Đối Tượng Và Phạm Vi Nghiên Cứu. Đối Tượng Nghiên Cứu.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ phòng ngừa rủi ro làm giảm sự quan tâm của các ngân hàng Trung ương đến bất ổn tài chính. Do đó, chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất được duy trì ở mức thấp được duy trì trong thời gian dài trước giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 góp phần tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng gia tăng mức độ chấp nhận rủi ro qua việc mở rộng tín dụng và đầu tư vào lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra chứng tỏ các chính sách giám sát và quy định về an toàn ngân hàng đã không thể trung hòa rủi ro gia tăng trong hệ thống ngân hàng khi chất lượng và quy mô cấp tín dụng bị ảnh hưởng bởi lãi suất được duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Ổn định giá cả, sản lượng không đồng nghĩa với đảm bảo ổn định tài chính và nền kinh tế sẽ phải chịu tổn thất rất lớn sau các cuộc khủng hoảng tài chính. Tình hình kinh tế ổn định trước năm 2007 đã không thể bảo vệ kinh tế thế giới tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, mà còn thúc đẩy nhanh quá trình gây ra bất ổn tài chính. Mức độ biến động thấp của cả lạm phát và sản lượng trong giai đoạn này đã khiến các chủ thể tham gia trên thị trường tin rằng nền kinh tế tồn tại ít rủi ro hơn so với thực tế khi phần bù rủi ro tín dụng giảm xuống đáng kể (Mishkin, 2011).

Sau năm 2008 đã có nhiều nghiên cứu về tác động của chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại. Một số nghiên cứu lý thuyết đã gợi ý rằng điều kiện kinh tế ổn định với lãi suất thấp được duy trì trong thời gian dài có thể khuyến khích việc chấp nhận rủi ro quá mức và khiến thị trường tài chính dễ tổn thương hơn (Borio và Zhu, 2008; Gambacorta, 2009). Altunbas và cộng sự (2014) đã tìm thấy tác động của chính sách tiền tệ đến rủi ro của các ngân hàng, cụ thể, lãi suất thấp tác động đến định giá, thu nhập và dòng tiền, do đó có thể ảnh hưởng đến cách các ngân hàng đo lường rủi ro (Adrian và Shin, 2009, 2010; Borio và Zhu, 2012). Nhiều quan điểm cũng cho rằng lãi suất được duy trì thấp trong thời gian khá lâu đã tạo ra bong bóng bất động sản (Taylor, 2009) thông qua việc kích thích các định chế tài chính gia tăng đòn bẩy và chấp nhận rủi ro nhiều hơn (Borio và Zhu, 2008; Adrian và Shin, 2009).

Nghiên cứu cũng cho thấy rủi ro tín dụng mà các ngân hàng gặp phải với các khoản vay đã dẫn đến tình trạng mất thanh khoản của ngân hàng và đẩy ngân hàng

đến tình trạng phá sản (Imbierowicz & Rauch, 2014) dẫn đến sự bất ổn tài chính. Kết quả nghiên cứu của De Moraes và cộng sự (2016) cũng tìm thấy tác động của chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính thông qua mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại tại Brazil. Chính sách tiền tệ được thực hiện bởi ngân hàng Trung ương có thể ảnh hưởng đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại từ đó ảnh hưởng đến ổn định tài chính của các ngân hàng (Montes và Peixoto, 2014). Các ngân hàng phản ứng với chính sách tiền tệ bằng cách thay đổi lượng vốn dự phòng của danh mục cho vay (Montes và Peixoto, 2014). Trong môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng, các ngân hàng gia tăng mức độ chấp nhận rủi ro cao từ đó ảnh hưởng đến ổn định tài chính.

Về quan hệ giữa CSTT và mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện. Các nghiên cứu tìm ra tỷ suất sinh lợi trên đầu tư thấp do CSTT nới lỏng làm gia tăng mức độ chấp nhận rủi ro của các NHTM vì gia tăng động cơ tìm kiếm lợi nhuận mà không cân nhắc đến rủi ro của các ngân hàng, nhà quản lý tài sản và các công ty bảo hiểm như nghiên cứu của Brunnermeier (2001), Rajan (2005), Maddaloni và Peydro (2011). Một cơ chế ngược lại cũng diễn ra theo nghiên cứu Lown và Morgan (2006) gia tăng lãi suất sẽ làm các ngân hàng giảm mức độ chấp nhận rủi ro. Lãi suất thấp trong ngắn hạn có thể cải thiện chất lượng danh mục cho vay nhưng duy trì lãi suất thấp thời gian dài sẽ gia tăng đáng kể mức độ chấp nhận rủi ro (Jiménez & Cộng sự, 2014). Các nghiên cứu cũng tìm ra cách thức mà lãi suất thấp tác động tới mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng thông qua giá trị thu nhập, dòng tiền như nghiên cứu của Gambacorta (2009); Altunbas và cộng sự (2014), Adrian và Shin (2009, 2010).

Nghiên cứu về tác động của mức độ chấp nhận rủi ro đến ổn định tài chính ngân hàng: Borio và Lowe (2001) thông qua thống kê mô tả cho rằng việc giảm giá trị của các khoản vay tương ứng với việc giảm lợi nhuận ngân hàng, cũng có thể được hiểu là giảm giá trị tài sản ròng của các ngân hàng. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, gia tăng dự phòng sẽ làm giảm hệ số an toàn vốn. Borio và Zhu (2012) cho rằng trong điều kiện chính sách tiền tệ nới lỏng dễ dàng dẫn đến sự biến động kinh doanh, tức là lãi suất thấp có thể dẫn đến mất cân đối tài chính thông qua

tăng mức chấp nhận rủi ro của các ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến việc cung cấp tín dụng và hệ quả là bất ổn tài chính.

Tại Việt Nam, giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng năm 2006 - 2007 và sau đó là năm 2009 - 2010 với mặt bằng lãi suất thấp đã đẩy mức độ chấp nhận rủi ro của hệ thống vượt quá năng lực và điều kiện quản trị rủi ro của hệ thống thông qua việc gia tăng quy mô tổng tài sản, tín dụng cùng với việc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ.

Năm 2010, NHNN ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng thay thế Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN cùng với Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ, yêu cầu vốn pháp định tối thiểu của NHTM phải đạt vào cuối năm 2010 là 3.000 tỷ đồng đã góp phần đảm bảo an toàn vốn và nâng cao tiềm lực tài chính của các NHTM.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

Giai đoạn 2011 – 2012 mặc dù lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng tăng cao nhưng số lượng khách hàng vay vốn vẫn tăng lên. Điều này dẫn đến khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì các doanh nghiệp vay vốn không thể trả được nợ. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao, các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng, tỷ lệ lạm phát tăng, vượt nhiều so với mục tiêu đề ra, hệ thống doanh nghiệp yếu kém, kinh tế suy giảm. Đây là những hệ quả không mong muốn sau khi xem xét điều chỉnh lại mức độ bất ổn của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.

Ở Việt Nam nghiên cứu về kênh truyền dẫn CSTT thực hiện bằng các phương pháp như VAR, SVAR, VECM, RVAR. Nghiên cứu cơ chế truyền dẫn CSTT nói chung như các nghiên cứu của: Nguyễn Phi Lân (2010), Trần Ngọc Thơ và cộng sự (2013), Nguyễn Khắc Quốc Bảo (2013). Nghiên cứu từng kênh truyền dẫn CSTT như: kênh lãi suất: Le Viet Hung và Pfau (2009), Bhattacharya (2014); kênh tỷ giá: Nguyễn Thị Ngọc Trang và Lục Văn Cường (2012), Phạm Thị Tuyết Trinh (2016); kênh tín dụng: Chu Khánh Lân (2012), Nguyễn Phúc Cảnh (2014); kênh giá tài sản: Nguyễn Phúc Cảnh (2014). Dang & Dang (2020) nghiên cứu ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến chấp nhận rủi ro của ngân hàng ở Việt Nam giai đoạn từ 2007 – 2018. Kết quả cho thấy chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua giảm

Tác động của chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua mức độ chấp nhận rủi ro - 3

lãi suất làm giảm mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng, không đồng thuận với kênh chấp nhận rủi ro. Ngoài ra khi lãi suất chính sách giảm thì ổn định của ngân hàng tăng, điều này trái với các lập luận của kênh chấp nhận rủi ro.

Tại Việt Nam, chưa có công trình nghiên cứu về tác động chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính thông qua mức độ chấp nhận rủi ro. Xuất phát từ khoảng trống về mặt lý thuyết cũng như sự cần thiết phải có những nghiên cứu mang tính thực tế nhằm đưa ra các khuyến nghị có giá trị khoa học và ứng dụng vào điều hành chính sách, tác giả thực hiện luận án: “Tác động của chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua mức độ chấp nhận rủi ro”.

1.2 Vấn đề nghiên cứu.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ổn định ngân hàng trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà quản trị ngân hàng và các nhà hoạch định chính sách. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, vai trò của NHNN trong việc duy trì ổn định hệ thống các ngân hàng trở nên ngày càng quan trọng.

Việc quản lý, thực thi các công cụ của chính sách tiền tệ để đảm bảo nền kinh tế vận hành vừa hiệu quả vừa an toàn là điều không hề đơn giản. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã chứng minh việc thực hiện CSTT với mục tiêu ổn định giá cả, duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài làm gia tăng mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại, góp phần làm gia tăng bất ổn tài chính của ngân hàng.

Do đó nghiên cứu tập trung giải quyết vấn đề liệu CSTT có tác động đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam hay không, tác động của CSTT đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam và mức độ chấp nhận rủi ro có tác động đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

1.3 Mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu.

Xuất phát từ vấn đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu của luận án như sau:

Mục tiêu nghiên cứu tổng quát.

Mục tiêu nghiên cứu của luận án: tác động của chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua mức độ chấp

nhận rủi ro. Từ đó có thể đưa ra một số gợi ý chính sách đối với chính sách tiền tệ tại Việt Nam, cũng như gợi ý về mặt quản trị đối với các ngân hàng thương mại.

Mục tiêu nghiên cứu cụ thể.

Để giải quyết mục tiêu tổng quát nêu trên, luận án cần giải quyết các mục tiêu cụ thể sau đây:

Thứ nhất là, nghiên cứu tác động của chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Thứ hai là, nghiên cứu tác động của chính sách tiền tệ đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Thứ ba là, nghiên cứu tác động của mức độ chấp nhận rủi ro đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Thứ tư là, đưa ra một số gợi ý đối với chính sách tiền tệ ở Việt Nam, đưa ra một số gợi ý về mặt quản trị đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Câu hỏi nghiên cứu.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu cụ thể nêu trên, luận án phải trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau đây:

Thứ nhất là, chính sách nới lỏng/thắt chặt tiền tệ có tác động như thế nào đến tính ổn định tài chính của các Ngân hàng thương mại Việt Nam?

Thứ hai là, chính sách nới lỏng/thắt chặt tiền tệ có tác động như thế nào đến mức độ chấp nhận rủi ro của các Ngân hàng thương mại Việt Nam?

Thứ ba là, có hay không tác động của mức độ chấp nhận rủi ro đến tính ổn định tài chính của các Ngân hàng thương mại Việt Nam?

Thứ tư là, Ngân hàng Trung ương nên thực hiện chính sách tiền tệ như thế nào để đảm bảo tính ổn định tài chính của các Ngân hàng thương mại Việt Nam? Các ngân hàng thương mại nên quản trị như thế nào để đảm bảo ổn định tài chính?

1.4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu.

Luận án nghiên cứu về chính sách tiền tệ, mức độ chấp nhận rủi ro, tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, tác động của chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, tác động của chính sách tiền tệ đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại

Việt Nam, tác động của mức độ chấp nhận rủi ro đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu

Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, luận án tập trung vào phân tích tác động CSTT đến tính ổn định tài chính thông qua mức độ chấp nhận rủi ro của 30 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2019. Đây là các ngân hàng có dữ liệu đầy đủ, được công bố chi tiết trên báo cáo thường niên hàng năm, báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Dữ liệu về chính sách tiền tệ được lấy tại Việt Nam theo như các số liệu đã được công bố từ 2007 – 2019.

1.5 Phương pháp nghiên cứu.

Dữ liệu nghiên cứu được luận án sử dụng là dữ liệu thứ cấp lấy từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các ngân hàng. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được lấy từ Worldbank (https://data.worldbank.org/) và tổng cục thống kê Việt Nam. Ngoài ra tác giả sử dụng nguồn www.sbv.gov.vn từ NHNN để thu thập dữ liệu lãi suất tái chiết khấu. Dữ liệu được tác giả ước lượng sử dụng bằng phương pháp FEM, REM, SGMM để trả lời câu hỏi nghiên cứu.

Cụ thể, với câu hỏi nghiên cứu thứ nhất, CSTT tác động như thế nào đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, luận án sử dụng mô hình hồi quy với dữ liệu bảng, trong đó biến phụ thuộc phản ánh tính ổn định tài chính là hệ số an toàn vốn (CAR), biến đại diện cho CSTT là biến lãi suất tái chiết khấu (IR), với các biến kiểm soát bao gồm: mức dự trữ bắt buộc (R_REG), tỷ suất sinh lợi (ROA), tỷ lệ nợ xấu (DEFAULT), khe hở sản lượng (O_GAP), khe hở tín dụng (C_GAP), tỷ số thanh khoản (LIQUID), hệ số rủi ro (NLTA), tỷ số tiền gửi (DEPTA).

Với câu hỏi nghiên cứu thứ hai, CSTT tác động như thế nào đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam, luận án sử dụng mô hình hồi quy với dữ liệu bảng, trong đó biến phụ thuộc phản ánh mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng thương mại là biến dự phòng cho vay (PROV), biến đại diện cho CSTT là biến lãi suất tái chiết khấu (IR), với các biến kiểm soát bao gồm: mức dự trữ bắt buộc (R_REG), chu kỳ kinh tế (O_GAP), tỷ lệ nợ xấu (DEFAULT), tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA).

Với câu hỏi nghiên cứu thứ ba, mức độ chấp nhận rủi ro tác động như thế nào đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, luận án sử dụng mô hình hồi quy với dữ liệu bảng để phân tích, trong đó biến phụ thuộc phản ánh tính ổn định tài chính của ngân hàng thương mại là CAR, biến độc lập là dự phòng cho vay (PROV), với các biến kiểm soát bao gồm: tỷ suất sinh lợi (ROA), tỷ lệ nợ xấu (DEFAULT), khe hở sản lượng (O_GAP), khe hở tín dụng (C_GAP), tỷ số thanh khoản (LIQUID), hệ số rủi ro (NLTA), tỷ số tiền gửi (DEPTA).

Đối với câu hỏi nghiên cứu thứ tư, luận án sẽ trả lời qua kết quả nghiên cứu từ mô hình đề xuất.

1.6 Các điểm mới và đóng góp của luận án.

1.6.1 Điểm mới của luận án

Mục tiêu nghiên cứu tổng quát của luận án là nghiên cứu tác động của chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua mức độ chấp nhận rủi ro. Theo đó, luận án có những điểm mới về mặt học thuật, lý luận và thực tiễn.

Luận án phân tích tác động của CSTT đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, tác động của CSTT đến mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam và tác động của mức độ chấp nhận rủi ro đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2007-2019 với số liệu của 30 NHTM Việt Nam.

Luận án sẽ đưa ra hàm ý chính sách giúp các nhà quản trị và hoạch định chính sách ở Việt Nam duy trì tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua mức độ chấp nhận rủi ro.

Luận án kế thừa các nghiên cứu về cơ chế tác động của chính sách tiền tệ đến mức độ chấp nhận rủi ro của Montes và cộng sự, 2014; De Moraes và cộng sự, 2016; Dang & Dang, 2020. Từ đó luận án sẽ bổ sung bằng chứng thực nghiệm về cơ chế tác động của kênh chấp nhận rủi ro tại Việt Nam.

1.6.2 Đóng góp của luận án.

Các đóng góp về khoa học.

Luận án sẽ bổ sung bằng chứng thực nghiệm về tác động của CSTT đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua mức độ chấp

nhận rủi ro. Từ đó, góp phần bổ sung vào các nghiên cứu về kênh chấp nhận rủi ro được tiến hành tại Việt Nam.

Các đóng góp về mặt thực tiễn.

Kết quả phân tích sẽ cho các NHTM Việt Nam hiểu rõ hơn về tác động của các chính sách tiền tệ đến tính ổn định tài chính, từ đó các nhà quản trị ngân hàng có lộ trình và phương án phù hợp nhằm duy trì ổn định tài chính của ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập với hệ thống kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, đối với các nhà làm chính sách, luận án cho thấy tác động của CSTT đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại thông qua mức độ chấp nhận rủi ro, từ đó đề ra các quy định phù hợp về CSTT để vừa nâng cao hiệu lực thực thi của chính sách cũng như đảm bảo tính ổn định tài chính của ngân hàng trong thời gian tới.

1.7 Kết cấu của luận án.

Luận án được thực hiện gồm năm (05) chương với các nội dung sau:

Chương 1: Giới thiệu.

Chương này trình bày tổng quan về luận án bao gồm lý do chọn đề tài, mục tiêu, câu hỏi, phạm vi, phương pháp, dữ liệu nghiên cứu, điểm mới, các đóng góp của đề tài và kết cấu luận án để qua đó làm cơ sở cho các chương tiếp theo.

Chương 2: Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu.

Trong chương này sẽ phân tích tổng quan lý thuyết về CSTT, ổn định tài chính ngân hàng, mức độ chấp nhận rủi ro. Đồng thời khảo lược các nghiên cứu trước để tìm ra khe hở nghiên cứu. Từ đó đề ra giả thuyết nhằm phát triển mô hình nghiên cứu.

Chương 3: Phương pháp nghiên cứu.

Trong chương này, luận án mô tả cụ thể về phương pháp nghiên cứu, quy trình nghiên cứu và mô hình nghiên cứu, trong đó mô tả chi tiết về các biến và cách đo lường các biến trong mô hình nghiên cứu. Đồng thời, trong chương này cũng trình bày rõ cách thức thu thập dữ liệu của nghiên cứu.

Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/10/2022