Các Nghiên Cứu Về Yếu Tố Ảnh Hưởng Và Tiêu Chí Đánh Giá Quản Lý Nhà Nước Đối Với Kiểm Toán Độc Lập


kỳ thì luôn đạt được chất lượng kiểm toán tốt; việc hạ thấp giá phí kiểm toán có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng kiểm toán và phần lớn các DNKiT nhỏ do thiếu nguồn lực nên không thể duy trì hoặc thực hiện đều đặn việc xây dựng hệ thống chính sách và thủ tục KSCL đạt hiệu quả; việc thực hiện KSCL từ bên trong của các DNKiT chưa được quan tâm đúng mức. Nghiên cứu đã đề xuất nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán như điều chỉnh quy mô DNKiT, tăng cường quản lý về giá phí kiểm toán, nâng cao trình độ KTV, xây dựng cơ chế KSCL từ bên trong và bên ngoài DNKiT. Đây là một trong những nghiên cứu toàn diện về các khía cạnh khác nhau liên quan đến cơ chế KSCL ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán tại Việt Nam từ trước cho đến nay.

1.1.3 Các nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng và tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập

Các nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước

Đào Anh Tuấn (Quản lý nhà nước về thương mại điện tử, 2013), nghiên cứu chỉ ra, có 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến QLNN về thương mại điện tử bao gồm: Các yếu tố thuộc nguồn lực của cơ quan QLNN về thương mại điện tử (nguồn nhân lực; nguồn lực tài chính; nguồn lực vật); Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước; Các cam kết quốc tế trong phát triển thương mại điện tử; Xu hướng phát triển của thương mại điện tử trên thế giới.

Mai Thị Dung (Quản lý thu bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, 2019), nghiên cứu phân tích ba nhóm yếu tố ảnh hưởng đến công tác QLNN về thu BHXH đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước bao gồm: Yếu tố thuộc về môi trường quản lý (Trình độ phát triển kinh tế; Sự phát triển khoa học công nghệ kĩ thuật; Môi trường luật pháp); Yếu tố thuộc về chủ thể quản lý (Quan điểm của Nhà nước về bảo hiểm xã hội; Năng lực của cán bộ thu BHXH; Cơ sở vật chất của ngành BHXH); Yếu tố thuộc về khách thể quản lý (Năng lực tổ chức quản lý, điều hành và nguồn lực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp có vốn vốn đầu tư nước ngoài; Việc làm, thu nhập, trình độ nhận thức của người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Lê Hà Trang (Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam, 2019), nghiên cứu đã phân chia các yếu tố ảnh hưởng đến QLNN đối với hoạt động kinh doanh của DNBH phi nhân thọ gồm 3 nhóm: Nhóm nhân tố liên quan đến chủ thể quản lý; Nhóm nhân tố liên quan đến đối tượng quản lý; Nhóm nhân tố liên quan đến môi trường quản lý. Bằng phương pháp phỏng vấn chuyên gia, nghiên cứu xây dựng bảng hỏi để đánh giá các


nhân tố ảnh hưởng cụ thể trong từng nhóm nhân tố. Sau khi kiểm định các thang đo nhân tố ảnh hưởng đến QLNN đối với HĐKD của DNBH phi nhân thọ ở Việt Nam, nghiên cứu thực hiện thống kê mô tả từng nhóm nhân tố để phân tích chi tiết đặc tính của các biến, cũng như so sánh để suy diễn thống kê về mối quan hệ giữa các biến, làm cơ sở để đề ra những giải pháp hoàn thiện.

Các nghiên cứu về tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 218 trang tài liệu này.

Theo một số nghiên cứu điển hình về đánh giá QLNN theo kết quả đầu ra của các tác giả Tim Cadman, (Evaluating the Quality and Legitimacy of Global Governance, 2012), Manning, Kraan (2006), Dhruv Agarwal, Neil Mathew, Shyam Goyal (2015), Đào Anh Tuấn (Quản lý nhà nước về thương mại điện tử, 2013); Lê Hà Trang (Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam, 2019); Mai Thị Dung (Quản lý thu bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, 2019), tiêu chí đánh giá QLNN đối với các hoạt động trong nền kinh tế bao gồm: (1) Hiệu lực; (2) Hiệu quả; (3) Phù hợp; (4) Bền vững. Các tiêu chí sử dụng để đo lường, đánh giá và đưa ra các kết luận về mức độ thực hiện các mục tiêu làm cơ sở cho quá trình ra quyết định và định hướng chính sách của quốc gia. Đánh giá QLNN đối với các hoạt động trong nền kinh tế theo kết quả đầu ra có sự thuyết phục về hình thức. Tuy nhiên, khi dựa vào những tiêu chí đánh giá này, Nhà nước không đo lường được chất lượng và mức độ đáp ứng của QLNN đối với các hoạt động trong nền kinh tế đang cần được cải thiện và kiểm soát.

Trong khoảng hai thập kỷ gần đây, các nhà kinh tế học, giới nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực phát triển, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc dần đi tới một quan điểm: hệ thống quản trị Nhà nước là một trong những yếu tố chính để dẫn đến sự thành công hay thất bại của một quốc gia. Năm 2012, quan điểm này được hai nhà kinh tế học hàng đầu Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts) và James Robinson (Đại học Harvard) chia sẻ. Từ lịch sử phát triển kinh tế của các quốc gia khác nhau, các tác giả đã chứng minh rằng quản trị Nhà nước là lý do chủ đạo quyết định con đường phát triển của một quốc gia. Cụ thể hơn, nó phải là một hệ thống quản trị dung hợp (inclusive) chứ không phải là chiếm đoạt (extrative). Một hệ thống quản trị dung hợp hoạt động trên nền tảng thượng tôn pháp luật, bảo đảm an toàn cho tài sản của người dân, tạo ra một sân chơi công bằng cho các hoạt động của thị trường tự do. Hơn nữa, nó cho phép công dân tham gia rộng rãi vào các quy trình quản lý và kiểm soát quyền lực Nhà nước thông qua các cơ chế giải trình. Theo các tác giả, nếu không có tính dung

Quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập ở Việt Nam - 4


hợp, quốc gia vẫn có thể tạo ra tăng trưởng trong một thời gian nhất định nhưng không bền vững và sẽ chạm ngưỡng nếu như hệ thống quản trị không được thay đổi.

Kaufmann (Measuring Good Governance - The World Bank Institute, 1997), cho rằng, quản trị Nhà nước là các truyền thống và thể chế thực thi quyền lực ở một quốc gia, bao gồm: (i) Chọn người lãnh đạo đất nước như thế nào, giám sát họ ra sao và khi cần thay thế họ ra sao; (ii) Năng lực của chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách có cơ sở và cung cấp dịch vụ công; (iii) Sự tôn trọng của người dân và nhà nước đối với các thể chế điều tiết tương tác kinh tế.

Khác với đánh giá QLNN theo kết quả đầu ra là xác định thẩm quyền, phân định và tổ chức thực hiện thẩm quyền của các cơ quan để QLNN để đưa ra các biện pháp khuyến khích và cưỡng chế nhằm quản lý các hoạt động của nền kinh tế. Đánh giá QLNN theo mô hình quản trị nhà nước tốt, là nhận biết được quyền lực, xác định quyền lực đó được trao cho ai, như thế nào, tổ chức hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ công sao hiệu quả, và đảm bảo sự giám sát, tham gia của người dân. Chính vì vậy, trách nhiệm giải trình cũng như hệ quả hậu giải trình của Nhà nước trước công dân và xã hội là những đặc trưng không thể thiếu của mô hình quản trị Nhà nước. Theo World Bank (Governance - The World Bank‟s experience, 1996), quản trị tốt là cách thức sử dụng sức mạnh quyền lực Nhà nước để quản lý nguồn lực xã hội vì sự phát triển quốc gia. Theo UNDP (1997), quản trị Nhà nước tốt là việc thực thi các loại quyền lực như kinh tế, chính trị và hành chính để quản lý tốt mọi vấn đề của đất nước ở tất cả các cấp chính quyền

Các nghiên cứu điển hình về QLNN theo lý thuyết quản trị nhà nước tốt (Good Governance) hướng đến các tiêu chí chung bao gồm: (1) Năng lực của Nhà nước; (2) Khả năng ứng phó; (3) Trách nhiệm và đánh giá theo 8 giá trị cốt lõi: “Mở rộng sự tham gia của công dân vào hoạt động QLNN (participatory), Hoạch định chính sách trên nguyên tắc đồng thuận xã hội (consensus oriented), xây dựng một nền hành chính có trách nhiệm (accountable) và minh bạch (transparent), Trách nhiệm giải trình (responsive), hiệu quả và hiệu lực (effective and efficient), công bằng, toàn diện (equitable and inclusive) và tuân thủ luật pháp (follows the rule of law)”.

Các nghiên cứu về phương pháp đánh giá quản lý nhà nước

Đánh giá chất lượng QLNN theo các tiêu chí là việc không hề đơn giản. Việc đo lường này chủ yếu sử dụng các phương pháp thống kê kinh tế- xã hội và do các cơ quan hành chính hay các tổ chức đánh giá độc lập thực hiện theo yêu cầu trung thực, khách quan. Đào Anh Tuấn (Quản lý nhà nước về thương mại điện tử, 2013), thực hiện đánh giá QLNN dựa trên 4 tiêu chí (Tiêu chí hiệu lực; Tiêu chí


hiệu quả; Tiêu chí phù hợp; Tiêu chí bền vững) theo kết quả đầu ra có đạt được mục tiêu QLNN đề ra hay không?

Mai Thị Dung (Quản lý thu bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, 2019), thực hiện đánh giá QLNN theo quy trình. Quá trình QLNN về thu BHXH là quá trình chuyển hóa các yếu tố đầu vào (các yêu cầu, mong đợi của người tham gia BHXH, các nguồn lực và các yếu tố khác) thành các kết quả đầu ra (các dịch vụ làm thỏa mãn những nhu cầu của người tham gia BHXH và các yêu cầu về quản lý nhà nước). Theo cách tiếp cận này, hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng QLNN phải phản ánh được các yếu tố: Mục tiêu, đầu vào, quá trình, đầu ra và kết quả của đầu ra (được lượng hoá). Mỗi yếu tố được cụ thể hóa thành các tiêu chí tương ứng và đánh giá theo từng tiêu chí; chằng hạn các yếu tố đầu vào góp phần tạo nên chất lượng QLNN, thể hiện qua: Hạ tầng cơ sở gồm nhà cửa, thiết bị, công cụ thông tin và các phương tiện kỹ thuật khác...; cán bộ, công chức Nhà nước.

Lê Hà Trang (Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam, 2019); sử dụng mô hình phân tích IPA (Importance Performance Analysis) dựa trên sự khác biệt ý kiến của những nhà quản lý, khách thể quản lý, các nhà nghiên cứu về mức độ quan trọng và mức độ thực hiện các chỉ tiêu của cơ quan quản lý (I-P gaps). Mô hình tích hợp Kano – IPA, được xây dựng dựa trên 2 yếu tố: “Mức độ thực hiện” (Performance) và “Mức độ quan trọng” (Importance) và dựa vào trị số trung bình của 2 yếu tố trên để xây dựng ma trận Quadrant và biểu đồ Kano - IPA để lượng hoá mức độ quan trọng và mức độ thực hiện QLNN đối với hoạt động kinh doanh của DNBHPNT ở Việt Nam theo các tiêu chí nhằm có cơ sở khoa học để đưa ra các hàm ý chính sách về QLNN đối với hoạt động kinh doanh của các DNBHPNT ở Việt Nam.

Các nghiên cứu cho thấy, có nhiều tiêu chí và phương pháp đánh giá QLNN được đưa ra và hầu hết đều quan tâm đến tính hiệu quả, hiệu lực của QLNN. Các tiêu chí và phương pháp đánh giá ngày càng cụ thể hóa, định lượng hóa và thay đổi phù hợp với thể chế và trình độ phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.

1.1.4 Những khoảng trống nghiên cứu

Trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, luận án có những nhận xét sau:

Các nghiên cứu ở nước ngoài được thực hiện ở các nền kinh tế phát triển và KTĐL có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Ở đó, các điều kiện về thị trường, mô hình tổ chức quản lý, hành lang pháp lý điều hành nền kinh tế, tổ chức nghề nghiệp


về kiểm toán và điều kiện nội tại của các DNKiT rất khác với đặc thù của nền kinh và điều kiện của các DNKiT ở Việt Nam.

Một số công trình nghiên cứu trong nước tiếp cận theo từng nội dung riêng lẻ của quá trình QLNN đối với KTĐL và được thực hiện chủ yếu trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2012 trước khi Luật KTĐL ra đời, trong khi đó môi trường kinh doanh, chính sách pháp luật và trình độ quản lý đã có nhiều thay đổi.

Các nghiên cứu đều chưa thống nhất về các yếu tố ảnh hưởng và tiêu chí đánh giá QLNN mà chủ yếu được xây dựng dựa trên cơ sở nền tảng quy phạm pháp luật và liên quan mật thiết với đặc điểm riêng của từng lĩnh vực hoạt động. Việc áp dụng triệt để các bộ tiêu chí cho từng lĩnh vực hoạt động của Việt Nam là không phù hợp mà chỉ có thể tham khảo, kế thừa những tiêu chí đối với những điều kiện mang tính tương đồng. Đánh giá QLNN đối với KTĐL cần hướng tới xây dựng bộ chỉ số dựa trên giá trị cốt lõi của lý thuyết quản trị nhà nước tốt.

Chưa có nghiên cứu tổng quát nào cho nội dung QLNN đối với KTĐL trên cả ba nội dung của quá trình: xây dựng hệ thống pháp lý đối với KTĐL; tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật đối với KTĐL; kiểm tra, giám sát KTĐL.

Như vậy, có thể khẳng định trong các nghiên cứu đã công bố có rất ít công trình nghiên cứu toàn diện về QLNN đối với KTĐL theo chức năng và quá trình quản lý. Từ những nhận định trên, tác giả luận án cho rằng, có một khoảng trống cả về mặt lý luận và thực tiễn QLNN đối với KTĐL gợi mở cho tác giả nghiên cứu nhằm thực hiện tốt đề tài luận án:

Kế thừa tiếp tục phân tích làm sáng tỏ lý luận chung về QLNN đối với KTĐL và các tiêu chí đánh giá QLNN đối với KTĐL.

Sử dụng mô hình định lượng phân tích các tiêu chí đánh giá để đưa ra những nhận xét về kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra trong QLNN đối với KTĐL ở Việt nam.

Nghiên cứu định lượng làm rõ các yếu tố ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đến QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện luận án, tác giả đã kế thừa (có phát triển) kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước các giá trị khoa học như:

Những vấn đề lý luận cơ bản về QLNN đối với các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế: khái niệm, đặc điểm, vai trò, phương pháp quản lý và công cụ quản lý;

Những nội dung QLNN đối với các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế: hoạch định chính sách, tổ chức bộ máy quản lý, thanh tra và kiểm tra;

Những phân tích về thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến QLNN và đánh giá QLNN đối với các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.


1.2 Khung phân tích của luận án

Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu và phỏng vấn ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực QLNN về KTĐL, luận án xác định phạm vi nghiên cứu và xây dựng khung phân tích của luận án:

Các yếu tố ảnh hưởng đến QLNN đối với KTĐL, luận án xây dựng 3 nhóm yếu tố: Nhóm yếu tố thuộc môi trường quản lý; Nhóm yếu tố thuộc chủ thể quản lý; Nhóm yếu tố thuộc khách thể quản lý.

Nội dung QLNN đối với KTĐL, luận án dựa trên quá trình quản lý xây dựng 3 nội dung: Xây dựng hệ thống pháp lý đối với KTĐL; Tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật đối với KTĐL (các yếu tố con người và quá trình quản lý: tổ chức bộ máy quản lý, triển khai và phối hợp hoạt động); Kiểm tra, giám sát KTĐL.

Đánh giá QLNN đối với KTĐL, luận án dựa trên lý thuyết quản trị nhà nước tốt (Good Governance), hướng đến: Năng lực của Nhà nước; Khả năng ứng phó; Trách nhiệm, và đưa ra 4 tiêu chí đánh giá: (1) Tính hiệu lực; (2) Tính hiệu quả; (3) Tính phù hợp; (4) Tính bền vững.

KHUNG PHÂN TÍCH CỦA LUẬN ÁN


Yếu tố thuộc môi trường quản lý

Yếu tố thuộc chủ thể quản lý

Mục tiêu QLNN

Hệ thống QLNN

Sự tương tác

Kết quả đạt được của QLNN

Đánh giá QLNN

Nhà nước

(Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính)

Chiến lược,

chính sách và pháp luật

Con người

Quá trình quản lý

Tính hiệu lực, hiệu quả, phù hợp, bền vững

Yếu tố thuộc khách thể

quản lý

Sơ đồ 1.1: Khung phân tích của luận án

(Nguồn: Theo nghiên cứu của tác giả)


1.3 Phương pháp nghiên cứu của luận án

1.3.1 Phương pháp luận nghiên cứu

Luận án sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm cơ sở phương pháp luận nghiên cứu. Phương pháp duy vật biện chứng được sử dụng để nhìn nhận, phân tích, khám phá bản chất của sự vật, hiện tượng trong quá trình vận động tất yếu của nó. Phương pháp duy vật lịch sử được sử dụng để nhận diện quy trình QLNN đối với KTĐL trong từng giai đoạn phát triển của KTĐL, quá trình thay đổi quy trình quản lý, kết quả đạt được của từng giai đoạn và những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.

Luận án đặt việc xử lý những vấn đề nảy sinh tác động đến QLNN đối với KTĐL trong mối quan hệ với KSCL kiểm toán và nghiên cứu nó trong sự vận động, phát triển của nền kinh tế và sự phát triển của DNKiT.

1.3.2 Các phương pháp nghiên cứu cụ thể

1.3.2.1 Phương pháp nghiên cứu định tính

Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng nhằm khám phá tìm hiểu sâu nội dung QLNN, thực trạng QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu tại bàn và nghiên cứu tại hiện trường.

Phương pháp nghiên cứu tại bàn

Mục đích nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu tại bàn nhằm tập trung tìm kiếm và nghiên cứu các dữ liệu thứ cấp làm cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu QLNN đối với KTĐL, thực trạng QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam, đề xuất khung nghiên cứu, xác định các yếu tố ảnh hưởng và tiêu chí đánh giá QLNN đối với KTĐL.

Cách thức nghiên cứu

Việc thu thập dữ liệu thứ cấp được thực hiện thông qua internet, tại Thư viện Trường Đại học Thương mại, Thư viện Quốc gia, Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Dữ liệu sau khi thu thập được xử lý bằng phương pháp phân tích, thống kê, so sánh và tổng hợp thông tin. Các dữ liệu thứ cấp cần thu thập bao gồm các nội dung: các học thuyết về QLNN, nội dung QLNN đối với KTĐL, kinh nghiệm QLNN đối với KTĐL của một số quốc gia trên thế giới, thực trạng QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam. Các dữ liệu được thu thập từ các nguồn tài liệu có sẵn trong nước và ngoài nước, đó là các nguồn: Bộ Tài chính; Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam; Thanh tra Chính phủ,…. Ngoài ra, để làm phong phú thêm và bổ sung số liệu tham chiếu, luận án còn thu thập số liệu từ: Niên giám thống kê, Báo cáo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Báo/ tạp chí điện tử/kỷ yếu khoa học liên quan đến QLNN đối với KTĐL của các tác giả Việt Nam và thế giới, các nguồn thông tin đảm bảo sự tin cậy.


Phương pháp nghiên cứu tại hiện trường

Mục đích nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu tại hiện trường nhằm hoàn chỉnh khung nghiên cứu phù hợp với điều kiện nghiên cứu là QLNN đối với KTĐL.

Cách thức nghiên cứu

Việc thu thập thông tin diễn ra độc lập, đảm bảo người được phỏng vấn không bị chi phối bởi suy nghĩ, quan điểm, cảm xúc của người khác. Kỹ thuật thực hiện là thảo luận trực tiếp giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn.

Luận án lựa chọn mẫu khảo sát phỏng vấn có chủ đích là các lãnh đạo cấp Bộ trực tiếp quản lý, giám sát KTĐL; chủ tịch Hội nghề nghiệp về kế toán và kiểm toán; lãnh đạo DNKiT; và các nhà nghiên cứu là các chuyên gia trong lĩnh vực KTĐL ở Việt Nam. Đây là những người hiểu rõ thực trạng KTĐL ở Việt nam, am hiểu về QLNN, trực tiếp quản lý, điều hành, có lý luận và kinh nghiệm thực tiễn QLNN đối với KTĐL cũng như quản lý hoạt động hành nghề của DNKiT và KTV. Phỏng vấn có chủ đích nhằm thực hiện nghiên cứu đánh giá hướng tiếp cận nội dung QLNN, các yếu tố ảnh hưởng và sự phù hợp của bộ tiêu chí đánh giá QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam.

Mẫu chủ đích bao gồm: 2 lãnh đạo thuộc Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính); 1 lãnh đạo thuộc UBCKNN; 1 lãnh đạo thuộc NHNN; 1 lãnh đạo thuộc Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, 1 lãnh đạo thuộc Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam, 1 lãnh đạo của DNKiT, 2 chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực KTĐL thuộc Trường Đại học, và 1 KTV hành nghề (Phụ lục số 01). Với kích thước mẫu này là đạt đến số lượng phần tử tính đến điểm bão hoà, tức là không thể thu thập thêm được thông tin.

Phỏng vấn được thực hiện theo các bước sau:

Chuẩn bị phỏng vấn: Liên hệ với các đối tượng phỏng vấn để xác định thời gian và địa điểm phỏng vấn. Soạn thảo các câu hỏi sâu liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của KTĐL ở Việt Nam; thực trạng QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam (Phụ lục số 02).

Thực hiện phỏng vấn: Giới thiệu bản thân mình, chủ đề phỏng vấn và mục đích cuộc phỏng vấn. Tiến hành phỏng vấn các chuyên gia lần lượt các câu hỏi trong phiếu phỏng vấn (Phụ lục số 02).

Toàn bộ nội dung câu trả lời của đối tượng phỏng vấn được ghi chép lại và ghi âm (đã được sự cho phép của đáp viên) nhằm lưu lại để phục vụ cho phân tích dữ liệu định tính. Nội dung của cuộc phỏng vấn được tác giả “gỡ băng ghi âm”

Xem tất cả 218 trang.

Ngày đăng: 02/04/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí