Sử Dụng Ktlm Để Phát Triển Năng Lực Tự Học Cho Học Sinh

đó sẽ càng thấy được chiều sâu tư tưởng, văn hóa bên cạnh giá trị kiến trúc của việc lựa chọn địa điểm, vị trí xây dựng lăng của các vua Trần. Điều này cũng giúp cho HS liên hệ và giải thích một phần quan niệm Phong Thủy truyền thống trong xây dựng nhà cửa của người Việt nói chung (lưng tựa núi, mặt tiền hướng ra phía biển…).

Như vậy, qua việc sử dụng ngôn ngữ tường thuật, miêu tả, kết hợp đồ dùng trực quan tranh ảnh (hoặc video), sự hỗ trợ của các phương tiện máy tính, máy chiếu… GV sẽ giúp HS hình dung cụ thể về nội dung tri thức lịch sử cần lĩnh hội, tái hiện một cách chân xác nhất về biểu tượng lịch sử đó. Việc kết hợp linh hoạt, nhuần nhuyễn những KTLM như Địa lí khi sử dụng lược đồ, bản đồ hay kiến thức các bộ môn khác như Văn học, Nghệ thuật… để tường thuật, miêu tả sự kiện, hiện tượng lịch sử không chỉ giúp khắc họa sâu sắc kiến thức lịch sử một cách rõ ràng, gần gũi mà còn mang lại những cảm xúc tích cực cho HS. Từ đó, HS không chỉ lĩnh hội kiến thức mà còn rèn được các kĩ năng như sử dụng ngôn ngữ, quan sát lược đồ, bản đồ, vận dụng KTLM của bản thân vào giải quyết yêu cầu bài học; giáo dục cho các em lòng tự hào dân tộc, căm thù giặc ngoại xâm, biết ơn và khâm phục các thế hệ cha ông; hình thành các năng lực tư duy, tự học, tái hiện kiến thức và thực hành bộ môn cho HS. Hơn nữa, khi GV chú ý cụ thể hóa các đơn vị kiến thức trong quá trình giảng dạy sẽ góp phần quan trọng để tránh hiện đại hóa lịch sử.

- Sử dụng KTLM để tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử

Nhận thức là quá trình đi từ thấp đến cao và cơ bản trải qua hai giai đoạn là nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính. Trong bộ môn lịch sử có thể thấy rằng, việc tạo biểu tượng lịch sử là giai đoạn cao của nhận thức cảm tính, là cầu nối giữa hai giai đoạn nhận thức. “Biểu tượng lịch sử là hình ảnh về những sự kiện, nhân vật lịch sử, điều kiện địa lí,… được phản ánh trong óc HS với những nét chung nhất, điển hình nhất” [41, tr.149]. Việc tạo biểu tượng có ý nghĩa rất quan trọng với quá trình lĩnh hội tri thức lịch sử khách quan, khoa học của HS. Nó được xem như cơ sở để hình thành khái niệm lịch sử. Những hình ảnh quá khứ được phản ánh trong đầu óc HS càng phong phú bao nhiêu thì kiến thức HS thu nhận càng vững chắc, sống động bấy nhiêu. Điều này cũng có giá trị đặc biệt giúp HS tránh “hiện đại hóa lịch sử” hoặc những nhận thức phiến diện, chủ quan, thiếu chính xác về các sự kiện, hiện tượng hay nhân vật trong lịch sử.

Trong dạy học lịch sử, việc tạo biểu tượng thường tập trung chủ yếu vào nhân vật lịch sử. Lịch sử là sự phát triển, vận động liên tục theo qui luật khách quan mà trong đó không thể thiếu vai trò của các cá nhân, đặc biệt là các cá nhân kiệt xuất có thể tác động đến tiến trình lịch sử của dân tộc, quốc gia hay nhân loại. Những tri thức về nhân vật lịch sử có ưu thế vượt trội để giúp HS cảm nhận được tính chân xác, gần gũi, cụ thể của quá khứ. Vì vậy, tạo biểu tượng chân thực, sinh động về nhân vật lịch sử giúp HS nhận thức đúng vai trò của các cá nhân trong lịch sử. Hơn nữa, khi thực hiện phương pháp này, HS sẽ được rèn các kĩ năng tư duy sáng tạo, logic và khả năng nhận định, đánh giá khách quan. Bởi theo Sađacốp thì biểu tượng nói chung và biểu tượng lịch sử nói riêng “góp phần phát triển hứng thú, lí tưởng, niềm tin,… hình thành xu hướng cộng sản trong cá nhân HS” [13; tr.77].

Để tạo biểu tượng nhân vật lịch sử hiệu quả, GV cần sử dụng nhuần nhuyễn KTLM giữa Lịch sử với các bộ môn khác như Địa lí, Giáo dục công dân, Văn học… để góp phần lôi cuốn, tạo hứng thú và ấn tượng sâu sắc học HS về nhân vật lịch sử.

Ví dụ, khi dạy bài 19 “Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X - XV”, rất nhiều nhân vật lịch sử nổi bật, có công lao to lớn lãnh đạo, chỉ huy các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm được nhắc tới như: Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… Rất khó để trong một giờ học, GV cùng lúc tạo được biểu tượng của tất cả các nhân vật này. Vì thế, GV tùy theo thời gian phân bố trong kế hoạch giảng dạy có thể chọn một đến hai nhân vật để khắc họa biểu tượng cho HS và kết hợp hướng dẫn HS tìm hiểu, tham khảo thêm tư liệu về các nhân vật lịch sử khác. Tiêu biểu, có thể tạo biểu tượng về Trần Quốc Tuấn - Trần Hưng Đạo, danh tướng thời Trần gắn với việc chỉ huy kháng chiến chống quân Nguyên lần hai và lần ba.

Ngoài phần giới thiệu nhanh về vị trí vai trò của Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 và 1287 - 1288, để khắc họa biểu tượng về một vị tướng với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hi sinh để gìn giữ độc lập dân tộc, GV có thể sử dụng kiến thức Văn học, trích đoạn từ lời Hịch của ông: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân

ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa cũng xin nguyện làm”[44; tr.98]. Và để khắc họa tài năng quân sự của ông, GV có thể kết hợp kiến thức Địa lí, để nhấn mạnh trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng (1288) khi ông lựa chọn địa điểm phục binh và cách thức phản công. Trước tình thế buộc phải rút lui của quân Nguyên, Trần Hưng Đạo cùng với bộ chỉ huy kháng chiến bàn kế hoạch phản công, quyết định chọn cửa sông Bạch Đằng để quyết chiến tiêu diệt giặc. Sông Bạch Đằng chảy giữa địa phận của thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng). Đây là con sông lớn do sông Đá Bạc, sông Giá và một số sông khác đổ vào. Lòng sông rộng mênh mông, bên phải có dãy núi đá vôi Tràng Kênh ăn sát bờ, bên trái là rừng cây um tùm che lấp bờ bến. Bến nước Bạch Đằng có thủy triều lên xuống với sự chênh lệch mực nước rất lớn. Khi triều lên, mặt sông ở vùng Tràng Kênh trải rộng hơn 1,2km, lòng sông đã rộng lại càng sâu thêm. Trần Hưng Đạo cho quân đốn gỗ lim, táu trên rừng đem về đẽo nhọn, đầu bịt sắt, cắm xuống lòng sông tạo bãi cọc ngầm - trận địa mai phục quân Nguyên. Đồng thời, ông cũng bố trí thủy quân phục ở trong các nhánh, vũng sông, bộ binh giấu trong các núi đá Tràng Kênh và rừng rậm ở tả ngạn sông. Đại quân do vua Trần và Trần Hưng Đạo chỉ huy sẵn sàng tiếp ứng. Sáng sớm ngày 9 tháng 4 năm 1288, Ô Mã Nhi chỉ huy thủy quân được bộ binh yểm trợ, từ Vạn Kiếp xuôi ra cửa sông Bạch Đằng để rút về nước. Một đội thuyền của ta được cử ra khiêu khích dụ quân giặc lọt vào trận địa cọc liền bị quân ta, nhiều thuyền bị vỡ, đắm. Quân giặc hoảng loạn. Chớp thời cơ, quân ta được lệnh từ các phía mai phục đổ ra bao vây, tiêu diệt khiến quân giặc không kịp trở tay. Trận Bạch Đằng giành thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và đi vào lịch sử dân tộc như một chiến công oanh liệt lẫy lừng, tiếp nối truyền thống đánh giặc vẻ vang của cha ông. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 khiến quân Nguyên khiếp sợ, phải bỏ mộng xâm lược nước ta.

Qua phần trình bày trên, việc kết hợp kiến thức Văn học, Địa lí tự nhiên phối hợp với sử dụng lược đồ và biện pháp miêu tả, tường thuật, GV đã giúp HS thấy được tấm gương yêu nước, tài năng, sự mưu trí của Trần Hưng Đạo, một biểu tượng nhân vật lịch sử điển hình trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược thời Trần. Từ đó hình thành trong các em lòng khâm phục đối với Trần Hưng Đạo, tự hào về truyền thống đánh giặc mưu trí của cha ông và xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của bản

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.

thân đối với đất nước. Các em cũng sẽ giải thích được tại sao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ngoài khu di tích nhà Trần ở Đông Triều (quê gốc của nhà Trần), rất nhiều nơi nhân dân xây dựng các công trình đền miếu thờ các danh tướng nhà Trần mà tiêu biểu là Hưng Đạo Vương cùng những người con của ông như: Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (ở đền Cửa Ông), Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn (đền thờ Trần Quốc Nghiễn thuộc cụm di tích núi Bài Thơ)…

Như vậy, việc sử dụng KTLM có tác dụng rất lớn trong tạo biểu tượng nhân vật lịch sử. HS lĩnh hội kiến thức về nhân vật một cách chủ động, hứng thú nên cũng khắc sâu và rõ nét, không bị nhầm lẫn hay hiện đại hóa lịch sử. Biện pháp này còn giúp rèn cho HS khả năng phân tích, đánh giá, nhận xét khách quan, phát triển các năng lực tư duy và thực hành bộ môn hiệu quả.

Sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học Lịch sử cổ trung đại Việt Nam ở trường THPT tỉnh Quảng Ninh - 9

- Sử dụng KTLM để giải thích, phân tích, nhận xét, đánh giá các sự kiện, hiện tượng lịch sử, hình thành khái niệm và vận dụng vào thực tiễn.

Trong quá trình dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng, việc giúp HS đi từ tri giác tài liệu, tạo biểu tượng, hình thành khái niệm, nêu qui luật, rút ra bài học kinh nghiệm chưa phải là kết quả cuối cùng của mục tiêu giáo dục. Cao hơn thế, từ kiến thức được học, HS phải biết vận dụng vào cuộc sống. Ở khâu này, bộ môn Lịch sử có những khó khăn hơn nhiều so với các bộ môn khác bởi đặc thù lịch sử là tìm hiểu về quá khứ, tri thức lịch sử là cái đã qua nên để đạt được mục tiêu vận dụng vào cuộc sống là yêu cầu không hề đơn giản. Vì vậy, trong quá trình dạy học Lịch sử, GV cần chú ý (bao gồm cả hướng dẫn HS) thực hiện các phương pháp giải thích, phân tích, nhận xét, đánh giá để HS hiểu được bản chất của vấn đề, nắm được qui luật nhân quả, mối liên hệ giữa các sự kiện, hiện tượng tạo cơ sở cho việc vận dụng kiến thức được học vào cuộc sống. Giải thích trong giảng dạy Lịch sử “được sử dụng để tìm hiểu sâu sắc hơn bản chất, ý nghĩa của những hiện tượng phức tạp, nắm vững khái niệm các qui luật, nhằm làm cho HS có những quan điểm khoa học về sự phát triển hợp qui luật của xã hội loài người” [38;37]. Bất cứ sự kiện, hiện tượng lịch sử nào cũng có mối liên hệ nhân quả hoặc chi phối những sự kiện khác. Chỉ khi xác định rõ điều này, HS mới có thể đưa ra những nhận định, đánh giá mang tính toàn diện, khách quan, khoa học. Từ

đó các em sẽ có khả năng vận dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống theo những mức độ khác nhau.

Để giải thích một sự hiện, hiện tượng lịch sử và làm rõ được bản chất của nó thì người GV cần thiết phải huy động nguồn kiến thức hỗ trợ của nhiều bộ môn khác nhau. Bởi, lịch sử với hệ thống các sự kiện, hiện tượng xảy ra và không lặp lại, được đặt trong bối cảnh cụ thể về không gian và thời gian. Vậy nên, khi xem xét nó cần đặt trong mối liên hệ nhiều chiều với thông tin từ các lĩnh vực khác. Vậy nên, việc sử dụng KTLM trong giải thích, phân tích, đánh giá các sự kiện, hiện tượng lịch sử sẽ mang lại hiệu quả tích cực, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng môn học.

Ví dụ, khi dạy bài 19 “Những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ở các thế kỉ X- XV”, lí giải về nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, GV hướng dẫn HS xác định được những nguyên nhân cơ bản về đường lối đúng đắn của nhà nước, có tướng tài đưa ra nghệ thuật quân sự độc đáo phát huy tối đa việc lợi dụng địa hình địa thế, sức mạnh toàn dân,… GV có thể sử dụng KTLM để giải thích, phân tích yếu tố phát huy địa hình bài binh bố trận đánh giặc của cha ông ta. Tiêu biểu ở Quảng Ninh có địa danh lịch sử là sông Bạch Đằng gắn với chiến thắng của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán (năm 938), chiến thắng chống quân Tống năm 981 của Lê Hoàn, chiến thắng đánh tan quân Nguyên năm 1288 thời Trần. HS tiếp tục sử dụng kiến thức Địa lí, Vật lí để xác định vị trí, đặc điểm địa hình của cửa sông Bạch Đằng, đặc điểm thủy triều lên xuống nhanh do lòng sông dốc,… sử dụng kiến thức môn Giáo dục công dân để phân tích về sức mạnh đoàn kết toàn dân đối với sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc, sử dụng kiến thức Văn học (Phú sông Bạch Đằng…) để giải thích được nguyên nhân vì sao các vị tướng lĩnh tài ba của dân tộc ta đã chọn nơi đây để xây dựng trận địa và giành được những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp chống giặc giữ nước. Trên cơ sở kết hợp kiến thức của nhiều môn học, dựa theo thực tiễn về địa danh sông Bạch Đằng, HS sẽ hiểu thấu đáo về lợi thế của việc dựa vào địa hình tự nhiên, phát huy sức mạnh dân tộc, sự tài ba của các vị tướng lĩnh trong các cuộc kháng chiến thời phong kiến. Không dừng ở đó, HS còn có thể phát triển liên hệ trực tiếp kiến thức lịch sử với thực tiễn, vận dụng để rút ra bài học cuộc sống, thấy được giá trị to lớn của sức mạnh đoàn kết toàn dân trước mọi thử thách.

Như vậy, việc kết hợp linh hoạt KTLM tùy theo vấn đề lịch sử cần làm sáng tỏ sẽ giúp HS hiểu được bản chất vấn đề, nắm rõ được các khái niệm, hiện tượng lịch sử, khắc sâu được kiến thức trọng tâm và mối liên hệ, tác động giữa các đơn vị kiến thức nội môn và ngoại môn. HS sẽ thấy kiến thức lịch sử gần gũi hơn với cuộc sống, hiểu được vai trò của tri thức lịch sử đối với việc giải thích nguồn gốc nhiều vấn đề hiện tại. Khả năng vận dụng kiến thức, thực hành bộ môn sẽ nhuần nhuyễn và thuần thục hơn. Giờ học lịch sử cũng trở nên hấp dẫn, nhẹ nhàng và hiệu quả.

2.2.1.2. Sử dụng KTLM để phát triển năng lực tự học cho học sinh

Tự học là một trong những năng lực quan trọng hàng đầu mà mục tiêu đổi mới giáo dục hướng tới. Việc hình thành năng lực tự học cho HS là con đường hiệu quả nhất để các em phát triển các năng lực khác như: năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự quản lí… Chỉ khi HS có năng lực tự học các em mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong thời đại công nghệ số, với sự tăng lên vô cùng nhanh chóng của khối lượng tri thức, sự bùng nổ thông tin, những yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 thời kì hội nhập. Điểm mấu chốt trong giáo dục theo đó cũng phải thay đổi. Nhiệm vụ trọng tâm của người thầy hiện nay không còn là cung cấp kiến thức cho HS mà là trang bị cho các em cách học, cách tiếp cận và xử lí vấn đề học tập từ đó vận dụng vào thực tiễn. Nói cách khác, giáo viên cần từng bước qua các bài học, các hoạt động giáo dục trang bị cho HS kĩ năng, thói quen tự học để các em tự khám phá, tiếp cận và lĩnh hội tri thức phù hợp với năng lực bản thân.

Bộ môn Lịch sử càng cần thiết phải trang bị năng lực tự học cho HS bởi khối lượng tri thức về quá khứ con người là vô cùng khổng lồ. Hơn thế nữa, HS cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng vào hiện tại, giải quyết hiệu quả các yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích cho tình trạng HS “sợ” môn Lịch sử, kết quả qua các kì thi thường thấp hơn nhiều so với các môn học khác. Vì vậy, mỗi GV Lịch sử cần phải đặc biệt chú trọng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong đó là các biện pháp hình thành năng lực tự học cho HS. Khai thác KTLM là một trong những biện pháp hiệu quả để rèn luyện, hình thành và phát triển năng lực tự học cho HS. Cần lưu ý thêm, khi hình thành năng lực tự học cho HS, GV cần thực hiện hiệu quả cả ba giai đoạn của quá trình tự học là: tự nghiên cứu bằng năng

lực bản thân, tự thể hiện năng lực đã học được của mình trước tập thể, tự kiểm tra, điều chỉnh để đạt tới nhận thức đúng đắn nhất.

Ví dụ, trước khi dạy bài 20“Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X - XV”, GV có thể hướng dẫn HS khai thác KTLM để tự học ở nhà, chuẩn bị bài mới thông qua những định hướng yêu cầu HS thực hiện. Ví dụ như: vận dụng kiến thức Địa lí để giới thiệu về vùng núi Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh), nơi nhà vua Trần Nhân Tông sau khi từ bỏ vương vị tới ở ẩn tu hành, sáng lập dòng Phật giáo Thiền Trúc Lâm riêng có ở Việt Nam, minh chứng cho sự phát triển của Phật giáo thời Lí, Trần. Vận dụng kiến thức Văn học để tìm hiểu đặc điểm, nội dung, giá trị của văn học nước ta trong các thế kỉ X - XV, nêu hiểu biết về những tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Liên hệ đến minh chứng ở Quảng Ninh với bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên núi Bài Thơ (Hạ Long - Quảng Ninh). Những hoạt động nhằm giải quyết nhiệm vụ GV giao đó giúp HS rèn luyện tốt được chu trình đầu tiên của năng lực tự học là tự nghiên cứu cá nhân. Qua việc giao nhiệm vụ chuẩn bị bài mới của GV, HS buộc phải phát huy các kĩ năng: tìm kiếm, tập hợp, chọn lọc thông tin, tư liệu để giải quyết yêu cầu học tập. Liên hệ, vận dụng kiến thức được học trong các bộ môn khác để hỗ trợ. Ngoài ra, qua việc liên hệ tri thức từ nhiều môn học khác nhau để chuẩn bị kiến thức cho bài mới, HS sẽ cảm thấy hào hứng, tích cực hơn, thấy kiến thức Lịch sử không khô cứng, nhàm chán và xác lập được mối liên hệ tri thức được học tập. Hơn nữa, việc chuẩn bị bài mới sẽ tạo thói quen tự giác, kĩ năng làm việc với tư liệu, sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ tìm kiếm. Đó là những kĩ năng không thể thiếu để rèn luyện, hình thành và phát triển năng lực tự nghiên cứu cho HS. Trên cơ sở đó, trong quá trình lên lớp, GV cần phải dành thời gian trong kế hoạch lên lớp của mình cho HS trình bày những kết quả tự nghiên cứu của bản thân trước tập thể. GV cũng cần hướng dẫn HS đưa ra những ý kiến trao đổi, phản biện lẫn nhau về kết quả tự học cá nhân để từ đó đi tới những nhận thức đúng đắn và phù hợp nhất, giúp HS tự điều chỉnh hoặc khẳng định những kiến thức bản thân nghiên cứu độc lập trước đó.

GV cũng có thể sử dụng KTLM phát triển năng lực tự học của HS qua việc giao nhiệm vụ sau khi học bài mới để củng cố, mở rộng tri thức được học trên lớp và liên hệ với thực tiễn. Ví dụ, sau khi học xong bài 22, “Tình hình kinh tế các thế kỉ XVI- XVIII”, GV có thể yêu cầu HS thực hiện bài tập nhóm tìm hiểu về những làng nghề thủ

công truyền thống của Quảng Ninh như: gốm Đông Triều, làng nghề đan ngư cụ Hưng Học ở Quảng Yên… Để xây dựng được bài thu hoạch nhóm, HS cần huy động kiến thức Địa lí để xác định vị trí của các làng nghề truyền thống, kiến thức lịch sử để khái quát sự hình thành, phát triển của các làng nghề, kiến thức Giáo dục công dân để làm rõ vai trò của các làng nghề trong nền kinh tế hội nhập, kiến thức Mĩ thuật để tìm hiểu giá trị nghệ thuật của các sản phẩm gốm sứ, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm thông tin, thu thập hình ảnh, vi deo minh họa trong bài báo cáo… Qua đây, năng lực tự nghiên cứu, hợp tác nhóm được rèn luyện một cách hiệu quả. Đặc biệt, những nhiệm vụ học tập này sẽ phát huy tối ưu khả năng vận dụng kiến thức được học trong nhà trường vào thực tiễn cuộc sống, thấy được giá trị trên thực tế của các làng nghề truyền thống, HS thấy được tiềm năng về du lịch, về kinh tế, về văn hóa của các làng nghề truyền thống đó, thấy sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy nó trong nền kinh tế hội nhập hiện nay.

2.2.1.3. Sử dụng KTLM để gắn kiến thức lịch sử với kiến thức thực tế

Mục tiêu cuối cùng của giáo dục không phải là trang bị cho HS được bao nhiêu kiến thức, nhớ được, biết được bao nhiêu sự kiện, hiện tượng. Cái đích của giáo dục nói chung, quá trình nhận thức nói riêng là phải đưa kiến thức lĩnh hội được vận dụng vào thực tiễn để cải tạo, phát triển cuộc sống. Dạy học lịch sử cũng không nằm ngoài qui luật đó. Mỗi GV lịch sử cần xác định rõ ưu thế và khó khăn của bộ môn trong việc đáp ứng yêu cầu tất yếu này của hoạt động giáo dục. Về mặt khó khăn, đặc trưng tri thức lịch sử là tìm hiểu về quá khứ những sự kiện, hiện tượng đã diễn ra và không lặp lại. Vì vậy, để rút ra bài học kinh nghiệm vận dụng vào thực tiễn là nhiệm vụ không dễ dàng. Nó yêu cầu người dạy và người học phải đi tới tận cùng bản chất của vấn đề, thấu đáo một cách toàn diện sự kiện, hiện tượng lịch sử nào đó, khả năng xâu chuỗi, tổng hợp rút ra qui luật lịch sử khách quan thì mới có thể đưa ra bài học kinh nghiệm chân thật nhất vận dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, cũng chính khó khăn này lại là ưu thế của tri thức lịch sử đối với thực tiễn bởi sự kiện, hiện tượng đã xảy ra, dù kết quả tích cực hay không tích cực thì cũng được xem như bài học được kiểm chứng qua thực tiễn. Mặt khác, thực tại hôm nay luôn có mối liên hệ chặt chẽ, biện chứng với quá khứ, là hệ quả, sự phát triển của các sự kiện, hiện tượng xảy ra trước đó.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/06/2023