Nghệ Thuật Miêu Tả Tâm Lý Nhân Vật Qua Độc Thoại Nội Tâm


ngay cả khi ăn uống hay vui chơi. Niềm vui duy nhất của em là chăm sóc hai luống ngô với mơ ước khi thu hoạch ngô sẽ có tiền mua gà nuôi, để Tết bán gà đi sẽ có tiền may áo mới. Khi ngô sắp được thu hoạch, mụ chủ nhà nhẫn tâm bẻ trụi những bắp ngô non để trừ nợ tiền nhà của bố mẹ em, tước đi niềm hi vọng và niềm vui nhỏ bé của Thạo. Thạo tiếc nuối và đau xót. Sau trận ốm kịch liệt, Thạo chỉ còn là một cái bóng, “cái bóng còm còi ấy thường thần mặt ra mà nhìn thiếp vào khoảng không”. Tả vẻ mặt ngây thơ và “đôi mắt lưu ly” của Thạo, tác giả đã xoáy sâu vào sự thất vọng, đau đớn của em khi bị mụ chủ nhà đối xử tàn nhẫn “trong khối lưu ly của hai lòng mắt nâu sáng của Thạo bé, những ngấn long lanh lại luôn luôn hiện lên và mờ đi, hàng my dài, cong và tơ càng đờ đẫn thêm trong cái quầng thâm hằn như cắt khỏi nước da xanh mướt” [73, tr. 550]. Tình huống truyện ngày càng được đẩy căng nhằm khắc họa sâu sắc sự tổn thương của bé Thạo. Em như một con chim non nhỏ nhoi đến tội nghiệp, không chống nổi sự phũ phàng, tàn nhẫn của kẻ mạnh. Chính vì vậy, người đọc càng xót xa và căm giận trước những hành động vô nhân đạo, táng tận lương tâm của bọn nhà giàu trong xã hội xấu xa đó.

Trong Những ngày thơ ấu, nhân vật bà nội của bé Hồng được nhà văn tập trung miêu tả biết bao sự chán chường mệt nhọc thể hiện trên gương mặt già nua cằn cỗi của bà: “từ trong hốc mắt tối những giọt nước mắt tràn ra lai láng trên gò má hóp răn reo, như một đập nước khô cạn bỗng đầy ứ đến vỡ lở” [73, tr. 747]; Sự từng trải với những khổ đau của cả đời người được đọng lại qua những nếp nhăn trên mặt và lời nói thể hiện sự uất ức, giận hờn “gương mặt hốc hác nhăn nheo trong hai quầng mắt sâu thẳm” của “một đời tối tăm của một người đàn bà thường dân, nhanh chóng nhưng thấm thía rò rệt, đã kêu lên bằng giọng khan khan rền rĩ” [73, tr. 747]. Hay hình ảnh người cha bé Hồng với “vẻ ốm yếu rũ rượi”... chán ngán như không còn thiết đến sự sống nữa. Với lòng kính yêu người mẹ “hiền từ” và “đau khổ” của mình, nhà văn cũng đã dụng công miêu tả nhân vật người mẹ bé Hồng: “vẻ mặt xinh tươi ... giọng cười nói nhẹ nhàng, sự thùy mỵ kính cẩn... hai con mắt sáng ngời trên nước da mịn màng như trứng gà bóc”, nhưng “lại chứa đựng những tâm tư hằng giá buốt vì những phiền muộn, những đau đớn chua cay nhất, tối tăm nhất” [73, tr. 736] của người phụ nữ còn quá trẻ lấy người chồng già mà mình không yêu, không có hạnh phúc gia đình. Hình ảnh “Mặt mẹ tôi rầu rầu, đầu hơi cúi, mắt nhìn như không thấy gì, đi rất chậm” biểu lộ một tâm trạng mệt


