Tổng Quan Các Nghiên Cứu Lý Thuyết Về Tác Động Của Hội Nhập Tài Chính Đến Tình Trạng Đói Nghèo


4. Phương pháp nghiên cứu

Luận án kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng trong việc phân tích tác động của hội nhập tài chính đối với tình trạng đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực Châu Á.

4.1. Phương pháp nghiên cứu định tính

Phương pháp thống kê mô tả:

Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng trong các hoạt động thu thập, xử lý, tổng hợp, trình bày, mô tả số liệu và tính toán các chỉ tiêu về tình trạng đói nghèo, tăng trưởng kinh tế, phát triển tài chính, mức độ tự do hoá tài khoản vốn, tổng tài sản và nợ nước ngoài và một số chỉ tiêu khác nhằm phục vụ cho quá trình phân tích, đánh giá tác động của hội nhập tài chính đối với tình trạng đói nghèo ở các nước đang phát triển khu vực Châu Á trong giai đoạn nghiên cứu. Số liệu được sử dụng trong luận án là số liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn chính thức như ngân hàng thế giới, quỹ tiền tệ thế giới, và báo cáo phát triển con người.

Phương pháp so sánh, phân tích và tổng hợp:

Thông qua các nguồn số liệu được thu thập, luận án tiến hành so sánh các chỉ tiêu như tình trạng đói nghèo, mức độ hội nhập tài chính, tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự phát triển tài chính, mức độ mở cửa tài khoản vốn qua các năm và giữa các nhóm nước đang phát triển với tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người khác nhau trong khu vực Châu Á. Từ đó, nghiên cứu có thể đưa ra các nhận xét và giải thích nguyên nhân của sự biến động, nhằm đánh giá sâu sắc hơn về vấn đề nghiên cứu.

Phương pháp phân tích và tổng hợp được sử dụng trong việc tổng hợp lý thuyết, cơ sở lý luận về hội nhập tài chính, tình trạng đói nghèo và tác động của hội nhập tài chính đối với tình trạng đói nghèo. Đồng thời, phương pháp được sử dụng nhằm tổng hợp các quan điểm của các tác giả trên thế giới về vấn đề nghiên cứu, tổng hợp và phân tích thực trạng về hội nhập tài chính, về tình trạng đói nghèo, tổng hợp các kết quả nghiên cứu định tính cũng như các kết quả phân tích định lượng để đề xuất các giải pháp, khuyến nghị.

4.2. Phương pháp nghiên cứu định lượng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

Phương pháp định lượng được sử dụng trong việc kiểm định sự tác động của hội nhập tài chính đối với tình trạng đối nghèo trong mô hình kinh tế lượng. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu mảng (panel data) theo các phương pháp bình phương nhỏ nhất thông thường gộp (Pooled OLS), ảnh hưởng ngẫu nhiên (RE) và ảnh hưởng cố định (FE).


Tác động của hội nhập tài chính lên đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực châu Á - 3

Dữ liệu mảng có một số ưu điểm bao gồm: (1) cho phép xem xét đến tính không đồng nhất trong các đơn vị liên quan đến các cá nhân. “Cá nhân” ở đây có thể hiểu là một thực thể nào đó như cá nhân, doanh nghiệp, các tỉnh, hay quốc gia…(2) dữ liệu mảng giúp nhà nghiên cứu nắm bắt được nhiều thông tin phong phú hơn về các thực thể, ít đa cộng tuyến giữa các biến số và hiệu quả hơn, (3) dữ liệu mảng rất phù hợp khi nghiên cứu sự thay đổi của các biến số và (4) dữ liệu mảng có thể giúp phát hiện và đo lường được những ảnh hưởng mà bình thường không thể quan sát được ở các chuỗi dữ liệu thời gian hay không gian thông thường.

𝑢

Sau đó, các kiểm định Breusch và Pagan Lagrangian, Hausman Test được sử dụng để lựa chọn ra mô hình phù hợp. Đầu tiên, kiểm định Breusch và Pagan Lagrangian được sử dụng để kiểm tra xem có tồn tại ảnh hưởng của 𝑐𝑖 - phản ánh đặc điểm của quốc gia và được giả định là không thay đổi theo thời gian, vị trí địa lý, văn hóa quốc gia. Kiểm định Breusch và Pagan này kiểm tra sự tồn tại của tác động ngẫu nhiên để lựa chọn giữa mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên và mô hình OLS gộp. Kiểm định có 𝐻0: 𝜎2 = 0 nghĩa là nếu H0 đúng thì không tồn tại tác động ngẫu nhiên, mô hình OLS gộp sẽ được lựa chọn. Ngược lại, nếu bác bỏ H0 thì có tồn tại tác động ngẫu nhiên, mô hình OLS sẽ không được sử dụng và nghiên cứu sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá việc sử dụng mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên hoặc mô hình ảnh hưởng cố định.

