Đào Tạo, Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Đội Ngũ Quản Lý Giá Đất

Những hình thức quản lý mang tính pháp lý với nội dung này chủ yếu là ban hành những quy định về thẩm quyền, quy trình xây dựng CSDL giá đất. Để mang lại hiệu quả, chính xác và hiện đại của hệ thống dữ liệu giá đất phải là quá trình thực hiện các hoạt động: nghiên cứu, tổng kết những kinh nghiệm tiên tiến, phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại và yêu cầu kỹ thuật chuyên môn đối với đội ngũ thực hiện.

CSDL giá đất là nền tảng quyết định giá đất nhà nước và thực hiện chức năng dự báo giá đất thị trường. Do mối liên hệ và sự tác động rất lớn giữa giá đất và thị trường bất động sản nên cần xem xét thống nhất tích hợp thông tin, theo dõi và dự báo về giá đất và thị trường bất động sản. Bởi hiện nay quản lý về thị trường bất động sản thuộc chức năng ngành xây dựng; quản lý giá đất thuộc ngành TN&MT, dữ liệu của hai nội dung này không có sự gắn kết, hoàn toàn tách biệt.

4.2.5. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ quản lý giá đất

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý đất đai luôn được chú trọng và xây dựng chiến lược cụ thể qua từng giai đoạn. Tuy nhiên, do đội ngũ quản lý giá đất kiêm nhiệm nhiều nội dung quản lý có tính chuyên môn cao, liên quan nhiều ngành, lĩnh vực nên tồn tại nhiều hạn chế. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý giá đất cần đổi mới qua các giải pháp sau:

Một là, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ quản lý của từng cấp, từng ngành, cụ thể và hiệu quả. Hiện nay, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý giá đất được Bộ TN&MT xây dựng chương trình chung cho tất cả đối tượng với 120 tiết gồm 10 chuyên đề.302 Đây là chương trình dành chung cho tất cả các cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn định giá đất và cả chủ thể quản lý. Tác giả cho rằng một chương trình chung tập huấn cho tất cả các nhóm đối tượng, các cấp sẽ không mang lại hiệu quả cao trong nghiệp vụ quản lý. Vì vậy, chúng ta cần

dựa vào quy định pháp luật về giá đất, chức năng quản lý của từng cấp, từng ngành Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính xây dựng nội dung tập huấn cụ thể cho từng nhóm đối tượng, gắn với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công việc. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo nhóm đối tượng phải được cập nhật chương trình liên tục sát với thực tiễn công tác quản lý; đa dạng phương thức thực hiện, kịp thời, tiết kiệm và hiệu quả.

Hai là, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật xây dựng các phần mềm, chương trình phục vụ QLNN về giá đất. Đây là nội dung quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giá đất để hướng đến một cơ chế quản lý hiện đại. Cần xác định việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý giá đất là nhiệm vụ then chốt trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý. Những kinh nghiệm ở một số quốc gia cho thấy việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ đã mang lại những hiệu quả đáng kể, như ở Hàn Quốc việc lựa chọn lô đất tham chiếu được thực hiện bởi hệ thống lựa chọn tự


302 Mai Đan (2020), “Khai giảng lớp bồi dưỡng về định giá đất khoá 12”, Báo Tài nguyên và Môi trường, https://baotainguyenmoitruong.vn/khai-giang-lop-boi-duong-ve-dinh-gia-dat-khoa-12-305974.html [truy cập ngày 10/9/2020].

động (Automatic Reference Lot Selection System - ARLSS) và quá trình tính toán giá đất của từng lô đất cũng được thực hiện bởi hệ thống tính giá tự động (Automatic Land Price Calculation System). Công nghệ đã không ngừng được áp dụng ở Hàn Quốc để thực hiện công tác điều tra, khảo sát giá cả và đặc điểm đất phục vụ cho công tác định giá. Năm 2014, ứng dụng khảo sát di động (Mobile Field Survey App) để thu thập các thông tin gồm tỷ lệ biến động giá đất, xu hướng giá, giá cả nhà đất ở nhiều đơn vị. Đồng thời, hệ thống khảo sát đặc điểm đất tự động cũng phát triển (The Automatic Land Characteristics Survey System - ALCSS), được áp dụng để phân tích đặc điểm thửa đất làm cơ sở so sánh, đối chiếu trong định giá. Năm 2015, Hội đồng định giá Hàn Quốc còn phát triển hệ thống giá đất điện tử để thực hiện hoạt động định giá tự động, người dùng sử dụng dữ liệu trên thị trường chuyển nhượng được cập nhật. Hệ thống định giá đất tự động trên cơ sở phân loại các khu vực giá đất đồng nhất, khi định giá điện tử, hệ thống sẽ trích xuất ít nhất 10 dữ liệu 10 giao dịch trong cùng một đồng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.

nhất, nếu không đủ, dữ liệu từ các khu vực có đặc điểm tương tự sẽ được cung cấp cùng với tỉ lệ chênh lệch.303 Nhìn chung, hệ thống định giá đất ở Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ trên cơ sở nền tảng của ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, phân tích và sắp xếp dữ liệu định giá, ứng dụng các thuật toán kết hợp với các ứng dụng công nghệ. Ở Úc, các thông tin phục vụ định giá đất phải được chuyển sang dữ liệu số,

ví dụ kích thước thửa đất, diện tích nhà, các dữ liệu định tính cũng được quy về dạng số…304 Công nghệ quản lý giá đất hiện đại phải được triển khai đồng bộ với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả ứng dụng.

Quản lý nhà nước về giá đất - 22

Ba là, việc tuyển dụng, bố trí cán bộ làm công tác quản lý giá đất phải đáp ứng chuyên môn; dựa trên đề án vị trí việc làm xác định rõ nhiệm vụ, chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giá đất. Trên cơ sở đề án vị trí việc làm tại các cơ quan quản lý và đơn vị liên quan QLNN về giá đất, xác định yêu cầu trình độ chuyên môn, chuẩn hóa và đào tạo đội ngũ kế thừa. Điều này giúp chúng ta xác định cụ thể đối tượng, nội dung cần được tập huấn, bồi dưỡng, là cơ sở đánh giá chất lượng công việc, nâng cao hiệu quả đánh giá đội ngũ quản lý. Đồng thời, công tác luân chuyển đội ngũ quản lý giá đất phải ưu tiên hàng đầu về tính chuyên môn, nghiệp vụ, không lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp.

Bốn là, phát huy hiệu quả các chương trình, dự án nghiên cứu liên quan đến giá đất trong thực tiễn quản lý giá đất và gắn kết việc đào tạo đội ngũ quản lý trong nội dung các chương trình, dự án. Kết quả nghiên cứu phải được đánh giá, tổng kết và xây dựng lộ trình cụ thể để vận dụng, triển khai trong thực tiễn. Nội dung chương trình, dự án cần kết hợp việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý nhằm bảo đảm hiệu quả khi triển khai. Dưới góc độ hình thức quản lý thì nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội


303 Mie Oak Chae, Inhyuk Kwon – Officer of Korea Appraisal Board, tlđd (65).

304 Nguyễn Đình Bồng (2014), Mô hình quản lý đất đai hiện đại ở một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam,

NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.192.

ngũ cán bộ quản lý phải được quy định những tiêu chí, yêu cầu cụ thể về vị trí việc làm và trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Điều này xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải tổ chức với những phương thức đa dạng như tập huấn, hội nghị, hội thảo… bảo đảm nội dung, kiến thức và chất lượng.

Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giá đất mang tính rộng khắp vì giá đất có tính chuyên môn và khu vực nên công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phải vừa đáp ứng những yêu cầu chung và những yêu cầu đặc thù của từng ngành, từng cấp. Vì vậy, nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cần xây dựng theo nhóm đối tượng, tập huấn chuyên đề, nâng cao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ.

4.2.6. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về giá đất

Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về giá đất có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát hoạt động QLNN về giá đất. Tuy nhiên, những hạn chế trong quy định hiện hành về giá đất đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại về giá đất. Về nội dung này, tác giả đề xuất những giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, duy trì tính thường xuyên và chuyên sâu của hoạt động kiểm tra trong QLNN về giá đất. Đặc biệt, kiểm tra công tác xây dựng ban hành bảng giá đất, quyết định giá đất cụ thể tại các địa phương. Đối với những dự án trọng điểm có quy mô sử dụng đất lớn, cần quy định kiểm tra công tác xác định giá đất cụ thể trong giao đất, cho thuê đất và tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Thứ hai, kiểm tra, thanh tra nghiệp vụ thẩm định giá đất của tổ chức tư vấn thẩm định giá đất. Cơ quan TN&MT phối hợp cơ quan tài chính thực hiện công tác kiểm tra hoạt động thẩm định giá đất tại các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá nhằm nâng cao hiệu quả thẩm định giá đất; ghi nhận những hạn chế trong quy định và thực tiễn quản lý. Định kỳ tiến hành hoạt động thanh tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm trong tư vấn thẩm định giá đất.

Thứ ba, tăng cường thực hiện thanh tra chuyên đề về giá đất. Vì tầm quan trọng và thường xuyên của quyết định giá đất cụ thể, đặc biệt việc quyết định giá đất cụ thể hiện nay không chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, không có sự giám sát chặt chẽ từ bên ngoài mà chỉ là quá trình quyết định mang tính nội bộ nên việc thực hiện thanh tra chuyên đề về giá đất là rất cần thiết.

Thứ tư, nâng cao vai trò giám sát của hệ thống cơ quan dân cử đối với công tác QLNN về giá đất. Quy định về thẩm quyền trong quản lý giá đất hiện nay sẽ có những hạn chế nhất định cho hoạt động kiểm tra, thanh tra. Cụ thể như, thẩm quyền ban hành khung giá đất của Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất thì chủ thể nào sẽ kiểm tra, thanh tra hoạt động này? Ngoài ra, nội dung ban hành các quyết định trong quản lý giá đất chủ yếu phân cấp cho UBND cấp tỉnh và giá đất chỉ là một nội dung trong rất nhiều nội dung quản lý đất đai nên rất khó để bảo đảm thường xuyên kiểm

tra, thanh tra chuyên sâu về giá đất. Vì vậy, cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với quản lý giá đất. Có quan điểm cho rằng, chúng ta có thể thành lập cơ quan định giá của Quốc hội để kiểm soát hoạt động định giá đất. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, chúng ta chỉ cần phát huy vai trò của hệ thống cơ quan kiểm toán nhà nước để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc Hội trong quản lý giá đất. Bên cạnh đó, tăng cường nội dung kiểm toán chuyên đề về giá đất, tài chính đất đai chiếm một tỉ lệ nhất định trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán nhà nước. Quốc Hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh duy trì thường xuyên những nội dung liên quan đến giá đất trong chương trình giám sát, nhất là vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong quyết định giá đất cụ thể ở địa phương.

Thứ năm, xây dựng cơ chế đặc thù trong giải quyết khiếu nại về giá đất; mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp về giá đất. Trước những phân tích thực trạng hiện nay pháp luật chỉ giải quyết khiếu nại về quá trình áp giá đất; không có cơ chế xem xét tính hợp pháp, hợp lý của giá đất được quyết định. Thiết nghĩ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, sự tham gia của Nhân dân trong quá trình quản lý, nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ thể quản lý chúng ta phải xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại để xem xét lại giá đất được quyết định. Đồng tình quan điểm này, tác giả Phan Trung Hiền cho rằng: “cần quy định về chủ thể thứ ba có thẩm quyền kiểm tra, giám sát để xem xét tính hợp lý và phủ quyết giá đất khi có bất cập theo

hướng bất lợi đối với người sử dụng đất”.305 Kinh nghiệm về cơ chế giải quyết khiếu

nại, tranh chấp về giá đất ở một số quốc gia như sau: Ở Úc, trong vòng 2 tháng kể từ ngày thông báo mức giá và thuế đất mà người dân không đồng ý mức giá đó thì có quyền khiếu nại. Văn phòng thuế đất sẽ chuyển hồ sơ khiếu nại tới Hội đồng thành phố. Hội đồng thành phố sẽ cho định giá viên làm việc với người khiếu nại. Định giá viên xem xét và xử lý vụ việc trong thời gian 02 tháng. Trường hợp phải xem xét lại việc định giá, định giá viên phải kiến nghị với định giá trưởng (Định giá trưởng xem xét kiến nghị trong vòng 02 tháng). Sau khi giải quyết khiếu nại, nếu người khiếu nại không đồng ý thì có thể đệ đơn khởi kiện lên Tòa án hành chính dân sự tiểu bang, Tòa

án tối cao Australia để được giải quyết.306 Trong trường hợp định giá đất để tính tiền

bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo cơ chế chiếm giữ đất đai bắt buộc người dân không đồng ý thì đưa lên tổ chức trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết; với cơ chế phán quyết cuối cùng về giá trị bồi thường thuộc về Tòa án. Tương tự, ở Singapore khi người bị thu hồi đất không nhất trí giá đất bồi thường, họ có quyền khiếu nại. Chủ thể trước tiên giải quyết bất đồng về giá đất bồi thường là Hội đồng bồi thường, nếu không



305 Phan Trung Hiền (2018), Những điều cần biết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (tái bản có sửa chữa, bổ sung), NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.122.

306 Nguyễn Đình Bồng (2014), Mô hình quản lý đất đai hiện đại ở một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam,

NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.114, 115.

thỏa đáng thì có quyền khởi kiện vụ việc ra Tòa Thượng thẩm.307 Qua nghiên cứu về kinh nghiệm một số quốc gia, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới cho rằng: “thẩm quyền phán quyết cuối cùng về giá đất cần giao cho một tổ chức không thuộc bộ máy hành chính. Hiệp hội định giá có vai trò rất quan trọng trong việc trợ giúp các cơ quan có thẩm quyền quyết định và giải quyết tranh chấp giá đất…”.308 Nhìn chung, ở

nhiều quốc gia đều thừa nhận vai trò của Tòa án trong giải quyết xung đột về giá đất.

Trên cơ sở lý thuyết về vai trò của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền: “Tòa án là người bảo đảm cao nhất các quyền của cá nhân”309 và kinh nghiệm nêu trên, tác giả kiến nghị mở rộng thẩm quyền của Tòa án ở Việt Nam trong tố tụng hành chính khi giải quyết các tranh chấp giá đất. Cụ thể, hoàn thiện quy định pháp luật trên nguyên tắc: (i) khi giải quyết vụ án mà yêu cầu khởi kiện chỉ yêu cầu xem xét việc áp dụng giá

đất thì Tòa án chỉ xem xét trong phạm vi yêu cầu mà không xem xét đến tính hợp pháp của giá đất được áp dụng; (ii) khi yêu cầu xem xét lại giá đất, là yêu cầu Tòa án hủy bỏ giá đất trong quyết định hành chính cụ thể vì cho rằng giá đất đó chưa phù hợp thị trường, vi phạm quy định về thẩm định giá đất... Khi đó, Tòa án sẽ xem xét lại giá đất được quyết định, trường hợp cần thiết Tòa án được quyền tham vấn ý kiến chuyên gia hoặc thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá. Kết quả tham vấn là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định bác yêu cầu của người khởi kiện trong trường hợp giá đất được xác định đúng quy định pháp luật và ngược lại Tòa án sẽ hủy bỏ giá đất trong quyết định bị kiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định lại giá đất trong từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, trên cơ sở chủ thể quản lý có quyền xem xét lại các quyết định quản lý, tác giả đề xuất xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại đặc thù về giá đất. Khi người sử dụng đất không đồng ý với mức giá do UBND cấp tỉnh quyết định thì được quyền khiếu nại và giải quyết bởi một Hội đồng giải quyết khiếu nại giá đất do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập (Hội đồng này bao gồm: lãnh đạo UBND cấp tỉnh, đại diện cơ quan quản lý giá đất, chuyên gia tư vấn thẩm định giá đất độc lập, đại diện tổ chức tư vấn thẩm định giá đã thực hiện tư vấn xác định giá đất cho Nhà nước, đại diện tổ chức tư vấn thẩm định giá do người khiếu nại đề xuất, đại diện Hội thẩm định giá Việt Nam). Sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước như: đại diện Hội thẩm định giá Việt Nam và đặc biệt là tổ chức tư vấn thẩm định giá đất do người khiếu nại lựa chọn đã thể hiện tính Nhân dân, dân chủ trong giải quyết khiếu nại về giá đất và cho thấy sự khác biệt với Hội đồng thẩm định giá đất do chủ thể quản lý thành lập trong quá trình quyết định giá đất. Hội đồng này sẽ xem xét lại giá đất được quyết định



307 Trần Tú Cường (2012), Báo cáo tổng hợp – Nghiên cứu cơ sở lý luận và quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai của một số quốc gia trên thế giới, rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT, tr.87.

308 Ngân hàng thế giới (2011), Cơ chế Nhà nước thu hồi đất và chuyển dịch đất đai tự nguyện ở Việt Nam. Phương pháp tiếp cận, định giá đất và giải quyết khiếu nại của dân, Hà Nội, tr.70.

309 Nguyễn Đăng Dung (2004), Thể chế tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr.33.

và đưa ra kết quả giải quyết khiếu nại về giá đất. Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án và giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính; khi đó, Tòa án tiến hành xem xét lại kết quả quyết định giá đất, kết quả giải quyết khiếu nại của Hội đồng để đưa ra quyết định giữ hay huỷ quyết định phê duyệt giá đất.

Về những hình thức quản lý được áp dụng trong nội dung này, trước hết là hoàn thiện quy định về thẩm quyền, nội dung và cơ chế bảo đảm hiệu lực của công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý giá đất và áp dụng pháp luật về giá đất. Hoàn thiện quy định cơ chế giải quyết tranh chấp về giá đất. Đồng thời, lĩnh vực giá đất có tính chuyên môn cao nên thường xuyên tổ chức tập huấn, hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong kiểm tra, thanh tra và những chủ thể thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về giá đất. Quy định cụ thể về nội dung chế độ báo cáo tình hình thực hiện pháp luật giá đất ở địa phương, Thông tư số 29/2019/TT-BTNMT cần bổ sung nội dung báo cáo thực hiện pháp luật về giá đất ở địa phương trong chế độ báo cáo định kỳ hàng năm và cơ chế bảo đảm hiệu quả của hoạt động báo cáo, thống nhất với quy định tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.

Hiệu quả của các hoạt động kiểm soát nhằm bảo đảm tính công bằng và thượng tôn pháp luật trong QLNN về giá đất. Một cơ chế giải quyết tranh chấp giá đất hiệu quả phản ánh cơ chế quản lý dân chủ và tăng cường sự giám sát từ bên ngoài đối với quy trình quản lý giá đất.

4.3. Giải pháp về tổ chức, hoạt động của chủ thể quản lý nhà nước về giá đất và phương pháp quản lý nhà nước về giá đất

Chủ thể QLNN về giá đất và chủ thể tham gia quá trình quản lý giá đất là hai nhóm chủ thể chính yếu quyết định hiệu quả quản lý giá đất ở Việt Nam. Trên cơ sở xây dựng cơ chế quản lý giá đất khoa học, hiện đại và hiệu quả, tác giả kiến nghị những giải pháp sau:

4.3.1. Chủ thể quản lý nhà nước về giá đất

4.3.1.1. Cơ quan quản lý nhà nước về giá đất

Hệ thống cơ quan quản lý giá đất ở trung ương và địa phương cần thực hiện đầy đủ và bảo đảm hiệu quả các nhiệm vụ quản lý được phân cấp; tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các nội dung quản lý, giữa các cấp, các chủ thể quản lý mang lại hiệu quả cao nhất cho sự vận hành của cơ chế quản lý giá đất. Trước những hạn chế, tồn tại trong thực tiễn, tổ chức và hoạt động của cơ quan QLNN về giá đất cần có những giải pháp cụ thể sau:

Về tổ chức cơ quan quản lý giá đất, trên cơ sở nội dung quản lý và phân cấp QLNN về giá đất giữa Chính phủ và UBND cấp tỉnh, chúng ta phải thống nhất mô hình tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý giá đất ở địa phương. Vì mối quan hệ gắn kết giữa giá đất với các nội dung quản lý đất đai và chức năng của hệ thống cơ quan chuyên môn nước ta, tác giả cho rằng chức năng quản lý giá đất tốt nhất

vẫn được trao cho cơ quan TN&MT và cần thống nhất tổ chức chuyên trách về quản lý giá đất. Cụ thể, nghiên cứu đánh giá và lựa chọn mô hình phù hợp: một là, tổ chức phòng chuyên môn trực thuộc Sở TN&MT; hai là, tổ chức phòng thuộc Chi cục quản lý đất đai. Trên tinh thần, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đất đai, bao gồm quản lý giá đất, Chính phủ chủ yếu giữ vai trò định hướng, hoạch định chiến lược, ban hành những nguyên tắc, bộ công cụ chung trong quản lý giá đất, không can thiệp sâu vào quyết định giá đất; chính quyền địa phương - UBND cấp tỉnh thể hiện vai trò chính yếu trong QLNN về giá đất. Với định hướng kiện toàn tổ chức định giá đất của nhà nước, chủ thể thẩm định giá đất cần tổ chức độc lập với cơ quan quản lý giá đất. Ở các quốc gia có hệ thống định giá phát triển hầu hết đều tổ chức cơ quan định giá độc lập với cơ quan QLNN về giá đất và có sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tổ chức định giá tư nhân. Điển hình tại Hàn Quốc, theo Luật định giá và thẩm định giá bất động sản thì thẩm định giá đất được thực hiện bởi Uỷ ban định giá và Hiệp hội thẩm định giá tài

sản.310 Việc quyết định giá đất ở Đài Loan đều do Ủy ban định giá đất gồm nhiều

thành viên quyết định, không do cơ quan hành chính quyết định như ở Việt Nam hiện nay.311 Vì vậy, tổ chức cơ quan quản lý giá đất ở nước ta cần tổ chức theo hướng chỉ thực hiện công tác quản lý, không đồng thời tiến hành thẩm định giá đất như hiện nay. Đội ngũ cán bộ quản lý giá đất được tổ chức dựa trên nội dung, nhiệm vụ quản lý thông qua xây dựng đề án vị trí việc làm xác định trách nhiệm quản lý đến từng vị trí việc làm. Bên cạnh đó, do giá đất có tính chuyên môn cao, yêu cầu đội ngũ quản lý

phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu; công tác tuyển dụng và bố trí cán bộ trên cơ sở thực tài, ổn định và có tính kế thừa. Xây dựng một hệ thống tổ chức quản lý chặt chẽ, thống nhất, khoa học là yêu cầu cơ bản của quản trị đất đai hiện đại.

Về hoạt động của cơ quan quản lý giá đất, với đặc điểm mang tính chuyên môn cao, yêu cầu tính độc lập, khách quan của hoạt động thẩm định giá đất, tác giả đề xuất xã hội hóa hoạt động thẩm định giá đất - chỉ do các doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện, cơ quan quản lý giá đất không đồng thời thực hiện thẩm định giá đất như hiện nay. Quá trình phân giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động quản lý phải dựa vào từng nội dung, yêu cầu và đặc điểm của nội dung quản lý, vừa bảo đảm nguyên tắc trong phân cấp vừa phát huy tính đặc thù trong quản lý giá đất. Cụ thể trong QLNN về giá đất, hệ thống cơ quan quản lý phải tổ chức bộ máy tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; cần có nguồn tài chính, con người và vật lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ được giao; bảo đảm công khai, minh bạch thông tin quản lý để cộng đồng có thể giám sát hoạt động quản lý giá đất.



310 Vũ Văn Phúc (chủ nhiệm, 2015), tlđd (18), tr.89, 90.

311 Đặng Hùng Võ (2012), “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý giá đất”, Tạp chí Tài chính,

http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/kinh-nghiem-quoc-te-ve-quan-ly-gia-dat- 20380.html [truy cập ngày 16/8/2020].

Hiện nay, phân cấp quản lý giá đất ở nước ta chỉ tập trung một khía cạnh trong phân cấp,312 là sự phân chia thẩm quyền giữa các cấp hành chính. Tác giả cho rằng, QLNN về giá đất cần tăng cường chuyển giao một phần thẩm quyền từ cơ quan nhà nước cho các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước, điển hình hoạt động tư vấn thẩm định giá đất, hoạt động cung cấp thông tin giá đất và dự báo giá đất. Bên cạnh đó, bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo chức năng, cụ thể giữa

ngành TN&MT và ngành tài chính. Theo đó, phân định rõ phạm vi tác động quản lý, nguyên tắc phối hợp trong quản lý giá đất. Cần xác định thẩm định giá đất là hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực thẩm định giá do ngành tài chính quản lý nên vai trò chủ đạo trong thực hiện các nội dung quản lý thẩm định giá đất cần tuân thủ các quy định chung về thẩm định giá, cơ quan TN&MT chỉ tham gia vào quá trình ban hành quy định và hoạt động tác nghiệp đặc thù của thẩm định giá đất. Điển hình, trong chương trình đào tạo cấp Thẻ thẩm định viên về giá, Chứng chỉ định giá bất động sản thì Bộ TN&MT cho ý kiến biên soạn hoặc phụ trách một học phần/ chuyên đề về thẩm định giá đất thay vì quy định thêm “giấy phép con” như Nghị định số 136/2018/NĐ-CP.

Với định hướng đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan quản lý giá đất theo hướng khoa học, hiện đại và hiệu quả đã đặt ra yêu cầu về công khai, minh bạch, mở rộng sự tham gia của chủ thể ngoài nhà nước thực hiện các hoạt động quản lý và giám sát quá trình quản lý giá đất. Trước hết, cần quy định đầy đủ các thông tin được công khai, tiếp cận trong từng nội dung quản lý giá đất; phương thức tiếp cận, cung cấp thông tin vì sự tham gia và giám sát của Nhân dân chỉ có thể được bảo đảm khi dễ dàng tiếp cận đầy đủ các thông tin. Việc công khai thông tin và mở rộng sự tham gia của Nhân dân trong hoạt động của cơ quan quản lý giá đất phải bảo đảm hiệu quả, mục tiêu quản lý, không ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, xã hội và các chủ thể khác. Quy định cụ thể trách nhiệm giải trình đối với các quyết định quản lý, cá thể hóa trách nhiệm trước những sai phạm trong quản lý.

Cơ quan QLNN về giá đất chỉ thực hiện chức năng quản lý, không tiến hành hoạt động thẩm định giá đất; tổ chức bộ máy cơ quan quản lý giá đất các cấp thống nhất, phù hợp yêu cầu, nội dung quản lý; tuân thủ các nguyên tắc trong phân cấp quản lý giá đất. Đồng thời, hoạt động quản lý phải công khai, minh bạch, và đề cao trách nhiệm giải trình là những yêu cầu cơ bản cần đảm bảo của cơ quan quản lý giá đất.


312 Phân cấp quản lý ở nước ta được tiếp cận ở ba khía cạnh: một là, sự xác định, phân chia các đơn vị hành chính, các cấp hành chính, lãnh thổ và xác định, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cho mỗi cấp hành chính lãnh thổ, mỗi cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành pháp. Hai là, sự điều chỉnh, chuyển giao thẩm quyền giữa các cấp hành chính và giữa các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ba là, sự chuyển giao một phần thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài nhà nước. Phạm Thanh Huyền (2015), “Một số vấn đề về phân cấp quản lý hành chính nhà nước”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, https://tcnn.vn/news/detail/21525/Mot_so_van_de_ve_phan_cap_quan_ly_hanh_chinh_nha_nuocall.html [truy cập ngày 18/9/2020].

Xem tất cả 219 trang.

Ngày đăng: 22/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí