Quan Niệm Về Sử Dụng Bảo Tàng Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Phổ Thông

8. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

- Ý nghĩa khoa học: làm phong phú thêm lí luận PPDHLS nói chung và vấn đề sử dụng Bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử ở trường THPT nói riêng.

- Ý nghĩa thực tiễn: là nguồn tài liệu tham khảo cho sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học Sư phạm; GV môn Lịch sử ở trường THPT.

9. Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, đề tài luận văn bao gồm hai chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường THPT.

Chương 2: Một số biện pháp sử dụng bảo tàng đường Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam thời kì 1954 – 1975 ở trường THPT Trần Hưng Đạo- Hà Đông- Hà Nội. Thực nghiệm sư phạm.

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC SỬ DỤNG BẢO TÀNG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ

VIỆT NAM Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 135 trang tài liệu này.


1.1. Cơ sở lí luận

Sử dụng bảo tàng Hồ Chí Minh trong dạy học Lịch sử Việt Nam thời kì 1954 - 1975 ở trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Hà Đông - Hà Nội - 3

1.1.1. Quan niệm về sử dụng bảo tàng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông

Trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại, bảo tàng ra đời như một loại thiết chế văn hóa được hiểu một cách phổ biến là nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần tiêu biểu thuộc về quá khứ của một lĩnh vực, một nền văn hóa cộng đồng, rộng hơn là của nhân loại. Vì thế, khi nhắc đến bảo tàng, công chúng thường nghĩ tới một địa điểm không chỉ có kiến trúc đẹp, mà còn là nơi trưng bày, đưa tới nhiều điều thú vị. Trên thế giới, bảo tàng là một loại hình văn hóa được đặc biệt chú trọng phát triển nhằm quảng bá lịch sử - văn hóa vốn là niềm tự hào của mỗi quốc gia.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về bảo tàng.

“Bảo tàng là cơ quan sưu tầm, giám định và trưng bày các tài liệu, hiện vật có tính chất nguyên gốc, đầu tiên của tri thức về lịch sử phát triển của xã hội và tự nhiên, về lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng.” [5, tr.8].

“Bảo tàng là cơ sưu tầm, thu thập, gìn giữ, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu những hiện vật lịch sử của nền văn hóa tinh thần và vật chất.” [11, tr.15].

Theo Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2009, ghi rõ: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử, tự nhiên, xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân” [16, tr. 42].

Tại các bảo tàng có những tài liệu, hiện vật gốc, những sa bàn, tranh ảnh minh họa, sơ đồ được trưng bày một cách có hệ thống. Tất cả những tài liệu,

hiện vật đó được trưng bày ở bảo tàng góp phần quan trọng trong việc hình thành, bổ sung kiến thức lịch sử cho HS. Bảo tàng "là một trung tâm thông tin, có lượng thông tin nguyên gốc, chính xác, phong phú, dễ tiếp cận và được nhận thức bằng phương tiện trực quan, sinh động" [25, tr.173].

Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, quá trình nhận thức của con người bao giờ cũng đi từ hình ảnh cụ thể, trực tiếp đến trừu tượng, từ đơn giản đến khái quát. Qúa trình nhận thức tuân theo các qui luật. Một qui luật được phản ánh trong công thức nổi tiếng của Lênin “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan”. Đặc điểm cơ bản của việc học lịch sử là học sinh không trực tiếp quan sát các sự kiện lịch sử như nó đã từng diễn ra, do đó phương tiện trực quan rất quan trọng và có ý nghĩa trong dạy học lịch sử.

Khi học sinh được đến bảo tàng, được nhìn thấy các tư liệu, hiện vật ở bảo tàng, đặc biệt là các tư liệu, hiện vật gốc, HS sẽ có được những biểu tượng cụ thể về những sự kiện lịch sử đã diễn ra và hiểu lịch sử một cách sống động nhất. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khắc sâu kiến thức lịch sử, giáo dục đạo đức, tư tưởng, tình cảm cho HS. Qua đó, HS cũng được rèn luyện các kĩ năng thực hành bộ môn lịch sử : kĩ năng quan sát, miêu tả, thuyết trình… và biết rút ra kết luận về bản chất của các sự kiện, hiện tượng lịch sử.

Vậy việc sử dụng bảo tàng (bao gồm cả không gian bảo tàng và các hình ảnh, tư liệu, hiện vật của bảo tàng) và khai thác các tư liệu hiện vật của bảo tàng trong dạy học lịch sử là một phương tiện trực quan có giá trị trong giảng dạy, cung cấp nguồn kiến thức phong phú cho học sinh mà trong một tiết học giáo viên không thể cung cấp hết. Bên cạnh đó còn “giúp giáo viên lịch sử biết cách sưu tầm, bổ sung, làm giàu vốn đồ dùng dạy học và kiến thức lịch sử cho mình. Điều này đặc biệt bổ ích đối với những trường phổ thông xa trung tâm thành phố, không có bảo tàng” [5, tr.20].

Hệ thống bảo tàng ở nước ta khá phong phú, gồm hơn 120 bảo tàng

với nhiều bảo tàng có quy mô quốc gia như Bảo tàng Lịch sử quân đội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… được bảo đảm về nội dung trưng bày, từ hiện vật đến sử liệu. Đó là nguồn tư liệu vô cùng chân thực và quí giá trong dạy học lịch sử ở các trường phổ thông.

Trong sự nghiệp văn hóa - giáo dục của nước ta, các hoạt động bảo tàng, di tích có vị trí hết sức quan trọng, đã được Đảng và nhà nước ta khẳng định: “Bảo tàng, di tích là một thiết chế văn hóa không thể thiếu được trong xã hội hiện tại cũng như mai sau”. Hiện nay, bảo tàng có hai chức năng đó là chức năng nghiên cứu (sưu tầm, trưng bày, giới thiệu về lịch sử - văn hóa của dân tộc) và chức năng giáo dục (cho công chúng, nhất là với các thế hệ học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và những lý tưởng, khát khao).

Hai chức năng này có mối quan hệ biện chứng, thực hiện tốt cả hai chức năng trên thì bảo tàng mới đáp ứng được nhiệm vụ do xã hội đặt ra.

Thứ nhất, chức năng nghiên cứu khoa học của bảo tàng: mọi hoạt động trong công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng đều phải xoay quanh các hiện vật gốc phù hợp với từng loại hình của bảo tàng. Đó là trọng tâm, là cơ sở của mọi công tác nghiên cứu khoa học của bảo tàng. Hay nói cách khác, chức năng này được biểu hiện ở hai hoạt động sau:

- Những hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm không ngừng bổ sung cho khâu bảo quản cơ sở của Bảo tàng, di tích có giá trị tiêu biểu về các mặt lịch sử, khoa học, thẩm mỹ.

- Những hoạt động có liên quan tới việc chỉnh lý, hệ thống hóa và bảo quản một cách khoa học các di tích của Bảo tàng nhằm biến các di tích đó thành nguồn tư liệu đáng tin cậy phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học của các ngành khác. Đồng thời nâng cao trình độ văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân.

Thứ hai, chức năng giáo dục của Bảo tàng: Trong cuốn sách “Bảo

tàng, di tích nơi khơi nguồn cảm hứng dạy và học lịch sử cho học sinh phổ thông” của tác giả Nguyễn Thị Kim Thành (chủ biên) đã đề cập tới chức năng giáo dục của bảo tàng: “Bảo tàng là cơ quan giáo dục công cộng,là nơi lưu giữ các kí ức của các dân tộc, các nền văn hóa. Bảo tàng còn là cơ quan văn hóa - giáo dục thực hiện chức năng giáo dục và tuyên truyền,bảo tàng đã, đang và sẽ góp phần giáo dục nhằm nâng cao dân trí, tăng cường sự hiểu biết, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước giàu đẹp. Cùng với các nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, rạp chiếu phim và các khu vui chơi giải trí khác, bảo tàng thuộc hệ thống giáo dục cho học sinh ngoài nhà trường, có chức năng giáo dục quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện nhân cách con người” [tr. 13]. Thông qua các tư liệu và hiện vật gốc được trưng bày ở bảo tàng nhằm gợi dậy những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp cho người xem chứ không phải thông qua sách vở. Bảo tàng thực hiện chức năng giáo dục khoa học của mình bằng cách tuyên truyền, phổ biến kiến thức và thông qua các hoạt động của mình, Bảo tàng giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, cần phải “đánh thức” các tài liệu, hiện vật để chúng có tác dụng giáo dục tới học sinh.

Với chức năng như trên, Bảo tàng có các nhiệm vụ:

+ Tiến hành công tác nghiên cứu khoa học.

+ Tiến hành thu thập các tài liệu, hiện vật gốc phù hợp với các loại hình Bảo tàng.

+ Công tác kiểm kê giám định một cách có khoa học các hiện vật của Bảo tàng.

+ Công tác bảo quản hiện vật của Bảo tàng.

+ Công tác trưng bày của bảo tàng.

+ Công tác tuyên truyền, giáo dục và là tài liệu quan trọng, cần thiết phục vụ cho các bài học lịch sử.

Rõ ràng là, trong thời đại ngày nay, sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng đã mang lại vô vàn những hình thức truyền tin, phổ biến tri thức hết sức nhanh nhạy, tiện ích và đầy hấp dẫn, nhưng các bảo tàng, với vai trò là một thiết chế văn hoá đặc thù, vẫn không hề suy giảm khả năng đưa lại cho công chúng những thông tin, những tri thức chân thực, đáng tin cậy và lý thú từ các sưu tập hiện vật gốc vốn thấm đượm và phản ánh sâu sắc trí tuệ và tài năng, tinh thần và tình cảm của các thế hệ người Việt Nam, của hồn thiêng sông núi và dân tộc. Theo đó, nhiệm vụ giáo dục khoa học cho học sinh phổ thông sẽ luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các bảo tàng Việt Nam hiện nay.

Để cho hoạt động và chức năng của bảo tàng được phát huy tối đa, các bảo tàng đã có nhiều cố gắng tạo sự quan tâm và hấp dẫn cho người tham quan, học tập:

- Tạo lập không gian văn hóa hấp dẫn, thu hút học sinh, đưa bảo tàng thực sự trở thành “một học đường” giảng dạy trực quan.

- Vừa tham quan bảo tàng vừa được trực tiếp tiếp xúc, trao đổi và giao lưu với các nhân chứng lịch sử (người thực việc thực).

- Tổ chức chương trình giáo dục cho học sinh theo chuyên đề trưng bày của bảo tàng.

- Xây dựng các phòng, các khu vực khám phá tìm hiểu, nghiên cứu riêng cho học sinh.

- Xây dựng các bộ triển lãm lưu động để đưa hiện vật tới các nhà trường phục vụ học sinh, đặc biệt là các đối tượng học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

- Tổ chức các cuộc thi, các hoạt động truyền thống, hoạt động ngoại khoá cho học sinh phổ thông tại bảo tàng.

- Sử dụng nội dung trưng bày của bảo tàng trong việc dạy và học lịch sử, giúp cho các em hiểu bài một cách sâu sắc và thích thú hơn với môn lịch sử.

- Cung cấp các tài liệu, số liệu, ảnh nhằm bổ sung hoặc minh hoạ cho các bài giảng trong sách giáo khoa, qua đó, giúp giáo viên dạy môn lịch sử các trường phổ thông có thêm giáo cụ trực quan sinh động cho bài giảng.

- Tranh thủ tối đa mọi khả năng của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc quảng bá, tiếp thị về nội dung bảo tàng.

- Đưa bảo tàng đến với trường học là xu hướng tiếp cận mới cần được phát huy, để gắn kết bảo tàng với nhà trường, chủ yếu là giáo viên, và hệ thống cộng tác viên là những người dạy lịch sử ở các trường phổ thông, đưa nội dung tham quan bảo tàng vào chương trình giáo dục ngoài nhà trường của ngành giáo dục, qua đó tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh được phát huy cao độ.

Bảo tàng, với tư cách là một thiết chế văn hóa và giáo dục, không thể chỉ đơn thuần cung cấp cho xã hội những bài “thuyết minh” như hơn bốn mươi năm về trước mà phải có sự thay đổi trong nhận thức và hành động nhằm đảm bảo chức năng giáo dục, mang lại lợi ích cho cộng đồng và phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Sử dụng bảo tàng nói chung và bảo tàng đường Hồ Chí Minh nói riêng trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông là một hình thức để nâng cao hiệu quả bài học, là phương tiện trực quan có giá trị trong giảng dạy, cung cấp nguồn kiến thức phong phú cho học sinh.

1.1.2. Các loại bảo tàng

Theo tác giả Nguyễn Thị Côi trong cuốn “Bảo tàng Lịch sử, cách mạng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông” đã phân ra thành 6 loại Bảo tàng:

Một là, các bảo tàng lịch sử, như: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là bảo tàng lịch sử Quốc gia), Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Hồ Chí Minh... Các loại bảo tàng này chiếm vị trí rất quan trọng trong toàn bộ hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Những hiện vật được trưng bày trong các bảo tàng này phản ánh về đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của con người Việt Nam từ khi hình thành đến nay.

Hai là, các bảo tàng nghệ thuật nhằm sưu tầm , bảo quản, nghiên cứu những tác phẩm nghệ thuật của nhiều thời đại khác nhau vào mục đích khoa học và giáo dục thẩm mĩ cho quần chúng.

Ba là, các bảo tàng chuyên ngành như: Bảo tàng phụ nữ, Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng Không quân, Bảo tàng Văn học... những bảo tàng này chiếm một số lượng nhất định trong toàn bộ hệ thống bảo tàng. Nhiệm vụ chính là sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu các hiện vật gốc của một ngành khoa học nhất định để nói lên sự phát triển, phục vụ cho công tác khoa học của chính bản thân ngành đó và phục vụ quần chúng nhân dân.

Bốn là, Bảo tàng lịch sử tự nhiên gồm các bảo tàng cùng loại hình với các ngành khoa học. Đối tượng nghiên cứu là các mặt khác nhau của thế giới tự nhiên, như Bảo tàng động vật học, Bảo tàng thực vật học, Bảo tàng hải dương học...

Năm là, các bảo tàng lưu niệm nhằm lưu giữ lại trong quần chúng nhân dân những sự kiện, những nhân vật lịch sử lớn, quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội, chính trị, quân sự, văn học, nghệ thuật... Loại bảo tàng này giới thiệu một cách hệ thống diễn biến những sự kiện, hoạt động của các nhân vật lịch sử. Ví như, bảo tàng ở di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, nhà số 5 Hàm Long, 48 Hàng Ngang (Hà Nội), di tích Kim Liên (Nghệ An), Pác Bó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang)...

Sáu là, các bảo tàng ở địa phương: cũng là cơ quan thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học và giáo dục ở mức độ nhất định, chủ yếu là sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và trưng bày những tài liệu, hiện vật về văn hóa vật chất, tinh thần cũng như tự nhiên của địa phương đó. Hiện nay, các loại bảo tàng này và các nhà lưu niệm, truyền thống của địa phương đang phát triển rất mạnh mẽ ở các địa phương trong nước. [tr.10-11].

Xem tất cả 135 trang.

Ngày đăng: 16/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí