độ và hành vi trong một số trường hợp có thể có sự thiếu nhất quán với nhau. Hai ông cũng đề cập đến các thành phần chiếm ưu thế trong sự phát triển thái độ. Với một số người, thái độ được dựa trên những gì mà họ biết (nhận thức) nhưng với các trường hợp khác thì thành phần xúc cảm lại đóng vai trò chủ đạo tác động tới nhận thức. Một số thái độ thể hiện hệ giá trị sâu xa của con người và dựa trên các lý lẽ, trí nhớ. Một số thái độ khác lại được hình thành từ những trải nghiệm trực tiếp.
- Nghiên cứu ở góc độ Tâm lý học
Một số nhà tâm lý học khi nghiên cứu nhân cách cũng đề cập đến việc nghiên cứu thái độ, tiêu biểu như: Phạm Minh Hạc, Lê Đức Phúc, Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Khắc Viện, Lê Ngọc Lan, Đỗ Long....Theo một số tác giả, thái độ là một trong những thành tố tạo nên cấu trúc nhân cách của cá nhân, tạo nên những thuộc tính riêng của chủ thể. Chính vì vậy, khi nghiên cứu nhân cách phải đề cập đến việc nghiên cứu các thái độ riêng của cá nhân.
Trong những năm gần đây, các quan điểm của tâm lý học phương tây về thái độ đã bắt đầu được các nhà nghiên cứu Việt Nam chú ý. Trong bài viết “Về nghiên cứu thái độ trong nhân cách”, Võ Thị Minh Chí (2004) đã xem xét thái độ như một thuộc tính tâm lý, một thành tố tích cực của ý thức cá thể, là mối quan hệ chủ quan với thế giới được phản ánh và được khách quan hóa bởi tâm vận động của con người, khi nghiên cứu về con người, về nhân cách thì không thể không nghiên cứu thái độ của họ [dẫn theo 51, tr.254 - 255].
Đào Thị Oanh cũng có bài viết “Một số khía cạnh xung quanh vấn đề phương pháp nghiên cứu thái độ”, khi bàn về các phương pháp nghiên cứu thái độ, tác giả đã đưa ra một số lưu ý như: thái độ là một thuộc tính của nhân cách; mối quan hệ giữa thái độ và hành vi là mối quan hệ của cái tiềm ẩn và cái biểu hiện; thái độ là kết quả của quá trình xã hội hóa; có thể đo đạc được nhưng không toàn diện....Tác giả viện dẫn quan điểm của W.A.Scott khi dưa ra một số đặc điểm của thái độ có nội dung thao tác đủ rõ để có thể đo đạc được, đó là: Độ rộng hay
tính tích cực của thái độ; cường độ của thái độ; tính mâu thuẫn bên trong; tính hàm xúc; tích phức hợp của nhận thức [95, tr.43 - 48].
Gần đây những công trình nghiên cứu về thái độ ở Việt Nam cũng khá phong phú về đối tượng và khách thể đóng góp đáng kể cho lĩnh vực nghiên cứu này. Một số tác giả nghiên cứu thái độ học tập của học sinh, sinh viên và bước đầu đã xác định được vai trò, vị trí của thái độ trong hình thành động cơ học tập, tính tích cực học tập, hứng thú học tập, từ đó rút ra những kết luận làm cơ sở cho công việc nâng cao chất lượng giáo dục. Một số tác giả cũng đã cố gắng tìm ra các chỉ báo chi tiết về thái độ học tập, những vấn đề chung của thái độ như: cấu trúc của thái độ; mối quan hệ của thái độ với các khái niệm khác.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Tâm lý học “Thái độ và hành vi của người dân với môi trường” (2004) [30, tr. 12-16] Vũ Dũng đã trình bày thái độ và hành vi của người dân đối với môi trường trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực tiễn tại Hà Nội và Hà Tây. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đã chỉ ra rằng: Thái độ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của con người đối với môi trường. Thái độ với môi trường sẽ quy định một cách thức nhất định cho hành vi của con người đối với môi trường. Thái độ là một thành tố cơ bản tạo nên ý thức của con người đối với môi trường. Khi thái độ tích cực thì con người sẽ nhận thức rõ hơn sự cần thiết và trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các đề tài về thái độ cũng được nghiên cứu trong nhiều luận án hay đề tài khoa học hoặc các nghiên cứu theo mô hình KABP (Knowledge, Attitude, Believe, Practice) nhằm tìm hiểu nhận thức, thái độ, niềm tin thực hành ở các nhóm khác nhau thuộc các dự án do nhà nước tài trợ. Có thể kể đến các nghiên cứu của Nguyễn Văn Hiếu (1996), “Điều tra kiến thức - thái độ - lòng tin - thực hành” (KABP) về HIV/AIDS của cộng đồng dân cư ba quận nội thành Hải Phòng [70, tr.80- 83]; Đào Lan Hương (1999), “Nghiên cứu sự tự đánh giá phù hợp về thái độ học toán của sinh viên Cao đẳng sư phạm Hà Nội”, Luận án Tiến sĩ Tâm lý học, Đại học Sư phạm Hà Nội [66, tr.32]; Nguyễn Thị Thuý Hường (2007), “Thái độ đối với việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Cao
đẳng Sư phạm”, Luận án tiến sĩ Tâm lý học, Bộ GD &ĐT, Viện chiến lược và Chương trình giáo dục [67, tr.42]. Đỗ Thị Thanh Hà (2007), “Thực trạng thái độ kỳ thị của cán bộ làm công tác tuyên truyền đối với người nhiễm HIV/AIDS, Tạp chí tâm lý học số 3 (96), 3-2007 [45, tr.33 - 41]. Theo một số tác giả, cho đến nay vẫn có cách hiểu khác nhau về thái độ như đồng nhất “thái độ” và “tâm thế”, hay sự phân biệt không rõ ràng giữa “thái độ cảm xúc” và thái độ nói chung. Trong các nghiên cứu của mình, một số tác giả xem xét thái độ như một thuộc tính của nhân cách được hình thành trong hoạt động và giao lưu. Thái độ tồn tại như một trạng thái sẵn sàng phản ứng mang tính đánh giá của cá nhân đối với đối tượng và biểu hiện thông qua quá trình nhận thức, xúc cảm và hành vi của cá nhân.
Có thể bạn quan tâm!
- Thái độ hợp tác của cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm trường trung học cơ sở - 2
- Ý Nghĩa Lý Luận Và Ý Nghĩa Thực Tiễn
- Những Công Trình Nghiên Cứu Về Thái Độ Hợp Tác Của Cha Mẹ Học Sinh Với Giáo Viên Chủ Nhiệm
- Hợp Tác Của Cha/mẹ Học Sinh Với Giáo Viên Chủ Nhiệm Lớp Ở Trường Trung Học Cơ Sở
- Các Mặt Biểu Hiện Của Thái Độ
- Thái Độ Hợp Tác Của Cha/mẹ Học Sinh Với Giáo Viên Chủ Nhiệm Lớp Ở Trường Trung Học Cơ Sở
Xem toàn bộ 237 trang tài liệu này.
Bên cạch đó, cũng có một số tác giả nghiên cứu về thái độ tiêu dùng của người dân; thái độ của người dân đối với một số chủ trương chính sách của đảng và nhà nước; thái độ của công nhân đối với vấn đề việc làm, thanh niên, sinh viên đối với vấn đề giáo dục giới tính, như một số nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội - Ban tuyên giáo Trung ương nhằm tìm hiểu thái độ của các tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện Pháp lệnh dân số; Pháp lệnh phòng chống tham nhũng; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...
Như vậy, Ở Việt Nam, thái độ đã được một số nhà tâm lý học nghiên cứu dưới nhiều góc độ, một số tác giả đã dựa vào nhiều tiền đề lý thuyết để xem xét thái độ với những mục đích khác nhau. Các công trình đã tập trung nghiên cứu thái độ ở một số khía cạnh sau:
Xem xét thái độ là một thuộc tính của nhân cách được hình thành trên nền tảng mối quan hệ giữa chủ thể với hiện thực khác quan thông qua hoạt động và giao lưu. Chính vì vậy, khi nghiên cứu nhân cách không thể không nghiên cứu thái độ.
