Tác động của cạnh tranh đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Thương mại Việt Nam - 9


điều kiện kinh tế vĩ mô. Các yếu tố quyết định đến hiệu quả NH được lựa chọn dựa trên kết quả đánh giá toàn diện các nghiên cứu và thông qua các kiểm định lựa chọn nghiêm ngặt. Các yếu tố đặc thù bên trong có thể ảnh hưởng đến hiệu quả NH được xác định gồm: quy mô tài sản, đa dạng hóa thu nhập, quy mô cho vay, năng lực quản lý chi phí, loại hình sở hữu và tình trạng hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A). Bên cạnh đó, một số yếu tố kinh tế vĩ mô được tính đến gồm tốc độ phát triển ngành NH, tình trạng tái cấu trúc hệ thống NH, khủng hoảng tài chính, tự do kinh tế, lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

2.3.1. Các yếu tố bên trong ngân hàng

i) Quy mô tài sản: thường được đo lường bằng logarit tự nhiên của tổng tài sản NH. Các nghiên cứu khác nhau cho thấy ảnh hưởng của quy mô đến hiệu quả NH là không thực sự rõ ràng. Nhìn chung, các NH có quy mô lớn hơn có thể tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô (economies of scale) và đa dạng hóa hoạt động, do đó làm tăng hiệu quả (Bourke, 1989; Molyneux & Thornton, 1992; Bikker & Hu, 2002; Goddard & cộng sự, 2004; Perera & cộng sự, 2007; Elsas & cộng sự, 2010). Tuy nhiên, các NH “quá lớn để sụp đổ” thường có tâm lý ỷ lại từ sự hỗ trợ ngầm của chính phủ nên có thể hoạt động bất chấp rủi ro. Đồng thời, các NH lớn thường phải đối mặt với vấn đề quản lý kém hiệu quả và rủi ro đạo đức, từ đó gây ra sự phi hiệu quả (Athanasoglou & cộng sự, 2008; Perera & cộng sự, 2013; Ahamed, 2017). Mối quan hệ tiêu cực giữa quy mô và hiệu quả NH được tìm thấy ở Mỹ (Allen & Rai, 1996), châu Âu (Maudos & cộng sự, 2002; Girardone & cộng sự, 2004), hay Trung Quốc (Kumbhakar & Wang, 2007; Berger & cộng sự, 2009). Bên cạnh đó, một số nghiên cứu không phát hiện ra bất kỳ tác động nào của quy mô đến hiệu quả NH (Ferrier & Lovell, 1990; Vander Vennet, 2002; và Weill, 2004). Do đó, không có kỳ vọng cụ thể về tác động của quy mô đến lợi nhuận NH.

ii) Đa dạng hóa thu nhập: Khi ngân hàng thực hiện nhiều hoạt động NH phi tín dụng thì thu nhập ngoài lãi sẽ tăng lên trong khi tỷ lệ thu nhập lãi thuần giảm xuống trong cơ cấu thu nhập. Kết quả là đa dạng hóa thu nhập làm cho HQHĐ của NH dưới góc độ sinh lời bị thay đổi. Các lý thuyết về trung gian tài chính hàm ý rằng việc gia tăng lợi nhuận theo quy mô của các NH có liên quan đến đa dạng hóa nguồn thu nhập. Các NH nếu cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ hơn thì sẽ tạo ra nhiều nhu cầu hơn và sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Baele & cộng sự (2007) cho rằng các NH thông qua việc cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ có thể thu thập được nhiều thông tin hơn nên tạo điều kiện để bán chéo sản phẩm và phát triển các hoạt động khác hơn. Những thông tin


nội bộ thu được từ khách hàng cho phép các NH triển khai các hoạt động dịch vụ hiệu quả hơn (Vander Vennet, 2002). Bên cạnh việc chia sẻ thông tin, NH cũng có thể chia sẻ các yếu tố đầu vào như lao động và công nghệ cùng lúc cho nhiều hoạt động khác nhau nên được hưởng lợi ích về quy mô bằng cách hạ thấp chi phí hoạt động và tận dụng các chi phí cố định trong NH (Stiroh, 2004). Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã bác bỏ việc các NH có thể nâng cao lợi nhuận từ những nổ lực đa dạng hóa nguồn thu nhập của họ (DeYoung & Roland, 2001; Stiroh, 2004; Stiroh & Rumble, 2006). Đặc biệt, DeYoung & Roland (2001) đã phân tích nguy cơ mất khách hàng khi các NH tăng cường các hoạt động tạo thu nhập phi lãi hơn so với cho vay. Mặc dù ít có sự nhạy cảm với lãi suất và suy thoái kinh tế, thu nhập từ các hoạt động phi lãi vẫn có thể kém ổn định vì chi phí chuyển đổi không cao trong khi khách hàng có xu hướng trung thành đối với các sản phẩm cho vay hơn vì chi phí chuyển đổi thường rất tốn kém cho cả NH và khách hàng. Do đó, các NH chỉ cần tập trung phát triển hoạt động cho vay là có thể ổn định được thu nhập. Với những lập luận kể trên, tác giả không đưa ra một kỳ vọng cụ thể về tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả của các NH.

iii) Quy mô cho vay: Một trong những hoạt động quan trọng, mang lại nguồn thu nhập lớn cho các NH là cho vay (Sufian, 2009). Quy mô cho vay của các NH thường được phản ánh thông qua tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản. Chỉ số này cho biết tỷ trọng của các khoản cho vay ròng trong quy mô tài sản của các NHTM. Tan (2016) cho rằng, nếu NH cho vay càng nhiều thì sẽ thu lãi càng nhiều, từ đó có thể làm gia tăng lợi nhuận. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ này có mối liên hệ tích cực với HQHĐ của các NH (Molyneux & Thornton, 1992; Chirwa, 2003; Tan, 2016). Tuy nhiên, một kết quả trái ngược hoàn toàn được phát hiện bởi Bourke (1989) khi nghiên cứu ngành NH châu Âu. Các NH có tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản cao hơn sẽ có khả năng sinh lời thấp hơn. Ông lập luận rằng, khối lượng cho vay cao hơn sẽ dẫn đến sự suy giảm khả năng sinh lợi nếu NH không có một hệ thống quản lý rủi ro tín dụng tốt. Mặt khác, tỷ trọng cho vay càng cao phản ánh khả năng các NH sẽ hạn chế trong việc tài trợ ngân quỹ để đảm bảo thanh khoản NH (Tan & Floros, 2012a; Goddard & cộng sự, 2013), hay nói cách khác, tỷ trọng cho vay càng lớn thì thanh khoản sẽ càng thấp, hoạt động của NH sẽ càng bấp bênh và kém hiệu quả vì phải thường xuyên huy động những khoản vốn với chi phí cao để bù đắp sự thiếu hụt thanh khoản (Alper & Anbar, 2011). Vì vậy, không có một kỳ vọng trước cho tác động của quy mô cho vay đến HQHĐ của các NH.


iv) Năng lực quản lý chi phí: Dựa theo nghiên cứu của Liu & Wilson (2010), Dietrich & Wanzenried (2011), Olson & Zoubi (2011) và Hamid (2017), yếu tố được tính đến tiếp theo là hiệu quả quản trị chi phí của các NH. Nó được đo bằng tỷ lệ chi phí hoạt động (bao gồm cả chi phí lãi và chi phí ngoài lãi) trên tổng doanh thu được tạo ra. Tỷ lệ này càng nhỏ chứng tỏ các NH quản lý chi phí càng hiệu quả. Athanasoglou & cộng sự (2008) cho rằng nếu các NH ở Hy Lạp được quản lý tốt có khả năng giảm chi phí hoạt động, dẫn đến sự gia tăng lợi nhuận. Quan điểm này được ủng hộ bởi Bourke (1989) và Tan (2016). Tuy nhiên, Molyneux & Thornton (1992) lại tìm thấy một tác động tích cực của chi phí hoạt động đến lợi nhuận trong ngành NH châu Âu. Phát hiện này có thể được giải thích bởi thực tế là phần lớn chi phí hoạt động có nguồn gốc từ việc trả lương và tiền công cho nhân viên, trong khi mức lương và tiền công cao hơn sẽ góp phần cải thiện đáng kể năng suất lao động của nhân viên, nếu lợi nhuận của NH được tạo ra lớn hơn nhiều so với tiền lương trả cho nhân viên thì đồng nghĩa với việc NH đó hoạt động hiệu quả. Giải thích này cũng phù hợp với lý thuyết tiền lương hiệu quả. Tác động tích cực của chi phí hoạt động đến hiệu quả NH cũng được Ben Naceur (2003) ủng hộ đối với ngành NH Tunisia. Như vậy, tác động của quản lý chi phí đến hiệu quả NH không được kỳ vọng cụ thể.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

v) Loại hình sở hữu: Tác động của loại hình sở hữu đến hiệu quả NH được xem xét phổ biến trong các nghiên cứu thực nghiệm ở các nền kinh tế mới nổi và chuyển đổi. Quyền sở hữu được xem xét như một biến giả nhằm đánh giá sự khác biệt giữa các NH có cấu trúc sở hữu khác nhau, thường được nghiên cứu từ hai khía cạnh chính: sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, các bằng chứng thực nghiệm khá mơ hồ khi so sánh hiệu quả của các NH quốc doanh và NH tư nhân. Bonin & cộng sự (2005) phát hiện rằng các NH tư nhân hoạt động hiệu quả hơn các NH quốc doanh về cả hiệu quả chi phí và hiệu quả lợi nhuận. Kết quả này được ủng hộ bởi Fries & Taci (2005) khi ước tính hiệu quả chi phí của ngành NH ở 15 quốc gia chuyển đổi Đông Âu. Tương tự, Fu & Heffernan (2009) và Berger & cộng sự (2009) khi xem xét hệ thống NH ở Trung Quốc cũng phát hiện thấy các NH cổ phần hiệu quả hơn các NH quốc doanh. Theo Shirley & Walsh (2000), các NH quốc doanh có hiệu quả tương đối thấp hơn có thể do phải chịu nhiều quy định ràng buộc hơn, áp lực cạnh tranh ít hơn và khả năng quản trị yếu hơn. Tuy nhiên, không đồng tình với lập luận trên, Girardone & cộng sự (2004) phát hiện ra rằng các NH quốc doanh hoạt động hiệu quả hơn các NH tư nhân ở Ý trong giai đoạn 1993-1996, do đó việc gia tăng các NH tư nhân sẽ làm giảm hiệu quả. Bằng chứng tương tự được cung cấp bởi Perera & cộng sự (2007) khi xem xét các NH ở bốn quốc gia Nam Á. Hơn nữa, Isik & Hassan (2002) kiểm tra hiệu quả của các NHTM ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng


Tác động của cạnh tranh đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Thương mại Việt Nam - 9

các NH quốc doanh sẽ vượt trội so với các NH tư nhân. Barros & Wanke (2014) phát hiện ra rằng sự gia tăng các NH quốc doanh sẽ dẫn đến hiệu quả cao hơn ở Brazil. Kết quả này phù hợp với Chortareas & cộng sự (2012) và Ariff & Can (2008). Như vậy, không có kỳ vọng trước về tác động của loại hình sở hữu đến hiệu quả NH.

vi) Tình trạng M&A: Thông thường, các NH tham gia vào các thương vụ M&A với mong muốn thay đổi định hướng hoạt động và cải thiện hiệu quả. Bài toán đặt ra là làm sao hiệu quả đạt được sau M&A phải lớn hơn chi phí thực hiện. Tình trạng M&A là một biến giả có giá trị bằng một nếu NH tham gia ít nhất một hoạt động M&A trong ba năm trước đó. Cách đo lường này được sử dụng bởi Carletti & cộng sự (2007) để đánh giá tác động của các sự kiện M&A đối với chiến lược quản lý thanh khoản của các công ty. Một số nghiên cứu đã phát hiện thấy những thay đổi tích cực về hiệu quả của các NH sau khi M&A (Al-Sharkas & cộng sự, 2008). Tại Việt Nam, hoạt động M&A đã được các NH triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh và HQHĐ. Do đó, tác giả kỳ vọng một tác động tích cực của M&A đến hiệu quả của các NH.

2.3.2. Các yếu tố kinh tế vĩ mô

i) Khủng hoảng tài chính: Những cú sốc tài chính từ các cuộc khủng hoảng có thể tác động tiêu cực hoặc tích cực đến hệ thống NH. Theo Albertazzi & Gambacorta (2009), khủng tài chính toàn cầu sẽ tạo ra các điều kiện kinh tế bất lợi có thể làm suy giảm chất lượng của các khoản vay và tạo ra tổn thất tín dụng, cuối cùng làm suy giảm lợi nhuận của các NH. Kết quả này được hỗ trợ bởi Ashamu & Abiola (2012). Tuy nhiên, Chronopoulos & cộng sự (2015) lại cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính gần đây dường như đã dẫn đến sự gia tăng của lợi nhuận cho các NH. Đây có thể là kết quả của một số can thiệp chính sách ưu tiên đặc biệt nhằm tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính trong giai đoạn khủng hoảng. Do đó, không có một kỳ vọng cụ thể về tác động của khủng hoảng tài chính đến HQHĐ của các NH.

ii) Tái cấu trúc hệ thống: Khủng hoảng tài chính luôn để lại nhiều bài học quý giá cho các NH còn tồn tại có cơ hội sửa sai và hoàn thiện mình. Theo đó, các kế hoạch tái cấu trúc thường được triển khai ngay sau khi nền kinh tế vừa trải qua khủng hoảng với mục tiêu cải thiện HQHĐ của các NH. Có nhiều biện pháp được thực hiện để tái cấu trúc hệ thống NH, mỗi biện pháp khác nhau có thể sẽ mang lại các kết quả khác nhau. Thoraneenitiyan & Avkiran (2009) chỉ ra rằng tái cấu trúc ngân hàng bao gồm các biện pháp liên quan đến thay đổi cấu trúc sở hữu NH, chẳng hạn như mua lại và sáp nhập (M&A), sự xâm nhập của các NH nước ngoài và can thiệp của chính phủ. Tương tự, kết


quả của các biện pháp tái cấu trúc cũng sẽ khác nhau khi áp dụng ở các nền kinh tế khác nhau. Dziobek & Pazarbasioglu (1998) cho rằng tái cấu trúc hệ thống sẽ cải thiện được hiệu quả của các NH - nghĩa là khôi phục khả năng thanh toán và lợi nhuận, củng cố chức năng trung gian tài chính và khôi phục niềm tin của công chúng. Mặt khác, Thoraneenitiyan & Avkira (2009) đã phát hiện ra rằng việc sáp nhập giữa các NH nội địa có thể cải thiện hiệu quả của từng NH, tuy nhiên nếu xét tất cả các biện pháp tái cấu trúc (bao gồm cả M&A, sự gia tăng các NH nước ngoài và can thiệp của chính phủ) nhìn chung không cải thiện được hiệu quả của hệ thống NH ở các nước đang phát triển. Berger & De Young (1997) không đưa ra được bằng chứng về sự cải thiện hiệu quả của các NH sau khi thực hiện mở cửa cho các NH nước ngoài. Như vậy, không có một kỳ vọng cụ thể về sự thay đổi hiệu quả của các NH trước và trong giai đoạn tái cấu trúc hệ thống.

iii) Phát triển ngành NH: Tan & Floros (2012) và Tan (2016) phát hiện thấy có một tác động tích cực đáng kể của phát triển ngành NH đối với HQHĐ của các NHTM ở Trung Quốc. Khi ngành NH có sự phát triển cao hơn, nhu cầu về dịch vụ NH tăng lên, sẽ thu hút nhiều đối thủ cạnh tranh tiềm năng hơn tham gia vào thị trường. Thông qua những đợt cải cách, ngành NH Trung Quốc đã từng bước được mở cửa. Tuy nhiên, sự thâm nhập của các NH mới tham gia vào cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn do vấn đề uy tín, người dân thường chỉ muốn giao dịch với những NH có thương hiệu lâu năm và được tín nhiệm cao, trong khi đây chính là những hạn chế của các NH mới bắt đầu hoạt động. Như vậy, việc khả năng cung ứng của những NH hiện có chưa thể đáp ứng ngay những nhu cầu liên quan đến dịch vụ NH đang ngày càng gia tăng có thể khiến giá dịch vụ NH tăng thêm, kéo theo lợi nhuận của các NH cũng tăng. Để phản ánh mức độ phát triển ngành NH, tỷ lệ tổng tài sản toàn ngành NH trên GDP thực tế được sử dụng để đo lường biến số này (Tan & Floros, 2012; Tan, 2016). Tác giả kỳ vọng sự phát triển ngành NH sẽ có tác động tích cực đến HQHĐ của các NH.

iv) Tự do kinh tế: Theo North & Thomas (1976), các yếu tố trung tâm cho sự phát triển kinh tế là quyền tự do lựa chọn và cung cấp nguồn lực, tự do cạnh tranh trong kinh doanh, tự do giao dịch và bảo đảm quyền sở hữu. Theo định nghĩa của Berggren (2003), tự do kinh tế là khi một nền kinh tế được coi là nền kinh tế thị trường, các chủ thể có thể tự do tham gia hợp đồng một cách tự nguyện trong khuôn khổ luật pháp nhất định; bên cạnh đó, mức độ can thiệp của Nhà nước, các quy định và chính sách thuế là rất hạn chế. Có nhiều quan điểm khác nhau về tác động của tự do kinh tế đến hiệu quả NH. William & Kane (2008) cho rằng sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ có thể sẽ làm “méo mó” các chức năng tự nhiên của hệ thống NH. Nếu chính phủ can thiệp quá mức vào các NH có


thể gây ra sự thiếu hiệu quả và vấn đề đạo đức. Sự can thiệp của chính phủ có thể được thể hiện thông qua việc ban hành các quy định pháp luật về hoạt động NH hoặc dưới dạng quyền sở hữu của chính phủ trong các NH. Cả hai hình thức này đều có thể can thiệp vào việc cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng. Theo Porta & cộng sự (1997), các NH thuộc sở hữu của chính phủ thường là các phương tiện để bảo trợ chính trị, không thực hiện các vai trò trung gian hữu ích và do đó có hiệu quả không cao. Chortareas & cộng sự (2012) cho rằng, khi mức độ tự do tài chính cao hơn thì hiệu quả NH được duy trì ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm trên, Berger & Humphrey (1997), Podpiera & Weill (2008) và Fiordelisi & cộng sự (2011) cho rằng sự quản lý và giám sát lỏng lẻo là một trong những yếu tố có thể gây ra sự kém hiệu quả cho các NH. Những cú sốc tài chính có thể xuất phát từ việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chủ quản, gây khó khăn trong hoạt động của các NH. Rủi ro hệ thống thường nằm ngoài tầm kiểm soát của các NH nên khi xảy ra sẽ gây tổn thất rất lớn nếu các nhà quản lý không kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn hiệu ứng lây lan. Như vậy, tác động của tự do kinh tế đến hiệu quả NH không được kỳ vọng cụ thể trong nghiên cứu này.

v) Lạm phát: Tỷ lệ lạm phát được đo bằng tốc độ tăng trưởng hàng năm của chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI). Lạm phát được Grigorian & Manole (2002) chứng minh là có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của NH bởi vì lạm phát có xu hướng làm tăng chi phí giám sát và quản trị rủi ro, tức là làm giảm hiệu quả chi phí. Nghiên cứu của Ben Naceur & Kandil (2009) cũng ủng hộ kết quả này khi cho rằng hoạt động chính của các NHTM là cấp tín dụng. Do đó, thị trường sẽ phụ thuộc vào nguồn cung tín dụng (được cung cấp bởi các NH) và nhu cầu tín dụng của các cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế. Lạm phát sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng, bởi vì nó làm người ta nghi ngờ về sự không chắc chắn trong tương lai. Nhu cầu suy giảm sẽ khiến các NH giảm cấp tín dụng, kéo theo hiệu quả cũng đi xuống. Tuy nhiên, Perry (1992) cho rằng tác động của lạm phát đến hoạt động của NH phụ thuộc vào việc liệu lạm phát có được dự đoán chính xác hay không. Nếu không thể dự báo đầy đủ thì lạm phát sẽ làm giảm lãi suất biên, dẫn đến giảm lợi nhuận của NH, nhưng nếu tỷ lệ lạm phát được dự đoán đầy đủ, các NH có thể điều chỉnh lãi suất hoặc quản lý chi phí hoạt động của mình để mở rộng lãi suất biên, làm gia tăng lợi nhuận. Có nhiều tác giả đã tìm thấy tác động tích cực đáng kể của lạm phát đối với hiệu quả của NH (Molyneux & Thornton, 1992; DemirgücKunt & Huizinga, 1999; Athanasoglou & cộng sự, 2006; 2008; Pasiouoras & Kosmidou, 2007; và Dietrich & Wanzenried, 2011; 2014). Không có kỳ vọng trước về tác động của lạm phát đối với HQHĐ của các NH.


vi) Tăng trưởng kinh tế: Có nhiều nghiên cứu giả định rằng sự phát triển của hoạt động kinh tế, được đo lường bởi sự tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), có tác động tích cực đến HQHĐ của các NH bởi vì đó là kết quả quả sự gia tăng đầu tư và tiêu dùng, kéo theo nhu cầu tín dụng của các NH cũng gia tăng. Dự kiến tăng trưởng kinh tế sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành NH. Tuy nhiên, khi tăng trưởng GDP chậm lại và đặc biệt trong thời kỳ suy thoái, chất lượng tín dụng có xu hướng xấu đi và tỷ lệ vỡ nợ tăng, do đó làm giảm hiệu quả các NH. Các nghiên cứu trước của Demirgüc-Kunt & Huizinga (1999), Bikker & Hu (2002), Maudos & cộng sự (2002), Goddard & cộng sự (2004), Yildirim & Philippatos (2007), Athanasoglou & cộng sự (2008), Lozano-Vivas & Pasiouras (2010) và Dietrich & Wanzenried (2011, 2014) báo cáo tác động tích cực của tốc độ tăng trưởng GDP thực tế đến hiệu quả NH. Tuy nhiên, nghiên cứu của Fries & Taci (2005) trên 15 quốc gia Đông Âu cho thấy không có tác động đáng kể nào từ tăng trưởng GDP đến hiệu quả NH. Mặt khác, nghiên cứu của Staikouras & cộng sự (2008) về sáu quốc gia Đông Nam Âu mới nổi lại tìm thấy mối quan hệ tiêu cực giữa tăng trưởng GDP và hiệu quả NH. Tan & Floros (2012) và Ayaydin & Karakaya (2014) với lập luận rằng tăng trưởng kinh tế cao hơn sẽ cải thiện môi trường kinh doanh và hạn chế rào cản gia nhập thị trường nên dẫn đến gia tăng cạnh tranh và suy giảm lợi nhuận của các NH. Như vậy, cũng giống như lạm phát, không có một giả thuyết cụ thể về tác động của tăng trưởng kinh tế đến HQHĐ của các NH.

2.4. Khung lý thuyết nghiên cứu

Dựa trên cơ sở tổng quan các lý thuyết có liên quan đến mối quan hệ giữa cạnh tranh và HQHĐ của các NH, đánh giá các yếu tố quyết định đến HQHĐ của các NHTM Việt Nam, tác giả tiến hành xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu như trong Hình 2.10. Trong đó:

Biến phụ thuộc: HQHĐ của các NHTM, được đo lường thông qua phương pháp hiệu quả chi phí biên (SFA và DEA) và phương pháp phân tích thành tố chính (PCA).

Biến giải thích, gồm:

+ Mức độ cạnh tranh của các NH đo lường bởi chỉ số Lerner và Lerner hiệu chỉnh.

+ Các biến kiểm soát: Các yếu tố bên trong NH (quy mô tài sản, đa dạng hóa thu nhập, quy mô cho vay, năng lực quản lý chi phí, loại hình sở hữu, tình trạng M&A), và các yếu tố kinh tế vĩ mô (tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát, khủng hoảng tài chính và tái cấu trúc hệ thống NH).


Bên cạnh đó, tác động của cạnh tranh đến HQHĐ của các NH cũng được so sánh theo loại hình sở hữu, tình trạng hoạt động M&A, mức độ ổn định tài chính và tình trạng cấu trúc hệ thống NH.


DEA

Lerner

CẠNH TRANH

HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Hiệu quả biên

SFA

Lerner hiệu chỉnh

Hiệu quả tổng hợp

PCA

Biến kiểm soát bên trong

Biến kiểm soát vĩ mô

Phát triển ngành NH; Tự do kinh tế; Lạm phát; Tăng trưởng kinh tế.

Quy mô tài sản; Đa dạng hóa thu nhập; quy mô cho vay; Quản lý chi phí.

Loại hình sở hữu; Tình trạng M&A

Khủng hoảng tài chính; Tái cấu trúc hệ thống NH.


Chú thích: Tác động Đại diện

Hình 2.10. Khung lý thuyết nghiên cứu

Nguồn: Đề xuất từ cơ sở lý thuyết

Ngày đăng: 24/11/2022