1.2. CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG QUAN HỆ HỮU NGHỊ, HỢP TÁC VỚI TỈNH BÔLYKHĂMXAY VÀ KHĂMMUỘN CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH HÀ TĨNH TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2000
1.2.1. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn từ năm 1991 đến năm 1995
1.2.1.1. Tình hình thế giới và hai nước Việt Nam, Lào
Trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, phong trào cách mạng thế giới lâm vào thoái trào. Trên thế giới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đang diễn ra như vũ bão, những thành tựu to lớn của nó đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước. Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra và tác động mạnh mẽ đến tình hình các quốc gia, khu vực trên toàn thế giới. Để đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, Đảng và Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào đã tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh nội lực, thực hiện chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại để nhanh chóng hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.
Đối với Việt Nam, căn cứ mục tiêu chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH, Đại hội lần thứ VII của Đảng (6/1991) đã xác định mục tiêu của chính sách đối ngoại đổi mới là "giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội" [63, tr.88]. Đại hội đã đề ra nội dung cơ bản của chính sách đối ngoại đổi mới "Thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn làm bạn của tất cả các nước trong cộng đồng, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển" [63, tr.147].
Từ quan điểm ủng hộ chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau, Đại hội VII đã phát triển chủ trương "thêm
bạn, bớt thù" của Đại hội VI thành phương châm "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". So với Đại hội VI, đây là bước phát triển mới về nhận thức của Đảng trong đường lối đối ngoại trước những biến chuyển của tình hình thế giới và khu vực.
Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương ĐCS Việt Nam khóa VII (6/1992) xác định bốn phương châm trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, trong đó nổi bật phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; tích cực tham gia hợp tác khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với tất cả các nước. Từ đây Việt Nam đã xác lập vị thế mới trong hệ thống quan hệ quốc tế, một bước chuẩn bị căn bản để gia nhập ASEAN.
Có thể bạn quan tâm!
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn CHDCND Lào từ năm 1991 đến năm 2010 - 2
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn CHDCND Lào từ năm 1991 đến năm 2010 - 3
- Quan Hệ Hợp Tác Giữa Hà Tĩnh Với Tỉnh Bôlykhămxay Và Khămmuộn Trong Những Năm Đầu Đổi Mới (1986 - 1990)
- Đảng Bộ Tỉnh Hà Tĩnh Lãnh Đạo Xây Dựng Quan Hệ Hữu Nghị, Hợp Tác Với Tỉnh Bôlykhămxay Và Tỉnh Khămmuộn Những Năm Đầu Đẩy Mạnh Công Nghiệp
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn CHDCND Lào từ năm 1991 đến năm 2010 - 7
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn CHDCND Lào từ năm 1991 đến năm 2010 - 8
Xem toàn bộ 178 trang tài liệu này.
Ngày 19/2/1992, Việt Nam và Lào đã ký “Hiệp ước Bali”, chính thức trở thành quan sát viên của ASEAN và lần lượt Việt Nam (1995) và Lào (1997) trở thành thành viên chính thức của ASEAN, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của hai nước; mở ra cơ hội lớn để Việt Nam - Lào tiếp tục đẩy nhanh quá trình hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật trên cơ sở các thỏa thuận đã được ký kết [30, tr.331].
Năm 1992 là năm có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động đối ngoại giữa hai nước. Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Đỗ Mười đã có chuyến thăm chính thức CHDCND Lào từ ngày 12 đến ngày 16/8/1992. Hai bên ra Tuyên bố chung nhấn mạnh "quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; tiếp tục đổi mới phương thức hợp tác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thiết thực, phù hợp với khả năng mỗi nước theo nguyên tắc giữ vững nền độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, chân thành giúp đỡ lẫn nhau trên tình đồng chí, anh em" [121, tr.3].
Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (Tháng 1/1994) tiếp tục quán triệt sâu sắc yêu cầu vận dụng đúng đắn các phương châm xử lý các quan hệ quốc tế. Hội nghị khẳng định kết quả hoạt động đối ngoại là một trong ba thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, đồng
thời xác định rõ nhiệm vụ đối ngoại là "tiếp tục thi hành đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... phát huy các điểm đồng về lợi ích và thu hẹp các bất đồng, tăng thêm bạn và phát triển sự hợp tác quốc tế" [64, tr.55].
Việc thực hiện đường lối chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa,
đa phương hóa trong quan hệ quốc tế của Đảng và nhà nước cùng với những thành tựu về kinh tế - xã hội trong 10 năm đổi mới, đã tạo nên thế và lực mới cho đất nước. Trong đó, "với đổi mới trong tư duy đối ngoại cũng như trong đường lối chiến lược đối ngoại, ta đã từng bước đẩy lùi được tình thế cực kỳ nguy hiểm về chính trị cũng như về kinh tế, cải thiện được môi trường quốc tế, tạo điều kiện cho sự nghiệp hòa bình phát triển đất nước” [77, tr.11]; đồng thời "đánh dấu sự hoàn tất của việc đặt nền móng cho mối quan hệ mới giữa Việt Nam và các nước" [36, tr.213] trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào, trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Nhân dân cách mạng Lào (18/3/1996), đồng chí Đỗ Mười khẳng định:
ĐCS Việt Nam và Đảng NDCM Lào cùng chung cội nguồn, chung một lý tưởng, gắn bó keo sơn bởi tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác anh em toàn diện. Quan hệ Việt - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay Xỏn Phômvihản kính mến cùng hai Đảng chúng ta dày công xây dựng, vun đắp, trải qua thời gian và thử thách ngày càng trở nên bền vững [81, tr.124].
Bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Lào trong giai đoạn này là việc hai nước quyết định ký kết Thỏa thuận về chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giai đoạn 1996 - 2000. Lần đầu tiên, các nội dung hợp tác mang tính chiến lược tạo tiền đề cho việc triển khai hợp tác những năm sau này đã được đặt ra. Nhiều chương trình, dự án hợp tác của giai đoạn 1985 - 1990 đã tạm ngưng, nay lại được tiếp tục thực hiện [50].
Đối với nước bạn Lào, giai đoạn 1986 - 1991, Lào tiếp tục thực hiện
đường lối đổi mới mà Đại hội Đảng lần thứ IV (1986) và lần thứ V (1991)
đã đề ra. Mục tiêu của giai đoạn này là củng cố cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân các bộ tộc, thu nhập GDP bình quân 350 USD/người, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt là 6%; mở rộng quan hệ quốc tế và thu hút vốn đầu tư [51].
Trên cơ sở nghị quyết Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ V, căn cứ vào bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước, Hội nghị Trung ương Đảng NDCM Lào lần thứ 6 (khóa V) tháng 2/1993 đã đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 với mục tiêu chiến lược: giải quyết nhu cầu cấp bách về đời sống nhân dân các bộ tộc; nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho toàn dân; đảm bảo ổn định chính trị - xã hội trong cả nước bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã, an ninh và hội với quốc phòng đối ngoại.
Trong bài phát biểu tại Đại hội ĐCS Việt Nam lần thứ VII, trên cương vị
Chủ tịch Đảng NDCM Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhấn mạnh:
ĐCS Việt Nam và Đảng NDCM Lào cùng sinh ra từ một cội nguồn, cùng chung mục tiêu, lý tưởng. Tuy mỗi Đảng có phương pháp và bước đi khác nhau do đặc điểm của mỗi nước, nhưng giữa hai Đảng chúng ta luôn luôn có sự phối hợp hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau rất chặt chẽ, hài hòa, luôn trao đổi, bổ sung kinh nghiệm, giúp cho hai Đảng chúng ta ngày càng trưởng thành, vững mạnh và không ngừng nâng cao khả năng lãnh đạo của mỗi Đảng ngang tầm với các giai đoạn cách mạng [49, tr.5].
Đường lối và chính sách đổi mới mở cửa đã tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho quan hệ giữa hai nước Việt - Lào, đồng thời là nhân tố thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa các ngành, các địa phương hai nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn nói riêng.
1.2.1.2. Tỉnh Hà Tĩnh được tái lập và chủ trương của Đảng bộ tỉnh về quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (tháng 8/1991) đã thông qua Nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh, Hà Tĩnh và Nghệ An. Sau khi được tái lập, tỉnh Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên 6.055,6 km2, dân số 1.173.000
người, 10 đơn vị hành chính, gồm 8 huyện và 2 thị xã. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh sau khi tái lập có 60.712 đảng viên, chiếm 5% dân số của tỉnh, có 760 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 90% là tổ chức cơ sở đảng vững mạnh và khá [98].
Ngay sau khi có Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhanh chóng ổn định tổ chức và tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (vòng 2). Ngày 20/1/1992, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII chính thức khai mạc. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tình hình kinh tế xã hội sau khi tái lập tỉnh, Đại hội đề ra phương hướng chung là: “Phát triển kinh tế hàng hóa, trước hết đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp toàn diện, trọng tâm là lương thực, thực phẩm... Đoàn kết và hợp tác nhiều mặt với các tỉnh bạn... để hình thành các vùng kinh tế hàng hóa lớn" [53, tr.17,18].
Về công tác đối ngoại và hợp tác với các tỉnh bạn Lào, Đại hội chủ trương tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác với hai tỉnh nước bạn Lào có chung đường biên giới là tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn, xúc tiến các cuộc gặp gỡ, hội đàm cấp cao giữa tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh bạn, ký kết các thỏa thuận tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các ngành, các địa phương.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, chủ trương tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay được tiếp tục khẳng định trong cuộc Hội đàm cấp cao trong chuyến thăm và làm việc tại Bôlykhămxay của Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, tháng 11/1992. Hai bên khẳng định tiếp tục “Vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện được đơm hoa kết trái, không ngừng phát triển”; “Tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai tỉnh nhằm làm cho nền kinh tế của cả hai bên không ngừng được phát triển mạnh mẽ” [150]. Theo đó, hai bên “Tăng cường lưu thông các loại hàng hóa mà mỗi bên có khả năng và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường hai tỉnh, hai nước hay xuất khẩu đi nước thứ ba trên cơ sở tuân thủ luật pháp của mỗi nước đã định” [150]. Hai bên thống nhất “tăng cường xây dựng tuyến biên giới quốc gia giữa hai tỉnh trở thành tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác bền vững và ổn định lâu dài” [150].
Nghị quyết số 13 NQ/TU, ngày 18/10/1995 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 1995 tiếp tục khẳng định: “Tăng cường phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh bạn và quốc tế” [99]; đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, nhất là đối với các nước trong khu vực, các tỉnh bạn Lào. Đặc biệt, NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh và các NQ chuyên đề đã thống nhất từng bước đầu tư, hình thành các khu kinh tế trọng điểm, trong đó, vùng kinh tế Đường 8 gắn với đầu tư nâng cấp Cửa khẩu Cầu Treo, chợ đường biên, cảng Xuân Hải, cảng Vũng Áng, các khu công nghiệp mới, khu kinh tế hàng hóa lớn...[100], tạo cơ sở quan trọng trong việc thực hiện các nội dung hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn.
Như vậy, ngay sau khi tái lập tỉnh, NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, và các NQ chuyên đề của BTV, BCH Tỉnh ủy, các văn bản thỏa thuận tại các cuộc Hội đàm cấp cao giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn đã khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, toàn diện và có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa
-xã hội, an ninh, quốc phòng, giao lưu hữu nghị nhân dân... với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn; không ngừng “Vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện được đơm hoa kết trái, không ngừng phát triển” [150]; “Trong quan hệ với bạn, bảo đảm sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân và lực lượng vũ trang ba tỉnh, đặc biệt giữa tỉnh ta với các tỉnh bạn Bôlykhămxay và Khămmuộn nhằm xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển, không để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ và tạo cớ phá hoại” [101]; coi đây là tài sản vô giá, là điều kiện đảm bảo cho cho sự ổn định chính trị và an ninh và việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn.
Chủ trương tăng cường hợp tác với các tỉnh bạn Lào của Đảng bộ tỉnh được tiếp tục khẳng định tại Đại hội lần đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh và ngay sau đó, chủ trương này được tiếp tục khẳng định trong chuyến thăm các tỉnh bạn của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thể hiện lập trường, quan điểm trước sau như một của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh luôn coi trọng và không
ngừng nỗ lực vun đắp tình hữu nghị và hợp tác toàn diện với các tỉnh bạn Lào cùng chung biên giới. Những chủ trương đó vừa thể hiện sự kế thừa, tiếp nối những thành quả đã đạt được của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh trước đây, vừa thể hiện quan điểm, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị bền chặt thủy chung với Đảng bộ và nhân dân các bộ tộc Lào anh em, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
1.2.1.3. Quá trình tổ chức thực hiện
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời thành lập các cơ quan đơn vị chuyên trách và các cơ quan tham mưu về công tác đối ngoại. Trong những năm 1991 - 1995, Ban Kinh tế đối ngoại đã được thành lập và đi vào hoạt động. Ban Kinh tế đối ngoại là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tham mưu trong lĩnh vực kinh tế và hoạt động đối ngoại nói chung và quan hệ hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn nói riêng. Đồng chí Nguyễn Văn Cầm được bổ nhiệm làm Trưởng ban. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, mặc dầu còn gặp muôn vàn khó khăn trong những ngày đầu mới thành lập, Ban Kinh tế đối ngoại đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách và chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ liên doanh, liên kết với các tỉnh bạn Lào phát triển kinh tế, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác biên giới, Ban Biên giới tỉnh đã được thành lập và nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy và đi vào hoạt động. Ban Biên giới là cơ quan không chuyên trách, do đồng chí Nguyễn Hoàng Trạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và đồng chí Nguyễn Bá Giai - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Phó ban Thường trực, cùng các thành viên là đại diện các ngành liên quan, được giao nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, trực tiếp chỉ đạo các vấn đề về biên giới.
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, Văn phòng cấp ủy và UBND các cấp được giao là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác đối ngoại. Các ngành liên quan, đặc biệt là Đối ngoại, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quân sự, Biên phòng và các huyện biên giới đã được kịp thời bố trí đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực phụ trách công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác đối ngoại.
Chủ trương tăng cường hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh được khẳng định tại Đại hội lần đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh và tại chuyến thăm các tỉnh bạn của lãnh đạo tỉnh đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục cụ thể hóa thành các nội dung thông tin thời sự định hướng và chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Hà Tĩnh, các phương tiện thông tin đại chúng, các ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị bền chặt thủy chung với Đảng bộ và nhân dân các bộ tộc Lào anh em, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ công tác đối ngoại nói chung, quan hệ hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn nói riêng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các chương trình, nội dung hợp tác trên các lĩnh vực.
Trong lĩnh vực chính trị: Điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác trong lĩnh vực chính trị giữa giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn là việc duy trì các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao ba tỉnh.
Từ ngày 01 đến ngày 6/11/1992, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Hà Tĩnh đã sang thăm chính thức tỉnh Bôlykhămxay. Đây là chuyến thăm Bôlykhămxay đầu tiên của lãnh đạo cấp cao tỉnh Hà Tĩnh kể từ ngày tái lập tỉnh. Ngày 3/11/1992, Đoàn đại biểu hai tỉnh đã tiến hành hội đàm và thống nhất ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực.