thực sự tạo hứng thú cho học sinh và phát huy hiệu quả thực sự của phương pháp vận dụng KTLM. Khi đi vào tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi thấy tập trung ở 3 vấn đề sau:
- Thứ nhất: việc sử dụng KTLM của các thầy cô hiện nay chủ yếu mới dựa vào kiến thức phong phú của bản thân về các môn học khác cũng như kinh nghiệm cá nhân trong việc vận dụng phương pháp này. Tuy nhiên, với GV trẻ thì đây là vấn đề thực sự khó khăn. Việc tìm kiếm tài liệu và chọn lọc đưa vào giảng dạy để đảm bảo trọng tâm và cân đối thời gian trong tiết học cũng không hề đơn giản.
- Thứ hai: do quan niệm chưa đúng về bộ môn. Việc Lãnh đạo các nhà trường, học sinh, phụ huynh học sinh cho bộ môn Lịch sử là môn phụ đang diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, việc đầu tư về cơ sở vật chất, thời gian, sự hứng thú học tập cho bộ môn không nhiều. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng bộ môn.
- Thứ ba:xuất phát từ chính nhận thức, năng lực còn hạn chế của nhiều GV. Bản thân GV chưa thực sự đầu tư cho việc tìm hiểu tư liệu, tích lũy kiến thức liên môn cũng như phương pháp vận dụng KTLM trong thực tiễn giảng dạy. Điều này cũng được chính GV thừa nhận thông qua việc trả lời phiếu điều tra.
Ở cách thức áp dụng, 100% GV cho rằng việc sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử có thể áp dụng cả trong bài học nội khóa và ngoại khóa. Tuy nhiên, theo sự chia sẻ trực tiếp của một số giáo viên, chủ yếu các thầy cô sử dụng KTLM trong các bài học nội khóa, rất hạn chế thực hiện ở bài ngoại khóa do những khó khăn (về nhiều phương diện) khi tổ chức dạy học ngoại khóa. Có chăng, khi nhà trường tổ chức cho học sinh đi học tập trải nghiệm, bộ môn Lịch sử có lồng ghép một số nội dung môn học và việc sử dụng KTLM cũng chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Đây cũng chính là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng để bản thân tôi mong muốn đề xuất những biện pháp sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử không chỉ dừng ở các bài học nội khóa mà còn tổ chức trong dạy học ngoại khóa một cách hiệu quả hơn.
Để kiểm tra nhận thức của GV về tác dụng và ý nghĩa của việc sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử, kết quả sau điều tra thể hiện ở Bảng 1.2 (phụ lục).
Kết quả điều tra cho thấy, bản thân GV đều nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử ở nhiều khía cạnh khác nhau trong mục tiêu giáo dục của bộ môn. Nhận thức đúng đắn này sẽ là cơ sở, động lực để thúc đẩy GV nghiên cứu, tìm tòi và tích cực hơn nữa trong việc vận dụng KTLM vào giảng
dạy các bài học lịch sử, để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả bộ môn ở trường phổ thông.
Để xác định được những thuận lợi, khó khăn thực tiễn của GV khi vận dụng KTLM trong dạy học Lịch sử, tôi thu về kết quả điều tra ở Bảng 1.2 (Phụ lục)
Từ kết quả trên cho thấy, về khó khăn khách quan thứ nhất, 100% GV cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất chỉ tác động nhỏ tới việc thực hiện phương pháp KTLM trong dạy học Lịch sử. Đây là kết quả phản ánh việc sử dụng KTLM có thể áp dụng rộng rãi ở các địa phương, ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố cơ sở vật chất. Hai khó khăn khách quan tiếp theo là về phía học sinh và nguồn tư liệu, trên 50 lựa chọn đánh giá ở mức độ trung bình, điều này cho thấy đây là những trở ngại nhất định cho việc dạy học KTLM tuy nhiên không phải là không khắc phục được. Đáng quan tâm là có tới 84.3% thầy cô được hỏi xác định việc GV ít kinh nghiệm, chưa thuần thục về phương pháp gây khó khăn ở mức độ cao tới quá trình vận dụng nguyên tắc liên môn. Điều này hoàn toàn tương ứng với việc các thầy cô đánh giá thuận lợi nhất cũng chính là việc GV có năng lực về kiến thức, phương pháp (tỉ lệ 94.8%). Bên cạnh đó, GV đánh giá cao những thuận lợi từ tinh thần, thái độ học tập tích cực của học sinh và sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Lãnh đạo nhà trường. Đây là những yếu tố thúc đẩy sự đổi mới, tìm tòi phương pháp dạy học mới, phù hợp và hiệu quả trong giảng dạy của GV. Bản thân tôi nhận thấy, dù có những khó khăn, thuận lợi như thế nào thì 2 yếu tố cốt lõi nhất tác động đến quá trình giảng dạy cũng như vận dụng KTLM trong bộ môn Lịch sử sẽ xoay quanh mối quan hệ giữa người dạy - người học và năng lực, nhiệt huyết của người GV. Hai yếu tố này có tác động hỗ trợ, tác động qua lại một cách mật thiết. Nếu GV có kiến thức vững vàng, phong phú, ý thức tìm tòi, đổi mới thì sẽ lôi cuốn, thu hút sự say mê, tích cực từ phía học sinh. Ngược lại, học sinh chăm chú, hứng thú với bài học sẽ tạo động lực giúp GV trau dồi và cố gắng hơn nữa để mang lại những giờ học hiệu quả, đảm bảo mối quan hệ người học là trung tâm và người dạy có vai trò chủ đạo trong quá trình giáo dục.
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Lí Luận Của Việc Sử Dụng Ktlm Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Thpt
- Đặc Điểm Nhận Thức Của Học Sinh Trung Học Phổ Thông Trong Học Tập Lịch Sử
- Mối Quan Hệ Giữa Kiến Thức Lịch Sử Và Giáo Dục Công Dân
- Xác Định Những Bài Học Sử Dụng Ktlm Trong Dạy Học Trên Lớp Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam
- Những Yêu Cầu Khi Sử Dụng Ktlm Trong Dạy Học Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam (Từ Nguồn Gốc Đến Giữa Thế Kỉ Xix) - Lịch Sử 10, Chương Trình Chuẩn
- Sử Dụng Ktlm Để Phát Triển Năng Lực Tự Học Cho Học Sinh
Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.
1.2.2. Về phía học sinh
Phản hồi của HS là kênh thông tin vô cùng hữu ích giúp GV điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho đảm bảo đúng đối tượng và năng lực của các em. Để có những cơ sở thực tiễn khách quan từ phía HS về việc sử dụng KTLM trong dạy, học Lịch sử
ở trường phổ thông, với tổng số phiếu điều tra phát ra và thu về là 250 từ 05 trường trong tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi có được kết quả tại Bảng 1.4 (Phụ lục).
Từ kết quả số liệu thu về, có thể rút ra một số vấn đề sau:
Thứ nhất, số học sinh lựa chọn rất yêu thích/yêu thích Lịch sử chiếm 46,4%; cho bộ môn lịch sử rất quan trọng/quan trọng chiếm tỉ lệ 44,8%. Không có HS nào cho rằng môn Lịch sử là không quan trọng. Kết quả này cho thấy, bộ môn Lịch sử vẫn có chỗ đứng nhất định, không hoàn toàn bị HS bỏ qua. Một số HS chia sẻ, kiến thức lịch sử rất thú vị, khơi dậy trí tò mò nơi các em, giúp các em hiểu biết về sự phát triển của lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới, mang lại cho các em nhiều kiến thức xã hội, thấy tự hào về truyền thống, khâm phục những tấm gương anh hùng… Tuy nhiên, để lí giải việc 53,2% HS coi vị trí của môn Lịch sử chỉ bình thường và còn 18,8% HS được hỏi trả lời không yêu thích Lịch sử thì tập trung vào mấy nguyên nhân chủ yếu là: kiến thức môn Lịch sử dài, nặng về ghi nhớ máy móc, lí thuyết; phương pháp lên lớp của thầy cô còn nhiều thuyết trình, việc đổi mới còn hạn chế; Lịch sử nằm trong nhóm khối C thi Đại học - Cao đẳng, có ít lựa chọn trường.
Thứ hai, về vấn đề sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử, bảng kết quả cho thấy HS cảm thấy hứng thú hơn rất nhiều khi thầy cô sử dụng hoặc hướng dẫn các em sử dụng KTLM, các em mong muốn được học tập với phương pháp này nhiều hơn.
Thứ ba, việc ưu tiên sử dụng KTLM trên thực tế của thầy cô cũng phản ánh chính xác thông tin thu được từ phía GV và những vấn đề lí luận. Đó là môn Lịch sử chủ yếu liên môn với nhóm ngành Khoa học xã hội. Ngoài ra, trong một số bài học đặc thù, GV vẫn sử dụng kiến thức của ngành học khác (tự nhiên, nghệ thuật) để phục vụ bài học Lịch sử một cách hiệu quả.
Thứ tư, có 3/4 tiêu chí được hỏi về tác dụng của việc sử dụng KTLM trong học tập Lịch sử được HS đánh giá với tỉ lệ trên 50% (yêu thích bộ môn Lịch sử hơn 79,2%; dễ học, dễ nhớ, khắc sâu kiến thức: 59,2%; kích thích tư duy, rèn kĩ năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết nhiệm vụ học tập…: 50,4%). Đây là phản ánh khách quan, thể hiện vai trò và sự cần thiết sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông.
Cuối cùng, để lấy làm thông tin đối chiếu với kết quả thu được từ phía GV, tôi cũng đưa ra câu hỏi thuận lợi, khó khăn của HS khi học tập Lịch sử có sử dụng KTLM. Về thuận lợi, lựa chọn của HS khá tương đồng với GV khi xác định việc sử dụng KTLM giúp khắc sâu, củng cố, thực hành kiến thức đã học, giúp bài học trở nên thú vị hơn. Tuy nhiên, ở mặt khó khăn, có tới 44,8% cho rằng học như vậy khiến kiến thức quá tải, chồng chéo và còn tới 18% lựa chọn giờ học nhàm chán. Điều này có vẻ như mâu thuẫn với 87,6% mong muốn thầy cô sử dụng KTLM thường xuyên trong giờ học Lịch sử. Giải thích điều này, các em HS cho biết, các em thấy việc sử dụng KTLM trong học tập mang lại rất nhiều tác dụng, tuy nhiên, trong quá trình lên lớp, nhiều thầy cô chưa thực sự chọn lọc được những KTLM phù hợp, khai thác chưa thực sự hiệu quả các nguồn tư liệu nên HS có cảm giác kiến thức bị quá tải.
Như vậy, quay trở lại khó khăn lớn nhất của GV là năng lực của người dạy (kiến thức và phương pháp) sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến chất lượng và hiệu quả việc sử dụng KTLM. Cả thầy cô và HS đều thấy lúng túng trước trở ngại này. Mặc dù hiểu được bản chất và tầm quan trọng của việc sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử nhưng nhiều GV vẫn chưa tìm được cho mình biện pháp khai thác phù hợp. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu và đưa ra những biện pháp cụ thể về việc sử dụng KTLM trong dạy học lịch sử. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển năng lực toàn diện của người học, dạy học không chỉ dừng ở việc giúp HS lĩnh hội hiệu quả những kiến thức trong các bài học nội khóa mà cần mở rộng linh hoạt sang các hình thức tổ chức dạy học ngoài giờ lên lớp. Lịch sử là bộ môn có ưu thế trong tổ chức dạy học ngoại khóa theo các hình thức: dạy học thực địa, dạy học di sản...Đặt trong điều kiện thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh thì các trường THPT trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức dạy học ngoại khóa Lịch sử gắn với những tri thức được học thuộc phần Lịch sử cổ trung đại Việt Nam.
*
* *
Dạy học liên môn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong dạy học Lịch sử, nhất là bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Hiệu quả của việc dạy học liên môn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trên nền tảng lí luận khoa học, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, giáo viên cần vận dụng phù hợp, hài hòa các phương pháp dạy học ở những hình thức
khác nhau.Từ cách tiếp cận đó,chương 2 của đề tài sẽ tập trung vào việc rà soát các bài học lịch sử cổ trung đại Việt Nam (Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX - SGK Lịch sử 10, chương trình chuẩn) và những di tích lịch sử văn hóa trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh gắn với những sự kiện xảy ra trong lịch sử dân tộc từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX để đề xuất những biện pháp sử dụng KTLM để nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn.
Chương 2
MỘT SỐ HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP SỬ DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ CỔ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
Ở TRƯỜNG THPT TỈNH QUẢNG NINH
2.1. Vị trí, mục tiêu và nội dung chính phần Lịch sử cổ trung đại Việt Nam trong Sách giáo khoa lịch sử lớp 10 ở trường THPT
2.1.1. Vị trí
Chương trình Lịch sử lớp 10 gồm ba phần kiến thức chính:
- Phần một: Lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại.
- Phần hai: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX.
- Phần ba: Lịch sử thế giới cận đại.
Như vậy, phần Lịch sử cổ trung đại Việt Nam (từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ
XIX) được biên soạn song song với lịch sử thế giới nguyên thủy, cổ đại và trung đại để giúp học sinh có thể đối chiếu lịch sử dân tộc với lịch sử thế giới, vận dụng những kiến thức chung, bao quát đã học trong phần một của lịch sử thế giới cổ trung đại vào việc tiếp thu, lí giải lịch sử dân tộc ở chương hai.
Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX cũng là chương trình đồng tâm với lịch sử Việt Nam trong chương trình Lịch sử lớp 6 và lớp 7 ở cấp THCS, tìm hiểu về xuyên suốt về chặng đường dài từ thời nguyên thủy, thời dựng nước, thời Bắc thuộc đến thời kì phong kiến độc lập của dân tộc.
Mặc dù vậy, đặt trong giới hạn thời lượng qui định của chương trình (16 tiết học), nên nội dung kiến thức được viết ở mức độ khái quát hóa cao. Hơn nữa, đây là thời kì lịch sử cách rất xa hiện tại, tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử dân tộc nên việc lĩnh hội các tri thức khó khăn hơn rất nhiều so với những thời kì sau (cận đại, hiện đại). Vì vậy, nếu GV không có những phương pháp, cách thức tiếp cận sáng tạo, linh hoạt, phong phú thì khó có thể đảm bảo mục tiêu giáo dục, giáo dưỡng cũng như phát triển những năng lực, phẩm chất cần thiết cho HS.
2.1.2. Mục tiêu
* Về kiến thức:
Học xong phần Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX, học sinh:
- Khái quát được tiến trình lịch sử của dân tộc từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX, qua các thời kì nguyên thủy, dựng nước, thời Bắc thuộc đấu tranh giành độc lập, thời phong kiến độc lập với các triều đại phong kiến nối tiếp nhau.
- Hiểu được quá trình tiến hóa của người nguyên thủy trên lãnh thổ nước ta, những cơ sở dẫn tới sự ra đời những quốc gia cổ đại Văn Lang - Âu Lạc, Cham pa, Phù Nam cùng với nền văn hóa bản địa của cư dân. Trong đó, văn hóa của cư dân Văn Lang
- Âu Lạc đã định hình những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta.
- Trình bày được những nét chính về chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc thời Bắc thuộc, những chuyển biến kinh tế - xã hội của nước ta. Xác định những cuộc khởi nghĩa, đấu tranh tiêu biểu cũng như ý nghĩa to lớn của các cuộc đấu tranh đó để đi tới thắng lợi đỉnh cao năm 938, chính thức chấm dứt ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kì độc lập, tự chủ lâu dài.
- Hiểu được quá trình xác lập, củng cố, phát triển và khủng hoảng, suy yếu của chế độ phong kiến tập quyền qua các triều đại nối tiếp nhau là qui luật khách quan của lịch sử.
- Biết được những thành tựu của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng đất nước: phát triển nền kinh tế tự chủ, toàn diện;phát huy nền văn hóa riêng đậm bản sắc dân tộc với nhiều thành tựu to lớn, để lại giá trị sâu sắc cho các thế hệ sau.
- Hệ thống được các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, chỉ ra được những đặc sắc trong nghệ thuật quân sự đánh giặc của cha ông và nguyên nhân làm nên những chiến công vẻ vang ghi danh lịch sử đó.
- Nhìn nhận, đánh giá khách quan những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu.
* Về kĩ năng:
- Rèn kĩ năng khái quát, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, liên hệ, giải thích, đánh giá…các sự vật, hiện tượng, nhân vật lịch sử.
- Rèn kĩ năng thực hành bộ môn: quan sát lược đồ, bản đồ, tranh ảnh; lập niên biểu, vẽ sơ đồ, lược đồ, bản đồ, sa bàn; xử lí số liệu.
- Kĩ năng thuyết trình, trình bày vấn đề lịch sử, quan điểm cá nhân.
* Về thái độ:
- Bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc.
- Biết ơn các vị anh hùng, các thế hệ cha ông.
- Trân trọng quần chúng nhân dân lao động.
- Thái độ chống áp bức, lên án chiến tranh, ý chí đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc.
- Ý thức tự giác học tập, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
* Định hướng phát triển năng lực:
- Năng lực chung: phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, logic; năng lực tự học; năng lực giao tiếp, hợp tác; năng lực thực hành giải quyết vấn đề; năng lực sử dụng ngôn ngữ
- Năng lực riêng: tái hiện sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử; quan sát, tường thuật, miêu tả, tưởng tượng; nhận xét, rút ra bài học lịch sử từ những sự kiện, hiện tượng, vấn đề lịch sử, nhân vật; vận dụng, liên hệ kiến thức lịch sử đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; vận dụng kiến thức liên môn để thực hiện nhiệm vụ học tập.
* Phẩm chất:
- Giúp hình thành cho HS những phẩm chất như: yêu nước, nhân ái, đoàn kết.
2.1.3. Nội dung cơ bản
2.1.3.1. Khung chương trình
Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX trong SGK Lịch sử 10 được phân phối ở 16 bài từ bài 13 đến bài 28 (16 tiết) kiến thức mới và 01 tiết kiểm tra định kì 45 phút.
Chương trình Lịch sử 10 còn có 2 tiết dành cho nội dung Lịch sử địa phương. Giáo viên có thể kết hợp dạy nội dung Lịch sử địa phương theo hình thức dạy học ngoại khóa, dạy học thực địa, dạy học di sản với các chủ đề, phương pháp dạy học mới để nâng cao kết quả học tập và giáo dục của bộ môn.
2.1.3.2. Nội dung cơ bản: gồm 4 chương và phần sơ kết
- Chương 1. Việt Nam thời nguyên thủy đến thế kỉ X: khái quát thời nguyên thủy (cách nay 30 đến 40 vạn năm trước), sự xuất hiện của các quốc gia cổ đại trên lãnh thổ Việt Nam, tiêu biểu là quốc gia Văn Lang - Âu Lạc, thời Bắc thuộc, nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ từ năm 179TCN đến chiến thắng Bạch Đằng vang dội của Ngô Quyền năm 938, mở ra thời kì độc lập, tự chủ lâu dài sau đó của Việt Nam.
- Chương 2. Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV: tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa và các cuộc kháng chiến/đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chế độ phong kiến tập quyền lần lượt được xác lập, củng cố, phát triển và đi tới đỉnh cao qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lí, Trần, Hồ, Lê sơ.