biết khóc trong tiếng mưa, biết cười trong nắng, biết múa hát trong tiếng cây cỏ trỗi dậy sau trận mưa rào" [298, tr.163]. Hoàng Ngọc Thư viết truyện ngắn Bốn bức thư như một bài thơ được cấu tứ qua bốn khổ: Bình minh, Giữa trưa, Xế chiều và Đêm. Qua "bốn khổ thơ ngắn" ấy người đọc chỉ thấy một chủ thể trữ tình là tôi, một nhân vật trữ tình là em và một âm hưởng thơ ca dội lên từ cái tôi thăng hoa trong cảm xúc đậm màu sắc lãng mạn. Truyện ngắn như một bài thơ văn xuôi, một bài thơ tình trong trẻo, lãng mạn và rất đẹp. Nếu sự tương tác với tiểu thuyết tạo nên xu hướng truyện ngắn vạm vỡ hơn về quy mô thì lại có một xu hướng ngược lại: sự thâm nhập của chất trữ tình đã tạo nên những truyện ngắn hết sức cô đúc, những truyện ngắn mini. Điều quan trọng là, với sự nhỏ gọn của hình thức là độ dư ba, là sự bão hoà của tâm trạng.
Đó còn là thế giới của những cảm xúc nhẹ nhàng mà sâu lắng trong văn phong Nguyễn Ngọc Tư. Trong thế giới ấy, dù trực tiếp hay gián tiếp đều hiện hữu cái tôi đầy thương mến, cái tôi đầy tha thiết với từng khung cảnh, từng cánh đồng, từng dòng kênh, từng mùa gió chướng của vùng quê Nam Bộ: Hiu hiu gió bấc, Cái nhìn khắc khoải, Thương quá rau răm, Dòng nhớ, Nhớ sông, Cánh đồng bất tận. Đọc truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư do vậy luôn bắt gặp một chất giọng man mác buồn. Có lẽ, sức lôi cuốn của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu được tạo nên bởi cái tôi sâu lắng, đầy tính nhân văn ấy. Nguyễn Ngọc Thuần lại tạo nên một thế giới khác. Đến với Nguyễn Ngọc Thuần, như lời Nhà xuất bản, là đến với "Một cảm giác trong trẻo và yên tĩnh lạ lùng!" [370]. Đó là thế giới của Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, Trên trời cao chăn bầy thiên sứ. Nhiều truyện Nguyễn Ngọc Thuần viết cho thiếu nhi nhưng như Nguyễn Thị Minh Thái viết, Nguyễn Ngọc Thuần đạt được "một cú đúp ngoạn mục về văn chương" [370]. Mỗi truyện ngắn nho nhỏ trong đó đã là một truyện tặng bạn đọc trẻ thơ, lại vừa là một truyện dành cho người lớn. Bởi chúng nhiều tầng nghĩa, giàu chất thơ, và có thể, bởi cả tác phẩm chính là kết quả cái nhìn độc đáo của một chủ thể thi sĩ viết văn xuôi. Chúng tôi cho rằng, chính cái tôi thi sĩ ấy đã tạo nên chất thơ và đem lại giọng văn rất riêng, đầy cuốn hút của Nguyễn Ngọc Thuần..
2.1.1.2. Cái tôi cảm nghĩ, cái tôi nhiều ưu tư, thấm đẫm cảm xúc ấy đã kiến tạo nên một đặc điểm rất mới, rất riêng của truyện ngắn sau 1986. Đó là sự thu hẹp tối đa, thậm chí đến mức xóa nhòa cốt truyện, nhân vật, đối thoại, hành động bên ngoài,… để chỉ còn lại là một cảm giác, một ấn tượng, một dòng chảy của cảm xúc. Đây là đặc điểm khá phổ biến có thể bắt gặp qua nhiều truyện ngắn. Nếu soi những tác phẩm này với tâm thế tiếp nhận lâu nay của độc giả sẽ dẫn đến một độ chênh khá lớn. Đó là những truyện không thể kể lại bởi: không có một cốt truyện với những sự kiện, tình tiết để kể; không có tên gọi nhân vật để gọi tên và trong rất nhiều truyện, đọc xong, người đọc không thể xác định được, càng không thể diễn đạt được rò ràng chủ đề tư tưởng mà tác giả gửi gắm qua thiên truyện. Thay vào đó, người đọc được nếm trải, được cảm nhận về một trạng thái, một tâm trạng, một cảm giác, đôi khi chỉ là một ấn tượng. Với thói quen đọc và đi tìm một "chủ đề rò ràng", nhiều bạn đọc sẽ cảm thấy hụt hẫng. Có thể thấy kĩ thuật viết ấy qua truyện ngắn Tạ Duy Anh, Phan Triều Hải, Trần Đức Tiến, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Minh Hà, Hoàng Ngọc Thư, Đoàn Minh Hà,…
Với Lãng du của Tạ Duy Anh, đúng như nhan đề, truyện chỉ là một cuộc phiêu lãng trở về với thiên đường tuổi thơ trong tâm thức nhân vật tôi. Đi mãi trên đường của Phan Triều Hải cũng không có cốt truyện. Kết cấu truyện là một ẩn dụ lớn. Tất cả chỉ được diễn qua dòng suy tư của nhân vật tôi. Từ đầu đến cuối truyện là một cuộc đi, nhân vật mải miết đi, đi mà không biết để làm gì, có lẽ chỉ để được đi trên những con đường mới, chỉ để thoát khỏi cảm giác yên bình một cách mong manh và tẻ nhạt. Bao trùm truyện ngắn do vậy, chỉ là một cảm giác: cảm giác tẻ nhạt. Đi bộ và chạy của Trần Đức Tiến cũng là cảm giác nhạt nhẽo nhưng là cảm giác nhạt nhẽo vào lúc đầu ngày. Hương lấy chồng của Đoàn Minh Hà là cảm giác buồn nôn, cảm giác cô đơn kinh khủng, cảm giá trống rỗng, vô vị trước cái điều tưởng như thường tình của phụ nữ: "Làm con gái có chồng thường thường buồn hơn. Vậy mà hỏi đứa nào cũng nói có chồng vẫn hơn". Cái nhìn khắc khoải của Nguyễn Ngọc Tư là một dòng kí ức của tôi. Toàn bộ cốt truyện chỉ quy tụ về một cái nhìn, cái nhìn khắc khoải đầy nhân văn. Nếu trong thơ có con mắt thơ thì con
mắt thơ ấy quy tụ ở cái nhìn đầy dư ba ấy vậy. Truyện ngắn giàu sức gợi hơn sức tả, chú trọng hành động bên trong hơn hành động bên ngoài. Chỉ là một cái nhìn nhưng cái nhìn ấy đã gieo vào lòng người đọc nhiều khắc khoải suy tư.
Thật thú vị khi chúng ta nghe Nguyễn Vĩnh Nguyên trực tiếp phát biểu về đặc điểm này của truyện ngắn đương đại qua tác phẩm của mình: "Sự yên lặng bao nhiêu cũng không đủ! Tôi nói. Và anh bạn nhà văn trẻ trố mắt lên, ngạc nhiên: Tôi sẽ viết một truyện ngắn chỉ bằng một câu nói như thế. Một truyện ngắn, đôi khi chỉ nói về một trạng thái. Và trạng thái này, chỉ có bạn - người đã sống ở thành phố Sương Mù mới nói được như thế!" (Những tháng ngày xa xỉ) [238]. Toàn bộ truyện ngắn chỉ là những ấn tượng về một tiếng rao đêm. Và tác giả kết thúc tác phẩm ấy thế này: "Anh có nhiều kí ức chết người quá! Ngay cả chuyện tiếng rao thôi, tôi cũng có thể viết được cái truyện ngắn đấy. Này nhé, truyện ngắn về trạng thái đồng vọng!" [238, tr.314]. Hồ Anh Thái phát hiện ra tố chất này ở truyện ngắn Nguyễn Vĩnh Nguyên khi đặt lời tựa tập truyện ngắn này là: "Dư vị của cảm giác". Ở những truyện ngắn ấy, cốt truyện, nhân vật, hành động, tình tiết giảm thiểu để nhường chỗ cho một nhân vật đặc biệt, cái tôi trữ tình, cái tôi cảm giác. Cái tôi ấy nhiều suy tư và rất đỗi chân thành trong một khát khao thổ lộ, chia sẻ cảm xúc. Do vậy, các truyện ngắn đã tạo nên những rung động mới lạ cho người đọc, những rung động đậm chất thơ.
2.1.2. Thế giới của biểu tượng
Có thể bạn quan tâm!
- Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 8
- Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 9
- Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 10
- Sự Trở Về Với Huyền Thoại - Quy Luật Của Văn Học Đông - Tây
- Những Biểu Hiện Của Huyền Thoại Trong Truyện Ngắn Việt Nam Từ 1986 Đến Nay
- Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 14
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
Hình ảnh biểu tượng không phải là đặc quyền của các thể loại trữ tình nhưng những biểu tượng có tính ẩn dụ, có sức hàm nghĩa lớn chính là tố chất của thơ ca, của các thể loại thiên về bộc lộ trực tiếp thế giới chủ quan này. Với dung lượng nhỏ, thơ ca thường dụng công sáng tạo nên các hình ảnh biểu tượng có độ nén, độ hàm súc cao. Trong thực tế, những bài thơ hay là những bài thơ khắc sâu vào tâm tưởng người đọc bởi những hình ảnh biểu tượng giàu sức ám gợi: Núi đôi - Vũ Cao, Màu tím hoa sim - Hữu Loan, Cuộc chia li màu đỏ - Nguyễn Mỹ, Thuyền và biển, Sóng - Xuân Quỳnh, Khoảng trời hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ, Mùa xuân nho nhỏ
- Thanh Hải,… Nhiều cây bút truyện ngắn sau 1986 bằng nỗ lực sáng tạo đã dụng
công xây dựng nên những biểu tượng đa nghĩa để gia tăng sức chuyển tải cho kích cỡ thể loại vốn khiêm tốn này. Đó là hướng thể nghiệm thành công của nhiều cây bút văn xuôi được người đọc yêu mến: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Hòa Vang, Hồng Nhu, Lí Lan, Dạ Thảo, Hồ Anh Thái,… Không ít truyện, những hình ảnh biểu tượng được lặp đi lặp lại; trở thành âm hưởng, trở thành dư vị riêng, có sức ám gợi lớn đối với người đọc.
Nguyễn Minh Châu là người mở đường đầy tinh anh trong hướng tương tác này. Nếu truyện ngắn Nguyễn Khải gần với thơ bởi cái tôi trữ tình thì chất thơ trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu được vang lên từ những biểu tượng. Dương Thị Thanh Hiên hết sức đề cao công năng của hình ảnh biểu tượng trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu: "Hình ảnh biểu tượng là một phương tiện cách tân nghệ thuật độc đáo trong sáng tác của ông, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn… Trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, biểu tượng thường lặp đi lặp lại nhiều lần tạo thành tứ thơ liên kết các sự kiện và cảm xúc, chi phối toàn bộ kết cấu tác phẩm, tạo thành điểm tựa phát triển hình tượng [281, tr.313]. Có thể nói, có một thế giới biểu tượng trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Từ Bức tranh đến Phiên chợ Giát đều có sự hiện diện của những hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa ấy. Một điều thú vị là, càng về sau, hình ảnh biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu càng nhiều, càng về sau biểu tượng càng có sức kết lắng, sức lan tỏa ý nghĩa. Đó là biểu tượng cơn giông xuất hiện thường trực từ đầu đến cuối tác phẩm cùng tên, biểu tượng giếng nước mát lành được chú ý đặc biệt trong truyện ngắn Bên đường chiến tranh,... Làm một phép toán thô sơ, thống kê những biểu tượng được sử dụng trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu cùng tần số xuất hiện của nó cũng giúp ta thấy được tố chất trữ tình đậm đặc trong những truyện ngắn này. Biểu tượng bức tranh xuất hiện 19 lần, biểu tượng bến quê xuất hiện 7 lần, biểu tượng cơn giông xuất hiện 11 lần trong các truyện ngắn cùng tên. Đặc biệt, trong truyện ngắn Cỏ lau, biểu tượng đá vọng phu xuất hiện 16 lần, biểu tượng cỏ lau ám ảnh người đọc đến 28 lần. Hai biểu tượng này cùng đi song song trong tác phẩm đưa đến cho người đọc sự thức nhận sâu xa, lớn hơn nhiều khuôn khổ một truyện ngắn thông thường. Trong
Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu xoáy sâu vào tâm lí người đọc bởi những biểu tượng độc đáo: Bò khoang, xe cút kít và sự hoá thân bò/người,… Đặc biệt biểu tượng bò khoang xuất hiện hơn 30 lần, trở thành một biểu tượng kì ảo có sức phát sáng ý nghĩa lớn. Hình ảnh biểu tượng đa diện, đa nghĩa trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu vừa tạo ra độ “mờ nhoè” trong điểm nhìn đầy chất thơ vừa tạo nên tính phức điệu trong giọng điệu trần thuật.
Nguyễn Huy Thiệp cũng góp mặt ở phương diện này: Muối của rừng, Con gái thủy thần, Chảy đi sông ơi, Chút thoáng Xuân Hương, Mưa, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Cánh buồm nâu thuở ấy. Truyện ngắn liên hoàn Con gái thủy thần được kết cấu từ ba truyện thì biểu tượng Mẹ Cả cứ luân phiên, xoay vòng xuất hiện. Biểu tượng huyền thoại ấy đã tạo nên màu sắc lung linh huyền ảo, trở thành nỗi day dứt, ám ảnh mãi đối với người đọc. Trong Chút thoáng Xuân Hương, Nguyễn Huy Thiệp tài tình khi để hình tượng bánh trôi nước đi từ thơ ca vào tác phẩm. Chút thoáng thôi nhưng biểu tượng khi được đặt một cách đắc địa tự nó sẽ phát sáng bao ý nghĩa, tự nó tạo cho người đọc bao liên tưởng, ngẫm suy.
Có những truyện, hình ảnh biểu tượng được xây dựng song song, đan xen vào câu chuyện, đi cùng với nhân vật, hiện lên trong dòng suy tưởng của nhân vật. Có thể thấy hình thức ấy qua nhiều truyện: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Phiên chợ Giát, Con gái thủy thần, Cánh buồm nâu thuở ấy, Hoa vông vang,Cánh đồng bất tận, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Mưa mặt nạ,…
Bên cạnh đó lại có loại truyện mà cốt truyện, nhân vật mờ đi; đối thoại giảm đến tối thiểu để ở đó chỉ còn lại cái tôi đậm chất suy tưởng đi kèm với những hình ảnh biểu tượng giàu sức kết lắng tư tưởng chủ đề. Tác giả của loại truyện này không quan tâm đến cốt truyện, nhân vật,… mà tập trung cảm hứng cao độ cho các biểu tượng, biểu tượng trong truyện ngắn lúc này có vai trò như cái tứ của thơ ca. Ở những truyện này, biểu tượng xuất hiện với tần số cao, biểu tượng trở đi trở lại trong suốt thiên truyện và chính những biểu tượng đó là nơi nói với người đọc về các tầng ý nghĩa của truyện. Nói cách khác, ở những truyện ấy, tác giả gửi gắm, kí
thác tư tưởng, tình cảm của mình vào những biểu tượng. Những truyện như vậy thường có âm vang, có sức ngân nga lớn. Biểu tượng hàm nghĩa đã tạo nên hiệu quả tiếp nhận bất tận đối với người đọc. Đó là biểu tượng hoa vông vang với màu đỏ cháy rực đến nhức nhối trong suốt truyện ngắn cùng tên của Hồ Thị Hải Âu. Hầu hết các truyện ngắn của Lí Lan cũng đều xây dựng biểu tượng theo cách này: biểu tượng núi non trong Chiêm bao thấy núi, biểu tượng kì ảo ngựa ô trong tác phẩm cùng tên, biểu tượng những loài cỏ dại trong Cỏ hát. Đó còn là biểu tượng vịt trời lông tía trong Vịt trời lông tía bay về trời của Hồng Nhu, biểu tượng rừng kim tước trong Tiếng thở dài qua rừng kim tước của Hồ Anh Thái, biểu tượng trăng góa "Tròn. Khuyết. Vô hình" trong Trăng góa của Lê Minh Hà, biểu tượng cây sồi trong Đi của Dương Bình Nguyên.
Ở Cánh buồm nâu thuở ấy, hình tượng cánh buồm xuất hiện ngay từ nhan đề, tiếp tục được nhấn nhá bởi lời đề từ: "Anh đi đấy, anh về đâu. Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…". Để rồi biểu tượng cánh buồm đan xen, thấp thoáng đi suốt thiên truyện: từ mở đầu "cánh buồm nâu lừ lừ trôi ngược"; cho đến kết thúc truyện: cánh buồm nâu được khắc lên bia mộ - một bia mộ có cách chuyển tải thông tin kì lạ. Hình tượng ấy, khi truyện kết thúc vẫn thấp thoáng, vẫn khắc khoải người đọc mãi không thôi. Tập Mưa mặt nạ của Nhật Chiêu cũng đầy ắp những biểu tượng: mặt nạ, cánh bèo, đom đóm, cây cầu, nước, mưa,… Chính những biểu tượng lại là nơi phát xuất những tầng lớp ý nghĩa cho truyện ngắn Nhật Chiêu.
Sở dĩ những truyện không có cốt truyện, rất ít tình tiết gay cấn, hấp dẫn,… nhưng vẫn không bị dàn trải, không bị tan loãng là bởi sức nặng, sức liên kết của hình ảnh biểu tượng. Có thể nói, chủ nhân của các truyện ngắn ấy đã tư duy bằng biểu tượng, kết cấu bằng biểu tượng và chuyển tải bằng ngôn ngữ biểu tượng. Biểu tượng mang tính chất tượng trưng, mang ý nghĩa ẩn dụ cao đã tạo nên những "mã" nghệ thuật độc đáo, thể hiện sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Hình ảnh biểu tượng trong truyện ngắn vừa có tính quy tụ lại vừa có sức lan tỏa. Tất cả mọi yếu tố trong cấu trúc truyện ngắn quy tụ, kết lắng nơi biểu tượng và chính những biểu tượng ấy lan tỏa, phát sáng bao lớp ý nghĩa, bao tầng tư tưởng. Đây là cách làm, là kĩ thuật
tương tác đòi hỏi độ cao tay. Nhưng nếu thành công tác phẩm sẽ vừa có sức nặng vừa có âm hưởng, độ dư ba lớn, vẫy gọi sự đồng sáng tạo mạnh mẽ đối với người đọc.
2.1.3. Hiện tượng thơ trong văn
Hiểu tương tác theo nghĩa rộng, việc tồn tại một hoặc nhiều bài thơ trong cấu trúc văn xuôi không phải là hiện tượng lạ. Đặc điểm ấy được thể hiện một cách khá đậm đặc trong tập truyện được viết từ thế kỉ XVI - Truyền kì nạn lục của Nguyễn Dữ. Ở tập truyện truyền kì được mệnh danh là "áng văn hay của bậc đại gia" ấy có rất nhiều bài thơ. Truyền kì mạn lục có 20 truyện thì hầu hết truyện nào cũng có một vài bài thơ, thậm chí một số truyện dung lượng những bài thơ còn lớn hơn dung lượng của truyện. Nhưng có thể thấy rằng, những bài thơ trong các truyện truyền kì của Nguyễn Dữ đều là thơ ngâm vịnh, thù tạc, là những bài thơ "đề trên vách núi",… Bên cạnh đó, trong truyền thống thơ của văn học trung đại, nhiều hoạt động khác nhau đều được "phổ" thành thơ: lời truyền, lời buộc tội hay thư qua tin lại,… Thơ trở thành công cụ, trở thành phương tiện; người xưa mượn hình thức thơ sử dụng cho nhiều hoạt động khác nhau. Hình thức những bài thơ trong Truyền kì mạn lục do vậy mang tính khách thể, ít gắn với cái tôi của nhà văn. Dù thế vẫn có thể coi tập "truyện ngắn" này là tiền lệ cho sự thâm nhập của thơ vào văn xuôi. Trong truyện ngắn sau 1986, thơ trong truyện trở thành một hiện tượng vừa phong phú vừa độc đáo vừa giàu ý nghĩa về sự cộng hưởng thể loại. Ở góc nhìn của thơ, nhiều người cho rằng có một cuộc xâm lăng của văn xuôi vào thơ. Cũng có thể nói như vậy đối với truyện ngắn: có một cuộc xâm lăng của thơ ca vào truyện ngắn. Bên cạnh sự xâm lăng của một cái tôi trữ tình, của hệ thống ngôn ngữ biểu tượng là sự tràn ngập của những bài thơ trong cấu trúc truyện ngắn. Cách làm này đang được một số nhà văn dày công thể nghiệm. Nếu thành công, tác phẩm sẽ đạt được sự cộng hưởng thể loại không dễ gì có được ở các truyện ngắn thông thường. Kĩ thuật viết truyện "lấn sân" sang địa hạt thơ này để lại dấu ấn đậm nét, trở thành nét phong cách độc đáo ở Nguyễn Huy Thiệp, Nhật Chiêu và nhiều cây bút truyện ngắn tên tuổi khác.
Nguyễn Huy Thiệp trở thành hiện tượng "hai lần lạ" có phần được tạo nên từ đặc điểm độc đáo này. Phạm Xuân Nguyên giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp: “Trong truyện anh có thơ, nhiều thơ” [283], còn Đỗ Đức Hiểu: “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều bài thơ” [283]. Mức độ đậm đặc của những bài thơ trong truyện ngắn cùng “chất lượng” của nó làm cho nhiều người đọc nghĩ đến một chuyện khá thú vị: nếu tập hợp tất cả các bài thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta sẽ có được cả một tập thơ hết sức đầy đặn. TN Filimonova, một nhà nghiên cứu người Nga, rất thú vị trước kỹ thuật viết này của Nguyễn Huy Thiệp qua bài báo: Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp.
Như đã nói, thơ trong văn là chuyện không hề mới, vấn đề là ở phẩm chất của việc sử dụng. Kết quả khảo sát của TN Filimonova cho thấy, trong 24 truyện thì có đến 21 truyện có sử dụng thơ, nhiều trường hợp, thơ chiếm dung lượng lớn. Hơn thế, thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ nhiều mà còn rất đa dạng. Ông khẳng định: “Rò ràng, đối với Nguyễn Huy Thiệp việc sử dụng thơ - đó không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà là một nhu cầu đòi phải được thoát ra” [283]. Quả thực như vậy, trong văn học, có những bài thơ được đưa vào truyện ngắn hoàn toàn mang tính khách thể. Thế nhưng, trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những câu thơ, bài thơ dù ngắn, dù dài đều nhằm trực tiếp bộc lộ ý chỉ của tác giả hoặc khúc xạ ý chỉ của tác giả. Phải nói rằng, những câu thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đều phải “làm việc”. Trong nhiều truyện, những bài thơ đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc cấu thành cốt truyện, nó kết hợp một cách logic và hết sức tự nhiên, nhuần nhuyễn với cấu tứ của truyện. Đó là trường hợp của các truyện: Chút thoáng Xuân Hương, Trương Chi, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Huyền thoại phố phường, Chảy đi sông ơi, Đời thế mà vui,... Ở những truyện này, luận đề của truyện lại được thể hiện một cách đầy cô đọng, súc tích trong những bài thơ, những câu ca dao, những bài đồng dao,... Thế nhưng, giá trị hơn cả là những truyện mà trong đó, những bài thơ “làm việc” như những đoạn trữ tình ngoại đề, nó thể hiện tiếng nói bên trong đầy tinh tế của tác giả và nhân vật. Trong Thương nhớ đồng quê, khi cái chết đến với hai cô em gái Nhâm quá oan nghiệt, Nguyễn Huy Thiệp