Có hương sen thơm Trong hồ nước đầy...
(Hạt gạo làng ta)
Không một chút cầu kì mà rất chân thật. Dưới sự khắc nghiệt của khí hậu, những con vật, cỏ cây như ngừng hoạt động trong khi con người vẫn phải đối mặt:
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu Nước như ai nấu Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ Mẹ em xuống cấy…
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, gắn bó với ruộng đồng nên hơn ai hết, Trần Đăng Khoa hiểu rằng hạt gạo trong cuộc sống có một vị trí vô cùng quan trọng. Trong những năm tháng chiến tranh thì giá trị của nó càng tăng lên gấp bội. Để có được hạt gạo, người nông dân đã rất vất vả, phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Và như đã nói, trong chiến tranh thì có biết bao người nông dân đang làm đồng đã chết vì bom Mĩ. Thế nên, hạt gạo “gửi ra tiền tuyến – gửi về phương xa” lại kết tinh thêm tình cảm thiết tha, sâu nặng của hậu phương đối với tiền tuyến. Tố Hữu khi nhận định về thi ca, đã viết: “Bài thơ hay làm cho người ta không thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người”. Với bài thơ này, Trần Đăng Khoa đã làm cho chúng ta cảm nhận được tình người đó. Trần Đăng Khoa đã khiêm nhường cho rằng bài thơ của mình hay là nhờ được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc. Không khó khăn để tìm ra những em bé có những câu, những ý như Trần Đăng Khoa viết “hạt gạo làng ta” nhưng mãi mãi chúng ta sẽ không tìm được ai khác ngoài Trần Đăng Khoa với câu “hạt vàng làng ta”.
Cánh đồng làng Điền Trì cũng được Trần Đăng Khoa nói đến. Đó là nơi sản xuất, trồng trọt của xóm làng. Đó là nơi tuổi thơ để mặc cho cánh diều thỏa sức tung bay. Ngày ngày đứng trước sân nhà nhìn thấy cánh đồng nên nó trở nên quen thuộc với tất cả những người nơi đây. Riêng Trần Đăng Khoa với giác quan tinh tế, nhạy cảm đã phát hiện:
Cánh đồng làng Điền Trì Sớm nay sao mà rộng Sương tan trên mũi súng Trên sừng trâu cong veo
(Cánh đồng làng Điền Trì)
Có thể bạn quan tâm!
- Thế giới nghệ thuật thơ Trần Đăng Khoa thời niên thiếu - ĐH Sư phạm - 1
- Thế giới nghệ thuật thơ Trần Đăng Khoa thời niên thiếu - ĐH Sư phạm - 2
- Cảm Hứng Từ Hoàn Cảnh Lịch Sử Của Đất Nước
- Thế giới nghệ thuật thơ Trần Đăng Khoa thời niên thiếu - ĐH Sư phạm - 5
- Tình Cảm Đối Với Những Miền Quê Trên Đất Nước
Xem toàn bộ 80 trang tài liệu này.
Trần Đăng Khoa ngạc nhiên trước sự đổi thay cánh đồng bởi sau khi gặt hái xong thì người dân bắt đầu cấy mạ cho một vụ mùa khác. Từ một cánh đồng chỉ trơ gốc rạ nay bỗng nhiên tươi màu xanh của mạ trong sương sớm chưa tan. Hình ảnh đơn sơ làm sao mà cũng đẹp làm sao. Trong con mắt yêu thương thì tất cả sự vật đều trở nên đáng yêu, cho dù sự vật đó đối với người khác là bình thường.
Bên cạnh góc sân, cánh đồng thì dòng sông Kinh Thầy là nơi Trần Đăng Khoa hết lòng thương mến. Chính dòng sông này đã tắm mát cho Trần Đăng Khoa. Chính dòng sông này đưa nước vào tưới mắt cho đồng ruộng, cây trái. Sông Kinh Thầy trong thơ Trần Đăng Khoa có “Hàng chuối lên xanh mướt – Phi lao reo trập trùng”. Vậy thôi, nhưng người đi xa vẫn nhớ hoài, vẫn mong có ngày được trở về đi dọc bờ sông, vùng vẫy trong dòng nước mát như thuở ấu thơ.
Thiên nhiên trong thơ Trần Đăng Khoa còn có cả thế giới loài vật, đồ vật. Chúng hiện ra với một dáng vẻ vô cùng sinh động, đáng yêu. Trần Đăng Khoa có thể trò chuyện thân mật với con trâu – người bạn vô cùng thân thiết của nông dân:
Trâu ơi, ăn cỏ mật Hay là ăn cỏ gà
Đừng ăn lúa đồng ta… Trâu ơi, uống nước nhá… Trâu cứ chén cho no Ngày mai cày thật khỏe Đừng lo đồng nứt nẻ…
(Con trâu đen lông mượt)
Những con vật trong thơ của một em bé đều có những nét đáng yêu: con mèo (Đánh tam cúc), con gà (Nói với con gà mái, Ò ó o…), con chó (Sao không về Vàng ơi), chim (Tiếng chim chích chòe, con chim hay hót),... Trong bài Buổi sáng nhà em, tất cả hiện lên thật sinh động trong cái nhìn và sự liên tưởng của trẻ thơ. Mèo dậy rửa mặt trong tư thế hết sức đỏm dáng “cái tay rửa mặt, cái đầu nghiêng nghiêng”. Cái Na, cu Chuối nghịch ngợm đứng vỗ tay cười. Chị Tre “chải tóc bên ao”, nàng Mây thì “ghé vào soi gương” trong khi bà Sân đã “vấn chiếc khăn hồng đẹp thay” từ khi “Ông trời nổi lửa đằng đông”.
Con người và sự vật gắn bó, giao hòa với nhau, cùng nhau bắt đầu ngày mới. Không chỉ riêng nhà Trần Đăng Khoa mà mọi nhà đều như thế, tất cả tạo nên một không khí nhộn nhịp, sôi động. Bài thơ mang đậm nét hồn nhiên, trẻ thơ đã làm cho chúng ta vừa đọc vừa nở nụ cười trên môi. Cười vì không ngờ sự liên tưởng, ví von của một em nhỏ lại hay và đúng bản chất của sự vật như thế. Cười vì đọc bài thơ này ta như sống dậy một cảm giác yêu mến cuộc sống lạ lùng. Chợt nhận ra những ngây thơ, hồn nhiên của tuổi thơ đã rơi rớt trên bước đường ta tìm kiếm công danh, địa vị. Tự nhủ lòng sáng mai sẽ dậy sớm để lắng nghe âm thanh của cuộc sống…
Hình ảnh con cò từ lâu đã được thơ ca Việt Nam biểu hiện như là một dấu hiệu về làng quê nông nghiệp với những con người lam lũ, vất vả nơi đồng ruộng mà hồn hậu, trắng trong. Trong cảm nhận của Trần Đăng Khoa, con cò có lúc hư ảo như trong ca dao thần thoại:
Xưa mẹ ru em
Cũng tiếng võng này
Cánh cò trắng muốt Bay - bay - bay - bay...
(Tiếng võng kêu) Nó cũng đáng thương, nhỏ bé trước cuộc đời:
Trong giấc mơ em Có gặp con cò Lặn lội bờ sông
(Tiếng võng kêu)
Nhưng con cò ở đây có thêm những nét mới. Nó “đánh nhịp bay vào bay ra” như những “chớp trắng trên sông Kinh Thầy”. Nó không còn đơn côi một mình trong đêm tối mà trong bầy đàn, trong số đông và xuất hiện vào ban ngày, trong nắng đẹp của trời quê yên ả. Và nếu trước kia tác giả dân gian thấy “con cò đi đón cơn mưa” trong “tối tăm mù mịt” với vẻ cam chịu, thụ động, mệt mỏi, chẳng biết “ai đưa cò về” thì đối với Trần Đăng Khoa:
Con cò Trắng muốt
Bay ra đón cơn mưa...
Mừng đón cơn mưa
(Con cò trắng muốt)
Với một thái độ chủ động, tự tin, những con cò này trở thành tượng trưng cho tư thế cứng cỏi, dũng cảm, cho tâm hồn trong trắng, thanh cao và ngay thẳng của con người, làng quê Việt Nam đang vượt lên trên những thử thách khắc nghiệt. Nó góp phần làm cho thiên nhiên ở làng quê Việt Nam tự ngàn xưa đã đẹp, hữu tình nay càng thêm đẹp, thêm hữu tình hơn.
Đối với người lớn, thiên nhiên được miêu tả và cảm nhận chủ yếu bằng kinh nghiệm, bằng lí trí và đôi lúc là cảm nhận bằng tâm trạng, nỗi niềm riêng của mình. Còn trẻ con thì không thế. Đối với chúng, thiên nhiên chứa đựng những điều kì diệu, bí ẩn, thú vị và chúng rất muốn chiêm ngưỡng, khám phá. Chính thiên nhiên với tất cả sự phong phú, đa dạng của những sự vật đã giúp cho trẻ em nhận thức, hình thành tư duy và từ đó phát triển trí tưởng tượng, làm giàu tâm hồn của các em.
Các em sáng tác một cách ngẫu hứng, không chủ ý, không theo một đề tài nhất định. Hãy đọc một số bài thơ của các em nhỏ, ta sẽ nhận ra một điều trùng hợp ngẫu nhiên là các em miêu tả rất nhiều về thiên nhiên. Bên cạnh việc miêu tả, các em cảm nhận được sự thay đổi của cảnh vật, thời tiết cho dù sự thay đổi đó rất nhỏ mà đôi khi chúng ta không để ý đến.
Ánh trăng được Trần Đăng Khoa nhắc đến rất nhiều trong thơ mình (hơn 10 lần). Trẻ em ở nông thôn ngày ấy rất thích chơi trước sân nhà vào những ngày trăng sáng. Các trò chơi mang đậm tính dân gian: xỉa cá mè, mèo đuổi chuột,… Với Trần Đăng Khoa,
trăng không chỉ là một người bạn thân thiết cùng em chơi, chia sẻ bao điều suy nghĩ mà còn là một người bạn thơ. Vẻ đẹp của trăng làm cho mọi vật như lặng đi:
Hàng cây cau lặng đứng Hàng cây chuối đứng im Con chim quên không kêu Con sâu quên không kêu Chỉ có trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em…
(Trăng sáng sân nhà em)
Thực ra, chính Trần Đăng Khoa người đứng lặng trước ánh sáng huyền diệu ấy. Trong tư thế đó, Trần Đăng Khoa cảm giác như tất cả mọi vật xung quanh cũng đều như thế. Ánh trăng mênh mông, bát ngát như rải thảm xuống nhân gian làm rung động một tâm hồn bé nhỏ. Không chỉ có một lần mà còn nhiều lần khác nữa: Tiếng đàn bầu và đêm trăng, Trông trăng, Trăng ơi… từ đâu đến... Trăng gợi cho Trần Đăng Khoa biết bao liên tưởng, so sánh, mỗi liên tưởng, so sánh là một điều bất ngờ, thú vị, ngộ nghĩnh mà lại rất hợp với trẻ con:
Trăng như cái mâm con Ai treo ông cao thế Ông nhìn đàn em bé Muốn khoe cái mặt tròn
(Trông trăng)
Trăng hồng như quả chín Lửng lơ trước sân nhà… Trăng tròn như mắt cá Không bao giờ chớp mi Trăng bay như quả bóng Bạn nào đá lên trời…
(Trăng ơi… từ đâu đến) Đó là những lúc trăng tròn. Còn khi trăng khuyết thì:
Ông trăng cười những lợi Răng chẳng chiếc nào còn
(Trăng đầu tháng)
Không chỉ có trăng mà tất cả cảnh vật ở làng quê ấy đều gợi cho chúng ta một cảm giác thanh thản, bình yên khi đọc lên những vần thơ được viết từ tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, sâu sắc của Trần Đăng Khoa. Nhà thơ nhỏ này không chỉ quan sát mà còn hòa lòng mình với thiên nhiên nên lắng nghe được mọi âm thanh, phát hiện được sự vận động của sự vật như trong bài Chớm thu:
Nửa đêm nghe ếch học bài
Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây Nghe trời trở gió heo may
Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau.
Dường như thời khắc nửa đêm gây cho người ta niềm xúc động mạnh mẽ. Lúc này con người sẽ được trở về sống với chính mình chứ không phải cho kẻ khác. Và, chỉ những người nào có những nỗi niềm, trăn trở mới phải thức đến lúc này. Chú bé Trần Đăng Khoa, có lẽ, chỉ giật mình thức giấc nhưng trong cái se lạnh của gió heo may cùng tiếng mưa khẽ rơi và hương thơm thoang thoảng của hoa cau đã không tài nào ngủ tiếp được. Cảnh vật thiên nhiên đã không vận động, biến đổi một mình mà còn có một con người bé nhỏ đang lặng theo dõi. Nằm trong nhà mà nghe được nhiều sự vật như thế, hẳn không chỉ Trần Đăng Khoa có thính giác tinh nhạy mà chính là nhờ vào vốn hiểu biết của mình. Kiểu mưa nhẹ nhàng điểm xuyết thêm cái rét mướt của gió heo may báo hiệu một mùa Đông sắp đến chỉ có ở đồng bằng Bắc bộ mà thôi. Một bài thơ ngắn nhưng nắm bắt được khoảnh khắc tuyệt vời của đất trời. Em nhỏ sống ở miền Nam không thể viết được những câu thơ như thế.
Trần Đăng Khoa còn nghe được rất nhiều âm thanh mà không phải ai cũng nghe được nếu như không có sự tinh nhạy của giác quan, đặc biệt là tâm hồn yêu thiên nhiên sâu đậm:
Tiếng sương đọng mật Đọng mật trên cành tre Nghe ri rỉ tiếng sâu
Nó đang thở cuối tường Nghe rì rầm rặng chuối Há miệng đòi uống sương
(Nửa đêm tỉnh giấc)
Đọc những câu như thế, chúng tôi không thể không xuýt xoa bởi phát hiện tinh vi của Trần Đăng Khoa và tự nhủ: Thì ra giọt sương, rặng chuối, sâu cũng có âm thanh nữa đấy. Nhưng chắc gì chúng ta nghe được nếu không có một tâm hồn như Trần Đăng Khoa. Cái tài, cái tình của Trần Đăng Khoa còn thể hiện ở việc cảm nhận được một âm thanh mà mình không thể gọi tên, và không biết có thực hay không:
Một tiếng gì không rõ Xôn xao cả đất trời…
Sẽ không quá lời khi Dương Thu Hương đã mượn lời của Pautôpxki nhận xét về Anđecxen để nói tâm hồn nhạy cảm của Trần Đăng Khoa: “ Có tài nhìn thấy trong đêm tối tiếng quang xa của tường vi giống ánh lấp lánh của đêm trăng, (…) có tai nghe thấy tiếng càu nhàu của một gốc cây bị dẫn lưu cữu trong rừng” [11;110].
Nếu như ở bài Chớm thu và Nửa đêm tỉnh giấc, tác giả đã gợi cho chúng ta một không gian, thời gian thật thơ mộng, bình yên của làng quê thì ở bài Ò ó o… là một cảnh
ồn ào, náo nhiệt của làng quê vào buổi sớm: Tiếng gà – Giục quả na – Mở mắt – Tròn xoe
- Giục hàng tre – Đâm măng – nhọn hoắt – Giục buồng chuối – Thơm lừng – Trứng cuốc – Giục hạt đậu – Nảy mầm – Giục bông lúa – Uốn câu – Giục con trâu – Ra đồng – Giục đàn sao – Trên trời – Chạy trốn,… Tất cả như hối hả, như bừng tỉnh sau một giấc ngủ. “Tiếng gà đánh tan âm khí nặng nề, ở hoàn cảnh nước ta đang có giặc Mĩ xâm lược…” (Một em nhỏ làm thơ – Xuân Diệu). Tiếng gà như một hiệu lệnh báo hiệu cho một ngày mới bắt đầu, sự vật thì sinh sôi, nảy nở, chuyển đổi liên tục còn con người thì lao động sản xuất phục vụ cho công cuộc vệ quốc vĩ đại. Nhịp điệu bài thơ thật sôi nổi, rộn ràng như chính cuộc sống của những năm tháng chống Mĩ “tất cả tất cả cho tiền tuyến”.
Người đọc thích và khen ngợi thơ Trần Đăng Khoa không chỉ ở cách miêu tả thật hay, chân thật mà còn ở chỗ các sự vật đều có hồn, đều biến chuyển, vận động như con người. Trẻ em thường lầm tưởng những điều chúng trông thấy thực sự và những điều chúng tưởng tượng từ thực tế ấy. Bởi thế, thơ của chúng miêu tả về sự vật vừa quen mà cũng vừa lạ lùng, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Những chuyển đổi âm thầm của vạn vật được Trần Đăng Khoa cảm nhận một cách tinh tế: trời trở gió heo may, sắp mưa, tiếng gió trở mình trăn trở trong đêm thu, nhịp thở của cái ngõ nhỏ, tiếng sâu, tiếng hạt sương đọng mật, “tiếng cây lách cách đâm chồi” và tuyệt vời hơn nữa là tiếng rơi của chiếc lá đa “tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Câu thơ này đã được mọi người hết lời khen ngợi. Nghiêng gợi tả hình dáng nhiều hơn nên khi mới đọc ta cứ nghĩ rằng người viết đã trông thấy chứ không phải nghe thấy.
Đọc thơ Trần Đăng Khoa, ta như được sống với những hình ảnh dung dị nhất về một miền quê yên bình, ấm áp tình người. Tất cả những sự vật, sự việc, con người dưới con mắt trẻ thơ thông minh, đầy sáng tạo đã đi vào thơ đong đầy kỉ niệm. Một phút đứng ở bờ ao nhìn hoa khế rụng, nghe tiếng chim hót, một lần sang nhà bạn thấy chú bù nhìn, một mầm hoa dại ven đường,… cũng gợi cho Trần Đăng Khoa niềm thương mến thiết tha. Tất cả hồn quê được Trần Đăng Khoa lưu giữ bằng thơ để những ai mỗi khi nhớ quê hương đọc lên cảm thấy mình đã tìm được một đồng hương, một tri âm.
Viết về thiên nhiên thành công như thế, phải thừa nhận rằng bên cạnh tâm hồn, tài năng của mình Trần Đăng Khoa còn học tập rất nhiều từ văn học dân gian và các nhà văn, nhà thơ bậc thầy. Những học tập đó được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo. Trong bài Đám ma bác Giun ta thấy thấp thoáng hình bóng ca dao:
Con cò mắc dò mà chết
Mẹ con bìm bịp đổ thóc nếp ra xay Cà cuống uống rượu la đà
Con cóc, con ngóe nhảy ra chia phần
Từ nhà văn Tô Hoài, Trần Đăng Khoa đã học để viết “Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu” (Gửi bạn Chi-lê) dựa vào “Dế mèn phiêu lưu kí” và “Hạt mẩy uốn cong – Chim ngói bay theo đàn” dựa vào đoạn văn “Tháng năm chim gáy đi ăn đôi, tháng mười chim gáy về
theo đàn”. Từ nhà văn Anđecxen, Trần Đăng Khoa viết “Chim co chân ngủ - Lim dim cành tre” dựa vào hình ảnh con cò “đứng một chân vững ra phết”, “Cô gió chăn mây trên đồng” dựa vào hình ảnh của cô bé chăn cừu trong truyện. Từ nữ sĩ Anh Thơ, Trần Đăng Khoa viết “Bố em đi cày về - Đội sấm – Đội chớp – Đội cả trời mưa” dựa vào bài Chiều xuân: “Ngoài đường lội, một vài người về chợ - trĩu gánh hàng như trĩu cả quang mưa”.
1.2. Hình ảnh người nông dân
Bên cạnh thiên nhiên thì con người cũng được Trần Đăng Khoa miêu tả chân thực, sinh động. Chủ yếu là những người nông dân với đời sống nhọc nhằn, vất vả mà tâm hồn trong trắng, mộc mạc và giàu nghĩa tình.
Người nông dân mà Trần Đăng Khoa gần gũi và yêu thương nhất chính là bố mẹ của mình. Là con nhà nông, Trần Đăng Khoa am hiểu tường tận công việc bố mẹ làm hàng ngày. Những vần thơ em viết về bố mẹ cũng chính là viết về người nông dân nói chung ở quê hương mình.
Hạt gạo làng ta như một khúc hát yêu thương, ca ngợi những người nông dân. Ai cũng biết rằng để có được hạt gạo thì người nông dân phải làm lụng rất vất vả: “ Giọt mồ hôi sa – Những trưa tháng sáu –Nước như ai nấu – Chết cả cá cờ - Cua ngoi lên bờ - Mẹ em xuống cấy…”. Ta thấy có sự đối lập giữa hai hình ảnh Cua ngoi lên bờ và Mẹ em xuống cấy. Từng nhánh mạ tươi non, thẳng đều tăm tắp đều có giọt mồ hôi của mẹ nhỏ xuống. Người viết sống ở miền Nam, quanh năm đối mặt với cái nóng cứ ngỡ rằng miền Bắc cũng chẳng hơn gì. Nhưng khi đọc bài Ao nhà mùa hạn mới biết mình đã sai:
Mùa mưa mà mưa chẳng đến Đáy sâu nẻ toác khi nào
Rêu nằm mơ những sấm sét Rồi khô trên cọc cầu ao…
Cái nắng như muốn hủy diệt tất cả. Rêu là loại thực vật dễ sống, chỉ cần không khi hơi ẩm cũng đủ để chúng tồn tại. Thế nhưng thời tiết khắc nghiệt, mưa chỉ còn là niềm mơ ước. Và chúng đã chết khô. Trong khi đó con người, nhất là người nông dân vẫn phải ra đồng lao động. Người đọc như được Trần Đăng Khoa truyền sang nỗi thấm thía, xúc động mạnh mẽ xen lẫn cảm thông, biết ơn những con người ngày đêm lao động, cống hiến thầm lặng cho cuộc sống này. Những câu thơ “chạm vào bản chất của nông dân quê hương” [14; 19]. Giọt mồ hôi gợi cho ta liên tưởng đến câu ca dao:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Nếu như mẹ em đứng cấy bất chấp cả cái nắng gay gắt, dữ đội của mùa hè Bắc bộ thì bố em là người hùng trong cơn mưa: “Bố em đi cày về - Đội sấm – Đội chớp – Đội cả trời mưa…”. Bức chân dung của người nông dân không bị mưa gió làm nhạt nhòa mà ngời sáng như một tâm điểm của đất trời. Nắng mưa hay thậm chí là những thiên tai nào khác là điều mà người nông dân phải chống chọi, phải vượt qua. Sức mạnh của họ không phải là
sức mạnh thần thánh mà chính là sức mạnh đã trải qua những năm tháng lao động vất vả cùng với niềm tin bất diệt: Cuộc kháng chiến của dân tộc ta sẽ chiến thắng, đất nước ta sẽ thống nhất hoàn toàn. Niềm tin đó là động lực thúc đẩy họ lao động và chiến đấu trong lạc quan. Trên cánh đồng lúc nào cũng có tiếng nói, tiếng cười:
Nơi này mấy bác cày
Đâu nghiêng nghiêng chiếc nón… Nơi kia là mấy chị
Thì thòm tát gầu dai… Nơi ấy mấy cô cấy Ngửa tay phí mặt trời
Mạ bén hàng thẳng đứng Hồn nhiên trong tiếng cười
(Cánh đồng làng Điền Trì)
Đời sống tinh thần của người nông dân rất đơn giản, bình dị. Niềm vui của họ là niềm vui được lao động, được cống hiến, được gặt hái những bông lúa vàng tươi sau một vụ mùa:
Chị chủ nhiệm rũ rơm Anh dân quân đập lúa Thóc nở bung như sao Nhuộm vàng cả trời sao.
(Thôn xóm vào mùa)
Trần Đăng Khoa viết nhiều về người nông dân không chỉ trên đồng ruộng mà còn trên sông nước, trong các công việc kiến thiết nước nhà. Đó là bác chài ngồi “buông câu trong bóng chiều” (Bên sông Kinh Thầy). Đó là các chị đi sửa đường hò vang theo từng vòng bánh xe lăn trên đường (Chiếc ngõ nhỏ). Đó là các chị thanh niên xung phong (Đi tàu hỏa). Đó là bác kéo xe chở vật liệu về xây dựng trường học (Lọc cà lọc cọc)… Người nông dân trong thơ Trần Đăng Khoa là con người mới, tuy vất vả, khó nhọc nhưng năng động và yêu đời, say mê nghệ thuật khác hẳn người nông dân lầm lũi trong ca dao xưa. Miền Bắc là cái nôi văn hóa nghệ thuật, người dân xem sân khấu và âm nhạc là hơi thở, là lẽ sống của mình. Thế nhưng kẻ thù đến, mang theo bom đạn ngày đêm gào thét. Tiếng đàn, tiếng hát, những tuồng chèo,… bỗng trở nên quý báu, là niềm khao khát của con người Việt Nam. Những khi đoàn văn công đến làng thì vui như hội. Tất cả bà con đều tập trung quanh các anh văn công Quân giải phóng để lắng nghe tiếng đàn, tiếng hát:
Chị dân quân lái máy cày
Ngón chân cái vết bùn non còn lấm Cụ già mấy lần tiễn cháu con ra trận Đông nhất là trẻ em lên chín, lên mười Trong tiếng đàn bầu