Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 10


ngụ ý. Nhân vật trung tâm đầu thai một cách kì bí để sống cuộc đời với nhiều kiếp: kiếp Từ Lộ - kiếp rái cá - kiếp Thần Tông - kiếp Hổ. Nhiều kiếp mà vẫn còn lắm day dứt lưu luyến như chưa đi hết kiếp người,… Qua các chương truyện, tác giả dẫn ta đến "Giàn thiêu" rồi "Ngược thác oán" đến "Lãnh cung", "Niệm xứ", "Đoạ xứ"; đi từ "Đầu thai" đến "Nghiệp chướng", "Báo oán",… Người đọc được nhiều phen rờn rợn, sởn gai bởi chất liêu trai dội lên trong từng chương của tác phẩm. Trước đây, nhiều người than phiền rằng các nhà tiểu thuyết Việt Nam không viết được những tác phẩm lớn do thiếu độ dài hơi về vốn văn hóa. Vò Thị Hảo phần nào đã xoá được mối hoài nghi đó. Nhiều người so sánh Giàn thiêu với Đàn hương hình của Mạc Ngôn. Trong nội lực chiều sâu của sự tương tác, tôi cho rằng sự so sánh ấy có cơ sở. Thay hoài nghi bằng hi vọng, hi vọng tiểu thuyết Việt Nam sẽ vượt lên từ hướng đi của Vò Thị Hảo, từ sự tương tác, từ sức lan toả của âm hưởng truyền kì trong tiểu thuyết.

Trong những hướng tìm tòi khác nhau để mở rộng cách tiếp cận, trường quan sát cuộc sống; tiểu thuyết đã tìm đến phương thức phản ánh của huyền thoại. Nhiều nhà tiểu thuyết tìm đến với yếu tố kì ảo như một phương thức hữu hiệu để cắt nghĩa về cuộc sống phức tạp, đa chiều của ngày hôm nay. Những biểu tượng hư tưởng đôi khi trở thành công cụ hết sức đắt giá mà các phương tiện khác không thể nào sánh được. Bên cạnh tiểu thuyết lịch sử, đây cũng là một hướng vận động đầy triển vọng của tiểu thuyết Việt Nam.

Tiểu kết: Như vậy, nhìn trong mối tương quan so sánh, có thể nói: nếu truyện trung đại (chưa thể gọi bằng khái niệm tiểu thuyết đúng nghĩa) là sự có mặt một cách không tự giác của "hợp chủng quốc thể loại": văn, sử, triết, chính trị, tôn giáo,…"bất phân"; tiểu thuyết 1945 - 1975 với sự ngự trị của yếu tố sử thi, thì tiểu thuyết từ 1986 đến nay có sự tiếp sức và tổng hợp thể loại từ nhiều hướng, nhiều chiều. Sức hút mạnh mẽ và sự thâm nhập của các thể loại vào tiểu thuyết đã làm cho tiểu thuyết đương đại Việt Nam trở thành những tác phẩm thực sự đúng nghĩa với bản chất của khái niệm này. Sự tương tác trong hệ thống đã đưa trường nhìn của kí, kịch, truyện ngắn vào tiểu thuyết. Mối tương tác ngoài hệ thống đã đem đến chất kì


ảo - một tố chất mới mẻ của tiểu thuyết đương đại. Diễn trình tương tác của yếu tố kì ảo sẽ được luận giải rò hơn trong chương 2, khi khìn huyền thoại từ truyện ngắn. Xu hướng ngày càng ngắn gọn về dung lượng là một dấu hiệu thể loại dễ nhận thấy. Bên cạnh nỗ lực tương tác theo chiều đồng đại là sự cộng hưởng từ chiều tương tác lịch đại với huyền thoại. Ở tiểu thuyết, phổ biến nhất vẫn là hình thức tương tác tổng hợp thể loại. Nhưng đó là hiện tượng thường xảy ra ở chặng đường đầu. Sự tổng hợp với một thể loại vốn phát triển mạnh trước đó như một cú hích cần thiết để tiểu thuyết khởi động. Kí, kịch là những loại hình có tính tiên phong như thế. Trong những giai đoạn giao thời đầy phức tạp, sự tìm đến với những tố chất của chính kịch, bi hài kịch, phóng sự,… là những sự kết hợp hết sức hợp lí. Trong sự chuyển mình của đời sống xã hội với không khí dân chủ, nói thẳng nói thật; sự du nhập rộng rãi của hồi kí, tự truyện, bút kí, nhật kí, phóng sự,… vào tiểu thuyết là sự gặp gỡ đầy khôn ngoan. Ngay sau đó, tiểu thuyết nhanh chóng, nhạy bén để đổi ngôi nhằm đưa nhiều phương thức phản ánh khác nhau vào trong cấu trúc của mình. Trong xu hướng ngắn gọn của tiểu thuyết có dấu ấn của sự tương tác với truyện ngắn và huyền thoại. Đáng chú ý là: sự tham gia của huyền thoại vào cấu trúc tiểu thuyết đương đại đã mở ra một hướng mới trong cách xây dựng thế giới nghệ thuật của thể loại luôn cần vận động, đổi mới này. Xét về hình thức tương tác, huyền thoại trong tiểu thuyết thuộc kiểu tương tác đổi ngôi. Tiểu thuyết 1945 - 1975 với nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ chiến đấu đã dành nhiều mảnh đất cho sử thi. Sử thi trở thành xu hướng thể loại bao trùm của cả hệ thống thể loại văn học giai đoạn này. Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết là thế giới thực tại gắn với cuộc kháng chiến cam go và đầy vinh quang của dân tộc. Cái kì ảo, những cổ mẫu quá khứ trở thành phạm trù thẩm mĩ xa lạ của những tiểu thuyết ấy. Sau 1975, đặc biệt là từ 1986, tình hình đã hoàn toàn khác. Chính những tiểu thuyết nổi tiếng nhất thời bấy giờ viết về chiến tranh như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai đã bắt dầu có sự tiếp cận với yếu tố kì ảo. Xét trên bình diện tác giả, sáng tác Nguyễn Minh Châu trước và sau 1975 thể hiện rất rò sự đổi ngôi hợp lí đó. Sự du nhập rộng rãi nhiều tố chất thể loại khác nhau chính là cách để đưa tiểu thuyết tiến


gần đến bản chất thể loại của mình. Điều thú vị là, có tác phẩm là kết quả của một vài mối tương tác nào đó nhưng cũng có tác phẩm là kết quả của rất nhiều chiều tương tác. Đạt được sự kết tinh ấy, có thể nói đến tiểu thuyết Tạ duy Anh, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Vò Thị Hảo,… Sự thâm nhập của nhiều tố chất thể loại vào tiểu thuyết làm cho tiểu thuyết như một khối vuông ru bích, như một chiếc kính vạn hoa… tiệm cận được với cuộc sống đa sắc, đa sự của con người đương đại. Đó là một hướng nỗ lực cách tân tiểu thuyết rất đáng ghi nhận trong tiểu thuyết hôm nay. Các thể loại tác động thúc đẩy tiểu thuyết phát triển. Đến lượt nó, khi đã "trưởng thành", tiểu thuyết cũng "tạo nên cao trào, gây sóng gió trong đời sống văn học". Tiểu thuyết tác động ngược trở lại đến kí, kịch, truyện ngắn,… làm cho chúng bị "tiểu thuyết hoá", "nhiễm" những đặc tính của tiểu thuyết. Trong khuôn khổ đề tài, chúng tôi mới chỉ nhìn tương tác ở những thể loại kết tinh như tiểu thuyết, truyện ngắn; chưa có điều kiện nhìn sự tác động ngược trở lại của tiểu thuyết, truyện ngắn đối với các thể loại khác. Xin sẽ có dịp đề cập trong một công trình khác của vấn đề tương tác.


CHƯƠNG 2‌

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

SỰ TƯƠNG TÁC THỂ LOẠI TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY - NHÌN TỪ TRUYỆN NGẮN‌

2.1. DÒNG TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN‌

Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 10

Trữ tình là một dòng chảy mà nguồn mạch của nó đã nằm rất sâu trong cội nguồn, trong tâm thức con người Việt Nam. Chất trữ tình có lẽ đã được kết lắng thành trầm tích trong hằng số văn học dân tộc. Mỗi con người, mỗi nhà văn Việt Nam; do vậy, tự căn cốt đã tiềm ẩn một nhà thơ trong mình. Tổng kết về thành tựu văn học viết Việt Nam qua mười thế kỉ, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh khái quát: trong truyền thống văn học Việt Nam, loại hình trữ tình vẫn trội hơn tự sự, sự kết tinh nghệ thuật thể hiện ở những tác phẩm cỡ nhỏ hơn là những tác phẩm cỡ lớn [303]. Đó là một thực tế đã được minh chứng bằng đời sống văn học. Thiên hướng thể loại ấy có thể thấy rò qua trường hợp Truyện Kiều. Từ một tiểu thuyết chương hồi còn nhiều điểm "phô", nhiều chỗ thô nhám; Nguyễn Du đã trau chuốt nó thành áng văn óng ả, đậm chất trữ tình. Đoạn trường tân thanh trở thành một tác phẩm kinh điển cố nhiên là nhờ tài năng của đại thi hào nhưng trước hết là bởi nó được chuyển thể thành truyện thơ, bởi nó được chuyển tải bằng thể thơ lục bát nhuần nhị của dân tộc. Các truyện Nôm của ta hầu hết cũng mượn hình thức thơ để đến với người đọc. Đó là sự tổng hợp thể loại trong những điều kiện cụ thể của phạm trù văn học trung đại.

Đến văn học hiện đại, sự thâm nhập của yếu tố trữ tình vào truyện ngắn đã từng tạo nên dòng truyện ngắn trữ tình đặc sắc gắn liền với các tên tuổi như Thạch Lam, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Đỗ Chu,… Mối giao duyên với tố chất trữ tình đã từng tạo nên thứ văn xuôi có chất thơ - "văn xuôi mọc cánh" trong văn học 1945 - 1975. Đây là mối tương tác giữa thể và loại mà kết quả đã tạo nên những "thể loại lai" với những khả năng phản ánh mới.

Sau 1975, đặc biệt là từ khi đất nước đổi mới; với cú hích của tiểu thuyết, truyện ngắn thăng hoa, nở rộ. Bùi Việt Thắng nhìn truyện ngắn thời gian này giống như "cô gái có nhan sắc đến độ chín, tuy không rực rỡ nhưng đằm thắm, tròn đầy"


[77]. Với nỗ lực đổi mới và phát triển, trong sự vận động mạnh mẽ của tương tác thể loại, truyện ngắn sau 1986 đã tạo nên những xu hướng thể loại khác nhau. Sự hội ngộ với phương thức trữ tình là một chiều tương tác mang lại tính phong phú và độc đáo cho diện mạo truyện ngắn giai đoạn này. Cũng là sự tái hồi của những lớp trầm tích ấy nhưng so với văn xuôi đầu thế kỉ, chất trữ tình trong văn xuôi sau 1986 phong phú hơn, nhiều vẻ hơn, tần số xuất hiện cũng cao hơn.

Từ những tên tuổi thuộc thế hệ trước 1975 như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Xuân Thiều,… đến những cây bút mang hơi thở của tư duy đổi mới như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Hòa Vang, Trần Đức Tiến, Lê Minh Hà, Hồ Anh Thái, Hoàng Ngọc Thư, Nguyễn Thế Hùng, Lưu Sơn Minh, Lí Lan,… cho đến những gương mặt mới như Dương Bình Nguyên, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hồ Minh Long, Nhật Chiêu,… đều góp mặt trong chiều tương tác này. Hoàng Ngọc Hiến coi đây là một đặc điểm nổi bật của truyện ngắn hiện đại nói chung và truyện ngắn sau đổi mới nói riêng [119].

Chất trữ tình thâm nhập vào truyện ngắn với sự đậm nhạt khác nhau, với những kiểu dạng khác nhau. Trong phương thức trữ tình, tùy bút và thơ là hai thể loại tương tác một cách sâu sắc nhất, tạo nên dấu ấn và hiệu ứng thẩm mĩ đậm nét nhất trong truyện ngắn giai đoạn này.

Có thể bắt gặp truyện ngắn đậm chất thơ chảy tràn trong văn phong Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Nhật Chiêu,… Cũng dễ thấy được những tố chất của thể loại essay tận sâu trong thế giới nghệ thuật Tạ Duy Anh, Y Ban, Phan Triều Hải, Nguyễn Thế Tường, Hồ Minh Long,... Đặc biệt, truyện ngắn đậm chất thơ, chất tùy bút đã định hình thành nét phong cách của nhiều cây bút truyện ngắn tên tuổi: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Nhật Chiêu, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Thuần,... Chất trữ tình thấm đẫm trong nhiều tác phẩm, trở thành một mạch văn quan trong trong sáng tác của nhiều cây bút truyện ngắn. Chúng ta có thể đi sâu xem xét một vài phương diện tiêu biểu.


2.1.1. Cái tôi trữ tình

2.1.1.1. Sự tham gia của yếu tố trữ tình vào cấu trúc truyện ngắn trước hết được thể hiện ở cái tôi tác giả. Đó không phải là cái tôi tự sự khách quan mà là một hình tượng cái tôi độc đáo: cái tôi cảm xúc, cái tôi cảm nghĩ, cái tôi đầy suy tư; chúng tôi gọi đó là cái tôi trữ tình. Khảo sát truyện ngắn giai đoạn này, chúng ta dễ dàng nhận thấy một đặc điểm nổi bật: rất nhiều truyện ngắn trần thuật ở ngôi thứ nhất. Hình tượng cái tôi trữ tình do vậy hiện diện qua nhiều tác phẩm. Trong nhiều trường hợp, cái tôi ấy trùng khít với cái tôi tác giả. Những trường hợp khác, tác giả gửi gắm góc nhìn trữ tình này vào nhân vật. Chính điểm nhìn ấy là khởi nguồn của dư vị trữ tình trong truyện ngắn.

Nguyễn Khải thuộc thế hệ những nhà văn thời chống Mỹ, tiếp tục đi cùng con đường đổi mới của văn xuôi sau 1986. Nếu người đọc từng biết đến Nguyễn Khải ở thể loại tiểu thuyết với những tác phẩm đề cập đến nhiều đề tài đầy gai góc của cuộc sống vĩ mô thời chiến thì đến với truyện ngắn Nguyễn Khải sau 1986, chúng ta sẽ ngạc nhiên trước một cái tôi đầy suy tư trước cuộc sống thường nhật, trước những thân phận nhỏ bé của đời thường. Ở đó luôn hiện diện thường trực hình tượng cái tôi hết sức gần gũi, thân thuộc nhưng đó không còn là cái tôi sử thi mà là cái tôi của tùy bút, cái tôi của thơ ca.

Đọc truyện ngắn Nguyễn Khải một cách hời hợt, dễ có cảm giác tác phẩm không có những sự kiện đáng chú ý, không có những vấn đề cần quan tâm. Nhân vật chính xuyên qua hầu hết các truyện ngắn Nguyễn Khải chính là cái tôi tác giả. Khảo sát 40 truyện ngắn thì đến 25 tác phẩm có sự hiện diện của “tôi” (Truyện ngắn Nguyễn Khải tập 1 và 2 - NXB Hội nhà văn - 2003). Cái tôi ấy không cần giấu giếm sau bức màn hư cấu; ngược lại, luôn "xuất hiện lồ lộ" trên văn bản. Mười lăm tác phẩm còn lại, cái tôi tác giả lùi về đằng sau để kể về những người thân yêu xung quanh mình. Do vậy, truyện ngắn của ông đôi khi có dáng dấp của những cuốn tự truyện. Thế nhưng, điều làm cho cái tôi ấy gần với thơ là ở hình tượng cái tôi: cái tôi - cảm nghĩ hơn là cái tôi - tính cách. Thật vậy, trong truyện ngắn, rất hiếm khi tác giả mô tả diện mạo bên ngoài của nhân vật mà thường là một “mạch cảm xúc”,


một “dòng suy tưởng”. Hình tượng trong tác phẩm hầu hết là các hình tượng trữ tình; trong đó có: cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình, giọng điệu trữ tình, thiên nhiên trữ tình,... nhưng sức ám gợi lớn nhất là một cái tôi tự bộc lộ với những nguồn mạch cảm xúc tinh tế, không ồn ào trên bề mặt sự kiện mà gây nên cái ba động ở chiều sâu. Ông gọi đó là “một giọt nắng nhạt”, một ngọn “hoa cỏ may”: Một giọt nắng nhạt, Má hồng, Phía khuất mặt trời, Hoa cỏ may,... Đúng là một giọt nắng nhạt nhoà của một ngày sắp tàn lụi. Nhưng giọt nắng ấy luôn có thể gieo vào lòng người đọc bao sự đồng cảm, bao xẻ chia đầy nồng ấm của tình người. Cảm xúc của cái tôi ấy cũng chảy tràn qua chùm truyện ngắn: Hà Nội trong mắt tôi.

Đó còn là một cái tôi của tùy bút, cái tôi với một chất giọng riêng, giọng nhẩn nha kể chuyện. Ở những tác phẩm này, cái tôi ấy lùi về đằng sau để nhẩn nha kể với độc giả tri âm về những miền đất, những con người thân yêu xung quanh mình. Kể và suy tư, kể và chiêm nghiệm, kể và triết lí. Truyện ngắn là một mô măng nhưng ở truyện ngắn Nguyễn Khải không có độ căng của các sự kiện, biến cố. Trở lên trên ta đã cảm nhận về một cái tôi trữ tình; đến đây, ta lại được nghe cái tôi ấy nhẩn nha kể chuyện. Đó là những câu chuyện tản mạn về những gì bình dị nhất của đời thường. Đề tài ông khai thác hết sức gần gũi, nó có trong những cảnh huống thường ngày xung quanh ta. Cốt truyện là một dòng chảy, dòng chảy của ngôn từ và dòng chảy của cảm xúc. Ở những truyện ngắn này, nhân vật là những con người, những kiếp sống bình thường nhưng lại có sức phát sáng đến kì lạ. Đọc tác phẩm, có cảm giác như cái tôi tác giả đang lặng lẽ đi tìm cái đẹp giữa đời thường. Ông thành tâm viết về nó như viết về những sự tích đẹp trong cuộc sống bình dị của ngày hôm nay.

Nguyễn Huy Thiệp thuộc thế hệ nhà văn có tiếng tăm trên văn đàn vào thập niên 80 của thế kỉ XX. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang hơi thở mạnh mẽ của tư duy đổi mới. Do vậy, người đọc nhìn thấy trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp sự đan xen của nhiều chiều tương tác. Trong những chiều tương tác đó, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp là người mở toang cánh cửa để thơ đi vào văn xuôi một cách tự do, nhuần nhuyễn và đậm nét như vậy. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang cảm


quan của thơ ca. Nhà văn Lê Minh Hà gọi đó là những truyện ngắn “dữ dội và hết sức thơ” [274, tr498]. Cảm quan thơ ca thể hiện bàng bạc trong tác phẩm của cây bút này: từ ngôn từ đến cấu trúc, từ huyền thoại đến những bài thơ, từ tiêu đề đến những kết thúc. Nhưng cảm quan ấy, trước hết thể hiện ở cái tôi đầy chất thơ. Trong truyện ngắn, cũng như Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn không có ý định che giấu cái tôi của mình. Nhưng như Nguyễn Đăng Mạnh từng nói, có một cái tôi lưỡng phân trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, một cái tôi của văn xuôi và một cái tôi của thơ. Cái tôi thứ hai giàu suy tư và bao giờ cũng mênh mang buồn. Cái tôi thứ hai luôn khắc khoải đi tìm; đi tìm cái đẹp, đi tìm tình yêu, đi tìm thiên tính nữ và tìm lại những chân trời huyền thoại trong vô thức tuổi thơ của mỗi con người.

Cái trôi trữ tình ấy như ngày càng thấm sâu vào thế giới nghệ thuật nhiều truyện ngắn. Đó là cái tôi thủ thỉ tâm tình của Quỳnh Vân qua từng truyện ngắn: Dòng sông mùa nước cạn, Duyên phận, Lệ ơi!, Những ngọn sóng hình sin,… Trong Dòng sông mùa nước cạn, Quỳnh Vân kể về một cuộc tình nhưng hình như chỉ có điểm nhìn của "tôi", một cái tôi trữ tình. Truyện có đối thoại nhưng đối thoại qua dòng hồi ức của cái tôi ấy. Và rất nhiều trường hợp, cái tôi ấy lặn sâu vào tâm cảm để có những đoạn trữ tình ngoại đề. Như đoạn sau đây, nhân vật tôi không phải đối thoại với Đức mà chính là đang trữ tình ngoại đề cùng người đọc: "Cũng như anh, tôi yêu dòng sông như yêu mẹ của mình. Không có dòng sông không còn mẹ nữa, tôi như người mất cả tuổi thơ, cái tuổi thơ lấm láp nhọc nhằn mà chứa chan ân nghĩa" [299,tr196]. Để cái tôi ấy có khoảng không mà thỏa sức tuôn trào nguồn cảm xúc, Y Ban đã khéo léo lựa chọn hình thức thể loại tự do nhất cho truyện ngắn của mình, thư từ. Nếu Quỳnh Vân xuôi dòng tâm trạng của mình trong hình thức một truyện ngắn - nhật kí thì Y Ban lại để cái tôi ấy bộc lộ qua hình thức truyện ngắn - bức thư: Bức thư gửi mẹ Âu Cơ. Đó là bức thư gửi về huyền thoại, bức thư đi đến tận cùng tâm trạng của người con gái cuối thế kỉ XX với người mẹ linh thiêng của muôn đời. Tâm trạng, nỗi niềm của con đã tạo nên những câu văn xuôi mang đậm dư vị của thi ca: "Mẹ ơi, ai đã dạy con ư? Đất đấy, thiên nhiên đấy, màu vàng của lúa, màu xanh của cây, miền quê con sông ấy đã kiến tạo nên tâm hồn con, để con

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/07/2022