Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh tại trường trung học phổ thông văn hiến quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội - 2

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Ở bất kì thời đại hay chế độ nào, con người với trí tuệ và sức khỏe của mình luôn là chủ thể sáng tạo ra nền văn minh nhân loại. Đảng ta xác định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội, nên chỉ rõ “Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu” [5,6,7] và với: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập và chủ nghĩa xã hội; hình thành bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [23].

Đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường là một bộ phận quan trọng có tính chất nền tảng của giáo dục trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả đức lẫn tài. Đức là đạo đức cách mạng, đó là cái gốc quan trọng” [20] và Người cũng đã khẳng định: người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Qua lời dạy của Người và quan điểm của Đảng chúng ta thấy rằng giáo dục đạo đức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục con người, và để công tác giáo dục đạo đức đạt kết quả tốt thì việc quản lí giáo dục đạo đức là một trong các nội dung quan trọng của quản lí GD&ĐT con người nói chung.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, tính cạnh tranh của kinh tế thị trường làm xuất hiện một số mặt trái và cùng với các tệ nạn xã hội đã tác động rất lớn đến một bộ phận thế hệ trẻ. Một số thanh niên, HS, sinh viên sa vào lối sống tùy tiện, cẩu thả và thực dụng. Do vậy việc giáo dục đạo đức và quản lí giáo dục đạo đức cho HS trở lên cấp thiết. Nhiệm vụ của giáo dục đạo đức là giúp cho HS nhìn nhận những chuẩn mực đúng và các giá trị đúng vừa phục vụ lợi ích của bản thân và lợi ích của cộng đồng. Đảng và Nhà nước chỉ

rõ, trong những năm tới cần “Tăng cường giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác-Lênin …tổ chức cho HS tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa thể thao phù hợp với lứa tuổi và yêu cầu giáo dục toàn diện”. [7]

Trường THPT Văn Hiến, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội là một trường THPT dân lập năm ở trung tâm thành phố Hà Nội, có bề dày truyền thống và kinh nghiệm trong dạy học và giáo dục. Trong nhiều năm qua, nhà trường đã thu hút một lượng HS có kết quả thi vào lớp 10 THPT không cao, thường thì các em không đủ điểm đỗ vào các trường THPT công lập theo nguyện vọng đã đăng ký. Có thể nói chính những HS này dễ bị tác động tiêu cực trong đời sống xã hội, dễ bị ảnh hưởng của mặt trái của nền kinh tế thị trường. Vì vậy việc giáo dục đạo đức và quản lý giáo dục đạo đức cho HS của nhà trường là luôn luôn cần thiết và cấp bách. Qua theo dõi rất nhiều phụ huynh khi con họ “Chỉ đỗ vào trường ngoài công lập” thì coi đó như một sự “thất bại”, bởi mục tiêu của phụ huynh là phấn đấu học trường công lập. Từ đó sự quan tâm, sự đầu tư, của phụ huynh nhiều khi không thỏa đáng. Đội ngũ GV của nhà trường ngoài công lập đa số là GV trẻ, nhiệt tình nhưng kinh nghiệm chưa nhiều, và khi có đủ điều kiện họ sẽ phát triển đi dạy ở các trường công lập khác. Do đó việc quản lý hoạt động giáo dục đạo đức càng trở lên cấp thiết và được coi trong hàng đầu.

Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài “Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh tại trường THPT Văn Hiến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nộiđể nghiên cứu với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nói chung và chất lượng giáo dục đạo đức cho HS của nhà trường nói riêng.

2. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn hoạt động quản lý giáo dục đạo đức cho HS trường THPT dân lập, từ đó đề xuất một số biện pháp quản lý hoạt động giáo dục dục đạo đức của cho HS ở trường THPT Văn Hiến, quận

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

Hoàn Kiếm, Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường hiện nay, góp phần giáo dục toàn diện cho HS.

3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu

Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh tại trường trung học phổ thông văn hiến quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội - 2

* Khách thể nghiên cứu

Hoạt động giáo dục đạo đức cho HS trường THPT.

* Đối tượng nghiên cứu

Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS tại trường THPT Văn Hiến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Xây dựng cơ sở lý luận về quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS trường THPT dân lập

- Khảo sát và phân tích, đánh giá thực trạng quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS tại trường THPT Văn Hiến, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hiện nay.

- Đề xuất biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS tại trường THPT Văn Hiến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay

5. Câu hỏi nghiên cứu

Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS trường THPT Văn Hiến dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nào?

Những biện pháp quản lý nào có thể khắc phục những bất cập, khó khăn trong quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS trường THPT Văn Hiến?

6. Giả thuyết khoa học

Trường THPT Văn Hiến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là trường THPT dân lập, đạo đức của học sinh trong nhà trường vẫn còn những biểu hiện chưa tốt. Nếu xác định được đúng nguyên nhân và đưa ra được các biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS nhà trường một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương, thì sẽ nâng cao hơn chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường.

7. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu

- Đề tài tập trung biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS trường THPT dân lập Văn Hiến.

- Giới hạn về khách thể khảo sát, gồm: 5 CBQL, 45 GV, 250 HS.

- Số liệu khảo sát từ năm 2012 đến 2016.

8. Ý nghĩa của luận văn

* Ý nghĩa về lý luận

Hệ thống hóa lý luận về giáo đục dạo đức, quản lý giáo dục đạo đức cho HS trường THPT dân lập, chỉ ra những điểm mạnh và mặt hạn chế, tồn tại của công tác quản lý, cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng một số biện pháp quản lý hoạt động này.

* Ý nghĩa về thực tiễn

Kết quả nghiên cứu có thể áp dụng cho công tác quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho trường THPT Văn Hiến nói riêng và các trường THPT dân lập nói chung.

9. Phương pháp nghiên cứu

* Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận

Tiến hành phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và khái quát hóa các văn bản, tài liệu thể hiện quan điểm, đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo khoa học về quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS tại trường THPT để hình thành cơ sở lý luận của đề tài.

* Nhóm các phương pháp nghiên cứu thực tiễn

- Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi: Tiến hành xây dựng và khảo sát bằng phiếu hỏi đối với CBQL, GV và HS nhằm thu thập thông tin từ đó đánh giá thực trạng về quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS tại trường THPT Văn Hiến.

- Phương pháp phỏng vấn: Tiến hành phỏng vấn với một số CBQL như lãnh đạo, GV cốt cán nhà trường nhằm thu thập thông tin thêm, bổ sung cho

việc đánh giá thực trạng quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS tại trường THPT Văn Hiến.

- Phương pháp chuyên gia: Tiến hành lấy ý kiến của một số chuyên gia am hiểu vấn đề quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS tại trường THPT nhằm làm đánh giá chính xác thực trạng này ở trường THPT Văn Hiến.

* Phương pháp thống kê toán học

Tiến hành sử dụng các phép toán thống kê nhằm xử lý các số liệu đã điều tra được, từ đó thu được các số liệu phù hợp để đánh giá trong quá trình nghiên cứu.

10. Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và khuyến nghị, tài liệu tham khảo, phụ lục thì nội dung chính của luận văn được cấu trúc thành 3 chương như sau:

- Chương 1: Cơ sở lý luận của quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS ở trường THPT.

- Chương 2: Thực trạng quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS ở trường THPT Văn Hiến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

- Chương 3: Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS ở trường THPT Văn Hiến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay.

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG‌

1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển cá nhân và xã hội. Đạo đức được hình thành, phát triển cùng với lịch sử hình thành xã hội loài người và luôn được mọi tầng lớp, giai cấp, mọi thời đại quan tâm, xem nó như động lực tinh thần để hoàn thiện nhân cách con người trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Đạo đức là tổng hợp những nguyên tắc, quy định chuẩn mực hướng con người người tới chân, thiện, mỹ chống lại cái giả dối, cái ác cái xấu… Các chuẩn mực đạo đức xuất hiện do nhu cầu của đời sống xã hội, là sản phẩm của lịch sử xã hội, do cơ sở KT - XH quyết định. Bất cứ trong thời đại lịch sử nào, đạo đức con người đều được đánh giá theo khuôn phép chuẩn mực và quy tắc đạo đức chung của xã hội. Đạo đức là sản phẩm của xã hội, cùng với sự phát triển của sản xuất, của các mối quan hệ xã hội, hệ thống các quan hệ đạo đức, ý thức đạo đức, hành vi đạo đức cũng theo đó ngày càng phát triển, ngày càng nâng cao, phong phú, đa dạng và phức tạp hơn.

Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn khẳng định "Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội", có nguồn gốc từ lao động sản xuất và đời sống cộng đồng. Đạo đức là một phạm trù mang tính vĩnh hằng nhưng lại mang những đặc điểm của giai cấp, của dân tộc và thay đổi chuẩn mực trong từng giai đoạn lịch sử.[10]

Đạo đức vừa phản ánh và chịu sự chi phối của tồn tại xã hội được biến đổi theo sự biến đổi của tồn tại xã hội.

Trong quan niệm truyền thống dân tộc Việt Nam, giáo dục đạo đức luôn được coi là vấn đề cơ bản trong quan hệ Đức và Tài của nhân cách con người. Văn hóa hương ước làng quê Việt Nam có nhiều quy định ràng buộc

và yêu cầu cao về giáo dục con người sống có đạo đức, thậm chí đề cao đạo đức là cốt cách con người. Ngay từ thuở ấu thơ con trẻ đã được răn dạy “cái nết đánh chết cái đẹp”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, chế độ dân chủ nhân dân được thành lập, cùng với chế độ xã hội mới, nền văn hóa mới và nền giáo dục mới được xây dựng. Gắn liền với bản sắc và truyền thống dân tộc, vấn đề giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ và cho mọi tầng lớp nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Đường lối phát triển văn hóa giáo dục nhất quán và một hệ thống pháp luật, các thể chế về xây dựng đạo đức xã hội XHCN và giáo dục đạo đức con người mới đã dần từng bước được hoàn thiện và phát huy tích cực với thực tiễn đời sống xã hội, mà trước hết được thể hiện trong chương trình giáo dục, lồng ghép trong nội dung các môn học trong mọi cấp học.

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, Bác Hồ là người đặc biệt quan tâm đến đạo đức và giáo dục đạo đức cho cán bộ, HS. Bác đã chỉ rõ rằng đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Bác luôn căn dặn Đảng ta phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, HS thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng’’ vừa “chuyên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nội dung cơ bản trong quan điểm đạo đức cách mạng là: Trung với nước, hiếu với dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; yêu thương con người; tinh thần quốc tế trong sáng.

Ở phương Tây, thời cổ đại, nhà triết học Socrate (469-399 TCN) cho rằng cái gốc của đạo đức là tính thiện. Bản tính con người vốn thiện, nếu tính thiện ấy được lan tỏa thì con người sẽ có hạnh phúc. Muốn xác định được chuẩn mực đạo đức, theo Socrate, phải bằng nhận thức lý tính với phương pháp nhận thức khoa học.[10]

Khổng Tử (551-478 TCN) là nhà hiền triết nổi tiếng của Trung Quốc. Ông xây dựng học thuyết “Nhân - Lễ - Chính danh”, trong đó, “Nhân” - Lòng thương người - là yếu tố hạt nhân, là yếu tố cơ bản nhất của con người. Đứng

trên lập trường coi trọng giáo dục đạo đức, Ông có câu nói nổi tiếng truyền lại đến ngày nay “Tiên học lễ, hậu học văn”.[10]

Trong những năm gần đây, nhiều giáo trình đạo đức được biên soạn khá công phu. Tiêu biểu như giáo trình của Trần Hậu Kiểm (Nxb Chính trị Quốc gia, 1997); Phạm Khắc Chương - Hà Nhật Thăng (Nxb Giáo dục, 2001);…

Khi nghiên cứu về vấn đề giáo dục đạo đức các tác giả đã đề cập đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức và một số vấn đề về quản lý công tác giáo dục đạo đức.

Về mục tiêu giáo dục đạo đức, tác giả Phạm Minh Hạc đã nêu rõ: “Trang bị cho mọi người những tri thức cần thiết về tư tưởng chính trị, đạo đức nhân văn, kiến thức pháp luật và văn hóa xã hội. Hình thành ở mọi công dân thái độ đúng đắn, tình cảm, niềm tin đạo đức trong sáng đối với bản thân, mọi người, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và với mọi hiện tượng xẩy ra xung quanh. Tổ chức tốt giáo dục giới trẻ; rèn luyện để mọi người tự giác thực hiện những chuẩn mực đạo đức xã hội, có thói quen chấp hành quy định của pháp luật, nỗ lực học tập và rèn luyện, tích cực cống hiến sức lực, trí tuệ vào sự nghiệp CNH- HĐH đất nước” [14, tr 168-170].

Để nâng cao chất lượng đạo đức trong thời kỳ đổi mới đó có một số nhà khoa học nghiên cứu về quản lý công tác giáo dục đạo đức. Tuy còn ít ỏi nhưng có thể kể đến các công trình sau:

- “Một số vấn đề quản lý giáo dục đạo đức cho HS THPT Thành phố Huế” Phạm Văn Công (Khoa Sư phạm ĐHQGHN, 1999).

- “Biện pháp tổ chức phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục đạo đức cho HS THPT Huyện Mỹ Đức (Hà Tây) hiện nay” Bùi Đức Thảo (Khoa Sư phạm ĐHQG HN, 2008).

- “Các biện pháp quản lý công tác giáo dục của Hiệu trưởng trường THPT tỉnh Hưng Yên” Đỗ Quang Hợp (Khoa Sư phạm ĐHQG HN, 2007).

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 17/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí