Cơ Sở Lí Luận Của Việc Sử Dụng Ktlm Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Thpt

việc sử dụng kiến thức liên môn đã được các tác giả dự thi (gồm cả giáo viên và học sinh) đề cập tới tương đối phong phú, cụ thể và sinh động.

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học và nhiệm vụ giáo dục trung học năm 2014 - 2015; 2015 - 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt việc dạy học tích hợp liên môn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của môn học, năm học.

Đáng chú ý, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 đã nhấn mạnh việc sử dụng KTLM trong dạy học ở trường phổ thông: “Dạy học tích hợp là quá trình dạy học trong đó giáo viên tổ chức hoạt động để học sinh huy động nội dung, kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó hình thành những kiến thức, kĩ năng mới từ đó phát triển năng lực cần thiết” [18; tr.67].

Việc tìm tòi, nghiên cứu các nguồn tài liệu trên đã hỗ trợ cho bản thân tôi có được những tư liệu tham khảo quan trọng, quí giá trong việc xác định, lựa chọn và nghiên cứu đề tài của mình. Tuy nhiên, bản thân tôi nhận thấy, chưa có tài liệu nào đề cập một cách hệ thống vấn đề sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học Lịch sử cổ trung đại Việt Nam nói chung và ở trường THPT tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa thành quả những công trình trước đó, đề tài tập trung đi sâu nghiên cứu cơ sở lí luận, thực tiễn và đề xuất một số biện pháp cụ thể sử dụng KTLM trong dạy học phần Lịch sử cổ trung đại Việt Nam theo thực tiễn các trường THPT ở tỉnh Quảng Ninh.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Là quá trình vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học lịch sử cổ trung đại Việt Nam trong sách giáo khoa Lịch sử 10 - chương trình chuẩn, ở trường THPT.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu cơ sở, biện pháp sử dụng kiến thức liên môn trong các bài học nội khóa, ngoại khóa thuộc phần lịch sử cổ trung đại Việt Nam trong sách giáo khoa Lịch sử 10 - chương trình chuẩn, tại các trường THPT ở tỉnh Quảng Ninh.

4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.

4.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở lí luận, thực tiễn của việc sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học Lịch sử, đề tài đề xuất những biện pháp ứng dụng cụ thể việc sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học trên lớp và dạy học di sản tại thực địa phần lịch sử cổ trung đại Việt Nam ở các trường THPT tỉnh Quảng Ninh.

Sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học Lịch sử cổ trung đại Việt Nam ở trường THPT tỉnh Quảng Ninh - 3

4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Tìm hiểu cơ sở lí luận về phương pháp dạy học phát triển năng lực nói chung và vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học lịch sử nói riêng nhằm nâng cao chất lượng bộ môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục.

- Điều tra, phân tích thực trạng giảng dạy lịch sử ở trường THPT tại Quảng Ninh, lấy đó làm cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp vận dụng kiến thức liên môn để nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử cổ trung đại Việt Nam.

- Xác định những bài học nội khóa sử dụng kiến thức liên môn để nâng cao chất lượng bộ môn nói chung và phần Lịch sử cổ trung đại Việt Nam nói riêng.

- Đề xuất cụ thể các biện pháp vận dụng kiến thức liên môn trong các bài nội khóa, dạy học thực địa thuộc phần lịch sử cổ trung đại Việt Nam trong sách giáo khoa Lịch sử 10 - chương trình chuẩn.

- Tiến hành thực nghiệm, xử lí kết quả, phân tích để rút ra kết luận về vấn đề nghiên cứu.

5. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở phương pháp luận

Đề tài dựa theo nguyên lý phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục nói chung, nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử nói riêng trong các trường THPT trong điều kiện đất nước mở cửa, hội nhập.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

- Nhóm phương pháp nghiên cứu lí thuyết: dựa vào những nguồn tài liệu tâm lí học, giáo dục học, giáo dục lịch sử để khái quát những cơ sở lí luận của đề tài.

- Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn:

+ Phân tích, khảo sát đánh giá điều kiện thực tế tại địa phương và thực trạng dạy học lịch sử cổ trung đại Việt Nam trong các trường THPT tỉnh Quảng Ninh để tổng quan cơ sở thực tiễn của việc sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học.

+ Điều tra cơ bản qua sử dụng phiếu hỏi, phỏng vấn trực tiếp đối tượng liên quan đề tài là giáo viên lịch sử, học sinh tại một số trường trên địa bàn Quảng Ninh (tập trung trước hết tại trường TH, THCS & THPT Văn Lang cùng một số trường trên địa bàn thành phố Hạ Long). Thống kê các số liệu, dữ liệu từ kết quả điều tra và phân tích, đánh giá vấn đề nghiên cứu.

- Phương pháp thực nghiệm sư phạm: Thực nghiệm nhằm kiểm chứng tính khả thi của các biện pháp sư phạm mà luận văn đề xuất, làm căn cứ rút ra kết luận khoa học của đề tài.

6. Giả thuyết khoa học

Vận dụng kiến thức liên môn vào các bài học trên lớp và dạy học di sản tại thực địa trong chương trình Lịch sử cổ trung đại Việt Nam ở các trường THPT tỉnh Quảng Ninh đúng với phương pháp dạy học hiện đại phù hợp điều kiện thực tiễn sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn tại địa phương.

7. Đóng góp mới của đề tài

Về mặt lí luận: thông qua quá trình tổng hợp, nghiên cứu, thực nghiệm, đề tài góp phần làm phong phú hơn lí luận và phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học nói chung và phương pháp vận dụng kiến thức liên môn nói riêng trong bộ môn Lịch sử ở trường THPT tỉnh Quảng Ninh.

Về mặt thực tiễn: đề tài góp phần đề xuất và tổ chức các giờ học vận dụng kiến thức liên môn trong chương trình Lịch sử cổ trung đại Việt Nam ở các trường THPT tại Quảng Ninh; cung cấp thêm các hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả giờ dạy mà giáo viên Lịch sử THPT có thể ứng dụng; bổ sung chủ đề, nội dung, phương pháp giáo dục về các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh nhà qua hoạt động trải nghiệm ở các nhà trường; làm phong phú hơn hình thức tổ chức dạy học bộ môn Lịch sử ở cấp THPT tỉnh Quảng Ninh.

Những kết quả nghiên cứu lí luận và thực tiễn trên của đề tài sẽ góp phần thúc đẩy sự đổi mới mục tiêu giáo dục, tiếp cận và phát triển toàn diện các năng lực của học sinh THPT của địa phương.

8. Cấu trúc đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, đề tài gồm 2 chương:

Chương 1: Sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học Lịch sử ở trường THPT - Một số vấn đề lí luận và thực tiễn.

Chương 2: Một số hình thức, biện pháp sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học Lịch sử cổ trung đại Việt Nam ở trường THPT tỉnh Quảng Ninh.

Chương 1

SỬ DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ

Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.1. Cơ sở lí luận của việc sử dụng KTLM trong dạy học Lịch sử ở trường THPT

1.1.1. Một số khái niệm cơ bản

1.1.1.1. Khái niệm “kiến thức”

Trong cuộc sống, khái niệm “kiến thức” được chúng ta sử dụng thường xuyên và phổ biến ở nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, khi xét về bản chất khái niệm “Thế nào là kiến thức?” lại có khá nhiều quan niệm phong phú, đa dạng.

Với ngành giáo dục học, “Kiến thức là sự thông hiểu và lưu trữ trong trí nhớ những sự kiện cơ bản của khoa học và những qui tắc kết luận và qui luật xuất xứ từ những sự kiện ấy” [26; tr.14]. Tác giả Trần Viết Vượng, trong cuốn Giáo dục học cho rằng, “kiến thức là hệ thống những khái niệm, phạm trù, những qui tắc, lí thuyết của từng môn học mà học sinh cần phải nắm vững. Kết quả học tập môn học được đánh giá bằng khả năng nhận thức của học sinh với số lượng và chất lượng kiến thức đó” [58; tr.84-85].

Với các nhà sinh lí học, “kiến thức” chẳng quan là một dạng nhất định của những mối liên hệ tạm thời, được tạo trên vỏ các bán cầu đại não do ảnh hưởng những kích thích bên ngoài và hoạt động tư duy tích cực của chủ thể nhận thức. Như vậy,“kiến thức” chỉ mang tính “tạm thời”, không tồn tại mãi. Nếu không thường xuyên “nhắc lại”, “kiến thức” đã hình thành trên vỏ đại não đó sẽ bị lu mờ, thậm chí biến mất và bị thay thế bởi điều mới mẻ hơn.

Theo từ điển Tiếng Việt, “kiến thức” được định nghĩa “là những điều hiểu biết do học tập, tìm hiểu mà có” [47; tr.635].

Như vậy có thể thấy, tùy theo góc độ tiếp cận mà mỗi ngành khoa học sẽ đưa ra những định nghĩa cụ thể khác nhau về “kiến thức” song tất cả đều đi tới điểm chung khẳng định “kiến thức” là kết quả của quá trình nhận thức. “Kiến thức” chính là những kinh nghiệm có được trong quá trình lao động, sản xuất, nghiên cứu, học tập nhằm chinh phục tự nhiên, phát triển cuộc sống của con người. Vì vậy, “kiến thức” trở thành công cụ hữu ích, trang bị cho con người trong quá trình phát triển. Ngược lại, qua thực

tiễn, “kiến thức” lại được kiểm chứng, bổ sung làm cho phong phú, chân xác hơn. Và cuối cùng, một cách bao quát nhất có thể xác định, “kiến thức” là những hiểu biết về tự nhiên, xã hội mà con người có được do quá trình học tập, tìm hiểu mà có.

1.1.1.2. Khái niệm “kiến thức lịch sử”

Kiến thức lịch sử thuộc phạm trù ý thức xã hội. Việc nắm vững kiến thức lịch sử là cơ sở đầu tiên giúp chúng ta hiểu đúng hiện thực lịch sử một cách chính xác, khách quan. Kiến thức lịch sử là nền tảng cho sự nhận thức, tìm hiểu, nghiên cứu qui luật phát triển trong tương lai.

Kiến thức lịch sử phát triển theo nhận thức của con người. “Một trong những mặt quan trọng của lịch sử là sưu tầm và nghiên cứu các sự kiện, những tế bào cơ bản của hiện thực. Sự kiện có thể coi là nguyên liệu để hình thành tri thức khoa học”[43; tr.5]. Khi khoa học lịch sử ra đời, kiến thức lịch sử được sắp xếp, khái quát, trừu tượng hóa để từ đó rút ra qui luật phát triển xã hội.

Kiến thức lịch sử ghi lại lịch sử chân thật của con người, phản ánh quá trình phát sinh, phát triển khách quan của tự nhiên và xã hội theo trình tự thời gian. Vì vậy nó có tác động lớn trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm và hình thành thế giới quan khoa học.

Kiến thức của bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông là những hiểu biết trang bị cho học sinh về lịch sử phát triển của xã hội loài người, được khoa học lịch sử xác nhận và ghi chép chủ yếu trong các cuốn sách giáo khoa lịch sử. “Kiến thức lịch sử phổ thông gồm nhiều yếu tố: sự kiện, nhân vật, địa điểm, thời gian, khái niệm… phản ánh sự hiểu biết về những lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng…”[23; tr.7-8].

Như vậy, kiến thức lịch sử là sự phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, là kết quả nghiên cứu của ngành khoa học lịch sử, được sử dụng vào nhận thức và hoạt động xã hội giúp con người hiểu một cách đầy đủ về quá trình phát triển của lịch sử loài người.

1.1.1.3. Khái niệm về kiến thức liên môn trong dạy học lịch sử

Môn học Lịch sử ở trường phổ thông có chức năng cung cấp cho học sinh những tri thức về sự phát sinh, phát triển của mọi mặt đời sống xã hội loài người. Theo đó, kiến thức lịch sử không tách biệt, riêng lẻ mà là sự tổng hòa những kiến thức giữa ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Đặc điểm này đặt ra yêu cầu với người

giáo viên dạy Lịch sử là phải chọn lọc, tổng hợp những khái niệm, nội dung từ những môn học khác nhau trong chương trình giáo dục phổ thông để làm nổi bật kiến thức lịch sử học sinh cần lĩnh hội. Xác định những điểm đồng tâm trong tri thức các bộ môn ở trường phổ thông với kiến thức lịch sử để đạt tới mục tiêu giáo dục toàn diện chính là biểu hiện của việc sử dụng KTLM trong dạy học lịch sử.

Đối với học sinh, KTLM giúp các em nhận thức được sự phát triển của xã hội một cách liên tục, thống nhất, hiểu được tính toàn diện của lịch sử. Điều này góp phần khắc phục tình trạng rời rạc, tản mạn trong kiến thức của học sinh. Khi học lịch sử có sử dụng KTLM, học sinh sẽ phát huy được vai trò chủ động của người học khi huy động những kiến thức đã học ở các bộ môn khác để lí giải sự kiện, hiện tượng trong lịch sử. Điều này sẽ trực tiếp giúp học sinh tự củng cố kiến thức đã biết, mở rộng kiến thức mới và vận dụng giải quyết những tình huống phát sinh trong quá trình học tập. Như vậy, phương pháp sử dụng KTLM sẽ trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả giờ học, phát huy năng lực tư duy, sáng tạo cho học sinh, giúp các em có khả năng phân tích các sự kiện, tìm ra bản chất, qui luật khách quan trong sự phát triển của lịch sử.

1.1.2. Cơ sở xuất phát của việc sử dụng KTLM trong dạy học lịch sử

1.1.2.1.Đổi mới giáo dục trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0

Đặt trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của cuộc Cách mạng 4.0, thời đại số với sự bùng nổ thông tin, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực để không ngừng đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, cũng trong điều kiện đó, cơ hội lớn luôn đi kèm với những thách thức, đòi hỏi mới. Ngay từ Hội nghị lần thứ VIII, BCH Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ ra mục tiêu chung cho toàn Đảng, toàn dân là: “Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng XHCN” [18; tr.3].

Với ngành giáo dục, Đảng ta cũng đặc biệt quan tâm và đưa ra những chỉ đạo cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu chung của thời đại. Cũng trong Nghị quyết của Hội nghị Trung

ương VIII, khóa XI, Đảng nêu rõ: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện,… yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước” [18; tr.9]. Luật Giáo dục 2005 đã thể chế hóa mục tiêu giáo dục phổ thông là: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và CNXH, hình thành và bồi dưỡng phẩm chất, năng lực của công dân, đáo ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [36; tr.23].

Đặc biệt, Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nêu rõ mục tiêu tổng quát là: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và như cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Kèm theo đó là đề ra mục tiêu cụ thể đối với giáo dục phổ thông: “Đổi mới giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát triển, bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lí tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời” [2; tr.9].

Như vậy, mục tiêu tổng quát nhất cho giáo dục hiện nay là hướng tới sự phát triển toàn diện, giúp người học có phẩm chất và năng lực tiếp nhận, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát huy tối đa khả năng của bản thân, từng bước trở thành công dân toàn cầu trong thời đại hội nhập. Do đó, việc sử dụng KTLM được xem như là một trong những giải pháp tích cực để đáp ứng những yêu cầu đó.

1.1.2.2. Mục tiêu, nhiệm vụ của bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông.

Bộ môn Lịch sử nằm trong hệ thống chương trình giáo dục phổ thông nói chung. Vì vậy, mục tiêu hướng tới của bộ môn được xây dựng trên cơ sở mục tiêu chung của giáo dục, của cấp học và dựa trên quan điểm, đường lối định hướng chung của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, mục tiêu của môn Lịch sử ở trường THPT nhằm giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, góp phần hình thành ở thế hệ trẻ nhân sinh quan, thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/06/2023