Ở Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, các quy định về quyền của người lập di chúc đã được quy định trong các bộ hình luật của các nhà nước phong kiến. Trải qua thời kỳ Pháp thuộc, các quy định về quyền của người lập di chúc tiếp tục được quy định trong các luật hộ khác nhau được áp dụng tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Sau năm 1945, các quy định về quyền của người lập di chúc luôn luôn được đề cập trong các thông tư, văn bản tổng kết công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao. Bước vào thời kỳ đổi mới, các quy định về quyền của người lập di chúc được pháp điển hóa và quy định trong các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn như Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, BLDS 1995. Ngày nay, quyền của người lập di chúc được quy định trong BLDS 2005.
Thực tiễn áp dụng cho thấy, các quy định về quyền của người lập di chúc trong BLDS 2005 đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và thực tế đòi hỏi của xã hội. Không phải bất cứ người lập di chúc nào cũng thực hiện đúng các quyền được ghi trên, hoặc sử dụng một phần hoặc sử dụng quá cả phần quyền được pháp luật quy định. Có những di chúc định đoạt cả phần tài sản của người khác, hoặc định đoạt toàn bộ tài sản của mình vượt quá phạm vi pháp luật cho phép, trong trường hợp này di chúc có thể vô hiệu hoặc chỉ có hiệu lực một phần tương ứng với di sản của người lập di chúc…
Bên cạnh đó, hiệu quả áp dụng pháp luật về quyền của người lập di chúc trong thực tiễn lập di chúc, thực tiễn giải quyết các tranh chấp về thừa kế có liên quan đến quyền của người lập di chúc cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân không nắm được các quy định của pháp luật về quyền của người lập di chúc. Cùng với đó, một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân… cũng chưa thực sự hiểu các quy định của pháp luật về quyền của người lập di chúc.
Do đó, việc nghiên cứu để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về quyền của người lập di chúc có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn. Với việc nghiên cứu đề tài này, tác giả muốn hoàn thiện hơn nữa những quy định về quyền của người lập di chúc nhằm mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả điều chỉnh của những quy định này trong Bộ luật Dân sự. Làm rõ vấn đề quyền của người lập di chúc giúp chúng ta hiểu và áp dụng pháp luật cho phù hợp với những tình huống cụ thể trong thực tế, là cơ sở đảm bảo quyền tự do dân chủ, công bằng xã hội đảm bảo quyền dân sự của con người được thực hiện đầy đủ từ đó giúp ổn định trật tự xã hội, xây dựng niềm tin cũng như sự tôn trọng của nhân dân vào pháp luật. Vì vậy, tôi đã lựa chọn đề tài: “Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành” nghiên cứu làm luận văn.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Thừa kế là vấn đề được quan tâm rất lớn trong lĩnh vực khoa học pháp lý. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lĩnh vực thừa kế. Trong đó có một số công trình của một số tác giả tiêu biểu như: PGS. TS. Đỗ Văn Đại với “Luật thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án”, TS. Nguyễn Mạnh Bách với “Chế độ hôn sản và thừa kế trong Việt Nam”, TS. Phùng Trung Tập với “Thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật dân sự Việt Nam”; “Luật thừa kế Việt Nam”, TS. Nguyễn Minh Tuấn với “Pháp luật thừa kế của Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”; “Những quy định chung về quyền thừa kế trong Bộ luật dân sự Việt Nam”, TS. Trần Thị Huệ với “Di sản thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam”, TS. Phạm Văn Tuyết với “Thừa kế - Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng”, TS. Nguyễn Ngọc Điện với “Một số suy nghĩ về thừa kế trong Luật Dân sự Việt Nam”…
Thừa kế bao gồm thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Về thừa kế theo di chúc nói chung và quyền của người lập di chúc nói riêng, ở những khía cạnh khác nhau, cho đến nay có một số công trình nghiên cứu liên quan như: Công trình nghiên cứu “Thừa kế theo di chúc trong luật dân sự Việt Nam” của Giáo sư Vũ Văn Mẫu; “Thừa kế theo di chúc trong quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam” của TS. Phạm Văn Tuyết; “Những qui định của Bộ luật dân sự (Dự thảo) về sự sửa đổi, bổ sung, thay thế di chúc và hiệu lực của di chúc” của tác giả Phùng Trung Tập đăng trên Tạp chí Luật học số 2/1995, tr.46 - 51; “Những khó khăn, vướng mắc trong việc lập di chúc và chứng nhận di chúc” số 13/2010, tr.32 - 34, 39; “Bàn về nghĩa vụ mà người lập di chúc giao cho người thừa kế” số 4/2004, tr.14 - 15 của tác giả Thái Công Khanh đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân; Khóa luận tốt nghiệp “Người lập di chúc và quyền của người lập di chúc” của tác giả Đào Thị Nhuận bảo vệ năm 2011 tại trường Đại học luật Hà Nội…Tuy vậy, các công trình trên mới chỉ đề cập đến các quy định về thừa kế theo di chúc nói chung hoặc chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu một cách khái quát về thừa kế theo di chúc, tiếp cận dưới một vài góc độ, chưa nghiên cứu chuyên sâu và có tính hệ thống về các quyền của người lập di chúc.
Có thể bạn quan tâm!
- Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành - 1
- Yêu Cầu Về Độ Tuổi Của Người Lập Di Chúc
- Yêu Cầu Về Nhận Thức Của Người Lập Di Chúc
- Sơ Lược Về Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Pháp Luật Về Quyền Của Người Lập Di Chúc Ở Việt Nam
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Với tình hình trên, đề tài “Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành” lần đầu tiên được nghiên cứu ở Khoa luật cấp thạc sĩ luật học một cách chuyên sâu, toàn diện, đầy đủ và đảm bảo được tính logic, hệ thống, không trùng lặp với các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố.
3. Mục đích, nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài
Mục đích nghiên cứu của luận văn là nhằm làm rõ những quy định của pháp luật hiện hành về quyền của người lập di chúc; đánh giá việc áp dụng các quy định này trên thực tiễn, phân tích một số vướng mắc, bất cập trên
thực tiễn khi áp dụng các quy định pháp luật về quyền của người lập di chúc từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền của người lập di chúc và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành các quy định này trên thực tiễn.
Để đạt được mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề sau:
- Nghiên cứu và làm rõ những vấn đề lý luận liên quan tới quyền của người lập di chúc;
- Phân tích và nêu bật được nội dung các quy định của pháp luật hiện hành về quyền của người lập di chúc;
- Đưa ra thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về quyền của người lập di chúc, đồng thời chỉ ra những vướng mắc và bất cập của những quy định đó;
- Đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm áp dụng có hiệu quả các quy định pháp luật về quyền của người lập di chúc.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của đề tài
Đề tài nghiên cứu những vấn đề lý luận về quyền của người lập di chúc, các quy định của pháp luật hiện hành về quyền của người lập di chúc. Tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật về vấn đề này qua hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân.
- Phạm vi nghiên cứu
Tuy có nghiên cứu về lược sử quy định quyền của người lập di chúc trong pháp luật dân sự Việt Nam song phạm vi đề tài chỉ tập trung nghiên cứu quy định của pháp luật dân sự hiện hành về quyền của người lập di chúc và thực tiễn áp dụng các quy định trên phạm vi cả nước trong những năm gần đây.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin; tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật.
Đối với hoạt động nghiên cứu, đề tài sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp lịch sử: Nghiên cứu các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam giai đoạn trước 1945 đến nay;
- Phương pháp so sánh: Sử dụng trong Chương 1 khi so sánh các quy định trong pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kì. Phương pháp so sánh cũng được sử dụng trong Chương 1 khi đề cập tới quan điểm của các tác giả về vấn đề có liên quan tới đối tượng nghiên cứu của đề tài. Phương pháp này cũng được sử dụng trong Chương 2 khi so sánh giữa quyền của người lập di chúc theo quy định của BLDS 2005 với quy định tương ứng về quyền của người lập di chúc trong BLDS 1995, so với pháp luật của Cộng hòa Pháp, Nhật Bản..;
- Phương pháp phân tích, quy nạp, diễn giải được sử dụng xuyên suốt trong toàn bộ luận văn để làm rõ những vấn đề được đưa ra;
- Ngoài ra đề tài có sử dụng một số phương pháp khác như phương pháp giả định, tình huống…
6. Kết quả đạt được và những điểm mới của luận văn
- Luận văn phân tích có hệ thống những quy định pháp luật về các quyền của người lập di chúc. Qua nghiên cứu, luận văn chỉ ra những quy định phù hợp với quan hệ thừa kế theo di chúc và những điểm còn bất cập trong quy định về các quyền của người lập di chúc, những điểm cần hướng dẫn thực hiện theo BLDS 2005.
- Kết quả nghiên cứu đề tài, tác giả đã có những điểm mới sau đây:
+ Đây là đề tài khoa học được nghiên cứu lần đầu tiên ở nước ta ở cấp thạc sĩ luật học;
+ Luận văn hệ thống hóa được những quy định pháp luật về quyền của người lập di chúc ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay, làm cơ sở để nghiên cứu toàn diện và hệ thống những quy định của pháp luật về quyền của người lập di chúc;
+ Luận văn chỉ ra những hạn chế, những vấn đề còn thiếu của những quy định pháp luật về quyền của người lập di chúc trong BLDS 2005; phân tích những quy định về quyền của người lập di chúc, qua đó có những kiến nghị khoa học nhằm hoàn thiện những quy định pháp luật về quyền của người lập di chúc trong BLDS 2005;
+ Luận văn chỉ ra được những bất cập trong việc hiểu không đúng các quy định pháp luật về quyền của người lập di chúc, trong việc áp dụng pháp luật, đồng thời có những kiến nghị để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành những văn bản hướng dẫn cần thiết.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài lời nói đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu thành ba chương:
Chương 1: Khái quát chung về quyền của người lập di chúc;
Chương 2: Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện
hành;
Chương 3: Thực tiễn thực hiện quyền của người lập di chúc và phương
hướng hoàn thiện những quy định của pháp luật về quyền của người lập di chúc.
Chương 1:
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI LẬP DI CHÚC
1.1. Khái niệm di chúc
Khi một người còn sống có quyền định đoạt toàn bộ hoặc một phần tài sản của mình cho người khác sau khi chết, theo ý chí tự nguyện và thể hiện dưới một hình thức pháp lý xác định gọi là di chúc.
Thuật ngữ di chúc được đề cập và sử dụng nhiều trong đời sống nên từ lâu đã trở thành một vấn đề hết sức quen thuộc đối với đời sống nhân dân. Di chúc thường được hiểu một cách đơn giản, truyền thống: “Di chúc là sự dặn lại của một người trước lúc chết với những người khác về những việc cần làm, nên làm” [38, tr.254] hay “là văn bản chính thức ghi những ý muốn của một người, đặc biệt là xử lý những tài sản của mình sau khi chết” [38, tr.182]. Như vậy, về mặt ngữ nghĩa có thể hiểu, di chúc là ý nguyện của cá nhân muốn người khác thực hiện ý nguyện của mình sau khi mình chết, đó có thể là lời dặn con cháu yêu thương lẫn nhau hoặc dặn con cháu làm một công việc gì đó.
Dưới góc độ khoa học pháp lý, khái niệm di chúc cũng đã được hình thành từ rất sớm. Theo Uipian - một luật gia La Mã nổi tiếng thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của chúng ta và ý chí đó được thực hiện sau khi chúng ta chết” [37]. Như vậy, dưới thời La Mã, di chúc đã được hiểu là phương tiện để thể hiện ý chí của người lập ra nó và di chúc có hiệu lực khi người lập ra nó chết đi.
Theo pháp luật Anh - Mỹ, thì di chúc được hiểu “là một phương tiện mà một người sử dụng để định đoạt tài sản của mình và chỉ có hiệu lực sau khi người đó chết, với bản chất là có thể được thay đổi hoặc hủy bỏ trong suốt thời gian mà người lập di chúc còn sống” [9, tr.210]. Theo BLDS của Cộng hòa Pháp thì: “Di chúc là một chứng thư, theo đó người để lại di chúc định đoạt sau khi chết một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình, người đó có
thể hủy bỏ di chúc” [7, Điều 895]. Tương tự như vậy, mặc dù trong Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan không trực tiếp nêu ra khái niệm di chúc nhưng đã gián tiếp định nghĩa di chúc thông qua quy định về quyền của người để lại thừa kế trong việc “giải quyết” tài sản của mình sau khi chết, cụ thể Điều 1646 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định: “Bất kỳ người nào có thể, trước khi chết, làm một tuyên bố ý định bằng di chúc về giải quyết tài sản của mình, hoặc những vấn đề khác mà sẽ có hiệu lực theo quy định của pháp luật sau khi người đó chết”.
Ở nước ta, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật các nhà xây dựng pháp luật luôn chú ý đến chuẩn hóa các thuật ngữ pháp lý. Theo tác giả Đoàn Bá Lộc thì di chúc hay chúc thư “là một văn tự lập theo các thể thức pháp định để chứng chắc sự thật và do đó một người để lại cho người thừa kế biết ý định mai hậu của mình” [18, tr.133]. Theo các tác giả của cuốn Bình luận khoa học BLDS 2005 (Tập III) thì: “Di chúc là sự bày tỏ ý chí của một người khi còn sống định đoạt tài sản của mình, để chuyển toàn bộ hoặc một phần tài sản của người đó cho một hay nhiều người thừa kế sau khi chết” [39, tr.45].
Trong pháp luật thực định của Việt Nam, di chúc là một giao dịch dân sự dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương, theo đó, Điều 646 BLDS 2005 đã định nghĩa: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Như vậy, về phương diện khoa học pháp lý di chúc là phương diện phản ánh trung thực ý nguyện cuối cùng của cá nhân trong việc chuyển dịch tài sản của họ cho người khác sau khi họ chết.
Từ khái niệm trên có thể thấy, di chúc có một số đặc trưng sau:
Thứ nhất, Di chúc là sự thể hiện ý chí đơn phương, tự nguyện của cá nhân mà không phải là của bất kỳ chủ thể nào khác: Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và trong một