Xây Dựng Và Thực Hiện Chiến Lược, Quy Hoạch, Kế Hoạch Phát Triển Du Lịch

Khách thể quản lý của hoạt động quản lý nhà nước về du lịch là các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch như khách du lịch, công ty du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, ban quản lý khu di tích, thắng cảnh... Khách thể quản lý về du lịch của mỗi quốc gia, mỗi địa phương có những đặc thù, ví dụ như những sản phẩm du lịch độc đáo, duy nhất (ví dụ: Thắng cảnh Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng (Việt Nam), Vạn lý trường thành (Trung Quốc)... Chính từ đặc thù của khách thể quản lý như vậy, phương thức tổ chức, công cụ quản lý đối với du lịch từng địa phương cũng có những điểm khác so với các địa phương trong cả nước, biểu hiện là vùng, các địa phương có những chính sách đặc thù cho mình. Việc xây dựng và thực thi các chính sách xuất phát từ đặc thù du lịch của từng địa phương, vùng miền - khách thể quản lý - cho thấy quản lý nhà nước đối với du lịch luôn dựa trên những điểm đặc thù để phù hợp với khách thể tượng nhằm đạt được hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.

- Đối tượng quản lý là tất cả các hoạt động, các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động du lịch mà nổi bật là mối quan hệ giữa các tổ chức kinh doanh du lịch với khách du lịch.

- Mục tiêu quản lý nhà nước về du lịch: Nhằm tạo điều kiện, đảm bảo sự phát triển thống nhất, ổn định, bền vững của du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng, quốc gia... Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch ở từng cấp, từng địa phương, từng hoạt động, từng giai đoạn hay thời điểm thì mục tiêu quản lý nhà nước về du lịch phải được xác định cụ thể sát với yêu cầu nhiệm vụ và hoàn cảnh của địa phương.

- Công cụ pháp lý của quản lý nhà nước về du lịch là Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về du lịch nói riêng có công cụ là hệ thống luật và các văn bản có tính pháp quy. Quản lý nhà nước về du lịch bằng pháp luật.

Thứ hai, quản lý nhà nước về du lịch cần đảm bảo sự phối hợp liên ngành, liên vùng. Du lịch là một hoạt động phức tạp, gắn với sự hiện diện của du khách mà phần lớn đến từ địa phương khác, nước khác. Bên cạnh đó, nó mang tính đa dạng và là dịch vụ mang, mang tính tổng hợp có sự tham gia của các ngành khác nhau như xuất nhập cảnh, ngoại giao, vận tải, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, thương mại, y tế, giáo dục....

Thứ ba, quản lý nhà nước về du lịch cần đảm bảo sự kết hợp giữa quản lý theo ngành và theo lãnh thổ. Hoạt động du lịch mang những đặc trưng riêng, có tính đặc thù về chuyên môn, nghiệp vụ của một lĩnh vực chuyên biệt. Song, hoạt động của ngành du lịch lại tồn tại trên những lãnh thổ địa phương nhất định, được đặt dưới sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch theo sự phân cấp trên địa bàn lãnh thổ. Do đó, quản lý nhà nước về du lịch đòi hỏi sự phân công cụ thể, phân cấp trách nhiệm rõ ràng và cần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước theo ngành nhằm khai thác tiềm năng du dịch của địa phương.

1.2.2.2. Vai trò của quản lý nhà nước về du lịch

Một là, quản lý nhà nước về du lịch có vai trò định hướng cho du lịch phát triển

Ngành du lịch là ngành kinh tế động lực của nhiều địa phương hay quốc gia và đã góp phần làm cho tỉ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế ngày càng tăng và cũng như xu hướng chuyển dịch cơ cấu các nền kinh tế ngày càng rõ nét. Để ''Du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn'' thì một yêu cầu không thể thiếu đó là vai trò quản lý nhà nước về du lịch. Bởi lẽ, thông qua quản lý nhà nước về du lịch, Nhà nước sẽ định hướng cho du lịch phát triển về mọi mặt, khai thác lợi thế tối đa với mục tiêu đem lại lợi nhuận đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế. Vai trò này có thể được cụ thể hóa bằng việc ban hành các chính sách, quy hoạch mạng lưới cụ thể, giúp phát huy những thế mạnh của du lịch, khai thác và phát triển đa dạng các loại hình du lịch chất lượng cao.

Nhà nước với công tác quản lý của mình đã tạo lập môi trường pháp lý về du lịch, xây dựng các chương trình phát triển du lịch quy mô toàn quốc, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các chương trình du lịch, quản lý hệ thống doanh nghiệp hoạt động du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động du lịch, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên trường quốc tế...

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Hai là, quản lý nhà nước về du lịch có vai trò tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ và thúc đẩy du lịch phát triển

Quản lý nhà nước về du lịch là sự tác động, điều chỉnh thường xuyên của Nhà nước về hoạt động du lịch nhằm định hướng, thiết lập trật tự của hoạt động du lịch, hướng tới phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách trong và ngoài nước.

Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Huyện Chiêm Hóa, Tỉnh Tuyên Quang - 4

Trước tiên, cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống, du lịch chịu sự quản lý của nhà nước. Nhà nước là chủ thể duy nhất sử dụng quyền lực công để quản lý các ngành và lĩnh vực, đặt chúng vào trong khuôn khổ, đi theo định hướng mình vạch ra, vì mục tiêu của Nhà nước. Đây là điều tất nhiên đối với mọi ngành và lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, do du lịch là công nghiệp không khói, giàu tiềm năng và lợi ích kinh tế - xã hội, ít gây ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế của đất nước, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động của nhiều ngành nghề có liên quan, hoạt động du lịch nhận được sự quan tâm lớn từ phía các Nhà nước. Nhà nước có những chính sách cụ thể, mạnh mẽ cho hoạt động du lịch chính bởi tầm quan trọng của hoạt động này đối với đời sống kinh tế của địa phương quốc gia, đời sống vật chất, tinh thần của con người trong xã hội. Chúng giúp điều tiết sự phát triển của ngành du lịch một cách hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, địa phương; giữa các loại hình du lịch... nhằm gia tăng lợi thế của ngành, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao và bền vững.

Nhà nước có hai chức năng cơ bản là chức năng quản lý và chức năng phục vụ. Quản lý nhà nước chính là hoạt động để nhà nước thực hiện những

chức năng đó nên trong quá trình quản lý, nhà nước phải chú trọng đến lĩnh vực này.

Chức năng quản lý của nhà nước về du lịch thể hiện trên nhiều phương diện nhưng điểm mấu chốt là nhà nước tạo khung pháp lý, định hướng, hỗ trợ, điều tiết, tạo điều kiện thúc đẩy… hoạt động du lịch để nó có thể phát triển thuận lợi, gắn với tiềm năng của từng địa phương nhưng không mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp và không bền vững. Nhà nước, trong việc thực hiện vai trò của mình đối với hoạt động du lịch đã thể hiện một cách rõ rệt nhất, sinh động nhất bản chất nhân văn, tính phục vụ của mình, khi Nhà nước, không chỉ coi hoạt động du lịch như một đối tượng quản lý của mình, mà còn nâng đỡ, trợ giúp, thúc đẩy nó phát triển. Với sự quản lý của mình, Nhà nước thực hiện vai trò là người định hướng, khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ, điều tiết… đối với hoạt động du lịch thông qua hàng loạt các nội dung quản lý. Quản lý nhà nước về du lịch có vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau hoạt động trên lĩnh vực kinh tế du lịch; đưa du lịch phát triển theo định hướng chung, thúc đẩy du lịch phát triển.

Đồng thời, Nhà nước cũng bảo đảm việc cung ứng các dịch vụ công, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho du khách khi xuất nhập cảnh, di chuyển, tham quan, trải nghiệm các dịch vụ du lịch.

Ba là, quản lý nhà nước về du lịch có vai trò kiểm soát, bảo đảm trật tự, kỉ cương trong hoạt động du lịch

Hoạt động quản lý giúp bảo đảm an ninh trật tự, an ninh du lịch, an toàn cho du khách, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ di tích, cảnh quan, môi trường tại các khu, điểm, địa bàn du lịch; hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hiện tượng không lành mạnh, mặt trái của du lịch (mại dâm, văn hóa đồi trụy, nghiện hút); bảo vệ môi trường du lịch. Việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch đóng vai trò quan trọng vì qua đó tạo niềm tin, sự an tâm cho du khách. Đồng thời, việc kiểm soát trật tự, kỉ cương trong hoạt động du lịch giúp các hộ kinh doanh có được môi trường

hoạt động thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, khách du lịch được sử dụng chất lượng dịch vụ tốt.

Bốn là, quản lý nhà nước về du lịch nhằm phát huy, khai thác các tiềm năng du lịch

Du lịch là một ngành đặc biệt và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc dân.Trong cơ cấu các ngành dịch vụ, ngành du lịch ngày càng có vị trí và vai trò quan trọng, đặc biệt khi các nước trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, tham gia vào quá trình toàn cầu hoá kinh tế. Nhờ đó, nhà nước giúp phát huy tiềm năng du lịch của các địa phương từ phong cảnh thiên nhiên, công trình nghệ thuật, nét văn hóa phong tục tập quán.... đồng thời cũng thông qua du lịch để quảng bá văn hóa rộng khắp, nhất là với bạn bè quốc tế.

Tuy vậy, hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành du lịch. Quá trình hội nhập mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các ngành, du lịch nhưng cùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Điều này đặt ra vai trò đặc biệt quan trọng của công tác quản lý nhà nước giúp thúc đẩy phát triển ngành du lịch theo xu thế chung của thế giới nhưng vẫn ổn định, bền vững trong môi trường đầy biến động hiện nay.

Như vậy, có thể thấy rằng, vai trò của nhà nước trong quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch được đề cao và mang những điểm đặc thù. Đó chính là những cách thức tác động của nhà nước nhằm ưu tiên sự phát triển hoạt động du lịch. Đây là một công cụ hữu hiệu cho chủ thể quản lý là nhà nước để có thể đi đến mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy, phát triển du lịch phát huy thế mạnh, tiềm năng của nó.

1.2.3. Nội dung quản lý nhà nước về du lịch

1.2.3.1. Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch

Để có thể quản lý du lịch theo đúng định hướng, trước tiên, cần có một lộ trình, một kế hoạch phát triển với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Điều này khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng một “tầm nhìn” thông qua việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho lĩnh vực

du lịch. Những lộ trình trong tương lai được vạch ra là chiến lược, các quy hoạch, kế hoạch sẽ cụ thể hóa các chiến lược đó vào thực tiễn, trên cơ sở sự cân đối giữa thực trạng và mong muốn trong thời gian tới, sự hài hòa giữa các mục tiêu của ngành du lịch với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội với khả năng đáp ứng của hệ thống quản lý... Từ việc xây dựng được chiến lược, quy hoạch, các chủ thể quản lý xác định có được cái nhìn tổng thể thể hiện "tầm nhìn" trong phát triển du lịch trong tương lai cùng những hoạt động cụ thể để đạt được những mục tiêu ấy trên địa bàn do mình quản lý.

Như vậy, dựa trên nền tảng của tài nguyên du lịch, nhà nước hoạch định chiến lược phát triển du lịch, định hướng các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, lựa chọn các sản phẩm du lịch độc đáo và đặc trưng từ nguồn nguyên liệu trên, đồng thời xác định phương hướng quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch tương ứng.

Việc hoạch định phát triển du lịch để định hướng du lịch địa phương phát triển theo quỹ đạo và mục tiêu kinh tế - xã hội đã được định ra, định hướng, hướng dẫn các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hoạt động hướng đích theo các mục tiêu chung, đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển chung của vùng và cả nước, phù hợp với nhu cầu hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới gắn với tiến trình phát triển đất nước.

Quy hoạch phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn của địa phương là việc bố trí sắp xếp nguồn lực nhằm khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên du lịch trên địa bàn của địa phương đó nhằm đạt được mục tiêu phát triển các hoạt động du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung trong một giai đoạn nhất định. Bên cạnh đó, còn phải xây dựng các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn về phát triển du lịch.

1.2.3.2. Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về du lịch

Xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về hoạt động du lịch trên địa bàn bao gồm triển khai việc xây dựng, thực hiện pháp luật, chính sách của trung ương và xây dựng, triển khai chính sách đặc thù về hoạt động du lịch

thuộc thẩm quyền phân cấp cho chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.

Xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tạo lập môi trường pháp lý và cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh du lịch hoạt động hiệu quả, có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể hoạt động du lịch một cách thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả. Đó là ban hành và bảo đảm thi hành pháp luật, bảo đảm các điều kiện và nguyên tắc cơ bản như: quyền sở hữu, tự do kinh doanh, xử lý tranh chấp, bảo đảm xã hội phát triển lành mạnh, có văn hóa. Chính quyền nhà nước tạo lập môi trường thuận lợi cho các hoạt động du lịch thông qua xây dựng các chính sách như: Chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách khuyến khích đầu tư, giảm thuế, phát triển vùng sâu, vùng xa, trợ cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách kích cầu, chính sách việc làm, chính sách văn hóa - xã hội; chính sách ưu đãi đầu tư; chính sách tài chính - tín dụng, thuế, lãi suất; chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng ngành du lịch; chính sách hỗ trợ xúc tiến du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch; chính sách đất đai; chính sách giá cả các dịch vụ cấu thành sản phẩm du lịch; chính sách cạnh tranh... Bên cạnh việc thực hiện các chính sách do trung ương ban hành, từng địa phương cũng xây dựng hoặc tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền mang tính đặc thù ở địa phương như chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi tiền thuê đất, thời hạn thuê đất, chính sách ưu đãi tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tạo sự an tâm, tin tưởng cho các tổ chức, cá nhân (kể cả trong nước và ngoài nước) khi bỏ vốn đầu tư tham gia hoạt động du lịch.

Để chính sách, pháp luật về du lịch được thực hiện thuận lợi, chính quyền các cấp cần nỗ lực cải cách hành chính, tạo lập môi trường an ninh trật tự, kỷ luật, kỷ cương. Việc tích cực cải thiện môi trường pháp lý, môi trường đầu tư và kinh doanh thông qua việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chung của Nhà nước về phát triển hoạt động du lịch phù hợp với điều kiện ở địa phương là rất cần thiết.

Hoạt động du lịch là khâu đột phá, kích thích sự phát triển của nhiều hoạt động khác trong các ngành, lĩnh vực và cũng là hoạt động tạo ra lợi nhuận cao. Vì vậy phải có chính sách hợp lý để hướng doanh nghiệp sử dụng nguồn lợi nhuận thu được tiếp tục đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững, khai thác hợp lý tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương để góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mạnh mẽ và bền vững.

1.2.3.3. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch

Đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật về du lịch đó bộ máy quản lý nhà nước về du lịch. Trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể dễ dàng, thuận lợi trong việc quản lý cũng như phối hợp với nhau để đạt được hiệu quả cao nhất. Do đặc thù của du lịch là lĩnh vực liên ngành, liên vùng, tổ chức bộ máy cần được tổ chức khoa học trên cơ sở phân công, phân cấp chặt chẽ, sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý ngành và lãnh thổ.

Chủ thể quản lý nhà nước về du lịch là các cơ quan chức năng trong bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động du lịch. Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch, nhà nước đã xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương, Chính phủ thống nhất quản lý, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch trên phạm vi cả nước. Ở địa phương, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn: Ở cấp tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch hoặc Sở Du lịch thực hiện chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về du dịch trên địa bàn tỉnh; Ở cấp huyện, Phòng Văn hóa Thông tin tham mưu cho UBND cấp huyện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn cấp huyện; Ở cấp xã, công chức văn hóa - xã hội tham mưu cho UBND cấp xã quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn cấp xã.

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 12/06/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí