Những Đứa Trẻ Nghèo Dưới Đáy Xã Hội, “Không Có Tuổi Thơ”


Hơn ai hết, Nguyên Hồng hiểu sâu sắc nỗi đau khổ và sự ê chề, khốn nạn của những phụ nữ phải sống bằng nghề mại dâm, phải làm trò chơi cho thiên hạ để kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình. Đây cũng là nét khác biệt của Nguyên Hồng so với những nhà văn khác cùng thời. Nguyên Hồng đặc biệt chú ý đến những người phụ nữ được sinh ra ở nông thôn, bị đẩy ra thành thị và bị trượt dài trên con đường lưu manh hoá và tha hoá như nhân vật Tám Bính, Chín Huyền, Bảy Hựu... Với kiểu nhân vật này, Nguyên Hồng đã rất chú ý miêu tả sự tương phản trong bản chất và tính cách của họ (giữa cái tốt - xấu, cao thượng - thấp hèn...), để làm nổi bật bản chất lương thiện của con người cho dù bị hoàn cảnh xô đẩy, phải sống cuộc sống dữ dằn, tội lỗi, tủi nhục để tồn tại - nhưng trong sâu thẳm bản chất họ vẫn là những con người giàu tình cảm, sống nhân nghĩa và đặc biệt là sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình cho những người cùng cảnh ngộ. Trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Thạch Lam, ta cũng gặp hình ảnh những người phụ nữ bất hạnh vì cuộc sống đen tối, bế tắc, không lối thoát như nhân vật chị Dậu (trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố), mẹ Lê (trong Nhà mẹ Lê của Thạch Lam), hoặc nhân vật Dần (trong Một đám cưới), Dì Hảo (trong Dì Hảo), Nhu (trong Ở hiền) của Nam Cao… Tuy nhiên, những người phụ nữ khốn khổ này chỉ bị đẩy đến cùng đường vì đói khát và bế tắc - chứ chưa bị đẩy vào con đường bị tha hóa, bị lưu manh hóa như một số nhân vật phụ nữ của Nguyên Hồng.

Không chỉ phản ánh một cách sâu sắc những nỗi bất hạnh khôn cùng của người phụ nữ Việt Nam trước năm 1945, mà Nguyên Hồng còn miêu tả cụ thể những đức tính tốt đẹp mang tính truyền thống của họ - đó là tấm chân tình và lòng yêu thương của tác giả giàu lòng nhân ái này.

Các nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của Nguyên Hồng thường là những người hiền lành, thậm chí rất nhẫn nhục chịu đựng, rất chịu khó, luôn khát khao hạnh phúc gia đình, muốn được làm vợ, làm mẹ, muốn có một cuộc sống lương thiện cho dù phải chịu bao khó khăn, vất vả, bao tủi nhục, đày đọa, đớn đau. Đây cũng là điểm mạnh và điểm khác của ngòi bút Nguyên Hồng so với một số các nhà văn khác cùng thời, cùng khuynh hướng - bởi ông đã đi vào phần sâu thẳm thiêng liêng nhất của đáy lòng và trái tim người phụ nữ Việt Nam.

Như đã nói, hầu hết các nhân vật phụ nữ của Nguyên Hồng đều là những con người chịu thương, chịu khó, tảo tần chăm lo cho cuộc sống gia đình, hi sinh


hết thảy vì chồng, vì con. Đó là những bà mẹ buôn thúng bán bưng, đầu tắt mặt tối để nuôi gia đình “buôn bán rau đậu, trầu cau lần hồi ở các chợ và trên đường sông Nam Định”, với “những đêm lạnh dài để mà thao thức lo toan, bàn tán vun đắp cho nhà cửa, cho tuổi già, cho con cái[73, tr. 755] như bà và mẹ bé Hồng (trong Những ngày thơ ấu); Hay Mũn “người đàn bà yếu đuối nhưng can đảm”, nuôi một người chồng mù lòa và bốn đứa con thơ dại (trong Đây, bóng tối); bác Nấu gái (trong Nhà bố Nấu) "say mê buôn bán đến quên cả ăn, cả ngủ. Và bác còn bỏ cả ăn, cả ngủ vì nợ… bác không muốn chồng thấy sự thua lỗ chồng chất trong cái lúc khó khăn, thà một mình bác chịu tất cả mọi nỗi còn hơn để chồng con hay biết” [73, tr. 270]. Nguyên Hồng hiểu rằng: “Lòng vị tha quí hóa ấy, người ta chỉ tìm thấy trong những người nghèo, người bị bóc lột, bị đè nén, những người có bao nhiêu năng lực và đức tính bị dập tắt dưới chế độ xã hội tàn ác này” [73, tr. 163].

Có một điểm khá đặc biệt là: khi viết về những người phụ nữ nghèo khổ dưới đáy xã hội với biết bao bi kịch của cuộc đời họ, hình như ngòi bút của Nguyên Hồng đã chạm đến một vấn đề quan trọng - đó là vấn đề giai cấp và vấn đề Giới. Do nhạy cảm đặc biệt với thân phận người phụ nữ, do tiếp thu văn hóa phương Tây, do ảnh hưởng của Đạo Thiên chúa giáo... nên Nguyên Hồng nhìn người phụ nữ không phải chỉ là nạn nhân của xã hội đương thời mà còn là nạn nhân của chế độ nam quyền, của những hủ tục ngàn đời của làng quê Việt Nam trong đó có sự thống trị của chế độ nam quyền dai dẳng có từ thời phong kiến, hay những hủ tục trừng phạt người đàn bà mang thai, nạn ngả vạ chè chén... Khi viết về họ, Nguyên Hồng đã đề cập tới một vấn đề lớn mang tính nhân loại và thời đại - đó là vấn đề gia đình, vấn đề tình yêu và hôn nhân, vấn đề hạnh phúc cá nhân của những người phụ nữ - cho dù đó là những người phụ nữ nghèo khổ dưới đáy xã hội.

Hình ảnh người mẹ của chú bé Hồng (trong Những ngày thơ ấu) là hình ảnh của người phụ nữ trẻ, có nhan sắc, sống bên người chồng già mà mình không yêu, những ước mơ, những khao khát yêu thương của chị hầu như không được chồng biết đến. Cuộc hôn nhân không có hạnh phúc ấy làm tâm hồn chị “quằn quại”, “đau đớn”. Tiếng gọi của tuổi trẻ, của tình yêu đôi lứa nhiều lúc làm chị rạo rực, cặp má ửng hồng “khi gặp cặp mắt long lanh của người đàn ông nọ chiếu tới”, và chị đã có những buổi chiều dắt con ra sân trước để “đón những tốp lính


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

kia đi qua với tiếng kèn rộn rã tưng bừng” [73, tr. 194]. Vì khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc gia đình nên một thời gian sau khi chồng chết chị đã đi bước nữa, nhưng cũng thật bi kịch. Hạnh phúc riêng tư của chị có thể nào trọn vẹn khi chị phải xa con, đi tha phương cầu thực kiếm ăn, mà trong lòng lúc nào cũng đau đáu một niềm nhớ con vô hạn?

Không chỉ khát khao hạnh phúc lứa đôi mà nhân vật người phụ nữ của Nguyên Hồng còn có sự khát khao sâu thẳm hơn, thiêng liêng hơn, đó là họ luôn đau đáu khát khao tình mẫu tử. Nhân vật mẹ Hồng (trong Những ngày thơ ấu), Tám Bính, Hai Liên (trong Bỉ vỏ), Mợ Du (trong Mợ Du), mẹ của Tuyên (trong Cuộc sống), Bà mẹ Thưởng (trong Hai mẹ con)... mụ Mão (trong Người mẹ không con), Muống (trong Quán Nải)... khát khao được làm vợ, làm mẹ, khát khao có được những đứa con để nuôi nấng, để ôm ấp, dù mình phải cực khổ như thế nào. Ở họ “Tình mẫu tử như một bản năng mãnh liệt”, và những nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của Nguyên Hồng đều được khắc họa rất đậm nét mẫu tính ấy. Tình mẫu tử khiến người phụ nữ quên đi nỗi nhọc nhằn mà họ đang phải chịu đựng: Tám Bính (trong Bỉ vỏ) sống cuộc đời trộm cắp, lưu manh va chạm đủ mọi thói ô trọc của cuộc đời, nhiều khi sống bằng lừa lọc và tàn nhẫn, vậy mà trong sâu thẳm tấm lòng mình lúc nào Bính cũng nhớ đến đứa con tội nghiệp của mình đã bị bán đi. Đứa con, chính là niềm hy vọng để Bính có thể đứng dậy sau mỗi lần bị vùi dập tả tơi! Nhân vật mụ Mão (trong Người mẹ không con) cũng như bao người phụ nữ khác thấm thía rằng, người đàn bà không có con thì “phải chịu cái cảnh cô độc còn ghê gớm hơn là tù tội” [73, tr. 418], mụ bị chồng bỏ, phải đi lấy ông chồng khác, thường xuyên phải chịu những đánh “thừa sống thiếu chết” của ông chồng mới cũng vũ phu không kém, nhưng khi ông ta chết, mụ lại quay về nuôi nấng đàn con lóc nhóc của ông chồng cũ.

Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 9

Đối với kiểu nhân vật phụ nữ cùng đường, phải làm những nghề xấu xa nhất để tồn tại, thì ở họ cũng luôn có một sự khát khao trở về cuộc sống lương thiện, cuộc sống của những người phụ nữ có chồng, có con, có gia đình ấm cúng. Những nhân vật như Tám Bính, Chín Huyền, chị Năng,… cũng vì đói nghèo, bị áp bức, bóc lột trở nên tha hoá, biến chất, bị xô đẩy vào con đường tăm tối (đĩ điếm), tội lỗi (ăn cắp, ăn cướp, buôn lậu…), nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn luôn ánh lên niềm hi vọng, niềm khát khao được sống một cuộc sống lương thiện với một


gia đình ấm cúng. Nhưng xã hội dường như đã chặn đứng những ước mong rất chính đáng của họ, khiến họ có khi phải chết trong oan ức như nhân vật chị Năng (Sông máu), chết thảm như nhân vật Bảy Hựu (Bảy Hựu), chết nhục nhã, thảm hại trong những nhà chứa như một số cô gái trong Bỉ vỏ, hoặc mãi mãi sống trong tù tội như nhân vật Chín Huyền (trong Chín Huyền), Tám Bính (trong Bỉ vỏ)... Với cách xây dựng nhân vật theo kiểu tương phản đối lập (là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của Nguyên Hồng), nhà văn khẳng định: hoàn cảnh sống thực tại đen tối, nghiệt ngã, đau khổ, bất hạnh bao nhiêu thì tấm lòng nhân vật vẫn ngời sáng, vẫn ánh lên nét đẹp của sự vị tha, của tình mẫu tử và của sự hướng thiện. Và họ luôn sống với những khát khao bình dị nhất: được làm vợ, làm mẹ, được hi sinh vì những người thân yêu nhất của mình!

Khảo sát những sáng tác của Nguyên Hồng từ năm 1939 đến năm 1945, qua các truyện ngắn: Người đàn bà Tàu (1939), Bà cụ Việt (1945), Hơi thở tàn (1944)… chúng tôi nhận thấy, từ năm 1939 trở đi, do đã được tiếp cận với tư tưởng cách mạng của Đảng, nên khi viết về người phụ nữ Nguyên Hồng đã phản ánh, miêu tả họ ở một tầm nhận thức mới. Ở họ, tính nhân đạo gắn với ý thức chính trị. Những người phụ nữ nghèo khổ luôn nhẫn nhục cam chịu kia đã có một sự phản kháng (kể cả trong tư tưởng và hành động). Họ đã “muốn hất tung đi”, thực tại đen tối đang bủa vây cuộc đời họ. Trong truyện ngắn Cuộc sống (1942) bà mẹ Tuyên đã yêu thương con, yêu luôn cả bạn bè và lý tưởng của con, nên khi người con bị bắt vì hoạt động chính trị, bà “tuy mênh mông đau khổ nhưng cũng lại man mác sung sướng” [97, tr. 143]. Đó là một tâm trạng, một suy nghĩ, một lối ứng xử hoàn toàn mới của người phụ nữ Việt Nam nghèo khổ ngày đó. Cũng vậy, trong tiểu thuyết Hơi thở tàn, tác giả cũng đã khắc họa hình ảnh những con người lao động dưới đáy với một góc nhìn khác, người lao động ở đây không còn chỉ là những con người khốn khổ đáng thương nữa, ở họ đã hình thành tinh thần hữu ái giai cấp. Họ trở thành chỗ dựa cho nhau, bao bọc nhau. Thậm chí họ “dám đối chọi chứ không chỉ một mực van xin” trước bọn người áp bức mà nhân vật bà cụ An, bác Năng là những người như thế. Nổi bật trong truyện ngắn Bà cụ Việt, tác giả đã khắc họa một không khí ngột ngạt, căng thẳng của xã hội Việt Nam trước ngày tổng khởi nghĩa 1945, hình ảnh bà mẹ nghèo kiên quyết đấu tranh với giặc, tuyên truyền giác ngộ binh lính, giành lúa gạo về tay nông dân đã được Nguyên Hồng tô đậm bằng niềm kính phục vô hạn. Bà cụ Việt đã nêu cao tinh thần đấu tranh với quan niệm:


“Càng già yếu lúc này càng phải ra. Bảy tám mươi tuổi đầu rồi có sao tôi cũng chẳng ân hận gì vì gánh vác được cho dân làng, cho đất nước, để cho các anh em giai trẻ ở lạiĐằng nào con người ta cũng chết một lần để được mãi mãi tự do sung sướng, mở mày mở mặt, thì lại càng không nên sợ chết… Chúng ta phải sống cho ra người. Chúng ta phải nổi lên mà tranh đấu. Hy sinh mà tranh đấu” [73, tr. 631-632]. Tinh thần đấu tranh bất khuất của bà mẹ là nguồn động viên khích lệ dân làng đoàn kết đứng lên để chống lại bộ máy thống trị tàn bạo của kẻ thù, để giành quyền sống về mình thật đáng trân trọng biết bao!

Năm 1939, Nguyên Hồng viết truyện ngắn Người đàn bà Tàu phản ánh phong trào đấu tranh của công nhân Bắc Kỳ, đặc biệt là ở Hải Phòng. Trong truyện ngắn này, nhà văn đã miêu tả hình ảnh người đàn bà Tàu giơ nắm tay đấu tranh quyết liệt: “Tả tào khủng phu... Tả tào khủng phu...” - hình ảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc về một bà mẹ cần lao tha hương, không phân biệt tiếng nói, quê hương, đã xuống đường cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh với bọn bóc lột để giành quyền sống. Có lẽ Nguyên Hồng là người đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam gia đoạn trước năm 1945 xây dựng được hình tượng người phụ nữ công nhân đấu tranh dũng cảm, chứa đựng tinh thần giai cấp và tinh thần quốc tế vô sản. Đây cũng là sự tiến bộ trong tư tưởng của nhà văn khi viết về người phụ nữ nghèo khổ trong xã hội cũ. Các nhà văn hiện thực khác như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... khi viết về người phụ nữ thì chúng ta nhận thấy rất rò là: các tác giả này mới chỉ dừng lại ở chỗ cảm thông, thương xót và phát hiện ra vẻ đẹp, lòng vị tha và sự hy sinh hết mình của họ - chứ chưa thấy được sức mạnh phản kháng mạnh mẽ của họ đối với xã hội và khát vọng đứng lên đấu tranh, giành lại cuộc sống, quyền sống cho mình như nhân vật người phụ nữ của Nguyên Hồng.

Tóm lại, nhân vật phụ nữ trong sáng tác của Nguyên Hồng hầu hết là những người nghèo khổ, bất hạnh và cuộc đời chịu nhiều bi kịch. Nguyên Hồng đã phản ánh một cách chân thực đa dạng và sinh động những nỗi khổ khôn cùng của họ, đồng thời nhà văn cũng đã phát hiện và nâng niu từng chút sáng của lòng vị tha, đức hi sinh cùng với những khát vọng trong tâm hồn của họ (đó là khát vọng được làm người lương thiện, khát vọng được làm vợ, làm mẹ một cách chính đáng, khát vọng sống một cuộc sống bình dị như bao người khác). Điều đó đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc và tấm lòng thương yêu tha thiết của Nguyên Hồng đối với những nhân vật phụ nữ trong sáng tác của mình.


3.1.2. Những đứa trẻ nghèo dưới đáy xã hội, “không có tuổi thơ”

Văn xuôi Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 nói chung, văn xuôi hiện thực phê phán nói riêng đã có khá nhiều tác phẩm viết về số phận của trẻ em trong xã hội thực dân phong kiến và đã để lại nỗi xót xa, thương cảm cho bao thế hệ người đọc, như: truyện ngắn:“Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), truyện dài Sống nhờ (Mạnh Phú Tư), các truyện ngắn: “Trẻ em không được ăn thịt chó”, “Một bữa no”, “Một đám cưới” (Nam Cao)... Những tác phẩm trên đều đã thể hiện rò thái độ lên án, phê phán quyết liệt đối với xã hội thực dân phong kiến vô nhân đạo xưa và tấm lòng thương yêu tha thiết đối với trẻ em - những đối tượng mà ở bất cứ chế độ xã hội nào cũng cần được nâng niu, yêu quý, bảo vệ và nuôi dưỡng - của các nhà văn giàu lòng nhân ái trên. Tuy nhiên viết nhiều và phản ánh một cách toàn diện, khái quát về cuộc sống thiếu thốn cả về tinh thần và vật chất của trẻ em nghèo giai đoạn trước cách mạng tháng Tám 1945, thì đầu tiên phải kể đến những sáng tác của nhà văn Nguyên Hồng. Nguyên Hồng đã viết về những sinh mệnh đáng thương này bằng cả trái tim, bằng chính những trải nghiệm đầy xót xa trong thời thơ ấu của mình nên có sức lay động lòng người hết sức sâu sắc và cảm động.

Qua khảo sát 61 sáng tác của Nguyên Hồng trước cách mạng, chúng tôi thấy đã có 20 truyện viết về đề tài trẻ em (chiếm tỉ lệ 32,7%), đó là chưa tính đến sự xuất hiện của nhân vật trẻ em rải rác trong một số truyện khác. Qua những sáng tác này, chúng tôi nhận thấy một số đặc điểm nổi bật ở loại nhân vật đáng thương này như sau:

Trước hết, đó là những đứa trẻ nghèo, có số phận bất hạnh và “không có tuổi thơ”, chúng đều là những đứa trẻ nghèo khổ, sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống, bị lạm dụng sức lao động một cách tàn nhẫn, chúng không có quyền và không tự bảo vệ được mình trong xã hội đen tối đầy cạm bẫy, bất công. “Những ngày thơ ấulà một cuốn tiểu thuyết tự truyện ghi lại những năm tháng ấu thơ đầy tủi cực cay đắng của nhân vật “tôi” - chú bé Hồng. Mồ côi cha từ năm 12 tuổi, mẹ đi bước nữa và thường phải đi làm ăn xa, cậu bé thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tình chăm sóc của người thân nên đã phải lang thang khắp đầu đường xó chợ, khắp các vườn hoa, bến tàu, bến xe, để làm thuê, đánh bi, đánh đáo kiếm ăn; phải sống chung đụng với đủ hạng trẻ bơ vơ, đói khát,


du đãng trong xã hội thị thành. Một trong những nguyên nhân khiến cho dòng tự thuật trở thành một tác phẩm xuất sắc chính là Nguyên Hồng đã xây dựng thành công nhân vật văn học “Chú bé Hồng” - một điển hình về cuộc đời những em bé bất hạnh trong xã hội cũ, đã khơi gợi ở người đọc những rung động sâu xa. Cũng qua cuốn hồi ký này, ta bắt gặp những em bé khác nữa “làm đủ mọi nghề nhỏ mọn” như: bán báo, bán xôi, đi ở, bế em hay nhặt bóng thuê, ăn mày, ăn cắp... ở khắp các ngò hẻm, vườn hoa, cổng chợ, bến phà... Mỗi em mỗi gương mặt, mỗi cảnh ngộ nhưng đều giống nhau ở cảnh đói nghèo lam lũ, cơ cực bị đọa đầy, bất hạnh. Trong sáng tác của Nguyên Hồng trước 8/1945, chúng ta gặp rất nhiều những trẻ em như vậy, đó là bé Hồng (trong Những ngày thơ ấu), Tý con, Tần (trong Những mầm non), Nhân (trong Hai nhà nghề), nhân vật Mũn (trong Đây, bóng tối)...

Nỗi khốn khổ, sự đọa đày tàn nhẫn của xã hội thực dân phong kiến đối với những trẻ em nghèo được nhà văn phản ánh một cách đa dạng, cụ thể và sinh động, mỗi em mỗi hoàn cảnh, mỗi nỗi trái ngang. Đã từng bị đẩy vào nhà tù thực dân từ khi còn là trẻ con, sống ở một nơi chỉ có thói tàn nhẫn, độc ác, nên không ít lần cậu bé Hồng - hình ảnh nhà văn - đã từng phải ôm mặt khóc mỗi khi đi làm “cỏ vê” về, khóc ngay dưới gốc cây, bên cạnh xe bò rác. Có lẽ do có một tâm hồn đặc biệt nhạy cảm với nỗi khốn khổ của trẻ em, nên Nguyên Hồng nhiều khi quặn đau ứa nước mắt khi phải chứng kiến những cảnh giữa gió mưa, rét mướt biết bao trẻ em khóc như xé vải ở trong nhà tù thực dân: “Mưa phùn tạnh từ hôm kia, nhưng gió rét càng thổi mạnh. Da thịt người nhức buốt vì khí lạnh. Con nhỏ của tù đàn bà khóc suốt đêm. Chúng khát sữa, sữa của mẹ chúng như cạn mất rồi” [73, tr. 142]. Những ngày tết đến, khi mọi người được hưởng sự ấm cúng trong gia đình của mình, thì những tù nhân trẻ con cùng với những bà mẹ tội nghiệp của chúng vẫn ở trong tù. Cảnh đọa đày làm cho chúng không những thiếu sữa, mà đến cả ngủ cũng không được yên giấc: “Ở trại giam bên kia, trẻ con thức giấc từ lâu khóc thét mãi lên, những trẻ con ốm yếu của các tù đàn bà vô tội” [73, tr. 152]... Rồi cuộc sống của chúng sẽ ra sao? Nỗi khổ đau, bất hạnh nào của con người cũng đều đáng được cảm thông, chia sẻ, nhưng khi nỗi khổ đau bất hạnh ấy giáng xuống đầu con trẻ, thì tự nhiên và ngay lập tức người lớn chúng ta cảm thấy đớn đau và xót xa hơn rất nhiều lần.


Trong truyện ngắn Đi nhà văn đã miêu tả cảnh một đoàn người đói khát bỏ làng, bỏ xóm ra thành phố để làm bất cứ việc gì, miễn là để có ăn, để giành giật lấy cuộc sống. Họ cứ đi mà không biết sẽ đến đâu, sẽ chết ở bất cứ nơi nào? Bên những xác chết la liệt hai bên đường ấy có một người mẹ đã chết “nằm ưỡn ngực lên, ngực đã khô cứng đen cóc đen cáy. Ở cái đầu vú to thây lẩy, một đứa bé cứ rúc vào bú, miệng nó nhay nhay, một tay luồn vào nách, một tay vân vê cái vú lép hơn. Cái núm thịt chết khô căng lên ấy đã được đứa bé tưởng là còn sữa, đầy sữa, như người mẹ đã lại được no, nên đứa bé lại cố nún ụt à ụt ịt một cách hăm hở và lại vân vê một cách sung sướng” [73, tr. 466]. Một hình ảnh thật thương tâm, thật xót xa, đắng đót. Cảnh tượng này được nhà văn “viết bằng nước mắt, những dòng nước mắt không có giọt cuối cùng” (Linh Thi) làm đau đớn đến tê dại cả lòng người đọc. Đó cũng chính là tiếng kêu thương vút lên từ những số phận khốn cùng trong xã hội cũ, trong đó có số phận tội nghiệp của những bé em chưa rời vú mẹ. Em bé có thể sống sót không khi mẹ em đã chết vì đói, khi bầu vú đã khô đét không còn giọt sữa? Những câu hỏi nhức nhối xoáy sâu vào lòng người đọc khiến cho bao trái tim quặn đau vì xót thương.

Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 -1939) ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang). Ở trong tù, nhà văn được tiếp xúc với nhiều chiến sĩ Cách mạng nên lại càng có điều kiện tiếp nhận lý tưởng tiến bộ - lý tưởng cộng sản. Ông đã hiểu sâu hơn những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự khốn cùng của tầng lớp dân nghèo. Vì vậy, vấn đề nhà văn đặt ra qua số phận những nhân vật trẻ em đã được nâng lên ở một chiều sâu mới đó là: việc phải cứu lấy trẻ em, cứu lấy những sinh linh vô tội, cứu lấy thế hệ tương lai của dân tộc trong cảnh khốn cùng này: “Phải đem sữa lại cho những bà mẹ nhiều con dại ở các nước chiến tranh tàn phá... Phải trả sữa lại cho những cái miệng bé nhỏ há rộng, lưỡi gần cứng đó, dưới những bầu vú lép. (...) Sữa! Sữa!... Người ta đương chờ đợi ở một thi sỹ một bài thơ, ở một nhà văn một trang truyện, kêu đòi sữa cho trẻ em” [73, tr. 187]. Tiếng gọi khẩn thiết ấy vang lên qua từng tác phẩm của nhà văn - đây cũng là một nét khác biệt của Nguyên Hồng so với các nhà văn cùng khuynh hướng, và cũng là một đóng góp đáng quí của một nhà văn hiện thực sớm tìm đường đến với Cách mạng được bắt đầu từ những rung động, sự đau đớn tột cùng vì số phận của trẻ thơ.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022