Xem xét thái độ như sự sẵn sàng phản ứng mang tính đánh giá, lựa chọn thể hiện xu hướng, hệ giá trị của cá nhân đối với đối tượng của thái độ và được biểu hiện qua nhận thức, xúc cảm và hành động của cá nhân.
Thái độ luôn hướng tới một đối tượng nhất định, đối tượng bao gồm tất cả những gì trong hiện thực khác quan. Trong các công trình của mình, một số tác giả tập trung nghiên cứu thái độ đối với môi trường, người khác, tổ chức, chính sách, việc làm, học tập….
Giải thích mối quan hệ giữa thái độ và hành vi là mối quan hệ giữa cái tiềm ẩn và cái biểu hiện, thái độ có vai trò chi phối hành vi của con người.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc mô tả cấu trúc, chức năng của thái độ; phân tích thực trạng thái độ dưới dạng bảng hỏi điều tra dư luận xã hội mà chưa đi sâu nghiên cứu mức độ và biểu hiện của thái độ đối với đối tượng của nó trong những tình huống và điều kiện cụ thể; chưa xây dựng được thang đo thái độ cho từng đối tượng cụ thể cũng như chưa đi sâu vào phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ của cá nhân. Đây là xu hướng gợi mở cho chúng tôi trong nghiên cứu vấn đề này.
1.2.2. Những công trình nghiên cứu về thái độ hợp tác của cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm lớp
Ở Việt Nam, vấn đề TĐHT giữa gia đình và nhà trường từ lâu đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, các công trình nghiên cứu đó được đề cập theo các hướng sau:
- Nghiên cứu ở góc độ xã hội học
Lê Ngọc Hùng, trong tác phẩm “Xã hội học giáo dục”, đã đề cập đến các kiểu quan hệ giữa gia đình và nhà trường đó là: Quan hệ hợp tác; Quan hệ trao đổi, Quan hệ chuyên môn - thân chủ, trong đó tác giả đặc biệt nhấn mạnh quan hệ hợp tác. Theo tác giả, cha mẹ học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động là hỗ trợ nhà trường, nhất là ở cấp giáo dục phổ thông trong việc huy động các nguồn lực và giám sát các hoạt động học tập của học sinh [63, tr. 284].
- Nghiên cứu ở góc độ Tâm lý học
Nghiên cứu về TĐHT của CMHS với GVCN lớp được các nhà tâm lý đề cập đến trong một số giáo trình, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học. Tổng hợp
quan điểm lý luận và thực tiễn về vai trò, nhiệm vụ của gia đình và TĐHT của CMHS với nhà trường, GVCN lớp trong việc giáo dục thế hệ trẻ chúng ta thấy có những công trình tiêu biểu sau:
Trần Trọng Thủy (1970), trong tác phẩm “Tâm lý học” (tập II), khi nghiên cứu vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội đối với việc giáo dục học sinh đầu thanh niên và vai trò, vị trí của các em trong những hoàn cảnh đó. Ông nói “Gia đình, nhà trường, xã hội là môi trường sống và hoạt động, môi trường phát triển tâm lý của các lứa tuổi trẻ em, nhưng sự tác động đó của môi trường đối với tuổi thanh niên có những đặc điểm riêng của nó do vai trò, vị trí của lứa tuổi trong môi trường [115, tr.180 - 181].
Bùi Văn Huệ (1994), trong giáo trình “Tâm lý học tiểu học”, đã xem xét giáo dục gia đình đối với trẻ có những sắc thái khác với nhà trường và xã hội. Chẳng hạn, ảnh hưởng của gia đình về tinh thần luôn gắn liền với những ảnh hưởng về điều kiện vật chất, những ảnh hưởng về tinh thần luôn gắn liền với mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tác giả cho rằng: “Trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh tiểu học, quan hệ giữa gia đình và nhà trường, học sinh là quan hệ khăng khít, biện chứng. Tuy vậy, mỗi bên trong quan hệ này có chức năng riêng, có việc làm riêng. Trong tình hình hiện nay, giáo dục nhà trường chưa đáp ứng hết thảy yêu cầu giáo dục (do khách quan và chủ quan)….cần lưu ý vai trò, trách nhiệm của gia đình đối với với sự phát triển nhân cánh của trẻ, điều mà mấy chục năm qua đã xem nhẹ vì lý do này hay lý do khác” [85, tr.69 -70].
Dương Thị Diệu Hoa (CB) (2012) trong cuốn “Tâm lý học phát triển” khi nghiên cứu về sự phát triển tâm lý của lứa tuổi đã nhận định rằng, vấn đề giáo dục thiếu niên trong xã hội hiện nay là vấn đề phức tạp và khó khăn. Bởi lứa tuổi thiếu niên là giai đoạn có nhiều biến đổi quan trọng trong sự phát triển đời người cả về thể chất, mặt xã hội và mặt tâm lý. Mặt khác điều kiện sống, điều kiện giáo dục trong xã hội hiện đại cũng có nhiều biến đổi so với xã hội truyền thống. Đồng thời số con trong mỗi gia đình chỉ có ít nên cha mẹ dễ có điều kiện để chăm sóc các em (cả về thời gian, kinh tế, đặc biệt là nhưng điều kiện để giáo dục toàn diện về nhân cách các em). Theo tác giả: “Hợp tác giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội đã giúp cho thiếu niên có được cơ hội, điều kiện giáo dục toàn diện hơn” [56, tr.197].
Gần đây, Phạm Thành Nghị (2013), trong cuốn “Tâm lý học giáo dục”, đã quan tâm nghiên cứu hoạt động hợp tác cùng nhau giữa gia đình và giáo viên trong lớp học, tác giả xem gia đình chính là đối tác của trường học và người giáo viên phải nhận thức được những khác biệt về văn hóa trong biểu đạt hành vi và đó có thể là nguyên nhân của sự hiểu lầm trong quản lý lớp học. Khi cha mẹ và giáo viên chia sẻ cùng một cách biểu đạt và ủng hộ nhau, họ có thể tạo ra môi trường lớp học tích cực hơn cho giảng dạy và học tập. Giáo viên cần chia sẻ với gia đình kỳ vọng và các quy tắc của lớp học và của nhà trường, trên cơ sở đó tìm kiếm sự hỗ trợ, hợp tác khi có vấn đề về hành vi. Giáo viên cần trao đổi với gia đình để làm rõ học sinh là công dân tốt, tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng để xây dựng môi trường học tập, lành mạnh, phù hợp [92, tr.182].
* Nghiên cứu ở góc độ giáo dục học
Nghiên cứu thái độ hợp tác của CMHS với GVCN lớp được nhiều nhà giáo dục học quan tâm, chẳng hạn như: Phạm Khắc Chương [19], Hà Nhật Thăng, (CB), Lê Tiến Hùng (1995), [112], Thái Duy Tuyên, (2001), Giáo dục học hiện đại; Trần Thị Tuyết Oanh (CB), (2006), Giáo trình Giáo dục học, (Tập 2); Phan Thanh Long (CB), (2009). Theo một số tác giả, sự hợp tác chặt chẽ gia đình và nhà trường trong hoạt động giáo dục trên trước hết phải đảm bảo được sự thống nhất trong nhận thức cũng như hành động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp đồng tâm hợp lực tập trung sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách học sinh, tránh sự tách rời, mâu thuẫn, vô hiệu hóa lẫn nhau gây cho các em tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp của nhân cách.
Qua đây cho thấy, vấn đề TĐHT giữa gia đình và nhà trường là một lĩnh vực rất hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu và các kết quả nghiên cứu thu được đã thực sự đem lại những đóng góp lớn lao cho xã hội.
Ngoài ra, vấn đề TĐHT giữa gia đình và nhà trường cũng được nghiên cứu trong nhiều luận án hay đề tài khoa học như: Tác giả Hoàng Hồng Trang (2014), Kết nối nhà trường, gia đình và xã hội nhằm tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội [116]. Tác giả đề cập tới tính tích cực chủ động của các chủ thể hợp tác. Trong kết quả nghiên cứu của mình tác giả cho
rằng, các chủ thể giáo dục đã tích cực chủ động hợp tác với nhau trong việc giáo dục học sinh. Tuy nhiên kết quả của công tác này vẫn còn hạn chế yếu kém. Nhận thức về mục tiêu giáo dục, nội dung, biện pháp giáo dục chưa được các cha mẹ hiểu rõ và quan tâm. Hình thức giáo dục còn nghèo nàn, phương pháp hành chính đơn thuần, chưa được kế hoạch hóa, GVCN lớp chưa thực sự quan tâm giúp đỡ CMHS làm tốt trách nhiệm giáo dục con. Để khắc phục những yếu kém đã phân tích ở trên không chỉ có sự chuyển biến về nhận thức, xúc cảm, hành vi trong đội ngũ những người làm công tác giáo dục mà cần có sự đổi mới căn bản công tác tổ chức hợp tác giữa cha mẹ với GVCN lớp trong hoạt động giáo dục học sinh.
Bên cạnh đó, Trần Thanh Hà với bài viết “Khát vọng của cha mẹ đối với sự thành đạt của con cái ở lứa tuổi học sinh PTTH”, Tạp chí tâm lý học số 6/2000 [46]; Trần Đức Châm (2004), “Mâu thuẫn giữa kỳ vọng của bố mẹ với việc học tập của con cái”, Tạp chí tâm lý học, số 8/2004 [18] cũng đã khẳng định gia đình (mà đại diện là cha mẹ) học sinh có tính quyết định trong việc giáo dục thế hệ trẻ và TĐHT tích cực của cha mẹ với GVCN lớp là không thể thiếu trong quá trình giáo dục trẻ.
Tóm lại, từ trước tới nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về TĐHT tác giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong hoạt động giáo dục học sinh. Các kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mang tính lý luận về TĐHT của CMHS, nhà trường và xã hội; đã xác định được vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của sự hợp tác trong hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, những nghiên cứu này vẫn còn mang tính chất chung chung, định hướng nghiên cứa là chủ yếu, đặc biệt những nghiên cứa liên quan đến TĐHT của CMHS với GVCN lớp ở trường THCS chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ, hệ thống và sâu sắc. Nghiên cứu “Thái độ hợp tác của cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm trường trường trung học cơ sở” sẽ góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.
CHƯƠNG 2
LÝ LUẬN VỀ THÁI ĐỘ HỢP TÁC CỦA CHA MẸ HỌC SINH VỚI GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM LỚP Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
2.1. Hợp tác của cha/mẹ học sinh với giáo chủ nhiệm lớp ở trường trung học cơ sở
2.1.1. Hợp tác
Để tồn tại và phát triển, từ bao đời nay mỗi cá nhân, cộng đồng dù muốn hay không vẫn không ngừng hợp tác với nhau để chinh phục thiên nhiên hay giải quyết các vấn đề xã hội. Sự hợp tác hiện diện khi mọi người làm việc cùng nhau cho một mục đích chung.
Ngày nay, xã hội loài người đã phát triển đến trình độ cao, với sự xuất hiện của nền kinh tế, xã hội tri thức, hợp tác không chỉ là nhu cầu tăng thêm sức lực hoặc trí lực để hoàn thành những mục tiêu chung, mà quan trọng hơn do mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đang ngày càng phụ thuộc vào nhau hơn bao giờ hết. Vì vậy, nhu cầu hợp tác đã trở nên bức thiết với mọi cá nhân và cộng đồng, là một yếu tố không thể thiếu được trong cuộc sống, hoạt động của con người; nó diễn ra thường xuyên trong gia đình và xã hội. Do vậy, “hợp tác mang bản chất tự nhiên, mang yếu tố loài” [10, tr. 410]
Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (1997), “Hợp tác là cùng chung sức giúp nhau trong một công việc, trong một số lĩnh vực hoạt động nào đó nhằm đạt được mục đích chung” [104, tr.63].
Từ điển Tâm lý học của Nguyễn Khắc Viện (2007) cũng đưa ra khái niệm: Hợp tác là hai hay nhiều bộ phận trong một nhóm cùng làm việc theo cùng một cách thức để tạo ra cùng một kết quả chung [120, tr.600].
Trong cuốn Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (CB) (1998), hợp tác được hiểu như khái niệm phối hợp, ông quan niệm rằng: “Phối hợp là hoạt động cùng nhau của hai hay nhiều cá nhân, tổ chức để hỗ trợ cho nhau thực hiện một công việc chung [124, tr. 627].