Ngoài ra, nghiên cứu của Dang & Dang (2020) với mẫu nghiên cứu của 30 ngân hàng thương mại Việt Nam từ 2007 – 2018 cũng cho thấy mối quan hệ ngược chiều giữa lãi suất chính sách và ổn định ngân hàng, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động, tỷ suất sinh lời ứng với từng ngân hàng thương mại.
Lãi suất giảm khi ngân hàng Trung ương thực thi chính sách tiền tệ mở rộng ảnh hưởng đến hành vi của khách hàng tiền gửi, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn kinh doanh và khả năng chịu rủi ro giảm (Laeven, L., Levine, R., 2009). Ngân hàng Trung ương điều chỉnh lãi suất huy động giảm do lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm thì tiền đồng sẽ chảy sang các kênh khác, có thể là vàng hay chứng khoán, bất động sản hay các kênh đầu từ khác có mức sinh lời cao hơn, hấp dẫn hơn so với tiền gửi tại các ngân hàng. Điều đó sẽ làm cho ngân hàng thương mại đối mặt với mức độ rủi ro mất khả năng thanh toán cao, khó huy động vốn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh huy động vốn chưa phải là cao, phụ thuộc nhiều vào nguồn tái cấp vốn của ngân hàng Trung ương ở các nền kinh tế mới nổi.
Ngược lại với quan điểm của Borio và Zhu (2012), Maddaloni và Peydró (2011), Dell'Ariccia và cộng sự (2012) và Paligorova và Santos (2012) nhận thấy rằng, khi chính sách tiền tệ mở rộng, các ngân hàng có thể nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay và tăng tín dụng cho các khách hàng có nguy cơ cao hơn khi chính sách tiền tệ được dỡ bỏ và có sự bùng nổ về rủi ro tín dụng thông qua hai hướng:
Một là, theo De Young và cộng sự (2013), gia tăng giá cả bất động sản, giá trị tài sản thế chấp và vốn ngân hàng làm tăng khuyến khích của các nhà quản lý Ngân hàng đầu tư vào danh mục tài sản có nguy cơ cao có xu hướng tăng lên. Tương tự, Challe và cộng sự (2013) cho thấy, do trách nhiệm hữu hạn, việc tìm kiếm không cẩn thận về lợi nhuận cao hơn sẽ tăng lên khi lãi suất giảm. Buch và cộng sự (2014) cung cấp bằng chứng thực nghiệm nhất quán cho giả thuyết về "tìm kiếm lợi nhuận", đặc biệt là ở các ngân hàng nhỏ dưới những cú sốc tiền tệ lan rộng.
Hai là, chính sách tiền tệ mở rộng làm tăng lên giá trị thuần sẽ nâng cao khả năng thế chấp trong vay nợ của công ty và vì thế dẫn đến vay nợ tăng lên. Đối với thị trường tín dụng, do tình trạng thông tin không cân xứng (asymmetric information), nếu ngân hàng đối phó với nhu cầu vay vượt khả năng cho vay bằng cách tăng lãi suất (giá của khoản vay) để làm giảm nhu cầu vay, thì có thể bị thiệt vì
gặp phải vấn nạn “lựa chọn bất lợi” (adverse selection) và “rủi ro đạo đức” (moral hazard). Lựa chọn bất lợi xảy ra vì ngân hàng không thể hiểu khách hàng bằng chính khách hàng (thông tin không cân xứng) cho nên nếu ngân hàng tăng lãi vay để hạn chế nhu cầu vay thì khách hàng tốt sẽ không vay; nhưng khách hàng xấu vẫn sẽ cố vay vì họ biết rằng nếu có vay được chỗ khác (ví dụ vay chợ đen) thì lãi suất rất cao, hoặc không vay được. Như vậy, ngân hàng có khả năng tăng khách hàng xấu và giảm khách hàng tốt.
2.7.3 Tác động của chính sách tiền tệ đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại.
Đầu tiên phải kể tới nghiên cứu của Akerlof (1970) và Stiglitz and Weiss (1981) về mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và bất cân xứng thông tin. Sau đó, Bernanke (1983) đã chỉ ra rằng các vấn đề về thông tin sẽ tạo ra một cơ chế khuếch đại và truyền dẫn các cú sốc đến nền kinh tế.
Nghiên cứu Borio (2005a) nhắc đến một khái niệm “nghịch lý của độ tin cậy”, sự ổn định giá và một hệ thống tài chính lành mạnh là rất quan trọng, khi này “độ tin cậy” nổi lên như một yếu tố quan trọng cho chính sách tiền tệ và sự điều tiết của ngân hàng. Một mặt, “độ uy tín” đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, mặt khác “độ uy tín” lại dẫn đến việc tạo ra bong bóng trong thị trường tín dụng và giá cả tài sản thông qua kênh chấp nhận rủi ro, chính sự tương phản này đã đưa đến khái niệm mà Borio (2005a) gọi là “nghịch lý của độ tin cậy”. Theo đó Borio (2005a, 2006) kết luận rằng “độ uy tín” và sự ổn định giá là hai yếu tố quan trọng để đảm bảo lợi ích cho hệ thống tài chính, cả hai yếu tố này đều có thể khuếch đại các các hành vi trong hệ thống tài chính. “Nghịch lý của độ tin cậy” đặt ra vấn đề nan giải cho ngân hàng Trung ương trong việc cân bằng giữa chính sách tiền tệ và quản trị hệ thống ngân hàng nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định lạm phát.
Các nghiên cứu đầu tiên về mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ đến ngân hàng thường tập trung đến tác động của chính sách tiền tệ đến tăng trưởng tín dụng. Sử dụng dữ liệu về chuẩn cho vay ở Mỹ, Lown và Morgan (2006) tìm thấy các chỉ tiêu chuẩn tín dụng có xu hướng thắt chặt theo sau việc gia tăng lãi suất, nhưng kết quả không có ý nghĩa thống kê.
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Cần Thiết Phải Đảm Bảo Tính Ổn Định Tài Chính.
- Tác Động Của Vốn Cao Hơn Tới Sự Ổn Định Của Ngân Hàng
- Tác Động Của Mức Độ Chấp Nhận Rủi Ro Đến Ổn Định Tài Chính Của Các Ngân Hàng Thương Mại.
- Xây Dựng Mô Hình Tác Động Của Chính Sách Tiền Tệ Đến Tính Ổn Định Tài Chính Của Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam.
- Tổng Hợp Dấu Kết Quả Nghiên Cứu Tác Động Của Chính Sách Tiền Tệ Và Các Yếu Tố Khác Đến Mức Độ Chấp Nhận Rủi Ro.
- Đo Lường Tính Ổn Định Tài Chính Của Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam.
Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.
Jimenez và cộng sự (2009), Ioannidou và các cộng sự (2009), sử dụng thông tin chi tiết về chất lượng của những người đi vay từ cơ sở dữ liệu tín dụng của Spain
và Bolivia. Họ tìm thấy mối tương quan dương giữa lãi suất thấp với xác suất mở rộng khoản vay cho những người đi vay có lịch sử tín dụng xấu hoặc là những người đi vay nhiều rủi ro. Họ cũng tìm thấy lãi suất thấp làm giảm tính rủi ro của tổng danh mục cho vay của ngân hàng. Vì thế, lãi suất thấp trong thời kỳ ngắn có thể cải thiện chất lượng danh mục cho vay nhưng duy trì lãi suất thấp trong thời kỳ dài có thể làm gia tăng rủi ro vỡ nợ đáng kể trong trung hạn. Ngoài ra, Jimenez và cộng sự (2009) chứng minh lãi suất qua đêm thấp hơn sẽ làm cho ngân hàng gia tăng đòn bẩy để cho vay đối với các khách hàng mới rủi ro hơn.
Maddaloni và Peydro (2011) tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ về tiêu chuẩn tín dụng nới lỏng khi lãi suất qua đêm giảm khi nghiên cứu trong khảo sát cho vay ở khu vực đồng Euro. Ngoài ra, sử dụng phần dư Taylor rule, các tác giả này còn tìm thấy lãi suất thấp trong thời kỳ kéo dài sẽ làm giảm chuẩn cho vay nhiều hơn nữa. Tương tự, Altunbas và cộng sự (2014) sử dụng xác suất vỡ nợ của các công ty xếp hạng tín nhiệm làm đại diện cho biến chấp nhận rủi ro. Kết quả tìm thấy gia tăng lãi suất có quan hệ cùng chiều với rủi ro vỡ nợ.
Nghiên cứu của Paligorova và Santos (2012) về định giá các khoản cho vay tự tạo đối với các công ty Mỹ với dữ liệu từ Federal Reserve’s Senior Loan Officer Opinion Survey (SLOOS) lên tiêu chuẩn cho vay. Kết quả cho thấy định giá cho vay đối với người đi vay rủi ro nhiều sẽ được yêu thích hơn người đi vay an toàn trong suốt thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và hiệu ứng này rõ ràng hơn đối với các ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao hơn.
Trong điều kiện chính sách tiền tệ nới lỏng dễ dàng dẫn đến sự biến động kinh doanh, tức là lãi suất thấp có thể dẫn đến mất cân đối tài chính thông qua tăng mức chấp nhận rủi ro của các ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến việc cung cấp tín dụng, hệ quả là sự mất cân đối tài chính. Mặc dù một số tác giả đã nghiên cứu mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và biến động kinh doanh, Borio và Zhu (2012) cho rằng sự quan tâm chưa đầy đủ cho mối liên hệ giữa chính sách tiền tệ và rủi ro.
Liên quan đến mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ (thông qua lãi suất cơ bản) và mức độ chấp nhận rủi ro, Altunbas et al. (2014) và Gambacorta (2009) nhấn mạnh có hai cách chính trong đó lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến rủi ro ngân hàng. Đầu tiên, lãi suất thấp ảnh hưởng đến định giá, thu nhập và dòng tiền, do đó có thể ảnh hưởng đến cách các ngân hàng đo lường rủi ro (Adrian và Shin, 2009,
2010; Borio và Zhu, 2012). Thứ hai, lợi nhuận đầu tư thấp, chẳng hạn như chứng khoán của chính phủ (không rủi ro), có thể tăng ưu đãi cho các ngân hàng, nhà quản lý tài sản và công ty bảo hiểm chấp nhận rủi ro cao hơn vì lý do hành vi, hợp đồng hoặc tổ chức (Brunnermeier, 2001; Rajan, 2005).
Nghiên cứu của Tabak et al. (2013) điều tra các tác động của chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng tín dụng và các khoản nợ xấu trong giai đoạn 2003 - 2009 tại Brazil. Kết quả cho thấy sự tồn tại của một kênh cho vay của ngân hàng thông qua các giai đoạn thắt chặt/nới lỏng tiền tệ tác động đến giảm/tăng dư nợ của các ngân hàng. Nghiên cứu nhận thấy rằng cuộc khủng hoảng tài chính có tác động lớn đến hoạt động cho vay và các ngân hàng nhà nước phản ứng mạnh hơn với những thay đổi chính sách tiền tệ so với các ngân hàng tư nhân. Hơn nữa, bằng cách phân tích tác động của chính sách tiền tệ đối với các khoản nợ xấu, nghiên cứu nhận thấy trong thời gian tăng/giảm lãi suất làm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao hơn/thấp hơn và cũng làm tăng/giảm hiệu quả hoạt động. Kết quả chỉ ra sự tồn tại của một kênh chấp nhận rủi ro, trong đó lãi suất chính sách thấp hơn làm tăng rủi ro của các ngân hàng. Trong thời kỳ lãi suất thấp, các ngân hàng lớn có xu hướng gia tăng rủi ro tín dụng.
Nối tiếp nghiên cứu của Borio và Zhu (2012), Montes và cộng sự (2014) đã thực hiện nghiên cứu cho các ngân hàng tại Brazil thu được kết quả về mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và dự phòng cho vay (mức độ chấp nhận rủi ro). Do vấn đề thông tin bất cân xứng, khi lãi suất tăng, các ngân hàng có lập trường trở nên bảo thủ hơn, kết quả, tăng lãi suất có tác động làm tăng dự phòng cho vay (Montes và cộng sự, 2014). Ở thị trường mà trong đó đa phần các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, xác suất xảy ra rủi ro đạo đức là rất cao (Soedarmono và cộng sự, 2012). Abdelhafid và Mohammed (2019) nghiên cứu về bất cân xứng thông tin ở Algeria giải thích tình trạng bất cân xứng thông tin thể hiện rõ trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp nhỏ và ngân hàng, lý do là các ngân hàng còn thiếu cơ chế thu thập và nắm bắt thông tin cũng như cơ cấu tài chính yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là yếu tố chính dẫn đến sự mù mờ trong mối quan hệ này.
Ủng hộ cho quan điểm của Montes và cộng sự (2014), nghiên cứu gần đây nhất của De Moraes và cộng sự (2016) của các ngân hàng thương mại tại Brazil tìm thấy tác động giữa chính sách tiền tệ và mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng
thương mại. Kết quả nghiên cứu thu được khẳng định về quan điểm tác động cùng chiều của chính sách tiền tệ đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại từ các nghiên cứu trước đó. Lãi suất tăng làm tăng mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại do các vấn đề về thông tin bất cân xứng. Tăng mức dự trữ bắt buộc làm giảm nguồn lực có sẵn của các ngân hàng thương mại và tạo nên sự ác cảm hơn đối với các khoản lỗ của hệ thống tài chính, thúc đẩy thắt chặt nguồn cung tín dụng, tăng mức độ chấp nhận rủi ro. Sự gia tăng của tỷ lệ nợ xấu và tài sản có rủi ro buộc các ngân hàng tăng dự phòng bắt buộc, kết quả về một mối quan hệ nghịch biến giữa nợ xấu (Default) và mức độ chấp nhận rủi ro cũng được tìm thấy.
Jiménez và cộng sự (2014) trong nghiên cứu thực hiện tại Tây Ban Nha kết luận về mối quan hệ đồng biến giữa lãi suất và mức độ chấp nhận rủi ro. Tương tự, Altunbas và cộng sự (2014) sử dụng xác suất vỡ nợ của các công ty xếp hạng tín nhiệm làm đại diện cho biến chấp nhận rủi ro. Kết quả tìm thấy gia tăng lãi suất có quan hệ cùng chiều với rủi ro vỡ nợ.
Nghiên cứu của Ombunya (2017) tại Kenya về tác động của chính sách tiền tệ đến nợ xấu, kết quả bằng chứng thống kê cho thấy tác động cùng chiều của lãi suất đến tỷ lệ nợ xấu, trong khi đó tỷ lệ dự trữ tiền mặt cao sẽ làm giảm nợ xấu.
Changjun Zheng và cộng sự (2019) về các nhân tố tác động đến khả năng chấp nhận rủi ro và tỷ lệ nợ xấu của 22 ngân hàng thương mại tại Pakistan từ năm 2010 đến năm 2017 kết luận rằng gia tăng lãi suất cho vay sẽ sẽ làm các ngân hàng có xu hướng tăng mức độ chấp nhận rủi ro thông qua việc thực hiện các khoản cho vay với rủi ro cao từ đó làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng. Lãi suất cho vay mang một số giới hạn trần và giúp các ngân hàng dễ dàng yêu cầu phí bảo hiểm cao và cho vay đối với các doanh nghiệp rủi ro, dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tài sản có rủi ro Ngugi (2001), García-Herrero và cộng sự (2009). Việc tăng lãi suất cho vay làm giảm khả năng thu nợ của các ngân hàng, và lãi suất cho vay rất quan trọng trong liên ngân hàng. Dự phòng cho vay được trích lập cho các khoản vay theo các khoản lỗ dự kiến, chính sách này cung cấp quỹ an toàn cho các ngân hàng vào thời điểm khủng hoảng tài chính để đạt được sự bền vững Changjun Zheng và cộng sự (2019). Tương tự, trong một nghiên cứu khác của Hasni Abdullah (2014) cho các ngân hàng của Malaysia cung cấp bằng chứng về tác động đồng biến của lãi suất đến mức độ chấp nhận rủi ro.
Để giải thích rõ hơn về mối quan hệ cùng chiều giữa lãi suất và mức độ chấp nhận rủi ro, Dell’Ariccia and Marquez (2006) trong nghiên cứu về bùng nổ cho vay và các tiêu chuẩn cho vay đã kết luận khi các thông tin bất cân xứng đối với các khách hàng của họ trở nên trầm trọng, các ngân hàng duy trì các tiêu chuẩn cho vay cao, hàm ý nhận thức rủi ro của các ngân hàng tăng lên.
Ngoài lãi suất, tỷ lệ dữ trữ bắt buộc là công cụ của chính sách tiền tệ giúp ngân hàng nhà nước điều chỉnh hoạt động của ngân hàng thương mại. Mức dự trữ bắt buộc càng cao hàm ý nguồn lực có sẵn để cho vay sẽ ít đi, e ngại rủi ro tăng lên va do đó thắt chặt cung tín dụng, tăng dự phòng cho vay (De Moraes và cộng sự, 2016; Montes &Peixoto, 2014; Tabak và cộng sự, 2011). Tuy nhiên, trong cách giải thích khác, khi ngân hàng tăng mức dự trữ bắt buộc sẽ dẫn tới giảm nguồn lực cho vay có sẵn làm giảm dư nợ tín dụng ở các ngân hàng thương mại, do đó giảm dự phòng rủi ro cho vay. Nghiên cứu của Ombunya (2017) tại Kenya kết luận các ngân hàng có tỷ lệ dự trữ tiền mặt cao sẽ làm giảm nợ xấu (giảm dự phòng cho vay)
Ngoài ra, Dang & Dang (2020) nghiên cứu về tác động của CSTT đến mức độ chấp nhận rủi ro, đo lường bởi dự phòng rủi ro tín dụng và tỷ lệ nợ xấu. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi lãi suất chính sách tăng thì mức độ chấp nhận rủi ro tăng, ngược với nghiên cứu về kênh chấp nhận rủi ro.
2.7.4 Tác động của mức độ chấp nhận rủi ro đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại.
Wagner (2007) phân tích tính thanh khoản của tài sản ngân hàng và ổn định ngân hàng. Nghiên cứu cho thấy một nghịch lý tính thanh khoản của tài sản ngân hàng tăng làm tăng sự bất ổn của ngân hàng và các tác động bên ngoài liên quan đến thất bại của ngân hàng. Tác giả lý giải mặc dù thanh khoản tài sản cao hơn trực tiếp có lợi cho sự ổn định bằng cách khuyến khích ngân hàng giảm rủi ro trên bảng cân đối kế toán và tạo điều kiện thanh lý tài sản trong cuộc khủng hoảng, điều này làm cho các ngân hàng giảm chi phí. Do đó, các ngân hàng có động cơ để chấp nhận một số rủi ro mới không chỉ bù đắp cho tác động trực tiếp tích cực đến sự ổn định.
Dự phòng tổn thất cho vay xác định là khoản dự phòng so với tổng các khoản vay của ngân hàng trên bảng cân đối kế toán, thể hiện số tiền để bù đắp tổn thất ước tính trong danh mục cho vay. Büyükşalvarci và Abdioğlu (2011) coi dự phòng cho vay là yếu tố đại diện cho rủi ro ngân hàng vì tỷ lệ này cho thấy sức khỏe
tài chính của các ngân hàng. Một tác động tiêu cực của dự phòng tổn thất cho vay đến CAR có nghĩa là các ngân hàng đang ở tình trạng kiệt quệ tài chính và gặp nhiều khó khăn trong việc tăng tỷ lệ an toàn vốn. Ngược lại, một tác động tích cực có thể báo hiệu rằng các ngân hàng tự nguyện tăng vốn đến một mức độ đủ để vượt qua tình hình tài chính tồi tệ của họ. Blose (2001) phát hiện ra rằng dự phòng tổn thất cho vay gây ra sự suy giảm tỷ lệ an toàn vốn. Hassan (1992) và Chol (2000) cũng đồng thuận về mối quan hệ tiêu cực giữa tỷ lệ an toàn vốn và dự phòng tổn thất cho vay.
Büyükşalvarci và Abdioğlu (2011) trong nghiên cứu tại các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2006 đến 2011 đã cho kết quả về mối quan hệ ngược chiều giữa dự phòng cho vay và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu dựa trên hồi quy Random – Effects, cùng chiều với Fixed – Effects. El-Ansary và Hafez (2015) nghiên cứu tại các ngân hàng thương mại ở Ai Cập tìm thấy bằng chứng về tỷ lệ dự phòng cho vay tác động tiêu cực đến tỷ lệ an toàn vốn.
Theo Blommestein và ctg (2011), rủi ro tín dụng tăng lên kéo theo sự sụt giảm dòng tiền và lợi nhuận của ngân hàng trong dài hạn do không thu hồi được các khoản đầu tư tín dụng đúng mục tiêu, điều này làm cho rủi ro mất khả năng thanh toán của ngân hàng tăng lên trong dài hạn (giảm ổn định)
Silva Buston (2016) nghiên cứu mối ảnh hưởng của ổn định ngân hàng bởi 2 tác động đối nghịch: khuyến khích chấp nhận rủi ro và khả năng cách ly khỏi các cú sốc của nền kinh tế thông qua quản trị rủi ro chủ động. Nghiên cứu cho thấy, các ngân hàng quản lý rủi ro chủ động ít có khả năng thất bại trong cuộc khủng hoảng 2007 - 2009 cho dù bảng cân đối của các ngân hàng này có rủi ro cao hơn.
Mặt khác, nhiều nghiên cứu cho thấy các ngân hàng có xu hướng tăng vốn khi dự phòng cho vay tăng lên. Mili và cộng sự (2017) trong nghiên cứu của mình đã tìm thấy tác động cùng chiều giữa dự phòng cho vay và tỷ lệ an toàn vốn.
De Moraes và cộng sự (2016) nghiên cứu tại Brazil cũng cho kết quả khi dự phòng cho vay tại các ngân hàng thương mại tăng lên sẽ thúc đẩy tăng tỷ lệ an toàn vốn để hấp thụ rủi ro dự kiến.
Chính phủ giám sát hoạt động của ngân hàng thông qua các yêu cầu về vốn, lúc này yêu cầu về vốn được xem như là công cụ của Chính phủ giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại (García-Suaza et al., 2012). Về cơ bản các yêu cầu
về vốn đã hội tụ đầy đủ vào hệ số CAR, hệ số tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đã được công nhận bởi ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), đây là chỉ tiêu đủ rộng để bao quát để nắm bắt được các khoản nợ, tín dụng, thị trường và rủi ro hoạt động như tài sản có rủi ro.
Mục tiêu của giám sát sự ổn định của hệ thống ngân hàng chính là từ việc đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng (đặc biệt là các khoản vay) đến việc thiết lập các ngưỡng nhằm xác định các khoản cứu trợ bổ sung từ ngân hàng nhà nước (Mishkin, 2000). Dự phòng là cơ chế mà các ngân hàng sử dụng để điều chỉnh giá trị dư nợ của các khoản cho vay để phản ánh các khoản lỗ phát sinh từ rủi ro tín dụng (chất lượng của danh mục cho vay). Việc giảm giá trị của các khoản cho vay tương ứng với việc giảm lợi nhuận ngân hàng, cũng có thể được hiểu là giảm giá trị tài sản ròng của các ngân hàng. Do đó, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, dự phòng sẽ tác động đến CAR (Borio và Lowe, 2001).
2.7.5 Khoảng trống nghiên cứu
Sau khi lược khảo các nghiên cứu trên, ta thấy:
Đã có nghiên cứu về tác động của CSTT đến ổn định tài chính ngân hàng, nhưng chưa thống nhất về việc CSTT thắt chặt hay mở rộng sẽ giúp duy trì ổn định tài chính ngân hàng.
Từ đó, khoảng trống nghiên cứu của luận án như sau:
Một là, dựa trên dữ liệu của 30 NHTM Việt Nam, luận án đã phân tích được tác động của CSTT đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua mức độ chấp nhận rủi ro. Cụ thể là phân tích tác động của CSTT đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, tác động của CSTT đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam và tác động của mức độ chấp nhận rủi ro đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Hai là, từ việc làm rõ tác động của CSTT đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, tác động của chính sách tiền tệ đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam và ảnh hưởng của mức độ chấp nhận rủi ro đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam; luận án đưa ra hàm ý chính sách giúp các nhà quản trị, hoạch định chính sách trong việc duy trì tính ổn định tài chính của ngân hàng.