Hạn Chế Của Đề Tài Và Gợi Ý Hướng Nghiên Cứu Tiếp Theo


CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ


5.1. Kết luận


Thực trạng về thu nhập ngoài lãi tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam được trình bày ở chương 3 đã cho thấy các dịch vụ ngân hàng đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào lợi nhuận tổng thể của ngân hàng. Không những thế, việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động cho vay truyền thống trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay góp phần làm giảm thiểu và phân tán rủi ro của các ngân hàng. Tuy nhiên, muốn triển khai được hiệu quả; giảm thiểu chi phí cũng như gia tăng lợi ích từ các dịch vụ phi tín dụng, ngân hàng cần phải có một cái nhìn tổng quan kết hợp với những kết quả từ nghiên cứu thực nghiệm nhằm đưa ra được các giải pháp phù hợp với những điều kiện về kinh tế, pháp lý, môi trường kinh doanh cũng như nguồn nhân lực của ngân hàng mình.

Dựa vào các lý thuyết, các nghiên cứu có liên quan trước đây, cũng như điều kiện thực tế ở Việt Nam, bài nghiên cứu đề xuất mô hình bao gồm 4 giả thuyết về các yếu tố tác động đến thu nhập ngoài lãi bao gồm: trình độ quản lý của ngân hàng, tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản của ngân hàng, tỷ lệ tiền gửi của khách hàng và trình độ phát triển công nghệ.

Sau khi tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo tài chính (đã được kiểm toán), báo cáo thường niên của các ngân hàng cũng như các số liệu kinh tế vĩ mô khác; tiến hành chạy mô hình theo ước lượng SUR. Bằng các bằng chứng thực nghiệm, kết quả cuối cùng cho thấy, với độ tin cậy 95%, chỉ có 2 yếu tố tác động đến thu nhập ngoài lãi là chất lượng quản lý của ngân hàng và tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản. Tuy nhiên , khi hạ độ tin cậy xuống còn 85%, có thêm 2 yếu tố nữa tác động đến thu nhập ngoài lãi là trình độ phát triển công nghệ và chất lượng nợ của ngân hàng. Xét về mức độ tác động của các yếu tố, theo mức độ từ mạnh đến yếu dần lần lượt là: tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản, chất lượng quản lý của ngân hàng, chất lượng nợ của ngân hàng, trình độ phát triển công nghệ của ngân hàng. Trong 4 yếu tố, chỉ có yếu tố chất lượng nợ của ngân hàng là tác động ngược chiều đến thu nhập ngoài lãi, 3 yếu tố còn lại đều tác động cùng chiều.


Yếu tố tỷ lệ tiền gửi của khách hàng được đặt ra ở giả thuyết H2 bị bác bỏ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 94 trang tài liệu này.


5.2. Khuyến nghị dành cho ngân hàng

Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam - 9


Chương 4 đã đưa ra kết quả về các yếu tố tác động đến thu nhập ngoài lãi của ngân hàng đồng thời chỉ rõ mức độ mạnh yếu, cũng như chiều hướng tác động của các yếu tố. Trên cơ sở đó, các yếu tố tác động thuận chiều sẽ được ngân hàng quan tâm, đầu tư nhiều hơn; và ngược lại, ngân hàng sẽ tìm cách khắc phục, giảm thiểu các yếu tố ngược chiều nhằm nâng cao thu nhập ngoài lãi của ngân hàng. Mức độ tác động mạnh yếu của từng yếu tố rút ra được từ kết quả nghiên cứu giúp các nhà quản trị ngân hàng phân bổ nguồn lực phù hợp với chiến lược kinh doanh cũng như điều kiện cụ thể của từng ngân hàng. Các giải pháp được trình bày bên dưới dựa theo 4 yếu tố tác động đến thu nhập ngoài lãi của ngân hàng đã được rút ra từ kết quả nghiên cứu.

Chất lượng quản lý của ngân hàng


Đây là yếu tố tác động mạnh không chỉ đến thu nhập ngoài lãi nói riêng, mà còn đến cả tổng thu nhập của ngân hàng. Ngân hàng được quản lý một cách có khoa học, sẽ đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các phòng ban trong từng chi nhánh cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng; đồng thời tạo khả năng liên kết giữa ngân hàng với các cơ quan khác như chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính tín dụng, các doanh nghiệp…

Để nâng cao được chất lượng quản lý điều hành đối với dịch vụ phi tín dụng, trước tiên, phải tách bạch rõ quyền hạn, trách nhiệm của các ban, trung tâm tại Hội sở chính cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các ban này với các chi nhánh của ngân hàng trong hệ thống. Nghiên cứu xây dựng mô hình phân bổ thu nhập – chi phí đối với từng loại dịch vụ cụ thể để có thể so sánh hiệu quả của từng dịch vụ với nhau, từ đó có biện pháp phát triển phù hợp.

Thứ hai, ngân hàng cần tăng cường năng lực quản trị rủi ro của mình. Cụ thể cần thiết lập và triển khai hoạt động quản trị chiến lược chuyên nghiệp, thông qua xác lập tính thống nhất về nhận thức trong quản trị kế hoạch chiến lược và gắn kết mối quan hệ với kế hoạch kinh doanh hàng năm. Xây dựng những quy định cụ thể nhằm hình thành hoạt động quản trị chiến lược chuyên nghiệp. Tăng cường nâng cao chất lượng công tác


dự báo, nghiên cứu thị trường phục vụ cho công tác quản trị, điều hành nhằm phát triển dịch vụ phi tín dụng.

Thành lập các tổ chức với chức năng tham mưu tỏng công tác xây dựng, triển khai, giám sát, đánh giá và điều chỉnh chiến lược kế hoạch phát triển dịch vụ phi tín dụng trong dài hạn. Xác định cơ chế hoạt động dịch vụ phi tín dụng từ Hội sở chính đến các chi nhánh để đảm bảo hoạt động phát triển dịch vụ phi tín dụng tuân thủ theo các chiến lược đã đề ra.

Nâng cao vai trò độc lập của hệ thống quản trị rủi ro, từng bước áp dụng quản trị rủi ro theo định lượng. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phát triển hệ thống công cụ, chương trình phần mềm phục vụ công tác quản lý rủi ro thị trường, tác nghiệp theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Hoàn thiện công tác ứng dụng nguyên tác Basel II trong quản trị rủi ro đối với các ngân hàng. Bên cạnh đó cũng lên kế hoạch thực hiện nghiên cứu và áp dụng Basel III vì các nước phát triển đã áp dụng nguyên tắc này từ khủng hoảng tài chính năm 2009 và cho thấy nhiều hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản


Các dịch vụ ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, sự phát triển của dịch vụ này là cơ sở để phát triển dịch vụ kia và ngược lại. Do đó, để phát triển dịch vụ phi tín dụng các ngân hàng cần đẩy mạnh sự tương tác giữa các dịch vụ với nhau. Để làm được điều đó, ngân hàng thực hiện các giải pháp sau:

Hoàn thiện và mở rộng các dịch vụ nhằm đáp ứng như cầu có tính logic của khách hàng và phải đảm bảo được việc cung cấp đầy đủ, trọn gói các dịch vụ đó cho khách hàng. Ví dụ như như cầu về vốn, thanh toán, thu mua ngoại tệ, trong đó có sử dụng các công cụ phòng tránh rủi ro hối đoái như: nghiệp vụ option, swap, future…

Trong chính sách khách hàng của ngân hàng cần có những điều khoản khuyến khích khách hàng sử dụng trọn gói các dịch vụ ngân hàng chẳng hạn như đưa ra các mức phí ưu đãi đối với khách hàng quen thuộc; hoặc nếu xét thấy đây là khách hàng tiềm năng thì có thể sử dụng những chính sách lãi suất cấp tín dụng ưu đãi khách hàng, bù lại khách hàng phải cam kết sử dụng các dịch vụ khác tại ngân hàng. Như vậy, ngân


hàng không những có được lợi nhuận từ các dịch vụ truyền thống mà còn thu được các khoản phí của dịch vụ phi tín dụng. Điều này vừa đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng, vừa có thể phát triển dịch vụ phi tín dụng của ngân hàng mình.

