Sơ Lược Về Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Pháp Luật Về Quyền Của Người Lập Di Chúc Ở Việt Nam


của toàn xã hội, pháp luật về thừa kế của nhà nước ta một mặt luôn tôn trọng quyền tự định đoạt của người lập di chúc, mặt khác, luôn đặt quyền tự định đoạt đó trong một khuôn khổ nhất định, nhằm tạo ra một khung hành lang pháp lý để xác định rõ người lập di chúc có những quyền gì, những quyền đó bị hạn chế trong những trường hợp nào. Bởi vì “Quyền phải gắn với phạm vi quyền, nghĩa vụ và năng lực của cá nhân và phải chịu tác động trong phạm vi giới hạn của pháp luật hay vùng lãnh thổ nhất định. Quyền của cá nhân chỉ bị tước bỏ bởi pháp luật, chấm dứt khi người đó chết” [34].

Quyền thừa kế xuất phát từ quan điểm coi gia đình là tế bào của xã hội, phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của mọi thành viên và sự ổn định gia đình. Măt khác, thông qua quyền thừa kế, giáo dục tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với gia đình. Do vậy, bên cạnh việc quy định người lập di chúc được hưởng các quyền nhất định, pháp luật còn giới hạn quyền của người lập di chúc trong những phạm vi nhất định nhằm bảo vệ lợi ích của những người liên quan. Quyền của người lập di chúc bị giới hạn trong một số trường hợp sau: Giới hạn trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế; phải dành một phần di sản cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc; giới hạn trong trường hợp để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng; giới hạn trong việc phân chia di sản thừa kế.

Như vậy, có thể nói việc pháp luật vừa ghi nhận vừa giới hạn quyền của người lập di chúc là hai mặt của một vấn đề, là hai phạm trù đối lập nhưng cùng thống nhất với nhau nhằm mục tiêu góp phần củng cố, giữ vững tình yêu thương gia đình, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của những người có liên quan, những người có ảnh hưởng trực tiếp bởi việc tự do định đoạt tài sản của người lập di chúc nhưng vẫn tôn trọng, đảm bảo được các quyền của người lập di chúc.


1.4. Sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển pháp luật về quyền của người lập di chúc ở Việt Nam

1.4.1. Giai đoạn trước năm 1945

Chế định thừa kế được quy định rất sớm trong pháp luật Việt Nam. Dưới thời phong kiến, theo tài liệu còn lưu trữ được đến ngày nay, chế định thừa kế đã được quy định trong Bộ Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) dưới triều đại nhà Lê và Bộ Hoàng Việt Luật Lệ (Bộ luật Gia Long) dưới triều đại nhà Nguyễn.

Trong Quốc triều Hình luật, mặc dù luật không xây dựng các quy định về thừa kế thành các phần, các chương nhưng qua nội dung các điều luật có thể thấy vấn đề thừa kế được quy định từ Điều 374 đến Điều 400 và nằm rải rác tại một số điều khác. Các quy định đã thể hiện việc tôn trọng ý muốn và quyền quyết định của người có tài sản. Trong Bộ luật Hồng Đức quy định các con (con trai, con gái, con nuôi) đều có quyền thừa kế của cha, mẹ. Mọi người đều có quyền để lại hương hỏa cho con cháu. Điều 388 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Cha mẹ mất cả, có mộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh chị em tự chia nhau, thì lấy một phần 20 số mộng đất làm hương hỏa, giao cho người con trai trưởng giữ, còn thì chia nhau. Phần con của vợ lẽ, nàng hầu, thì phải kém. Nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư, thì phải theo đúng, trái thì mất phần mình”. Điều 390 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Người làm cha mẹ phải liệu tuổi già mà lập sẵn chúc thư. Cha mẹ làm chúc thư phân chia tài sản, thiết lập hương hỏa trong chúc thư” [1].

Như vậy, Bộ luật Hồng Đức đã quy định quyền lập chúc thư để lại di sản, đặc biệt là những người tuổi cao. Cha mẹ có quyền lập chúc thư phân định tài sản cho con cái, xác định phần hương hỏa trong chúc thư.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Trong Hoàng Việt Luật lệ, vấn đề thừa kế được quy định tại Quyển 6 - Hộ luật. Tuy nhiên, theo như nhận xét của cố Giáo sư Vũ Văn Mẫu về Hoàng


Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành - 5

Việt Luật lệ thì “…Bao nhiêu những sự tân kỳ mới lại trong bộ luật triều Lê, không còn lưu lại một chút dấu tích nào trong luật nhà Nguyễn. Qua những điều khoản của bộ luật này, hình ảnh yêu dấu của dân tộc Việt Nam đã được nhường chỗ cho hình ảnh lạnh lùng xa lạ của dân tộc Mãn thanh…Vì một việc làm vô thức như vậy, mà trong luật lệ của nhà Nguyễn, không còn những điều khoản liên quan đến hương hỏa, đến chúc thư, đến các điều kiện về giá thú, đến chế độ tài sản của vợ chồng” [19]. Bộ luật Gia Long (hay còn gọi là Hoàng Việt luật lệ) là phiên bản của Bộ luật Mãn Thanh (Trung Quốc). Bộ luật không thừa nhận quyền thừa kế của con gái mà chú trọng đến quyền lợi của con trai, thể hiện rõ việc trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên, bộ luật cũng công nhận vai trò của việc thừa kế theo di chúc, thể hiện tại Điều 388 Bộ luật này quy định: "Nếu có mệnh lệnh của cha mẹ, phải theo đúng. Vi phạm điều này sẽ mất phần" [2].

Dưới thời Pháp thuộc, nước ta bị chia cắt thành các vùng lãnh thổ có chế độ chính trị khác nhau, Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, Bắc Kỳ và Trung Kỳ là đất bảo hộ, ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng là nhượng địa của Pháp. Tương ứng với các chế độ chính trị khác nhau là hệ thống tổ chức tư pháp khác nhau và các bộ luật riêng biệt cũng được ban hành. Theo đó, vấn đề thừa kế ở ba kỳ được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ vấn đề thừa kế được quy định lần lượt trong Bộ dân luật Bắc Kỳ được ban hành năm 1931 với nhan đề chính thức là Bộ dân luật được thi hành tại các Tòa Nam án Bắc Kỳ và Bộ dân luật Trung Kỳ được ban hành năm 1936 có tên gọi là Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật. Chế định thừa kế trong dân luật Bắc Kỳ 1931 và Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật tương đối giống nhau. Trong hai bộ luật này, phần thừa kế được phân thành những quy định chung, thừa kế có di chúc, thừa kế theo pháp luật và các quy định khác như kỵ, điền, hầu điền…Bộ dân luật Bắc Kỳ quy định: Người thành niên hoặc đã thoát


quyền, nếu có đủ trí khôn đều có thể làm di chúc để xử trí tất cả tài sản của mình (Điều 321). Người cha có thể lập chúc thư để định đoạt tài sản của mình, nhưng phải giữ quyền lợi cho vợ chính. Vợ chính, vợ thứ trong khi đương giá thú có thể định đoạt tài sản riêng của mình nếu chồng ưng thuận (Điều 320). Người lập di chúc có thể truất quyền thừa kế của một hay nhiều người trong những người được thừa kế. Việc truất quyền thừa kế phải được lập thành văn bản do Viên quản lý văn khế lập hoặc do Lý trưởng nơi cư trú của người lập chúc thư. Người lập di chúc có quyền dành một phần di sản để thờ cúng. Chúc thư phải làm thành văn bản hoặc do viên quản lý văn khế làm ra hoặc có công chứng thị thực. Chúc thư không có viên chức thị thực phải do người lập chúc thư viết lấy và ký tên. Nếu người lập chúc thư đọc để người khác viết thay thì phải có ít nhất hai người đã thành niên làm chứng. Người làm chứng thường là lý trưởng tại nơi trú quán của người lập chúc thư, nếu ở xa không về nơi trú quán được thì chúc thư ấy phải có sự chứng kiến của lý trưởng nơi hiện ở của người lập chúc thư (Điều 316).

Khi người lập chúc thư muốn thay đổi một phần hay toàn bộ chúc thư, thì bản chúc thư sau phải tiến hành đúng những thủ tục trên và phải nêu rõ việc người lập chúc thư thay đổi một phần hay toàn bộ bản chúc thư, nếu không nói rõ thì chỉ những điều khoản nào không hợp hoặc có trái với bản chúc thư sau mới bị bỏ mà thôi.

Bộ dân luật Trung Kỳ hay còn gọi là Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật gồm 1709 điều, được chia làm 5 quyển. Có thể nói, Bộ luật này hầu như sao chép lại nhiều điều khoản trong Bộ dân luật Bắc Kỳ, ví dụ Điều 341 Bộ dân luật Trung Kỳ giống Điều 346 Bộ dân luật Bắc Kỳ; Điều 359 Bộ dân luật Trung Kỳ giống Điều 360 Bộ dân luật Bắc Kỳ; Điều 111 Bộ dân luật Trung Kỳ giống Điều 113 Bộ dân luật Bắc Kỳ; Điều 313 Bộ dân luật Trung Kỳ giống Điều 321 Bộ dân luật Bắc Kỳ; Điều 312 Bộ dân luật Trung Kỳ giống Điều


320 Bộ dân luật Bắc Kỳ…

Ở Nam Kỳ, Bộ dân luật giản yếu ban hành kèm theo Sắc lệnh ngày 3/10/1883 của Tổng thống Pháp,“song khác với hai Bộ dân luật Bắc và Trung Bộ dân luật giản yếu chỉ quy định toàn thể các vấn đề được đề cập trong quyển thứ 1 của Bộ dân luật Pháp. Tất cả các vấn đề ấy đều liên quan về nhân pháp (nghĩa là luật pháp nói về người, gồm các vấn đề liên quan đến gia đình và thân phận, năng lực của con người). Còn các vấn đề về thừa kế, và chế độ tài sản của vợ chồng không được đề cập tới” [19, tr.215]. Do đó, trong các việc kiện tụng liên quan đến thừa kế, “các thẩm phán trước năm 1949 còn phải dựa vào Luật Gia Long để xét xử” [18, tr.215], thậm chí trong nhiều trường hợp “phải nại tới những điều khoản trong luật Nhà Lê để bổ khuyết cho Luật Nhà Nguyễn” [19, tr.216].

1.4.2. Giai đoạn từ 1945 đến trước ngày 1/7/1996

1.4.2.1. Giai đoạn 1945 đến 1975

Không lâu sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 47/SL về việc tạm thời áp dụng các luật lệ cũ, theo đó, “Cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật hiện hành ở Bắc, Trung và Nam bộ vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ” [11, Điều 1], nếu những quy định trong các luật lệ cũ “không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa” [11, Điều12]. Phù hợp với quy định của Sắc lệnh này, Bộ dân luật Bắc Kỳ ban hành năm 1931, Bộ Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật ban hành năm 1936 và Bộ dân luật giản yếu Nam Kỳ năm 1883 vẫn có hiệu lực thi hành ở Việt Nam sau ngày thành lập chính quyền nhân dân. Ngày 22/6/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 97/SL về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật, theo đó Điều 1 Sắc lệnh này quy định: “Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi


người ta hành sự nó đúng với quyền lợi của nhân dân” [12]. Sự ra đời của Hiến pháp năm 1959 đã đánh dấu bước trưởng thành lớn của công tác lập pháp nước ta. Quyền thừa kế được Hiến pháp ghi nhận tại Điều 19: "Nhà nước chiểu theo pháp luật để bảo hộ quyền thừa kế về tài sản của công dân" [22]. Đây là một nguyên tắc Hiến định, là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền thừa kế cho công dân.

Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, miền Nam bị đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai thống trị. Do đó, ở hai miền Nam, Bắc của Việt Nam thời gian từ năm 1954 đến năm 1975 về cơ bản có hai hệ thống pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, Nhà nước không thể ban hành ngay hệ thống pháp luật mới, cho nên Nhà nước giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp không áp dụng pháp luật cũ mà áp dụng pháp luật của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước để xét xử. Ngày 10/7/1959 Tòa án nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị số 772-CT/TANDTC về việc đình chỉ áp dụng luật lệ của đế quốc và phong kiến. Để thống nhất đường lối giải quyết các tranh chấp về thừa kế, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số văn bản hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp về đường lối xét xử, gồm các văn bản sau: Thông tư số 549/NCPL ngày 27/8/1968 Tổng kết kinh nghiệm và hướng dẫn đường lối xử các việc tranh chấp về thừa kế; Thông tư số 02/TATC ngày 02/8/1973 Hướng dẫn đường lối xử lý các tranh chấp về thừa kế di sản của liệt sỹ.

Tại miền Nam Việt Nam, thời gian đầu để giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung và vấn đề thừa kế nói riêng thì “luật và án lệ áp dụng ở Nam phần đại khái cũng không khác Bộ dân luật Bắc Kỳ hiện hành ở Bắc phần và Bộ Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật hiện hành ở Trung phần” [29, tr.161-162]. Năm 1972, Bộ dân luật của chế độ Việt Nam Cộng hòa được ban hành kèm theo Sắc luật số 028/TT/SLU ngày 20 tháng 12 năm 1972 của Tổng


thống Việt Nam Cộng hòa. Nội dung của Bộ dân luật này gần giống với nội dung của Bộ dân luật Bắc Kỳ và Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật. Trong đó, chế định thừa kế cũng đã được qui định cụ thể trong Bộ dân luật này. Điều thứ 498 Bộ dân luật 1972 khẳng định: “Di sản được truyền cho ai là do luật pháp định hay là do ý muốn của người quá cố” [5].

Về quyền của người lập di chúc được quy định tại một số điều:

Điều thứ 503 Bộ dân luật 1972 quy định: “Một thừa kế còn có thể bị truất quyền do chúc thư của người mệnh một để lại có viện dẫn lý do. Nói về sự hủy bãi và thất hiệu chúc thư”; Điều thứ 582 Bộ dân luật 1972 quy định “Người lập chúc thư có toàn quyền hủy bãi toàn thể, một phần chúc thư của mình đã làm ra hoặc bằng một chúc thư làm sau cũng theo các thể thức nói ở trên, hoặc bằng một chứng thư hủy bãi lập tại phòng chưởng khế theo các điều kiện luật định”; Điều thứ 583 Bộ dân luật 1972 quy định: “Nếu chúc thư làm sau không nói rõ là hủy bãi chúc thư trước thì chỉ những điều khoản nào trong chúc thư trước trái ngược với chúc thư sau hay xem ra không thể dung hòa được mới bị coi là bị hủy bãi mà thôi”; Điều thứ 585 Bộ dân luật 1972 quy định: “Mọi việc đoạn mại, đổi chác do người lập chúc ưng thuận về một tài sản đã được di tặng trong chúc thư, sẽ có hiệu quả hủy bãi việc di tặng về tài sản đó, dầu rằng việc đoạn mại hay đổi chác vô hiệu vì một lý do nào. Nếu tài sản di tặng được đem cầm cố hay điển mại, thì người thụ di vẫn được hưởng tài sản ấy, nhưng phải chuộc lại”; Điều thứ 586 Bộ dân luật 1972 quy định: “Nếu người thụ di chết trước người lập chúc, sự di tặng đối với người ấy sẽ đương nhiên thất hiệu”; Điều thứ 587 Bộ dân luật 1972 quy định: “Việc người thụ di bị bất xứng hay truất quyền sẽ có hậu quả hủy bãi sự di tặng đối với người ấy”; Điều thứ 588 Bộ dân luật 1972 quy định: “Sự di tặng cũng có thể bị hủy bãi, nếu người thụ di không chịu thi hành những nghĩa vụ do người lập chúc bó buộc” [5].


Vấn đề hương hỏa được quy định tại các điều:

Điều thứ 600 Bộ dân luật 1972 quy định: “Hương hỏa là tài sản được giao riêng cho người thừa tự để lấy huê lợi dùng vào việc phụng tự người quá cố hoặc của người phối ngẫu và tổ tiên nội tộc của người ấy nữa. Hương hỏa bất khả đoạn mại và bất khả thời tiêu”. Về sự thành lập hương hỏa: Điều thứ 601 Bộ dân luật 1972 quy định: “Sự thành lập hương hỏa phải có giấy tờ mới hữu hiệu. Nếu tài vật được lập thành hương hỏa là bất động sản, phải làm chứng thư trước chưởng khế hay chứng thư có thị thực. Nếu là động sản, một tư chứng thư cũng đủ, miễn là người lập hương hỏa biết đọc và biết viết. Có thể lập hương hỏa ngay trong chúc thư hay tờ phân sản, trong các trường hợp này, chỉ cần tuân theo các thể thức lập các chứng thư ấy. Người lập hương hỏa phải đủ 18 tuổi, trừ phi trước đó đã được thoát quyền do hôn thú”; Điều thứ 605 Bộ dân luật 1972 quy định: “Phần hương hỏa không bao giờ được quá giới hạn một phần năm tổng số tài sản của người thành lập, mà cũng không được quá giới hạn diện tích tối đa theo luật định. Nếu ngoài hương hỏa còn có được thiết lập các tư sản khác như kỵ điền, hậu điền, thì sự giới hạn trên phải được áp dụng cho tất cả các thứ tư sản hợp lại”; Điều thứ 606 Bộ dân luật 1972 quy định: “Quá giới hạn kể trên, hương hỏa có thể bị giảm thiểu cho vừa tới mức cho phép, theo lời yêu cầu của các thừa kế và chủ nợ của người này” [5].

Như vậy, nghiên cứu vấn đề thừa kế từ 1945 - 1975 chúng ta thấy, pháp luật về thừa kế Việt Nam trong giai đoạn này tuy cơ bản vẫn tiếp tục duy trì theo ba bộ pháp điển là Bộ dân luật Bắc Kỳ, Bộ dân luật Trung Kỳ và Pháp quy giản yếu (1873), nhưng lại mang một nội dung mới rất tiến bộ, hướng tới việc xoá bỏ những quan niệm lạc hậu, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ, bình đẳng mọi công dân trong lĩnh vực thừa kế.

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 21/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí