dụng đất của họ được để lại cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật thừa kế [29].
Với những quy định trên, quyền sử dụng đất đã được coi là di sản thừa kế.
1.3.4. Giai đoạn từ 1-7-1996 đến nay
Với đường lối chính trị, kinh tế đúng đắn được Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong Hiến pháp năm 1992, tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đều thay đổi trên mọi bình diện. Vì vậy, trong đời sống dân sự cũng phát sinh nhiều vấn đề mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ. Các văn bản pháp luật dưới nhiều hình thức như: Nghị định, Pháp lệnh, Thông tư, Nghị quyết... chưa đủ bao quát để điều chỉnh một cách rộng khắp các quan hệ dân sự nói chung và vấn đề các điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng.
Chính từ thực tiễn đòi hỏi, ngày 28-10-1995, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Bộ luật dân sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi là Bộ luật dân sự năm 1995).
Bộ luật dân sự năm 1995 tương đối đồ sộ với 7 phần, 838 điều. Trong mỗi phần được chia làm nhiều chương, mục. Bộ luật có hiệu lực kể từ ngày 1-7-1996 (riêng những quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 về chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực áp dụng kể từ ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực 15-10-1993).
Bộ luật dân sự năm 1995 là công cụ pháp lý thúc đẩy giao lưu dân sự, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ luật góp phần bảo đảm cuộc sống cộng đồng ổn định, lành mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong nhân dân.
Bộ luật đã dành hẳn Phần thứ tư và Chương VI Phần thứ năm để quy định về thừa kế với tổng số 63 điều luật (nếu tính cả 9 điều thuộc chương những quy định chung về chuyển quyền sử dụng đất mà thừa kế quyền sử dụng đất phải áp dụng thì tổng số lên đến 72 điều).
Có thể bạn quan tâm!
- Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự - 1
- Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự - 2
- Giai Đoạn Từ Năm 1990 Đến 1 Tháng 7 Năm 1996
- Chỉ Định Người Thừa Kế, Truất Quyền Hưởng Di Sản Của Người Thừa Kế, Phân Định Di Sản Cho Từng Người Thừa Kế
- Quyền Chỉ Định Người Giữ Di Chúc
- Họ, Tên Người, Cơ Quan, Tổ Chức Được Hưởng Di Sản
Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.
Bộ luật đã đưa ra những khái niệm về thời điểm, địa điểm mở thừa kế, người thừa kế, người quản lý di sản, di chúc… Đặc biệt, Bộ luật có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản, người thừa kế, việc từ chối nhận di sản, về những người không được hưởng di sản…
Do sự phát triển đất nước, các tranh chấp dân sự diễn ra ngày càng phức tạp, Bộ luật dân sự năm 1995 đã bộc lộ những khiếm khuyết của nó. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI, từ ngày 5-5-2005 đến ngày 14-6-2005 Quốc hội nước ta đã thông qua Bộ luật dân sự năm 2005. Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006.
Với 7 phần, 777 điều, Bộ luật dân sự năm 2005 không "đồ sộ" được như Bộ luật dân sự năm 1995, nhưng những quy định về thừa kế có nhiều tiến bộ hơn Bộ luật dân sự năm 1995, đặc biệt về thừa kế quyền sử dụng đất. Về các điều kiện có hiệu lực của di chúc thì những quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 về cơ bản vẫn được Bộ luật dân sự năm 2005 giữ lại và có sự phát triển.
Kết luận chương 1
Thừa kế theo di chúc là một trong hai hình thức thừa kế được pháp luật quy định. Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển di sản của một người đã chết cho người khác theo sự định đoạt ý chí của người để lại di sản khi còn sống. Trong những trường hợp cụ thể, quyền định đoạt của người lập di chúc được pháp luật thừa nhận toàn bộ, nhưng trong một số trường hợp khác thì quyền tự định đoạt của người lập di chúc lại bị hạn chế. Di chúc là giao dịch dân sự một bên, do vậy di chúc cũng cần phải thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của di chúc.
Theo tiến trình phát triển của pháp luật thừa kế, các điều kiện có hiệu lực của di chúc trong mỗi thời kỳ cũng được quy định khác nhau. Nhưng nhìn chung, pháp luật của Nhà nước ta luôn nhằm bảo vệ những quyền dân sự hợp pháp của cá nhân, trong đó có quyền lập di chúc và quyền này ngày càng được pháp luật quy định cụ thể hơn.
Với sự ra đời của Bộ luật dân sự năm 1995, các quy định pháp luật về điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng và pháp luật về thừa kế nói chung đã được quy định một cách hệ thống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ luật dân sự năm 1995 đã phát
sinh những hạn chế nhất định, đòi hỏi phải có sự khắc phục kịp thời. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI, từ ngày 5-5-2005 đến ngày 14-6-2005, Quốc hội nước ta đã thông qua Bộ luật dân sự năm 2005. Bộ luật dân sự năm 2005 đã có những tiến bộ hơn so với Bộ luật dân sự năm 1995 trong việc quy định về thừa kế nói chung và các điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng.
Chương 2
Các điều kiện có hiệu lực của di chúc
2.1. Người lập di chúc
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 thì người lập di chúc phải đáp ứng được những điều kiện nhất định thì di chúc mới có hiệu lực. Người lập di chúc phải đảm bảo được những điều kiện sau đây:
Điều 650 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2005) quy định về người lập di chúc:
1- Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Như vậy, pháp luật dân sự đã quy định cụ thể về người được lập di chúc.
Theo quy định tại các điều luật trên có thể nhận thấy hai yêu cầu về người lập di chúc, đó là:
- Yêu cầu về độ tuổi của người lập di chúc.
- Yêu cầu về nhận thức của người lập di chúc.
2.1.1. Yêu cầu về độ tuổi của người lập di chúc
Pháp luật dân sự quy định chỉ người thành niên mới có quyền lập di chúc, còn người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi muốn lập di chúc phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
Có quy định trên bởi vì chỉ khi đạt đến một độ tuổi nhất định thì con người mới có đủ nhận thức để điều chỉnh hành vi của mình.
Đối với những người đã thành niên, nhưng bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì những người đó không có quyền lập di chúc. Trong trường hợp những người này lập di chúc, thì di chúc đó không phát sinh hiệu lực pháp luật.
Bộ luật dân sự năm 1995 quy định về người thành niên: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên (Điều 20). Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp người thành niên đó bị mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, những người thành niên bị mất quyền lập di chúc khi họ là người:
- Mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác.
- Không thể nhận thức được hành vi của mình.
- Không thể điều chỉnh được hành vi của mình [6].
Pháp luật dân sự của Nhà nước ta cũng quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Người mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi mặc dù là người chưa thành niên, nhưng họ có những nhận thức nhất định. Về mặt thực tế thì có người trong số họ đã có tài sản riêng do được thừa kế hoặc được tặng cho, thậm chí có người đã tích lũy từ lao động phù hợp với sức lao động của mình. Để đảm bảo phần nào quyền định đoạt tài sản của họ, pháp luật đã cho phép họ lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ đồng ý. Bàn về quy định này còn có những ý kiến khác nhau do chưa có sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
- Cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý là đồng ý về việc cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc hay là đồng ý về nội dung di chúc?
- Sự đồng ý của cha hoặc mẹ hay là cả cha và mẹ. Trường hợp nào thì cần đến sự đồng ý của người giám hộ?
Về vấn đề thứ nhất, chúng tôi cho rằng chỉ là việc đồng ý cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc vì nếu hiểu là đồng ý với nội dung
di chúc thì vô hình chung pháp luật đã can thiệp đến quyền tự định đoạt, đến ý chí tự nguyện của người lập di chúc, trong khi ý chí tự nguyện là một trong những điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp. Với tư cách là người thừa kế hàng thứ nhất theo pháp luật của người con, người cha, người mẹ có thể can thiệp vào nội dung của di chúc, can thiệp vào sự định đoạt của người con nếu được hiểu theo cách việc lập di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được sự đồng ý của cha, mẹ về nội dung di chúc. Và một điều đương nhiên, nếu hiểu cha mẹ phải đồng ý về nội dung di chúc thì đã bao hàm cả việc đồng ý cho lập di chúc.
Về vấn đề thứ hai, căn cứ vào cách hành văn của điều luật thì chỉ cần một trong hai người là cha hoặc mẹ đồng ý là đủ, mà không cần thiết phải được sự đồng ý của hai người. Pháp luật dân sự cũng đã quy định rò ràng về việc giám hộ tại Mục 5 Chương II, Phần thứ nhất Bộ luật dân sự năm 1995. Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước (gọi là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (gọi là người được giám hộ). Trong quan hệ pháp luật thừa kế theo di chúc, thì người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi chỉ có quyền lập di chúc khi được sự đồng ý của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên này không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ hoặc cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu.
Một vấn đề cần đặt ra khi nghiên cứu về sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ đối với hành vi lập di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, đó là: Sự đồng ý này phải được thể hiện dưới hình thức như thế nào? Có bắt buộc việc đồng ý phải được thể hiện bằng văn bản riêng hay chỉ cần xác nhận vào di chúc, hay chỉ cần bằng miệng? Sự đồng ý đó có cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hay không? Sự đồng ý được thể hiện trước hay sau khi người chưa thành niên lập di chúc?...
Đây là một câu hỏi vì vấn đề này chưa được sự hướng dẫn, giải đáp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2.1.2. Yêu cầu về nhận thức
Kết quả nghiên cứu về y học cho thấy độ tuổi và nhận thức có quan hệ mật thiết với nhau. Con người chỉ khi đạt đến một độ tuổi nhất định thì mới có đủ nhận thức để điều chỉnh được hành vi dân sự của mình (trong đó có hành vi lập di chúc), trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Pháp luật dân sự nước ta quy định người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, độ tuổi và khả năng nhận thức là hai tiêu chí để xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân.
Tại khoản 1 Điều 655 Bộ luật dân sự năm 1995 và điểm a, khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định như nhau về nhận thức của người lập di chúc: "Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc…".
Tuy nhiên, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt đến mức độ nào? Người lập di chúc có phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc hay không? Nếu người lập di chúc phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc thì cơ quan nào có thẩm quyền giám định? Có cần hay không cần kết quả giám định sức khỏe thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được chứng thực vào di chúc ?...
Hiện nay, pháp luật dân sự của nước ta chưa có quy định nào về việc người lập di chúc phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc. Vì vậy, người lập di chúc có thể khám sức khỏe hoặc không khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Có một số trường hợp khám sức khỏe thì cơ quan khám sức khỏe cũng không thống nhất: Có trường hợp khám tại trung tâm y tế cấp huyện, tỉnh; nhưng cũng có trường hợp lại đi khám ở các bệnh viện về tâm thần.
Trên thực tế người lập di chúc ít khi đi giám định sức khỏe, khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Vì vậy, tình trạng sức khỏe của người lập di chúc tại thời điểm lập di chúc không được thể hiện. Khi có tranh chấp xảy ra, bên đương sự nào cho rằng người
lập di chúc không đủ sức khỏe, ảnh hưởng đến sự minh mẫn của người lập di chúc trong khi lập di chúc thì họ phải có nghĩa vụ chứng minh. Thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế tại Tòa án nhân dân cho thấy tình trạng này diễn ra tương đối phổ biến. Bên yêu cầu chia thừa kế theo di chúc có nghĩa vụ xuất trình trước Tòa án các chứng cứ liên quan đến việc người lập di chúc hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc. Ngược lại, bên yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật có nghĩa vụ xuất trình các chứng cứ để chứng minh người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt để bác bỏ yêu cầu chia thừa kế theo di chúc.
Về nguyên tắc, tất cả các di chúc đều được coi là do người để lại di sản lập trong lúc minh mẫn, sáng suốt. Vì vậy, đương sự nào cho rằng khi lập di chúc người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa án có thẩm quyền. Chỉ khi có đầy đủ cơ sở khẳng định người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt như: Kết luận của cơ quan y tế, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án… thì Tòa án có thẩm quyền tuyên bố di chúc vô hiệu. Thông thường, những di chúc được chứng nhận, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ít khi xảy ra tranh chấp về việc người lập di chúc có minh mẫn, sáng suốt hay không. Tranh chấp về việc minh mẫn, sáng suốt của người lập di chúc lại thường xảy ra đối với những di chúc không có chứng nhận, chứng thực. Vì vậy, để hạn chế tranh chấp thì việc lập di chúc có chứng thực, chứng nhận cần được khuyến khích.
Quy định về vấn đề này, pháp luật dân sự Cộng hòa Pháp chỉ yêu cầu người lập di chúc có tinh thần minh mẫn (Điều 901 Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp). Còn Điều 963 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: "Người lập di chúc tại thời điểm lập di chúc phải có đủ năng lực để làm việc này" [5].
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân chính là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình để xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Nếu như năng lực pháp luật của cá nhân phát sinh ngay từ khi cá nhân được sinh ra thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân chỉ phát sinh đầy đủ khi người đó đạt đến độ tuổi nhất định (đủ 18 tuổi); nếu như năng lực pháp luật của cá nhân chỉ chấm dứt khi người đó chết thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân chấm dứt khi người đó bị mất năng lực hành vi dân sự.