Chất lượng nợ của ngân hàng


Chất lượng nợ của ngân hàng tác động ngược chiều với thu nhập ngoài lãi, kết quả này chứng minh rằng mức độ đa dạng hóa thu nhập ở Việt Nam chưa cao, các ngân hàng còn chú trọng khá nhiều vào thu nhập thuần lãi. Chỉ khi nợ xấu tăng cao, thì thu nhập ngoài lãi mới được chú trọng và tăng cường như một biện pháp “chữa cháy” tạm thời. Các ngân hàng muốn thực sự đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ cũng như thu nhập của mình, có thể thực hiện các giải pháp như sau:

Thứ nhất, xây dựng một ngân hàng đủ mạnh về cả vốn và nhân lực. Theo đó, các ngân hàng phải tăng cường năng lực về vốn; tăng vốn tự có đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, tăng vốn điều lệ để có thể đảm bảo các điều kiện an toàn vốn tối thiểu, từ đó mở mang hoạt động.

Thứ hai, phát triển nền tảng khách hàng vững chắc và tối đa hóa giá trị khách hàng. Thực hiện phân khúc thị trường nhằm xác định cơ cấu thị trường, phân đoạn khách hàng theo các tiêu chí phù hợp, lựa chọn khách hàng mục tiêu từ đó xây dựng các chính sách sản phẩm, phân phối, giá và marketing phù hợp. Xây dựng hệ thống quản lý quan hệ khách hàng và phương pháp phân tích khách hàng trên cơ sở có hệ thống chấm điểm và hỗ trợ công nghệ thông tin để phục vụ và khai thác tối đa như cầu của khách hàng.

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến từng khách hàng nhằm mục tiêu: phát triển một hệ thống kênh phân phối ngân hàng dễ tiếp cận mọi lúc mọi nơi, có tính bảo mật cao, thân thiện và dễ sử dụng nhằm thu hút số lượng ngày càng đông khách hàng.

Thứ tư, phát triển và hoàn thiện hệ thống thanh toán. Hầu hết các dịch vụ ngân hàng trong đó có dịch vụ phi tín dụng đều gắn liền với hoạt động thanh toán. Vì thế, nếu hoạt động thanh toán càng phát triển, càng hiện đại, tiện lợi, nhanh chóng và chính xác thì càng góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động dịch vụ. Hệ thống thanh


toán được tổ chức tốt không chỉ làm tăng doanh số thanh toán, mà còn góp phần làm cho hình ảnh của ngân hàng trở nên hoàn thiện hơn trong mắt khách hàng, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động dịch vụ khác phát triển.

Trình độ phát triển công nghệ của ngân hàng


Hệ thống thông tin cần hoạt động ổn định nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ phi tín dụng cung cấp cho khách hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển dịch vụ mới. Đầu tư nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá quan hệ khách hàng. Hoàn thiện hệ thống báo cáo phục vụ cho việc quản trị điều hành. Ngoài ra, cần xác định hiệu quả chi phí cho từng loại hình dịch vụ. Các ngân hàng thương mại cần thực hiện rà soát, hoàn thiện, nâng cấp và hiện đại hóa công nghệ. Trong đó chú trọng phát triển công nghệ thông tin trở thành công cụ mấu chốt, tạo ra sự phát triển mới và đột phá trong hoạt động tiến tới ngang tầm với các ngân hàng có trình độ cao trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai các dự án nâng cấp các phần mềm đang được sử dụng tại các ngân hàng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu và phát triển các chương trình, phần mềm để nâng cao các tiện ích của dịch vụ phi tín dụng hiện có và làm cơ sở để phát triển các dịch vụ phi tín dụng mới.

Khách hàng sẽ chỉ tin cậy và sử dụng dịch vụ phi tín dụng có tính an toàn và tiện ích cao, do đó phát triển công nghệ thông tin phải kết hợp với các giải pháp an ninh, bảo mật, đàm bảo cho khách hàng. Nên tiến hành đánh giá hiện trạng an ninh thông tin để có các giải pháp hoàn thiện, cần thiết kế và xây dựng các chính sách và quy trình về an ninh thông tin, xây dựng giải pháp an ninh tổng thể, tiến đến áp dụng chuẩn an toàn thông tin quốc tế để đảm bảo chất lượng dịch vụ phi tín dụng khi cung cấp cho khách hàng.

Xây dựng kế hoạch dài hạn cho đầu tư và phát triển công nghệ, vì công nghệ nói chung và công nghệ ngân hàng nói riêng đều rất dễ bị lạc hậu vì tốc độ phát triển nahnh chóng của khoa học kỹ thuật. Chính vì thế mà hoạt động đầu tư phát triển, cập nhật đổi mới trang thiết bị và công nghệ ngân hàng cần phải tiến hành thường xuyên.


5.3. Hạn chế của đề tài và gợi ý hướng nghiên cứu tiếp theo


Do hạn chế về thời gian, chi phí, nguồn nhân lực và công cụ hỗ trợ nên kích thước mẫu được lựa chọn là còn nhỏ so với một nghiên cứu định lượng. Phương pháp chọn mẫu cũng mang tính ngẫu nhiên thuận tiện có thể dẫn đến tính đại diện của mẫu chưa cao. Nếu có điều kiện, nên mở rộng kích thước mẫu: không chỉ dừng lại ở các ngân hàng thương mại, mà còn bao quát luôn các tổ chức tín dụng ngân hàng khác.

Các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường kinh doanh cũng như thói quen, phong tục tập quán của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu dựa trên các đối tượng là các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nên kết quả có phần khác so với những nghiên cứu của các khu vực hay quốc gia khác.

Các yếu tố được xem xét đưa vào nghiên cứu này dựa vào nhiều nghiên cứu và mô hình trước đó ở các quốc gia, khu vực khác trên thế giới. Nghiên cứu này cũng đã xem xét loại bỏ đi các yếu tố được xem là không phù hợp tại Việt Nam. Vì thế, có thể còn nhiều yếu tố tác khác tác động đến thu nhập ngoài lãi của ngân hàng nhưng chưa được đưa vào mô hình. Các nghiên cứu tiếp theo nên đề xuất thêm những yếu tố khác vào mô hình nhằm tăng cường tính giải thích cho mô hình.

Các giải pháp đưa ra còn mang tính tổng quát, lý thuyết, chưa đi vào định lượng và tính toán cụ thể cho từng kế hoạch, từng điều kiện khác nhau của từng ngân hàng. Nghiên cứu cũng chưa tính toán được các khó khăn hay dự phòng các giải pháp thay thế khi giải pháp đề xuất không có tính khả thi.


KẾT LUẬN CHUNG


Trong điều kiện hoạt động tín dụng gặp nhiều khó khăn, hoạt động đầu tư thì lại tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay thì đa dạng hóa thu nhập của ngân hàng, mà cụ thể là tăng cường hoạt động dịch vụ ngoài tín dụng vừa là giải pháp, vừa là xu hướng mà các ngân hàng nên hướng đến.

Một ngân hàng hiện đại muốn hội nhập với hệ thống ngân hàng trong khu vực trên thế giới phải hiện đại hóa hạ tầng công nghệ kỹ thuật của mình, nâng cao chất lượng


nguồn nhân lực và năng lực quản trị. Ngoài ra, đẩy mạnh các dịch vụ phi tín dụng cũng góp phần hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ. Dựa vào kết quả của nghiên cứu, cũng như điều kiện thực tế của từng ngân hàng mà các nhà quản trị cần phải có chiến lược phát triển cụ thể cho ngân hàng của mình trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Tiếng Việt


1. Đào Lê Kiều Oanh và Phạm Anh Thủy, 2012. Vai trò phát triển dịch vụ phi tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 6(16) – tháng 9-10/2012.

2. Hoàng Ngọc Tiến và Võ Thị Hiền, 2010. Trao đổi về phương pháp tính tỷ lệ thu nhập ngoài tín dụng của ngân hàng thương mại. Công nghệ ngân hàng, số 48, tháng 3/2010.

3. Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành, 2015. Đa dạng hóa thu nhập và các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Công nghệ ngân hàng, số 106+107, tháng 01+02/2015.

4. Lê Long Hậu và Phạm Xuân Quỳnh, 2017. Ảnh hưởng của thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2006-2016. Tạp chí ngân hàng, số 9.

5. Nghị định của Chính phủ số 166/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 1999 về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng.

6. Nguyễn Thế Bính, 2015. Tập trung thị trường trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 26 (36) – tháng 01 – 02/2016.

7. Phạm Anh Thủy, 2013. Phát triển dịch vụ phi tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế, trường đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh.

8. Phạm Anh Thủy và Nguyễn Thị Thu Trang, 2012. Thực trạng phát triển dịch vụ phi tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Công nghệ ngân hàng, số 78, tháng 9/2012.

9. Phan Thị Linh, 2015. Phát triển dịch vụ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.

10. Thông tư của ngân hàng Nhà nước số 46/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

11. Trần Văn Hòe, 2011. Giáo trình Tín dụng và Thanh toán thương mại quốc tế.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/08/2022