quy định, vì thế không thể tránh khỏi có nhiều cách hiểu khác nhau về hình thức đồng ý có được thể hiện bằng văn bản riêng hay chỉ cần có bút tích của cha, mẹ hoặc của người giám hộ vào bản di chúc? Hoặc chỉ cần có chữ kí của cha, mẹ hoặc của người giám hộ vào cuối bản di chúc hoặc vào từng trang của di chúc của người ở độ tuổi từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập ra?
+ Thời điểm mà cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý là thời điểm nào? Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ cho người lập di chúc ở độ tuổi từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được thể hiện trước khi con lập di chúc, sau khi con lập di chúc hay trong khi con đang lập di chúc? Hay cả ba thời điểm mà sự đồng ý của cha, mẹ hoặc của người giám hộ cho người ở độ tuổi này lập di chúc đều có giá trị pháp lý? Hoặc sự đồng ý đó chỉ được thừa nhận vào một thời điểm trước khi di chúc được lập ra?
Những vấn đề này cần được sự hướng dẫn, giải đáp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1.2.2. Yêu cầu về nhận thức của người lập di chúc
Độ tuổi và khả năng nhận thức là hai tiêu chí để xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Năng lực hành vi dân sự của một người trước hết là phụ thuộc vào độ tuổi của người đó. Tuy nhiên, một người trên mười tám tuổi vẫn bị coi là không có năng lực hành vi dân sự nếu không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Vì vậy, bên cạnh yếu tố về tuổi tác, yếu tố nhận thức là một điều kiện không thể thiếu trong việc xác định năng lực hành vi dân sự của người lập di chúc. Nếu trong lúc lập di chúc người đó không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì di chúc đó sẽ bị coi là không hợp pháp.
Tại Khoản 1 Điều 652 BLDS 2005 có quy định như sau về nhận thức của người lập di chúc: “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập
di chúc...”. Pháp luật hiện hành chỉ quy định chung chung mà không nói rõ cụ thể thế nào là minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc. Theo từ điển Tiếng Việt thì: Minh mẫn là “có khả năng nhận thức nhanh chóng, rõ ràng và ít nhầm lẫn” còn sáng suốt là “khả năng nhận thức rõ ràng và giải quyết vấn đề đúng đắn” [21].
Cả hai từ “minh mẫn”, “sáng suốt” đều được hiểu là có khả năng nhận thức rõ ràng và giải quyết vấn đề đúng đắn, không nhầm lẫn. Cụm từ trên hiểu theo cách đơn giản có nghĩa là khi lập di chúc người lập hoàn toàn tỉnh táo để hiểu được những gì mình đang làm là đúng đắn. Tuy nhiên, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt đến mức độ nào? Người lập di chúc có phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc hay không? Nếu người lập di chúc phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc thì cơ quan nào có thẩm quyền giám định? Có cần hay không cần kết quả giám định sức khỏe thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được chứng thực vào di chúc…?
Có thể bạn quan tâm!
- Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành - 1
- Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành - 2
- Yêu Cầu Về Độ Tuổi Của Người Lập Di Chúc
- Sơ Lược Về Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Pháp Luật Về Quyền Của Người Lập Di Chúc Ở Việt Nam
- Khi Lập Di Chúc Người Có Tài Sản Có Quyền: A, Chỉ Định Người Thừa Kế;
- Dành Một Phần Tài Sản Trong Khối Di Sản Để Di Tặng, Thờ Cúng;
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Hiện nay, pháp luật dân sự của nước ta chưa có quy định nào về việc người lập di chúc phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc. Vì vậy, người lập di chúc có thể khám sức khỏe hoặc không khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Có một số trường hợp khám sức khỏe thì cơ quan khám sức khỏe cũng không thống nhất: Có trường hợp khám tại trung tâm y tế cấp huyện, tỉnh; nhưng cũng có trường hợp lại đi khám ở các bệnh viện về tâm thần. Trên thực tế người lập di chúc ít khi đi giám định sức khỏe, khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Vì vậy, tình trạng sức khỏe của người lập di chúc tại thời điểm lập di chúc không được thể hiện. Khi có tranh chấp xảy ra, bên đương sự nào cho rằng người lập di chúc không đủ sức khỏe, ảnh hưởng đến sự minh mẫn của người lập di chúc trong khi lập di chúc thì họ phải có nghĩa vụ chứng minh. Thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế tại Tòa án nhân dân cho thấy tình trạng này diễn ra tương đối phổ biến.
Bên yêu cầu chia thừa kế theo di chúc có nghĩa vụ xuất trình trước Tòa án các chứng cứ liên quan đến việc người lập di chúc hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc. Ngược lại, bên yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật có nghĩa vụ xuất trình các chứng cứ để chứng minh người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt để bác bỏ yêu cầu chia thừa kế theo di chúc.
Về nguyên tắc, tất cả các di chúc đều được coi là do người để lại di sản lập trong lúc minh mẫn, sáng suốt. Vì vậy, đương sự nào cho rằng khi lập di chúc người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa án có thẩm quyền. Chỉ khi có đầy đủ cơ sở khẳng định người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt như: Kết luận của cơ quan y tế, lời khai của những người làm chứng, chứng kiến, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án... thì Tòa án có thẩm quyền tuyên bố di chúc vô hiệu. Thông thường, những di chúc được chứng nhận, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ít khi xảy ra tranh chấp về việc người lập di chúc có minh mẫn, sáng suốt hay không. Tranh chấp về việc minh mẫn, sáng suốt của người lập di chúc lại thường xảy ra đối với những di chúc không có chứng nhận, chứng thực. Vì vậy, để hạn chế tranh chấp thì việc lập di chúc có chứng thực, chứng nhận cần được khuyến khích [20, tr.32-33].
Theo quy định của pháp luật thì người đã thành niên có quyền lập di chúc (trừ những người không có năng lực hành vi dân sự), nhưng pháp luật lại không quy định rõ người bị hạn chế năng lực hành vi sân sự theo quy định tại Điều 23 BLDS 2005, khi lập di chúc có phải hỏi ý kiến và phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó hay không?
Điều 23 BLDS 2005 quy định:
“1. Người nghiện ma túy hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, thì theo yêu cầu của những người có quyền, lợi ích liên quan hoặc tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
2. Người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện do Tòa án quyết định. Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”.
Như vậy, nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 647 BLDS 2005, thì những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 23 BLDS 2005, vẫn có quyền lập di chúc với tư cách của người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Ngược lại, nếu xét theo quy định tại Điều 23 BLDS 2005, thì tuy rằng một người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nhưng đã bị hạn chế theo một bản án có hiệu lực pháp luật, thì khi người đó xác lập giao dịch phải có sự đồng ý của người đại diện. Như vậy, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo một bản án có hiệu lực, khi lập di chúc mà không có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, thì di chúc do người đó lập ra có hiệu lực pháp luật không?
Hai cách hiểu trái ngược nhau đã và sẽ không tránh khỏi những sai sót trong việc xác định chủ thể có quyền lập di chúc và tính hợp pháp khi định đoạt ý chí của người lập di chúc. Cần có quy định rõ về vấn đề này để tạo sự thống nhất giữa các điều luật tránh những cách hiểu trái ngược nhau. Theo tôi: Người lập di chúc sau khi bị tòa tuyên bố là hạn chế năng lực hành vi dân sự mà di chúc đó không có sự đồng ý của người đại diện, trường hợp này di chúc được lập cũng không có hiệu lực pháp luật.
Đối với những người đã thành niên nhưng bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì không có quyền lập di chúc. Nếu họ lập di chúc, thì di chúc đó không được công nhận.
1.3. Quyền của người lập di chúc
Nếu như thừa kế xuất hiện ngay cả khi xã hội chưa phân chia giai cấp, chưa có nhà nước và pháp luật thì quyền thừa kế của cá nhân chỉ ra đời và tồn tại trong những xã hội đã phân chia giai cấp và có nhà nước.“Quyền là khái niệm khoa học pháp lý dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó cá nhân được hưởng được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế” [34].
Bằng việc ban hành các văn bản pháp luật, nhà nước qui định quyền để lại thừa kế và nhận thừa kế của các chủ thể, qui định trình tự và các điều kiện dịch chuyển tài sản cũng như qui định các phương thức dịch chuyển tài sản từ người đã chết sang những người còn sống khác. Trong quan hệ thừa kế các chủ thể có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong đó, người có tài sản, trước khi chết có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác thông qua việc lập di chúc, pháp luật cho phép người lập di chúc thực hiện các hành vi ứng xử theo ý chí của mình phù hợp với các quy định của pháp luật. Như vậy, Quyền của người lập di chúc là khả năng pháp luật cho phép người lập di chúc xử sự, lựa chọn khi thực hiện hành vi lập di chúc và những việc liên quan.
Quyền của người lập di chúc xuất phát từ quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản của họ. Vì vậy, trước khi chết cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Từ chỗ pháp luật quy định cho công dân có quyền sở hữu tài sản và cũng dựa vào đó pháp luật quy định cho họ có các quyền năng trong quan hệ thừa kế [26]. Quyền của người lập di chúc nói riêng cũng như quyền thừa kế nói chung là một phương tiện để củng cố sở hữu của công dân.
Người lập di chúc có thể dựa vào ý chí tình cảm của mình (mang tính chủ quan), định đoạt cho người khác được hưởng di sản sau khi qua đời.
Quyền định đoạt của cá nhân trong khi lập di chúc là sự biểu hiện của tự do ý chí và luôn được pháp luật tôn trọng. Như vậy:
+ Quyền của người lập di chúc luôn được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của cá nhân cũng như quyền của người lập di chúc.
Quyền thừa kế của công dân là một quyền Hiến định, BLDS 2005 cụ thể hóa quyền này của công dân tại Phần thứ tư. Ngay điều đầu tiên trong phần thừa kế (Điều 631 BLDS 2005) đã đưa ra nguyên tắc chung nhất, đó là “Quyền thừa kế của cá nhân”. Nguyên tắc này được thể hiện cụ thể như sau: Pháp luật bảo đảm quyền định đoạt của cá nhân đối với tài sản sau khi cá nhân đó chết thông qua việc lập di chúc, nếu không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì việc thừa kế được giải quyết theo pháp luật. Như vậy, thừa kế được thực hiện theo hai phương thức: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất như máy móc, kho xưởng, nguyên vật liệu; vốn bằng tiền, vàng, ngoại tệ với số lượng không hạn chế, cổ phiếu…Do đó, tất cả mọi tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân sẽ trở thành di sản thừa kế khi người đó chết đi [35, tr307]. Và thông qua việc lập di chúc cá nhân sử dụng những quyền của mình trong phạm vi, giới hạn nhất định để định đoạt tài sản cho người khác sau khi chết.
+ Quyền của người lập di chúc là sự biểu hiện của sự tự do ý chí, mang tính chủ quan.
Quyền của người lập di chúc được quy định tại Điều 631 BLDS 2005 như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Có nghĩa là nếu người chết để lại di chúc (hợp pháp) thì
việc thừa kế sẽ tiến hành theo di chúc, theo sự định đoạt của người có tài sản mà trước lúc chết, họ đã thể hiện ý nguyện của mình trong việc phân chia tài sản thuộc quyền sở hữu của người đó. Tuy nhiên, việc định đoạt của người lập di chúc bị hạn chế trong trường hợp pháp luật quy định tại Điều 669 BLDS 2005 [35, tr.309].
Người lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác. Như chúng ta đã biết, di chúc chính là sự thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc. Ý chí đơn phương này được thể hiện qua việc người lập di chúc không phải bàn bạc với bất kỳ ai trong việc định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình (trường hợp lập di chúc chung vợ chồng thực chất thì vẫn là phần tài sản của ai thì người đó có quyền định đoạt). Người lập di chúc không có nghĩa vụ phải trao đổi với những người thừa kế về nội dung di chúc. Người lập di chúc phải tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép trong việc lập di chúc. Bằng việc lập di chúc, người để lại di sản đã xác lập một giao dịch dân sự về thừa kế theo di chúc.
Ý chí đơn phương của người lập di chúc còn được thể hiện việc người lập di chúc toàn quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình cho bất kỳ ai và có quyền cho ai bao nhiêu phần trăm số tài sản thuộc quyền sở hữu của mình mà không phụ thuộc vào việc người được hưởng thừa kế theo di chúc có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hay thân thích với người lập di chúc. Người lập di chúc có thể cho người này nhiều, người kia ít, hoặc không cho người nào đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Khi thực hiện quyền định đoạt trong di chúc người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế, dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, chỉ định ng- ười giữ di chúc; người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Trong trường hợp di chúc đã được xác lập, nếu cần có sự thay đổi "ý nguyện" cũng như nội dung, người lập di chúc còn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ di chúc vào bất kỳ lúc nào.
Quyền tự định đoạt của cá nhân trong việc lập di chúc một mặt đã ghi nhận sự bảo hộ của pháp luật đối với quyền về thừa kế, mặt khác nó còn thể hiện một cách đầy đủ nhất các quyền dân sự chủ quan của mỗi cá nhân trong việc định đoạt toàn bộ tài sản của mình. Do tính chất chủ quan của ý chí và mục đích chuyển dịch tài sản đã phản ánh tính độc lập và tự định đoạt của người lập di chúc. Ý chí của cá nhân khi lập di chúc thể hiện hành vi pháp lí đơn phương của người lập di chúc, hoàn toàn độc lập, tự định đoạt tài sản của mình mà không có sự phụ thuộc nào vào bất kì ý kiến của chủ thể nào.
Quyền của người lập di chúc bao gồm phạm vi quyền và giới hạn quyền của người lập di chúc. Tôn trọng quyền tự do định đoạt tài sản của cá nhân, pháp luật quy định cá nhân có các quyền năng cụ thể trong việc lập di chúc. Theo đó phạm vi quyền của người lập di chúc bao gồm những quyền sau đây: Quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế; quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản; quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lí di sản, người phân chia di sản [27, Điều 648]; quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào [27, Điều 662].
Quyền định đoạt của cá nhân trong khi lập di chúc là sự biểu hiện của sự tự do ý chí. Tuy nhiên, tự do ý chí không có nghĩa là tùy tiện, càng không có nghĩa là được làm tất cả những gì mình muốn mà tự do phải là sự nhận thức được cái tất yếu, quyền tự do của người này phải luôn hướng tới tự do và lợi ích của người khác. Giữa tự do ý chí của một cá nhân với lợi ích chung