Bài học/ kiến thức
Như vậy có thể thấy, nguồn KTLM sử dụng trong giảng dạy Lịch sử cổ trung đại Việt Nam (từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX) trong SGK Lịch sử 10 (chương trình chuẩn) rất phong phú, đa dạng. Tùy điều kiện của từng trường, tùy đối tượng HS cụ thể cũng như năng lực cá nhân của từng GV mà có thể chọn lọc và đưa vào vận dụng nguyên tắc liên môn để hướng tới hiệu quả cao nhất của giờ học.
2.1.5. Những yêu cầu khi sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử cổ trung đại Việt Nam (từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX) - Lịch sử 10, chương trình chuẩn
Trong dạy học nói chung và dạy học Lịch sử nói riêng, việc vận dụng nguyên tắc liên môn là phương pháp góp phần không nhỏ và việc nâng cao chất lượng bộ môn. Tuy nhiên, KTLM có thể sử dụng trong dạy học Lịch sử nói chung và dạy học Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX - lớp 10, rất phong phú, đa dạng. Vì vậy, khi sử dụng nguồn kiến thức này để nâng cao chất lượng dạy và học, GV cần lưu ý một số yêu cầu sau:
2.1.5.1. Sử dụng KTLM phải đáp ứng mục tiêu dạy học
Mục tiêu giáo dục hiện nay hướng tới đào tạo con người toàn diện. Do đó, tất cả các khâu của quá trình dạy học, các biện pháp được áp dụng đều hướng tới thực hiện một mục tiêu chung và thể hiện trên cả ba mặt kiến thức, kĩ năng, thái độ.
Để đạt được mục tiêu đó, người GV không thể sử dụng đơn thuần những kiến thức trong SGK hoặc trong những tài liệu lịch sử cơ bản mà còn cần khai thác những tài liệu, kiến thức của những môn học khác có liên quan đến nội dung lịch sử cần truyền đạt tới HS. Trong quá trình đó, GV cần xác định rõ mục đích sử dụng, biết chọn lọc những đơn vị kiến thức phù hợp, chính xác để có thể phát huy cao nhất hiệu quả việc vận dụng KTLM trong dạy học các bài học lịch sử cụ thể.
2.1.5.2. Sử dụng KTLM phải đảm bảo khoa học, chính xác
Lịch sử là một ngành khoa học. Vì vậy, trong nghiên cứu, học tập lịch sử, việc đảm bảo yêu cầu khoa học và chính xác là vô cùng cần thiết, quan trọng. Khi sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử, GV phải dựa trên cơ sở tài liệu cụ thể, chính xác; phải là những kiến thức cơ bản nhất, gần nhất và phù hợp với nội dung lịch sử mà HS cần lĩnh hội. Từ đó, HS mới có thể đưa ra được những nhận xét đúng đắn, chính xác. Hơn nữa, đảm bảo tính chính xác, khoa học còn tránh được lỗi thường gặp của HS khi tiếp cận bộ môn là “hiện đại hóa” lịch sử hay cá biệt còn là xuyên tạc, sai lệch hiện thực lịch sử.
Tính khoa học của việc sử dụng KTLM trong giảng dạy lịch sử còn thể hiện ở nội dung kiến thức mà GV cung cấp cho HS. GV phải thường xuyên cập nhật thông tin khoa học mới về sự kiện để có nhận thức mới, đúng đắn hơn cùng với sự phát triển của khoa học lịch sử đương đại. Nếu không làm vậy, GV dễ trở nên lạc hậu, không bắt kịp thực tiễn. Điều này sẽ khiến những bài học lịch sử trở nên giáo điều, máy móc, khó có khả năng thu hút và lan tỏa tới HS.
Có thể bạn quan tâm!
- Mối Quan Hệ Giữa Kiến Thức Lịch Sử Và Giáo Dục Công Dân
- Vị Trí, Mục Tiêu Và Nội Dung Chính Phần Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam Trong Sách Giáo Khoa Lịch Sử Lớp 10 Ở Trường Thpt
- Xác Định Những Bài Học Sử Dụng Ktlm Trong Dạy Học Trên Lớp Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam
- Sử Dụng Ktlm Để Phát Triển Năng Lực Tự Học Cho Học Sinh
- Thống Kê Bài Học Lịch Sử Sử Dụng Ktlm Gắn Với Kiến Thức Thực Tế Phần Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam
- Bảng Thống Kê Kết Quả Thực Nghiệm Dạy Học Trên Lớp
Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.
2.1.5.3. Sử dụng KTLM phải đảm bảo tính vừa sức
Trong cuốn “Các con đường, biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học ở trường phổ thông” của tác giả Nguyễn Thị Côi, “tính vừa sức là phải nói tới sự phù hợp giữa việc giảng dạy với đặc điểm nhận thức, đặc điểm theo lứa tuổi của HS” [33; tr.22]. Đối tượng của hoạt động dạy học chính là HS, mọi biện pháp sư phạm đều hướng tới mục tiêu là giúp HS lĩnh hội tri thức lịch sử. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đổi mới sẽ không phát huy được hiệu quả nếu không đảm bảo việc dạy học đúng đối tượng, đảm bảo tính vừa sức với các em. Thậm chí, HS còn dễ rơi vào tình trạng chán nản, bỏ mặc, không muốn cố gắng. Vì vậy, đảm bảo tính vừa sức là yêu cầu tất yếu của việc dạy học và nâng cao chất lượng bộ môn lịch sử.
Trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông, để đảm bảo tính vừa sức khi sử dụng KTLM, GV cần thực hiện một số yêu cầu sau:
Thứ nhất: Khối lượng KTLM vừa đủ. GV sẽ căn cứ vào mục tiêu của cấp học, lớp học, đối tượng HS cụ thể để xác định nội dung cơ bản và KTLM phù hợp nhất, tránh việc quá tải, quá tầm với năng lực nhận thức thực tế của HS.
Thứ hai: Tránh sử dụng những kiến thức mang tính hàn lâm. Điều này sẽ kéo theo việc mất thêm thời gian giải thích. Hoặc những tài liệu bằng tiếng nước ngoài với đối tượng HS không có khả năng ngoại ngữ sẽ khiến việc lĩnh hội kiến thức của các em gặp trở ngại, khó khăn.
Thứ ba: KTLM sử dụng trong dạy học Lịch sử phải ngắn gọn, sát với nội dung lịch sử cần trình bày trong bài giảng, tránh rườm rà, lan man, xa rời nội dung chính.
2.1.5.4. Sử dụng KTLM phải góp phần khắc sâu kiến thức cơ bản của bài học lịch sử
Kiến thức cơ bản là kiến thức cần thiết, quan trọng nhất giúp HS biết, hiểu lịch sử. Kiến thức cơ bản của bài học lịch sử là những sự kiện lịch sử, niên đại, khái niệm cơ bản… hoặc là những phương pháp học tập, nghiên cứu lịch sử và phương pháp vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Kiến thức lịch sử nằm trong các tài liệu liên môn là một nguồn kiến thức quan trọng và có giá trị lớn.
Khi sử dụng nguồn kiến thức này, GV cần xác định mục tiêu bài học chính xác để lựa chọn KTLM phục vụ cho việc khắc sâu kiến thức cho HS, tránh việc sa đà, lệch mục tiêu ban đầu. GV cần có năng lực, phương pháp để tìm ra nguồn KTLM phù hợp nhất, loại bỏ những phần không quan trọng, ít quan trọng đối với bài học. GV cũng cần có sự linh hoạt, không áp dụng theo kiểu công thức máy móc mà phải xuất phát từ hoàn
cảnh thực tế của việc giảng dạy để đảm bảo khắc sâu kiến thức trọng tâm, giúp HS nhớ lâu, nhớ chính xác hơn những sự kiện lịch sử.
2.1.5.5. Sử dụng KTLM phải phát huy tính tích cực, độc lập nhận thức của HS
Phát huy tính độc lập, tích cực của HS trong học tập lịch sử là nguyên tắc được quán triệt trong mọi hoạt động, mọi khâu của quá trình giáo dục, là yêu cầu quan trọng để việc dạy và học lịch sử được hiệu quả. Tính tích cực là một phẩm chất hay chất lượng nhận thức của HS. Chỉ khi HS có tinh thần tích cực học tập thì mới nảy sinh tính độc lập, sáng tạo. Tính tích cực thể hiện qua khát vọng học tập, cố gắng và sự quyết tâm khám phá chân lí tri thức. Trong quá trình học tập, HS chỉ thực sự nắm những gì mà mình trực tiếp, chủ động lĩnh hội. HS sẽ ghi nhớ lâu hơn, sâu sắc và toàn diện hơn tri thức lịch sử thông qua thái độ, tinh thần tích cực của mình.
Có thể nhận biết tính tích cực học tập của HS ở những mặt như: HS tập trung theo dõi vấn đề đang học, hăng hái tham gia xây dựng bài, bổ sung câu trả lời của bạn, chủ động nêu ý kiến cá nhân về nội dung bài học. Trên nền kiến thức được cung cấp, HS sẽ đào sâu suy nghĩ, hoặc nêu những thắc mắc của bản thân, thể hiện mong muốn được giải thích tường tận, cặn kẽ vấn đề GV đưa ra. Biết chủ động vận dụng kiến thức đã học ở những môn học khác vào việc giải quyết nhiệm vụ học tập môn lịch sử, hoặc vận dụng vào thực tiễn, rút kinh nghiệm cho bản thân cũng như tạo động lực, cơ sở để tiếp thu, lĩnh hội những vấn đề mới.
Ngoài ra, sự tích cực, độc lập của HS còn được biểu hiện qua việc HS hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; tự mình tiến hành các thao tác tư duy để biến tri thức chung thành vốn hiểu biết của bản thân, không bị lệ thuộc hay máy móc; biết diễn đạt, trình bày kiến thức bằng chính quan điểm và phương thức ngôn ngữ của cá nhân.
2.1.5.6. Sử dụng KTLM phải đảm bảo tính tương đồng với những kiến thức HS được lĩnh hội ở những bộ môn khác
Bộ môn Lịch sử nằm trong hệ thống chương trình giáo dục phổ thông chung. Trong quá trình biên soạn, các nhà giáo dục luôn cố gắng đảm bảo sự tương đồng, sự hỗ trợ kiến thức giữa các bộ môn. Bản thân môn Lịch sử luôn tuân thủ một nguyên tắc tất yếu đó là tiến trình thời gian, mọi sự vật hiện tượng xảy ra trong quá khứ đều phải đặt trong một không gian, thời gian và bối cảnh cụ thể để xác định, đánh giá cũng như so sánh, đối chiếu với những sự vật, hiện tượng khác. Vì vậy, khi vận dụng nguyên tắc liên môn trong dạy học, GV Lịch sử phải đảm bảo được qui tắc thời gian khi nhận xét, đánh giá; phải chọn lọc được những kiến thức từ bộ môn khác tương đồng về thời gian,
địa điểm. Mặt khác, để đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính vừa sức, đúng mục đích khi sử dụng KTLM, GV phải chọn những tri thức mà HS đã và đang được học song song với nội dung lịch sử, tránh việc liên hệ những kiến thức mà các em chưa được học ở bộ môn khác. Điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình vận dụng và khai thác KTLM phục vụ hoạt động học tập của HS. Do đó, việc chọn lọc, sắp xếp kiến thức vận dụng liên môn trong dạy học Lịch sử phải chú ý đến sự tương đồng giữa các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.
Trên cơ sở xác định những vấn đề cơ bản của khóa trình lịch sử Việt Nam lớp 10 và những yêu cầu khi sử dụng KTLM, đề tài tập trung đề xuất một số hình thức, biện pháp cụ thể khi sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử cổ trung đại Việt Nam ở trường THPT tỉnh Quảng Ninh.
2.2. Một số hình thức, biện pháp sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử cổ trung đại Việt Nam ở trường THPT tỉnh Quảng Ninh
Tinh thần, thái độ của HS đối với môn học, giờ học sẽ ảnh hưởng lớn đến việc chủ động lĩnh hội kiến thức và hiệu quả giáo dục. Một trong những điểm then chốt của người GV để tạo nên giờ học hấp dẫn đó là gây được hứng thú học tập cho HS. Khi hoạt động nhận thức của HS dựa trên cơ sở hứng thú sẽ kéo theo sự hào hứng, thoải mái, say mê và tập trung. Hứng thú chính là động lực giúp HS lĩnh hội kiến thức một cách tích cực, chủ động và mang tính quyết định đến hiệu quả cuối cùng của bài học.
Theo L.F.Khalamốp: “Hứng thú! Đó là nhu cầu nhuốm màu sắc của cảm xúc, đi trước giai đoạn gây động cơ và làm cho hoạt động của con người có tính hấp dẫn” [27; tr.28]. Vì vậy, để có giờ học hiệu quả, GV bắt buộc phải tạo được hứng thú cho HS ở tất cả các khâu dạy học.
Căn cứ vào cơ sở lí luận, thực tiễn việc sử dụng KTLM để nâng cao chất lượng bộ môn Lịch sử nói chung và đặc điểm, vị trí phần Lịch sử cổ trung đại Việt Nam trong SGK Lịch sử 10 (chương trình chuẩn) nói riêng;căn cứ vào mục tiêu, phạm vi nghiên cứu của đề tài, tôi xin đề xuất một số biện pháp sử dụng KTLM trong dạy học trên lớp và dạy học di sản, áp dụng trong các trường THPT tại tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể như sau:
2.2.1. Sử dụng KTLM trong dạy học trên lớp
2.2.1.1. Sử dụng KTLM để giúp HS nhận thức sâu sắc kiến thức lịch sử
Tri thức lịch sử là sự thật, tồn tại khách quan trong quá khứ, mang tính cụ thể. Vì vậy, để giúp HS nhận thức kiến thức lịch sử một cách chi tiết, đa chiều, trực quan, GV cần huy động nhiều phương thức, tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau từ các môn học. Do đó, sử dụng KTLM được xem là phương pháp hiệu quả hỗ trợ hoạt động dạy và học lịch sử.KTLM được sử dụng trong nhiều phương pháp dạy học nhằm thực hiện các mục tiêu khác nhau, cụ thể như:
- Sử dụng KTLM kết hợp với phương tiện, đồ dùng trực quan để tái hiện, cụ thể hóa sự kiện, hiện tượng lịch sử.
Ngôn ngữ, đồ dùng trực quan, sự hỗ trợ của phương tiện dạy học, các loại tài liệu, sách giáo khoa là những cách thức, những nguồn cung cấp kiến thức không thể thiếu trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng.Việc sử dụng ngôn ngữ theo các phong cách diễn đạt từ môn Ngữ văn, kết hợp các phương tiện, đồ dùng dạy học và huy động KTLM phù hợp góp phần quan trọng giúp HS nhận thức kiến thức lịch sử một cách hiệu quả. Ngôn ngữ trong thuyết minh giảng dạy của GV không chỉ thực hiện chức năng thông tin - tái hiện nhằm khắc họa tri thức lịch sử mà còn giúp HS nhận thức sâu sắc sự kiện nhằm tìm hiểu bản chất sự vật, qui luật của quá trình phát triển lịch sử. Có nhiều cách sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt, thể hiện KTLM truyền đạt tới HS, giúp HS tiếp cận và nhận thức lịch sử. Trong đó, tường thuật, miêu tả được xem là hai hình thức phổ biến, mang lại hiệu quả cao.
“Tường thuật là một trong những cách trình bày miệng quan trọng nhằm tái hiện ở HS những biến cố lịch sử quan trọng với đầy đủ tính cụ thể và gợi cảm của nó” [38;29]. Tường thuật bao giờ cũng có chủ đề, có tình tiết nhất định nhằm kích thích trí tưởng tượng tái tạo của HS về những hình ảnh quá khứ.
Tường thuật thường sử dụng kết hợp với lược đồ, bản đồ, kết hợp với kiến thức môn Địa lí để cụ thể hóa sự kiện lịch sử nhằm đảm bảo tính khoa học, chân thực về bức tranh quá khứ. Thông qua những bài tường thuật hấp dẫn, sinh động, HS có nhận thức cụ thể về sự kiện, hiện tượng lịch sử, nắm chắc kiến thức và rèn luyện kĩ năng thực hành bộ môn, đồng thời giáo dục tư tưởng, tình cảm cho HS.
Ví dụ, khi dạy bài 16 “Thời Bắc thuộc và các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc (tiếp theo)”, ở mục 2, “Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu”, GV có thể sử dụng lược đồ chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, sử dụng biện pháp tường thuật để cụ thể hóa, tái hiện sự kiện. Với nội dung kiến thức này, HS đã được tiếp cận ở chương trình Lịch sử 6 - THCS, nên GV có thể hướng dẫn cho HS tự tường thuật. GV sử dụng lược đồ hành chính của Quảng Ninh,yêu cầu HS xác định vị trí của sông Bạch Đằng (thuộc thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh) - HS có thể hình dung cụ thể về khoảng cách, đường đi từ địa bàn nơi trường mình đóng tới di tích lịch sử Bạch Đằng Giang. Vận dụng kiến thức Địa lí, HS nêu khái quát những đặc điểm nổi bật về địa hình, địa thế của cửa sông Bạch Đằng, lí giải được nguyên do Ngô Quyền chọn đây là nơi đặt trận địa cọc quyết chiến với quân thù. Trên cơ sở phần tường thuật của HS, GV có thể chọn một đơn vị kiến thức để tường thuật chi tiết hơn, khắc họa nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự của Ngô Quyền. Ví dụ như GV có thể đặt ra câu hỏi: “Vậy Ngô Quyền đã làm thế nào để cắm được cọc xuống lòng sông Bạch Đằng?”. HS sẽ nêu được căn cứ lợi dụng yếu tố thủy triều, khi nước rút thì có thể cắm cọc xuống lòng sông. Ở đây, GV vừa tường thuật kết hợp phân tích để lí giải cho HS biết thêm về việc Ngô Quyền chắc chắn đã huy động được sức mạnh của nhân dân, kết hợp với việc dựa vào điều kiện tự nhiên và phát huy năng lực quân sự thiên tài để tạo nên trận địa tiêu diệt giặc. Từ việc đốn những cây gỗ to trên thượng nguồn, xuôi theo dòng đưa xuống đến việc đẽo những cọc nhọn, bọc sắt ở đầu đến việc nghiên cứu yếu tố thủy triều để cắm được cọc xuống lòng sông với độ sâu, độ cao phù hợp nhất để lừa được quân Nam Hán.
GV có thể đưa ra hoặc hướng dẫn HS tự sưu tầm những clip phục dựng, mô phỏng chiến thắng Bạch Đằng để hỗ trợ phần tường thuật sự kiện, giúp HS hình dung cụ thể, rõ ràng quá trình Ngô Quyền chuẩn bị và chỉ huy trận đánh tiêu diệt quân Nam Hán, chính thức kết thúc hơn ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời đại mới - thời đại độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc ta.
Bên cạnh tường thuật, GV cũng nên thường xuyên sử dụng biện pháp miêu tả trong dạy học. “Miêu tả là trình bày cụ thể những đặc trưng của một sự vật, một sự kiện lịch sử để nêu lên những nét đặc trưng, bản chất chủ yếu, cấu tạo bên trong cũng như hình dáng bên ngoài của chúng” [38; tr.33]. Miêu tả sự kiện, hiện tượng, nhân vật
lịch sử là dựng lại bức tranh, khung cảnh về nó đúng như nó tồn tại. Người GV đóng vai trò là nhà tạo hình với chất liệu đặc biệt là ngôn ngữ. Khi miêu tả, để phác họa được bức tranh chân thật, sinh động, gần gũi nhất có thể, GV gần như bắt buộc phải sử dụng KTLM để tạo nên sự thu hút và thuyết phục với HS, tránh việc sử dụng ngôn ngữ một cách mơ hồ, không căn cứ. Tương tự như khi tường thuật, phần miêu tả của GV sẽ hiệu quả hơn rất nhiều lần khi GV phát huy tích cực sự hỗ trợ của phương tiện công nghệ thông tin, trực quan sinh động (tranh ảnh, video, âm thanh…).
Ví dụ, khi dạy bài 20 “Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X - XV”, nói về thành tựu kiến trúc, GV có thể khai thác những công trình kiến trúc đền miếu, lăng tẩm, chùa tháp trong quần thể di tích lịch sử Yên Tử hoặc khu di tích nhà Trần ở Đông Triều. Thông qua biện pháp miêu tả, GV vừa giới thiệu cho HS biết những nét độc đáo trong kiến trúc thời Trần, cụ thể tri thức lịch sử trong bài, vừa giúp HS cảm nhận được sự gần gũi, chân thật của các công trình kiến trúc đó ngay tại địa phương Quảng Ninh, giúp các em thêm tự hào về quê hương nơi mình sinh ra, lớn lên. Ở đây, GV tiếp tục kết hợp sử dụng phương tiện công nghệ thông tin (máy chiếu, chiếu lược đồ, hình ảnh minh họa), vận dụng kiến thức Địa lí để xác định trên bản đồ tỉnh Quảng Ninh vị trí, không gian, địa hình của quần thể di tích lịch sử Yên Tử hoặc khu di tích nhà Trần ở Đông Triều. GV sử dụng ngôn ngữ miêu tả, giới thiệu những nét chính về cấu trúc của quần thể di tích lịch sử Yên Tử hoặc khu di tích nhà Trần ở Đông Triều. GV có thể chọn một trong những công trình cụ thể thuộc quần thể di tích đó để miêu tả chi tiết. Ví dụ như miêu tả Thái lăng, lăng vua Trần Anh Tông và Hoàng hậu Bảo Từ nằm trong khu di tích nhà Trần ở Đông Triều. Vua Trần Anh Tông là vị vua thứ 4 của nhà Trần, con trai vua Trần Nhân Tông (1276 - 1320). Thái lăng được xây dựng trên một quả đồi thấp có tên là đồi Tán Quỷ trong lòng của một thung lũng có 3 mặt đông, tây, bắc được bao bọc bởi các dãy núi cao tạo thành thế tay ngai vững chắc. Trước mặt lăng có suối Phủ Am Trà bắt nguồn từ Ngọa Vân chảy qua tạo thành minh đường tụ thủy. Phía xa là dòng sông Cầm uốn lượn, những dãy núi đã vôi sừng sững của vùng Kinh Môn giống như bình phong lớn che chắn cho lăng. Tất cả các yếu tố địa hình tự nhiên này tạo cho lăng có vị thế đắc địa theo quan niệm Phong Thủy với các yếu tố: tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường tụ thủy, hậu chẩm có núi cao. HS theo