Sử dụng bảo tàng Hồ Chí Minh trong dạy học Lịch sử Việt Nam thời kì 1954 - 1975 ở trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Hà Đông - Hà Nội - 2

MỞ ĐẦU


1. Lí do chọn đề tài

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và quá trình xây dựng đất nước theo con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nước ta đã có nhiều sự chuẩn bị và đầu tư vào các ngành: Kinh tế, văn hóa, xã hội… để chúng ta vững vàng hơn, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Giáo dục đào tạo cũng luôn được quan tâm và được coi là quốc sách hàng đầu.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay đòi hỏi giáo dục phổ thông phải đào tạo những con người phát triển toàn diện, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Yêu cầu này được cụ thể hóa trong Luật giáo dục năm 2005, được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua (sửa đổi, bổ sung năm 2010): "Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" [15, tr.18]. Trong các nhà trường phổ thông, mỗi bộ môn học đều có đặc trưng riêng và đều góp phần vào việc thực hiện mục tiêu của giáo dục và đào tạo, môn Lịch sử cũng có một vị trí rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh.

Trong dạy học Lịch sử, giáo viên sử dụng nhiều phương pháp để nâng cao hiệu quả bài học, trong đó phương pháp trực quan góp phần quan trọng tạo biểu tượng cho học sinh, cụ thể hóa các sự kiện và khắc phục tình trạng hiện đại hóa lịch sử của học sinh. Để hiểu sâu, nhớ kỹ và nắm rõ các sự kiện lịch sử, ngoài các tài liệu, kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa thì có nhiều nguồn tài liệu, hiện vật khác cũng rất phong phú, nhất là ở gần địa phương nơi các em học tập, sinh sống như hệ thống bảo tàng, các di tích lịch sử - văn hóa…

Bên cạnh việc lưu giữ, trưng bày các hình ảnh, hiện vật lịch sử, bảo tàng còn thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước và

lòng tự hào dân tộc cho khách tham quan. Ở Hà Nội có rất nhiều bảo tàng: Bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Dân tộc học… mỗi bảo tàng đều có những tư liệu đặc trưng và nội dung, ý nghĩa khác nhau. Trong đó, bảo tàng đường Hồ Chí Minh là nơi trưng bày và lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật liên quan đến một thời kì vô cùng hào hùng của lịch sử dân tộc. Bảo tàng đường Hồ Chí Minh thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội là một công trình văn hóa mang tính đặc thù của bộ đội Trường Sơn, nơi duy nhất ở Việt Nam lưu giữ một con đường bằng bảo tàng riêng: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, một cựu chiến binh Trường Sơn, khi đến Bảo tàng đã viết vào sổ cảm tưởng: “Không thể cho một dãy núi vào trong một ngôi nhà. Nhưng ngôi nhà, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, đã chứa đựng tất cả kim cương và quặng quý của dãy núi ấy”. Với những hiện vật quý giá gắn liền với lịch sử của dân tộc cùng sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ bảo tàng, mà từ khi mở cửa đến nay, Bảo tàng đã trở thành một địa chỉ tham quan hấp dẫn với du khách. Đồng thời, Bảo tàng cũng làm tròn trách nhiệm giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ Việt Nam

Việc khai thác và sử dụng bảo tàng trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lý luận dạy học, giáo dục và giáo dục lịch sử và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Cho đến nay đã có một số bài viết, công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề này ở những khía cạnh, mức độ khác nhau nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào đưa bảo tàng đường Hồ Chí minh vào dạy học Lịch sử.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 135 trang tài liệu này.

Vì vậy, việc chọn đề tài “Sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam thời kì 1954-1975 ở trường THPT Trần Hưng Đạo-Hà Đông- Hà Nội” làm đề tài luận văn, sẽ có ý nghĩa về mặt khoa học, bổ sung cho lý luận dạy học lịch sử, nhất là việc sử dụng bảo tàng trong dạy học lịch sử, vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử hiện nay.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Sử dụng bảo tàng Hồ Chí Minh trong dạy học Lịch sử Việt Nam thời kì 1954 - 1975 ở trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Hà Đông - Hà Nội - 2

Vấn đề sử dụng tư liệu của bảo tàng trong dạy học Lịch sử ở trường THPT đã được các nhà giáo dục học, giáo dục Lịch sử quan tâm nghiên cứu. Trong cuốn sách “Phương pháp dạy học lịch sử” do Phan Ngọc Liên chủ biên (NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2010) đã nêu rõ vị trí và ý nghĩa của hoạt động ngoại khóa; các hình thức tổ chức và cách tiến hành những hoạt động

ngoại khóa trong dạy học Lịch sử, tác giả đã nhấn mạnh đến việc tổ chức hoạt động tham quan bảo tàng, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Trong cuốn sách“Phương pháp dạy học môn Lịch sử ở trường trung học phổ thông” do Vũ Quang Hiển – Hoàng Thanh Tú chủ biên (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014) đã nêu những nét khái quát vị trí, nội dung, ý nghĩa và các hình thức của hoạt động ngoại khóa Lịch sử. Bên cạnh đó tác giả đề xuất các biện pháp và hình thức tiến hành dạy học và tổ chức hoạt động ngoại khóa phù hợp tại bảo tàng cho HS ở trường THPT.

Trong cuốn sách “Các con đường , biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường phổ thông” của tác giả Nguyễn Thị Côi (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006) đã nói đến vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức tham quan học tập tại bảo tàng, di tích lịch sử cho học sinh ở trường THPT. Tác giả đã khẳng định, thông qua các hiện vật trưng bày giúp học sinh được trực quan sinh động những sự kiện lịch sử giúp các em tạo được biểu tượng lịch sử cụ thể và là chỗ dựa để hình thành các kết luận khái quát.

Trong cuốn “Rèn luyện kĩ năng nghiệp vụ sư phạm môn Lịch sử” do Nguyễn Thị Côi chủ biên (NXB Đại học Sư phạm, 2011) đề cập đến ý nghĩa của hoạt động ngoại khóa, rèn luyện năng lực tổ chức và cách thức tiến hành tổ chức hoạt động ngoại khóa.

Cuốn “Bảo tàng lịch sử, cách mạng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông trung học” của tác giả Nguyễn Thị Côi, xuất bản năm 1998 đã trình bày các vấn đề, như: Vai trò và ý nghĩa của bảo tàng lịch sử, cách mạng trong dạy

học lịch sử ở trường phổ thông trung học; Nội dung các vật trưng bày của bảo tàng lịch sử, cách mạng và khả năng sử dụng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông trung học; Các hình thức, phương pháp sử dụng tư liệu bảo tàng trong dạy học lịch sử.

Cuốn sách “Bảo tàng, di tích khơi nguồn cảm hứng dạy và học lịch sử cho học sinh phổ thông” của tác giả Nguyễn Kim Thành (chủ biên) NXBGD Việt Nam, 2014, đã nêu mối quan hệ giữa bảo tàng, di tích và nhà trường trong việc dạy và học lịch sử cho học sinh phổ thông. Tác giả còn đề xuất các hình thức dạy và học lịch sử cho học sinh tại bảo tàng đặc biệt giới thiệu câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại bảo tàng lịch sử Quốc gia cũng như tại nhiều bảo tàng, di tích khác trong cả nước.

Tạp chí Di sản Văn hóa số 3 năm 2012, ThS. Nguyễn Kim Thành với đề tài: “Các bảo tàng tại Hà Nội với việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong các trường phổ thông” tác giả đã nêu rõ mối quan hệ giữa bảo tàng với quá trình dạy học Lịch sử. Tác giả đi sâu phân tích việc tổ chức các hoạt động của một số bảo tàng tại Hà Nội để việc dạy học Lịch sử ở trường phổ thông đạt được hiệu quả cao hơn như tổ chức tham quan bảo tàng, bảo tàng phối hợp với nhà trường trình bày lưu động, bảo tàng tích cực tổ chức các hình thức câu lạc bộ, phòng khám phá để thu hút học sinh đến tham gia.

Tạp chí Giáo dục và xã hội số 29 năm 2013, tác giả Hoàng Thanh Tú, Chu Ngọc Quỳnh với bài “Xây dựng chương trình hoạt động ngoại khóa môn lịch sử tại bảo tàng dân tộc học Việt Nam” đã nêu vai trò, ý nghĩa của bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong dạy học lịch sử, nêu thực trạng tổ chức hoạt động ngoại khóa, qui trình xây dựng chương trình hoạt động ngoại khóa lịch sử tại bảo tàng DTHVN.

Tạp chí Dạy và học ngày nay số 2 năm 2017, tác giả Bùi Hà Thanh với đề tài “Quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp” đã vạch rõ cách thức, kế hoạch, sự chuẩn bị cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục số 10, năm 1997, đồng tác giả Nguyễn Thị Côi - Nguyễn Văn Phong, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội với đề tài: "Khai thác và sử dụng tài liệu của bảo tàng, nhà truyền thống vào dạy học Lịch sử dân tộc ở trường phổ thông" đã khái quát các hình thức, phương pháp khai thác, sử dụng tư liệu của bảo tàng Lịch sử nói chung, nhà truyền thống nói riêng vào dạy học Lịch sử. Cụ thể là giáo viên có thể tổ chức đưa học sinh đi tham quan bảo tàng; giáo viên khai thác và sử dụng tư liệu để dạy học bài Lịch sử nội khóa tại bảo tàng hoặc ở trường phổ thông; khai thác và sử dụng tư liệu để tổ chức các triển lãm, ra báo học tập nhân các ngày lễ lớn của đất nước.

Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam (NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), tác giả Trần Đức Minh với đề tài "Khai thác tư liệu bảo tàng lịch sử, cách mạng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông" đã nhấn mạnh việc khai thác tư liệu bảo tàng lịch sử, cách mạng phục vụ cho dạy học lịch sử nói chung và hoạt động ngoại khóa lịch sử nói riêng là một yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử, nhằm phát huy năng lực tư duy nhận thức, tính tích cực, độc lập sáng tạo và các kĩ năng cần thiết của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.

Kỉ yếu Hội thảo khoa học 2015 - Đại học Cần Thơ, tác giả Phạm Ngọc Hòa - Tô Thị Thanh Thảo với bài “Sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong dạy học lịch sử ở trường THPT hiện nay” đã nêu thực trạng dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay và phương pháp vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông.

Luận văn “Sử dụng bảo tàng phòng không, không quân trong dạy học Lịch sử Việt Nam (1954- 1975) ở trường trung học cơ sở tại Hà Nội” của Vương Thị Ngà năm 2014 trường ĐHSP Hà Nội đã nêu các hình thức sử dụng bảo tàng trong dạy học nội khóa và ngoại khóa trong dạy học Lịch sử.

Luận án “Sử dụng tư liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954-1975 ở trường THPT tỉnh Đồng Tháp” của Phạm Xuân

Vũ 2015 trường ĐHSP Hà Nội đã nêu được các biện pháp, cách thức sử dụng tư liệu lịch sử trong dạy học ở trường THPT.

Thông qua tìm hiểu một số tài liệu có liên quan đến đề tài, chúng tôi thấy rằng các tác giả đã đề cập đến vai trò, ý nghĩa của bảo tàng trong dạy học Lịch sử; đánh giá được thực trạng sử dụng bảo tàng trong dạy học Lịch sử; xác định yêu cầu cơ bản cũng như cách thức tiến hành sử dụng bảo tàng để dạy học; cách thức sử dụng bảo tàng trong dạy học lịch sử; hoạt động ngoại khóa lịch sử… Đây là nguồn tư liệu quí giá để tôi thực hiện đề tài với mong muốn góp phần bổ sung nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho GV, HS THPT. Tuy nhiên, chưa có một tác phẩm hay một công trình nghiên cứu nào đề cập cụ thể đến việc sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam thời kì 1954 - 1975 ở trường THPT.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Khai thác, sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam thời kì 1954 - 1975, lớp 12- Trung học phổ thông.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về nội dung: Nghiên cứu của đề tài được giới hạn cho phần lịch sử Việt Nam thời kì 1954 - 1975 lớp 12 - Trung học phổ thông.

- Về tổ chức dạy học: Tập trung vào bài nội khóa và hoạt động ngoại khóa, trọng tâm là các bài nội khóa.

- Phạm vi điều tra khảo sát và thực nghiệm sư phạm được tiến hành tại trường THPT Trần Hưng Đạo, THPT Quang Trung, THPT Lê Qúy Đôn - Hà Đông - Hà Nội.

4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

4.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở khẳng định vai trò,ý nghĩa của việc sử dụng bảo tàng nói chung trong dạy học lịch sử, đề tài nghiên cứu nhằm đề xuất ra các hình thức

tổ chức và biện pháp khai thác, sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử lớp 12 nhằm phát huy năng lực tư duy sáng tạo,tự học của học sinh,đổi mới hình thức tổ chức dạy học góp phần nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở trường THPT hiện nay.

4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Nghiên cứu lý luận về việc khai thác, sử dụng bảo tàng trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường THPT.

- Nghiên cứu nội dung chương trình sách giáo khoa lớp 12 phần Lịch sử Việt Nam thời kì 1954-1975, các tài liệu lịch sử ở bảo tàng đường Hồ Chí Minh và xác định những nội dung cần khai thác và sử dụng trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12.

- Khảo sát tình hình dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 - Trung học phổ thông ở một số trường tại Hà Đông - Hà Nội, đặc biệt thực trạng của việc khai thác sử dụng bảo tàng nói chung và bảo tàng đường Hồ Chí Minh nói riêng trong dạy học lịch sử Việt Nam, từ đó phát hiện những khó khăn tồn tại cần khắc phục và những ưu điểm cần phát huy.

- Đề xuất các hình thức biện pháp sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 ở trường THPT.

- Thực nghiệm sư phạm các hình thức, biện pháp sử dụng trên làm cơ sở cho việc rút ra những kết luận khoa học, những đề xuất kiến nghị nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử dân tộc.

5. Giả thuyết nghiên cứu

Nếu giáo viên biết khai thác và sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh một cách hợp lý theo những hình thức và biện pháp đề xuất của đề tài nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của bài học lịch sử, góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học lịch sử ở trường THPT.

6. Phương pháp nghiên cứu

6.1. Cơ sở phương pháp luận

Cơ sở phương pháp luận của luận văn là dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về công tác giáo dục, nghiên cứu giáo dục, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, về khai thác và sử dụng bảo tàng trong dạy học lịch sử Việt Nam.

6.2. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài chủ yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu của khoa học giáo dục sau đây:

- Phương pháp nghiên cứu lý luận: Đọc, phân tích, tổng hợp về các tài liệu, văn kiện của Đảng, tâm lý học, giáo dục học, lý luận dạy học bộ môn về vấn đề sử dụng bảo tàng trong dạy học lịch sử ở trường THPT và các tài liệu hiện vật của bảo tàng. Đọc các tài liệu về bảo tàng đường Hồ Chí Minh, nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa lịch sử (lớp 12, thời kì 1954 - 1975) và các tài liệu liên quan khác.

- Phương pháp nghiên cứu thực tiễn:

+Phỏng vấn, điều tra thực trạng việc khai thác và sử dụng bảo tàng trong dạy học lịch sử nói chung và việc khai thác sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam (thời kì 1954 - 1975) nói riêng.

+Thực nghiệm sư phạm các hình thức biện pháp, sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 để minh chứng cho tính đúng đắn, khả thi của các biện pháp sư phạm đã đề ra.

7. Dự kiến đóng góp của luận văn

- Khẳng định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam thời kì 1954 - 1975.

- Đánh giá thực trạng việc việc sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử ở trường THPT.

- Đề xuất một số biện pháp để sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam thời kì 1954 – 1975 ở trường THPT một cách hiệu quả.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/04/2023