So sánh nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Nam Cao Việt Nam và Ruinôxke Akutagawa Nhật Bản - 15


phụ và nói to như qua ống điện thoại vài câu hỏi: “Con có muốn ra đời không? Hãy nghĩ cho kỹ và trả lời nhé!” Baggơ quì xuống bên vợ mình và nhắc đi nhắc lại mấy lần câu hỏi đó. Sau đấy, ông ta đứng lên và súc miệng bằng một dung dịch đã khử trùng trong chiếc bát để trên bàn. Lúc đó dường như ta nghe thấy từ trong bụng người mẹ tiếng đáp lại ngượng nghịu của đứa bé:

- Con không muốn được sinh ra đâu. Thứ nhất vì tính di truyền của bố làm con sợ dù rằng đó là bệnh thái nhân cách của bố thôi. Và ngoài ra, con thấy rằng loài Kappa không nên sinh sôi nảy nở nhiều lên” [1,235].

Điều khiến ta bật cười ở chi tiết này là trong thế giới của loài Kappa, không có sự hạn chế sinh đẻ nhưng tất cả mọi đứa trẻ trước khi được sinh ra đều thốt lên rằng nó không muốn ra đời. Tiếp tục với giọng điệu châm biếm ấy, Akutagawa còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như: Về tình yêu, tất cả những con đực Kappa khác với loài người là đều bị các con cái săn đuổi; Về gia đình, ở thế giới của các thuỷ dân “hệ thống gia đình là hoàn toàn mù quáng” và “các thành viên trong gia đình chỉ nhìn thấy một niềm vui độc nhất ở đời là hành hạ nhau thật ác liệt”; Về nghệ thuật, cảnh sát mà cao hơn là chính quyền có thể kiểm duyệt thậm chí cấm đoán tất cả mọi hoạt động âm nhạc, hội hoạ, văn học, báo giới...; Về xã hội, máy móc ra đời làm sa thải nhiều công nhân mỗi ngày và những công nhân bị sa thải trong xã hội Kappa sẽ bị giết thịt để làm đồ ăn; Về pháp luật, để tử hình một kẻ nào đó, loài Kappa chỉ cần tuyên bố tội ác của anh ta và anh ta sẽ tự giết mình về điều đó; Về tôn giáo, loài Kappa sùng bái cái gọi là “đạo sống” nhưng tất cả những vị thánh mà họ tôn thờ đều là những người... không muốn sống…

Như vậy, chỉ với một tác phẩm, Akutagawa đã vẽ lên một bức tranh biếm hoạ toàn diện về xã hội Nhật Bản bằng bút pháp trào phúng và giọng điệu


châm biếm, đả kích độc đáo. Với bút pháp và giọng điệu này, nghệ thuật trần thuật của Akutagawa thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả nhiều thế hệ. Mặc dù giọng điệu tự sự lạnh lùng là giọng điệu chủ đạo của truyện Nam

Cao nhưng đôi khi người đọc cũng nhận ra trong giọng văn của ông có sự châm biếm và một tiếng cười độ lượng, có thể hơi chua chát nhưng không ác, không khắc nghiệt. Vì vậy, nếu so với Akutagawa thì giọng châm biếm, hài hước của Nam Cao có phần nhẹ nhàng và ít sâu cay hơn. Giọng điệu này chủ yếu được sử dụng khi nhà văn đặt vấn đề con vật bên cạnh con người. Nam Cao đã vận dụng lời ăn, tiếng nói dân gian, có khi mượn con vật và những tật xấu của chúng để châm biếm cái xấu, thói xấu của con người tạo nên tiếng cười nhẹ nhàng, “mát mẻ” cho những trang văn “nặng trĩu” nỗi đau đời. Chúng ta đã biết đến mối tình “người ngợm” của Chí Phèo và Thị Nở – mối tình của một con ma men, một con quỷ dữ chuyên rạch mặt ăn vạ với một kẻ xấu “ma chê quỷ hờn”. Trong đoạn văn miêu tả cái xấu của Thị Nở, lối văn, giọng văn châm biếm, hài hước của Nam Cao đã khiến người đọc phải bật cười ngay sau khi vừa rỏ những giọt nước mắt: “Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hoá công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to không thua với cái mũi; có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra... Đã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Đã thế thị lại dở hơi, đó là một ân huệ đặc biệt của thượng đế chí công: nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhất” [18,35]. ở đây, Nam Cao đã xoáy vào những điểm xấu của Thị Nở rồi so sánh với con vật hoặc nói quá, phóng đại nó lên.


Đồng thời, ông xen vào lời tả những câu bình luận, đánh giá bỏ ngỏ vì vậy tiếng cười đã được bật lên. Cũng với một giọng điệu ấy, Nam Cao tiếp tục tả chân dung của Lang rận trong truyện ngắn cùng tên, nhưng lần này hình ảnh của Lang rận khiến ta phải cười vì Nam Cao đã vẽ lên ở nhân vật này chân dung của một “con lợn” thực thụ vừa xấu, vừa bẩn thỉu. “Mặt gì mà nặng trình trịch như mặt người phù, da như da con tằm bủng, lại lấm tấm đầu những tàn nhang. Cái trán ngắn ngủn, ngắn ngùn, lại gồ lên. Đôi mắt thì híp lại như mắt lợn sề. Môi rất nở cong lên, bịt gần kín hai cái lỗ mũi con con, khiến anh ta thở khò khè. Nhưng cũng chưa tệ bằng lúc anh cười. Bởi vì lúc anh cười thì cái trán chau chau, đôi mắt đã híp lại híp thêm, hai mí gần như dính tít lại với nhau, môi càng lớn thêm lên, mà tiếng cười, toàn bằng hơi thở, thoát ra khìn khịt. Trời đất ơi! Cái mặt ấy dẫu cho mỗi ngày rửa ba lượt xà phòng, bà cựu trông thấy vẫn còn buồn mửa. Huống chi anh chàng lại bẩn gớm, bẩn ghê. Có lẽ mỗi buổi sáng, ra cầu ao, anh chỉ nhúng mấy ngón tay, rửa độc một tí đầu mũi mà thôi” [18,245]. Đó là chưa kể người anh ta “rận lắm hơn giòi”, anh ta ngồi chỗ nào đứng lên là rận rơi ra “bò lổm ngổm”, “ngã chổng kềnh” múa may những cái chân nhỏ li ti... Mụ Lợi cũng vậy. Dưới ngòi bút và chất giọng châm biếm của Nam Cao thì có lẽ “không còn một người đàn bà nào có thể xấu hơn”.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

Cùng với giọng điệu tự sự lạnh lùng, giọng châm biếm, hài hước đã tạo nên ở tác phẩm của Nam Cao những trạng thái tâm lý khác nhau, phong phú và nhiều góc cạnh.

* Tiểu kết

So sánh nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Nam Cao Việt Nam và Ruinôxke Akutagawa Nhật Bản - 15

Nói tóm lại, ở nghệ thuật trần thuật, truyện ngắn của Nam Cao và Akutagawa có nhiều nét tương đồng trong nghệ thuật xây dựng điểm nhìn và giọng điệu trần thuật.


Ở điểm nhìn trần thuật, cả Nam Cao và Akutagawa đều chú trọng xây dựng loại điểm nhìn di chuyển, một loại điểm nhìn phối hợp cả điểm nhìn bên ngoài và bên trong. Với điểm nhìn này, cả hai nhà văn cùng lựa chọn người kể chuyện ở các ngôi khác nhau, lúc ở ngôi thứ nhất, lúc ở ngôi thứ ba và lúc lại ở ngôi thứ hai trung tính. Nhờ đó họ đã hướng sự giao tiếp về phía độc giả, đứng ngang hàng với độc giả và tạo nên tính đa thanh, phức điệu cho tác phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh sự tương đồng này vẫn có sự khác biệt.

Nếu như trong truyện ngắn của Nam Cao chủ yếu sử dụng kiểu điểm nhìn hướng vào nội tâm, tức là điểm nhìn được quán xuyến bởi một người kể chuyện thống nhất nhưng khi nhân vật độc thoại hoặc đối thoại nội tâm, điểm nhìn được chuyển cho nhân vật để nhân vật tự bộc lộ. Thì ở sáng tác của Akutagawa, do đặc điểm “truyện trong truyện” nên kiểu điểm nhìn được sử dụng chủ yếu là “điểm nhìn phân tán’, tức là trong một tác phẩm của Akutagawa sẽ có nhiều điểm nhìn được quán xuyến bởi nhiều người kể chuyện nhưng đa phần các điểm nhìn này vẫn có sự di chuyển cho nhau.

Ở giọng điệu trần thuật, Nam Cao và Akutagawa đã có sự gặp gỡ ở hai giọng điệu chủ đạo: Giọng tự sự lạnh lùng và giọng chấm biếm, hài hước. Trong đó, giọng tự sự lạnh lùng là giọng chủ đạo trong tác phẩm của Nam Cao giúp nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người. Còn giọng điệu châm biếm, hài hước lại là giọng chủ đạo của truyện ngắn Akutagawa. Bằng giọng này, Akutagawa đã lên án sâu sắc những mặt trái của xã hội tư bản Nhật Bản. Mỗi nhà văn mỗi phong cách nhưng suy cho cùng, Nam Cao và Akutagawa đều có những đóng góp tích cực trong việc cách tân nghệ thuật trần thuật nói riêng và nghệ thuật tự sự nói chung ở hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.


KẾT LUẬN


1. Khi so sánh Nam Cao và Akutagawa, đầu tiên phải nhắc đến những nét tương đồng và khác biệt về thời đại của hai nhà văn. Nét khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và Nhật Bản là về mặt thể chế. Trong cùng một thời điểm lịch sử, hai nước có hai con đường, hai chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau. Suốt những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nếu như Việt Nam bị xâm lược và trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến chịu sự thống trị của Pháp thì Nhật Bản lại tiến hành cải cách đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa và nhanh chóng phát triển thành nước đế quốc chủ nghĩa đi xâm lược và bóc lộc các nước thuộc địa khác. Tuy nhiên, cuộc sống của nhân dân hai nước khác biệt về thể chế lại có nhiều điểm tương đồng. Vì dù với chế độ chính trị nào thì quyền lợi đều rơi vào tay giai cấp thống trị còn mọi cực khổ và thiệt thòi thì nhân dân phải gánh chịu. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc văn minh và lối sống phương Tây trong bối cảnh riêng của hai nước cũng là một nét tương đồng khác trong bối cảnh lịch sử, xã hội lúc này.

Những thay đổi về đời sống xã hội tất yếu sẽ kéo theo sự thay đổi về văn hoá và tình hình văn học. Quá trình Âu hoá và phong trào Khai sáng đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho nền văn hoá hai dân tộc. Đồng nghĩa với điều đó là nền văn học của hai nước được hiện đại hoá dưới sự ảnh hưởng của văn học phương Tây và có sự phân hoá văn học thành nhiều trào lưu, xu hướng trong quá trình phát triển.

Nam Cao và Akutagawa là hai nhà văn lớn trưởng thành trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động của hai dân tộc. Bởi vậy, cuộc đời và văn nghiệp của họ đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ phía hoàn cảnh xã hội. Đặc biệt về văn nghiệp, cả Nam Cao và Akutagawa đều có sự nghiệp sáng tác chia

hai giai đoạn. Và từ giai đoạn sáng tác thứ nhất sang giai đoạn thứ hai thì cả


hai nhà văn đều có nhiều chuyển biến quan trong về tư tưởng, lập trường cũng như quan niệm sáng tác.

2. Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Nam Cao và Akutagawa (qua những nghiên cứu bước đầu) có sự gặp gỡ nhau ở hai phương diện cơ bản là: Nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật trần thuật. ở mỗi phương diện này, sáng tác của hai nhà văn đều có những nét khác biệt và tương đồng khá rõ nét.

Trước tiên, phải khẳng định rằng: do sự chi phối của thời đại mà dặc biệt là văn hoá và văn học nên nhân vật của Akutagawa được xây dựng với tâm lý phức tạp mang tính khái quát, trừu tượng hơn nhân vật của Nam Cao. Nếu như nhân vật của Akutagawa là những con người hiện đại được phác hoạ ở nhiều thời điểm khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau thì nhân vật của Nam Cao lại là những con người hết sức đời thường hiện hữu xung quanh cuộc sống của nhà văn.

Tuy vậy, những nhân vật trong sáng tác của hai nhà văn đều được khai thác sâu ở thế giới nội tâm và dòng tư duy bên trong. Đó là những nhân vật tự ý thức.

Nhân vật tự ý thức của Nam Cao và Akutagawa được chia thành hai loại: Nhân vật tự ý thức thuộc tầng lớp dưới đáy và nhân vật tự ý thức thuộc tầng lớp trí thức. ở điểm này, nét khác biệt là nhân vật tự ý thức thuộc tầng lớp trí thức của Akutagawa phong phú hơn so với Nam Cao. Ngược lại nhân vật thuộc tầng lớp dưới đáy của Nam Cao phong phú hơn Akutagawa. Với mỗi loại nhân vật trên, cả hai nhà văn của Việt Nam và Nhật Bản đều làm rõ đời sống nội tâm và quá trình tự ý thức phong phú, phức tạp của nhân vật. Khi miêu tả các nhân vật này, hai nhà văn đều giữ một khoảng cách cần thiết với nhân vật. Nhà văn không áp đặt nhân vật theo ý riêng của mình mà để cho nhân vật tự nhận thức và hành động để quyết định số phận của nó. Lựa chọn


kiểu nhân vật tự ý thức, mạch tự sự trong các truyện ngắn của Nam Cao và Akutagawa đã trở nên biến hoá “khôn lường”.

Phương thức nghệ thuật tiêu biểu mà cả Nam Cao và Akutagawa cùng sử dụng để khắc hoạ nhân vật tự ý thức trong các tác phẩm là ngôn ngữ nhân vật gồm: Ngôn ngữ bên ngoài (ngôn ngữ đối thoại trực tiếp) và ngôn ngữ bên trong (độc thoại và đối thoại nội tâm). Đặc biệt với hình thức độc thoại và đối thoại nội tâm, Nam Cao và Akutagawa đã tạo ra một “hành trình” thuận lợi để khám phá thế giới bên trong đầy phức tạp và bí ẩn của con người (nhân vật). Nhà văn không nhìn nhận con người như một “khách thể câm lặng” mà coi con người như một “tiểu vũ trụ” không biết hết, không biết trước được và cần phải được khám phá và tìm hiểu. Những con người ấy luôn được giao lưu với hoàn cảnh để bộc lộ nội tâm, sự tự ý thức một cách tự do. Khắc hoạ thành công nhân vật tự ý thức, ngòi bút Nam Cao và Akutagawa đã vươn tới đỉnh cao trong nghệ thuật tự sự so với các nhà văn cùng thời. Tuy nhiên, mức độ khái quát và trừu tượng của ngôn ngữ nhân vật ở tác phẩm của Akutagawa cao hơn của Nam Cao.

3. Bên cạnh việc lựa chọn và xây dựng nhân vật, trong quá trình tự sự, Nam Cao và Akutagawa còn tiến tới tạo dựng cho mình những mô hình trần thuật độc đáo, riêng biệt và cá tính. Nghệ thuật trần thuật của Nam Cao và Akutagawa được thể hiện ở: Điểm nhìn trần thuật và giọng điệu trần thuật.

Truyện ngắn của Nam Cao và Akutagawa đã xây dựng thành công ba loại điểm nhìn: Điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong và điểm nhìn di chuyển. Điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong tuy được sử dụng hạn chế nhưng chúng vẫn đóng một vai trò nhất định trong nghệ thuật trần thuật của các nhà văn. ở đây, khác biệt của Akutagawa so với Nam Cao là không có truyện ngắn nào sử dụng điểm nhìn bên trong nhưng Nam Cao thì có (6/41 truyện). Còn điểm nhìn di chuyển thì được sử dụng dày đặc và mang lại hiệu


quả đặc biệt cho các sáng tác tự sự của Nam Cao và Akutagawa. Nhờ việc sử dụng linh hoạt và sáng tạo điểm nhìn này, cả hai nhà văn đã taọ ra trong tác phẩm của mình những người kể chuyện ở các ngôi khác nhau (ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba và cả ngôi thứ hai). Nhờ đó, họ đã hướng giao tiếp về phía độc giả, đứng ngang hàng với độc giả và tạo nên tính đa thanh, phức điệu cho tác phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình trần thuật, việc sử dụng điểm nhìn của Nam Cao và Akutagawa vẫn có khác biệt. Nam Cao thì quan tâm kiểu điểm nhìn hướng vào nội tâm. Còn Akutagawa thì chủ yếu sử dụng kiểu “điểm nhìn phân tán”.

Cùng với việc sử dụng điểm nhìn trong trần thuật, Nam Cao và Akutagawa cùng chú ý xây dựng những giọng điệu trần thuật chủ đạo. ở đây, hai nhà văn đã có sự gặp gỡ ở hai giọng điệu chủ đạo là: Giọng tự sự lạnh lùng và giọng mỉa mai, châm biếm, hài hước. Trong đó, giọng tự sự lạnh lùng là giọng chủ của tác phẩm Nam Cao còn giọng mỉa mai, châm biếm, hài hước là giọng chính của truyện ngắn Akutagawa. Các giọng điệu này đều được các nhà văn sử dụng linh hoạt trong quá trình sáng tạo. Chúng giúp cho nhà văn bày tỏ thái độ của mình với hiện thực xã hội đương thời, thể hiện mối thương cảm sâu sắc cho những kiếp người bần cùng, đau khổ trong xã hội. Bên cạnh điểm nhìn, giọng điệu cũng là một yếu tố điển hình tạo nên sự đa thanh cho các tác phẩm của hai nhà văn.

* *

*

Tuy mỗi nhà văn có một phong cách, một bản sắc độc đáo, riêng biệt nhưng Nam Cao và Akutagawa đều là những phong cách truyện ngắn tiêu biểu của Việt Nam và Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Các sáng tác của họ đã góp phần tích cực trong việc cách tân nghệ thuật tự sự trong văn học ở hai quốc gia châu Á.

Xem tất cả 143 trang.

Ngày đăng: 18/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí