Các Chỉ Số Đo Lường Mức Độ Hội Nhập Tài Chính


vốn có thể dẫn đến mức độ liên kết tài chính của quốc gia đó đối với nền kinh tế toàn cầu cao hơn vì khối lượng dòng vốn chảy ra và chảy vào tăng lên do gỡ bỏ các hạn chế đối với các dòng chảy đi qua các kênh chính thức (Kose & Prasad, 2020). Tự do hoá tài khoản vốn tuân theo lộ trình nhất định. Cụ thể, nhiều quốc gia lựa chọn tự do hóa dòng vốn vào trước, dòng vốn ra sau; tự do hóa dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rồi mới đến dòng vốn danh mục đầu tư (FPI).

- Theo Henry (2006), tự do hoá tài khoản vốn là quyết định của chính phủ một quốc gia chuyển từ chế độ tài khoản vốn đóng, nơi vốn có thể không được di chuyển tự do trong và ngoài nước sang một hệ thống tài khoản vốn mở, trong đó vốn có thể di chuyển theo mục đích của các nhà đầu tư. Nói rộng ra, có hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về sự tự do hóa tài khoản vốn được sử dụng cho việc lựa chọn chính sách cho các nước đang phát triển. Quan điểm thứ nhất, hiệu quả phân bổ vốn, dựa nhiều vào các dự đoán của mô hình tăng trưởng tân cổ điển tiêu chuẩn do Solow tiên phong (1956). Trong mô hình tân cổ điển, tự do hóa tài khoản vốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân bổ nguồn lực quốc tế hiệu quả hơn. Nguồn lực vốn dồi dào chảy từ các nước phát triển, nơi khả năng hoàn vốn thấp, đến các nước đang phát triển khan hiếm vốn, nơi khả năng hoàn vốn cao. Dòng chảy của các nguồn lực vào các nước đang phát triển làm giảm chi phí vốn của họ, tạo ra sự gia tăng tạm thời trong đầu tư và tăng trưởng, nâng cao mức sống của quốc gia đó. Do được thúc đẩy một phần bởi những lợi ích tiềm năng từ việc ứng dụng quan điểm của Hiệu quả Phân bổ vào các chính sách kinh tế, rất nhiều chính phủ các nước đang phát triển đã thực hiện một số hình thức tự do hóa tài khoản vốn trong 20 năm qua. Tuy nhiên cũng có những quan điểm hoài nghi về Hiệu quả phân bổ vốn điển hình như là phân tích thực nghiệm của Rodrik không tìm thấy mối tương quan nào giữa độ mở tài khoản vốn, số vốn đầu tư và tốc độ phát triển của các quốc gia nghiên cứu.

2.1.3. Các chỉ số đo lường mức độ hội nhập tài chính

Trong các nghiên cứu trước đây, nhiều chỉ số đo lường mức độ hội nhập tài chính đã được công bố. Tuy nhiên, mỗi chỉ số thường cung cấp một phần thông tin khác nhau của hội nhập tài chính. Điều này phần nào giải thích tại sao các kết quả thực nghiệm không cung cấp đầy đủ bằng chứng về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính và tình trạng đói nghèo. Việc chỉ sử dụng một hoặc một số chỉ số là không đủ để đưa ra kết quả cuối cùng nên cần thiết phải nghiên cứu tất cả các chỉ số hiện có. Các chỉ số về hội nhập tài chính có thể được chia thành hai nhóm chính: các chỉ số pháp lý (de jure) và các chỉ số thực tế (de facto).


Các chỉ số Pháp lý (De jure):

Chỉ số pháp lý de jure đo lường độ mở của tài khoản vốn dựa trên những quy định và hạn chế của chính phủ đối với các khoản mục của cán cân vốn trong cán cân thanh toán quốc tế của các quốc gia. Các chỉ số de jure phổ biến hay được dùng đó là chỉ số Kaopen và chỉ số kiểm soát vốn. Điểm chung cho gần như tất cả các chỉ số hội nhập tài chính de jure là sự phụ thuộc vào thông tin có sẵn trong các báo cáo hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về kiểm soát ngoại hối. Cho đến năm 1995, báo cáo thường niên của IMF về các thỏa thuận tỷ giá và hạn chế trao đổi (AREAER) đã tổng hợp độ mở đối với dòng vốn của một quốc gia dựa trên biến giả nhị phân. AREAER đã cung cấp thêm thông tin về giới hạn tài khoản vốn trong một số danh mục phụ. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ thể hiện mức độ mở tài khoản vốn của một quốc gia mà không cung cấp bất kỳ thông tin nào về nội dung kiểm soát vốn. AREAER đã báo cáo ba biến nhị phân bổ sung: về tính mở tài khoản vãng lai, về các yêu cầu chuyển trả tiền xuất khẩu, và dựa trên nhiều thông lệ tỷ giá. Mody & Murshid (2005) đã sử dụng cả bốn biến tính đến năm 1999 và giải thích tổng của bốn biến này là chỉ số hội nhập tài chính. Grilli & Milesi- Ferretti, (1995) cũng sử dụng cả bốn biến, nhưng đánh giá hội nhập tài chính dựa vào từng biến riêng biệt thay vì tính tổng.

Chỉ số Kaopen được đề xuất bởi Chinn & Ito (2006) là một trong những chỉ số de jure tổng thể và toàn diện nhất. Kaopen được tạo ra dựa trên các biến giả nhị phân đã được báo cáo trong AREAER. Các biến này là: (1) biến chỉ ra sự hiện diện của nhiều tỷ giá (k1), (2) biến chỉ ra các hạn chế đối với giao dịch tài khoản vãng lai (k2), (3) biến chỉ ra các hạn chế đối với các giao dịch tài khoản vốn (k3), và biến chỉ ra yêu cầu chuyển giao tiền xuất khẩu (k4). Chỉ số này tập trung vào các giá trị càng cao thì quốc gia càng mở cửa hơn trong giao dịch vốn xuyên biên giới. Chinn và Ito (2008) sử dụng cả bốn biến này cho 182 quốc gia cho đến năm 2006 và tổng hợp chúng theo các thành phần chính. Các biện pháp này cung cấp thông tin không chỉ được phân loại rõ ràng hơn mà còn mở rộng định nghĩa hạn hẹp về kiểm soát vốn. Tuy nhiên, một số tác giả khác đã chọn cách tiếp cận tập trung hơn. Bekaert, Harvey, & Lundblad (2005) nghiên cứu các đợt tự do hóa thị trường cổ phiếu cho 42 quốc gia trong giai đoạn 1960–2006; Edison & Warnock (2003) tập trung vào các hạn chế vốn cổ phần ở 31 quốc gia trong giai đoạn 1989–2006 với tần suất hàng tháng, bằng cách đo lường phần vốn hóa thị trường của một quốc gia mở cửa cho đầu tư nước ngoài.

Chỉ số kiểm soát vốn được phát triển bởi Schindler (2009), sau đó được phát triển bởi Fernandez & các cộng sự (2016) đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Chỉ số này cũng dựa trên Báo cáo AREAER của IMF. Bộ dữ liệu của Schindler

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.


(2009) đã chấm điểm cho mức độ kiểm soát vốn (bao gồm cả vốn vào và ra) của 91 quốc gia trong giai đoạn 1995-2005 dựa trên 6 nội dung: hạn chế giao dịch trái phiếu, cổ phiếu, thị trường tiền tệ, đầu tư tập thể, tín dụng tài chính, và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2015, chỉ số này được phát triển và mở rộng cả về nội dung, số lượng quốc gia và khoảng thời gian. Theo đó, 4 nội dung đánh giá bổ sung gồm công cụ phái sinh, tín dụng thương mại, bảo lãnh tài chính, bất động sản. Bộ dữ liệu mới đã được cung cấp cho 100 quốc gia trong giai đoạn 1995-2003. Các tác giả dựa vào mô tả trong AREAER để xác định xem có hay không các hạn chế đối với giao dịch quốc tế. Khi có hạn chế đối với các giao dịch vốn, tài sản đó sẽ được cho điểm 1. Ngược lại, khi không có hạn chế nào, tài sản đó sẽ được cho điểm 0.

Tác động của hội nhập tài chính lên đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực châu Á - 6

Trên thực tế, hạn chế chung của các chỉ tiêu này là chúng không phản ánh hiệu lực và hiệu quả của các biện pháp kiểm soát, và các chỉ số này không phản ánh sự hội nhập thực tế của thị trường vốn quốc tế (Kose & cộng sự, 2009; Quinn & cộng sự, 2011). Bên cạnh đó, tính chất chủ quan của việc phân chia các nhóm quốc gia trong nghiên cứu làm cho các chỉ số de jure trở nên thiếu tin cậy khi được sử dụng để đánh giá mức độ hội nhập tài chính trong các mô hình kinh tế lượng.

Các chỉ số thực tế (de facto):

Để khắc phục nhược điểm của chỉ số pháp lý de jure, nhiều nghiên cứu đã sử dụng các chỉ số đo lường dòng vốn thực tế de facto. Các biện pháp thực tế de facto sử dụng giá hoặc số lượng vốn quan sát được để đo lường mức độ công khai tài chính của một quốc gia. Tuy nhiên, các chỉ số thực tế không phải là một sự thay thế hoàn hảo cho các chỉ số danh nghĩa. Các số liệu thực tế dựa trên dòng chảy hoặc giá cả thực tế, đều rất biến động qua các năm và cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vĩ mô khác bên cạnh hội nhập tài chính (Kose & cộng sự, 2009). Hạn chế đầu tiên có thể được khắc phục phần nào nếu các chỉ số được chuyển đổi đúng cách, điển hình như đường trung bình động, sử dụng tổng dữ liệu (cổ phiếu) thay vì lưu lượng. Hạn chế thứ hai khó khắc phục hơn nhiều khi không thể tách rời tác động từng phần của hội nhập tài chính. Hơn nữa, đôi khi hướng tác động có thể là hai chiều từ chính sách đến dòng tài chính và ngược lại, làm cho vấn đề càng trở nên phức tạp hơn.

Trong số các chỉ số de facto, chỉ số tổng tài sản và nợ nước ngoài tính theo phần trăm GDP (FAL) được đề xuất bởi Lane & Milesi-Ferretti's (2007) là phổ biến nhất. Dữ liệu về tài sản và nợ nước ngoài của các quốc gia được Lane & Milesi-Ferretti cung cấp cho mỗi năm trong giai đoạn 2000-2012. Ngoài ra, IFS (Thống kê Tài chính Quốc tế) của IMF có sẵn dữ liệu này hàng năm và hàng quý để tính chỉ tiêu tổng tài sản và nợ


nước ngoài của tất cả các thành viên từ năm 2000 đến nay. Công thức FAL được trình bày như sau:


𝐹𝐴𝐿𝑖𝑡 =

𝐹𝐴𝑖𝑡 + 𝐹𝐿𝑖𝑡

𝐺𝐷𝑃𝑖𝑡

Trong công thức này, i là đại diện cho các quốc gia, t là năm

FA là tổng tài sản nước ngoài bao gồm: tài sản đầu tư trực tiếp, tài sản đầu tư theo danh mục, các khoản đầu tư khác (tài sản đầu tư khác) và tài sản dự trữ.

FL là tổng nợ nước ngoài bao gồm: nợ đầu tư trực tiếp, nợ đầu tư theo danh mục đầu tư, nợ đầu tư khác.


Bên cạnh FAL, FDI, FPI hay cho vay ngân hàng xuyên biên giới cũng đã được dùng để đo lường hội nhập tài chính trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Theo Tsai & Huang (2007); Huang & các cộng sự (2010), so với các dòng vốn vào, các dòng vốn được đầu tư ra nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong hội nhập tài chính vì nó cho biết khả năng đầu tư của người dân trong nước. Trong khi dòng vốn vào đo lường việc mua hoặc bán ròng của những người không cư trú đối với tài sản trong nước, dòng vốn ra biểu thị việc mua bán ròng tài sản nước ngoài của người cư trú. Vũ Thuỳ Dương (2019) sử dụng dòng vốn vào FDI và dòng vốn ra FDI để đo lường hội nhập tài chính. Theo tác giả, FDI là dòng vốn ổn định, ít có khả năng đảo ngược, do đó, hiếm khi gây ra khủng hoảng tài chính. FDI chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường tài chính, không chỉ góp phần tạo vốn mà còn có những tác động lan toả tích cực về phương thức quản lý, công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, FDI cũng có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đối với người nghèo. Cụ thể, các ngân hàng nước ngoài chỉ phân bổ vốn cho những người vay có tài sản đảm bảo tốt như các công ty và các cá nhân có thu nhập cao, từ đó khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của người nghèo bị hạn chế nhiều. Các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực phi tài chính cũng có thể làm tổn thương người nghèo nếu họ quyết định tái cấu trúc các doanh nghiệp trong nước và giảm thiểu lực lượng lao động phổ thông dư thừa. Dòng vốn ra FDI cũng có khả năng làm trầm trọng tỷ lệ người nghèo trong nước bởi vì FDI được đầu tư ở nước ngoài, dẫn đến việc thuê lao động kỹ năng thấp ở chính các quốc gia đó, từ đó giảm số việc làm trong nước.


Trong luận án, cụ thể ở Chương 3, chỉ số Kaopen, chỉ số tổng tài sản và tổng nợ nước ngoài so với GDP (FAL) được sử dụng để đánh giá định tính về mức độ hội nhập tài chính của các nước đang phát triển khu vực châu Á trong giai đoạn nghiên cứu, trong


khi đó chỉ riêng chỉ số FAL được dùng trong phần nghiên cứu định lượng ở chương 4 do những hạn chế về tính liên tục trong việc thu thập số liệu của chỉ số Kaopen.

2.1.4. Lợi ích và chi phí của hội nhập tài chính

2.1.4.1. Lợi ích của hội nhập tài chính

Nhiều lợi ích của hội nhập tài chính đã được ghi nhận trên thực tế tình hình kinh tế xã hội của các nước và cũng đã được các nhà nghiên cứu tổng kết và khái quát bao gồm:

- Chia sẻ rủi ro: Một trong những lợi ích của hội nhập tài chính là tạo ra các cơ hội chia sẻ rủi ro tài chính (Jappelli & Pagano, 2008). Việc hội nhập vào các thị trường lớn hơn mang lại lợi ích cho cả các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, hộ gia đình và các cá nhân. Hội nhập tài chính thúc đẩy đa dạng hóa danh mục đầu tư và chia sẻ rủi ro giữa các khu vực do có sự bổ sung thêm của các công cụ tài chính trên thị trường của mỗi nước. Hội nhập tài chính cho phép các hộ gia đình nắm giữ danh mục vốn chủ sở hữu đa dạng hơn và cho phép các ngân hàng thương mại đa dạng hóa danh mục cho vay trên phạm vi quốc tế. Ở các quốc gia, sự đa dạng hóa này sẽ giúp các hộ gia đình giảm bớt các cú sốc về thu nhập. Cụ thể, để các cú sốc đối với thu nhập trong nước không ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, các chủ thể trong nền kinh tế tìm cách vay hoặc đầu tư ra nước ngoài (Jappelli & Pagano, 2008).

Hội nhập tài chính cho phép các chủ dự án có vốn ban đầu thấp có thể thông qua một bên trung gian tài chính có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài từ thị trường trong nước và thị trường quốc tế để trang trải các chi phí ban đầu. Đặc biệt, những công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn về tín dụng, có thể tiếp cận tốt hơn với các thị trường tài chính hoặc nguồn vốn rộng lớn hơn từ các nước khác cùng tham gia hội nhập tài chính. Cơ hội chia sẻ rủi ro giúp các nhà đầu tư có thể tham gia các dự án rủi ro cao với khả năng sinh lời rất cao. Đồng thời, vì sự sẵn có của các cơ hội chia sẻ rủi ro cho phép các nhà đầu tư không ưa thích rủi ro phòng ngừa trước những cú sốc tiêu cực. Hội nhập tài chính cũng có thể loại bỏ các hình thức hạn chế tín dụng nhất định mà các nhà đầu tư phải đối mặt. Quy luật số lượng lớn đảm bảo rủi ro tín dụng ít hơn khi số lượng khách hàng tăng lên. Các rủi ro cá nhân cũng có thể được giảm thiểu bằng cách hội nhập vào một thị trường lớn hơn và đồng thời, tăng cường đa dạng hóa danh mục đầu tư.

- Cải thiện phân bổ vốn: Mức độ hội nhập tài chính cao sẽ cho phép phân bổ vốn tốt hơn (Levine, 2001). Hội nhập tài chính giúp loại bỏ tất cả các yếu tố cản trở giao dịch tài sản tài chính và dòng vốn, cho phép phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài chính


cho đầu tư và sản xuất. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ có thể đầu tư số vốn/quỹ vào những dự án có hiệu quả nhất.

Thông qua việc mở cửa tiếp cận thị trường nước ngoài, hội nhập tài chính sẽ mang lại cho các chủ thể kinh tế nhiều nguồn tài chính và cơ hội đầu tư hơn và cho phép tạo ra các thị trường có tính thanh khoản cao hơn . Điều này cho phép nhiều thông tin được tổng hợp và xử lý nhanh và chính xác hơn, đồng thời vốn được phân bổ các dòng vốn theo cách hiệu quả hơn.

- Thúc đẩy sự phát triển tài chính: Theo Hartmann & cộng sự (2007), phát triển tài chính có thể được hiểu là một quá trình đổi mới tài chính, cải tiến thể chế và tổ chức của hệ thống tài chính. Hội nhập tài chính có tác dụng giảm thông tin bất cân xứng, tăng mức hoàn thiện của thị trường và khả năng ký kết hợp đồng, giảm chi phí giao dịch và tăng cạnh tranh. Áp lực cạnh tranh cao làm giảm chi phí dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp và hộ gia đình của các quốc gia có hệ thống tài chính kém phát triển hơn, và do đó mở rộng thị trường tài chính địa phương.

Trong một số trường hợp, chính các công ty nước ngoài có thể cung cấp các dịch vụ tài chính bổ sung. Sự thâm nhập trực tiếp của các ngân hàng nước ngoài dẫn đến việc mua bán và sáp nhập với các ngân hàng trong nước. Nếu việc sáp nhập đưa các ngân hàng đến gần hơn với quy mô hiệu quả, thì quá trình này cũng sẽ đi kèm với việc giảm chi phí trung gian. Cạnh tranh cao hơn, dẫn đến việc cắt giảm chi phí, thúc đẩy gia tăng tín dụng và/hoặc lãi suất trở nên thấp hơn. Ngoài ra, thông qua sự thống nhất trong các quy định quốc gia (chuẩn mực kế toán, luật an ninh, giám sát ngân hàng, quản trị công ty), hội nhập tài chính cũng sẽ tăng cường phát triển tài chính trong nước và sự gia nhập của các trung gian tài chính nước ngoài ở các nước kém phát triển hơn.

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Theo lý thuyết tân cổ điển, hội nhập tài chính có thể tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Việc mở cửa thị trường vốn quốc tế tạo ra dòng chảy từ các nước dồi dào vốn sang các nước khan hiếm vốn thúc đẩy tăng trưởng ở các nước nghèo hơn. Ngoài ra, năng suất cũng có thể tăng lên vì dòng vốn có thể giải phóng nền kinh tế khỏi những ràng buộc về tín dụng và do đó cho phép các nhà đầu tư thực hiện các khoản đầu tư hiệu quả hơn). Hơn nữa, trong mô hình tăng trưởng tân cổ điển, hội nhập tài chính tăng cường hoạt động của các hệ thống tài chính trong nước thông qua việc tăng cường cạnh tranh và nhập khẩu các dịch vụ tài chính, mang lại hiệu quả tăng trưởng tích cực (Levine, 2001).

Tóm lại, hội nhập tài chính tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội đầu tư và gia tăng cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Điều này dẫn đến việc cải thiện hiệu quả của các tổ chức tài chính khi các nguồn tài chính được giải phóng cho


các hoạt động sản xuất. Ngoài ra, hội nhập tài chính dẫn đến tăng khả năng sẵn có của các cơ hội đầu tư trung gian và do đó tăng trưởng kinh tế cao hơn. Quá trình hội nhập sẽ làm tăng cạnh tranh trong các khu vực kém phát triển hơn và do đó cải thiện hiệu quả của hệ thống tài chính, giảm chi phí trung gian. Hơn nữa, điều này sẽ làm cho các hệ thống tài chính của các khu vực này trở nên hấp dẫn hơn, do đó tăng cường sự tham gia của các chủ thể trong và ngoài nước và góp phần phát triển hơn nữa các hệ thống tài chính.

2.1.4.2. Chi phí của hội nhập tài chính

Bên cạnh những lợi ích mang lại, hội nhập tài chính cũng tạo ra những nguy cơ và đòi hỏi sự chấp nhận của các nước tham gia bao gồm:

- Sự tập trung và phân bổ sai dòng vốn trong nước: Mặc dù hội nhập tài chính có thể làm tăng cơ hội đầu tư trong nước, nhưng tác động của quá trình này đối với tăng trưởng dài hạn có thể bị hạn chế nếu những dòng vốn được sử dụng để tài trợ cho các khoản đầu tư trong nước có chất lượng thấp. Các khoản đầu tư có hiệu quả thấp trong lĩnh vực phi thương mại có thể làm giảm khả năng xuất khẩu của nền kinh tế theo thời gian. Việc phân bổ sai dòng vốn một phần có thể là kết quả của những lỗ hổng từ trước trong hệ thống tài chính trong nước.

- Mất ổn định kinh tế vĩ mô: Các dòng vốn lớn của quá trình hội nhập tài chính có thể tạo ra các tác động kinh tế vĩ mô không mong muốn, bao gồm mở rộng tiền tệ nhanh chóng, áp lực lạm phát, tỷ giá thực tăng và gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai. Trong trường hợp quốc gia áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi, thâm hụt bên ngoài ngày càng tăng có xu hướng dẫn đến sự mất giá tiền tệ, điều này cuối cùng có thể dẫn đến việc điều chỉnh lại giá tương đối và tạo ra sự tự điều chỉnh trong dòng chảy thương mại. Ngược lại, dưới chế độ tỷ giá cố định, tổn thất về khả năng cạnh tranh và mất cân bằng bên ngoài ngày càng tăng có thể làm xói mòn niềm tin vào khả năng tồn tại và tính bền vững của tỷ giá, do đó dẫn đến khủng hoảng tiền tệ và gia tăng bất ổn tài chính.

- Sự biến động của dòng vốn: Mức độ hội nhập tài chính cao có thể dẫn đến mức độ biến động cao trong luân chuyển vốn, biểu hiện cụ thể là sự đảo chiều lớn trong dòng chảy ngắn hạn gắn với áp lực đầu cơ lên đồng nội tệ. Khả năng có sự đảo chiều lớn của dòng vốn ngắn hạn làm tăng rủi ro mà người đi vay có thể phải đối mặt. Mức nợ ngắn hạn so với mức dự trữ quốc tế của nước đi vay càng cao thì rủi ro đó càng lớn. Các khoản nợ ngắn hạn càng cao càng tạo ra rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và khủng hoảng hệ thống tài chính. Mức độ biến động của dòng vốn phụ thuộc vào tình hình thực tế của môi trường kinh tế trong nước, cũng như các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như biến động của lãi suất thế giới.


- Rủi ro gia tăng từ việc thâm nhập của các ngân hàng thương mại nước ngoài: Mặc dù sự thâm nhập của ngân hàng thương mại nước ngoài có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có một số nguy cơ nhất định. Thứ nhất, các ngân hàng thương mại nước ngoài có thể cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ (có xu hướng hoạt động trong lĩnh vực phi thương mại) ở mức độ lớn hơn so với các ngân hàng thương mại trong nước, thay vì tập trung vào các doanh nghiệp lớn hơn và mạnh hơn (thường tham gia vào sản xuất hàng xuất khẩu). Trong trường hợp các ngân hàng thương mại nước ngoài thực sự đi theo chiến lược chỉ tập trung hoạt động cho vay cho những người đi vay là doanh nghiệp đáng tin cậy nhất (và ở cấp độ thấp hơn là hộ gia đình), thì sự hiện diện của các ngân hàng thương mại này sẽ ít có khả năng đóng góp vào sự gia tăng hiệu quả tổng thể trong lĩnh vực tài chính. Quan trọng hơn, mức độ phân bổ tín dụng cao hơn cho các doanh nghiệp nhỏ có thể có tác động tiêu cực đến sản lượng, việc làm và phân phối thu nhập.

Tóm lại, hội nhập tài chính mang lại những lợi ích cho các quốc gia tham gia, song cũng cần nhận thức rõ ràng là không thể tránh khỏi một số nguy cơ và những điều bất lợi. Để tận dụng những tác động tích cực của hội nhập tài chính, các quốc gia sẵn sàng chấp nhận chi phí cơ hội đó chính là tác động tiêu cực của quá trình hội nhập.

2.2. Những vấn đề cơ bản về tình trạng đói nghèo

Như đã trình bày trên đây, hội nhập tài chính có những tác động tiêu cực và tích cực đối với các nước. Mức độ và các mặt chịu tác động cũng khác nhau tùy theo trình độ phát triển và những điều kiện đặc thù của mỗi nước. Tuy nhiên, với mục đích và phạm vi nghiên cứu như đã trình bày trong Phần mở đầu, nội dung của luận án sẽ tập trung nghiên cứu những tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo của các nước. Trước khi nghiên cứu vào những tác động của hội nhập tài chính đối với tình trạng đói nghèo ở Mục 2.3, mục này sẽ dành để tìm hiểu về khái niệm, nguyên nhân, các chỉ số đo lường mức độ đói nghèo ở các quốc gia.

2.2.1. Khái niệm về tình trạng đói nghèo

Tình trạng đói nghèo là một trong những vấn đề xã hội phổ biến và nghiêm trọng nhất trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển (Deguara, 2008; Knowles, 2000; Lehning, Vu, & Pintak, 2006; Todaro & Smith, 2006). Tuy nhiên, như Domfeh & Bawole (2009) khẳng định, quan điểm về đói nghèo vẫn chưa thực sự được thống nhất giữa các khu vực. Do đó, các khái niệm khác nhau về tình trạng đói nghèo sẽ được thảo luận trước khi quan điểm của tác giả được trình bày.

Pillari & Newsome (1998) định nghĩa tình trạng đói nghèo là một vấn đề có tính cấu trúc gây ra tình trạng vô gia cư, thất nghiệp và áp bức. Quan điểm này của tác giả

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/06/2023