Để lựa chọn giữa mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên hoặc mô hình ảnh hưởng cố định, luận án sử dụng kiểm định Hausman. Kiểm định Hausman dựa trên giả thuyết Ho là ci (các yếu tố không đổi theo thời gian phản ánh đặc trưng của cá thể) không tương quan với biến độc lập trong mô hình (tương ứng với giả thuyết mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên là phù hợp). Nếu giả thuyết Ho đúng thì mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên sẽ được lựa chọn sử dụng, ngược lại khi bác bỏ H0, mô hình ảnh hưởng cố định sẽ được sử dụng. Mô hình ảnh hưởng cố định (FEM) sẽ hạn chế được việc ước lượng bị chệch do thiếu biến. Trong trường hợp nếu có các biến bị bỏ qua không đổi theo thời gian và các biến này tương quan với các biến độc lập khác trong mô hình thì mô hình ảnh hưởng cố định có thể loại trừ được ảnh hưởng của việc thiếu các biến đó.

Luận án tiếp tục thực hiện các kiểm định liên quan đến mô hình FEM bao gồm kiểm định về phương sai sai số thay đổi, kiểm định về tự tương quan và kiểm định về tương quan chéo và tiến hành khắc phục khi các giả thiết không thỏa mãn. Để khắc phục hiện tượng vi phạm các giả thuyết kinh tế lượng như tự tương quan và phương sai sai số thay đổi làm cho các ước lượng thu được bằng các phương pháp hồi quy thông thường trên dữ liệu mảng (FEM, REM) không hiệu quả, phương pháp ước lượng hồi quy với sai số chuẩn của Driscoll & Kraay (1998) sẽ được sử dụng trong nghiên cứu.


Tuy nhiên, mô hình OLS, REM hay FEM trên lý thuyết có thể tồn tại một số khuyết tật về mặt kỹ thuật mà nếu không được khắc phục sẽ làm hệ số ước lượng trở nên không hiệu quả hoặc không đáng tin cậy, thậm chí dẫn tới suy diễn sai lầm về bản chất của hiện tượng đang nghiên cứu. Một trong những khuyết tật đó là vấn đề nội sinh của mô hình. Do vậy, luận án đã sử dụng ước lượng Moment tổng quát (Genernalized Method of Moment) để xử lý vấn đề nội sinh tiềm tàng này. Cụ thể hơn, luận án hướng tới sử dụng ước lượng GMM hệ thống (System GMM) do Arellano & Bover (1995) phát triển nhằm khắc phục các khuyết tật tiềm năng của mô hình như đề cập ở trên.

5. Những đóng góp mới của luận án

Luận án có những đóng góp mới về mặt cơ sở lý luận/lý thuyết như sau:

Thứ nhất, luận án đã sử dụng kết hợp cả chỉ số pháp lý Kaopen (de jure) và chỉ số thực tế tổng tài sản nước ngoài và tổng nợ nước ngoài so với GDP (de facto) để đánh giá mức độ hội nhập tài chính của các nước đang phát triển khu vực châu Á. Trong khi đó, các tài liệu nghiên cứu trước đây chỉ sử dụng một trong hai chỉ số này nên sự đánh giá mức độ hội nhập tài chính là chưa thực sự đầy đủ, toàn diện.

Thứ hai, để đánh giá mức độ đói nghèo tại các quốc gia đang phát triển khu vực châu Á, ngoài sử dụng các chỉ số như là chỉ số tính theo đầu người, chỉ số khoảng cách đói nghèo, chỉ số nghèo đa chiều, luận án còn sử dụng chỉ số phát triển con người, được chứng minh là có tương quan chặt chẽ với chỉ số khoảng cách đói nghèo đối với các nước đang phát triển.

Thứ ba, luận án đã vận dụng có điều chỉnh mô hình nghiên cứu thực nghiệm về tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo như một sự đóng góp về khung lý thuyết để phân tích. Áp dụng mô hình đã cho được kết quả không những về chiều hướng tác động của hội nhập tài chính mà còn về tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô và xã hội khác như tăng trưởng kinh tế, độ mở thương mại, y tế đến tình trạng đói nghèo.

Luận án đã có những đóng góp về mặt thực tiễn như sau:

Thứ nhất, luận án có ý nghĩa thực tiễn trong việc đánh giá thực trạng mức độ hội nhập tài chính, tình trạng đói nghèo và tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực Châu Á nói chung và đối với 3 nhóm nước đang phát triển với các mức thu nhập khác nhau ở khu vực Châu Á nói riêng. Cụ thể, tác động của hội nhập tài chính đối với tình trạng đói nghèo ở các quốc gia này đều tích cực, tuy nhiên tác động là mạnh nhất đối với nhóm nước có thu nhập trên trung bình và tác động yếu nhất đối với nhóm nước thu nhập trung bình. Kết quả này đã bổ sung


vào sự hạn chế của những nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính và tình trạng đói nghèo trong khu vực Châu Á.

Thứ hai, dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu, một số những khuyến nghị chung đối với các nước đang phát triển khu vực Châu Á, khuyến nghị riêng với những nhóm nước đang phát triển với thu nhập khác nhau và khuyến nghị riêng với Việt Nam được kiến nghị nhằm tối đa hoá lợi ích của hội nhập tài chính đến việc giảm tình trạng đói nghèo và hạn chế rủi ro tiềm ẩn từ quá trình này. Do vậy, luận án sẽ không chỉ là tài liệu tham khảo trong nghiên cứu mà còn góp phần đối với quá trình hoạch định và hoàn thiện các chính sách về hội nhập tài chính cũng như quá trình thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững của các nước đang phát triển khu vực Châu Á.

6. Kết cấu của luận án

Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu

Chương 2: Cơ sở lý thuyết về tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo của các quốc gia

Chương 3: Thực trạng tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực Châu Á

Chương 4: Ước lượng tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực Châu Á

Chương 5: Một số khuyến nghị đối với các nước đang phát triển khu vực Châu Á.


Chương 1:

TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

Trong nhiều năm trở lại đây, hội nhập tài chính là một chủ đề thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu và nhà kinh tế thuộc nhiều trường phái và các nước khác nhau trên thế giới. Rất nhiều các công trình nghiên cứu về hội nhập tài chính, tình trạng đói nghèo và tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo với những phạm vi về nội dung và phương pháp khác nhau đã được công bố. Chương 1 của luận án sẽ tổng quan các nghiên cứu nói trên với sự phân chia thành hai nhánh lớn: (1) các công trình nghiên cứu lý thuyết; và (2) các công trình nghiên cứu thực nghiệm về tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo để xác định khoảng trống nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án.

1.1. Tổng quan các nghiên cứu lý thuyết về tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo

Hội nhập tài chính và những tác động đối với tăng trưởng kinh tế là một trong những chủ đề được nghiên cứu rộng rãi, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính và kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu lý thuyết về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính và tình trạng đói nghèo và một số nghiên cứu về chủ đề này đã được chọn lọc và phân nhóm như sau:

Nhóm 1: các nghiên cứu lý thuyết về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính, đầu tư trong nước, tăng trưởng kinh tế và tình trạng đói nghèo:

Công trình nghiên cứu của Agenor (2004) đề cập đến khả năng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn quốc tế có thể ảnh hưởng đến đầu tư trong nước và tăng trưởng kinh tế. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, khả năng tiết kiệm bị hạn chế bởi mức thu nhập thấp. Khi lợi nhuận cận biên từ đầu tư ít nhất bằng chi phí vốn, dòng vốn ròng nước ngoài chảy vào có thể bổ sung tiết kiệm trong nước, tăng mức vốn vật chất trên mỗi lao động và giúp nước nhận đầu tư nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống và tiêu chuẩn sống. Những lợi ích tiềm năng này có thể được khai thác đặc biệt từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng, FDI cũng có thể có những ảnh hưởng gián tiếp đáng kể trong dài hạn.

Nghiên cứu của Grossman & Helpman (1991) chỉ ra rằng FDI có thể tạo điều kiện cho việc chuyển giao hay tạo ra tác động lan tỏa của các phương pháp quản lý và bí quyết công nghệ, dưới dạng vốn đầu vào, từ đó thúc đẩy cải thiện kỹ năng và trình độ


của lực lượng lao động, đặc biệt lao động phổ thông, những người có thu nhập thấp, mở ra cơ hội tăng thu nhập cho nhóm nghèo.

