Yêu Cầu Về Độ Tuổi Của Người Lập Di Chúc 109468


số trường hợp bao gồm cả Nhà nước. Tuy nhiên, do bản chất của di chúc là nhằm định đoạt tài sản riêng của cá nhân sau khi chết nên di chúc chỉ có thể được lập bởi cá nhân [36, tr.211], ngoài cá nhân pháp luật không thừa nhận quyền lập di chúc của bất cứ một chủ thể nào khác.

Sự thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc được thể hiện ở chỗ, việc lập di chúc, nội dung của di chúc phải do chính người lập di chúc quyết định và định đoạt, bởi vì “việc lập di chúc cũng như việc kết hôn không thể thực hiện bằng lối ủy quyền. Không ai có thể ủy quyền cho người khác để thay mình lập chúc thư mà pháp luật cũng không có quyền chỉ định một thụ ủy luật định để lập chúc thư thay thế một người khác” [8, tr.61].

Nếu như hợp đồng dân sự “là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” [27, Điều 388], tức là có sự thống nhất ý chí của các bên chủ thể tham gia giao dịch dân sự thì di chúc là một giao dịch dân sự thể hiện dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương - giao dịch được xác lập theo ý chí cá nhân của người để lại di chúc. Điều này được thể hiện ở chỗ người lập di chúc toàn quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình cho bất kỳ ai và có quyền cho ai bao nhiêu phần trăm số tài sản thuộc quyền sở hữu của mình mà không phụ thuộc vào việc người được hưởng thừa kế theo di chúc có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hay thân thích với người lập di chúc. Người lập di chúc có thể cho người này nhiều, người kia ít, hoặc không cho người nào đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Như vậy, việc có để lại di chúc hay không, nội dung di chúc chỉ định những ai được hưởng di sản, hưởng bao nhiêu, truất quyền thừa kế của ai…hoàn toàn là do người để lại di chúc quyết định mà không cần bàn bạc, trao đổi, thống nhất với những người thừa kế được chỉ định trong di chúc. Đồng thời, không có ai có quyền can thiệp vào


việc lập di chúc, nội dung di chúc, bất cứ sự can thiệp nào ảnh hưởng đến sự tự nguyện của người lập di chúc trong việc lập di chúc đều có thể làm cho di chúc vô hiệu. Người lập di chúc không có nghĩa vụ phải trao đổi với những người thừa kế về nội dung di chúc.

Như vậy, nếu như trong tất cả các loại hợp đồng dân sự đều phải thể hiện ý chí của các bên tham gia hợp đồng và các bên đều phải tự nguyện thỏa thuận, bàn bạc, trao đổi..., thì di chúc chỉ thể hiện ý chí của bên lập di chúc. Hợp đồng dân sự chỉ phát sinh hiệu lực khi các bên tham gia hợp đồng thống nhất được những điều khoản ghi nhận trong hợp đồng và cùng nhau ký kết hợp đồng, còn trong di chúc thì không có sự thống nhất giữa người lập di chúc và người được thừa kế theo di chúc. Thực tế đã có nhiều trường hợp người được hưởng thừa kế theo di chúc không thể biết mình có quyền được hưởng di sản theo di chúc vì di chúc chưa được công bố và được cất giữ bí mật.

Thứ hai, mục đích của di chúc phải nhằm dịch chuyển tài sản của người lập di chúc cho người khác sau khi chết. Nếu như các loại hợp đồng dân sự đều thể hiện ý chí thỏa thuận của các chủ thể nhằm chuyển dịch tài sản từ người này sang người khác thì di chúc lại nhằm chuyển dịch tài sản của người đã chết sang cho người còn sống. Người thừa kế theo di chúc phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Nội dung của di chúc có thể gồm nhiều nội dung khác nhau, đó có thể là những lời dặn dò con cháu sống hòa thuận hoặc thực hiện một số công việc cụ thể nào đó…nhưng nhất định phải có nội dung thể hiện mục đích nhằm chuyển dịch tài sản của người để lại di chúc cho con cháu hay những người khác. Do đó, những di chúc mà nội dung không nhằm định đoạt tài sản của người để lại di chúc cho người khác thì không được xem là di chúc thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự.


Di chúc phải có nội dung là định đoạt tài sản của người để lại di chúc cho người khác nhưng việc định đoạt tài sản ở đây phải là định đoạt tài sản sau khi chết, bởi lẽ, di chúc chỉ có hiệu lực và được thực thi khi người để lại di chúc chết đi. Đây là đặc trưng quan trọng thể hiện bản chất của di chúc và phân biệt giữa di chúc và hợp đồng tặng cho tài sản. Trong thực tế, có trường hợp di chúc được công bố sớm và một số tài sản được giao ngay cho những người được chỉ định hưởng thừa kế quản lý. Trong quá trình quản lý, một số người được chỉ định hưởng thừa kế trong di chúc đã đi đăng ký sở hữu đối với tài sản được tạm giao, có trường hợp, chủ sở hữu (người lập di chúc) không biết nhưng cũng có trường hợp chủ sở hữu biết rõ người quản lý (người được chỉ định trong di chúc) đã đi đăng ký sang tên sở hữu nhưng không phản đối. Trong những trường hợp này, không thể xem là quyền sở hữu tài sản đã được xác lập đối với những người được chỉ định trong di chúc và đã được tạm giao quản lý tài sản [13, tr.278-279].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Thứ ba, di chúc có hiệu lực khi người để lại di sản thừa kế chết. Khoản 1 Điều 667 BLDS 2005 quy định: "Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế". Về thời điểm mở thừa kế Khoản 1 Điều 633 BLDS 2005 quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này”.

Đây là một đặc điểm thể hiện rõ nét sự khác biệt giữa di chúc với các loại giao dịch dân sự khác, ví dụ như hợp đồng dân sự có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác, còn thời điểm có hiệu lực của di chúc lại phụ thuộc vào thời điểm mà người lập di chúc chết hoặc thời điểm mà quyết định của Tòa án tuyên bố người lập di chúc chết có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, việc xác định đúng thời điểm mở thừa kế (thời điểm người lập di chúc chết) có ý nghĩa trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc.

Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành - 3


Cũng là giao dịch dân sự nhưng việc chuyển dịch tài sản cho người được chỉ định trong di chúc khác với việc chuyển dịch tài sản cho người được tặng cho trong hợp đồng tặng cho tài sản. Điều này được thể hiện ở chỗ, việc chuyển dịch tài sản cho người được tặng cho trong hợp đồng tặng cho tài sản có hiệu lực khi người có tài sản còn sống, cụ thể, đối với hợp đồng tặng cho động sản hoặc bất động sản mà quyền sở hữu không phải đăng ký có hiệu lực kể từ khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản và bất động sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, còn việc chuyển dịch tài sản cho người thừa kế trong di chúc chỉ có hiệu lực pháp luật khi người để lại di sản chết đi. Chính vì vậy, người để lại di sản có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, di chúc vào bất cứ lúc nào như tác giả Nguyễn Ngọc Điện đã viết: “Cho đến khi người lập di chúc chết, người thụ hưởng di sản theo di chúc không có bất kỳ một quyền nào trên bất cứ một tài sản nào của người lập di chúc và cho rằng họ cũng không chắc được hưởng di sản về sau này. Di chúc chỉ ghi nhận cho họ một quyền nào đó trong di sản của người lập di chúc, tức là một quyền đối với tài sản mà người này sau này sẽ để lại, nếu có để lại. Người thừa kế theo di chúc và người được di tặng không thể đòi hỏi sự đảm bảo quyền lợi gắn liền với tư cách đó, và thậm chí, cả sự đảm bảo cho việc duy trì tư cách đó vì di chúc có thể bị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ theo ý chí của người lập ra nó” [15, tr.158].

1.2. Người lập di chúc

Cá nhân là một trong những chủ thể quan trọng của quan hệ pháp luật dân sự. Tuy quyền dân sự của mọi cá nhân đều bình đẳng nhưng tùy thuộc vào năng lực chủ thể của họ mà pháp luật quy định cho họ được tham gia vào những quan hệ pháp luật dân sự với mức độ khác nhau. Chủ thể có quyền lập di chúc chỉ có thể là cá nhân. Vấn đề cốt lõi của di chúc là định đoạt tài sản


của chủ thể cho người khác bằng một di chúc hợp pháp. Sự thể hiện ý chí của chủ thể trong di chúc không chỉ là phương thức để thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản của người đó mà còn là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan.

Quyền lợi của những người được hưởng di sản theo di chúc (và cả người thừa kế theo pháp luật) phụ thuộc phần lớn vào nội dung và tính hợp pháp của di chúc cho nên việc định đoạt tài sản theo di chúc có ý nghĩa và sự tác động đến các quan hệ xã hội ở một phạm vi nhất định, không chỉ trong phạm vi một gia đình. Do vậy, để trở thành chủ thể lập di chúc, cá nhân phải đáp ứng những yêu cầu của pháp luật về độ tuổi, nhận thức và khả năng làm chủ hành vi.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 BLDS 2005 thì “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự” và theo Điều 17 BLDS 2005 thì “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của cá nhân tạo thành năng lực chủ thể của cá nhân. Với tư cách là một thực thể xã hội, mỗi cá nhân có mức độ năng lực hành vi và năng lực pháp luật khác nhau do vậy không phải cá nhân nào cũng có đủ năng lực chủ thể để trở thành chủ thể lập di chúc.

Theo quy định của BLDS 2005 thì người lập di chúc phải đáp ứng được những điều kiện nhất định thì di chúc mới có hiệu lực. Người lập di chúc phải đảm bảo được những điều kiện sau đây:

Điều 647 BLDS 2005 quy định về người lập di chúc:

1- Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.


2- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Quy định tại Điều 647 BLDS 2005 đã làm sáng tỏ một số điều kiện và cũng là căn cứ để xác định chủ thể lập di chúc. Nhìn chung, chủ thể lập di chúc là người định đoạt tài sản của mình thông qua hành vi pháp lý đơn phương của họ. Vì vậy, điều kiện về độ tuổi và khả năng nhận thức của cá nhân người lập di chúc là điều kiện tiên quyết trong việc xác định di chúc có giá trị pháp lý hay không có giá trị pháp lý.

1.2.1. Yêu cầu về độ tuổi của người lập di chúc

Thông thường, người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bởi khi đó khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của lứa tuổi này phát triển hoàn thiện (trừ trường hợp bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình) họ có đủ điều kiện để thực hiện các quyền mà pháp luật cho phép đồng thời cũng có khả năng gánh vác nghĩa vụ.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi mặc dù là người chưa thành niên, nhưng họ có những nhận thức nhất định, về mặt thực tế thì có người trong số họ đã có tài sản riêng do được thừa kế hoặc được tặng cho, thậm chí có người đã tích lũy từ lao động phù hợp với sức lao động của mình. Tuy nhiên, nhận thức của họ chưa ổn định, đôi lúc còn thiếu chín chắn trong suy nghĩ và xử sự của mình. Vì vậy, những người ở độ tuổi này vẫn có quyền lập di chúc nhưng phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Xoay quanh vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau do chưa có sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xét ví dụ sau: “Em A 16 tuổi bị bệnh hiểm nghèo biết không thể qua khỏi. Em lập di chúc để lại một số tiền lớn do các tổ chức từ thiện giúp đỡ riêng em cho quỹ khuyến học khi em mất. Vì thương con, dù nhà nghèo mẹ em


đồng ý ghi vào di chúc như vậy nhưng bố em A lại không đồng ý. Sau khi quỹ khuyến học nhận được di sản, bố em A đòi lại”. Vậy bản di chúc của A được coi là có hiệu lực không.

Từ tình huống trên và thực tế nhiều câu hỏi được đặt ra trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc :

- Cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý là đồng ý về việc cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc hay là đồng ý về nội dung di chúc?

- Sự đồng ý của cha hoặc mẹ hay là cả cha và mẹ. Trường hợp nào thì cần đến sự đồng ý của người giám hộ?

Về vấn đề thứ nhất, tôi cho rằng chỉ là việc đồng ý cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc vì nếu hiểu là đồng ý với nội dung di chúc thì vô hình chung pháp luật đã can thiệp đến quyền tự định đoạt, đến ý chí tự nguyện của người lập di chúc, trong khi ý chí tự nguyện là một trong những điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp. Cha, mẹ bao giờ cũng là người thừa kế theo pháp luật của người con lập di chúc (thuộc hàng thừa kế thứ nhất), vì vậy nếu người lập di chúc định đoạt tài sản cho người khác sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến quyền lợi của cha, mẹ nên đa phần cha, mẹ sẽ không đồng ý với sự định đoạt ấy. Khi đó di chúc sẽ bị coi là không hợp pháp, và thế là trong trường hợp này, quyền định đoạt về tài sản của người lập di chúc (dù là ý chí tự nguyện) vẫn coi như bị tước bỏ hoàn toàn. Và một điều đương nhiên, nếu hiểu cha mẹ phải đồng ý về nội dung di chúc thì đã bao hàm cả việc đồng ý cho lập di chúc.

Như vậy, khi người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc và định đoạt tài sản thì cha, mẹ hoặc người giám hộ chỉ có quyền nêu ý kiến của mình về việc có đồng ý cho người đó lập di chúc hay không mà không được can thiệp vào nội dung của di chúc hay sự định đoạt của người lập di chúc.


Về vấn đề thứ hai, căn cứ vào cách hành văn của điều luật thì chỉ cần một trong hai người là cha hoặc mẹ đồng ý là đủ, mà không cần thiết phải được sự đồng ý của hai người.

Pháp luật dân sự cũng đã quy định rõ ràng về việc giám hộ tại Mục 4 Chương III, Phần thứ nhất BLDS 2005. Điều 58 BLDS 2005 quy định: “Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ)”. Thông thường, cha mẹ sẽ là người đại diện cho con cái để thực hiện các giao dịch dân sự, trừ những giao dịch có giá trị nhỏ, nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, thì người giám hộ được xác định có thể là anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ [27, Điều 61]. Trong trường hợp này, thì người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi chỉ có quyền lập di chúc khi được sự đồng ý của người giám hộ.

Một số vấn đề khác cần đặt ra khi nghiên cứu về sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ đối với hành vi lập di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đó là:

+ Hình thức đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc không được điều luật

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 21/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí