Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ,

Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh.

(Mạn thuật, bài IX)

Có lớp thời gian của hiện tại khi chủ thể hiện diện, thời gian của quá khứ chủ thể hồi tưởng. Nhưng lại có thêm hai lớp thời gian tùng cúc năm xưa của Đào Uyên Minh. Nhờ tính liên văn bản của điển cố quen thuộc mà tất cả các lớp quá khứ đều được nhắc đến như là hiện tại, tùng cúc của Đào Uyên Minh và tùng cúc của ngày hôm nay lẫn lộn với nhau trong cảm nhận của nhà thơ. Người đọc tùy vào “tầm đón đợi” sẽ cảm nhận được cả bốn lớp quá khứ ngầm ẩn đó, hoặc không. Nhưng cũng có người đọc sẽ chồng thêm những lớp thời gian quá khứ khác nữa, như khóm cúc hai lần ra hoa của Đỗ Phủ trong “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ- Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Khóm cúc đã hai lần nở dòng lệ ngày khác- Con thuyền cô độc buộc chặt mối tình quê cũ). Không có sự phân biệt giữa quá khứ và hiện tại thật rõ ràng, “quá khứ luôn luôn phục sinh, quay trở lại và trở thành nội dung thực tại của hiện tại” [28, tr. 103].

Thời gian của thơ Thiền một phía hướng đến sự vận động của thời gian vô thường- thời gian hư ảo, phía kia lại hướng đến một thời gian vĩnh hằng của đại vũ trụ- thời gian chân như. Thời gian trong thơ nhà Nho là một thứ tĩnh tại ở từng giai đoạn hay chu kỳ, là thời gian không vận động dù có diễn ra sự đổi thay. Nếu thời gian được con người hiện đại chúng ta quan niệm giống như xem một bộ phim liên tục thì thời gian với người trung đại của các xã hội nông nghiệp giống như cách họ lật từng trang sách. Ở Nguyễn Trãi, cảm thức này thật sự rõ nét:

Thu im cửa trúc mây phủ,

Xuân tạnh đường hoa gấm phong.

(Thuật hứng, bài XI)

Thời gian ở mỗi thời điểm dường như khép kín, thời gian của mùa thu và mùa xuân dường như là hai mảnh đoạn ngẫu nhiên không liên quan gì đến nhau.

Chè tiên nước kín bầu in nguyệt, Mai rụng hoa đeo bóng cách song. Gió nhặt đưa qua trúc ổ,

Mây tuôn phủ rợp thư phòng.

(Thuật hứng, bài VI)

Những câu thơ được viết ra đúng như về một giấc mơ, các cảnh vật không có mối liên hệ logic liền mạch, mà dường như những mảnh vỡ của các bức tranh khác nhau được ghép lại thành một bức tranh mới, một bức tranh kỳ lạ nhưng rất phù hợp với cách thức cảm nhận về thời gian của tác giả, về sự ngưng đọng của các mảnh đoạn thời gian khác nhau chứ không phải là một dòng chảy liên tục.

Nhưng lại đôi lúc hiếm hoi, cái cảm thức Thiền khiến Nguyễn Trãi cảm nhận không gian vận động trong những biến chuyển tinh vi của thời gian.

Nhàn trung tận nhật bế thư trai, Môn ngoại tòan vô tục khách lai.

Đỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão, Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

(Trong lúc nhàn nhã suốt ngày khép cửa phòng văn, Ngoài cửa không có một khách tục nào tới.

Trong tiếng cuốc kêu, xuân sắp tàn,

Đầy sân mưa phùn nhẹ rơi khi hoa xoan đang nở.)

(Mộ xuân tức sự)

Đây là một bài thơ có khí khái của Thiền môn. Bài thơ mở ra một khung cảnh nhàn dật, một căn phòng nhàn nhã suốt ngày khép cửa. Ngoài cửa không có một tục khách nào lui tới. Trong khung cảnh ấy, dù không có một đại từ biểu đạt chủ thể, người đọc vẫn biết có một chủ thể hiển hiện, là chủ nhân của căn phòng suốt ngày nhàn nhã ấy. Dường như mọi sự vật trong bài thơ đều đang vận động, có cái động của tiếng cuốc kêu, của mùa xuân đang tàn, có cái động của mưa phùn rơi nhẹ trong lúc hoa xoan đang nở. Nhưng những cái động đấy là cái động của tự nhiên, của bánh xe luân hồi của vũ trụ, cứ quay mãi quay mãi những vòng tuần hoàn, như là những bước đi khẽ khàng của thời gian. Đó là sự chuyển động của thời gian vũ trụ vĩnh hằng chứ không phải thời gian của con người, không phải thời gian ngắn ngủi của kiếp người. Dường như không có thời gian cụ thể, chỉ có tự nhiên đang vận động. Thế nên, cả bài thơ toát lên một thứ tĩnh tịch vô cùng của cả tự nhiên và lòng người. Chính cái tĩnh tịch của đại tự nhiên ấy khiến cho cái tôi chủ thể tan biến mất trong sự vô thủy vô chung của cái vĩnh hằng. Như các nhà Nho khác, Nguyễn Trãi cũng ý thức về thời gian lịch sử theo kiểu “thời gian không gian hóa”.

Nhưng thơ Nguyễn Trãi còn một thứ thời gian thật kỳ lạ, đó là thời gian của cá nhân, là thời gian trôi nhanh vội vàng, là cảm thức nuối tiếc thời gian. Ông có cả một chùm thơ tiếc cảch “tích cảnh thi”:

- Vì thu cho nhẫn đầu nên bạc

- Xuân xanh chưa dễ hai phen lại, Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.

- Cầm đuốc chơi xuân bởi tiếc xuân.

- Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm, Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.

Cảm thức tiếc xuân, tiếc thời gian trôi, tiếc tuổi trẻ của nhà thơ đậm nét đến mức hình ảnh người cầm đuốc để chơi xuân cứ trở đi trở lại, đến mức mái đầu bạc thành nỗi ám ảnh. Thiền gia thì đã vượt lên trên sự vô thường của thời gian, sự ngắn ngủi của kiếp người. Nhà Nho thì nhận ra giới hạn của đời người, nhưng bằng thái

độ bình thản, an nhiên. Nguyễn Trãi nghệ sĩ nhất có lẽ ở chỗ này, và đây cũng chính là điểm khiến ông khác biệt với thời đại của chính mình.

2.5.2. Không gian trần thế mang tính ước lệ

Không gian nghệ thuật trong văn chương Nguyễn Trãi chủ yếu là thế giới hiện thực mang nhiều tính ước lệ. Trước tiên, đó là một thứ không gian vũ trụ vừa hiện thực vừa có tính biểu tượng. Có thể thấy sự mênh mông của thiên địa, giang sơn gấm vóc trong Bình Ngô đại cáo hay Chí Linh sơn phú. Nguyễn Trãi dùng không gian quy mô lớn ấy để diễn đạt những vấn đề của quốc gia đại sự. Trần Nho Thìn nhận xét về không gian này như sau: “Không gian đất nước qua lăng kính nhân nghĩa hiện hình như một không gian vũ trụ, tâm linh. Nếu ở Dư địa chí, ta đã thấy đằng sau một không gian đất nước là một không gian vũ trụ, nơi chịu ảnh hưởng từ trường của đức thì ở Bình Ngô đại cáo ta lại bắt gặp không gian vũ trụ này. Dấu hiện căn bản của vùng từ trường tỏa phát năng lượng của đức nhà vua là hiền tài, là phong tục tốt đẹp, là các đặc sản, kỳ trân dị thú của các miền…” [150, tr. 239]. Ở trong không gian vũ trụ ấy có mối giao hòa giữa thiên và nhân, có ý trời, lòng người, có đức của nhà vua chiếm lĩnh hai phương diện đó.

- Rồng thần thức dậy chừ, bay trên Lam Kinh, Giáo trời thẳng trỏ chừ, ải Bắc quét thanh.

- Trời sinh thánh trí chừ, đất dấy nghiệp vương Càn khôn mờ mịt chè, vận hội phi thường

(Chí Linh sơn phú)

Trong những tác phẩm nằm giữa ranh giới của văn chương và các văn bản hành chính này, ở tầng thấp hơn, Nguyễn Trãi mô tả quy mô cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và những trận đánh giữa hai bên trong một phạm vi rộng lớn: từ Thanh Hóa vào Nghệ An, ra ngoài Bắc, lên đến tận biên giới phía Bắc. Đó là những không gian có thật với những địa danh cụ thể có thể chỉ trên bản đồ: Linh Sơn, Khôi huyện, Bồ Đằng, Trà Lân, Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tụy Động, Chi Lăng, Mã Yên… Điều ấy khiến tác phẩm giống như những ghi chép về một thế giới hiện thực mang tính “đại tự sự” của đất nước.

Sau cuộc khởi nghĩa, không gian vũ trụ thường chỉ còn là một khoảng trời bao la để nhà Nho chiêm nghiệm về lẽ sống, về thế sự. Đó là những không gian

sông nước vừa có thực vừa mơ hồ mà mỗi khi đi qua nhà thơ lại thường ngẫm nghĩ về những chuyện có ý nghĩa lớn lao:

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật, Anh hùng di hận hỷ thiên niên.

Kiền khôn kim cổ vô cùng ý,

Khước tại thương lang viễn thụ yên.

(Họa phúc đều có mối manh sâu xa không phải chỉ trong một ngày, Anh hùng để lại mối hận đến mấy nghìn năm.

Cái ý vô cùng của trời đất xưa nay,

Lại nằm ở làn khói trên chòm cây xa, bên dòng nước trong xanh.)

(Quan hải)

Khi đi qua cửa sông nơi nhà Hồ ngày xưa thất bại, Nguyễn Trãi nhìn lên cái vô cùng của trời đất để ngẫm ngợi về quá khứ, về lẽ huyền diệu của cuộc đời mà không dễ gì con người nắm bắt được. Những tình cảm, những nuối tiếc, những điều khó nói về người “anh hùng” Hồ Quý Ly ngày xưa đã đọng lại trong câu thơ như một tiếng thở dài. Đó là kiểu tâm trạng cảm khái thời thế mà nhà Nho thường hay gặp phải.

Không gian vũ trụ trong thơ Nguyễn Trãi có khi lại là những phút giây phóng cuồng như thế này:

Hải giác thiên nhai tứ ý ngao,

Kiền khôn đáo xứ phóng ngâm hào. Ngư ca tám xướng yên hồ khoát,

Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao. Thanh dạ bằng hư quan vũ trụ,

Thu phong thừa hứng giá kình ngao,

(Góc biển chân trời mặc ý rong chơi,

Trong cõi trời đất, đi đến đâu cũng phóng bút làm thơ.

Khúc hát ông chài cất lên ba lần, mặt hồ khỏi tỏa thêm rộng mênh mông, Sáo mục đồng trổi lên một tiếng, mặt trăng trên bầu trời càng cao vút.

Đêm thanh dựa vào khoảng hư không mà ngắm xem vũ trụ, Gió thu, nhân hứng muốn cưỡi kình ngao.

(Chu trung ngẫu thành, kỳ nhị)

Những khoảng không gian trong bài thơ dù là mặt hồ hay không gian đêm vắng đều được mở bung hết mọi chiều kích. Từng câu thơ đều như tỏa ra đến tận cùng của các khung khổ như biểu tượng cho một thứ vũ trụ đã được giãn đến hết tầm. Tuy nhiên, không gian vũ trụ ấy dù rộng lớn thì dường như vẫn có giới hạn, vẫn ở trong tầm với của con người. Nó là khoảng không gian mà tiếng hát ông chài cất lên mà mặt hồ lại tỏa rộng mênh mông, là con người có thể dựa được vào hư không để ngắm xem vũ trụ.

Trong thơ Nguyễn Trãi đôi khi còn xuất hiện một thứ không gian vũ trụ nữa mà con người bình thường không thể ước định được, càng chẳng thể nào tri giác nổi. Đó là không gian trong các bài thơ mang khí khái Thiền môn. Lại vẫn là bài thơ Mộ xuân tức sự:

Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão, Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

(Trong tiếng quốc kêu xuân sắp tàn,

Đầy sân mưa phùn nhẹ rơi khi hoa xoan đang nở.)

(Mộ xuân tức sự)

Không gian ở đây dường như đã bị “thời gian hóa”, một thứ không gian hạn hẹp của khoảnh sân có tiếng quốc kêu trong bước chân của mùa xuân đang vội vã đi qua, có mưa phùn nhẹ rơi khi hoa xoan đang nở. Không nhắc đến vũ trụ, nhưng cái vũ trụ lớn lao vô cùng vẫn hiển hiện ở đây, trong tâm của con người, trong cái bản thể đã hòa nhập vào cùng với đại ngã bên ngoài kia.

Không gian quê cũ, đối lập với không gian loạn lạc khá quan trọng đối với Nguyễn Trãi. Ông coi quê cũ như một chốn bình yên, như nơi để trở về sau những lưu lạc, những thất bại, đắng cay. Quê cũ có tính chất biểu tượng và được nhắc đến nhiều trong những giai đoạn khủng hoảng của cuộc đời ông. Không gian ấy lạc vào trong cả giấc mơ, đêm đêm nhà thơ tưởng mình như lên chiếc thuyền nhỏ trở về.

Miễn tưởng cố viên tam kính cúc, Mộng hồn dạ dạ thướng quy đao.

(Triền miên tưởng nhớ ba luống cúc nơi vườn cũ, Hồn mộng đêm đêm lên chiếc thuyền nhỏ trở về.)

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/01/2023