Nghiên cứu của Markusen & Venables (1999) cho rằng mức độ cạnh tranh gia tăng trên các thị trường sản phẩm do có sự tham gia của doanh nghiệp FDI mặc dù có thể làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp địa phương, nhưng trong tương lai có thể làm giảm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận, và kích thích đầu tư trong nước do tác động tràn thông qua liên kết các ngành cung ứng. Chi phí đầu vào giảm dẫn đến giá thành sản phẩm giảm giúp tăng cơ hội cho những người thu nhập thấp trong xã hội được tiếp cận, sử dụng hàng hoá với giá thành phải chăng, từ đó tăng chất lượng và tiêu chuẩn sống.

Nhóm 2: các nghiên cứu lý thuyết về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính, kỷ luật kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và tình trạng đói nghèo:

Nghiên cứu của Obstfeld (1998) đưa ra kết luận rằng khi có sự dịch chuyển tự do dòng vốn qua biên giới có thể khiến các quốc gia tuân theo các chính sách kinh tế vĩ mô có kỷ luật hơn và do đó giảm những sai lầm về chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, và có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế cao hơn. Hội nhập tài chính là một tín hiệu cho thấy một quốc gia đang sẵn sàng áp dụng các chính sách kinh tố vĩ mô “lành mạnh”, điển hình như giảm thâm hụt ngân sách và bỏ qua thuế lạm phát, từ đó chính phủ có thể dành thêm nhiều ngân sách hỗ trợ những người có thu nhập thấp trong xã hội hơn.

Nghiên cứu của Bartolini & Drazen (1997) chỉ ra rằng hội nhập tài chính giúp khuyến khích ổn định tài chính, đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn và tăng trưởng kinh tế cao hơn, có thể dẫn đến việc tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Nhóm 3: các nghiên cứu lý thuyết về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, ổn định tài chính và tình trạng đói nghèo:

Công trình nghiên cứu của Caprio & Honohan (1999) lập luận rằng hội nhập tài chính giúp phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng của thị trường tài chính trong nước và từ đó tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại, cải thiện việc phân bổ nguồn lực bằng cách giảm chi phí liên quan đến độc quyền. Các nhà nghiên cứu này cho rằng sự thâm nhập của ngân hàng thương mại nước ngoài có thể cải thiện chất lượng và đa dạng các dịch vụ tài chính ở thị trường trong nước, bằng cách tăng mức độ cạnh tranh của ngân hàng thương mại và cho phép áp dụng các kỹ thuật và công nghệ ngân hàng điển hình như hệ thống quản lý rủi ro tiên tiến hơn, có thể cải thiện hiệu quả bằng cách


giảm chi phí thu thập và xử lý thông tin về những người đi vay tiềm năng, kích thích sự phát triển của khuôn khổ pháp lý và giám sát ngân hàng thương mại trong nước, tăng cường khả năng tiếp cận vốn quốc tế của một quốc gia, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các ngân hàng mẹ, góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính trong nước (và giảm sự biến động của dòng vốn) vì trong những giai đoạn bất ổn tài chính, người gửi tiền có thể chuyển tiền của họ ra các tổ chức nước ngoài được cho là lành mạnh hơn so với các ngân hàng thương mại trong nước. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại nước ngoài cũng có thể góp phần cải thiện chất lượng tổng thể danh mục tín dụng của các ngân hàng thương mại trong nước vì các ngân hàng này ít bị áp lực của chính phủ trong việc cho vay đối với những người đi vay "ưu tiên" như trường hợp của các tổ chức tài chính trong nước, cụ thể là những đối tượng liên quan đến nhà nước. Danh mục tín dụng được cải thiện sẽ tăng cơ hội cho người nghèo được tiếp cận với nguồn vốn, thay vì nguồn vốn chỉ tập trung vào các đối tượng có thu nhập tốt, có khả năng hoàn trả vốn cao từ góc độ nhìn nhận và đánh giá của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, công trình của Giannetti & Ongena (2009) đã chỉ ra rằng do sự bất cân xứng về thông tin, các ngân hàng thương mại nước ngoài có thể chỉ ưu tiên cấp tín dụng cho các ngân hàng thương mại khác, các công ty lớn và các cá nhân giàu có, tạo ra những bất lợi các doanh nghiệp khởi nghiệp và người nghèo.

Nhóm 4: các nghiên cứu về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính, tăng trưởng kinh tế, phân phối thu nhập và tình trạng đói nghèo:

Một số nhà nghiên cứu đã tập trung vào mối quan hệ giữa hội nhập tài chính với tăng trưởng kinh tế, phân phối thu nhập và tình trạng đói nghèo:

Nghiên cứu của Aghion & các cộng sự (1999) nhấn mạnh rằng sự bất bình đẳng phân phối thu nhập có thể gây hại cho tăng trưởng kinh tế thông qua một số kênh, từ đó tăng tỷ lệ nghèo. Quan điểm kinh tế chính trị cho rằng bất bình đẳng thu nhập cao có thể gây ra xung đột và bất ổn chính trị, do đó làm suy giảm đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Công trình của Alesina & Perotti, (1996) chỉ ra rằng bất bình đẳng cản trở tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể khiến gia tăng tỷ lệ nghèo, điều này tạo cơ sở cho các nghiên cứu về "tăng trưởng vì người nghèo" hoặc "tăng trưởng toàn diện".

Công trình của Lopez (2004), dựa trên quan điểm của Keynes, chỉ ra rằng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập cản trở tăng trưởng kinh tế vì người nghèo không thể cung cấp đủ giáo dục cho trẻ em, đồng thời phải đối mặt với những thất bại của thị trường tài chính do thông tin bất cân xứng. Bất bình đẳng thu nhập cũng có thể có hại


cho tăng trưởng kinh tế bằng cách làm trầm trọng thêm bất ổn kinh tế vĩ mô và hạn chế năng lực của chính phủ trong việc quản lý nền kinh tế.

Nghiên cứu của Rodrik (1999) lập luận rằng bất bình đẳng tập trung sự giàu có và quyền lực vào một số ít các nhóm, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, đồng nghĩa với việc làm trầm trọng tỷ lệ đói nghèo do đó cản trở sự phát triển của các thể chế có thể khuyến khích kinh tế tăng trưởng (WB, 2005). Tuy nhiên, hội nhập tài chính góp phần thúc đẩy phát triển tài chính, thì những hạn chế về tài chính có thể giảm bớt và các tác động tiêu cực của bất bình đẳng đối với tăng trưởng có thể trở nên nhỏ hơn, có thể giúp giảm tỷ lệ đói nghèo.

Nhóm 5: các nghiên cứu lý thuyết về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính, khủng hoảng và tình trạng đói nghèo:

Một trong những lợi ích tiềm năng quan trọng của hội nhập tài chính đó là việc tiếp cận thị trường vốn thế giới mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư và có thể nhận đạt được tỷ lệ sinh lời điều chỉnh theo rủi ro cao hơn.

Nghiên cứu của Obstfeld (1994) lập luận rằng việc tiếp cận thị trường vốn thế giới cho phép các quốc gia có thể vay nợ để tiêu dùng một cách dễ dàng hơn khi đối mặt với những cú sốc bất lợi, và từ đó có thể duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng phúc lợi.

Ngoài ra, nghiên cứu của Ozcan & Manganelli (2008) đã chỉ ra rằng mức độ hội nhập hệ thống ngân hàng cao hơn ở các quốc gia đặc biệt trong khu vực liên minh tiền tệ sẽ làm tăng chia sẻ rủi ro trong tiêu dùng. Phát hiện của các nhà nghiên cứu này có ý nghĩa chính sách quan trọng đối với đồng tiền chung. Các cú sốc bất đối xứng trong liên minh tiền tệ tạo ra chênh lệch sản lượng và lạm phát. Tác động của những cú sốc như vậy sẽ giảm đi nhiều nếu chia sẻ rủi ro xuyên quốc gia là đáng kể. Việc chia sẻ rủi ro cho phép bảo hiểm rủi ro trong tiêu dùng, sẽ tạo ra một cơ chế chống lại các cú sốc bất đối xứng về sản lượng giữa các thành viên của một liên minh tiền tệ, đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi. Cơ chế này làm giảm hiệu quả can thiệp của nhà nước trong việc giải quyết những bất đối xứng như vậy.

Trong khi đó, công trình của Williamson & Mahar (1998) cho rằng khi các dòng vốn biến động và đảo chiều đột ngột trong bối cảnh mức độ mở cửa tài khoản vốn cao và quản lý, giám sát hệ thống tài chính của các quốc gia yếu kém hay thị trường tài chính được tự do hoá quá sớm dẫn đến nguy cơ các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra tăng cao khiến người nghèo là những người bị tổn thương nhiều nhất có thể sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất. Ngoài ra, hội nhập tài chính hạn chế các công cụ để tránh khủng hoảng mà các nhà hoạch định chính sách sử dụng. Thực tế này được giải thích bởi việc các nhà

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/06/2023