Xác Định Lượng Thông Báo Hay Khoảng Cách Đặt Hàng

Cũng có thể xác định mức dự trữ bảo hiểm trên cơ sở số liệu thống kê đã có với lý thuyết phân bố xác suất của lượng dự trữ bảo hiểm là một đại lượng ngẫu nhiên.

Với mức dự trữ này, doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục, không bị gián đoạn do thiếu nguyên vật liệu các điều kiện cung ứng không bình thường.

5.2.3.3. Lượng dự trữ tối thiểu cần thiết

Để hoạt động sản xuất (tiêu thụ) tiến hành bình thường trong mọi điều kiện doanh nghiệp phải tính toán lượng nguyên vật liệu dự trữ tối thiểu cần thiết. Thông thường, lượng dự trữ tối thiểu cần thiết là tổng của lượng dự trữ thường xuyên và lượng dự trữ bảo hiểm:

TX + Q BH

QDTmin = QDT DT

Trong đó:


QDTmin : Là lượng dự trữ tối thiểu cần thiết.

Như thế, lượng nguyên vật liệu (hàng hóa) dự trữ tối thiểu cần thiết đảm bảo sản xuất (tiêu thụ) tiến hành liên tục trong điều kiện cung ứng bình thường và cả trong điều kiện cung ứng không bình thường, gặp phải các trắc trở nhất định về thời gian, số lượng và/hoặc chất lượng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.

Ngoài ra, ở các doanh nghiệp hoạt động theo mùa sẽ phải xác định thêm lượng dự trữ theo mùa. Các doanh nghiệp sản xuất từ nguyên vật liệu mang tính thời vụ như nông, lâm, hải sản thường cố gắng mở rộng thời gian sản xuất bằng cách nghiên cứu cung cấp dịch vụ kỹ thuật cải tạo giống cây trồng, vật nuôi để kéo dài thời gian mùa vụ thu hoạch chúng; đồng thời, doanh nghiệp phải có chính sách giá cả hợp lý, khuyến khích nông dân kéo dài mùa vụ thu hoạch và cung cấp ổn định cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất và/hoặc tiêu thụ sản phẩm có tính chất mùa vụ sẽ phải xác định lượng hàng hóa dự trữ theo mùa phụ thuộc vào mức sản xuất một ngày đêm, thời gian lưu kho tính từ khi bắt đầu sản xuất theo mùa vụ đến lúc đem sản phẩm đi tiêu thụ. Thời gian lưu kho mang tính chất mùa vụ phụ thuộc vào cầu về sản phẩm theo mùa của từng mùa vụ cụ thể.

5.2.4. Xác định lượng thông báo hay khoảng cách đặt hàng

Quản trị doanh nghiệp - 16

Về nguyên tắc, trong kho luôn phải lưu mức dự trữ tối thiểu cần thiết để đảm bảo quá trình sản xuất (tiêu thụ) diễn ra liên tục trong mọi điều kiện cung ứng bình thường và không bình thường. Mặt khác, doanh nghiệp cũng xác định được lượng đặt hàng và lưu kho tối ưu phù hợp với các điều kiện cung ứng và lưu kho của mình.Vấn đề được đặt ra, vậy khi nào thì doanh nghiệp phải thông báo cho những người cấp hàng để người cung ứng hàng chuẩn bị cấp hàng cho mình? Và liệu mức cấp hàng mỗi lần có thay đổi hay không?

Trong thực tế, việc giải đáp các vấn đề trên không đơn giản bởi lẽ thực tế không phải lúc nào mức tiêu hao nguyên vật liệu (bán hàng) cũng trùng với định mức tiêu

dùng (tiêu thụ) chúng mà còn có các yếu tố như hư hỏng, mất khi lưu kho… Có hai hệ thống đặt hàng mà các doanh nghiệp hay áp dụng là hệ thống đặt hàng theo thời điểm và hệ thống đặt hàng theo lượng thông báo:


DT

Q1

Q2

Q3

QDT


0 t1 t2 t3 t


Hình 5.1: Khoảng cách đặt hàng cố định

Nếu gọi Q1, Q2 và Q3 là lượng hàng thực tế còn lưu kho QDTmin ≠ Q1 ≠Q2 ≠ Q3 ; t1, t2 và t3 là khoảng cách đặt sẽ có t= t1 = t2 = t3.

Ở hệ thống đặt hàng theo thời đỉểm doanh nghiệp xác định khoảng cách thời gian đặt hàng cố định (t). Khoảng cách thời gian đặt hàng cố định (t) được xác định trên cơ sở lượng đặt hàng và lưu kho tối ưu, lượng lưu kho tối thiểu cần thiết và định mức sử dụng nguyên vật liệu (tiêu thụ hàng hóa) một ngày đêm. Theo đó có thể xác định trước được lịch đặt hàng cố định trên cơ sở xác định được số ngày lưu kho tối ưu và số ngày dự trữ tối thiểu cần thiết.

Với cách xác định như vậy sẽ dẫn đến tại thời điểm đặt hàng thực tế lưu kho chưa chắc trùng với lượng dự trữ tối thiểu cần thiết, nên sẽ xảy ra: Trường hợp thứ nhất, vẫn đặt hàng theo mức bằng lượng đặt hàng tối ưu sẽ dẫn đến kết quả là cho đến khi hàng đưa vào kho sẽ làm cho lượng lưu kho sai lệch so với lượng đặt và lưu kho tối ưu. Mặt khác, cũng có thể dẫn đến trường hợp lượng lưu kho thấp hơn mức dự trữ tối thiểu cần thiết gây ra nguy cơ có thể làm đứt đoạn hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp thứ hai, phải kiểm kê kho ở thời điểm đặt hàng cố định để xác định lượng đặt hàng cho kì đặt tiếp theo. Với cách thứ hai sẽ xác định chính xác lượng đặt hàng, song sẽ phải chịu hao phí lao động và phương tiện để kiểm kê.

Ở hệ thống đặt hàng theo lượng thông báo thì cứ đến khi trong kho còn lượng lưu kho tối thiểu cần thiết doanh nghiệp sẽ thông báo cho người cấp hàng cung cấp một đợt hàng mới. Lượng thông báo là lượng tồn kho tối thiểu mà ở mức đó doanh nghiệp phải thông báo cho người cấp hàng cung ứng lần tiếp theo. Như thế, sẽ dễ dàng xác định được lượng thông báo chính là lượng dữ trữ tối thiểu cần thiết trong kho. Hệ thống đặt hàng này cho phép có lượng đặt hàng cố định, không dẫn đến nguy cơ lượng

hàng lưu kho dưới mức tối thiểu cần thiết nhưng lại dẫn đến khoảng cách thời gian đặt hàng không giống nhau.


DT

Q1

Q2

Q3

QDT


0 t1 t2 t3 t


Hình 5.2: Đặt hàng theo lượng thông báo

Nếu gọi Q1, Q2 và Q3 là lượng hàng thực tế lưu kho, sẽ có QDTmin = Q1 =Q2 = Q3; t1, t2 và t3 là khoảng cách đặt, ta sẽ có t≠ t1 ≠ t2 ≠ t3.

Trong thực tiễn có thể sử dụng hệ thống “hai tín hiệu”: cứ mỗi lần xuất kho lại so sánh lượng hàng hóa còn lại (tín hiệu thứ nhất) với lượng lưu kho tối thiểu cần thiết (tín hiệu thứ hai). Nếu tín hiệu thứ nhất trùng với tín hiệu thứ hai sẽ phải thông báo đặt một đợt hàng mới.

5.3. LỰA CHỌN NGƯỜI CUNG CẤP

5.3.1. Sự cần thiết

Do giá trị nguyên vật liệu chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản phẩm (khoảng từ 50% đến 70% đối với doanh nghiệp sản xuất và cao hơn đối với doanh nghiệp thương mại) nên việc lựa chọn người cấp hàng với tổng giá cả và chi phí vận tải nhỏ nhất sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản phẩm và do đó làm tăng lợi nhuận có thể thu được. Ý nghĩa của việc lựa chọn người cấp hàng càng lớn với các doanh nghiệp chi phí nguyên vật liệu chiếm tỉ trọng càng cao trong giá thành, thị trường nguyên vật liệu càng mở rộng, nhân tố giá cả và nhân tố vận chuyển có ảnh hưởng lớn đến chi phí kinh doanh mua sắm bình quân.

Tuy nhiên, thị trường luôn có nhiều loại nguyên vật liệu với phẩm cấp rất khác nhau, có loại phẩm cấp đáp ứng được yêu cầu sản xuất và chất lượng sản phẩm tạo ra, đáp ứng được cầu của người mua nhưng cũng có những loại không đáp ứng được các yêu cầu này. Vì vậy, việc tính toán đầy đủ các khía cạnh cần thiết để lựa chọn người cấp nguyên vật liệu (hàng hóa) vừa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng, thời gian cung cấp, vừa đảm bảo được mức chi phí kinh doanh mua sắm và vận chuyển để doanh nghiệp chấp nhận được là một trong những vấn đề rất quan trọng.

Thị trường càng mang tính khu vực và quốc tế, phạm vi mua sắm của doanh nghiệp càng rộng thì doanh nghiệp càng có nhiều khả năng tìm kiếm và lựa chọn người cấp hàng cho mình.

5.3.2. Quan điểm và nhân tố ảnh hưởng

Có nhiều quan điểm khác nhau về lựa chọn người cấp hàng. Quan điểm truyền thống cho rằng phải thường xuyên lựa chọn người cấp hàng vì như thế mới chọn được người cấp hàng với giá cả đem lại chi phí kinh doanh thấp nhất. Những nhà quản trị theo quan điểm này thường thay đổi người cấp hàng bằng các biện pháp như thường xuyên tính toán, lựa chọn người cấp hàng, tổ chức đấu thầu cho mỗi lần cấp hàng…

Quan niệm hiện đại không thường xuyên lựa chọn người cấp hàng mà phải đánh giá thật thận trọng theo các tiêu chuẩn nhất định để quyết định lựa chọn người cấp hàng rồi thiết lập mối quan hệ bền chặt với người cấp hàng bằng các giải pháp thích hợp, tiến hành marketing với người cấp hàng nhằm làm cho họ thường xuyên cung cấp hàng hóa cho mình với độ tin cậy cao, chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý.

Để lựa chọn người cấp hàng phải có số liệu bao quát về thị trường. Đó là các số liệu về số lượng người cấp hàng, về khả năng giá cả, chất lượng, chủng loại… của từng người cấp hàng cụ thể. Các số liệu loại này thường xuyên thay đổi nên doanh nghiệp phải định kì bổ sung. Phải có các số liệu cụ thể về giá cả: giá đơn vị sản phẩm; đặc điểm của giá như giá tại nơi nhận hàng, giá tại nơi bán hàng, giá CIF, giá FOB hoặc giá cứng, giá mềm…; các điều kiện giảm giá cũng như điều kiện thanh toán, hình thức tiền tệ thanh toán…

Bên cạnh đó, phải thu thập và phân tích các số liệu về quãng đường vận chuyển, phương thức và phương tiện vận chuyển; hệ thống kho tàng trung gian; phương thức giao nhận và kiểm tra hàng hóa…

Tiếp đến là nhân tố chất lượng như sự thích hợp về kỹ thuật của nguyên vật liệu, tuổi thọ của nguyên vật liệu; sự tin cậy đối với người cấp hàng cả về thời gian, số lượng và chất lượng nguyên vật liệu, tính rò ràng và minh bạch của người cung cấp…

5.3.3. Tìm kiếm và lựa chọn người cấp hàng

Thứ nhất, các loại người cấp hàng. Xét về mặt hình thức, có hai loại người cấp hàng chủ yếu là những người cấp hàng đã có sẵn trên thị trường và những người cấp hàng mới xuất hiện.

Những người cấp hàng cũ đã quen thuộc, hai bên đều đã quan hệ với nhau ổn định và đã khá am hiểu về nhau. Vì vậy, với những người này doanh nghiệp có lợi thế là lựa chọn chắc chắn, nhìn chung là không sợ rủi ro song cũng có nhược điểm lớn là hai bên cấp hàng với nhau hay theo lối mòn truyền thống đã có, ít có sự thay đổi về phương thức, chất lượng nguyên vật liệu (hàng hóa) hoặc sự thay đổi có thể chưa đủ độ cần thiết…

Những người cấp hàng mới xuất hiện thường tự tìm đến và giới thiệu, xin được cung cấp hàng hóa mà doanh nghiệp có cầu. Con đường tìm đến doanh nghiệp có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp (gửi quảng cáo giới thiệu, cataloge, ấn phẩm liên quan…). Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm những người cấp hàng mới qua các tài liệu như tạp chí kinh doanh, ấn phẩm quảng cáo, gọi thầu…

Những người cấp hàng mới xuất hiện vừa có thể đem lại lợi thế mới cho doanh nghiệp mua nguyên vật liệu (hàng hóa): có nhiều người hơn để kinh doanh lựa chọn, có thể có những nhân tố mới xuất hiện như chất lượng, giá cả, phương thức cung ứng, thanh toán… nguyên vật liệu (hàng hóa); vừa đem đến những nguy cơ chứa đựng những rủi ro nhất định về những vấn đề của người cung ứng mà doanh nghiệp chưa biết rò như độ tin cậy về chất lượng nguyên vật liệu (hàng hóa), về sự đảm bảo thời gian cung ứng, về tính minh bạch trong thanh toán ...

Thứ hai, xây dựng các tiêu chuẩn cần thiết. Để lựa chọn người cấp hàng một cách khách quan doanh nghiệp phải xác định trước các tiêu chuẩn nhất định đối với người cấp hàng cho mình, chẳng hạn như các tiêu chuẩn về năng lực của người cấp hàng, độ tin cậy về chất lượng nguyên vật liệu (hàng hóa) và thời gian cung ứng, các yêu cầu tối thiểu về giá cả và phương thức thanh toán, cự li vận chuyển...Tùy thuộc vào số lượng, tầm quan trọng và đặc điểm của từng loại nguyên vật liệu (hàng hóa) được cung cấp mà doanh nghiệp xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể thích hợp đối với người sẽ cấp hàng cho mình.

Thứ ba, cân nhắc lựa chọn người cấp hàng. Qua phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến cung ứng, so sánh và cân nhắc giữa những người cấp hàng cả cũ và mới doanh nghiệp có thể lựa chọn bạn hàng cho mình. Khi xác định số người cấp hàng cho doanh nghiệp cần đặt ra cân nhắc vấn đề sau:

Nếu lựa chọn quá ít, mỗi người sẽ cung cấp với số lượng lớn,doanh nghiệp sẽ có lợi thế mua bán số lượng lớn, về độ tin cậy giữa bên mua và bán và về lâu dài có thể trở thành khách hàng truyền thống...nhưng lại có hạn chế là độ rủi ro cao, đôi khi có thể bị ép giá ...

Ngược lại, nếu lựa chọn quá nhiều người cung cấp cho mình có ưu điểm là giảm độ rủi ro, tránh được sức ép giá...nhưng lại có hạn chế là không được giảm giá do mua ít, doanh nghiệp khó trở thành bạn hàng truyền thống của người cấp hàng, tính ổn định về giá cả và chất lượng không cao...

5.4. XÂY DỰNG VÀ QUẢN TRỊ HỆ THỐNG KHO TÀNG

5.4.1. Xây dựng hệ thống kho tàng

Một số loại nguyên vật liệu mang tính chất đặc biệt gắn trực tiếp quá trình mua sắm và quá trình sử dụng chúng như điện, nước, ga... do chúng được vận chuyển liên tục đến doanh nghiệp bằng hệ thống dây dẫn hoặc ống dẫn. Hầu hết các loại nguyên

vật liệu (hàng hóa) còn lại đều mang đặc trưng cơ bản là có sự tách biệt giữa quá trình mua sắm và quá trình sử dụng chúng.

Với mọi loại nguyên vật liệu (hàng hóa) mang đặc trưng tách rời giữa quá trình mua sắm và sử dụng (tiêu thụ) doanh nghiệp phải tổ chức dự trữ chúng . Lưu kho với ý nghĩa dự trữ cũng có thể coi là một bộ phận của quá trình sản xuất, chẳng hạn nếu phải lưu kho để sấy khô (vải, gỗ, gạch ngói... trong công nghiệp, quần áo, chăn màn... trong các khách sạn...), để lên men (bia, rượu vang...), dự trữ bán thành phẩm làm cho quá trình sản xuất không bị gián đoạn, hoặc bảo ôn trước khi đưa đi bán (đưa vào sử dụng) như đồ hộp... Loại lưu kho này được gọi là lưu kho sản xuất.

Bên cạnh đó, trong các điều kiện bất ổn về thị trường cung cấp dẫn đến nguy cơ không có lợi cho doanh nghiệp nếu không dự trữ trước chẳng hạn như thị trường sẽ khan hiếm hơn, giá cả sẽ tăng cao hơn, chất lượng nguyên vật liệu (hàng hóa) đang sử dụng ở mức phổ biến sẽ bị thay đổi không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất (tiêu thụ) nữa... thì trong điều kiện các khả năng cho phép bên cạnh dự trữ cân đối với nhiệm vụ sản xuất doanh nghiệp còn phải tính tới dự trữ mang tính đầu cơ. Trong các trường hợp này lượng đặt hàng không chỉ dựa trên cơ sở cầu của thời kì kế hoạch mà còn phải dựa trên các cơ sở về đặc điểm nguyên vật liệu (hàng hóa) lưu kho, năng lực kho tàng, năng lực tài chính...

Muốn lưu kho doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống kho tàng thích hợp. Giữa mua sắm vận chuyển và lưu kho tồn tại mối quan hệ sau: mọi hàng hóa sau khi được mua sắm ở thị trường phải được vận chuyển về doanh nghiệp và tạm thời dự trữ trong kho (chỉ trừ trường hợp ngoại lệ). Việc tính toán,bố trí hệ thống kho tàng phải nhằm mục tiêu đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất (bán hàng) với tổng chi phí kinh doanh mua sắm,vận chuyển và lưu kho tối thiểu.

Có thể có nhiều tiêu thức phân loại kho tàng khác nhau, dưới đây đề cập đến các cách phân loại phổ biến:

Thứ nhất, nếu căn cứ vào công dụng của kho tàng sẽ có kho nhập, kho chuẩn bị, kho trung gian và kho xuất. Thông thường doanh nghiệp phải xây dựng không chỉ kho nhập mà còn phải xây dựng cả kho chuẩn bị, kho trung gian và kho xuất nguyên vật liệu (hàng hóa). Kho nhập chứa các loại nguyên vật liệu (hàng hóa) mua vào và cần thiết được bố trí ở vị trí trước và gần với khâu sản xuất. Kho chuẩn bị được tổ chức như những nơi làm việc nhất định, hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu sơ chế nguyên vật liệu (hàng hóa) trước khi đưa vào sản xuất. Kho trung gian cần cho các loại sản phẩm dở dang và bán thành phẩm ở các mức độ khác nhau, nằm trên dây truyền sản xuất. Kho xuất thành phẩm (hàng hóa) chuẩn bị thành phẩm xuất cho nơi sử dụng (bán hàng). Kho xuất nằm ở cuối dây chuyền sản xuất và thường gắn với bộ phận tiêu thụ.

Xu hướng sử dụng các dây chuyền sản xuất liên tục, tự động hóa cao thường dẫn đến sự giảm kho trung gian ở các bộ phận sản xuất. Tất nhiên cũng có thể cho phép cả ba loại kho đó cũng nằm trong một nhà kho, điều này thường xảy ra ở các doanh nghiệp qui mô nhỏ hoặc doanh nghiệp dịch vụ.

Về nguyên tắc ở các doanh nghiệp thương mại không cần có sự tách biệt giữa kho nhập, kho trung gian và kho xuất. Thông thường các doanh nghiệp này chỉ phân biệt kho hàng theo không gian, số lượng và thời gian lưu kho để hoàn thành việc chuyển hàng hóa giữa mua và bán.

Thứ hai, căn cứ vào không gian phân bố. Căn cứ vào không gian phân bố có hình thức kho tập trung và phân tán. Kho tập trung là hình thức tổ chức ở doanh nghiệp một kho lớn cho mọi loại nguyên vật liệu (hàng hóa) lưu kho. Với hình thức xây dựng kho tập trung sẽ giảm được chi phí kinh doanh xây dựng, quản trị kho tàng so với hình thức xây dựng kho phân tán nhờ giảm khối lượng công việc xây dựng, lao động quản trị và hợp lý hóa khâu bố trí hàng hóa trong kho cũng như sử dụng thiết bị vận chuyển, bảo vệ kho tàng...Nhưng xây dựng kho tập trung có thể dẫn đến kho ở xa nơi sử dụng. Trong trường hợp này chi phí kinh doanh vận chuyển sẽ lớn và vì vậy lợi thế giảm chi phí kinh doanh xây dựng và quản trị có thể giảm hoặc mất hẳn.

Bố trí kho phân tán là hình thức tổ chức nhiều kho nhỏ lẻ ở nhiều nơi khác nhau. Xây dựng kho tàng theo hình thức kho phân tán sẽ gây ra chi phí kinh doanh xây dựng và quản trị kho tàng lớn, song mỗi kho lại đều gần nơi cấp hàng, quãng đường vận chuyển nguyên vật liệu (hàng hoá) ngắn sẽ giảm nhiều chi phí kinh doanh vận chuyển. Mặt khác, hình thức kho phân tán còn đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung ứng trực tiếp, tránh các nguy cơ không cung cấp kịp thời do những trục trặc trong quá trình vận chuyển gây ra.

Trường hợp bố trí kho tập trung là tương đối đơn giản, doanh nghiệp chỉ cần tính toán bố trí một địa điểm đặt kho. Trong trường hợp bố trí kho phân tán doanh nghiệp phải tính toán lựa chon các địa điểm đặt kho tàng sao cho đạt được mục tiêu hiệu quả kinh doanh mua sắm, vận chuyển và lưu kho nguyên vật liệu cao nhất. Muốn vậy, không những chỉ chú ý tới khoảng cách kho tàng so với nơi cung ứng mà còn phải thường xuyên chú ý tới cả đường vận chuyển nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, trọng lượng và thể tích của hàng hóa cần vận chuyển, loại nguyên vật liệu (hàng hóa) cần vận chuyển cũng như khả năng kết hợp vận chuyển hai chiều...

Xác định số lượng kho cũng như địa điểm đặt kho tối ưu trong hệ thống kho tàng phân tán đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp thương mại, các doanh nghiệp sản xuất đòi hỏi phải mua nguyên vật liệu và/hoặc tổ chức sản xuất (bán hàng) trên một địa bàn rộng.

Thứ ba, căn cứ vào tính chất xây dựng. Nếu căn cứ vào tính chất xây dựng kho tàng sẽ có kho ngoài trời và kho trong nhà. Sử dụng các kho chứa ngoài trời tuy đỡ được chi phí kinh doanh xây dựng kho tàng song lại không đáp ứng được yêu cầu bảo quản hàng hóa.

Kho trong nhà được xây dựng với yêu cầu lưu kho các loại nguyên vật liệu (hàng hóa) cụ thể. Kho trong nhà thường được thiết kế thành một tầng hay nhiều tầng. Kho một tầng có ưu điểm là dễ xếp vào và bốc dỡ hàng hóa lưu kho song khả năng tận dụng không gian rất thấp. Kho nhiều tầng tận dụng được không gian, tiết kiệm chi phí xây dựng xong việc xếp dỡ lại gặp khó khăn. Khi xây dựng kho trong nhà còn phải chú ý đến phương tiện vận chuyển. Với phương tiện vận chuyển bằng ô tô phải tính toán cả diện tích cần thiết để các phương tiện có thể ra vào tiện lợi.

Xu hướng phát triển là ngày càng giảm việc lưu kho hàng hóa ngoài trời và sử dụng kho trong nhà để lưu kho hàng hóa. Ngay các loại vật liệu rất rẻ tiền và đòi hỏi địa điểm lưu kho lớn, từ trước đến nay các doanh nghiệp nước ta vẫn hay lưu kho ngoài trời như than, củi...thì ở nhiều nước, các doanh nghiêp cũng không còn sử dụng phương thức này. Trường hợp lưu kho trong quá trình sản xuất cũng thấy rất rò: trước đây nhiều doanh nghiệp phơi gạch ngói trước khi đưa vào nung bằng nắng, gió tự nhiên, ngày nay nhiều doanh nghiệp nước ta đã thay đổi: sử dụng kho trong nhà với kết cấu thích hợp để lưu kho cho chúng.

Ngoài ra, theo tính chất của nguyên vật liệu lưu kho còn phải xây dựng loại kho đặc biệt, chẳng hạn các bồn chứa xăng dầu, hóa chất phục vụ cho tiêu thụ cũng như sản xuất với thiết kế đặc biệt phù hợp với yêu cầu bảo quản từng loại nhiên liệu, hóa chất lưu kho.

Thứ tư, căn cứ vào tính chất lưu kho. Căn cứ vào tính chất lưu kho nguyên vật liệu (hàng hóa) người ta phân biệt kho tiếp đất, kho bố trí theo khối và kho bố trí theo giá để hàng.

Kho tiếp đất là kho không có trang bị cách đất cho nguyên vật liệu (hàng hóa) lưu kho. Hình thức này tuy tiết kiệm chi phí mua sắm vật liệu cách đất hoặc giá hàng xong lại không tận dụng được không gian kho tàng, hao phí lao động bốc dỡ hàng rất lớn và rất khó bảo quản nguyên vật liệu (hàng hóa) lưu kho.

Lưu kho theo khối là hình thức nguyên vật liệu (hàng hóa) được đặt trên các kệ hàng trong suốt thời gian lưu kho. Việc thiết kế các kệ hàng cụ thể hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất nguyên vật liệu (hàng hóa) cần bảo quản cũng như đặc điểm thiết kế các thiết bị nâng hạ,vận chuyển nội bộ. Tuy tốn kém chi phí cho kệ hàng song so với hình thức lưu kho tiếp đất thì hình thức này có nhiều ưu điểm hơn: bảo quản nguyên vật liệu (hàng hóa) tốt hơn, đỡ chi phí xếp dỡ nguyên vật liệu (hàng hóa)...

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/07/2022