Định Hướng Và Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Quản Lý Nhà Nước Về Giá Đất Ở Việt Nam‌

công bằng xã hội ở một khía cạnh nhất định và bảo đảm an toàn sản xuất, an ninh lương thực. Điều này được minh chứng ngay từ LĐĐ năm 1987 chúng ta đã không thừa nhận giá đất, không xem đất đai là một loại hàng hóa, phủ nhận bản chất đặc thù của đất đai. Từ khi bắt đầu quy định về giá đất ở thời kỳ LĐĐ năm 1993 đến nay thì luôn ghi nhận sự độc quyền quyết định giá đất của Nhà nước và sự phổ biến, rộng khắp của giá đất nhà nước trong quan hệ pháp luật đất đai. Bên cạnh đó, LĐĐ qua các thời kỳ được xây dựng trên góc độ tiếp cận Hiến pháp - hành chính với những nội dung chủ yếu về quản lý nhà nước đối với đất đai, không phản ánh đầy đủ bản chất và vai trò của đất đai. Những hạn chế trong nhận thức về vai trò của đất đai và tư duy thiết lập thể chế quản lý đất đai ở Việt Nam đã định khung bản chất hành chính mạnh mẽ tác động đến quá trình hình thành và vận hành của cơ chế QLNN về giá đất.

Ba là, pháp luật QLNN về giá đất chưa được xây dựng trên nền tảng lý luận khoa học, chặt chẽ, kết hợp hài hòa yếu tố hành chính trong quản lý với đặc điểm, bản chất của giá đất. Qua thực tiễn quy định pháp luật QLNN về giá đất cho thấy quy định chủ yếu nhằm giải quyết những nội dung nổi bật trong thực tiễn quản lý giá đất; đa phần hình thành từ nhu cầu thực tiễn quản lý, mang tính rời rạc. Những quy định nhằm truyền đạt ý chí chủ quan của chủ thể quản lý lên giá đất, chưa nhìn nhận toàn diện đặc điểm của giá đất, chưa đánh giá thấu đáo sự tác động ngược trở lại của giá đất đến chủ thể quản lý. Nội dung pháp luật QLNN về giá đất phải là sự kết hợp hài hòa giữa khuôn khổ truyền thống của QLNN trong khoa học luật hành chính với những đặc điểm của giá đất và định hướng quản lý theo cơ chế thị trường.

Bốn là, chưa bảo đảm yêu cầu về tính độc lập và chuyên môn hóa trong phân cấp quản lý giá đất; sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước rất hạn chế. Hệ thống cơ quan quản lý giá đất chưa được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương, cán bộ phụ trách còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Cơ quan quản lý giá đất vừa thực hiện chức năng quản lý vừa thực hiện thẩm định giá đất và có sự chi phối lớn trong toàn bộ quá trình quyết định giá đất nên ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan và tính chính xác của giá đất được quyết định. Sự chồng chéo trong phân công chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý giá đất và cơ quan liên quan dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn trong quá trình quản lý. Bên cạnh đó, hoạt động kém hiệu quả của các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai chưa tạo được hiệu ứng tích cực trong quản lý giá đất. Quy định và thực tiễn chưa bảo đảm sự tham gia rộng rãi, đa dạng của các chủ thể ngoài nhà nước trong quản lý giá đất, chủ yếu vẫn là một quy trình hành chính khép kín, sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước mang nặng tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả.

Năm là, những nội dung nền tảng trong quản lý đất đai chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, cùng với đó là hạn chế của các phương pháp quản lý giá đất. Đến nay, công tác đăng ký đất đai và CSDL địa chính vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa bảo đảm tính chính xác giữa thông tin địa chính và thực tế sử dụng đất; chất lượng quy hoạch sử dụng đất

còn hạn chế, thiếu khả thi, thông tin khó tiếp cận; thị trường bất động sản hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, minh bạch… là những hạn chế đang tồn tại, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý giá đất; gây nhiều khó khăn trong ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào quản lý giá đất. Bên cạnh đó, công cụ thuế còn nhiều hạn chế, chưa có thuế chống đầu cơ, thuế sử dụng đất chưa phát huy hiệu quả nên phương pháp kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu trong QLNN về giá đất.

Ngoài ra, những tồn tại trong các yêu cầu của một thể chế quản trị đất đai hiện đại như: tính công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình, sự tham gia của Nhân dân… là nguyên nhân tạo nên những bất đồng đối với giá đất nhà nước, hạn chế sự đồng thuận trong các quyết định quản lý. Với chặng đường phát triển ngắn trong một thể chế quản lý đất đai bình ổn đã không tạo nên nhiều kinh nghiệm và sự thay đổi đột phá trong QLNN về giá đất ở Việt Nam.

KẾT CHƯƠNG

Quản lý theo cơ chế thị trường là định hướng được xác định xuyên suốt trong quản lý giá đất ở Việt Nam. Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật QLNN về giá đất cho thấy những hạn chế cả trong quy định pháp luật và thực tiễn công tác quản lý chưa bảo đảm nền tảng thị trường, còn mang nặng tính hành chính. Kết quả nghiên cứu của Chương này đã mang lại những giá trị nhất định, cụ thể:

Một là, kết quả nghiên cứu hình thành bức tranh tổng thể về thực trạng QLNN về giá đất ở Việt Nam, cả những kết quả đạt được qua các thời kỳ LĐĐ và những hạn chế khiếm khuyết trong từng khía cạnh.

Hai là, trên cơ sở nền tảng của cơ cấu QLNN trong khoa học luật hành chính được phân tích ở Chương 2 về nguyên tắc, mục tiêu, nội dung, chủ thể, hình thức và phương pháp QLNN về giá đất. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại với những phân tích và minh chứng vụ việc cụ thể trong từng nội dung cả từ lý luận đến quy định và thực tiễn quản lý giá đất ở Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.

Ba là, những hạn chế của QLNN về giá đất trong yêu cầu của thể chế quản trị đất đai hiện đại cho thấy những bất cập, nguyên nhân và tính cấp thiết trong đổi mới cơ chế QLNN về giá đất ở Việt Nam theo hướng khoa học, hiện đại và hiệu quả.

Bốn là, qua đánh giá thực trạng, tác giả đã rút kết những hạn chế, bất cập và nguyên nhân tồn tại trong QLNN về giá đất ở nước ta, đây là cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý giá đất. Nhận thức về vai trò của đất đai, bản chất và mối quan hệ tương quan giữa Nhà nước với giá đất là những hạn chế cốt lõi ảnh hưởng đến thể chế quản lý đất đai ở Việt Nam, qua đó làm hạn chế hiệu quả vận hành của cơ chế QLNN về giá đất ở Việt Nam.

Quản lý nhà nước về giá đất - 20

Nội dung nghiên cứu của chương này góp phần giải quyết một số nhiệm vụ cơ bản của luận án, cụ thể giải quyết câu hỏi nghiên cứu về thực trạng quản lý giá đất ở Việt Nam hiện đang tồn tại những hạn chế bất cập nào? Thực trạng QLNN về giá đất ở Việt Nam cho thấy sự cần thiết của việc ứng dụng lý thuyết quản trị tốt trong đổi mới QLNN về giá đất.

CHƯƠNG 4. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ ĐẤT Ở VIỆT NAM‌

Trên cơ sở thực trạng QLNN về giá đất ở Việt Nam và những nguyên nhân tồn tại, Chương này tác giả sẽ xây dựng định hướng và đề xuất giải pháp cụ thể về nội dung quản lý, hình thức, phương pháp quản lý, chủ thể quản lý và những nội dung liên quan để thiết lập cơ chế QLNN về giá đất khoa học, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng tính đặc thù trong quản lý đất đai ở Việt Nam và xu hướng phát triển của lý thuyết quản trị tốt trong đổi mới thể chế quản lý đất đai.

4.1. Định hướng hoàn thiện quản lý nhà nước về giá đất ở Việt Nam

Thực trạng quản lý giá đất ở Việt Nam thời gian qua cho thấy sự chi phối mạnh mẽ ý chí chủ quan của chủ thể quản lý đối với giá đất, định hướng quản lý giá đất theo cơ chế thị trường chưa thể hiện đúng bản chất, chưa được bảo đảm trong quá trình quản lý giá đất ở nước ta. Những định hướng đổi mới QLNN về giá đất nhằm tạo sự gắn kết, tập trung của các giải pháp cụ thể với những tồn tại trong thực trạng quản lý, bảo đảm hiệu quả các mục tiêu QLNN về giá đất.

Giá đất là khía cạnh kinh tế của đất đai nên cơ sở để bảo đảm hiệu quả QLNN về giá đất phải là nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò của đất đai. Giá đất chỉ có thể phát huy tối ưu hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu phát triển khi được nhìn nhận đúng bản chất và thiết lập một cơ chế quản lý phù hợp. Sự thay đổi nhận thức trong QLNN về giá đất ở Việt Nam phải thể hiện tính toàn diện, linh hoạt vai trò quản lý của Nhà nước và bản chất của giá đất. Dựa trên quan điểm của Mác về công hữu tư liệu sản xuất, Lênin đã khẳng định: “Nhà nước chỉ là người quản lý, người giám đốc điều hành nhằm bảo vệ lợi ích của chủ thể sở hữu là toàn dân”.289 Như vậy, sở hữu

toàn dân nhằm mục đích mang lại quyền lợi cao nhất cho cộng đồng, cho xã hội. Đất đai được xác định là một loại hàng hóa đặc biệt trên thị trường, là nguồn lực cho sự phát triển của con người.290 Vì vậy, vai trò quản lý của Nhà nước đối với đất đai phải phát huy tối ưu giá trị kinh tế của đất đai hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Hiệu quả đó chỉ có thể được thực hiện khi cơ chế quản lý phù hợp với bản chất của đất đai, tạo môi trường thích hợp để đất đai phát huy đúng bản chất là một loại hàng hóa trên thị trường. Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, cần xác định sứ mệnh chính trị của đất đai đã cơ bản ổn định mà giờ đây vấn đề cốt lõi là phát huy giá trị của đất đai cho sự phát triển bền vững. Sự chuyển biến



289 Nguyễn Khắc Thanh (2020), “Sở hữu toàn dân về đất đai- cống hiến xuất sắc của V.I. Lê- Nin trong phát triển lý luận về sở hữu đất đai của C.Mác”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/ky-niem- 150-nam-ngay-sinh-v.i.-le-nin-22-4-1870-22-4-2020-/

/2018/816342/view_content?_contentpublisher_WAR_viettelcmsportlet_urlTitle=so-huu-toan-dan-ve-dat-dai--- cong-hien-xuat-sac-cua-v.i.-le-nin%C2%A0trong-phat-trien-ly-luan-ve-so-huu-dat-dai-cua-c.-mac [truy cập ngày 19/5/2021].

290 Mohamed M. El-Barmelgy, Ahmad M. Shalaby, Usama A. Nassar, and Shaimaa M. Ali (2014), “Economic

Land Use Theory and Land Value in Value Model”, International journal of economics and statistics, volume 2, p.92.

trong nhận thức về bản chất và vai trò của đất đai là tiền đề thay đổi cơ bản vai trò quản lý của Nhà nước, thiết lập cơ chế QLNN về giá đất phản ánh đúng nền tảng thị trường từ bản chất của vấn đề. Tư duy đó phải phá vỡ những định kiến chủ quan, rào đón; đổi mới nhận thức về vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ tương quan giữa Nhà nước và đất đai - hàng hóa đặc biệt trên thị trường, hướng đến sự thay đổi cốt lõi, toàn diện những vấn đề nhạy cảm, cố hữu của quản lý đất đai ở nước ta như: tính độc quyền trong phân phối đất đai, tính chủ quan, áp đặt trong giải quyết các vấn đề vốn dĩ thuộc về thị trường, sự lỗi thời lạc hậu của dữ liệu và công nghệ trong quản lý... Cần xác định rằng, QLNN về giá đất không là sự áp đặt, định khung cơ chế quản lý theo ý chí chủ quan, bóp méo bản chất của giá đất mà phải xác định phạm vi, mức độ và phương pháp quản lý phù hợp trong từng nội dung quản lý, tạo thành cơ chế quản lý năng động, sáng tạo và chặt chẽ, phát huy tối ưu hiệu quả của giá đất, tạo sự phát triển bứt phá về kinh tế đất đai. Đổi mới nhận thức về vai trò của đất đai và giá đất là tiền đề tạo nên những thay đổi đột phá về vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bao gồm quản lý giá đất.

Định hướng hoàn thiện cơ sở lý luận trong QLNN về giá đất, những vấn đề lý luận trong QLNN về giá đất ở nước ta hiện rất rời rạc, chỉ dừng lại ở việc khẳng định tầm quan trọng của giá đất và quyền quyết định giá đất, chưa bao quát vai trò quản lý của Nhà nước đối với giá đất. Định hướng đổi mới triệt để và toàn diện trong QLNN về giá đất cần xây dựng những quan điểm, chủ trương đột phá trong thể chế quản lý đất đai, giải quyết những vấn đề cốt lõi trong nhận thức về bản chất và vai trò của giá đất. Các chủ trương, chiến lược QLNN về giá đất phải được thiết lập trên cơ sở dữ liệu thị trường, sự tác động của thị trường và dự báo về thị trường, các phương pháp quản lý phải bảo đảm phù hợp quy luật khách quan và đặc điểm của giá đất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, vận dụng những giá trị của lý thuyết quản trị tốt nhằm đáp ứng yêu cầu về tính hiện đại của cơ chế QLNN về giá đất. Cụ thể, QLNN về giá đất phải thể hiện đầy đủ tính công khai, minh bạch; tính Nhân dân; trách nhiệm giải trình của chủ thể quản lý; các quyết định quản lý phải hài hòa lợi ích các bên; thượng tôn pháp luật và nền tảng thị trường phải luôn được bảo đảm. Tóm lại, sự thay đổi về nhận thức vai trò của đất đai, ứng dụng lý thuyết quản trị tốt tạo nên những đổi mới đột phá trong thể chế quản lý đất đai là nền tảng xây dựng cơ sở lý luận phù hợp trong QLNN về giá đất theo hướng khoa học, hiện đại và hiệu quả.

Định hướng hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật QLNN về giá đất, xây dựng thể chế pháp lý đất đai trên nền tảng cơ sở lý luận chặt chẽ, khoa học, bảo đảm các quy luật và yêu cầu khách quan, chú trọng xây dựng các quy định phát huy khía cạnh kinh tế đất đai mà trong đó giá đất là chìa khóa giải quyết vấn đề. Trên cơ sở những chủ trương, định hướng thiết lập một hệ thống tư duy pháp lý hoàn chỉnh về vai trò quản lý giá đất của Nhà nước mà nền tảng là những quy định QLNN về giá đất trong LĐĐ. Hệ thống quy định pháp luật về giá đất là hành lang pháp lý vững chắc cho sự vận động

của giá đất, phản ánh đúng bản chất giá trị của đất đai trên nền tảng thị trường, không là sự can thiệp chủ quan duy ý chí. Cơ chế QLNN về giá đất phải đáp ứng đặc thù của giá đất, công tác quản lý đất đai ở Việt Nam và xu hướng phát triển của lý thuyết quản trị tốt trong đổi mới quản lý đất đai trên thế giới. Bên cạnh đó, bổ sung quy định ứng dụng những phương pháp, kỹ thuật hiện đại trong thẩm định giá đất, xây dựng CSDL giá đất… nâng cao hiệu quả quản lý giá đất. Trên cơ sở những định hướng, tác giả đề xuất các giải pháp chủ yếu giải quyết các vấn đề về nội dung, hình thức quản lý giá đất, chủ thể và phương pháp quản lý nhằm thiết lập cơ chế QLNN về giá đất khoa học, hiện đại và hiệu quả. Các kinh nghiệm quốc tế trình bày trong chương này chỉ với mục đích củng cố lập luận, là cơ sở đề xuất các giải pháp.

4.2. Giải pháp hoàn thiện nội dung quản lý và hình thức quản lý nhà nước về giá đất

Chính sự gắn kết và đôi khi là trùng lắp giữa nội dung và hình thức trong QLNN về giá đất được phân tích trong cơ sở lý luận và thực trạng QLNN về giá đất ở Việt Nam. Vì thế trong nội dung này tác giả đề xuất những giải pháp hoàn thiện về hình thức quản lý trong từng nội dung quản lý cụ thể.

4.2.1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch quản lý nhà nước về giá đất

Hiện nay, đường lối, chủ trương QLNN về giá đất chỉ được thể hiện trong Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể là Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kết luận số 36-KL/TW. Những định hướng chiến lược trong quản lý đất đai nói chung và giá đất nói riêng chưa được thể hiện trong văn bản chủ đạo của Chính phủ. Đồng thời, việc ban hành kế hoạch quản lý giá đất ở các địa phương chưa được bảo đảm đồng bộ và đầy đủ. Xây dựng chiến lược QLNN về giá đất phải dựa trên sự thay đổi nhận thức vai trò của đất đai và đổi mới trong thể chế quản lý đất đai với quan niệm đúng bản chất đất đai - hàng hóa đặc biệt trên thị trường. Giá đất là công cụ khai phá nguồn lực của đất đai cho quá trình phát triển, cơ chế quản lý phải dựa trên đặc điểm của từng loại giá, dung hòa bản chất kinh tế của giá đất với mục tiêu quản lý thông qua yếu tố pháp lý trong QLNN về giá đất. Trên cơ sở đó, chiến lược và kế hoạch QLNN về giá đất cần thực hiện các giải pháp sau:

Đối với chiến lược quản lý giá đất, được thể hiện đầy đủ và trong tổng thể chiến lược quản lý đất đai sẽ mang lại hiệu quả tích cực vì mối quan hệ giữa nội dung giá đất và các nội dung khác. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước tối cao, Chính phủ phải xây dựng chiến lược QLNN về giá đất nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của QLNN về giá đất trong quản lý đất đai và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược cụ thể hóa định hướng QLNN về giá đất theo cơ chế thị trường, xác định toàn diện vai trò quản lý của Nhà nước đối với giá đất, phát huy tối đa giá trị kinh tế đất đai. Chiến lược phải xác định rõ vai trò quản lý của Nhà nước đối với từng loại giá đất nhà nước và mối quan hệ giữa giá đất nhà nước và giá đất thị trường. Cơ chế quản lý được thiết lập khoa học, phù hợp đặc trưng của giá đất, phản ánh đầy đủ các yêu cầu

của thể chế quản trị đất đai hiện đại, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Kiện toàn bộ máy quản lý giá đất và hệ thống tổ chức thẩm định giá đáp ứng các yêu cầu của phân cấp quản lý. Chiến lược QLNN về giá đất được thể hiện chủ yếu qua các quyết định chủ đạo đề ra các mục tiêu, chiến lược quản lý giá đất; kết hợp với hình thức tổ chức Hội nghị, hội thảo để tuyên truyền và cụ thể hóa các chiến lược.

Đối với kế hoạch quản lý giá đất, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu thành những công việc cụ thể, những kết quả cần đạt, xác định những phương thức thích hợp, thời điểm thực hiện và chủ thể tiến hành. Chính vì vậy, kế hoạch quản lý giá đất là nội dung cần được triển khai xây dựng ở tất cả các cấp, các chủ thể quản lý gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, quyền hạn trong quá trình quản lý. Với đối tượng quản lý là giá đất nhà nước thì kế hoạch giữ vai trò rất quan trọng bảo đảm tiến độ, hiệu quả của hoạt động quản lý, là bước đệm triển khai vào thực tiễn hoạt động chấp hành, điều hành các quy định pháp luật QLNN về giá đất. Kế hoạch quản lý giá đất phải bảo đảm cơ bản các nội dung sau: đánh giá tình hình, mục tiêu cần đạt được, nội dung công việc thực hiện, chủ thể tiến hành, cách thức thực hiện, thời điểm thực hiện và các yếu tố bảo đảm thực hiện kế hoạch. Kế hoạch giúp bảo đảm kết quả, tiến độ thực hiện các nội dung quản lý, nhất là những hoạt động mang tính chuyên môn cao, phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chủ thể. Để bảo đảm hiệu quả quản lý, những kế hoạch quan trọng thực hiện các nội dung quản lý giá đất cần được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật. Tùy vào mục tiêu mà xây dựng kế hoạch phù hợp, trong quản lý giá đất là sự kết hợp chủ yếu của các loại kế hoạch sau: kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm và kế hoạch nhiệm vụ cụ thể. Quy định về giá đất phải xác định cụ thể trách nhiệm lập kế hoạch, nội dung kế hoạch, công khai kế hoạch và cơ chế bảo đảm hiệu quả của kế hoạch trong QLNN về giá đất. Xây dựng kế hoạch quản lý giá đất được thực hiện thông qua các hình thức tác nghiệp trong quản lý; kế hoạch phải được tổ chức lấy ý kiến các chủ thể liên quan và được công bố công khai sau khi phê duyệt, bảo đảm mục tiêu và tiến độ trong kế hoạch. Đồng thời, thông qua hình thức báo cáo và kiểm tra, đánh giá nhằm kiểm soát quá trình thực hiện kế hoạch.

Xây dựng chiến lược và kế hoạch là nội dung thể hiện tính chất quản lý, định hướng trong QLNN về giá đất. Nội dung này giúp xác định rõ các mục tiêu và phương hướng triển khai công tác quản lý nhằm bảo đảm các mục tiêu đề ra. Nội dung này phải được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật về giá đất, xác định rõ trách nhiệm và nội dung xây dựng chiến lược, kế hoạch QLNN về giá đất.

4.2.2. Ban hành quyết định quản lý nhà nước về giá đất

Ban hành quyết định quản lý giá đất là nội dung trọng tâm, xây dựng căn cứ, cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý giá đất nhà nước. Đồng thời, các quyết định quản lý giá đất sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành giá đất thị trường và sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước đối với giá đất thị trường. Trên nền tảng cơ sở lý luận và thực trạng

công tác ban hành quyết định quản lý giá đất ở nước ta, tác giả kiến nghị những giải pháp cụ thể sau:

Một là, quyết định quản lý phải phù hợp với bản chất của giá đất, phát huy nguồn lực kinh tế của đất đai, không là sự áp đặt ý chí chủ quan. Quyết định quản lý thể hiện ý chí của chủ thể quản lý, là cơ sở thực hiện các phương pháp quản lý, tác động đến giá đất để thực hiện các mục tiêu quản lý. Với bản chất đất đai là hàng hóa đặc biệt và thuộc tính kinh tế của giá đất - giá cả của loại hàng hóa đặc biệt thì quyết định quản lý phải là sự kết hợp hài hòa ý chí của chủ thể quản lý trên cơ sở bảo đảm các đặc điểm, thuộc tính vốn có của giá đất, phù hợp các quy luật thị trường. Với sự đa dạng của các loại giá đất, với những mục tiêu cụ thể của từng loại giá đất thì nội dung các quyết định quản lý phải bảo đảm kết hợp hài hòa giữa đặc điểm chung của giá đất và đặc thù của từng loại giá. Bởi, khi quyết định quản lý là kết quả áp đặt ý chí chủ quan của nhà quản lý lên thuộc tính của giá đất, phá vỡ bản chất của giá đất thì giá đất sẽ bị bóp nghẽn, không phát huy giá trị kinh tế của đất đai, gây những hệ lụy nhất định đến thị trường.

Hai là, các quyết định quản lý phải thể hiện toàn diện vai trò quản lý của Nhà nước đối với giá đất và đáp ứng các yêu cầu của quản trị đất đai hiện đại. Chúng ta phải xác định đầy đủ vai trò quản lý của Nhà nước đối với giá đất, không chỉ bó hẹp quyền quyết định giá đất như hiện nay. Trên cơ sở xác định toàn diện vai trò quản lý giá đất của Nhà nước, LĐĐ phải bổ sung quy định về nguyên tắc, nội dung QLNN về giá đất, làm nền tảng triển khai các quy định chi tiết trong từng nội dung quản lý cụ thể. Bên cạnh đó, hệ thống các quyết định về giá đất phải bảo phủ toàn diện các nội dung quản lý và đáp ứng các yêu cầu của thể chế quản trị đất đai hiện đại, cụ thể: công khai, minh bạch các thông tin, căn cứ ban hành và nội dung quyết định; trách nhiệm giải trình của chủ thể ban hành quyết định phải được quy định và thực thi nghiêm túc; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả sự tham gia của Nhân dân trong quá trình ban hành các quyết định quản lý; nội dung các quyết định phải phù hợp bản chất của giá đất, các quy luật trên thị trường và cân bằng lợi ích; tuân thủ quy định về nội dung và trình tự, hình thức ban hành các quyết định quản lý, đáp ứng tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khả thi và hiệu lực của các quyết định quản lý giá đất.

Ba là, phát huy vai trò của các quyết định chủ đạo trong quản lý giá đất. Chính phủ với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thống nhất quản lý đất đai cần xây dựng cụ thể những mục tiêu, định hướng và hoạch định chiến lược QLNN về giá đất thông qua việc ban hành quyết định chủ đạo. Với những đặc điểm của giá đất và tác động của giá đất đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội chúng ta cần xác định hai loại quyết định chủ đạo trong quản lý giá đất: (i) quyết định chủ đạo mang tính hành chính chính trị - từ những chủ trương, đường lối về công tác quản lý đất đai, quản lý giá đất. Chính phủ ban hành quyết định chủ đạo thể hiện chiến lược quản lý cụ thể hóa các mục tiêu chính trị; đồng thời là cơ sở, mục tiêu ban hành các quyết định quy

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/02/2023