Hoạt Động Phòng Tránh Xâm Hại Tình Dục Cho Học Sinh Phổ Thông Khái Niệm Về Hoạt Động

1.2.2. Quản lý giáo dục

Về khái niệm quản lý giáo dục, hiện nay cũng có nhiều định nghĩa khác nhau. Quản lý giáo dục là thực hiện việc quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Ngày nay, lĩnh vực giáo dục mở rộng hơn nhiều so với trước, do mỗi chỗ mở rộng đối tượng giáo dục từ thế hệ trẻ sang người lớn và toàn xã hội. Tuy nhiên, giáo dục thế hệ trẻ là bộ phận nòng cốt của lĩnh vực giáo dục cho toàn xã hội.

- Theo Trần Kiểm: “Quản lý giáo dục là tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và hướng đích của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau nhằm mục đích đảm bảo cho sự hình thành nhân cách thế hệ trẻ trên cơ sở nhận thức và vận dụng những qui luật chung của xã hội cũng như các qui luật của quản lý giáo dục, của sự phát triển tâm lý và thể lực của trẻ em” [15].

- Theo Nguyễn Ngọc Quang: “Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, phù hợp qui luật của chủ thể quản lý (hệ giáo dục) nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất” [24].

Những khái niệm trên tuy có diễn đạt khác nhau nhưng tựu trung quản lý giáo dục được hiểu là sự tác động có tổ chức, có định hướng phù hợp với qui luật khách quan của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý nhằm đưa hoạt động giáo dục ở từng cơ sở và của toàn bộ hệ thống giáo dục đạt tới mục tiêu đã định.

Trong quản lý giáo dục chủ thể quản lý chính là bộ máy quản lý các cấp. Đối tượng quản lý chính là nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và hoạt động thực hiện chức năng của giáo dục đào tạo.

Nội dung của quản lý giáo dục bao gồm một số vấn đề cơ bản:

- Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chính sách, chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục.

- Ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật về giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học.

- Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.

- Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng CBQL, giảng viên.

- Huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực…

Quản lý hoạt động giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh ở các trường THPT thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - 4

1.2.3. Hoạt động phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh phổ thông Khái niệm về hoạt động

Có nhiều định nghĩa khác nhau về hoạt động, tùy thuộc vào các góc độ xem xét mà những cách hiểu về hoạt động khác nhau:

- Dưới góc độ triết học: Hoạt động là quan hệ biện chứng của chủ thể và khách thể. Trong mối quan hệ đó, chủ thể là con người, khách thể là hiện thực khách quan. Ở góc độ này, hoạt động được xem là quá trình mà trong đó có sự chuyển hóa lẫn nhau giữa hai cực là chủ thể và khách thể [35].

- Dưới góc độ sinh lý: Hoạt động là toàn bộ sự tiêu hao năng lượng thần kinh và cơ bắp khi tác động vào hiện thực khách quan nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của cá nhân và xã hội [35].

- Dưới góc độ cấu trúc hoạt động: Hoạt động là toàn bộ hành động được thống nhất theo mục đích chung nhằm thực hiện chức năng xã hội nào đó [35].

- Dưới góc độ tâm lý học: Xuất phát từ quan điểm cho rằng cuộc sống của con người là chuỗi những hoạt động, giao tiếp kế tiếp nhau, đan xen vào nhau, hoạt động có thể được hiểu là phương thức tồn tại của con người trong thế giới [35].

Hoạt động là hình thức biểu hiện quan trọng nhất của mối quan hệ tích cực, chủ động của con người với tự nhiên, xã hội, với người khác, với chính mình. Theo Nguyễn Quang Uẩn: “Hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới, cả về phía con người”. [35]. Thông qua hoạt động con người nhận thức, cải tạo, sáng tạo thế giới đồng thời nhận thức, cải tạo và sáng tạo chính bản thân. Hoạt động bao giờ cũng có chủ thể, đối tượng, mục đích... Hoạt động luôn xuất phát từ động cơ do sự thôi thúc của nhu cầu, hứng thú, tình cảm, ý thức trách nhiệm. Để đạt mục đích hoạt động, con người phải sử dụng phương tiện, điều kiện.

Chúng tôi xem khái niệm hoạt động của Nguyễn Quang Uẩn là cơ sở khoa học soi sáng cho việc nghiên cứu. Tuy nhiên, khái niệm hoạt động dưới góc độ nghiên cứu của luận văn chỉ theo nghĩa hẹp: “Đó là quá trình diễn ra một loạt những hành động có liên quan chặt chẽ tác động vào đối tượng nhằm đạt mục đích”.

Xâm hại tình dục:

Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Xâm hại tình dục trẻ em là sự tham gia của một đứa trẻ vào hoạt động tình dục mà đứa trẻ đó không có ý thức đầy đủ, không có khả năng đưa ra sự chấp thuận tham gia, hoặc hoạt động tình dục mà đứa trẻ đó chưa đủ phát triển cả về mặt tâm sinh lý để tham gia và không thể

chấp thuận tham gia, hoặc hoạt động tình dục trái với các quy định của pháp luật hoặc các thuần phong mĩ tục của xã hội” [39].

Căn cứ pháp lý tại Điều 4 Luật Trẻ em 2016: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức” [26].

Tuy vẫn chưa có một khái niệm cụ thể nào nói về xâm hại tình dục, nhưng dựa vào các quy định của pháp luật hình sự của Việt Nam và định nghĩa của tổ chức WHO, ta có thể hiểu sơ lược khái niệm xâm hại tình dục trẻ em như sau:

Xâm hại tình dục trẻ em là hành vi có chủ ý để làm hài lòng, thỏa mãn nhu cầu tình dục của một người đối với trẻ em, đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, hành vi xâm phạm tình dục trẻ em bao gồm các hành vi khác nhau: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em.

Hành vi xâm hại tình dục trẻ em là hành vi sử dụng quyền lực và sức mạnh có thể là tiền bạc, vật chất, lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin và sự tôn trọng của trẻ để ép buộc các em tham gia vào hành vi tình dục, xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục và sự phát triển lành mạnh, bình thường về thể chất, về tâm lý và về tinh thần của trẻ em.

Khai thác tình dục mang tính thương mại cũng được xếp là một hình thức lạm dụng tình dục, là sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động mại dâm, khiêu dâm hoặc buôn bán trẻ em. Hành vi tội phạm tình dục liên quan đến trẻ em thường do các tội phạm nam giới thực hiện và ngành công nghiệp tình dục có thể được kiểm soát một cách tinh vi bởi các nhóm tội phạm có tổ chức.

Lạm dụng tình dục, bóc lột tình dục vì mục đích thương mại và buôn bán trẻ em là những vấn đề rất được quan tâm ở Việt Nam hiện nay và chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định pháp luật, chính sách và chương trình trong những năm gần đây.

Phòng tránh xâm hại tình dục.

Phòng tránh xâm hại tình dục là quá trình tác động đến nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của xâm hại tình dục; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại tình dục; ngăn ngừa trước, không để hành vi xâm hại tình dục xảy ra.

Hoạt động giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục:

Hoạt động giáo dục (trong nhà trường) là quá trình hình thành thế giới quan, nhân sinh quan và những phẩm chất đạo đức cần thiết cho học sinh. Qúa trình này bao gồm các thành tố cơ bản như: mục đích giáo dục, nhiệm vụ giáo dục; nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức giáo dục; chủ thể giáo dục, đối tượng giáo dục…

Chúng tôi tiếp cận khái niệm hoạt động giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục trong nhà trường. Theo đó, có thể hiểu: Hoạt động giáo dục PT XHTD cho HS THPT là hoạt động chủ đạo của nhà giáo dục tác động đến nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh giúp học sinh có nhận thức đúng đắn, thái độ tích cực và thực hiện có hiệu quả các hành vi phòng tránh xâm hại tình dục. Đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp đảm bảo an toàn cho học sinh trong và ngoài nhà trường.

1.2.4. Quản lý hoạt động phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh phổ thông

Có thể thấy, quản lý hoạt động phòng tránh XHTD học sinh THPT bao gồm các công việc: lập kế hoạch chi tiết cho hoạt động, chuẩn bị cho hoạt động của giáo viên và học sinh; tổ chức hoạt động theo kế hoạch đã vạch ra; tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá quá trình và kết quả hoạt động.

Quản lý hoạt động phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh trung học phổ thông là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra nhằm tác động có định hướng của CBQL đến hoạt động giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh trung học phổ thông.

1.3. Những vấn đề lý luận về hoạt động giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục trong trường trung học phổ thông

1.3.1. Đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh trung học phổ thông

Trong tâm lý học lứa tuổi người ta định nghĩa tuổi thanh niên là giai đoạn phát triển từ lúc dậy thì và kết thúc khi bước vào tuổi người lớn. Theo định nghĩa này thì tuổi thanh niên là thời kì từ 14, 15 đến 25 tuổi. Còn từ 14, 15 tuổi đến 17, 18 tuổi là giai đoạn đầu thanh niên (lứa tuổi học sinh THPT).

* Sự phát triển thể chất:

Tuổi đầu thanh niên là tuổi đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể. Sự khác biệt về cơ thể giữa thanh niên mới lớn với người lớn không đáng kể. Nhưng sự phát triển thể lực của các em còn kém so với người lớn. Từ 14, 15 - 17, 18 tuổi là giai đoạn phát triển thể chất của con người vào giai đoạn hoàn chỉnh được thể hiện ở chỗ sự gia tăng chiều cao giảm dần, con gái khoảng 16, 17 tuổi, con trai khoảng 17, 18

tuổi (+ 13 tháng). Điều này giúp hình thành một cơ thể cân đối, đẹp khỏe của người thanh niên.

Trọng lượng cơ thể phát triển nhanh, mạnh, cân nặng của thanh niên đạt gấp đôi tuổi 11, 12 tuổi. Các tố chất về thể chất sự dẻo dai được tăng cường. Sự phát triển của hệ thần kinh có những thay đổi quan trọng do cấu trúc bên trong của não phức tạp và các chức năng của não phát triển. Số lượng dây thần kinh liên hợp, liên kết các phần khác nhau của vỏ não tăng lên. Hệ tuần hoàn đi vào hoạt động bình thường. Sự mất cân đối giữa tim và mạch đã chấm dứt. Đây cũng chính là thời kỳ trưởng thành về giới tính, là giai đoạn của nam thanh nữ tú. Chấm dứt giai đoạn khủng hoảng của thời kỳ phát dục để chuyển sang thời kỳ ổn định hơn, cân bằng hơn xét về tất cả các mặt hoạt động hưng phấn, ức chế của hệ thần kinh cũng như các mặt phát triển khác về thể chất. Tóm lại, đây là lứa tuổi các em có cơ thể phát triển cân đối, hài hòa và đẹp nhất.

* Sự phát triển về đời sống xúc cảm, tình cảm của học sinh đầu tuổi thanh niên:

Đời sống tình cảm, xúc cảm của thanh niên rất phong phú và đa dạng. Điều đó được quy định bởi các mối quan hệ giao tiếp của thanh niên về phạm vi đặc biệt phát triển về mặt chất lượng. Trong đó nổi bật nhất là mức độ càng ngày càng bình đẳng, độc lập trong sự giao tiếp với người lớn và bạn bè cùng tuổi. Đó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bộ mặt nhân cách của thanh niên. Tình bạn tuổi THPT có cơ sở, bền vững hơn tuổi thiếu niên. Ở đây nổi bật là tình bạn trong bạn bè cùng độ tuổi, cùng giới phát triển mạnh. Nhu cầu chọn được bạn thân là nhu cầu tất yếu của thanh niên. Việc chọn bạn không còn cảm tính mà được xem xét ở mức độ hứng thú, cảm thông...Tình bạn có thể kéo dài trong cuộc sống của thanh thiếu niên. Ngoài ra, họ thường cho rằng người lớn không hiểu họ nên có xu hướng xa lánh, lạnh nhạt để tìm sự đồng cảm của bạn bè. Việc duy trì được bầu không khí tình cảm, ấm áp và hiểu biết lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái phụ thuộc rất lớn đối với những con người trẻ tuổi, vào thái độ ân cần và ứng xử tế nhị của người lớn.

Học sinh đầu tuổi thanh niên cũng bắt đầu bộc lộ những tình cảm đạo đức như khâm phục kính trọng những con người dũng cảm, kiên cường coi trọng những giá trị đạo đức cũng như lương tâm.

Một loại tình cảm rất đặc trưng ở lứa tuổi này là tình yêu trai gái. Dễ quan sát thấy những biểu hiện ở sự phải lòng, thậm chí có sự xuất hiện của những mối tình đầu đầy lãng mạn. Những biểu hiện của loại tình cảm này rất phức tạp, không đồng đều. Theo những nghiên cứu về giới tính người ta thấy rằng những em gái bộc lộ sớm hơn các em trai, ít lúng túng hơn và cũng ít xung đột hơn. Sự không đều còn thể hiện ở

chỗ trong khi một số em bộc lộ mạnh mẽ với người khác giới thì nhiều em khác vẫn tỏ ra thờ ơ, không quan tâm. Điều này phụ thuộc vào yếu tố phát dục trưởng thành mà phụ thuộc vào kế hoạch đời người của cá nhân người trẻ tuổi, phụ thuộc vào điều kiện giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Một điều rất rõ mà khoa học là thực tiễn cuộc sống đã khẳng định là ở độ tuổi này sự chín muồi về sinh lý, tình dục đã đi trước một bước, còn sự trưởng thành về tâm lý xã hội, kinh nghiệm sống chậm hơn nhiều. Bởi vậy những điều kiện cần và đủ cho cuộc sống tình yêu trai gái ở độ tuổi này chưa được hội tụ.

Tóm lại, sự phát triển nhân cách của học sinh trung học phổ thông là một giai đoạn rất quan trọng, giai đoạn chuyển đổi từ trẻ em lên người lớn. Đây là lứa tuổi đầu thanh niên với những đặc điểm tâm lý đặc thù khác với tuổi thiếu niên, các em đã đạt tới sự trưởng thành về thể lực và sự phát triển nhân cách. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh trung học phổ thông là điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục PT XHTD cho HS cho các em có hiệu quả. Các lực lượng giáo dục phải biết phát huy các yếu tố tích cực, khắc phục những hạn chế trong sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi này để lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức thích hợp, phát huy được tính tích cực chủ động của các em trong hoạt động giáo dục theo định hướng của mục tiêu giáo dục PT XHTD cho HS.

1.3.2. Mục đích, ý nghĩa của hoạt động giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh trung học phổ thông

Mục đích của hoạt động giáo dục PT XHTD là xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh tạo nên môi trường học tập thân thiện giúp học sinh được học tập, rèn luyện trong môi trường lành mạnh, an toàn, tránh được những hành vi quấy rối tình dục. Như vậy, mục đích của hoạt động giáo dục PT XHTD trong trường THPT nhằm:

- Góp phần vào sự phát triển toàn diện của học sinh.

- Giảm thiểu hiện tượng quấy rối, XHTD, đảm bảo an toàn cho học sinh.

- Nâng cao uy tín cho trường THPT.

- Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, từ đó có sự thay đổi về hành vi, nhận thức để nhận thức đúng đắn về mức độ XHTD, và các kĩ năng PT XHTD; chú trọng nội dung phòng tránh XHTD trong và ngoài trường học.

- Nâng cao hiểu biết và trang bị các kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn các em mình chủ động phòng tránh nạn xâm hại tình dục.

- Giúp học sinh nhận ra biểu hiện của XHTD, nguy cơ và hậu quả và các kĩ năng, quy tắc PT XHTD.

- Giảm hiểu những hoang mang, lo lắng của HS và hướng dẫn HS cách xử lý XHTD và các quy tắc ứng xử khi bị XHTD.

- Xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tôn trọng và yêu thương giữa CB, GV, HS trong nhà trường. Tạo ra mối liên hệ đoàn kết, hợp tác giữa gia đình - nhà trường- xã hội nhằm tạo dựng tin tưởng của HS trong hoạt động giáo dục PT XHTD.

1.3.3. Nội dung hoạt động giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh trung học phổ thông

Nội dung của hoạt động PT XHTD cho HS THPT bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể như sau:

Thực hiện tuyên truyền phổ biến tầm quan trọng, vai trò, vị trí của PT XHTD trong nhà trường. Cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường cần nắm vững kiến thức và nội dung về PT XHTD để phổ biến tới học sinh

Cung cấp kiến thức cho HS về yếu tố, nguy cơ và cách PT XHTD.

Giáo dục, trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về PT XHTD cho học sinh

Cung cấp cho HS các mức độ xâm hại tình dục: Hành vi xâm hại tình dục có thể thay đổi từ việc sờ mó bộ phận sinh dục của trẻ, thủ dâm, tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay, giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn. Xâm hại tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm, tìm cách hướng dẫn, kích thích tình dục trẻ, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em

Giáo dục cho HS kĩ năng PT XHTD như quy tắc bàn tay, nâng cao nhận thức. Hướng dẫn HS các quy tắc phòng tránh nguy cơ bị xâm hại:

+ Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.

+ Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.

+ Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.

+ Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa.

+ Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.

+ Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.

+ Không nói chuyện điện thọai với người lạ khi đang ở nhà một mình.

+ Không cho ai có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.

+ Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ Bố mẹ, ông Bà, anh chị em ruột của mình).

+ Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.

Hướng dẫn cho HS những chỉ dẫn giúp các em tránh nguy cơ bị động chạm không an toàn, bị xâm hại: Đứng ngay dậy; Nhìn thẳng vào kẻ định sàm sỡ; Lùi ra xa đủ để không cho họ với tay được đến mình và nói to/hét to và kiên quyết : Không! Hãy dừng lại ! Tôi không cho phép! Tôi không muốn! Nếu không dừng lại, tôi sẽ mách với mọi người …

+ Bỏ chạy đến chỗ an toàn nếu họ tìm cách sờ nắn hoặc ôm ấp mình và kêu to cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.

+ Kể ngay với cha mẹ hoặc những người tin cậy.

+ Nếu em bị sàm sỡ, xâm hại, hãy kể ngay với cha mẹ, người thân và cùng người lớn đến cơ sở y tế để khám.

+ Các em không nên phớt lờ, chối bỏ, né tránh vấn đề.

- Hướng dẫn HS cách xử lý khi bị xâm hại tình dục.

+ Nói chuyện với bố, mẹ, người thân,… về việc đã xảy ra để có cách giải quyết.

+ Không giấu diếm mọi chuyện mà phải tìm cách vạch trần “yêu râu xanh” để tránh gây hại cho những bạn khác.

+ Không che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng mình.

+ Nhờ bố mẹ, người thân đưa đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.

- Hướng dẫn cho HS cách tự bảo vệ bản thân khỏi vấn nạn quấy rối xâm hại tình dục.

- Động viên, khích lệ HS mạnh dạn tố giác tội phạm, có hành vi XHDT.

1.3.4. Phương pháp giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh trung học phổ thông

Những phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục PT XHTD có nhiều phương pháp. Trong phạm vi cho phép, luận văn đề cập đến một số phương pháp sau:

Phương pháp động não.

Động não là phương pháp giúp HS trong một thời gian ngắn nhận thức được các mức độ và cách thức tự vệ trước hành vi XHTD.

Xem tất cả 138 trang.

Ngày đăng: 08/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí