Khi triết lí về sự lựa chon “con đường” lẽ sống cho mỗi người, Y Phương cũng sử dụng cách viết giàu hình ảnh và thật hàm súc kể trên – và đây cũng là một đặc điểm trong ngôn ngữ giao tiếp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi. “Tôi nhớ mãi lời của một người thày. Cha mẹ cho ta một cái kho. Nuôi nhốt con gì là do mình chọn.... Đời người là cái túi ấy”. [13,84] Qua hai hình ảnh có tính biểu tượng cho cuộc đời mỗi con người là “cái kho” và “cái túi”, tác giả nhấn mạnh sự lựa chọn của mỗi cá nhân cho cuộc đời của mình: đựng vào đó “tiền bạc” hay “tâm hồn”? Sự lựa chọn ấy sẽ quyết định con đường cuộc đời cũng như đặc điểm nhân cách của mỗi người.
Cũng ở kiểu loại cảm hứng chiêm nghiệm – triết lí này, Y Phương còn có những đúc kết bằng hình ảnh thật đặc sắc: “Bạn cũ quý hơn thuốc” [13, 10]; “Cơn mơ của người miền núi thường rất đẹp và thơ. Nhưng đời mơ ngắn lắm” [13,84]; “Tiếng gọi những bậc sinh thành làm ra quả ngọt. Hết thảy loài người chúng ta trên hành tinh này đều mang ơn họ” [13,163]; “Thế mới biết “bần hàn bất năng di” là sao. Việc gì phải học tận đâu xa. Hãy nhìn hoa mua và sống như nó. Nhưng chắc gì học được. Con người vốn có máu tham như tóc. Nhưng lại lười như hòn đá nằm. Vậy nên, nhìn hoa mà cả then.” [13, 169]...
Qua những chiêm nghiệm và triết lí này, hình ảnh con người miền núi hiện ra với cách nghĩ và lối sống thuần hậu, sâu sắc, luôn tự soi xét “gột rửa” mình để trở nên cao đẹp hơn. Những triết lí nhân sinh của Y Phương cũng khiến người đọc giật mình để rồi tự “thanh lọc” nhân cách của mình.
Thứ hai: Chiêm nghiệm – triết lí về mối quan hệ giữa văn hóa vói nhân cách, với hạnh phúc và bất hạnh của con người.
Có thể nói, trong hai tập tản văn này của Y Phương, chủ đề trung tâm nhất và cũng là nỗi trăn trở băn khoăn lớn nhất của nhà văn là số phận của văn hóa dân tộc Tày cùng số phận con người miền núi trước biến thiên dữ dội của đời sống xã hội. Y Phương đã đi tìm câu trả lời cho chủ đề trung tâm kể trên bằng nhiều cách, gửi gắm câu trả lời vào hệ thống nhân vật, hệ thống biểu tượng, ngôn ngữ và giọng điệu, cảm hứng và đề tài, chủ đề... Nhưng câu trả trực tiếp và lắng kết sâu xa nhất lại kết tinh trong các triết lí nhân sinh giàu hình ảnh, xuất hiện rải rác trong các tản
văn của nhà văn. Suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn hóa với nhân cách con người, Y Phương viết: “Có tiền mà văn hóa lùn, khác gì giao cho thằng điên một khẩu súng AK, nạp đầy đạn” [13,95]. Trong mỗi con người, khi giàu có tiền bạc tỉ lệ nghịch với sự nghèo nàn về văn hóa thì sự sa chân vào tội ác chỉ còn là gang tấc.
Khi bàn về ý thức gắn bó với cội nguồn dân tộc – một phẩm chất văn hóa đặc biệt cao quý, nếu thiếu vắng nó thì con người ấy không xứng đáng là một con người, Y Phương đã phân tích một thành ngữ “Rễ cây ngắn rễ người dài” của người Tày để rồi đúc kết: “Khi con người ý thức sâu sắc cội rễ của mình thì trong họ đầy lòng tự tin. Đức tính tự tin được biểu hiện trong quan hệ giữa mình với mọi người xung quanh. Tự tin giúp cho con người luôn luôn tự làm chủ bản thân mình ở mọi nơi mọi lúc...” [13,159]
Cũng theo “mạch” triết lí về ý thức cội nguồn, về mối quan hệ giữa văn hóa với những buồn – vui, hạnh phúc hay bất hạnh cho mỗi con người, Y Phương viết những câu văn đẹp như thơ: “Nhìn vào đáy mắt nhau, ta lại thấy xanh rờn những hạt ngô, những cánh đồng lúa. Thấy phít phát rực vàng nắng chín như người. Thấy trập trùng mây mây mây trắng bay chúng nắm tay nhau thành đàn thành lũ. Mây trắng ơi sao em che mờ hết đi cả thế, không nhìn thấy núi đồi đâu nữa. Không còn núi đồi thì ta biết sống ở đâu bây giờ” [13,182]. Khi là một người con miền núi xa quê về thành phố, khi nỗi nhớ thương cháy trong tim từng phút và chảy trong nước mắt nuốt vào trong, quê hương và văn hóa dân tộc Tày nằm ở núi đồi xa tít tắp kia. Câu hỏi da diết dành cho “mây trắng” kia đã gián tiếp gợi tả ánh mắt của nhà văn vợi vợi đi qua ngàn trùng ngóng về quê hương, về nguồn cội văn hóa của dân tộc mình: thiếu vắng những gì máu thịt ấy thì con người dù sống giữa thủ đô, làm sao có hạnh phúc đích thực?!
Trong tản văn “Cây nghiến xanh trong lòng Hà Nội”, từ một sự kiện rất nhỏ là xếp hàng chờ khám bệnh, Y Phương đã bàn rất sâu sắc về văn hóa với hành vi ứng xử của con người nơi công cộng. Ngắm nhìn một số “ông bà” có chức quyền mà lại ứng xử phản văn hóa, so sánh họ với anh kéo xe than nghèo khó nhọc nhằn “ Hơi thở là tài sản duy nhất mà anh có. Nhưng anh cũng không dám thở nhiều. Sợ tốn. Anh xe ơi”, tác giả viết: “Sướng mãi quen rồi, khổ một chút bằng móng tay là không chịu nổi. Người được sướng chẳng bao giờ biết nỗi nhọc nhằn khổ ải của người khác. Nếu biết chút ít qua qua, họ thả một câu hiu hắt. Tất cả đều do ông trời
sắp đặt. Ai sướng được sướng, ai khổ phải chịu. Không đúng. Tất cả đều do thói quen rèn luyện. Rèn luyện để trở thành một con người biết cảm thông với con người” [13,198]. Thì ra, người có trình độ văn hóa cao và chức vụ lớn chưa chắc đã có hoặc đã biết ứng xử có văn hóa, mà ứng xử có văn hóa nhất theo Y Phương là “Con người biết cảm thông với con người”.!
Có thể bạn quan tâm!
- Bản Sắc Văn Hóa Tày - Miền Thương Nhớ Sâu Thẳm Nhất Trong Tản Văn Của Y Phương.
- Bức Tranh Thiên Nhiên Và Hình Ảnh Con Người Miền Núi Trong Cái Nhìn Hoài Niệm.
- Những Con Người Miền Núi Tài Hoa, Khẳng Khái, Trọng Nghĩa Khinh Tài.
- Kiểu Nhân Vật Người Trần Thuật Ngẫm Ngợi, Chiêm Nghiệm Và Tự Biểu Hiện
- Kiểu Nhân Vật Người Trần Thuật Thi Sĩ Đi Tìm Chất Thơ Mang Đặc Trưng Miền Núi Trong Hồi Ức
- Cấu Trúc Câu Đặc Biệt Và Hệ Thống Từ Láy Mới Mẻ Đầy Sáng Tạo Trong Tản Văn Của Y Phương.
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
Nói đến bản sắc văn hóa của một dân tộc thì không có gì tiêu biểu hơn là nói đến con người văn hóa của dân tộc ấy – con người văn hóa trong tính lịch sử của nó. Bởi con người văn hóa đã kết tinh những tinh hoa trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Trong cảm hứng chiêm nghiệm – triết lí này, ở khía cạnh chiêm nghiêm – triết lí về mối quan hệ giữa văn hóa với nhân cách và số phận của con người miền núi, bên cạnh các phương diện đã trình bày ở trên, chúng tôi còn thấy Y Phương trực tiếp và gián tiếp triết lí bằng các phương thức khác nhau, đặc biệt qua các chân dung con người văn hóa tiêu biểu của miền núi. Các chân dung ấy rất đa dạng, từ những người chị, người mẹ nghĩa tình cho đến các văn nghệ sĩ là con người miền núi. Dù cho có tên hay không tên, bình dị, vô danh hay nổi tiếng, tất cả đều gặp nhau ở một điểm: họ mang trong mình những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc mình. Dù số phận của họ khác nhau, nhưng với sự tỏa sáng của những giá trị văn hóa mà họ mang trong nhân cách, biểu hiện qua hành động ứng xử, tất cả đã đi tới hạnh phúc chân chính bằng những con đường riêng của mình.
Trong tản văn “Chị em” nhân vật “người chị” vô danh ấy đã trở thành một con người văn hóa – điển hình cho vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Tày: nghĩa tình sâu nặng với người thân “chịu đựng và gắng gỏi” trong cuộc sống, hồn nhiên chân thật trong ứng xử, chính vì thế mà nhà văn đã ví “chị” như quê hương, hay những giá trị văn hóa của quê hương đã hóa thân thành chị: “Quê hương tươi rói hiện lên nét mặt người kể. Chiều đến góc nào cũng thấy người chị tôi rơn rớn xanh. Một màu xanh cỏ cây, sông suối, núi non hiền hòa. Một màu xanh non tươi tận tụy. Một màu xanh chịu đựng và gắng gỏi (...) Quê hương lại cười trên gương mặt chị...” [13,19]. Có một người chị như thế, người em là một người hạnh phúc và ngược lại. Hơn thế nữa, bản sắc văn hóa của quê hương không cao xa mà hiện diện ngay trong mỗi con người chúng ta, nếu chúng ta biết gìn giữ nó.
Bản sắc văn hóa là một khái niệm có nội hàm rất rộng. Mỗi con người văn hóa trong tản văn của Y Phương lại đẹp lặng thầm một vẻ đẹp riêng – gắn với một số phẩm chất nào đấy của bản sắc văn hóa Tày. Nhân vật “người chị” trong tản văn “Chị em” mang vẻ đẹp điển hình của người phụ nữ Tày: cao đẹp trong sự thầm lặng, gắng gỏi và chịu đựng, dù xa quê hương bao nhiêu thì văn hóa miền núi vẫn đậm đà, bền bỉ như màu xanh của núi rừng không bao giờ phai nhạt. Còn nhân vật Giáo sư Bành Khiu trong “Cây nghiến xanh trong lòng Hà Nội” lại mang một vẻ đẹp văn hóa khác: tài năng và đức độ, đặc biệt có lòng yêu thương mênh mông với bệnh nhân. Người con của đất Co Xàu, ấy dù xa quê vẫn không hề thay đổi phẩm chất văn hóa tốt đẹp của một người con miền núi, đã mang bản sắc văn hóa Tày của mình hòa nhập, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam: “điều quan trọng ở con người này, không phải bắt đúng bệnh, dùng đúng thuốc. Tâm đắc nhất là ở tấm lòng. Một tấm lòng nhân hậu vị tha”[13,195]. Giáo sư Bành Khiu đã trở thành một con người hạnh phúc vì đã mang lại hạnh phúc cho bao nhiêu người.
Qua hàng loạt chân dung những con người tiêu biểu của miền núi khác, Y Phương muốn gửi gắm một triết lí nhân sinh sâu sắc: bản sắc văn hóa không cao siêu, xa lạ và không thể học nó chỉ bằng lí trí, với những nhân vật Nông Quốc Chấn, Bế Thanhg Long, Cao Duy Sơn..., bản sắc văn hóa Tày nói riêng, văn hóa miền núi nói chung, như cơm ăn, nước uống, như không khí để thở, sẽ thẩm thấu tự nhiên và làm nên “tầm văn hóa” của mỗi người. Và họ thật sự là những con người hạnh phúc khi lặng lẽ sống thanh cao, lặng lẽ cống hiến và làm rạng danh cho dân tộc mình, quê hương đất nước mình. Đó là nhà thơ Nông Quốc Chấn được người học trò Y Phương dâng tặng tình cảm kính yêu, ngưỡng mộ nhất: “Mười năm rồi kể từ ngày thầy cưỡi con hạc trắng lên đường về miền cực lạc. Người đã bỏ lại nụ cười hiền hậu, ánh mắt bao dung, tình yêu con người rộng lớn cho cháu con, cho học trò và bạn bè”[13,207]. Đó là nhà thơ Pờ Sảo Mìn – một chiếc lá ngọt dần lên đỉnh, theo cách nói của Y Phương: “Một con người an nhiên tự tại, tự tin, đến mức bão táp với mưa sa không làm lão mảy may nhụt chí. Đấy là một ứng xử đầy bản lĩnh, một tinh thần văn hóa sâu xa của dân tộc”[13,216].
Và còn đây là nhà văn Cao Duy Sơn – đứa con của vùng đất Co Xàu đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và khu vực ASEAN, khi nhận tin được trao giải thưởng thì “chỉ lim dim ngồi nghe như ông Cáu, ông Ké, dùng hai tay đan vào với nắng” [13,267 - 268]. Chỉ cần một chi tiết nhỏ ấy, Y Phương đã nói được bao điều với người đọc về một tài năng lớn nhưng khiêm nhường, về sự lặng lẽ mà thẳm sâu của con người văn hóa này. Cao Duy Sơn và bao con người miền núi khác, bằng sức mạnh của tài năng, tâm huyết và lao động, đã chọn văn hóa làm “cây cầu” để đi tới vinh quang và hạnh phúc một cách khiêm nhường.
* *
*
Những đặc sắc trong nội dung tản văn của Y Phương được biểu hiện ở nhiều phương diện, nhưng do khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu ở một số phương diện sau: đặc sắc ở bức tranh thiên nhiên và hình ảnh con người miền núi, đặc sắc ở cảm hứng nghệ thuật.
Ở phương diện bức tranh thiên nhiên miền núi, tản văn của Y Phương thường không khắc họa các “đại cảnh” mà chỉ “chấm phá” những “tiểu cảnh”, ít có những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đồ sộ mà chỉ có những bức tranh nhỏ xinh, được chọn lọc để tô đậm ở một vài khía cạnh mà vẫn làm nổi bật cái “thần” của toàn cảnh. Cách miêu tả này có những nét tương đồng với cách vẽ “chấm phá” của tranh Thủy Mặc phương Đông. Thiên nhiên trong tản văn của Y Phương có hai sắc thái thẩm mĩ nổi bật: thơ mộng trong sáng song hành với dữ dội khắc nghiệt. Hai sắc thái thẩm mĩ tiêu biểu và đặc trưng cho thiên nhiên của vùng đất Cao Bằng - quê hương của tác giả.
Hình ảnh con người miên núi xuất hiện trong tản văn của Y Phương rất phong phú, đa dạng. Bằng thao tác loại hình, chúng tôi tạm phân chia hình ảnh con người miền núi gắn với một số phẩm chất sau đây: con người miền núi nhân hậu, giàu yêu thương và thủy chung nghĩa tình, con người miền núi dũng cảm, thượng võ, mưu trí, bất khuất và vị tha; con người miền núi tài hoa mà khiêm nhường, ít nói, sông nội tâm, trọng nghĩa khinh tài. Hình ảnh con người miền núi đẹp đẽ, cao thượng là hình ảnh trung tâm trong tản văn của Y Phương, được nhà văn khắc họa với bao nhiêu yêu mến, tự hào và trân trọng.
Đặc sắc thứ hai trong tản văn của Y Phương là đặc sắc ở phương diện cảm hứng nghệ thuật. Có hai cảm hứng nghệ thuật chủ đạo song hành gắn kết như sông Hiến – sông Bằng nơi quê hương của tác giả: đó là cảm hứng ngợi ca, tự hào và khát vọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày; đó là cảm hứng chiêm nghiệm – triết lí về số phận của con người miền núi, về mối quan hệ giữa văn hóa với nhân cách, với hạnh phúc và bất hạnh của mỗi con người. Hai cảm hứng chủ đạo này trở thành “linh hồn” của tác phẩm, nó quy định mọi cấp độ nội dung và hình thức của tản văn Y Phương ở bình diện đặc điểm và sắc thái thẩm mĩ, như đề tài và chủ đề, kết cấu, nhân vật, hệ thống biểu tượng, ngôn ngữ và giọng điệu nghệ thuật. Các phương diện nội dung kể trên sẽ tìm đến gắn bó mật thiết với các phương diện hình thức nghệ thuật tương thích với nó. Và việc tìm hiểu, đánh giá các phương diện trong hình thức nghệ thuật này sẽ là nội dung của chương 3.
Chương 3
ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT TẢN VĂN CỦA Y PHƯƠNG
Tản văn của Y Phương cuốn hút người đọc bởi sự đặc sắc ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Ở phương diện nghệ thuật trần thuật, chúng tôi nhận thấy ở rất nhiều bình diện như kết cấu, nhân vật người trần thuật, bút pháp chấm phá, hệ thống biểu tượng, ngôn ngữ và giọng điệu nghệ thuật..., nhà văn đều in đậm vào đó dấu ấn sáng tạo độc đáo của riêng mình. Đây chính là biểu hiện rõ nét của tài năng, và nhờ đó, tản văn của Y Phương có sức sống lâu bền trong tình yêu và kí ức của bạn đọc.
3.1. Kết cấu tự do, linh hoạt với sự kết hợp nhiều phương thức, phương tiện nghệ thuật.
Trong Từ điển Thuật ngữ Văn học, kết cấu được định nghĩa như sau: “Toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm (...) nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm (...) bao gồm: tổ chức, hệ thống tính cách, tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm, nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thểb của các thành phần cốt truyện, nghệ thuật trình bày, bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện,... sao cho toàn bộ tác phẩm thực sự trở thành một chỉnh thể nghệ thuật” [ 49, 156-157].
Đây là định nghĩa chung cho kết cấu trong tác phẩm văn học. Còn kết cấu trong tản văn, do đặc trưng thể loại của nó, bên cạnh cái chung ấy còn có một số đặc điểm loại biệt. Bởi cấu trúc thể loại của tản văn không “thuần nhất’ như thơ, truyện ngắn, kịch..., nó liên tục vận động, biến đổi trong sự kết hợp với đặc trưng của nhiều thể loại văn học khác: có cốt truyện như truyện ngắn, viết về người thật việc thật như kí, tự do như tùy bút, giàu chất thơ như tác phẩm trữ tình, luận bàn lí giải như văn nghị luận... Bởi vậy, kết cấu của tản văn vừa đa dạng, mềm dẻo, phức tạp vừa khó có thể đưa vào một “Khuôn vàng, thước ngọc” nào, nó chống lại tính quy phạm và cái nhìn tuyệt đối.
Với cái nhìn tương đối và khái quát nhất, chúng tôi thấy tản văn của Y Phương có hai loại kết cấu tiêu biểu sau đây – những kiểu kết cấu luôn ở trạng thái “Động” và “Mở”.
3.1.1. Kết cấu liên tưởng - đồng hiện trong dòng hoài niệm của nhân vật người trần thuật.
Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của tản văn là nguyên tắc “Hồi cố”
- tức nhớ lại những gì đã qua. Mỗi tản văn dung chứa một dòng hoài niệm tuôn chảy mà trong đó, thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật bao giờ cũng thuộc thời quá khứ, những chuyện cũ người xưa được tái hiện lại hoặc để nhà văn gửi gắm một triết lí nhân sinh, hoặc để phản ánh, trả lời câu hỏi của một hiện tượng xã hội đang “nổi cộm” trong hiện tại. Kết cấu liên tưởng - đồng hiện xuất hiện trong tản văn của Y Phương vừa là hệ quả của đặc trung kể trên, vừa là kết quả của sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhà văn. Vậy kết cấu liên tưởng - đồng hiện là gì? Trong Từ điển Tiếng Việt, liên tưởng là: “Nhân sự việc hiện tượng nào đó mà nghĩ tới sự việc hiện tượng khác có liên quan” [47,568]. Còn khái niệm “đồng hiện” mượn của Điện ảnh có nghĩa là xuất hiện đồng thời.
Sự biểu hiện cụ thể của kết cấu này trong tản văn của Y Phương là: từ A “móc xích” sang B bởi một sự tương đồng, gần gũi nào đó về bản chất, về ý nghĩa hoặc chỉ vì chúng có một mối liên hệ gần hoặc xa trong dòng hoài niệm của nhà văn, để rồi thủ pháp “đồng hiện” của điện ảnh được vận dụng để A và B cùng xuất hiện bên nhau trong các kiểu quan hệ nhân quả, bổ sung ý nghĩa, thậm chí là tương phản. Trong hai tập tản văn của Y Phương, chúng tôi gặp hàng loạt phạm trù A và B được liên kết với nhau trong kiểu kết cấu này: gần và xa, ngoài và trong, hiện tại và quá khứ, vật và con người, bản thân và người khác, thiên nhiên và xã hội...vv... Trong truyện ngắn, tiểu thuyết, kí cũng có kiểu kết cấu này nhưng thường chỉ xuất hiện trong các bộ phần ở tầm “vi mô”, xuất hiện như các chi tiết trong một bộ máy khổng lồ, bên cạnh nó còn có hàng loạt các yếu tố ngoài cốt truyện khác. Chỉ có trong tản văn, kiểu kết cấu này mới là “độc tôn”, là kết cấu của toàn bộ tác phẩm.
Khảo sát hàng loạt tác phẩm trong hai tập tản văn của Y Phương, chúng tôi đều bắt gặp kiểu kết cấu có tính phổ quát này. Trong tản văn “Thư gửi bạn chăn trâu”, chúng tôi thấy xuất hiện 14 sự kiện trong dòng hoài niệm của tác giả - đồng nhất với nhân vật trần thuật xuất hiện ở đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít: “Tôi”. Các sự kiện thuộc thời gian – không gian quá khứ ấy được đồng hiệu, và liên kết với nhau bằng ba kiểu quan hệ cơ bản. Sự kiện 1: Nhớ về thủa chăn trâu; Sự kiện 2: