Những Người Trí Thức Tiểu Tư Sản Nghèo, Giàu Hoài Bão Nhưng Bất Lực Và Bế Tắc Trước Cuộc Sống


Các nhân vật trẻ em trong sáng tác của Nguyên Hồng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ thiếu thốn về vật chất mà chúng còn thiếu thốn cả về tinh thần. Chúng thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc của người thân và sự quan tâm của toàn xã hội. Chúng bị chà đạp về tinh thần, đặc biệt là phải sống thiếu tình mẫu tử, hình như trong những nhân vật trẻ em này ít nhiều đều mang bóng dáng của tác giả thời thơ ấu. Từ cuộc sống thiếu thốn tình cảm của cả cha và mẹ, đặc biệt là sống thiếu tình mẹ của chính mình, Nguyên Hồng am hiểu và cảm thông biết bao những em bé cùng cảnh ngộ như nhân vật Dũng (trong Mợ Du), đàn con của Mũn (trong Đây, bóng tối), đám con của chị Năng (trong Sông máu), nhân vật người con gái (trong Người con gái)... Viết về một người phụ nữ và trẻ em, ngòi bút Nguyên Hồng toát lên một chất thơ tha thiết. Chất thơ ấy đặc biệt tỏa sáng khi nhà văn miêu tả tình mẫu tử thiêng liêng, và cũng thiết tha khi nói đến những trẻ em nghèo sống thiếu tình mẹ. Nhân vật chú bé Hồng (Những ngày thơ ấu) thầm gọi tên người mẹ “hiền từ” và “xinh đẹp” của em không biết bao lần khi đơn côi, trơ trọi giữa cuộc đời. Hoàn cảnh sống khiến mẹ con phải xa nhau nhưng không lúc nào Hồng không nghĩ về mẹ với câu hỏi luôn khắc khoải trong lòng: Mẹ ơi, sao mẹ đi lâu quá không về? và không ít lần Hồng sống trong tâm trạng “đau đớn tê dại” bởi nhớ thương người mẹ “hiền dịu” và “âu yếm” của mình. Sống trong sự thiếu thốn tình cảm của người mẹ, những đứa trẻ mồ côi bao giờ cũng có một cái gì đó trông tội nghiệp và ngơ ngác. Người con gái trong truyện Người con gái bị mồ côi cha lại thiếu vắng tình mẹ, phải ở nhờ nhà chú thím và phải làm đủ mọi mọi việc để giúp gia đình. Nguyên Hồng đã nắm bắt rất “nhạy” tâm trạng của cô bé khi: “Trẻ con đứa nào đứa nấy đều quấn quít lấy bố mẹ, y có muốn nô đùa cũng không có bạn. Y chỉ còn biết thơ thẩn nhìn cái ồn ào rực rỡ tỏa ra mọi nơi, trong khi thằng bé em lò dò dưới những tủ hàng, mắt ngơ ngác” [73, tr. 128]. Chỉ vài dòng gợi tả, nhà văn đã nói hộ cô bé kia sự cô đơn, tủi thân, trơ trọi của cô bé không có mái ấm gia đình. Nguyên Hồng xứng đáng được gọi là nhà văn của người phụ nữ và trẻ em dưới chế độ cũ, bởi những nhân vật này của ông đều có số phận vô cùng bất hạnh, đáng thương.

Nhân vật trẻ em của Nguyên Hồng không chỉ bị xã hội, người đời rẻ rúng, mà ngay trong cả gia đình, trong nhà trường chúng cũng bị hắt hủi, ngược đãi. Nhà trường là nơi dạy chữ nghĩa và giáo dục lòng nhân ái cho con người, dạy cho trẻ


biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, vậy mà oái oăm thay, nhà trường trong xã hội thực dân phong kiến lại tàn bạo và bất công vô cùng đối với học trò. Nhân vật người thầy giáo trong Những ngày thơ ấu đã đày đọa, đánh đập một cách tàn nhẫn cậu học trò Hồng chỉ vì ông ta lầm tưởng rằng Hồng đã cãi lại một cách vô ý thức: “Bốp! chát! bốp! chát! Một cái tát đập mạnh vào mặt tôi bằng sức mạnh của một con thú dữ đương cuồng lên, lại một cái tát khác... rồi một cái tát khác. Hai bàn tay của thầy giáo vả vào mặt tôi chẳng kỳ mắt mũi, gò má thái dương. Tôi phải ôm lấy đầu. Thầy giáo liền giằng tôi ra và đưa những quả đấm nắm chắc vào mặt tôi... làm máu mũi chảy ròng ròng... ống chân mông đít sống lưng bả vai và hai cánh tay tôi như bị vặt ra từng miếng thịt bởi những đầu thước kẻ... Rắc!cái thước kẻ quật lên rồi vọt xuống trần nhà” [73, tr. 245]. Sự ngược đãi của một ông thầy thật là tàn nhẫn, qua trận đòn ác liệt ấy chú bé Hồng đã phải quỳ mọp ở lớp học, “một ngày quỳ 5 giờ... ở một góc tường hôi hám” chưa biết bao giờ ông thầy tàn bạo ấy mới tha cho! Như vậy, ta đã thấy rò sự ngược đãi bất công đối với con trẻ không chỉ diễn ra ở ngoài xã hội, mà nó còn ở cả trong gia đình, trong nhà trường. Ở trong gia đình, chúng bị người thân của mình hắt hủi, đối xử một cách vô trách nhiệm, ở trong nhà trường chúng bị đánh đập một cách dã man. Ở ngoài xã hội chúng bị rẻ rúng, bị lạm dụng sức lao động một cách tàn nhẫn. Trước những nghịch cảnh ấy, trẻ em không tự bảo vệ được mình, chỉ còn biết chống đỡ bằng cách... khóc. Qua những cảnh đời này Nguyên Hồng đã vạch trần ra những “vết thương xã hội” đã khiến trẻ em phải chịu nhiều những tai ương, đau đớn, uất ức về tinh thần, thiếu thốn về vật chất. Nguyên Hồng thể hiện nỗi đau đớn ấy vào từng trang viết, nên trang viết nào cũng khiến cho người đọc phải bàng hoàng, đau xót trước thân phận của những trẻ em nghèo.

Đặc điểm nổi bật thứ hai khi viết về nhân vật trẻ em của Nguyên Hồng là: những nhân vật trẻ em bị cuộc sống nghèo đói đẩy vào con đường lưu manh hóa.

Để phản ánh những nỗi khổ, những nỗi đọa đầy của những thân phận bé nhỏ trong xã hội cũ, Nguyên Hồng đã có một cái nhìn bao quát về tất cả những sự đau khổ của con người - trong đó có nhân vật trẻ em. Sự đọa đày về thể xác thôi chưa đủ, chúng còn chịu đọa đày về tinh thần, và đau xót hơn nữa là chúng đã bị đẩy vào con đường lưu manh, trộm cắp, lừa lọc… để tồn tại (như các nhân vật:


Điều, Tý Sáu (trong Con chó vàng) và một số nhân vật trẻ em khác trong tiểu thuyết tự truyện Những ngày thơ ấu, tiểu thuyết Bỉ vỏ, truyện ngắn Hai nhà nghề, Bảy Hựu)… Cả một thế giới nhân vật trẻ em vì phải kiếm sống (hoặc do những hoàn cảnh éo le đem lại) đã phải sống lang thang, vất vưởng nơi đầu đường xó chợ, học đủ mọi “ngón nghề” của cờ bạc, ăn cắp, lừa lọc đề tồn tại. Nhân vật Điều và Tý Sáu (Con chó vàng), những “vỏ lỏi”, những “tiểu yêu” như Hiếu, Sẹo, Minh… (Bỉ vỏ) tuy còn ít tuổi mà đã phải va chạm với đủ mọi cái phức tạp để kiếm sống như: chơi xóc đĩa, đánh bạc, ăn cắp, lừa lọc... Tuổi thơ của chúng là cả một chuỗi ngày tháng đói rét, thiếu thốn, là phải chịu áp bức, bất công. Cuộc sống “đầu đường, xó chợ” của chúng thật là nghiệt ngã, chúng luôn bị chèn ép, bóc lột bởi những quy định ngầm của “xã hội đen”, phải cống nạp cho những tay “anh chị” thì mới có đất để mà làm ăn, mà tồn tại. Phản ánh thực tế nghiệt ngã này, Nguyên Hồng xót xa chỉ ra rằng: Cho dù chúng là những đứa trẻ nghèo khổ, sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần - thậm chí bị đẩy vào con đường lưu manh hóa thì chúng vẫn là những đứa trẻ giàu tình cảm, nhân hậu, luôn khao khát hạnh phúc gia đình, khát khao tình mẫu tử, giàu nghị lực và luôn mơ ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu Vũ Trọng Phụng nhìn nhân vật trẻ em lưu manh hóa như những con người hư hỏng về bản chất, thì Nguyên Hồng lại nhận thấy ở chúng vẫn còn nhiều phẩm chất tốt đẹp, chúng luôn có sự tương thân tương tương ái, biết yêu thương đùm bọc nhau trong cảnh nghèo khổ (Hai nhà nghề... ); chúng biết đồng cảm, chia sẻ những nỗi buồn đau với nhau (Con chó vàng; Đây, bóng tối...); chúng luôn khát khao cuộc sống lương thiện, trong sạch và đặc biệt là luôn khát khao tình mẫu tử như: nhân vật bé Hồng (trong Những ngày thơ ấu), nhân vật Dũng (trong Mợ Du)…

Tóm lại, thế giới trẻ em trong sáng tác của Nguyên Hồng trước Cách mạng 8/1945 hầu hết đều là những đứa trẻ nghèo đói, bất hạnh, sống một cuộc đời không có tuổi thơ, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, không được yêu thương, đùm bọc, chăm sóc của gia đình và xã hội. Mỗi số phận, mỗi cảnh ngộ đáng thương của chúng được nhà văn miêu tả rất sinh động, đa dạng và sắc nét, gợi nỗi niềm thương cảm và xót xa với người đọc. Tuy nhiên, nhân vật trẻ em trong sáng tác của Nguyên Hồng dù rơi vào hoàn cảnh bất hạnh như thế nào thì chúng vẫn là những đứa trẻ nhân hậu, giàu tình tương thân tương ái, khao khát được sống trong tình

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.


mẫu tử, khao khát một cuộc sống gia đình tốt đẹp, sống trong một xã hội giàu tình thương và lòng nhân ái với con người. Thể hiện và khẳng định những đức tính tốt đẹp này của nhân vật trẻ em, Nguyên Hồng luôn thể hiện tấm lòng thương yêu thắm thiết và nâng niu trân trọng - cũng là điểm mạnh, điểm tiến bộ của Nguyên Hồng - một nhà văn hiện thực giàu lòng nhân ái.

Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 10

Ngoài hai loại nhân vật phụ nữ và trẻ em, Nguyên Hồng còn khắc họa khá thành công và có những nét đặc sắc riêng khi viết về loại nhân vật thanh niên trí thức tiểu tư sản nghèo. Loại nhân vật này có một số đặc điểm như sau:

3.1.3. Những người trí thức tiểu tư sản nghèo, giàu hoài bão nhưng bất lực và bế tắc trước cuộc sống

Viết về cuộc sống và tình cảnh bi đát của người trí thức tiểu tư sản nghèo trước cách mạng tháng Tám đã có khá nhiều sáng tác của nhà văn (kể cả nhà văn hiện thực phê phán và nhà văn lãng mạn). Các tác phẩm của Thạch Lam, Nam Cao, Lan Khai... viết về người trí thức tiểu tư sản nghèo sống trong nỗi cô đơn, khốn khó, bị rơi vào tấn bi kịch của cuộc đời khi “áo cơm ghì sát đất”, với những mơ ước, khát khao ngày càng bị “mòn đi”, “rỉ ra” một cách thảm hại. Nguyên Hồng cũng là một trong các nhà văn thời đó có sự quan tâm sâu sắc về đề tài này. Trong hàng loạt các tác phẩm của ông, nhân vật người trí thức tiểu tư sản nghèo đã hiện lên một cách sinh động với những đặc điểm vừa mang những đặc tính chung giống như một số nhà văn khác, vừa mang những nét riêng chỉ có ở Nguyên Hồng. Và chính ở mảng đề tài này, ở loại nhân vật này, Nguyên Hồng cũng đã khẳng định được sức sáng tạo và những đóng góp riêng của mình.

Qua khảo sát những sáng tác của Nguyên Hồng thời kỳ trước cách mạng, chúng tôi nhận thấy kiểu nhân vật này xuất hiện có phần ít hơn so với kiểu nhân vật người phụ nữ và trẻ em (chiếm 24,5%), nhưng sự phản ánh và sức khái quát của nó thì cũng không kém phần sâu sắc. Nguyên Hồng đã từng là thầy giáo dạy học một cách lén lút cho những con em ở xóm trọ nghèo nàn; đã từng nếm trải cảnh thất nghiệp, cùng quẫn của tầng lớp trí thức tiểu tư sản nghèo trong xã hội cũ - nên nhà văn hiểu sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của họ. Khi xây dựng kiểu nhân vật người trí thức tiểu tư sản nghèo, Nguyên Hồng đã tỏ ra rất giàu vốn sống, rất am hiểu về cuộc sống tối tăm, bế tắc cùng những khát vọng sáng tạo nghệ thuật không


thể thực hiện được của họ trong hoàn cảnh xã hội đầy bất công, đầy tội ác này. Cũng qua kiểu nhân vật này, nhà văn đã thể hiện khá rò quan điểm nghệ thuật của mình.

Sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến, người trí thức tiểu tư sản cũng không thoát khỏi cảnh nghèo đói và thất nghiệp. Nhân vật Hưng (trong Miếng bánh), Huyên (trong Những mầm sống), Sinh (trong Hơi thở tàn), An, Giang (trong Ngọn lửa),… là những văn sĩ hiểu sâu sắc sứ mệnh chân chính của văn chương và khát khao có nhiều sáng tạo văn chương, nhưng xã hội thực dân phong kiến đen tối đó đã không tạo điều kiện cho phép họ sáng tạo và thể hiện năng lực của mình để cống hiến cho xã hội. Người trí thức tiểu tư sản nghèo khổ bị rơi vào bi kịch tinh thần, đó là sự day dứt giữa hoài bão khát vọng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật với thực tiễn đói nghèo tăm tối khiến họ rơi vào cảnh bế tắc, bất lực. Họ khát khao sáng tạo với hy vọng đóng góp được những tác phẩm có ý nghĩa cho cuộc đời, nhưng thực tế là họ phải sống trong tình trạng thất nghiệp, không công ăn việc làm, sống trong những cái “xóm cặn bã”, kiếm sống bằng cách “dạy học lẩn lút từng giờ”, “dạy học một cách khốn nạn”, “lo sợ hồi hộp” để kiếm “món tiền nuôi sống một cách hèn hạ những con người nheo nhóc: dở trò, dở thầy” [73, tr. 201]. Thất nghiệp kéo dài, bệnh tật giày vò, nhân vật Giang (trong Ngọn lửa) đã phải bán dần đi “những quần áo, sách học, những tập truyện và những tập thơ loại giấy đẹp của tôi dần dần bán đi (...) Và tôi càng phải lại nghĩ đến không phải chỉ có mình tôi mà chung quanh tôi, ngay cạnh tôi, biết bao nhiêu kẻ còn lại cùng cực đói khổ hơn tôi nữa” [73, tr. 133]. Người trí thức chỉ thấy: “rò ràng đời mình đen tối và khốn nạn vô cùng, không còn một cái gì để tô điểm che đậy, lấp láp được nữa” [73, tr. 527]. Những lo lắng kiếm sống, những toan tính tủn mủn về vật chất đã ngốn hết thời gian sáng tạo nghệ thuật của họ. Càng ngày họ càng cảm thấy bất lực, bế tắc, càng cảm thấy đau đớn, khổ tâm, bởi hơn ai hết họ hiểu sâu sắc sứ mệnh của văn chương là “Văn chương phải thể hiện những đau buồn thương xót, những mừng vui khao khát, những ước mong tin tưởng” của những người lao động nghèo khổ. Có như vậy nghệ thuật mới đích thực là nghệ thuật phục vụ cho con người. Nhưng sống trong xã hội phong kiến thực dân thối nát đương thời, ước mơ của họ không thể trở thành hiện thực.

Người trí thức tiểu tư sản nghèo trong sáng tác của Nguyên Hồng luôn bị đau đớn, giày vò giữa nhân phẩm, danh dự nghề nghiệp với thực tế đen tối, phũ


phàng. Với kiểu nhân vật này, Nguyên Hồng cũng chú ý phân tích quá trình bị bần cùng hóa của họ. Trong truyện ngắn Vũng máu, Nguyên Hồng đã đưa ra một so sánh về thu nhập của một nhà văn và một người bồi bàn ở những tiệm ăn sang trọng trong xã hội. Nhà văn sáng tác “mỗi năm, tiền sách, tiền báo anh được 1.200 đồng… một người bồi hầu hạ ở cái nơi “quý phái” này, ngày nào mạt nhất cũng được hơn 40 đồng của chúng nó quẳng cho ” [73, tr. 620], đủ thấy “công lao động” của một nhà văn rẻ rúng biết nhường nào. Vì vậy, người trí thức không chỉ bị bần cùng hóa vì lâm vào cảnh thất nghiệp đói khát kéo dài, mà họ còn bị đau đớn, xúc phạm về tinh thần, nhân cách. Nhân vật Hưng (Miếng bánh) do ăn uống kham khổ lâu ngày, muốn mua cho mình một tấm bánh để ăn, một ý muốn rất nhỏ và chính đáng, nhưng anh đã phải dằn vặt và suy nghĩ mãi vì gia tài còn lại của hai vợ chồng là hai hào bạc, là món tiền vợ chồng anh chạy vạy mãi để đi xin việc. Đấu tranh tư tưởng mãi rồi Hưng mới mua miếng bánh, nhưng vừa đưa miếng bánh vào miệng, chưa kịp cảm nhận cái vị thơm ngon của nó, thì hình ảnh người vợ ốm o, đói khát hiện lên trước mắt Hưng. Ngay lập tức, anh cảm thấy đấy là hành động tội lỗi. Hưng cảm thấy mình chỉ là “một thằng khốn nạn”. Hưng tự xỉ vả mình, tự lên án, chất vấn lương tâm, cảm thấy miếng bánh giờ đây “như mảnh thủy tinh tẩm mật cá” trong miệng. Miếng ăn đã trở thành miếng nhục, thành sự tủi hổ đối với Hưng. Cực thay, chỉ vì miếng bánh ăn lúc đói lòng mà anh phải day dứt, xỉ vả mình. Càng day dứt bao nhiêu, lòng tự trọng của Hưng càng tổn thương bấy nhiêu và anh lại càng đau khổ vì điều đó. Nhân vật Sinh (Hơi thở tàn) một trí thức tiểu tư sản nghèo cũng đã từng phải nếm trải cảm giác đói khát “Cái đói đã mở hết móng vuốt ra, cào vào giác quan Sinh, Sinh không thể đứng, ngồi, ngồi yên và quên được nữa với cả cái xác thịt và tâm trí rã rời, ê ẩm” (74, tr. 702). Nhân vật Giang (trong Ngọn lửa) cũng vậy, sau những ngày không có việc làm, cái gì có thể bán được để ăn, Giang đã bán hết. Nhịn đói kéo dài, lúc nào anh cũng có cảm giác thèm thuồng vì đói. Lúc nào anh cũng luẩn quẩn nghĩ tới cái ăn. Một lần, vì quá đói mà không đấu tranh nổi mình, anh đã toan tính và làm cái việc mà anh cho là đáng xấu hổ là ăn trộm cơm nguội của gia đình người chủ nhà trong đêm tối. Sau hành động đó, ngay lập tức, Giang tự vấn lương tâm, tự xỉ vả mình “được ăn học, chữ nghĩa hẳn hoi mà ăn xó mó niêu như thế đấy”, “Bao nhiêu sự khốn nạn sẽ tới… tôi sẽ làm cho bao kẻ “gọi là có học” bị họ rẻ rúng khi liên tưởng đến tôi”


[73, tr. 146]. Anh rơi vào sự giằng xé giữa lương tâm, danh dự và hành động của mình. Sự chất vấn và day dứt lương tâm của Giang cũng phần nào giống tâm trạng nhân vật Hộ của Nam Cao (Đời thừa). Hộ khi phải đứng trước một sự lựa chọn nghiệt ngã: Một bên là nghiệp văn của cá nhân mình, một bên là sự sống của gia đình. Dù say mê văn chương nhưng anh cũng đành phải gác bỏ sự nghiệp văn chương của mình để lao vào kiếm tiền nuôi vợ con. Là người luôn coi trọng tình thương, nhưng cuộc sống tàn bạo đã giết chết luôn cả nguyên tắc tình thương của Hộ. Nó đã đầu độc cuộc sống của Hộ và huỷ hoại tất cả những gì là tốt đẹp nhất của một người trí thức. Viết về mảng đề tài này, giữa Nguyên Hồng và Nam Cao đều thể hiện được những bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản nghèo trong xã hội thực dân phong kiến đương thời.

Sách luôn là món ăn tinh thần, là sản phẩm tinh thần vô giá của mọi người nói chung, giới trí thức nói riêng. Vậy mà nhân vật Lưu (Lúc chiều xuống) đã phải đau đớn bán đi những quyển sách mà anh coi là báu vật, vì gia đình anh đã không còn một thứ gì có thể bán được để đổi lấy cái ăn trước mắt. Bản thân lại đang thất nghiệp, vợ anh đã phải bán cả tấm áo ngày cưới để mà… ăn! Nghèo đói kiệt quệ đã bòn rút sức lực của anh, “Lưu phờ phạc chẳng còn thiết cơm nước như người sắp lên cơn sốt... mắt ngầu ngầu quầng thâm, má tóp...”, những quyển sách mà anh quý giá vô cùng bị rẻ rúng, bị mặc cả mua với cái giá rẻ mạt. Dù đau lòng và cảm thấy bị sỉ nhục, anh cũng phải chấp nhận bán, nhưng trớ trêu thay, người ta cũng chẳng mua sách cho anh vì anh... không mang thẻ căn cước! Lưu cảm thấy bị xúc phạm, đau đớn vì một trong những thứ quý giá nhất với anh là sách thì sách bị rẻ rúng, chẳng có giá trị gì với người mua, nhân phẩm của anh thì bị coi thường, cuộc sống trước mắt thì bế tắc, anh hoàn toàn bất lực trước hiện thực đen tối ấy!...

Người trí thức tiểu tư sản trong sáng tác của Nguyên Hồng trước Cách mạng tháng

Tám năm 1945 mỗi người một cảnh ngộ riêng, qua ngòi bút Nguyên Hồng, chân dung của họ hiện lên chân thực và đau xót. Và đâu đó, qua những trang văn ít nhiều đã để lại những phần đời thực của tác giả đồng điệu với chân dung nhân vật trong tác phẩm.

Điểm qua đặc điểm tính cách của những nhân vật trí thức tiểu tư sản nghèo của Nguyên Hồng, ta còn thấy rất rò ở họ những nét nhu nhược, yếu đuối, thậm chí là hơi hèn nữa. Ví dụ như: nhân vật người trí thức trong Giọt


máu khi thấy kẻ ác hoành hành (mụ chủ nhà chửi mắng và nhẫn tâm tước đi những bắp ngô mà Thạo bé chăm chút để trừ vào tiền nợ của gia đình em, tước đi niềm hi vọng nhỏ nhoi của bé Thạo), họ chỉ bó tay chịu bất lực, không dám bênh vực, bảo vệ người bị hại, bị đối xử tàn nhẫn, tuy rằng thâm tâm có sự cảm thông và sự căm phẫn rò ràng. Nhân vật Thân (trong Quán Nải) cũng thường dè dặt trong giao tiếp, ứng xử, nặng về suy nghĩ nội tâm hơn hành động; Nhân vật Minh (trong Lưới sắt) sau khi đi tù về, nhìn cái gì cũng sợ sệt, hốt hoảng, muốn né tránh mọi chuyện. Tuy nhiên, khi chứng kiến những cảnh đời đau khổ lầm than của nhân dân lao động, Minh đã nhận thức lại và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng - Và đây chính là sự tiến bộ trong nhận thức tư tưởng của Nguyên Hồng khi phản ánh về hình tượng người trí thức tiểu tư sản khi họ nghĩ về nhân dân lao động, về cách mạng.

Tuy rơi vào hoàn cảnh bế tắc, bất lực và phải chịu đựng sự uất ức tủi hổ về tinh thần, nhưng nhân vật người trí thức tiểu tư sản của Nguyên Hồng không vì thế mà trở nên khinh bạc, hoặc trốn đời, rời xa những người lao động nghèo khổ, trái lại họ có một trái tim chan chứa yêu thương đối với những người dân nghèo lam lũ. Bản thân Nguyên Hồng khi phải vật lộn kiếm sống và chính trong những ngày đau khổ, đói khát, lang thang đi tìm việc làm ở Sáu Kho, Xi Măng, Cốt Phát,… Nguyên Hồng lại thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn bởi ông biết mình đang sống giữa những con người giàu tình cảm, trọng tình nghĩa. Tình cảm và sự lạc quan của người lao động đã thôi thúc nhà văn viết về những con người lao khổ ngay từ những tác phẩm đầu tay của mình. Cũng như vậy, nhân vật người trí thức tiểu tư sản nghèo của Nguyên Hồng tuy bất lực trước cuộc sống đen tối, nhưng họ không hề tuyệt vọng - đó là điều vô cùng quý giá trong hoàn cảnh ngặt nghèo này.

Mặt khác, những người trí thức tiểu tư sản nghèo trong xã hội đen tối ấy đã tìm thấy được chất thơ từ đời sống cần lao, từ những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm suốt tháng để kiếm sống. Họ thấy mình phải gần gũi “cảm thông” “tin tưởng tha thiết”, “một tình yêu thương đắm đuối”, “một niềm đồng cảm sâu sắc” vào những người “cùng hoàn cảnh, cùng một đời sống thấp kém và tối tăm, vì thiếu thốn đủ mọi thứ, vì phải chịu đựng đủ mọi thứ” (Lớp học lẩn lút). Đồng thời người trí thức cũng xác định phải gắn bó với nhân dân lao động như “rễ dây tơ bám riết lấy lòng đất, càng lâu bao nhiêu càng vững chắc,

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022