mỏi, buồn thảm khi cảnh nhà sa sút và tâm trí đã hoàn toàn tê buốt về những ý nghĩ thấm thía về sự trụy lạc không phương cứu chữa của gia đình... Nhà văn đã diễn tả những biến thái tinh vi trong tâm hồn người mẹ bé Hồng, những thổn thức, hồi hộp lạ thường của chị khi nghe tiếng kèn của cai H. Trong cuốn hồi ký này, nhân vật cai H chỉ được miêu tả thoáng qua có 3 lần về ngoại hình. Đó là người đàn ông có dáng người “tầm thước”, gương mặt “trắng trẻo”, “mắt sáng, sống mũi hơi cao, hai hàm răng trắng phau, ăn vận gọn ghẽ” [73, tr. 741] với tiếng kèn rộn rã đã để lại ấn tượng sâu sắc về một người đàn ông trẻ tuổi, căng tràn sức sống, đối lập với vẻ “ốm yếu, rũ rượi” của ông bố Hồng. Tuổi trẻ và sức sống của người thổi kèn đã khơi gợi những thổn thức, những ước mong thầm kín trong lòng người phụ nữ trẻ, hứa hẹn một tương lai tươi sáng, đối lập với cuộc sống hiện tại âm thầm tẻ nhạt của chị. Tiếng kèn của cai H. náo nức, âm vang như như lời mời gọi tình yêu thiết tha đối với những trái tim khao khát yêu đương đang bị dập vùi. Nghe tiếng kèn và khi nhìn người thổi kèn, bắt gặp ánh mắt long lanh của người đàn ông nọ chiếu tới, “trống ngực mẹ tôi đập lạ thường”, “những con mắt của mẹ tôi sáng lên nhìn người thổi kèn và hai gò má mẹ tôi ửng hồng khi gặp cặp mắt long lanh của người đàn ông nọ chiếu tới” [73, tr. 743]. Nhiều lần nhà văn miêu tả đôi mắt sáng và gò má ửng hồng của người mẹ, nhằm khắc họa cái hạnh phúc nhỏ nhoi, tội nghiệp, sự bâng khuâng, e thẹn của một người phụ nữ trẻ, những rung động thầm kín của một con tim trước một tình yêu không thể có. Ngòi bút của Nguyên Hồng thường phân tích tỉ mỉ, tường tận những cảm xúc mơ hồ, những diễn biến tâm lý tinh vi của nhân vật qua những nét ngoại hình như thế.

Trong cả 174 trang tiểu thuyết Bỉ vỏ chỉ có 4 lần tác giả miêu tả thoáng qua chân dung Tham Chung, kẻ đã gây ra sự đau khổ khốn nạn đầu tiên của cuộc đời Bính, đó là “Một người đàn ông sang trọng và trai trẻ,... một người vận quần áo tây chải chuốt,... thân hình thanh tú, đầu óc bóng mượt và thơm tho” [74, tr. 298]. Nhân vật chỉ được miêu tả có vài dòng về ngoại hình, nhưng người đọc vẫn thấy được bản chất đểu giả, lừa dối, trai lơ một gã Sở khanh hiện đại qua vẻ ngoài “sạch sẽ, thơm tho” ấy. Cũng vậy, trong tiểu thuyết này, sự tham lam và độc ác, giả dối của cha mẹ Tám Bính được tác giả miêu tả có 7 lần qua hình ảnh: “cặp mắt kèm nhèm cau có”, “luôn luôn lườm Bính”, qua âm sắc của giọng nói “tiếng rít mắng,... tiếng nghiến đay chì... tiếng rít lanh lảnh...” của mẹ Bính, và “tiếng ho


khàn khàn”, “cặp mắt gườm gườm” của người cha thể hiện sự cay nghiệt và tàn nhẫn. Việc bán đứa con của Bính cho Phó lý được mặc cả qua đối thoại lúc thì “ngọt ngào”, lúc thì “kèo nhèo” , coi đứa bé như “một con trâu, con lợn”. Sự “nâng lên, đặt xuống” của cha mẹ Bính khi bán đứa cháu ruột của mình thật cạn tình, cạn nghĩa “đang tay quyết cắt đứt tình yêu thương của mẹ con Bính như khúc dồi, một miếng phèo” và “được hàng chục bạc,... vừa hết lo sợ ngả vạ, vừa được món tiền mừng chân trưởng giáo và ăn tiêu” [74, tr. 304] - tham lam và tàn nhẫn đến tận cùng. Hay miêu tả cuộc sống thê thảm của những cô gái nhà thổ rạc rài “tiếp khách” làng chơi, Nguyên Hồng đã chọn những chi tiết miêu tả ngoại hình thật đắt giá. Đây là những thân hình “nhọc lả”, “xanh xám, gầy rạc, ngực lép kẹp, chân tay khẳng khiu” [74, tr. 330] vì bị bóc lột thân xác một cách tàn nhẫn. Có khi họ phải tiếp khách “sáu mươi ngày đêm ròng rã ít khi chợp mắt”, đến “ho ra máu, thuốc thang không có”, rồi chết thảm hại: “Mỗi ngày thây một rữa ra, mãi khi bốc hơi thối và nhung nhúc dòi bọ, hàng xóm mới biết... Tấm áo quan bằng gỗ mỏng đưa đi đưa lại, cọ vào chiếc thừng tre treo lủng lẳng ở đầu đòn gánh ống làm thành những tiếng kẽo kẹt thay cho tiếng khóc viếng” [74, tr. 329]...

Không chỉ sử dụng chi tiết miêu tả ngoại hình những nhân vật lương thiện, mà ngay cả với những nhân vật lưu manh, trộm cướp như: nhân vật Chín Huyền (Chín Huyền) Giản (Mối hờn) Năm Sài Gòn, Ba Bay, Chín Hiếc, (Bỉ vỏ), tác giả cũng chú ý khắc họa tính cách qua hình thức bên ngoài của nhân vật. Chín Huyền, một “bỉ vỏ” có ngoại hình khá ấn tượng: “Một người đàn bà có nước da ngăm đen, khổ mặt gầy xương, tóc rễ tre, đôi mắt ti hí mà sắc sảo, cặp môi cong cớn, luôn luôn cười, tiếng nói lanh lảnh, dáng điệu cứng cỏi mà nhanh nhẹn như đàn ông” [73, tr. 174]. Ngoại hình ấy và cuộc đời “bỉ vỏ” đã tạo nên ở cô vẻ “trơ trẽn, táo bạo và liều lĩnh vô cùng”, “Hết ngày này ngày khác trong chợ Đồng Xuân, ở bến ôtô, trong các sòng bạc lẩn lút dưới bãi Nhà Dàu, trong các tiệm hút, các hàng cao lâu rải rác ở các vùng ngoại ô”. Ngoại hình ấy rất phù hợp với tính cách “xông xáo, không chịu cảnh bó buộc, tù hãm thiếu thốn” và với vẻ can trường đầy nghĩa hiệp của Chín Huyền. Tính cách “anh hùng” đã khiến Chín Huyền quên cả bản thân mình mà cứu người “cùng hội cùng thuyền” - một nghĩa cử đáng quý của những con người tưởng chừng như mất hết nhân tính này. Nhân vật Năm Sài Gòn khét tiếng là “anh chị” của đám lưu manh, trộm cướp ở Hải Phòng. Ngoại hình của


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

hắn được tác giả tập trung miêu tả qua vẻ mặt dữ dằn, bặm trợn: “Năm đen cháy, cằm bạnh, xạm râu, hai mắt xếch, mé trên mắt bên phải vẹt hẳn một nửa lông mày dưới vết dao chém sâu hòm” [74, tr. 357]. Mấy vết sẹo chằng chịt trên mặt Năm đã thể hiện “chiến tích” “dày dặn” của tay trùm du côn này: “Trên má Năm, trên trán Năm mấy cái sẹo chằng chịt như những vết rạn của chiếc vại sành”. Chỉ vài dòng miêu tả, tác giả đã thể hiện sắc nét chân dung “mất hết tính người” của tay trùm lưu manh trong xã hội. Hay miêu tả ngoại hình của Hai con, Ba con, Tư con - những tay “anh chị” trong chốn giang hồ, tác giả đã chọn những chi tiết tiêu biểu, diễn đạt một cách ngắn gọn: “Ba gã này đều mảnh khảnh, mắt nhìn đều nhanh như chớp, lông mày đều rậm, đuôi nhọn và xếch” [74, tr. 349] nhằm lột trần được vẻ dữ dằn của những tay lưu manh chuyên ăn cướp, đâm thuê chém mướn.

Như vậy, với cách miêu tả ngoại hình sắc sảo, nhiều chi tiết chọn lọc đắt giá, Nguyên Hồng đã rất thành công khi thể hiện tâm trạng nhân vật hay khắc họa tính cách, bản chất của từng kiểu nhân vật trong tác phẩm của mình.

Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 13

3.2.3. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật qua độc thoại nội tâm

Thể hiện tâm lý là phương thức quan trọng nhất để chiếm lĩnh đời sống con người bằng văn học nghệ thuật” [42, tr. 24]. Vì vậy, nghệ thuật miêu tả tâm lý có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng chân dung một nhân vật văn học. Qua việc miêu tả tâm lý nhân vật, người đọc không chỉ thấy rò hơn chân dung một con người mà còn thấy được những nét sinh động thuộc bản chất xã hội. Tâm lý càng biểu hiện chân thực, chi tiết bao nhiêu thì sức tác động của nhân vật đối với người đọc càng mạnh mẽ, sâu sắc bấy nhiêu. Tuy nhiên ở mỗi giai đoạn, mỗi trào lưu văn học, thậm chí ở mỗi nhà văn lại có những cách biểu hiện tâm lý nhân vật của riêng mình.

Các nhà văn hiện đại cùng với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đã chú ý nhiều đến biểu hiện tâm lý của con người, họ không nhìn nhận con người theo một kiểu, một chiều giản đơn mà nhiều chiều, nhiều mặt khác nhau. Hơn nữa, họ còn phản ánh con người từ bên trong, từ chiều sâu nội tâm, với những suy nghĩ, những tính cách, những hành động, những phẩm chất khác nhau, phong phú và phức tạp, thậm chí đối lập nhau, (vừa tầm thường, vừa cao thượng, vừa giàu lòng nhân ái, vừa vị tha lại vừa cay độc dữ dằn...). “Văn học hiện thực xem con người là sản phẩm của hoàn cảnh, là tiêu bản của hoàn cảnh. Mổ xẻ con người là


khám phá tác động của hoàn cảnh lên con người. Đó là quan niệm mới về con người khác với quan niệm con người là kẻ mang đạo lý chống lại kẻ vô đạo, là người anh hùng thay trời hành đạo” [27, tr. 5]. Do vậy, các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn hiện thực đã rất chú trọng đến việc miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật - mà nhờ đó đã tạo ra hiệu quả nâng cao chất lượng nghệ thuật trong các sáng tác của mình.

Bên cạnh việc sử dụng biện pháp miêu tả ngoại hình, nhà văn Nguyên Hồng còn chú trọng đến việc miêu tả nội tâm để thể hiện tính cách, phẩm chất của nhân vật. Theo quan niệm của PGS. TS Phạm Mạnh Hùng thì “Thiên nhiên nhiều khi nó là yếu tố biểu hiện tâm lý” [79, tr.316], và Nguyên Hồng đã rất chú ý miêu tả thiên nhiên như một phương tiện hữu hiệu để thể hiện nội tâm, tâm lý nhân vật. Trong tiểu thuyết Bỉ vỏ - theo thống kê của chúng tôi - đã có 29 lần miêu tả cảnh thiên nhiên, trong hồi ký Những ngày thơ ấu là 21 lần, truyện ngắn: Trong cảnh khốn cùng là 9 lần, trong Mợ Du là 7 lần... Bức tranh thiên nhiên qua ngòi bút của nhà văn đã trở thành bức tranh tâm trạng, giữa thiên nhiên và con người luôn có sự đồng điệu về tâm trạng. Đây là cảnh gặp gỡ tội nghiệp của hai mẹ con mợ Du trong một “đêm trăng sáng lắm... Ánh trăng vằng vặc đã giội xuống tràn trề hai gương mặt đầm đìa nước mắt áp lên nhau và hai mái tóc ngắn dài trộn lẫn với nhau. Hương hoa cau và hoa lý sáng và ấm đã xao xuyến lên bởi những tiếng khóc dồn dập vỡ lở ở một góc vườn, rì rì tiếng dế” [73, tr. 376]. Ánh trăng hòa quyện với hương hoa cau, hoa lý thấm đẫm cảm xúc và tâm trạng nhân vật. Vẻ đẹp của đêm thu đầy trăng ấy làm cho hình ảnh quấn quýt của hai mẹ con Dũng trở nên huyền ảo và xúc động lòng người. Vẻ đẹp thiên nhiên đã tô đậm thêm tình mẹ con thắm thiết và sự ám ảnh khôn nguôi, sự xúc động sâu sắc của người đọc về sự chia lìa của tình mẫu tử trong hoàn cảnh đầy éo le ngang trái. Truyện ngắn Trong cảnh khốn cùng nhà văn đã miêu tả những diễn biến phức tạp của nhân vật Quyến khi chèo đò trong một khung cảnh thiên nhiên “tiếng ruộng rì rào, tiếng ngàn cây man mác mơ hồ”. Khung cảnh ấy gợi trong lòng Quyến những ước mong rạo rực của một quá khứ êm đềm vui vẻ khi mà người chồng chưa ốm đau, làm ăn còn gặp may mắn, sống trong những ngày tháng êm đềm. Sự biến đổi của hoàn cảnh tạo nên sự biến đổi của tâm trạng Quyến, thiên nhiên như đồng điệu với tâm trạng nhân vật: “Gió thổi rất nhẹ”, rồi “gió xuân thổi mạnh”, “dòng sông xanh biếc lấp lánh những ánh sáng vàng nhạt sau vàng tươi, sau hồng phớt, rồi cả mảng trời bên


bờ tay trái óng mượt như tấm màn nhung đỏ viền lơ” [73, tr. 145]. Khung cảnh thơ mộng đã gợi trong lòng Quyến những “rạo rực khi nghĩ đến anh chân sào trẻ tuổi đẹp đẽ mà bấy lâu nàng mơ ước”. Nhưng ý nghĩ tội lỗi của Quyến qua nhanh khi nàng chứng kiến cảnh hai vợ chồng người đi đò: người chồng nhường cơm cho vợ con đến mức đói lả ngất đi. Quyến “xúc động trước tình yêu thương thấm thía nồng nàn của người đàn ông nọ trong cảnh khốn cùng đối với vợ con”. Nàng ân hận vì đã có ý nghĩ tội lỗi muốn bỏ người chồng ốm yếu của mình mà mơ tưởng đến anh chân sào trẻ tuổi. Khung cảnh thiên nhiên lúc này dường như cũng đồng cảm với ý nghĩ của nhân vật “đêm nay thật êm ả trong cảnh đêm mờ sao thưa... trong dòng sông lặng lẽ” như tâm hồn bình an của Quyến vậy.

Trong Những ngày thơ ấu, cảnh thiên nhiên trữ tình, thơ mộng được cảm nhận qua tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên trong trẻo của nhân vật chú bé Hồng. Vẻ đẹp thiên nhiên tươi sáng đầy quyến rũ được miêu tả bằng một cảm xúc lãng mạn đắm say của tuổi trẻ. Có khi đó là một buổi chiều tĩnh thơ mộng “vòm trời bao la như bằng thủy tinh xanh phớt”, “làn mây trắng bồng bềnh tan về một phía trời... gió thổi vù vù, bướm say hoa trong ánh nắng” [73, tr. 801]; Có khi là cảnh hè rực rỡ, tràn đầy nhựa sống và tràn ngập âm thanh: “Mùa hè mới bắt đầu trên các cành lá óng ả mượt nòn và những chòm xoan xanh tươi hứa hẹn màu thắm của các vừng hoa đỏ. Tiếng ve liên miên ghen ghét với vạn vật tưng bừng đã thấy vang tới” [73, tr. 799]. Và cũng có khi là vẻ đẹp của ánh trăng trong ký ức tuổi thơ: “Dưới ánh trăng bàng bạc bỗng xuất hiện một bóng người mảnh dẻ, nhẹ bước trên những cành xoan tây mờ mờ xao động suốt dải đường nhựa lấp loáng... Tôi thoáng thấy hai con mắt long lanh trên gương mặt trắng mát chiếu lên nhìn tôi. Trước chiều gió, những sợi tóc bay xòa như tơ, phấp phới dưới vành trăng ngọc... bụi của vành trăng loang loáng rơi xuống rắc lên mái tóc... bay cả vào lòng chúng tôi” [73, tr. 780]. Ánh trăng man mác và bóng dáng người bạn nhỏ đã xoa dịu vết thương tâm hồn cậu bé Hồng, khiến em “chẳng còn nghĩ đến cảnh đời đầy đọa nữa”, hình ảnh “ánh trăng ngọc” dù chỉ thoáng hiện trong giấc mơ cũng trở thành kỷ niệm êm đềm lưu luyến mãi trong tuổi thơ của em.

Nếu Nam Cao thường phân tích tâm lý nhân vật và sự thay đổi của tính cách của họ dưới sự tác động của hoàn cảnh, Ngô Tất Tố thường tập trung miêu tả hành động nhân vật, thì Nguyên Hồng lại thường quan tâm đến trạng thái, suy nghĩ cảm


xúc của con người. Nhà văn hay sử dụng biện pháp độc thoại nội tâm như một thủ pháp nghệ thuật chủ yếu để miêu tả thế giới nội tâm nhân vật. Theo thống kê của chúng tôi, độc thoại nội tâm trong Bỉ vỏ là 25 lần/174 trang truyện, Miếng bánh 9 lần/ 13 trang truyện, Hai dòng sữa 11/22 trang truyện trong đó có 5 trang có nhiều đoạn độc thoại nội tâm tương đối dài ... Tiểu thuyết Cửa biển viết sau cách mạng của Nguyên Hồng, người ta đã xác định được có 927 trang có độc thoại nội tâm/ hơn hai ngàn trang truyện [30, tr. 18]. Và khi dùng biện pháp độc thoại nội tâm nhà văn sử dụng nhiều từ ngữ như: tự hỏi, tự nhủ thầm, lòng nhủ thầm, kêu thầm lên, bụng bảo dạ, thấy tâm trí bâng khuâng, thấy rằng, ước thầm, những ý nghĩ sôi nổi mở ra, cảm thấy, những câu nói chỉ trực trào ra, hồi tưởng lại...

Không chỉ sử dụng từ ngữ như trên mà độc thoại nội tâm trong sáng tác của Nguyên Hồng còn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: nhật ký, ghi chép sổ tay (Những ngày thơ ấu, Cuộc sống, Hơi thở tàn, Bỉ vỏ... ) hoặc ở những dạng nhân vật tự đối thoại ngầm (Miếng bánh, Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu...), hoặc ở lời nửa trực tiếp, nghĩa là về thực chất là tiếng nói của người kể chuyện, nhưng thể hiện suy nghĩ của nhân vật. Độc thoại nội tâm thường xuất hiện trong trạng thái xúc động mạnh, hoặc trong trạng thái tâm lý căng thẳng. Độc thoại nội tâm thường thể hiện qua dòng hồi tưởng, tâm tưởng, suy nghĩ của nhân vật, qua đó nhân vật tự bộc lộ, tự giãi bày những cảm xúc, tình cảm trong lòng mình một cách thành thật nhất. Những nhân vật như Tám Bính, Mợ Du, mẹ bé Hồng, bé Hồng, Hưng, Hai mươi hai, Muống, An... là những nhân vật giàu cảm xúc nội tâm. Nguyên Hồng đã sử dụng nhiều phương tiện độc thoại nội tâm để triển khai đời sống tư tưởng, tình cảm của nhân vật. Trong sáng tác của Nam Cao thường có những xung đột trong tư tưởng hoặc qua đối thoại tạo nên phản ứng tâm lý làm nảy sinh độc thoại nội tâm. Chẳng hạn, Chí Phèo sau khi gặp gỡ với Thị Nở và sau khi được Thị Nở chăm sóc ân cần - đã tạo ra một sự tỉnh ngộ và sự biến đổi tâm lý sâu sắc. Trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng độc thoại nội tâm thường xuất khi những biến cố, sự kiện bất ngờ tác động trực tiếp đến tinh thần nhân vật, như Mịch cảm thấy đời độc ác vô cùng khi bị Nghị Hách hãm hiếp phải nằm trong nhà thương… Tuy nhiên, ở thủ pháp xây dựng nhân vật của Nguyên Hồng, độc thoại nội tâm thường gắn với sự hồi tưởng, tâm tưởng của nhân vật, biểu hiện những cảm xúc mãnh liệt, những suy nghĩ căng thẳng nên đôi khi còn nặng nề và thiếu sự tỉnh táo cần thiết.


Tóm lại, “Sức mạnh của Nguyên Hồng là yếu tố tâm lý, khi cần nhấn mạnh chỗ nào, ông chỉ việc gia tăng yếu tố cảm xúc tâm lý lên thôi. Tính chất đa tâm lý đó lại không hề vượt quá ngưỡng tâm lý của người đọc. Nó chỉ làm tăng biên độ xúc cảm chứ không hề vượt quá tần số cảm xúc của người đọc” [18, tr. 88]. Bằng nhiều thủ pháp và bút pháp nghệ thuật, Nguyên Hồng đã khám phá ra thế giới nội tâm phong phú của con người. Chính vì vậy, ông đã tạo dựng nên được cả một hệ thống các nhân vật là những người lao động nghèo khổ, nhưng mỗi nhân vật có một bộ mặt riêng, một tính cách riêng và để lại ấn tượng riêng cho người đọc. Đó chính là bằng chứng cho sự thành công của Nguyên Hồng về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong các tác phẩm của mình.

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí