Đo Lường Mức Độ Chấp Nhận Rủi Ro.

được nêu ra là “Rủi ro thất thoát đối với một ngân hàng là sự vỡ nợ của người giao ước trong hợp đồng, trong đó sự vỡ nợ được xác định là bất kỳ sự vi phạm nghiêm trọng nào đối với nghĩa vụ hợp đồng khi hoàn trả gốc và/hoặc lãi”.

Theo A.Sauders và H.Lange (2005) định nghĩa “Rủi ro tín dụng là khoản lỗ tiềm năng khi ngân hàng cấp tín dụng cho một khách hàng (doanh nghiệp), nghĩa là luồng thu nhập dự tính mang lại từ khoản vay của ngân hàng không thể được thực hiện cả về số lượng và thời hạn”.

Theo Timothy W.Koch (2005), “Rủi ro tín dụng là sự thay đổi tiềm ẩn của thu nhập thuần và thị giá do khách hàng không thanh toán hoặc trễ hạn”.

Có nhiều cách tiếp cận khái niệm rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng: "Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết”.

Ở Việt Nam, căn cứ Khoản 1, Điều 2 Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của Tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Văn bản số 22/VBHN-NHNN ngày 04/6/2016 của Thống đốc NHNN thì “Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động ngân hàng của TCTD do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết”

Như vậy, rủi ro tín dụng là rủi ro tiềm ẩn đối với thu nhập hoặc vốn phát sinh khi người vay hoặc đối tác không thực hiện đúng điều khoản của hợp đồng hoặc không thực hiện đầy đủ như thỏa thuận tại điều khoản của hợp đồng. Ngoài các hoạt động cho vay, rủi ro tín dụng cũng phát sinh trong nhiều loại hoạt động ngân hàng như bảo lãnh, tài trợ ngoại thương... kể cả việc lựa chọn các sản phẩm cho danh mục đầu tư, các TCTD đại lý, các đối tác kinh doanh sản phẩm phái sinh hay các đối tác ngoại hối.

Khi gặp rủi ro tín dụng, ngân hàng không thu được vốn tín dụng đã cấp và lãi cho vay, nhưng ngân hàng phải trả vốn và lãi cho khoản tiền huy động khi đến hạn, điều này làm cho ngân hàng mất cân đối trong việc thu chi. Khi không thu được nợ thì vòng quay vốn tín dụng giảm, ngân hàng kinh doanh không có hiệu quả. Khi gặp

phải rủi ro tín dụng ngân hàng thường rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản, làm mất lòng tin người gửi tiền, ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng. Khi không thu được vốn, lãi, nợ thất thu với tỷ lệ cao dẫn đến ngân hàng bị lỗ và mất vốn. Nếu tình trạng này kéo dài không khắc phục được, ngân hàng sẽ bị phá sản, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

2.2.2.2 Rủi ro hoạt động.

Rủi ro hoạt động là tổn thất phát sinh do quy trình và thủ tục nội bộ không đầy đủ hoặc bị lỗi, do con người, do hệ thống hoặc do sự kiện bên ngoài.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

Rủi ro hoạt động tiềm ẩn trong hầu hết các hoạt động và các bộ phận của TCTD như trong hệ thống máy tính, trong hầu hết các giao dịch, các cam kết, các giao dịch của nhân viên.

Rủi ro hoạt động liên quan đến bốn yếu tố: con người, quy trình, hệ thống và các sự kiện bên ngoài. Rủi ro hoạt động tăng lên cùng với sự tham gia của con người vào hoạt động khởi tạo, phê duyệt, báo cáo, hoặc điều chỉnh một giao dịch. Các yếu tố của rủi ro hoạt động liên quan đến hành vi gian lận, lỗi, sự bỏ sót và lạm dụng của nhân viên. NHTM càng có nhiều nhân viên, nhiều địa điểm giao dịch và khách hàng thì rủi ro hoạt động càng cao. Rủi ro hoạt động tăng theo mức độ phức tạp của giao dịch. Giao dịch có nhiều bước, nhiều quy định, hoặc nhiều mốc tham chiếu nên đòi hỏi phải có kiểm soát nội bộ và phê duyệt. Các hệ thống xử lý dữ liệu được lựa chọn phải có tính tính chính xác, an toàn, tính tương hỗ thích hợp và luôn sẵn sàng cho việc sử dụng, hạn chế thời gian chết khi nhân viên và khách hàng không thể truy cập. Sự kiện bên ngoài là các yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của NHTM cũng góp phần gây ra rủi ro hoạt động. Ví dụ: các vấn đề về cơ sở hạ tầng (bao gồm điện, nước, điện thoại, hệ thống truyền dữ liệu, giao thông, vận chuyển...), đình công, các thay đổi về pháp lý hoặc chính trị và ngay cả thời tiết khắc nghiệt có thể tạo ra hoặc làm tăng thêm các rủi ro trong NHTM.

Tác động của chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua mức độ chấp nhận rủi ro - 5

Một số vấn đề khác có ảnh hưởng đến mức độ rủi ro hoạt động như: khối lượng và giá trị giao dịch, mức độ phức tạp của giao dịch, những thay đổi mà NHTM đang gặp phải (quyền sở hữu mới, lãnh đạo mới, nhân viên mới, sản phẩm mới, những thay đổi về chính sách, quy trình, hệ thống...). Các NHTM đang trong

quá trình sát nhập với tổ chức hoạt động ngân hàng khác thì có mức độ rủi ro hoạt động đặc biệt cao.

Tập hợp nhiều yếu tố rủi ro hoạt động có nghĩa là rủi ro hoạt động cao. Ví dụ: hệ thống thanh toán là một trong những lĩnh vực có rủi ro hoạt động cao nhất ở hầu hết các TCTD, là vì: lượng tiền trong các giao dịch lớn, số lượng giao dịch nhiều, nhiều quy trình phê duyệt, khả năng xảy ra lỗi của con người và phụ thuộc quá nhiều vào các hệ thống.

2.2.2.3 Rủi ro thị trường.

Rủi ro thị trường là rủi ro tiềm ẩn gây ra tác động tiêu cực đến thu nhập hoặc vốn của ngân hàng do những biến động của các yếu tố trên thị trường như biến động lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán, giá hàng hóa.

Rủi ro thị trường có nhiều hình thức nên được chia ra làm 3 loại: rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối, và rủi ro giá cả.

Rủi ro lãi suất

Rủi ro lãi suất là loại rủi ro do sự biến động của lãi suất hoặc những yếu tố liên quan đến lãi suất làm tổn thất về tài sản và thu nhập của ngân hàng.

NHTM không thể tránh rủi ro lãi suất hoàn toàn. Rủi ro lãi suất cao sẽ đe dọa đến thu nhập, vốn, thanh khoản và khả năng thanh toán NHTM. Loại rủi ro này phát sinh khi ngân hàng duy trì kỳ hạn khác nhau giữa tài sản Nợ và tài sản Có. Nếu ngân hàng duy trì tài sản Có có kỳ hạn dài hơn so với tài sản Nợ thì ngân hàng luôn đứng trước rủi ro về lãi suất trong việc tái tài trợ đối với tài sản Nợ khi lãi suất tăng. Ngược lại, khi lãi suất giảm ngân hàng gặp rủi ro về lãi suất trong việc tái đầu tư tài sản Có nếu tài sản Có có kỳ hạn ngắn hơn so với kỳ hạn của tài sản Nợ.

Mặt khác, ngân hàng còn có thể gặp rủi ro làm giảm giá trị tài sản khi lãi suất thị trường thay đổi. Như chúng ta đã biết, giá thị trường của tài sản Có hay tài sản Nợ là dựa trên giá trị hiện tại của tiền tệ. Vì vậy, nếu lãi suất thị trường tăng lên thì mức chiết khấu giá trị tài sản cũng tăng lên, và do đó giá trị hiện tại của tài sản Có và tài sản Nợ giảm xuống. Ngược lại, nếu lãi suất thị trường giảm thì giá trị của tài sản Có và tài sản Nợ sẽ tăng lên. Nếu kỳ hạn của tài sản Có lớn hơn kỳ hạn của tài sản Nợ mà lãi suất tăng thì ngân hàng bị tổn thất và nếu kỳ hạn của tài sản Có nhỏ hơn kỳ hạn của tài sản Nợ mà lãi suất giảm thì ngân hàng bị tổn thất.

Ngoài ra rủi ro lãi suất còn có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như: bất lợi trong cạnh tranh buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động và hạ lãi suất cho vay để thu hút khách hàng do đó làm tăng chi phí và giảm thu nhập của ngân hàng; do cung tiền tệ nhỏ hơn cầu tiền tệ nên ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động vốn; do chính sách ưu đãi cho vay của Nhà nước nên ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay.

Rủi ro ngoại hối

Rủi ro ngoại hối là rủi ro do sự biến động của tỷ giá hối đoái gây nên. Những rủi ro này có thể phát sinh trong tất cả các nghiệp vụ có liên quan đến ngoại tệ của ngân hàng như: cho vay, huy động vốn bằng ngoại tệ, mua bán ngoại tệ, đầu tư chứng khoán bằng ngoại tệ.

Loại rủi ro này chủ yếu xảy ra khi TCTD có sự chênh lệch giữa tài sản Có và tài sản Nợ bằng ngoại tệ cả trong nội bảng và ngoại bảng. Thay đổi của tỷ giá sẽ tác động lên giá trị của chênh lệch này. Vì vậy, trong các giao dịch ngoại hối và trong cân đối tài sản bằng ngoại tệ của ngân hàng, bất cứ một trạng thái ngoại hối dương hay âm đều có thể gặp rủi ro hối đoái khi tỷ giá ngoại tệ thay đổi.

Rủi ro giá cả

Rủi ro về giá cả là khả năng có những tác động xấu lên vốn và thu nhập phát sinh do những thay đổi bất lợi của giá trị các công cụ tài chính, các khoản đầu tư hoặc các tài sản nội bảng, ngoại bảng của NHTM hay do thay đổi của các yếu tố thị trường.

Hoạt động ngân hàng luôn song hành với rủi ro. Khi rủi ro phát sinh, NHTM phải đối diện với nhiều tổn thất. Các loại tổn thất này có thể phân chia thành tổn thất dự kiến và tổn thất không dự kiến. Tổn thất dự kiến là mức tổn thất mà ngân hàng có thể tính toán và dự tính trước được tương ứng với mỗi khoản mục trong danh mục đầu tư. Tổn thất không dự kiến là những tổn thất nằm ngoài dự kiến của ngân hàng. Đây là tổn thất ứng với các rủi ro mà ngân hàng không thể dự đoán trước.

Để hạn chế tổn thất do rủi ro gây ra, các NHTM cần thực hiện quy trình quản trị rủi ro. Quản trị rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và

có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát và những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro đến hoạt động của NHTM.

Đối với rủi ro tín dụng, NHTM áp dụng các biện pháp phòng ngừa bao gồm: thiết lập chính sách tín dụng phù hợp, phân tích tín dụng và thẩm định dự án đầu tư, xếp hạng tín dụng, bảo đảm tín dụng, mua bảo hiểm tín dụng, lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng.

2.2.3 Mức độ chấp nhận rủi ro.

Mức độ chấp nhận rủi ro của tổ chức đóng vai trò nền tảng trong việc ra quyết định và có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả kinh doanh cũng như sự sống còn của tổ chức trong dài hạn (Sanders & Hambrick, 2007). Mức độ chấp nhận rủi ro được hiểu là cách xử lý với rủi ro và thường bị chi phối bởi sự đánh đổi giữa lợi ích và rủi ro.

Mức độ chấp nhận rủi ro có thể được định nghĩa trong 2 cách, gồm chấp nhận rủi ro quản lý và chấp nhận rủi ro mang tính tổ chức (Palmer và Wiseman, 1999). Chấp nhận rủi ro quản lý được định nghĩa như là chiến lược chủ động trong quản lý lựa chọn trong việc phân bổ nguồn lực. Trong hầu hết các trường hợp, những quyết định này là nguyên nhân thay đổi trong sự tổ chức. Chấp nhận rủi ro mang tính tổ chức được định nghĩa như là sự không chắc chắn về thu nhập của doanh nghiệp (Bowman, 1984; Bromiley, 1991).

Về bản chất, ngân hàng luôn phải hoạt động theo nguyên tắc thận trọng nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra chủ yếu trong quá trình quản lý vốn, huy động vốn và sử dụng vốn. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của các nghiệp vụ, hoạt động ngân hàng luôn đi liền với rủi ro. Do đó các quyết định về kinh doanh của ngân hàng (như cho vay khách hàng) phải được phân tích, đánh giá, thẩm định kỹ càng.

Để hoạt động có hiệu quả, năng động, các ngân hàng cần phải đánh giá được mức độ rủi ro của khách hàng và cả tình trạng rủi ro của mình; cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, giữa tăng trưởng và năng lực quản trị rủi ro. Bởi nếu chấp nhận rủi ro cao, ngân hàng có thể có lợi nhuận cao, nhưng ngân hàng lại rơi vào tình trạng không chắc chắn, kém bền vững và do đó hệ thống sẽ dễ tổn thương, dẫn đến đổ vỡ.

Như vậy, mức độ chấp nhận rủi ro của NHTM là cách ứng xử của ngân hàng trước rủi ro thông qua việc duy trì hệ thống để nhận diện, theo dõi, đo lường và kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra. Mức độ chấp nhận rủi ro của NHTM cũng bị chi phối bởi sự đánh đổi giữa lợi nhuận, tăng trưởng và rủi ro.

2.2.4 Đo lường mức độ chấp nhận rủi ro.

Nhìn chung các NHTM luôn phải đối mặt với sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận. Mâu thuẫn trên đặt ra cho ngân hàng thách thức phải theo đuổi một mức rủi ro thấp nhất có thể chấp nhận được phù hợp với năng lực quản trị rủi ro của mình; có nghĩa là duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp, duy trì khả năng tài chính của ngân hàng ở một chừng mực mà có thể tồn tại, chịu đựng, chống đỡ trước các tác động bất lợi của môi trường bên ngoài (các cú sốc), có thể đảm bảo được khả năng thanh toán những khoản nợ (nghĩa vụ nợ) tại những thời điểm xác định. Vì vậy mỗi một ngân hàng, một nhóm ngân hàng và rộng hơn là cả một hệ thống ngân hàng đều có những khẩu vị rủi ro khác nhau hay mức độ chấp nhận rủi ro hợp lý khác nhau.

Theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (1999) cho thấy các ngân hàng đang ngày càng phải đối mặt với rủi ro tín dụng. Rủi ro tín dụng lớn sẽ dẫn đến khó khăn trong việc huy động vốn và phát triển các sản phẩm dịch vụ, khó mở rộng quan hệ với các khách hàng và các ngân hàng khác, buộc ngân hàng phải thu hẹp hoạt động, tất cả thể hiện ở lợi nhuận giảm, ngân hàng phải sử dụng vốn tự có để bù đắp sự giảm sút đó, uy tín của ngân hàng giảm sút, tạo ra những tổn thất lớn, có thể dẫn đến phá sản ngân hàng (Bessis, 2002).

Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là phương pháp các ngân hàng sử dụng để bù đắp những tổn thất mà rủi ro tín dụng gây ra. Theo điều 03 của thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021: “Dự phòng rủi ro tín dụng là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết vay”.

Dự phòng cho vay đại diện cho các khoản lỗ kỳ vọng do ngân hàng thiết lập dựa trên ước tính rủi ro các khoản cho vay của mình. Biến số này có thể đại diện cho chấp nhận rủi ro của ngân hàng (Montes và Peixoto, 2014; De Moraes và cộng sự, 2016; Dang & Dang, 2020).

Như vậy, hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại hiện nay là hoạt động tín dụng nên dự phòng rủi ro tín dụng cũng có thể đại diện cho mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng.

2.3 Ổn định tài chính.

2.3.1 Khái niệm về ổn định tài chính.

Sự suy sụp của hệ thống tài chính trong cuộc khủng hoảng 2008 đặt ra vấn đề mục tiêu chính sách tiền tệ cần được mở rộng để đảm bảo sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, hiện chưa có định nghĩa thống nhất về “'trạng thái ổn định tài chính”, khái niệm này thường được các Ngân hàng trung ương định nghĩa thông qua khả năng chịu đựng bất ổn tài chính.

Ổn định hệ thống tài chính nghĩa là một hệ thống tài chính mà trong đó các chủ thể - trung gian tài chính, thị trường tài chính và hạ tầng tài chính thực hiện tốt các chức năng của mình và có khả năng chống đỡ được các cú sốc tiềm ẩn (Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ).

Ổn định tài chính là khả năng vận hành tốt các chức năng chính của hệ thống tài chính, kể cả trong thời kỳ kinh tế căng thẳng và thời kỳ điều chỉnh cơ cấu nhằm giúp phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn lực và rủi ro tài chính cũng như tạo nền tảng hạ tầng tài chính hiệu quả (Ngân hàng Trung ương Đức).

Ổn định hệ thống tài chính là một trạng thái mà trong đó các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính phân bổ tốt các luồng vốn giữa tiết kiệm và đầu tư, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Ngân hàng Trung ương Úc).

Ổn định tài chính hàm ý việc xác định rủi ro trong hệ thống tài chính và hành động để giảm thiểu chúng (Ngân hàng Trung ương Anh).

Ổn định tài chính là một trạng thái trong đó hệ thống tài chính gồm các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính có khả năng chống đỡ được các cú sốc và những rủi ro do sự mất cân đối tài chính gây ra từ đó làm giảm bớt khả năng sụp đổ của các trung gian tài chính vốn có tác động tiêu cực đối với việc phân bổ tiết kiệm và đầu tư (Ngân hàng Trung ương Châu Âu).

Theo Wellink (2002), một hệ thống tài chính ổn định là có khả năng phân bổ hiệu quả các nguồn lực và hấp thụ những cú sốc, ngăn chặn những tác động xấu đến nền kinh tế và hệ thống tài chính. Ngoài ra, hệ thống tài chính đó cũng không được là nguồn phát sinh các cú sốc. Sự ổn định tài chính của hệ thống tài chính là một

điều kiện quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, hầu hết các giao dịch trong nền kinh tế được thực hiện thông qua hệ thống tài chính. Tầm quan trọng của ổn định tài chính dễ thấy nhất trong các tình huống tài chính bất ổn, chẳng hạn như các ngân hàng miễn cưỡng tài trợ cho các dự án mà giá trị tài sản lệch quá mức so với giá trị thực của nó, hoặc thanh toán không kịp thời. Nghiêm trọng hơn, bất ổn tài chính có thể dẫn đến phá sản ngân hàng, siêu lạm phát hay sụp đổ thị trường chứng khoán.

Theo Mishkin (1999), bất ổn tài chính xảy ra khi những cú sốc đến hệ thống tài chính gây trở ngại đến luồng thông tin làm cho hệ thống tài chính không thể làm tốt chức năng của nó trong việc phân phối tài chính cho những chủ thể có cơ hội đầu tư hiệu quả.

Theo Chant & CS (2003), bất ổn tài chính đề cập đến những điều kiện trong thị trường tài chính mà gây tổn hại hay đe dọa đến hiệu suất hoạt động của nền kinh tế thông qua hoạt động của hệ thống tài chính. Sự bất ổn như vậy gây tổn hại đến sự vận hành của nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Nó có thể làm suy giảm tình hình tài chính của các đơn vị phi tài chính như các hộ gia đình, các doanh nghiệp và chính phủ đến mức làm cho các dòng tài chính đến họ thu hẹp lại. Nó cũng có thể phá vỡ hoạt động của các tổ chức tài chính nói riêng và thị trường nói chung, làm cho chúng ít có khả năng tài trợ cho nền kinh tế. Bất ổn tài chính khác nhau về thời gian và không gian tùy thuộc vào điểm khởi đầu của nó, các thành phần của hệ thống tài chính bị ảnh hưởng và gây ra hậu quả. Mối đe dọa đến sự ổn định tài chính đến từ nhiều nguồn khác nhau như sự phá sản của một ngân hàng nhỏ, ngân hàng chuyên biệt hay ngân hàng hối đoái; sự cố máy tính tại một ngân hàng lớn; hay từ hoạt động cho vay có vấn đề của một ngân hàng ít được biết đến.

Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù hiện nay chưa có một định nghĩa chính thức cho thuật ngữ “Ổn định tài chính”, tuy nhiên thuật ngữ này có thể bao gồm nội hàm sau:

Thứ nhất, các yếu tố chính của hệ thống tài chính (thị trường tài chính, các định chế tài chính, hạ tầng tài chính) thực hiện các chức năng của nó “thông suốt” góp phần phân bổ có hiệu quả nguồn lực của nền kinh tế.

Thứ hai, rủi ro cấp độ hệ thống cần được đánh giá chính xác và quản lý hiệu quả để tránh khả năng sụp đổ hệ thống tài chính.

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 18/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí